Yêu Đương Ngọt Ngào Không Thuộc Về Tôi

Chương 148




Mẹ tôi quyết định đưa tôi đến Thành Đô. Trên xe taxi, bà hỏi tôi một lô những câu hỏi không ăn nhập, ví dụ như tôi có phải thuận tay trái không, có thích ăn thịt kho tàu không, đêm ngủ có nghiến răng không, lúc đi đường có phải là đi một hồi sẽ bỗng dưng biến thành thuận theo chiều gió……. Tôi một mực trả lời bằng những cái lắc đầu.

Bà tựa như hơi tức giận, phụng phịu nhìn tôi nói: “Bạn nhỏ Mã Trác, con có cách nào dùng âm thanh để trả lời câu hỏi của mẹ không hở?”

“Vậy thì mẹ hỏi câu nào có ý nghĩa một chút đi.” Tôi nói.

Bà thoáng sửng sốt, cười, sau đó vỗ thật mạnh lên vai tôi một cái: “Quả nhiên là mang phong cách của mẹ!”

Bà ấy không biết, trong nội tâm tôi đang tiến hành một cuộc giằng co kịch liệt. Đi, không đi? Mặc dù xưa nay bà chưa từng xuất hiện, nhưng ra đi cũng không phải là một ý niệm tôi chưa từng có. Nói thật ra thì tôi căm ghét cuộc sống hiện tại, đi theo bà hình như là một sự sắp đặt sẵn của ông trời, tôi làm sao có thể cãi lại đây?

Thế là tôi tuân theo số mệnh mà đứng ở bến xe đường dài, trong văn phòng bán vé vừa dơ dáy vừa chật chội, đợi mẹ tôi đi mua vé, sau nữa thì chúng tôi không lên kịp chuyến xe cuối cùng trở về Thành Đô đêm đó, bà lại dắt tôi đi gọi xe, đến Thành Tây đem tôi tìm đến một nhà trọ nhỏ để tạm trú. Chúng tôi không có bất cứ hành lý gì, bà ghé vào một siêu thị gần đó mua về một túi gồm những vật dụng sinh hoạt cần thiết, xin nước sôi từ nhân viên phục vụ, nấu mì gói cho tôi ăn.

Bà cởi chiếc váy vướng víu ra, giày cũng đá văng, ngồi cùng với tôi bên mé giường ăn mì. Vừa ăn vừa hỏi tôi: “Mã Trác, mẹ so với những gì con tưởng tượng có giống nhau không?”

Tôi ngốc nghếch lắc lắc đầu.

“Có phải đẹp hơn không? Hì hì.” Bà nhìn tôi một cách rất vênh váo.

Phen này thì tôi ngoan ngoãn thành thật gật đầu.

Bà lại cười, lúc bà cười lên trông rất buông thả, miệng ngoác rõ to, mắt cong đến độ không thể cong hơn, giống như những cô bé trong phim hoạt hình anime của Nhật. Tôi nhìn đến ngây ngốc, nhất định là bà đã đói, húp sùm sụp hết nửa bát nước mì, sau đó bảo: “Tốt nhất là con nên cầu cho không bao giờ bị Chú Út của con tìm được, còn không, nhất định nó sẽ giết chết chúng ta.”

“Tại sao cha của con lại chết?” Tôi hỏi bà.

Bà nhìn tôi, có vẻ như không thể nào tin được, nói: “Bọn họ chưa từng nói cho con biết?”

Tôi lắc lắc đầu.

“Là ngoài dự liệu.” Bà ấy bảo, “Số của cha con xui, mẹ chỉ có thể nói như vậy.”

“Nhưng mà Chú Út tại sao lại muốn giết chúng ta?”

Bà húp hết chút nước mì còn sót lại, vứt bát mì qua một bên, hai cánh tay vươn lên giữa không trung, ngáp một cái rõ to, nói: “Buồn ngủ rồi, chúng ta phải đi ngủ thôi, ngày mai phải đón chuyến xe sớm nhất đi Thành Đô.”

Trông thấy bà không muốn nói, tôi cũng không tiếp tục hỏi.

Căn phòng trọ rất nhỏ, chăn rất ẩm ướt. Cả một đêm căn phòng ám mùi mì gói xua không đi, làm tôi buồn nôn. Chúng tôi vốn là mỗi người ngủ một chiếc giường đơn, ngay lúc tôi đang thiu thiu, mẹ bỗng dưng nói với tôi: “Con có lạnh không, có muốn qua đây?”

Tôi lắc đầu trong bóng tối. Tôi hoàn toàn không biết vì sao mình lại đi lắc đầu. Thật ra thì tôi đã không chỉ một lần nằm mơ đến cái ôm của mẹ, như chăn bông, như mây trời, như một vũng nước hồ nông nông. Trong mơ, nó cõng tiếng ngáy say giấc nồng của tôi. Tôi không biết mình lưu luyến cảm giác đó đến nhường nào. Thế nhưng, tôi lại cứ kiên định như thế mà lắc đầu. Trong những tháng năm khúc khuỷu truân chuyên mà tôi dần lớn lên, tôi thường là một người làm trái ngược với lòng mình, tôi cứ luôn trong ngoài bất nhất, đôi lúc chỉ vỏn vẹn vì một chút cảm giác ấm ức vô duyên vô cớ, thậm chí chẳng có một lý do gì, tôi cũng sẽ đứng trước rất nhiều sự việc khăng khăng làm theo ý mình, từ bé đã vậy, hoạch định sẵn tương lai của tôi.

Tuy nhiên, đợt lắc đầu ấy, nhất định là bà đã không trông thấy. Thấy tôi không lên tiếng, bà đã tự mình mò vào giường tôi, nhẹ nhàng ôm lấy tôi từ phía sau, nói: “Lúc còn bé, con thích ngủ dán vào mẹ.”

Tôi nằm xây lưng với bà, khoé miệng ngậm chiếc mền ẩm ướt, nước mắt lặng lẽ chảy xuôi.

“Đừng trách mẹ.” Bà lẩm bẩm rồi ôm chặt tôi, tựa như rất nhanh sẽ đi vào giấc ngủ. Ngón tay của bà buông trước ngực tôi, ngón tay vô cùng mảnh mai. Và thân thể rất gầy gò của bà, lành lạnh, tựa như không có chút hơi ấm nào. Người đàn bà xa lạ này, bà ấy là mẹ tôi. Bà không giống bất cứ một người mẹ nào của những bạn học của tôi, bà quá trẻ, quá xinh đẹp, quá không thực tế. Tôi hơi không quen với sự ôn tồn của bà, nhưng cuối cùng không đẩy bà ra, ôm một bầu tâm sự phức tạp ở trong lòng, mãi đến nửa đêm tôi mới ngủ, nhưng lại rất nhanh chóng bị ác mộng làm giật mình tỉnh giấc. Tôi mơ thấy Chú Út giơ cao con dao phay, chém từ vai mẹ chém xuống, máu từ trên mình bà phun ra, giống như dung nham sôi sục. Bà vẫn cười, môi miệng đỏ tươi, nét cười duyên dáng.

Lúc tỉnh dậy, tôi phát hiện toàn thân mình ướt đẫm mồ hôi, lẩy bẩy yếu ớt như sắp sinh bịnh nặng.

Cuộc sống thay đối quá nhanh, không phải là điều một đứa trẻ non nớt như tôi có thể tiếp nhận được. Hoặc có lẽ tôi vẫn nên ngoan ngoãn quay lại với cuộc sống trước kia, như thế mới có thể đạt được sự an toàn về lâu về dài.

Mẹ đã không còn ôm tôi nhưng vẫn quay mặt về phía tôi, giấc ngủ rất sâu, tôi chỉ có thể phân biệt được từ hơi thở đều đều. Lúc trời vừa hửng sáng, tôi vẫn còn đang chăm chú nhìn gương mặt xinh đẹp của bà, tôi nghĩ chắc tôi sẽ không thể nào quên gương mặt này, cho dù trôi qua bao lâu, cho dù sau này chúng tôi có thể bên nhau hay không, tôi đều nhất định phải nhớ kỹ, không thể nào lãng quên.

Bà vẫn cứ ngủ, không phát hiện ra ánh nhìn chăm chú của tôi.

Cuối cùng tôi hạ quyết tâm, ra khỏi chăn, mang giày của mình vào, mặc áo khoác. Tôi mở ví tiền của bà đang đặt trên gối, phát hiện bên trong có không ít tiền, nhưng tôi chỉ lấy một tờ mười đồng, ra đến bên cửa, khẽ mở cửa. Ngay lúc tôi sắp sửa bước ra ngoài, bỗng chợt nghe bà gọi tôi: “Mã Trác!”

Tôi kinh hoảng ngoái đầu, phát hiện bà đã từ trên giường ngồi dậy, mái tóc dài của bà hơi rối, che khuất đi một bên mắt của bà. Nhưng tôi có thể đọc rất rõ ràng vẻ ưu thương trong mắt của mẹ.

Một khắc khi tôi hung hăng kéo sập cửa lại, có lẽ đã có 0,1 điểm quyến luyến, nhưng tôi đã không thể nào phân biệt chính xác cảm giác quyến luyến này rốt cuộc có thể làm cho tôi quay đầu hay không.

Cuối cùng tôi vẫn vứt bỏ bà ấy. Tựa như lúc ban đầu bà ấy đã không chút quyến luyến mà vứt bỏ tôi.

Tôi cầm mười đồng trong tay, co cẳng chạy.

Tây Thành cách nhà tôi khá xa, tôi bắt một chiếc taxi bên đường, tài xế trông thấy tôi là một đứa trẻ, không chịu chở tôi, tôi phất phất mười đồng trong tay với ông ta, ông ta mới gật đầu để cho tôi lên xe. Vừa lên xe tôi đã vội vàng quay đầu nhìn cửa kính phía sau xe —- thật ra trong lòng tôi mong bà ấy có thể đuổi theo, bất kể là đuổi kịp hay không kịp, bất kể là tôi có chịu quay lại hay không. Chí ít nên để cho tôi nhìn vẻ mặt của bà ấy, vẻ mặt đầy thất vọng, còn hơn là để tôi bỏ chạy lẻ loi chật vật như một đứa ăn cắp vặt.

Thậm chí tôi còn cảm thấy, chỉ cần có thể nhìn thấy bà ấy với nét mặt đầy thất vọng, tôi sẽ cảm thấy vui vẻ. Tuy tôi không hiểu về báo thù, nhưng tôi cũng sẽ cảm thấy như giành lại được chút gì đó, bất kể là thứ giành lại được đến tột cùng sẽ mang lại cho tôi hạnh phúc hay đau buồn.

Nhưng sự thật thì, bà ấy không ra rượt theo. Tôi cứ cố ngoái đầu ngóng trông, khát vọng khuôn mặt của bà ấy xuất hiện, nhưng chỉ có từng lớp từng lớp mưa bụi lất phất bay trong buổi sớm mai đáp lại sự mong mỏi của tôi. Tôi biết, không rượt theo, chỉ mang ý nghĩa là càng thất vọng. Tôi nhất định đã khiến cho bà thất vọng tuyệt đỉnh rồi, tôi thật tình đã có lỗi với bà, giống như bà ấy luôn có lỗi với tôi như thế.

Đợi lúc tôi về đến nhà, nội đang giặt đồ trong sân, nội giống như sớm đã biết tôi sẽ quay về, đầu cũng không ngẩng lên bảo tôi: “Trên bàn có cháo, bánh bao, con ăn xong rồi đi học vẫn còn kịp.”

Chú Út từ trong nhà bước ra, trông thấy tôi, một câu cũng không nói, xách một cây roi trúc từ ngoài mé sân quất túi bụi lên đầu lên cổ tôi. Tôi dùng tay ôm đầu tính chạy trốn, nhưng căn bản là chạy không xong, mắt nhìn thấy roi của ông ấy lại sắp quất lên đầu mình, đang quýnh quáng tôi chợt nhanh trí la to về phía cổng nhà: “Mẹ!”

Ông ta ngoái đầu nhìn, tôi đã chạy được đến bên cạnh nội.

Bà nội che chở tôi, nói với ông ta: “Không liên quan đến con bé, con lo đi làm việc của con đi.”

Chú Út dùng roi hung hãn chỉ vào tôi nói: “Mày mà còn chạy theo con đó lần nữa, thì vĩnh viễn đừng quay về cái nhà này. Nhà này không phải là sở công đức, muốn tới là tới, muốn đi là đi!”

Tôi gật đầu.

“Con mụ họ Lâm hiện giờ đang trốn nơi nào?”

“Bà ấy về Thành Đô rồi.” Tôi nói.

“Xem như nó may mắn!” Chú Út vứt roi trúc xuống đất, hầm hầm ra khỏi cửa.

Tôi không kịp ăn một miếng cơm đã đeo cặp chạy tới trường, nhưng buổi học hôm ấy tôi vẫn tới muộn. Tôi ngồi chỗ cạnh tường, bạn cùng bàn Châu Điển Danh ngồi chết dí ở đó, không chịu để cho tôi vào chỗ ngồi. Tôi giữ phép lễ độ nói với cậu ta: “Cậu nhường chỗ một chút.”

Cậu ta làm như không nghe thấy.

Tôi lại nói: “Xin cậu nhường chỗ một chút.”

Cậu ta vẫn mặc kệ tôi.

Chiếc cặp của tôi giáng thẳng xuống đầu của cậu ta.

Cậu ta ôm đầu la lên, thầy chủ nhiệm đang còn viết chữ ở trên bảng quay xuống nói: “Châu Điển Danh, em bị sao vậy?”

“Tổ Vò Vẽ lấy cặp đánh em!” Châu Điển Danh uất ức la lớn.

Tổ Vò Vẽ (Mã Phùng Sào) là biệt danh của tôi, tôi ghét nhất khi người ta kêu cái biệt danh này, thế là cặp của tôi lại nện mạnh xuống đầu của cậu ta.

Cả lớp nhao nhao ầm ĩ.

“Mã Trác!” Thầy chủ nhiệm nói, “Đi trễ mà em còn đòi gì nữa?! Em đi đứng ngay cuối lớp cho tôi!”

Tôi đứng hết nguyên hai tiết học ở cuối lớp, chân đứng mỏi nhừ, không một ai kêu tôi quay về chỗ ngồi, không một ai đồng tình với tôi. Nhưng mà tôi không cho phép mình rơi nước mắt, đứng thì đứng, đứng cũng không chết người. Mãi đến khi giáo viên dạy toán lên lớp, tôi mới được cho phép trở về chỗ mình ngồi.

“Trẻ không có mẹ, không được dạy dỗ!” Tôi nghe thầy chủ nhiệm nói với giáo viên dạy toán.

Tôi vẫn không khóc, vì sao mà tôi phải khóc?

Tôi đương nhiên sẽ không khóc.

Khóc cho ai coi, ai sẽ đau lòng?

Trước giờ buổi trưa tôi không về nhà, mỗi ngày hai đồng, có thể nhập bọn ở trường. Nhưng hôm đó tôi quyết định về nhà. Vật vờ một đêm, lại bị đứng nguyên buổi sáng, tôi thật tình ăn cơm hết nổi, chỉ muốn về nhà ngủ trưa một giấc. Nhưng đợi đến lúc tôi vừa đặt chân qua cổng, liền phát hiện tình hình không đúng, cửa nhà khoá chặt, nội không biết đã đi đâu rồi. Thế là tôi vòng ra phía sau, leo cửa sổ nhà bếp vào. Ngay lúc tôi chuẩn bị tìm chút gì để ăn trong bếp, chợt nghe trong phòng của Chú Út có động tĩnh, giờ này mà ông ta lại ở nhà!

Nhất định có chuyện gì đã xảy ra.

Tôi mò đến trước cửa phòng Chú Út, nghe được Chú Út đang hỏi: “Năm vạn của anh tao, rốt cuộc mày đem đi đâu rồi?”

Không nghe âm thanh nào.

“Sáu năm đã qua, mày cứ được hưởng lợi, thêm một mạng của anh tao, trả mười vạn, không tính là nhiều chứ?”

Vẫn không có âm thanh nào.

“Mày không đưa, tao sẽ tới Thành Đô đòi từ cái lão chồng người Hồng Kông của mày, nghe nói lão rất nhiều tiền, tao đoán chắc cũng không thiếu mười vạn tám vạn này, mày bảo có đúng hay không?”

Vẫn không có bất cứ ai trả lời.

“Nếu mà mày đồng ý, thì gật đầu, còn không đồng ý thì lắc đầu.” Chú Út nói, “Tao có thể để mày suy nghĩ kỹ đến năm giờ chiều, trước khi Mã Trác đi học về, không thì đừng trách tao không khách sáo! Nghĩ cho kỹ đi, ông đây ngồi ngoài đánh bài chờ mày.”

Nghe tới đây, tôi vội vàng trốn sau cửa bếp.

Không lâu sau, xuyên qua khe cửa, tôi thấy Chú Út và ba gã thanh niên bước ra từ phòng của ông ta, lôi bàn mạt chược ra, bắt đầu chơi bài thật.

Một trong mấy người hỏi chú út: “Con mụ này thật cứng, nếu như thật tình không đưa tiền, mày tính phải như thế nào?”

“Hành chết nó.” Chú Út nghiến răng nghiến lợi nói.

Tôi bị doạ sợ đến ớn lạnh.

“Bà già mày mà biết được thì không ổn đâu?”

“Yên tâm đi, bà già bị tao xua đi rồi, chưa đến đêm thì sẽ không về đâu.” Chú Út nói, “Không ăn không uống không đi vệ sinh, tao không tin là nó có thể chống đỡ đến khi đó. Bọn mình đánh hai ván, vào lại bên trong thì cái gì nó cũng sẽ bằng lòng thôi! Một mạng này của anh tao, bao nhiêu năm qua tao cứ nghĩ đến là cảm thấy nghẹn cứng ở trong lòng, lần này nó cứ nhất định đòi đưa tới tận cửa, coi như nó xui!”

Tôi có ngu hơn nữa cũng đã có thể đoán được bên trong là ai. Nhất định là bà ấy đã quay lại tìm tôi, cho nên mới bị Chú Út nhốt, trời ơi, tôi biết phải làm sao?

Tôi trốn sau cánh cửa, đầu óc xoay chuyển cực nhanh:

Nếu như bọn họ cứ ở trong nhà đánh bài, tôi không có cách nào vào được trong phòng để cứu bà ấy. Nếu như tôi kêu cảnh sát? Trời ạ, tôi phải nói như thế nào? Chú Út liệu có bị bắt không, nội tôi liệu có bị liên luỵ?

Tôi chỉ là một đứa trẻ chín tuổi, với trí lực và kinh nghiệm có hạn của tôi, tôi không sao nghĩ cho rõ ràng được những vấn đề này.

Nhưng tôi nhất định phải cứu bà ấy, điều này không nghi ngờ vào đâu được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.