[Xuyên Nhanh] Sau Khi Vứt Bỏ Tra Công

Chương 42




Khi An Hách chạy về tới nhà thì ở cửa không còn nghe thấy tiếng mạt chược, điều này khiến y đột nhiên cảm thấy có chút không quen lắm.

Y lấy chìa khóa ra mở cửa, trong phòng không có đám bạn của mẹ, nhưng hai cái bàn chơi mạt chược thì chưa dọn dẹp qua nên rất lộn xộn. Mẹ cầm điếu thuốc ngồi cạnh bàn, đối diện đó là một người phụ nữ rất gầy, khoảng chừng hơn ba mươi tuổi, trang điểm rất kỹ. Hai người đàn bà không biết là đang trao đổi suy nghĩ hay là đang đấu mắt nữa, khi An Hách tiến vào cả hai đều không động đậy gì.

An Hách đi đến cạnh mẹ, khẽ nắn vai bà, “Sao vậy mẹ,” Mẹ đập lên điếu thuốc cho tàn rơi xuống, dùng đầu điếu thuốc chỉ vào người phụ nữ kia.

“Chị à, chuyện này dù gì cũng phải giải quyết chứ,” Người phụ nữ kia đảo mắt qua liếc nhìn An Hách, “Gọi con trai chị đến cũng phải giải quyết, em tới đây không phải là để cãi nhau.”

“Bớt giả bộ đi, trong lòng không bứt rứt, khó chịu hả. Tết nhất nhịn không nổi muốn qua làm loạn với bà mà còn giả bộ nhỉ,” Mẹ cười lạnh một tiếng, “Là người thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám còn cho rằng mình hơn người khác đấy.”

Người phụ nữ kia cũng cười: “Con trai chị cũng lớn thế rồi cũng nên nghĩ thoáng đi chứ, cứ ôm khư khư cuộc hôn nhân trên danh nghĩa này thì có nghĩa lý gì? Ngay cả số điện thoại của ảnh chị còn không biết nữa là…”

“Ra ngoài,” An Hách cắt ngang lời của ả, chỉ về cửa, “Đi ra ngoài.”

“Hôm nay mà không giải quyết xong chuyện này thì tôi sẽ không đi,” Người phụ nữ đề cao giọng, “Tôi và An Chí Phi có tình cảm với nhau! Đã vậy vì sao mấy người còn không chịu tự tìm cho mình một con đường khác?”

“Muốn ly hôn thì bảo An Chí Phi tự mình về nói đi.” An Hách nhìn ả.

Người phụ nữ đó không nói gì.

Trong lòng An Hách biết đó là chuyện gì, ba mẹ đã dằn vặt nhau nhiều năm như vậy song lại chưa từng đề cập tới chuyện ly hôn. Tuy An Hách không hiểu được nguyên nhân, nhưng lại rất rõ ràng đó không phải ý của ông kia.

“Đi ra ngoài.” Y lặp lại lời trước đó.

“Tôi đã đến đây thì sẽ không đi dễ dàng vậy đâu.” Người phụ nữ rất bình tĩnh đáp.

An Hách nhìn chằm chằm ả vài giây, đi vào phòng bếp, lúc trở ra thì tay đang xách một con dao phay. Không đợi ả hiểu được, An Hách đã nâng tay chém một nhát lên mặt bàn trước mặt ả, dao ghim sâu vào mặt bàn.

“Á!” Mẹ kêu lên một tiếng, điếu thuốc cầm trong tay cũng rớt xuống đất, “Bàn của mẹ!”

Người phụ nữ kia cứng đờ cả người, qua một hồi lâu vẫn không nói được lời nào.

“Ra ngoài,” An Hách nhắc lại một lần nữa, “Tính tôi không tốt lắm đâu, mà phiền nhất là khi có kẻ làm tôi không được nghỉ ngơi trong thời gian nghỉ đấy.”

Người phụ nữ kia nhìn con dao trên bàn, chậm chạp đứng lên, dừng tại chỗ trong chốc lát sau đó thì xoay người đi ra cửa.

“Làm tốt lắm!” Mẹ vỗ lên mặt bàn một cái.

An Hách nhìn bà một cái song không nói chuyện mà theo người phụ nữ kia ra khỏi cửa.

“Cậu còn muốn làm gì?” Người phụ nữ kia đứng ở cửa quay đầu lại nhìn y.

“Nếu chị muốn thì cứ thế mà tiếp tục bưng bít với ba tôi, không muốn thì cút  đi,” Giọng của An Hách không lớn, nhưng lại rõ ràng từng chữ một, “Muốn ly hôn thì cứ bảo ba tôi về nhà mà tự nói.”

“Ý này là nếu anh ấy chịu về nói, mẹ cậu sẽ trả tự do cho ảnh?” Người phụ nữ xoay người sang.

“Tôi không biết,” An Hách cười, “Nếu ông ta dám trở về, tôi sẽ giết chết ổng ngay.”

Người phụ nữ sửng sốt vài giây, vẻ mặt đầy kinh ngạc: “Cậu cũng đâu phải con nít nữa, sao có thể nói ra những lời như vậy? Cậu có cái quyền gì…”

“Bọn họ nợ tôi một mái nhà,” An Hách ngừng cười, giọng nói vẫn không lớn như trước, “Cho dù chỉ là cái xác cũng phải để tôi giữ lại, kẻ nào dám phá hủy thì cái gì tôi cũng làm được đấy.”

Người phụ nữ quan sát y, chậm rãi lùi về sau, cuối cùng xoay người chạy về phía cầu thang của dãy hành lang: “Đồ điên!”

An Hách trở về phòng, mẹ vẫn ngồi ở đó, ngây người nhìn đồ ăn trên bàn.

Y bước qua rút dao phay ra, đem trả lại bếp, mặc áo khoác vào không nói với mẹ câu nào mà cứ thế mở cửa đi ra.

“An Hách.” Mẹ ở trong phòng gọi y một tiếng.

“Dạ?” Y đứng ở ngoài cửa không nhúc nhích.

“… Không có gì, đi đi,” Mẹ gạt quân mạt chược trên bàn, “Ài, thế là hỏng bét tâm trạng một ngày của mình rồi.”

An Hách đóng cửa lại, đứng bên ngoài cửa một lát, lúc nghe được tiếng mẹ gọi điện triệu tập bè bạn đến y mới chậm chạp đi bộ xuống lầu.

Trên đường trở về nhà, An Hách cảm thấy rất buồn bực, y hạ cửa kính xuống, gió lạnh thổi vào khiến cả răng cũng phải run lên cầm cập song cũng không thể giảm bớt cảm giác khó chịu từ tận sâu trong nội tâm, khí lạnh đều không thấu vào được.

Về đến phòng, y kéo tất cả màn cửa ra, mở nhạc nghe, chọn đại một đĩa nhạc dương cầm bỏ vào rồi từ trong tủ lấy ra bộ ấm thủy tinh học trò tặng nhân ngày nhà giáo năm ngoái, mang mớ nguyên liệu mua từ siêu thị về đi vào phòng bếp.

Y muốn nấu một ấm trà trái cây: dứa, mứt chanh dây, chanh, túi trà.

An Hách chưa từng nấu trà trái cây, rửa sạch dứa xong thì đem ra thái cả hơn nửa ngày, đến lúc thái xong thì cảm giác muốn uống trà trái cây cũng chẳng còn nữa. Miếng dứa cắt ra to nhỏ không đều, hình dạng khác nhau, y không biết Na Thần làm sao có thể cắt được dứa ngay ngắn như từ một khuôn ra vậy.

Chẳng qua dù gì cũng đã thái xong rồi, y bỏ tất cả nguyên liệu vào ấm, xếp vào cũng được nửa cái ấm, sau đó đổ nước vào cũng coi như là đầy khiến y có cảm giác thật thành tựu. Nhưng đợi khi nấu xong rồi thì cảm giác đó cũng chẳng còn tồn tại nữa.

An Hách nhấc ấm lên, có chút mê mang nghiền ngẫm thứ chất lỏng nâu đậm cùng xác trái cây kỳ lạ trong ấm.

Cái này tựa như hoàn toàn không phải loại trà mà Na Thần đã nấu. Y nếm thử một miếng, hương vị…

Thế là căn cứ theo nguyên tắc không thể tùy tiện lãng phí, An Hách để nguội bình trà rồi cho vào tủ lạnh, mở một chai nước trái cây ra.

Những ngày nghỉ thế này vẫn không sao thấy khỏe được, An Hách cứ nửa tỉnh nửa mê phí phạm mấy ngày trời trên giường và trong bồn tắm. Mẹ không gọi đến lần nào, ba thì vẫn bặt vô âm tín như cũ, cả người đàn bà tới tuyên chiến thất bại cũng không có động tĩnh gì.

An Hách có cảm giác mấy ngày qua như bị đông lại, như keo đặc thế nào cũng không dứt được.

Mãi cho đến khi hơn hai mươi đứa học trò tràn vào phòng khách mới xem như kéo y về với hiện thực, nhớ tới lần trước nói với chúng là hôm nay đến chúc tết cũng được.

“Chúc sếp An năm mới vui vẻ ạ!” Một đám học sinh đứa nào đứa nấy đều rất hưng phấn, vừa vào tới cửa liền đồng thanh chúc tết, hai cậu nam sinh khiêng bồn cây quất đặt vào chính giữa phòng khách.

“Năm mới hạnh phúc, cám ơn các em,” An Hách kéo bồn quất sang một bên, thuận tay hái một quả từ trên cây xuống, “Đẹp lắm, mà giờ thầy cũng chẳng biết đãi mấy đứa cái gì, cứ tự chọn đi.”

“Sếp An ơi, khát khô cổ rồi. Nước nhà thầy ở đâu?” Trương Lâm mở tủ lạnh ra, “Có đá không thầy?”

An Hách đang định nói em lấy nước trái cây uống đi, còn chưa kịp mở miệng thì Trương Lâm đã lôi bình trà trái cây bỏ trong tủ lạnh từ mấy hôm trước ra, cũng chẳng cần ly, cứ thế mà ngửa đầu lên tu, y thở dài: “Có…”

Trương Lâm uống đến nửa bình, lau miệng rồi chạy ra chen chúc vào đám con trai đang ngồi ở sofa: “Đã quá!”

An Hách quan sát cậu chàng cả nửa ngày, hình như không có phản ứng gì xấu, thằng nhóc này không có vị giác à?

Hoạt động chúc tết của học sinh vào năm mới thật ra cũng chỉ có năm phút đầu còn liên quan đến mục đích chính chứ sau đó liền biến thành dịp tụ họp của bọn chúng.

An Hách ngồi ở một bên nghe đám choai choai tám đầy khí thế, nội dung ban đầu là tiền mừng tuổi, nói một hồi chuyển sang kể thầy này bị nói ngọng, cô kia già đến năm mươi tuổi còn mặc váy ngắn, rồi đứa nào đánh nhau với đứa nào, đứa nào ngủ gật trong lớp, đứa nào đi uống rượu, xong rồi làm chuyện người lớn…

“Này này này,” An Hách cắt ngang lời chúng, “Cũng vậy thôi mà, nói cứ như thật ấy, thế đã chưa, chắc là trong lòng hâm mộ người ta lắm đúng không.”

Đám học sinh thấy vui, cười giỡn nửa buổi rồi đổi đề tài, bắt đầu nghiên cứu xem lát nữa đi đâu chơi tiếp.

“Đi karaoke đi.” Hứa Tĩnh Diêu cười đề nghị.

“Được đó!” Trương Lâm lập tức hưởng ứng theo.

Nghe được giọng của Hứa Tĩnh Diêu, An Hách đột nhiên cảm thấy hoảng hốt.

Từ ngày cùng Na Thần đi bệnh viện số 5 xong, hai người bọn họ không còn liên lạc nữa, tựa như mấy lần trước vậy.

An Hách nhìn Hứa Tĩnh Diêu, cô bé rất thanh tú nhưng vẻ ngoài thật chẳng giống Na Thần chút nào. Na Thần có ngoại hình đẹp mà đường hoàng, mang theo vẻ lạnh nhạt, cũng chỉ vì hắn hiếm khi thả lỏng thế nên khi nhìn thấy hắn tươi cười trông có vẻ thật trẻ con.

Trước mắt y lại thoáng hiện lên dáng vẻ Na Thần đóng cửa xe ngày đó, còn cả câu, tôi có dự cảm…

Có dự cảm.

Dự cảm gì?

Tuy rằng đã tự nhủ với lòng về sau đừng có liên quan gì tới người này nữa nhưng suy nghĩ của An Hách cũng có chút lung lay. Y không thể không thừa nhận, trong mấy tháng không dài kia, vài lần gặp gỡ điên cuồng ấy khiến y bị ảnh hưởng.

Nhưng về phần Na Thần nghĩ gì thì y không biết.

Đám học trò ngồi đùa giỡn đến tận trưa mà vẫn không có ý ra về, An Hách thở dài, gõ gõ lên bàn: “Mấy đứa tám cũng nhiều rồi ấy nhỉ?”

“Sếp An đuổi người kìa!” Có đứa la lên.

“Muốn đuổi từ sớm rồi, ồn chết đi được. Suốt kỳ nghỉ đông này còn chưa có cơ hội tám hả,” An Hách cười, phất phất tay, “Mấy đứa không phải muốn đi karaoke à.”

“Dạ,” Hứa Tĩnh Diêu nhìn y, “Sếp An đi luôn không ạ?”

“Thầy không đi đâu, mấy đứa cứ đi đi,” Trong tiếng ồn ào, An Hách lại gõ lên mặt bàn, đề cao giọng, “Tất cả gọi điện báo tin đi đứng hôm nay cho gia đình đi, không tôi cho mấy cô cậu một trận đấy.”

Đứa nào đứa nấy liền lôi điện thoại ra gọi về nhà, sau đó hưng phấn vừa thảo luận vừa đi về phía cửa. An Hách đi theo bọn chúng, dặn dò hát xong thì biết điều về nhà nhé. Lúc vừa bước ra khỏi cửa, Trương Lâm đột nhiên lùi trở về, kéo cửa lại: “Sếp An, chúc thầy lễ tình nhân hạnh phúc trước ạ.”

“…À,” An Hách ngẩn người, “Cảm ơn em.”

Giọng nói của đám học trò vang vọng tại dãy hành lang cuối cùng biến mất sau khi chen chúc vào thang máy, xung quanh lại trở về vẻ vắng lặng như vài ngày trước đó. Thỉnh thoảng có vài tiếng pháo nổ truyền từ bên ngoài cửa sổ vào, càng khiến không khí thêm cô quạnh.

An Hách tựa vào cửa, lễ tình nhân?

Y bước tới đứng trước tờ lịch, ngày kia đúng là lễ tình nhân.

Bản thân đã trải qua valentine năm ngoái như thế nào nhỉ? An Hách không nhớ được chút gì. Y đã trải qua vài cái lễ tình nhân không có ký ức gì rồi. Cảm giác của y đối với valentine chắc thậm chí còn chẳng sâu sắc như cả học trò của mình.

Hàng năm, cứ khi nhìn thấy hoa hồng đầy đường, y mới cảm thán một tiếng, lễ tình yêu à, sau đấy thì ngày valentine cứ lặng lẽ mà qua đi.

Đối với một người độc thân, không có mục tiêu hay người trong lòng từ rất lâu mà nói, ngày này ngoại trừ thêm câu cảm thán ra thì hình như cũng chẳng có việc gì khác mà làm.

Chỉ là năm nay có chút khác, An Hách đi vào phòng tắm rửa mặt, nhìn chằm chằm vào trong gương thật lâu. Năm nay không biết là y quá cô đơn hay là quá đói khát rồi mà khi nghe thấy Trương Lâm chúc lễ tình nhân hạnh phúc, trong lòng y liền rút lại một chút.

Đột nhiên lại có cảm giác thật xót xa, An Hách, mày cũng được coi là người đàn ông không tệ, sao cứ vậy thế này.

Không có bạn trai, cũng không có bạn gái, lễ tình nhân mà cứ lủi thủ một mình với bồn tắm lớn.

Sao mày lại thê thảm đến thế.

Nghĩ đến đây, An Hách trở lại phòng làm việc mở máy tính lên. Y cần nhờ đám bạn độc thân để tìm chút cân bằng, mỗi lần thấy có ai nấy ca thán nửa kia của mình đâu rồi là đáy lòng y lại dễ chịu.

Mở QQ lên, một đống tin chúc tết trào ra, còn kèm cả hình động với nội dung chúc mừng năm mới, y đọc nó hơn mười lần rồi mới đóng hết các khung trò chuyện lại.

Mấy người trong số đó đang tụ họp thành nhóm nhỏ tâm sự, hình như là đang thảo luận tụ họp hội độc thân vào ngày lễ tình nhân. Y vừa kéo lên trên một lượt thì đột ngột thấy câu.

Trứng cuộn: Valentine này tui không đi đâu

Trứng cuộn: bận đi với nàng rồi.

“Đệt!” An Hách nhìn chằm chằm hai dòng chữ, nhịn được nhỏ giọng mắng một câu, trứng cuộn là Lưu Giang, thằng này có bạn gái từ hồi nào!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.