Xuyên Nhanh Nữ Phụ Có Một Đời Hối Tiếc

Chương 10: Tiếp tục mua sắm




"Cause every hand"s a winner

And every hand"s a loser

And the best that you can hope for is to die in your sleep"

(The Gambler - Kenny Rogers)


​Lâu lâu tôi mới thấy Vũ ở nhà vào ban ngày, anh sai tôi ra siêu thị mua ít đồ uống cho anh tiếp khách. Siêu thị khá gần nhà, chỉ cần đạp xe đi độ ba phút là tới, khách mua hàng ở đây chủ yếu cũng chỉ có cư dân trong này.

- Ủa Thư à? Em vẫn ở Hà Nội sao? – Một giọng nói ngạc nhiên xen lẫn vui mừng làm tôi giật mình.

- Anh Vinh… – Tôi nhàn nhạt trả lời khi nhận ra người kia là ai.

Vinh là người quen của gia đình tôi, tôi biết anh từ khi còn nhỏ. Bố anh trước đây là bộ đội, mẹ là công chức nhà nước, nhà bốn người ở trong căn tập thể bé tí, ẩm thấp bên khu Nam Đồng. Thời đó thỉnh thoảng gặp nhau bọn tôi đều rất vui vẻ, Vinh hơn tôi tám tuổi, lúc nào cũng như ông anh lớn, còn tôi chỉ là một con nhóc bám đuôi anh khắp nơi. Cho tới khoảng năm 2007, cơn sốt chứng khoán và tiếp theo là bất động sản đã thay đổi vận mệnh của rất nhiều người, trong đó có Vinh. Từ một nhân viên quèn, Vinh đã phất lên như diều gặp gió, cả nhà anh chuyển về The Manor, khu chung cư thuộc loại cao cấp nhất lúc bấy giờ. Anh sắm được ô tô, quần áo hàng hiệu, cộng với ngoại hình sáng láng, anh “lột xác” thành một công tử chính hiệu nhưng cũng từ đấy tôi không còn thân thiết với anh như trước. Vinh ngày xưa cởi mở thành thật bao nhiêu thì sau này anh trở nên kiểu cách bấy nhiêu. Anh dường như cố tình tạo khoảng cách với mọi người, luôn miệng khoe các mối quan hệ, kể rất nhiều về các kế hoạch lớn, xây dựng nên hình ảnh hoàn mỹ về một “thanh niên trẻ thành đạt”. Tuy vậy, tôi chỉ thấy trong đó có chút hợm hĩnh và tự mãn thái quá với thành quả của bản thân, một kiểu rất điển hình của những người bỗng dưng giàu lên trong thời gian ngắn.

- Đợt trước anh có nghe nói công ty nhà em đóng cửa, anh đã cố liên lạc mà không được. Anh còn tưởng em ra nước ngoài với bố mẹ luôn rồi.

- Em mới đổi số, anh gọi em có việc gì không?

Tôi hỏi Vinh mà lòng vô cùng hồi hộp. Nhớ hồi tôi bắt đầu vào đại học thì Vinh công khai theo đuổi tôi, mặc cho tôi có nói xa nói gần đến nói thẳng anh vẫn kiên trì. Tôi rất e sợ chuyện bố tôi cũng vay tiền Vinh, trong trường hợp đó thì chẳng thà tôi đi bán thận lấy tiền trả còn hơn phải mang món nợ ân tình với anh ta.

- Anh lo cho em thôi mà, anh nghe kể…

- Vâng, gia đình em gặp chút khó khăn, giờ em không ở nhà cũ nữa. – Tôi nhún vai, nhìn thẳng vào mắt anh ta nói.

- Thế giờ em ở đâu?

- Em ở bên Việt Hưng. – Tôi nói dối. – Em tạm ở nhờ nhà họ hàng.

- Ở bên này quá xa trường em, để anh bố trí chỗ ở cho em trong phố.

- Em không có tiền trả.

- Anh sẽ trả tiền thuê nhà cho em. Anh không chấp nhận chuyện em phải sống vất vả như thế này!

Trong giọng nói của Vinh có gì đó tự hào, lại có cả sự vui vẻ và chắc chắn, như thể ngoài việc chấp nhận đề nghị của anh ta ra, tôi sẽ không có câu trả lời nào khác. Tôi phải kiềm chế lắm mới không phá lên cười. Anh ta nghĩ đây là tiểu thuyết và anh ta đang đóng vai hoàng tử cứu rỗi cô gái khốn khổ là tôi ư? Tôi thật sự không hiểu vì sao Vinh lại cố chấp như vậy bởi anh ta chỉ cần đưa tay là sẽ có vô số cô gái hơn tôi cả chục lần lao vào ngay.

- Cám ơn anh, nhưng hiện tại em đang sống rất thoải mái. Bố mẹ đi xa, em được tự do, tha hồ làm gì mình thích.

- Thư này, đâu phải em không biết tình cảm của anh đối với em? Đến tận bây giờ em vẫn không chấp nhận ư?

- Đến tận bây giờ? Ý anh là giờ gia đình em sa cơ lỡ vận, em không còn tư cách gì mà làm cao nữa phải không? – Tôi không còn giữ kẽ nữa, nói thẳng.

- Anh không có ý đó. – Vinh bối rối dù rằng vẻ bối rối này là do bị câu nói của tôi chọc đúng tim đen.

- Đối với anh em chưa từng làm cao hay có ý thử thách gì cả, vì đơn giản là em không có tình cảm với anh, trước như vậy và giờ vẫn thế. Em tôn trọng anh và tình cảm của anh dành cho em nhưng em không thể đáp lại.

- Nhưng…

- Anh đừng lo cho em, cuộc sống của em hiện giờ rất tốt. Cho em gửi lời chào bố mẹ anh.

Tôi nói rồi xoay người bỏ đi, bỗng tay tôi bị kéo mạnh lại.

- Còn việc gì ạ?

- Chúng ta thẳng thắn với nhau đi. – Vinh nhìn tôi vẻ nóng nảy. – Hiện giờ em chẳng còn gì, còn anh có thể đảm bảo cho em cuộc sống như trước kia, thậm chí là hơn. Em không cần sỹ diện hay tỏ ra mạnh mẽ, phụ nữ rốt cuộc cũng chỉ cần một chỗ dựa tốt thôi mà. Em chưa có tình cảm với anh thì từ từ sẽ bồi đắp.

Tôi càng lúc càng cảm thấy Vinh có vấn đề, hoặc giả anh ta quá quen với cuộc sống trần trụi, mọi thứ đều có tem giá. Tôi tự hỏi nếu anh ta chấp nhận gánh khoản nợ năm tỷ giúp gia đình tôi thì tôi có chịu không? Nhưng ý nghĩ đó lập tức làm tôi thấy lợm giọng. Tôi không hiếu thảo được như nàng Kiều ngày xưa, bố tôi nợ thì ông phải tự trả chứ đừng mong tôi gánh lấy trách nhiệm đó. Hơn nữa, nếu đem cái thân hình gầy còm này của tôi mà bán với giá năm tỷ, tôi cảm thấy giống như mình đang cố ý lừa đảo, sợ vài năm nữa Vinh hối hận đòi lại thì tôi biết xoay xở thế nào?

Nghĩ tới đó tôi liền cười:

- Anh đánh giá em cao quá, hiện tại địa vị của anh quá cao so với em, em gánh không nổi. – Giọng tôi không còn giấu vẻ mỉa mai. – Từ giờ anh đừng nhắc lại chuyện này với em nữa, bằng không…

- Bằng không…?

- Bằng không từ nay về sau lỡ vô tình gặp nhau em lại tiết kiệm được câu chào. – Nói tới đây, mặt tôi đanh lại.

Tôi giật mạnh tay khỏi tay anh ta, hiên ngang bỏ đi.

Tôi không ngờ rằng lời của tôi thành sấm truyền, tôi gặp lại Vinh sớm hơn tôi nghĩ rất nhiều.

Tôi về nhà làm nốt bữa trưa, vừa lên phòng thay đồ thì nghe tiếng xe đỗ bên dưới. Tôi theo phản xạ nhòm qua cửa sổ thì giật bắn mình nhận ra chiếc xe quen thuộc cùng bóng người quen thuộc đi vào. Thì ra khách của Vũ chính là Vinh, Hà Nội đúng là quá nhỏ. Đầu óc tôi quay cuồng nghĩ cách, chợt nhớ ra “ông thần” kia hôm nay cũng ở nhà, liền đi xuống gõ cửa.

- Có việc gì không? – Phong mở cửa cho tôi với vẻ ngái ngủ, tóc tai bù xù.

- Anh Vũ có khách, anh giúp tôi pha nước và dọn cơm được không? Tôi nấu xong hết rồi, chỉ cần dọn ra thôi. – Tôi thở dốc, dựa lưng vào tường, dáng vẻ như sắp xỉu tới nơi. – Hình như tôi bị cảm nắng, chóng mặt quá.

- Được rồi, tôi làm cho, cô lên nghỉ đi. – Hắn càu nhàu nói. – Có cần uống thuốc không?

- Tôi không sao, chỉ cần nằm nghỉ một chút là được. Cám ơn anh.

Tôi nói xong ra vẻ mệt mỏi lết người lên phòng. Tôi khóa kỹ cửa rồi trùm chăn nằm im, trong lòng biết ơn Phong vô hạn. Giả sử hôm nay hắn không có nhà thì tôi không biết phải làm thế nào. Cái thành phố này tuy lớn nhưng thực ra lại rất nhỏ, chỉ cần là cùng lớn lên ở đây thì ít nhiều gì cũng sẽ có mối quan hệ liên quan tới nhau.

Tối hôm đó tôi cố căng tai ra nghe ngóng xem mọi người có nhắc gì tới Vinh không, tôi thực sự tò mò về mối quan hệ giữa anh ta và gia đình này.

- Hôm nay con gặp người ta rồi, tình hình thế nào? – Khoảng giữa bữa ăn, ông Hùng quay ra hỏi Vũ.

- Phí hơi cao, con đang đàm phán bố ạ.

- Tìm chỗ khác đi, giờ đâu phải ngày xưa mà hạch sách, doanh số chạy còn chưa đủ, làm gì có chuyện đòi này nọ nữa.

- Vâng. Mà sao mình không qua mấy ngân hàng quen, đỡ được cả thời gian lẫn thủ tục giấy tờ?

- Chưa cần thiết, bố còn vài dự án lớn hơn làm với mấy bên đó.

Thì ra Vũ là khách hàng của Vinh. Hiện tại Vinh đang làm tín dụng ở ngân hàng, nghe câu chuyện của ông Hùng và Vũ tôi có thể tạm hiểu là bên ông Hùng đang cần vay một khoản tiền và “phí bôi trơn” của anh hơi cao. Thông thường đối với mỗi khoản vay của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp, anh ta hẳn phải đút túi không ít nhưng với một doanh nghiệp tương đối lớn và uy tín như của ông Hùng mà ra giá quá cao thì tôi cảm thấy tầm nhìn của Vinh không được xa.

- Nhìn anh ta giống con công, xòe đuôi lạch bạch đi qua đi lại như kiểu sợ người ta không biết mình có đuôi vậy. – Phong chêm vào một câu bình luận độc địa.

- Dù sao thì đấy vẫn là một thanh niên có ý chí, việc thể hiện là cần thiết cho công việc thôi. – Vũ bình thản nói.

Phong nhún vai không nói nữa, còn tôi thì mím môi cố nén cười, cái miệng ngoa ngoắt của Phong khi đặt đúng chỗ cũng có duyên lạ lùng.

- Thấy bảo hôm nay cháu bị ốm à? Đã đỡ chưa? – Bác Hà bỗng quay sang tôi hỏi.

- Dạ hồi sáng cháu hơi say nắng chút thôi, cháu khỏe rồi ạ.

- Ừ, cháu giữ gìn sức khỏe nhé.

Tôi chưa kịp trả lời thì Phong xen vào:

- Cô mà ốm thì lấy ai làm việc nhà? Ý mẹ tôi là như vậy đó!

- Phong!

……………………

Tôi để ý thấy thời gian gần đây Phong ở nhà nhiều hơn, khác hẳn ngày trước chỉ bữa tối may ra mới thấy mặt hắn. Tôi cũng không lấy thế làm phiền bởi hắn chủ yếu đóng cửa trong phòng, có lúc ra ngoài thì chỉ xuống với cây đàn của hắn. Nói tới chuyện này tôi lại cảm thấy hơi xấu hổ. Chẳng là bố tôi trước đây có mơ ước cháy bỏng về một cô con gái tha thướt, tài hoa, dịu dàng nên đã không tiếc tiền đầu tư cho tôi học đàn. Ông từng rất mong chờ hình ảnh tôi mặc váy trắng, xõa tóc ngang lưng đưa ngón tay điêu luyện lướt trên phím đàn piano như một cô tiểu thư quý tộc thật sự. Thế nhưng, giống như việc bố đã thẳng tay đập tan ước mơ “nữ hiệp” của tôi, tôi cũng không thương tiếc phá nát khát khao “công chúa” của ông. Thật ra không phải tôi cố ý, chẳng qua tôi hoàn toàn không có dù chỉ một chút năng khiếu âm nhạc, và sau bao nhiêu năm theo học, tôi may ra chỉ có thể đàn trôi chảy bản “Fur Elise”, bản nhạc vỡ lòng mà bất cứ ai học piano đều phải luyện qua.

Phong ngược lại với tôi, hắn thực sự rất có năng khiếu. Trái với vẻ ngoài lông bông lớt phớt, tiếng đàn của hắn rất có chiều sâu. Hắn chơi piano không chỉ điêu luyện mà còn chạm tới được phần hồn của bản nhạc, đến mức tôi nghe ra được tinh thần vui buồn hay thậm chí cả quang cảnh bản nhạc muốn truyền tải. Mỗi lần nghe Phong chơi nhạc, tôi có thể cảm thấy từ sâu trong tâm khảm những rung động rất khẽ nhưng rất chân thật. Hóa ra, bất cứ ai trên đời, kể cả kẻ đáng ghét như hắn cũng có ưu điểm.

Có lẽ hình ảnh Phong trong mắt tôi đã tốt lên đáng kể nếu không có một ngày tôi quét dọn phòng hắn và bắt được một mớ giấy nháp vứt lung tung, trên ghi chi chít số. Hóa ra đây là lý do mà hắn ru rú ở nhà thời gian gần đây, tôi nhìn chỉ biết thở dài. Tôi từng được đến hai điểm A môn xác suất thống kê, nếu chơi lô đề mà giàu được thì tôi việc gì phải đi làm giúp việc cho nhà hắn chứ?

Thế nhưng, đấy vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Sáng hôm đó tôi đang dọn dẹp thì một đám bạn của Phong kéo đến, toàn nam thanh nữ tú sành điệu xinh đẹp.

- Mang cho tôi bình nước, nhớ cho nhiều đá vào. – Phong đứng trên phòng réo tôi.

Tôi theo lời mang lên cho hắn, nhưng vừa mở cửa phòng thì tôi choáng váng tới độ đứng sững ra. Đám bạn của Phong đã chia ra thành hai nhóm, một nhóm xóc đĩa, một nhóm “xòe quạt”, các quân bài và tiền phủ kín mặt sàn. Một cảm giác lạnh buốt chạy dọc sống lưng khiến tôi run rẩy. Những gì xảy ra trước đây chạy lại trong đầu tôi như một cuốn phim quay chậm. Hình ảnh bố tôi với những lá bài mù mịt trong khói thuốc, hình ảnh đám đòi nợ thuê xăm trổ kéo đến đập phá khiến em trai tôi gặp ác mộng hàng tháng trời, cảnh nhà bị niêm phong, rồi việc tôi phải chạy trốn, cho tới căn nhà trọ nhỏ xíu nóng nực dạo nào.

- Cô làm sao thế? Đưa bình nước đây. – Phong nói to, ngắt dòng suy nghĩ của tôi. Trên tay hắn chín cây bài đang xòe ra, vẻ mặt đắc chí như sắp “ù” tới nơi. Một cô gái rất sành điệu ngồi bên cạnh ôm cứng lấy hắn.

Tôi vẫn chưa thoát hẳn ra khỏi hồi ức đáng sợ kia, chầm chậm tiến đến. Và rồi trước khi kịp suy nghĩ thấu đáo, tôi cầm bình nước đá dốc ngược vào đống bài và tiền trên sàn.

- Á á… - Cả đám nhảy dựng lên như phải bỏng rồi quay ra trợn mắt nhìn tôi như thể con thần kinh.

- Cô bị điên hả? – Cô gái lúc nãy còn đang nũng nịu ôm ấp Phong phút chốc vằn mắt lên định lao tới tính sổ với tôi.

Tôi lùi lại một chút, đang suy nghĩ xem nên giật đứt đám mi giả hay tóc nối của cô ả thì một bóng người bước ra chặn lại. Phong đứng chắn giữa tôi và đám bạn hắn. Hắn nhìn tôi chăm chú rồi cất giọng, trầm nhưng dứt khoát:

- Cút!

Tôi chẳng nói chẳng rằng, dùng hết sức bình sinh ấn cái bình rỗng vào bụng hắn rồi bỏ lên phòng, khóa cửa lại.

Tối hôm đó, mặc cho ánh mắt cảnh cáo của Phong, tôi lu loa kể hết với cả nhà chuyện hắn tổ chức chơi cờ bạc ở nhà, và cả chuyện hắn chơi lô đề. Khỏi cần nói cũng mường tượng được cả nhà tức giận tới thế nào.

- Trước giờ bố mẹ cho mày tiền bạc thoải mái tiêu xài, mày không đi học, không làm việc cũng không ai nói gì thành ra mày rửng mỡ à? – Vũ gầm lên.

- Tài sản này không phải của mình anh, tôi chưa tiêu lẹm tới phần của anh, anh cáu cái gì? – Phong nhếch mép.

- Im mồm. – Ông Hùng quát. – Cả nhà chiều chuộng mày để mày thành ra đổ đốn thế này sao?

- Chiều chuộng? – Hắn cười khẩy. – Vâng, nói chung mọi chuyện cũng từ con mà ra hết.

Bác Hà bỗng bật khóc, Phong vẫn khoanh tay lạnh lùng, không nói gì. Vũ đột nhiên lao tới đấm thẳng vào người hắn ngã dúi xuống. Tôi giật mình, không nghĩ con người luôn bình lặng như Vũ lại có lúc bùng nổ như vậy. Anh còn tiếp tục đấm thêm mấy cái nữa cho tới khi bác Hà giữ tay anh lại. Phong không phản ứng, chỉ đưa tay lau đi máu trên miệng rồi lầm lì bỏ lên nhà.

- Cháu xin lỗi. – Tôi mân mê vạt áo, cúi đầu nói khẽ. Thật ra tôi nói vậy chỉ vì không biết phải nói gì trong hoàn cảnh này, mà quay người đi luôn cũng không phải.

- Các bác còn phải cám ơn cháu mới đúng. – Bác Hà nghẹn ngào. – Bác biết cháu làm thế chỉ vì muốn tốt cho Phong thôi.

Nói chính xác thì tôi làm ầm lên chuyện hắn cờ bạc không mảy may gì là vì hắn, tôi đơn giản chỉ lo cho tôi. Tôi sợ Phong lún sâu vào cờ bạc như bố tôi, cả nhà hắn mà lụn bại thì tôi sẽ phải ra đường theo. Nhiều người, kể cả mẹ tôi trước đây, vẫn nghĩ trong tứ đổ tường [1] cờ bạc là đỡ nhất nhưng trên thực tế đó lại là thứ gây thiệt hại hơn tất cả. Ngay như nghiện ngập, dù là heroin, đá hay ke thì lượng thuốc cơ thể tiêu thụ mỗi ngày chỉ có giới hạn, dù có muốn đốt tiền hơn nữa cũng không được. Riêng cờ bạc, cá độ lại không có bất kỳ định mức nào, hoàn toàn tùy thuộc mức độ ăn thua và năng lực tài chính của người chơi. Bố tôi trước kia chưa được ngồi vào những sòng bạc VIP nhất mà lượng tiền mặt có trên sới ông chơi mỗi ngày cũng lên tới hàng trăm ngàn đô, chưa kể hiện vật như ô tô và ghi nợ. Càng giàu có thì thiệt hại sẽ càng lớn. Vì lý do đó mà khi nhìn thấy Phong đánh bạc, tôi đã sợ tới nỗi không kiềm chế được bản thân mà hành xử lỗ mãng như thế kia.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đặt bản thân vào vị trí của Phong, tôi cảm thấy hơi có lỗi với hắn.

Tôi biết hắn rất giận tôi nhưng vẫn làm một bát mỳ thật ngon, pha thêm ly nước chanh mang lên tận phòng cho hắn. Hắn mở cửa, mặt tím bầm.

- Tôi thấy anh chưa ăn tối, tôi mang cho…

“Rầm!”, tôi chưa kịp nói hết câu, hắn đã đóng sầm cửa trước mặt tôi, suýt nữa thì hất đổ cái khay tôi đang cầm trên tay.

Đôi lúc tôi tự hỏi, có phải mong muốn một cuộc sống an toàn, yên ổn là quá sức xa xỉ đối với tôi chăng?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.