Vong Linh Triệu Hoán

Chương 22




Giang Nam. Hắc Viện

Nữ Thần Y bận bịu trong kho chứa thuốc. Nàng làm việc say sưa, tay thoăn thoắt bỏ các loại rễ cây vào thùng gỗ.

Phân theo loại thì thuốc Bắc được chia thành năm tính căn bản. Trong đó có hàn, lương, nhiệt, ôn, và bình. Gọi kiểu thông dụng nhân gian thì năm tính đó là lạnh, mát, nóng, ấm, và trung bình.

Phân theo vị thì thuốc Bắc cũng được chia làm năm vị, ngọt, cay, đắng, chua, và mặn. Nhưng phân theo nguyên liệu thì chỉ có ba thể loại mà thôi.

Thuốc Bắc thường được chế biến từ thực vật thiên nhiên, đó là đơn vị đa dạng nhất, nhiều vô kể. Kế đến là loài động vật, và sau cùng là các thứ đá cuội.

Lương y thường khai thác hầu hết tất cả các bộ phận thực vật, không bỏ qua nguyên liệu nào dù có ít ỏi bao nhiêu. Chẳng hạn như rễ cây, củ, thân cây, vỏ cây, vỏ rễ, vỏ thân, vỏ quả, vỏ củ, lá, hoa, và hạt… tất cả đều được xử dụng cho việc trị liệu.

Các bộ phận trong và ngoài cơ thể động vật cũng thế. Xương, da, thịt, mỡ, và nội tạng đều được chế biến thành thuốc. Thậm chí cả sừng, vây, móng, và lông cũng có tác dụng y học, không nên vứt đi.

Cuối cùng là loại khoáng chất tinh thế ít người biết đến như hoàng thổ, thạch tín, và băng phiến.

---oo0oo---

Nữ Thần Y đang phân chia thuốc. Khóe miệng hoa đào cười mỉm chi khi trái tim tưởng nhớ bài thơ yêu thích. Cách đây vài năm…

…Lúc đó bình minh. Trời rạng hồng. Mây bồng bềnh dạo bước trong vườn thiên đàng thơ thẩn. Tia nắng ban mai ùa vào khe cửa đánh thức giấc ngủ thần tiên. Nữ Thần Y ngồi dậy bước xuống giường, giương đôi tuyệt thế nhãn quang nhìn quanh quất.

Văng vẳng đâu đây có mùi hương ngào ngạt. Nàng mở tung cánh cửa thư phòng. Một bức rèm giấy hoa xuất hiện. Nữ Thần Y ngạc nhiên. Nàng say đắm ngắm nhìn.

Tấm màn được chế tạo vô cùng công phu. Từng mẩu giấy được cắt tỉa kỹ càng, hình dáng của những bông hoa xinh xắn. Trên các mẩu giấy hoa đó có khắc dòng thơ. Nữ Thần Y nhẩm tính, tất cả là một trăm hai mươi câu cả thảy. Một trăm hai mươi bông hoa bất tử. Mãi không phai tàn. Dư âm đọng lại trong tâm hồn nàng. Hoài niệm. Xen kẽ loài hoa giấy ấy là hàng loạt nụ hồng tươi, nối tiếp nhau, kết chặt bằng chỉ đỏ. Bức rèm thơ hoa phất phơ trong gió.

Trước kính lạy trông ơn “bối mẫu”

Sau tỏ lòng thục nữ “hồng hoa”

Đôi ta từ “bán hạ” giao hòa

Lòng những ước “liên kiều” hai họ

Duyên “xích thược” anh đà gắn bó

Nghĩa “quế chi” em khá ghi lòng

Mặc dù ai trỗi tiếng “phòng phong”

Đôi ta nguyện cùng nhau “cát cánh”

Ngồi nhớ tới “đào nhơn” cám cảnh

Nỡ để cho “quân tử” ưu phiền

Muốn sao cho nhơn nghĩa “huỳnh liên”

Thì mới đặng vui vầy “viễn chí”

Ngồi buồn chốn “mạch môn” thăn thỉ

Nhớ thuyền quyên “tục đoạn” gan vàng

Ơn cha mẹ nghĩa tợ “hoài san”

Công song nhạc tình đà “đỗ trọng”

Ngày vái tới “thiên môn” lồng lộng

Đêm nguyện cùng “thục địa” chiếu tri

Dạ muốn cho trọn chữ “đương quy”

Vậy nên phải cạn lời “bạch truật”

Bấy lâu tưởng “linh tiêu” phục dực

Nay mới tường “độc hoạt” loan phòng

Trách dạ em nhiều nỗi “xuyên khung”

Chạnh tủi phận lòng này “cam toại”

Vì “nhẫn nhục” không trông trái phải

Nỡ phụ người “bạch chỉ” chi nhân

Tưởng cùng nhau tụ hội “châu trần”

Hay đâu bậu “ký sanh” viễn địa

Này “kinh giới” chẳng toàn nhơn nghĩa

Chốn “tiền hồ” nguyệt kết liễu châm

Tai vẳng nghe nổi tiếng “huỳnh cầm”

Chạnh tủi phận đằm đằm “trạch tả”

Nhớ “trinh nữ” lòng dao cắt dạ

Quặn “nhơn bào” tựa muối xát lòng

Ngùi “châu sa” lụy ngọc ròng ròng

Đoạn “thần khúc” đề thơ trách bậu…

Nữ Thần Y nhẩm đọc từng câu. Hợp thành bài thơ mối tình nam nữ. Nàng hân hoan phát giác trong lời thơ đó có nhiều từ mang đồng âm khác nghĩa của loại thuốc Đông y. Mỗi câu đã được tác giả đặc biệt lồng vào tên của một vì thuốc Bắc, dành tặng cho nàng. Bài thơ làm theo thể thất ngôn trường thiên liên vận, cứ hai câu đi một vận. Nữ Thần Y tìm kiếm mãi vẫn không thấy tựa đề. Nàng tiếc nuối đứng chôn chân, thì thầm ngâm đoạn đầu, ba mươi sáu câu. Bài không tên. Không đoạn cuối.

Nữ Thần Y nhìn từng dãy hành langg nhưng tác giả bí ẩn trốn hình mất dạng. Nàng chép vội vàng bài thơ lên trang giấy rồi cất bước đi tìm kẻ khả nghi. Nữ Thần Y ướm tai lên vách tường của học đường Hắc Viện, nghe đám tú tài lảm nhảm đọc thơ tình, bình thường như mọi hôm. Vậy thì ai mới là hung thủ?

Thình lình có tiếng tằng hắng đằng sau lưng. Nữ Thần Y quay đầu. Lão Tôn đang nheo nheo mắt. Nàng xấu hổ khi bị bắt quả tang nghe trộm.

- Cô nương muốn tìm ai? - Lão Tôn hỏi.

Nữ Thần Y không dám thổ lộ chuyện nàng đang cất công tìm tòi tác giả của bài thơ tình ảm đạm. Nàng hỏi vòng quanh:

- Lúc tối hôm qua hoặc sáng hôm nay, ông có nhìn thấy ai lãng vãng ở phía Tây tư thất không?

- Đó chẳng phải là thư phòng của cô nương sao? – Lão Tôn trố mắt ngạc nhiên.

Bởi hướng Tây phía tư thất của Hắc Viện vốn là nơi dành riêng cho hai vị tiểu thơ, ngoài Nữ Thần Y thì là Lâm Tố Đình. Thế nên, lão Tôn nghe hỏi mà lòng khó hiểu. Ông xua tay khẳng định:

- Ngoài cô nương và Lâm tiểu thơ thì không có ai bén mảng đến đó. Chẳng lẽ đã bị mất trộm?

- Đâu phải!

Nữ Thần Y lật đật lắc đầu đính chính. Nàng không muốn lão Tôn hiểu lầm. Quả thật, ông ấy nhíu mày nhìn ngọn cây, lẩm bẩm:

- Nếu có ai đến đó thì phải đi qua cửa Tây Môn, mà cửa Tây Môn lại nằm trong khuôn viên của lão phu. Nhưng từ tối qua đến sáng nay ta luôn canh gác, không thấy bóng đen nào cả.

Nói đến đó, ông lão đột nhiên nghiêng đầu quay sang:

- Lúc trực đêm ta chưa bao giờ ngủ gục đâu à!

Lời lẽ của lão Tôn lập luận chặt chẽ, nhưng không ai còn đứng đó lắng nghe. Nữ Thần Y co giò chuồn mất. Nàng vừa đi vừa lờ mờ phát hiện bút danh tác giả. Nếu đúng như những gì lão Tôn thổ lộ thì kẻ bí ẩn chưa từng bước qua cánh cổng, mà đến trước thư phòng giở trò đạo chích bằng cách phi thân từ nóc nhà xuống hiên. Tất nhiên hắn phải có khinh công tuyệt vời êm ái. Cuối cùng, Nữ Thần Y biết hung thủ là ai. Nàng nhanh chóng đi tìm thủ phạm. Tội nhân đang trà đàm cùng Mã Lương.

Nữ Thần Y núp mình sau bụi cây, vểnh tai nghe lõm bõm. Mã Lương ân cần hỏi Cửu Dương:

- Con chắc chắn tương lai hai đứa sẽ thành đôi lứa?

- Chắc chắn! – Cửu Dương gật đầu quả quyết với nghĩa phụ.

- Con dựa vào quẻ nào mà dám khẳng định? – Mã Lương cau mày - Theo dự tính của cha thì… kết cuộc không hẳn chu toàn.

Mã Lương trầm ngâm hồi lâu, âm thầm lặng lẽ bấm đốt ngón tay. Ánh mắt lão nhân xa xăm, phảng phất giọng nói mơ hồ từ đâu vang vẳng:

- Đứa con gái đó có tướng khắc phu. Cuộc đời đầy rẫy đau thương, phong ba u buồn, tình lụy tình phiền khách thuyền quyên. Trăm mối lương duyên vạn phần giông tố.

Cửu Dương im lặng trước lời tiên tri. Mã Lương giơ tay vuốt bộ râu dài, thổ lộ:

- Đấng trượng phu tương lai mai này sẽ gặp ba tai kiếp. Thứ nhất, tánh mạng của hắn e giữ không được. Thứ hai, nếu hắn may mắn không chết thì mãi mãi sống cảnh biên ải đọa đày. Thứ ba, hắn có thể lâm tình thế thập tử nhất sinh, hiểm họa trùng trùng, mưu toan ám toán, gặp toàn trắc trở nguy cơ.

Và khi thấy nghĩa tử muốn tra hỏi thêm, Mã Lương khe khẽ lắc đầu:

- Thiên cơ bất khả tiết lộ, cha chỉ có thể nói bấy nhiêu.

Rồi ông dùng giọng điệu của người từng trải, nghe não nuột tim can:

- Con muốn làm vị phu quân nào? Kẻ đầu tiên chết yểu? Kẻ tù tội thứ hai? Hay là người thứ ba tuy sống sót nhưng rồi cuối cùng cũng đành lâm nạn?

Cửu Dương khoan trả lời, tim không tin quẻ lương duyên của chàng trắc trở. Sợi chỉ đỏ Nguyệt Lão chưa kịp buộc vào sao sắp sửa đứt tung? Dây nhợ tình duyên muôn trùng gián đoạn. Biết trước vậy, chàng thà cả hai người dưng nước lạ, để tâm tình không rơi vụn tả tơi như đàn tôi sáu sợi, cho khỏi đau lòng ca khúc tương tư:

Gặp nhau làm chi, đêm đêm về tưởng nhớ

Gặp nhau làm chi, thương nhớ mênh mang

Tình đến rực rỡ, ai cho tôi ước mơ?

Tình xa tình lỡ, ta chìm vào những cơn say

Đến nước cờ này, Cửu Dương vẫn ngoan cố xua tay:

- Con sẽ không làm người nào trong ba kẻ đó!

Mã Lương nhấp một ngụm trà rồi bảo:

- Như vậy thì con hãy tránh thật xa, kiếp này chớ nên thương yêu đứa con gái ấy.

- Không! – Cửu Dương một mực lắc đầu phản đối - Con sẽ yêu, mà còn yêu thật nhiều.

Mã Lương nghệch mặt nhìn tên cố chấp. Mém tí nữa ông quên mất tiêu, thằng nghĩa tử lêu đêu của ông cứng đầu nổi tiếng. Hồi xưa đã thế, nay còn tệ hơn.

Mà thiệt! Lúc còn nhỏ, Cửu Dương ghét nhất là đọc sách thánh hiền, chỉ khoái lao đầu vô các mẩu truyện tình yêu ba xu nhảm nhí. Ông tuyệt cấm, không cho coi. Mỗi lần phát hiện đứa học trò cưng đang ngồi nghe giảng bài mà lén lút xé các trang sách Mạnh Tử của bộ Tứ Thư Ngũ Kinh để… xếp hình trái tim, ông liền đập cho nát đít. Ông vừa là thầy vừa là cha nên mỗi lần đánh con đau lòng nghĩa phụ.

Mã Lương thường hay than ngắn thở dài với đồng đạo:

- Thằng con tôi, nó ngu gì mà một mình nó dành nó ngu hết, không chừa chỗ cho người khác ngu!

Cửu Dương lúc đó quá là lì lợm, không chịu học Nho Giáo văn chương lý tưởng cao siêu, lại còn hết sức ngỗ nghịch. Học hành đội sổ, đội luôn cả thầy. Đến khi bị kêu đứng dậy trả bài đương nhiên không thuộc. Cứ trơ ra như ông phỗng đá cho mọi người chiêm ngưỡng. Thoạt đầu, Cửu Dương bị bạn bè trong lớp ngó chằm chằm, nhìn thô thố cũng thấy nhột nhạt, quê quê. Nhưng riết rồi đâm quen, không thèm mắc cỡ.

Những buổi học đó, Cửu Dương thâm niên trì trệ, đứng ngọ ngoạy cả buổi trước mặt thầy để cuối cùng ấp úng trả bài sai be bét. Bữa nào thầy không gọi trúng tên thì thôi. Còn hễ động đến thì bao giờ Cửu Dương cũng chứng minh không ai đầu cứng hơn mình. Ra vẻ ta đây im lặng là vàng, là Thiết Đầu Công thứ thiệt, một cao thủ võ lâm trung nguyên. Nhà ngươi có tra khảo cách mấy ta cũng nhất định không khai nửa chữ.

Có hôm, Mã Lương thấy Cửu Dương thả hồn vẩn vơ nên quát:

- Mặt trời đã lên chín sào rồi còn ngồi mơ mộng. Có phải đang ngủ gục không?

Cửu Dương giật bắn:

- Thưa, trò… không biết ạ.

- Bản thân mình ngủ hay thức mà không biết là sao? - Mã Lương lộn ruột.

- Thưa, tại… tại… vì… trò nghe thầy giảng bài một hồi trí óc mơ mơ màng màng, nên chẳng rõ đó có phải là ngủ hay chưa.

Cửu Dương lúc còn nhỏ có sao nói vậy. Nhưng mà nói thế chẳng khác nào ngụ ý thầy giáo giảng bài chán chết được, nên trò mới gục đầu nằm thiêm thiếp trên bàn. Trước câu trả lời gà mờ lẩn thẩn, bọn học sinh đang ngồi gần đấy rùng mình. Lời giải thích vô tình hay cố ý thì chỉ có một là trời mới biết, hai là Cửu Dương mới rõ đó có phải hàm ý chọc tức hay không?

Mã Lương thờ người trầm tư nghĩ ngợi. Lát sau, ông ráng hết sức lực dịu giọng nhắc nhở:

- Thầy biết trò rất thông minh, nhưng cho dù trí tuệ cách mấy, kẻ không học cũng không thể suy xét được phải trái. Trò đã có nghe qua câu “nhân bất học bất tri lý?”

Vừa dứt lời, Mã Lương sợ tên nghịch tử giở lý sự cùn tương phản nên lật đật nói thêm:

- Người xưa có câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ,” tức là nói nếu muốn ổn định thế gian thì trước hết nước nhà phải ổn thỏa. Để ổn thỏa nước nhà thì đầu tiên nên ổn định gia đình. Và để ổn định gia đình, chúng ta cần phải tu tâm dưỡng tánh chính bản thân mình mới là chủ yếu…

Mã Lương nở từng khúc ruột khi thấy cái đầu bé nhỏ gật gù. “Chắc mẩm hắn đang suy ngẫm,” Mã Lương tự nhủ. Rồi ông mỉm cười đưa cặp mắt nhìn mặt bàn của tên học trò cưng. Không thấy đem bút mực. Nụ cười liền biến mất. Thay vào đó là cặp chân mày cau có, giận dữ. Mặt đanh lại, Mã Lương lạnh lùng hỏi:

- Bút mực đâu?

Cửu Dương thè lưỡi liếm đôi môi khô rang, không đáp. Mã Lương sôi gan:

- Lại quên mang theo nữa, đúng không?

Và ông ngao ngán giảng lại bài trường ca liên tu bất tận:

- Sao trò luôn quên mang theo bút mực? Trò có biết học sinh không có bút cũng hệt binh sĩ ra trận mà thiếu gươm đao?

- Dạ biết.

Cửu Dương vừa lí nhí đáp vừa giơ tay gãi đầu sồn sột, không có chút thành khẩn gì cả, tỏ vẻ chẳng coi lời lẽ nghĩa phụ ra cái củ khoai lang. Và dĩ nhiên, câu trả lời châm dầu vô lửa làm thầy Đồ tức mình.

- Biết rồi mà cứ quên hoài! - Mã Lương quắc mắt - Được, ta hỏi trò, quân lính không có kiếm trong tay thì làm được gì ngoài trận mạc?

- Dạ, thì làm… chỉ huy ạ – Cửu Dương tỉnh bơ đáp.

Thầy giáo sửng người. Ông ngồi chết gí trên ghế có đến nửa cây nhang, sau cùng đành buồn tình rút ra kết luận:

- Đạo học ngày nay đã lỗi thời,

Mười người đi học chín người chơi!

Cửu Dương nghe thầy than thở thì tối hôm đó ở lì trong phòng sáng tác bài thơ triết lý, lẩm nhẩm gật gù một cách đắc ý. Sáng hôm sau liền đi chép tùm lum trên các bàn ghế học đường:

- Cái học ngày nay thật hỏng rồi

Bảy thằng tới lớp, sáu thằng thôi

Ba chàng thất học thành ông Trạng

Vỗ ngực rằng tao tiến sĩ rồi

Cái học ngày nay đã nói rồi

Sáu thằng xách cặp, năm muốn thôi

Bốn đứa trèo cao, quan chức lớn

Đày người ăn học chạy hụt hơi...

Cả lớp hôm đó được một phen nôn ruột…

…Thấp thoáng đã mười mấy năm qua. Đứa bé hôm nào nay trưởng thành khôn lớn. Tưởng nhớ đến đây, Mã Lương ngây người với hiện tại:

- Chẳng lẽ con muốn phạm thiên đình, quyết tâm chiến đấu quẻ tử vi?

Cửu Dương nín thinh không đáp. Đúng vậy! Chàng có từng nghĩ qua. Nếu lão Thiên cho phép nhân sinh dùng thuật tử vi nhìn thấu tương lai tức là đã trao thế gian quyền khắc phục vận mệnh. Chàng nhìn nghĩa phụ của mình, định lên tiếng. Ngờ đâu, Mã Lương điềm nhiên lắc đầu:

- Có nhiều việc biết trước cũng không thay đổi được. Ý trời đã vậy rồi.

Cửu Dương bỏ mặc tiên đoán của cha:

- Chẳng lẽ chúng ta đoán được kết cuộc không vẹn toàn thì chịu thua bó tay? Ngồi im để mặc số trời định đoạt?

Tiền bối tịnh trước câu hỏi hóc búa. Hậu bối tức tối nhìn không trung:

- Tần Thiên Văn con quyết không tin! Nhân định ắt phải thắng thiên. Số mệnh con người là do con người làm chủ lấy.

Mã Lương nhìn thiếu niên trước mặt, lòng dạ hiểu không thể nào lay chuyển được tâm can của kẻ đang yêu. Tự cổ chí kim, nhân sinh ai oán hỏi thế gian “ái tình là chi mà đôi lứa nguyện thề sống chết?”

Có tiếng sột sạt trên thảm cỏ. Gót chân son đỏ thối lùi. Chầm chậm. Biệt tâm. Cả hai phụ tử quay đầu trông hướng bụi cây, ngỡ ngàng quan sát. Nhưng người ẩn náu không còn ở đó. Nữ Thần Y thông thạo sự tình. Nàng bỏ chạy. Chiếc bóng hồng tha thướt lướt nhanh.

Cửu Dương xót lòng:

- Mai này, con nhất định cưới nàng làm vợ. Chẳng thà một ngày chung sống với người thương, còn hơn thiên trường địa cửu bên người không yêu thích!

Sau khi nói xong, kẻ si tình cáo biệt. Mã Lương trông theo đôi bóng uyên ương. Khóe miệng Thi Tiên mỉm cười:

- Chỉ cần bản thân không ân hận, một phút gần kề khắc cốt ghi tâm.

(Còn tiếp)

Giang Nam. Hắc Viện.

Nữ Thần Y vượt băng băng qua khoảng hoa viên cô tịch. Nàng gục mặt thổn thức bên giếng đá trong vườn. Giếng đá rét xương, chất chứa hàn phong sau đêm tuyết phủ.

Cửu Dương ái ngại đến quỳ bên cạnh. Chàng dịu dàng đặt tay lên vai sư muội. Nữ Thần Y ngẩn đôi mắt ướt. Giọt lệ châu sa buồn bã vương. Cửu Dương giơ tay vuốt đôi má thơ ngây tuổi mười sáu trăng tròn.

- Muội nghe được những gì?

- Đã nghe được rất nhiều - Nữ Thần Y đau khổ - Muội hỏi huynh, có phải lúc nãy hai người đang ám chỉ muội?

Cửu Dương chần chừ tìm câu trả lời, tim không muốn gạt người yêu mến. Cuối cùng, chàng nói:

- Nếu như huynh trả lời phải, muội đừng nghĩ ngợi lung tung.

- Muội sao lại có thể làm ngơ được? – Nữ Thần Y thút thít - Mã Lương lão nhân nói số mệnh của muội khắc phu, hồng nhan họa thủy. Nếu thật vậy thì muội thà chết đi, sống trên đời gieo họa làm gì?

Sau khi thốt lời cay đắng, Nữ Thần Y giương mắt ngó mông lung, trong đầu hình dung bầu trời tương lai ảm đạm. “Lẽ nào cả đời ta cô độc quạnh hiu?” Nàng tự nhủ. “Nếu đúng y lời tiên tri của Mã Lương lão gia thì ta nên tránh thật xa người ta thương mến, để chàng trọn kiếp sống bình yên.”

Nữ Thần Y bèn ngỏ lời khuyên:

- Mã Lương lão nhân đã từng bảo, thiên cơ kỳ ảo, cho dù con người có cố gắng cách mấy cũng chẳng thể nào thay đổi được nhân quả. Nếu là phước thì không phải họa. Còn hễ là họa thì trốn đằng trời cũng không thoát khỏi. Cho nên, muội thà tin có còn hơn không. Phòng cháy hơn là chữa cháy. Huynh muốn tốt thì hãy tránh thật xa, chớ tới gần muội.

Nữ Thần Y vừa mới dứt lời thì ngay tức khắc, sư huynh của nàng cau mày thịnh nộ:

- Muội đừng nói những lý lẽ đó. Huynh không muốn nghe, và cũng không đi đâu cả. Huynh sẽ ở bên cạnh muội suốt đời. Muội có tin không?

Sư muội của chàng dường như không tin. Miệng mồm tịch, nàng chẳng màng ừ hử. Cửu Dương không nghe người thương trả lời trả vốn thì đoán biết nàng đang nghi ngờ thói trăng hoa của mình.

Cửu Dương bèn nâng chiếc cằm thon gọn xinh xinh:

- Muội không tin những gì huynh vừa mới hứa? – Chàng ném cho sư muội tia nhìn soi mói.

Nữ Thần Y vẫn không đáp từ.

- Muội thật không tin huynh? - Cửu Dương tức tối - Được rồi, để huynh thề cho muội coi! Huynh sẽ thề trước toàn thể thiên địa sinh linh.

Rồi chàng hăm hở cung tay vái ba cái:

- Đệ tử là Tần Thiên Văn, cầu xin trời phật làm chứng cho những gì đệ tử sẽ nói. Cả đời đệ tử nguyện yêu sư muội. Tình bất diệt, không thay đổi. Nếu có nuốt lời, thiên địa bất dung.

Cách chỗ Cửu Dương quỳ khoảng vài gang tay, trái tim của Nữ Thần Y đập loạn xì ngầu, cơ hầu trật nhịp. Nàng xém bị câu nói cuối cùng làm cho xiêu lòng. Nhưng điều đó cũng quá ư là dễ hiểu. Từ xưa tới nay, các nàng con gái mà gặp phải anh chàng vừa bô trai vừa giỏi nói lời trăng gió thì có ai lại không hồn phi phách tán? Có ai lại không xúc động ngập tràn? Nhất là khi chàng khư khư giơ tay tuyên thề với thượng đế cả đời chỉ yêu mãi mãi nàng thôi.

Cửu Dương thề xong thì quay sang hỏi:

- Thiên đình chứng giám lời thề của huynh rồi, bây giờ muội đã tin chưa?

- Tự dưng khi không huynh lại thề độc - Nữ Thần Y giựt vạt áo của sư huynh nàng.

- Tự dưng sao được mà tự dưng? Tại muội không tin chứ bộ.

- Bây giờ thì muội tin rồi.

- Tin sao?

- Tin là kiếp này huynh sẽ không bao giờ bỏ rơi muội.

Đối thoại đến đây, Nữ Thần Y áp bàn tay lên ngực:

- Nhưng mà nè…

Cửu Dương nhướng mày:

- Gì?

Nữ Thần Y lí nhí nói câu dễ mất lòng nhau:

- Nhỡ… mai này lời thề ứng nghiệm thì huynh sẽ làm sao?

- Cái đó dễ ẹc – Cửu Dương phẩy tay - Huynh sẽ… chạy xuống bếp.

- Xuống bếp?

Nữ Thần Y tròn mắt trước lời huyền hoặc. Nàng ngỡ dưới bếp có chứa cái càn khôn khuyên quái quỷ gì đó có thể dùng để trấn thiên tai. Phía đối diện, Cửu Dương cười thầm. Chàng chắc mẩm lần này gạ gẫm được nhà thông thái.

- Ừ! - Chàng thủng thỉnh đáp - Huynh sẽ xuống bếp ngậm một họng cơm.

Ngỡ sư huynh lạc đề, Nữ Thần Y mở to cặp mắt nai tơ, khoe hai hạt nhãn tròn xoe ngơ ngác:

- Muội không hiểu huynh đang nói gì. Một người sắp ngủm đến nơi rồi còn ngậm cơm làm chi?

- Thì bởi vì người ta thường hay nói… trời đánh tránh bữa ăn mà. Bộ muội chưa từng nghe hả?

- Hứ!!! Nói như huynh!

Bị chàng đùa cợt, Nữ Thần Y hứ một tràng rồi xịu mặt. Cửu Dương thừa nước đục thả câu:

- Thì phải vậy chứ sao – Chàng cười – Nếu không né thiên lôi, huynh xuống lỗ rồi, ai lo cho muội?

Nữ Thần Y lại hứ. Cửu Dương càng tười to hơn. Lát sau, chàng ngưng cười, bảo:

- Nói giỡn vậy thôi chứ lúc nãy nghĩa phụ có nói cho huynh biết cách hóa giải nghiệp chướng.

- Thật không huynh? - Nữ Thần Y nhìn sư huynh, mỉm cười bằng mắt.

- Dĩ nhiên là thật – Cửu Dương chém tay vào không khí, giọng quả quyết - Muội hãy nghĩ thử xem, Mã Lương tiền bối thông thạo tử vi thuật số đến như vậy thì chắc chắn có cách thay đổi càn khôn, chuyển thế vận mệnh xui rủi của con người.

Nữ Thần Y vẫn chưa chịu tin:

- Mã Lương lão gia có cách khắc chế số mệnh của muội? Chắc huynh nói gạt muội rồi.

Cửu Dương nhíu mày, vờ phật lòng:

- Muội không tin thì thôi, huynh đi đây.

Dứt lời, Cửu Dương phủi tay đứng lên. Nữ Thần Y bật dậy theo:

- Ý, ý! Huynh đừng đi. Hãy cho muội biết ông ấy đã nói những gì?

Cửu Dương gãi cằm:

- Không thể nói được. Đây là thiên cơ, bất khả tiết lộ.

Sau khi giở giọng úp mở đáng ghét, Cửu Dương quay mình. Nữ Thần Y liền làm con đỉa. Nàng quyết không cho chàng đi nên huơ tay nắm tóc chàng giựt mạnh.

Bị nữ nhân nắm cán, Cửu Dương sừng sộ:

- Trên đầu ba thước có thần linh. Cái mỏ ác của huynh chỉ dùng để thờ ông bà tổ tiên. Muội đừng có nắm đầu nắm cổ!

Vừa nói, chàng vừa phủi tay sư muội như phủi bụi. Bị hất hủi, Nữ Thần Y không cam lòng. Nàng liếc mắt đưa tình, miệng nở nụ cười quyến rũ nhưng Cửu Dương không dễ mắc mưu.

Chờ hoài mà chàng không nói, Nữ Thần Y cung tay hăm dọa:

- Huynh có chịu nói không?

Cửu Dương nghe tiếng làu bàu, hiểu sư muội đang quạu quọ. Và những lúc nàng nổi quạu thì thường hay giở càng cua. Chàng e bầm da tím thịt nên bụm mặt tru tréo:

- Bớ người ta, có sát thủ véo mông!

Nữ Thần Y vốn thân phận má hồng, nay nghe danh tiết trong sạch của mình bị sư huynh chà đạp thì đùng đùng nổi giận. Nàng lao vào nhéo một cái vô be sườn. Cửu Dương quýnh quíu nhảy tránh.

- Được, được! – Chàng hốt hoảng giơ hai tay đầu hàng - Huynh chịu thua muội rồi, để huynh nói.

Và chàng ngoắt ngoắt sư muội đến gần. Khi nàng đứng sát rạt kế bên, chàng nói:

- Không!

Cửu Dương thốt xong tiếng “không” thì ngoác miệng rộng tới mang tai, hì hì như khỉ đột. Bị trả treo, Nữ Thần Y trợn tròng rồi vung tay nhéo tá lả. Khung cảnh nhí nhố. Chàng vắt giò lên cổ chạy phía trước, nàng rượt đuổi phía sau.

Cửu Dương vừa khua cặp cẳng cao lêu nghêu vừa bô bô:

- Muội lạ à nghen. Lúc nãy rõ ràng muội bảo “huynh có chịu nói KHÔNG,” huynh liền nói “KHÔNG” thì muội giận.

Nữ Thần Y quả nhiên đang giận tím gan, lòng thừa biết bản thân đã mắc câu của anh chàng ba que xỏ lá. Bởi vậy mà khi Cửu Dương vọt tới thư phòng, Nữ Thần Y cũng bám theo vô trong. Nàng níu kéo chàng đến toạc vạt áo. Cửu Dương lại được dịp trêu ghẹo.

- Muội mau ngừng tay – Cửu Dương hét tướng – Đừng có tưởng huynh thương muội thì được quyền tự tiện cởi quần cởi áo của huynh!

Nữ Thần Y đỏ mặt:

- Huynh nói chuyện đứng đắn chút nha! Muội chỉ mới kéo đồ thôi hà, chưa có cởi.

- Thì kéo với cởi cũng giống nhau. Cả hai chữ đọc nghe từa tựa – Cửu Dương đáp bừa.

“Giống sao được mà giống?” Nữ Thần Y chưng hửng, “Thiên Văn huynh ấy đúng là mồm mép tép nhảy. Muốn nói gì thì nói nấy.”

Nữ Thần Y ngúng nguẩy:

- Huynh đúng là vô duyên!

Bị người thương đánh giá, Cửu Dương chẳng chút tự ái mảy may. Chàng nhún vai nói:

- VÔ duyên chứ có phải RA duyên đâu mà sợ? – Chàng chơi chữ.

- Huynh … huynh… - Nữ Thần Y bị lý luận cùn chặng họng.

- Huynh thế nào?

- Huynh… ma giáo.

Cửu Dương tiếp tục đấu võ mồm:

- Ể! Muội đừng có nói bậy, xúc phạm thiên đình đó nha. Nam Thiếu Lâm là lò võ phật giáo, không phải ma giáo đâu à!

- Hứ! – Nữ Thần Y cong môi - Huynh đúng là lắm lời. Muội nói không có lại.

- Vậy muội chịu đi?

- Chịu gì?

- Chịu bái huynh làm sư chứ còn chịu gì nữa? Huynh sẽ truyền cho muội món võ… mồm.

- Hứ!

- Không chịu làm đệ tử dzậy làm thê tử nha? – Cửu Dương liên tục gạ.

- Làm thê tử để cho huynh sai khiến hả? Huynh muốn tìm người đấm lưng và hầu hạ cơm canh? – Nữ Thần Y dài giọng.

Cửu Dương lắc đầu:

- Huynh đâu cần muội đấm lưng hay hầu hạ cơm canh, mấy cái chuyện vặt vãnh đó huynh có thể tự lo. Huynh chỉ cần muội hầu hạ huynh… tắm rửa rồi lên giường ngủ.

- Xí! – Nữ Thần Y từ hứ chuyển sang xí.

- Muội xí hả? – Cửu Dương bẹo má - Không sao đâu, từ trước tới nay huynh không hề câu nệ vấn đề nhan sắc, đêm xuống tắt đèn ai cũng như nhau mà.

- Huynh… huynh – Nữ Thần Y mắc cỡ giậm chân. Nàng lại thêm một lần đuối lý.

Nếu cả hai tranh tài lý sự thì viện trưởng của Hắc Viện học đường hẳn bỏ tái thế Hoa Đà một quãng khá xa, à không, phải nói là xa lăng lắc. Bởi Cửu Dương là cái anh chàng lẻo lưỡi, trên cõi đời này ai sánh cho bằng? Nhưng nếu luận mưu mẹo vặt thì chưa biết ai là kẻ cam bại hạ phong.

Lúc này, cả hai người đang ở trong phòng. Nữ Thần Y thình lình nghĩ ra món đòn công phá. Nàng thối lùi vài bước, nhắm hướng bàn trà mà vờ vướng chân, quẹt trúng đầu gối. Nàng làm bộ kêu một tiếng đau điếng rồi buông mình ngồi bệt xuống sàn nhà, mặt mày bí xị. Cửu Dương trúng đòn hiểm, chàng vụt lại xem xét chân cẳng người đẹp:

- Có sao không?

- Tối mới có sao, sáng làm gì có sao? - Nữ Thần Y bắt chước chàng chơi chữ, nàng thè lưỡi trả thù.

Cửu Dương gật gù. Chàng không dè người nữ đồ đệ này học nghề mau lẹ. Phía đối diện, Nữ Thần Y được voi đòi tiên, nàng phụng phịu:

- Thật ra, Mã Lương lão gia không có cách gì để chuyển đổi vận mệnh của muội, đúng không huynh?

- Sao lại không có cách? - Cửu Dương ai oán kêu lên.

Được nước làm tới, Nữ Thần Y cụp mắt, thách:

- Muội không tin!

- Phải làm sao muội mới tin?

Tưởng chàng trúng ổ phục kích, Nữ Thần Y sáng mắt:

- Thì huynh cứ nói ra đi, muội muốn nghe thử coi cách hay ho đó là cách gì.

Cửu Dương tằng hắng:

- Thật tình thì nghĩa phụ của huynh đã tính kỹ rồi, chỉ có một cách hóa giải mà thôi.

Và chàng nắm chặt đôi bàn tay sư muội, giọng ngọt hơn mía lùi:

- Mã Lương lão gia nói nếu mai này chúng ta thành đôi thì đời muội mới tránh được chông gai rắc rối. Chỉ có huynh là người duy nhất làm sợi dây nối muội với đất đai nguồn cội, dẫu cuộc đời thổi dạt muội đi đâu…

- Thôi đủ rồi nghen!

Nữ Thần Y phát hiện sư huynh của nàng giỡn mặt nên cao giọng cắt ngang, không để chàng hát xong tuồng cải lương hồ quảng. Nàng biết Cửu Dương đang thừa dịp tỉnh tò chứ Mã Lương đâu có nói mấy câu nhột nhạt đó.

Rốt cuộc thì Gia Cát tái lai không có mưu mẹo gì sất! Cửu Dương đã đoán trước số mệnh ngặt nghèo của sư muội. Chàng không cam tâm để nàng cả đời cô quạnh nên đi tìm Mã Lương tiền bối hỏi mối lương duyên. Sau khi thật hư đã được khẳng định, chàng liền thỉnh ý nhờ hóa giải nhưng ngay cả thầy cũng bó tay.

Còn bức màn thơ hoa đó đích thật là của chàng chế tạo. Hàm ý ẩn giờ đã tỏ tường. Từng chữ từng câu chất chứa lời tiên tri xui xẻo. Tác giả đang miêu tả mối tình của một chàng anh hào quân tử gắn bó với nàng thục nữ thuyền quyên. Bài thơ mộc mạc ý chân thành. Chàng mong mỏi nàng có đủ bản lĩnh để đứng dậy đấu tranh. Mặc kệ tương lai may rủi thế nào, chúng ta cùng nhau vượt qua tai kiếp.

Câu thơ thứ nhất, “trước kính lạy trông ơn bối mẫu, sau tỏ lòng thục nữ hồng hoa” ám chỉ mối tình si của một chàng trai hiền lành đôn hậu. Hơn nữa, chàng còn rất lễ phép. Trước khi ngỏ lời với người yêu, chàng muốn tỏ lòng biết ơn cha mẹ hai bên bởi vì họ đã ban cho chàng và nàng sự sống. Trọn đời chàng sẽ không quên ơn đức cao cả. Đúng y câu áo mặc không qua khỏi đầu. Hai chữ bối mẫu trong câu thơ dùng để chỉ đấng sinh thành, và cũng tượng trưng cho củ ớt ngô, một vị thuốc trị bệnh ho suyễn, có khẩu vị cay và đắng. Còn hai chữ hồng hoa là để miêu tả nàng thiếu nữ đoan trang, một người con gái sở hữu tấm lưng ong, vóc dáng mong manh như ngọn cỏ, từng bước đi của nàng tha thướt dịu dàng tựa nhánh mai gầy trước gió. Riêng về y học thì hồng hoa là cây hoa điều, một vị thuốc trị huyết, làm tan chỗ bầm và đả thông kinh mạch.

Câu thứ hai, “đôi ta từ bán hạ giao hòa, lòng những ước liên kiều hai họ” theo nghĩa văn chương bóng gió là nói đôi ta gặp gỡ vào mùa hạ của nhiều năm trước. Tình yêu cũng từ đó kết lựu đơm bông. Chờ đến hôm nay, chàng trai mới có đủ can đảm bắt cầu liên kết hôn nhân với nàng con gái. Vị thuốc bán hạ là tên của củ lô có tác dụng chữa chứng nhức đầu. Còn liên kiều là cây thuốc giải sốt phong hàn và cảm cúm.

Câu thứ ba, “duyên xích thược anh đà gắn bó, nghĩa quế chi em khá ghi lòng” nôm na ám chỉ sợi tơ hồng Nguyệt Lão, duyên xích thằng, buộc chặt đôi trai tài gái sắc. Xích thược là rễ cây thược dược đỏ dùng điều trị chứng thiếu máu. Còn thuốc quế chi có vị cay ngọt, dùng làm ấm kinh mạch để trị bệnh đau mỏi. Quế chi còn có thể sắc thành thang thuốc chữa bệnh phong hàn vì nó có hoạt tính tốt cho tim mạch, làm giảm huyết áp và trừ siêu vi khuẩn.

Câu thứ tư, “mặc dù ai trỗi tiếng phòng phong, đôi ta nguyện cùng nhau cát cánh” đã được nhà thơ viết nên để ám chỉ mối lương duyên sanh tiền bạc phận. Cho dù có điều xui rủi hay là có tiếng xấu đồn xa thì đôi uyên ương vẫn tâm đầu ý hợp, đời này kết giao như chim liền cánh, như cây liền cành. Trong lĩnh vực Đông y thì phòng phong là một vị thuốc thường hay đi cặp với kinh giới. Hai loại thuốc này đã được lương y chuyên dùng cho việc xông khói và làm toát mồ hôi. Ngay cả liều thuốc cát cánh cũng thế. Rễ cây cát cánh có thể dùng để thông phổi hầu viêm.

Câu thứ năm, “ngồi nhớ tới đào nhơn cám cảnh, nỡ để cho quân tử ưu phiền” miêu tả sự tương tư của chàng trai đối với người con gái. Bộ phận của cây đào nhơn dùng để làm thuốc an thần. Còn trái quân tử đã từng được dùng từ thời thượng cổ để trị giun lãi.

Câu thứ sáu, “muốn sao cho nhơn nghĩa huỳnh liên, thì mới đặng vui vầy viễn chí” nói lên tình ý của chàng trai. Chàng ước mong cuộc sống về sau đời đời mỹ mãn, thiên trường địa cửu chung sống quây quần bên cạnh người chàng thương. Chàng toan tính dùng cả cuộc đời để tạo dựng một gia đình đông vui ấm cúng. Huỳnh liên là loại thuốc đắng có thể trị chứng chảy máu cam. Còn lá viễn chí thì được lang y sử dụng để tẩm bổ trí óc.

Câu thứ bảy, “ngồi buồn chốn mạch môn thăn thỉ, nhớ thuyền quyên tục đoạn gan vàng” diễn tả nỗi lòng ngày nhớ đêm mong của chàng trai. Chàng mong nàng đoái hoài đến lòng thương yêu của chàng, cơ hồ đứt đoạn tâm can, nát gan nát ruột. Mạch môn là rễ cây mạch môn đông, một loại thổ sản thường mọc tràn lan tại vùng đất Tứ Xuyên, dùng để kích thích tuần hoàn và chống ung thư ngực.

Ý nghĩa của câu thứ tám từa tựa câu thứ nhất, “ơn cha mẹ nghĩa tợ hoài san, công song nhạc tình đà đỗ trọng.” Chàng trai thổ lộ rằng công ơn cha sinh mẹ đẻ cao ngời như núi. Cũng vì thế mà nhà thơ mới đề cập đến vị thuốc hoài san, một loại củ mọc trên núi cao hoặc trong rừng sâu. Củ hoài san chữa chứng mê mệt tinh thần. Còn đỗ trọng là liều thuốc trị chứng liệt dương của đàn ông.

Câu thứ chín, “ngày vái tới thiên môn lồng lộng, đêm nguyện cùng thục địa chiếu tri” biểu hiện tình cảnh chàng trai ngày đêm chắp tay khấn xin thiên đình chứng giám cho mối tình nồng. Thiên môn đông là củ tóc tiên, có thể trị ho lao. Còn thục địa là củ cây sanh địa đã được nấu chín. Lang y kết hợp củ cây sanh địa với các loại dược thảo để hạ mức đường trong máu.

Câu thứ mười, “dạ muốn cho trọn chữ đương quy, vậy nên phải cạn lời bạch truật” chứng minh tình ý của chàng trai. Chàng một lòng một dạ muốn cưới nàng con gái ấy làm vợ. Nhưng trước hết, chàng muốn hỏi rằng trong trái tim nàng đã có hình ảnh ai chưa? Theo Trung dược thì đương quy dùng để khai thông kinh mạch. Thuốc đương quy đứng thứ nhì sau củ nhân sâm, loại dược đơn chuyên việc bổ huyết. Còn bạch truật là thứ củ mọc ở vùng cao, khí ấm, có thể tiêu trừ các loại bướu hoặc ung thư tử cung.

Câu mười một, “bấy lâu tưởng linh tiêu phụ dực, nay mới tường độc hoạt loan phòng” có nghĩa bóng gió xa xôi là bấy lâu nay chàng trai vẫn luôn cầu mong thần linh phù hộ cho tình yêu vĩnh hằng. Ngặt nỗi, tình chàng lai láng như biển Thái Bình nhưng đời nàng mãi mãi phòng loan chiếc bóng. Linh tiêu là hột hồ tiêu có vị cay, dùng để điều hòa tiêu hóa. Thân cây nấu với măng tre có thể làm trụy thai. Còn rễ cây độc hoạt uống vào sẽ chống đau nhức.

Câu mười hai, “trách dạ em nhiều nỗi xuyên khung, chạnh tủi phận lòng này cam toại” có ý khiển trách nàng con gái. Ý nghĩa của hai từ cam toại là cam chịu và nhẫn nhịn. Chàng trai khiển trách lòng dạ của người con gái chàng yêu. “Sao nàng cứ mãi ơ thờ hờ hững với ta? Khiến ta ẩn nhẫn chịu đựng bấy lâu. Xin nàng cứ thốt một lời, dù đó là lời đoạn tuyệt.” Hoa xuyên khung được dùng làm hương liệu cho đồ trang điểm. Rễ cây trị tê nhức và phong thấp. Còn rễ cây cam toại thì có thể làm thoát nước trong chứng bịnh cổ trướng do ký sinh trùng hay phổi ứ nước.

Câu mười ba, chàng trai tỏ nỗi lòng buồn bã. “Vì nhãn nhục không trông trái phải, nỡ phụ người bạch chỉ chi nhân” ý nói lúc chàng phân bua tâm sự với người thương thì bị người thương từ chối. Chàng khóc than, “cớ sao nàng nỡ phụ tấm chân tình thành thật của người hết dạ yêu nàng?” Quả nhãn nhục có vị ngọt, dùng làm tăng trí nhớ và phục hồi tuổi thọ. Dân chúng Đông Dương còn dùng hột nhãn để rút nọc độc của loài rắn hổ mang chúa. Riêng rễ cây bạch chỉ thì dùng để trị chứng đau nhức.

Câu thứ mười bốn là câu thơ đau thương. Chàng trai tưởng đời này sẽ cùng người chàng yêu đẹp duyên đôi lứa. Ai ngờ đến phút cuối cùng người nỡ xa lìa. Chàng vừa đau lòng vừa oán than trời đất, “tưởng cùng nhau tụ hội châu trần, hay đâu bậu ký sanh viễn địa.” Hai chữ châu trần tức là hai họ Châu và họ Trần. Trong chốn dân gian thì hai nhà này thường kết thân với nhau. Giải thích theo ý nghĩa Đông y thì nhân trần là vị thuốc khử phong và trị chứng vàng da. Chữ châu là để chỉ hạt châu của con trai, dùng để chữa bệnh an thần. Còn cọng cây ký sanh được các bà mẹ dùng làm tăng tuyến sữa.

Câu mười lăm gợi tả hình ảnh sầu khổ bi ai, tình trường tê tái. Trong tương lai, chàng trai sẽ trải qua nhiều tai kiếp, và vì không thể một lòng trọn bề nhân nghĩa nên chàng muốn ra tiền hồ kết liễu tính mạng của mình. “Này kinh giới chẳng toàn nhơn nghĩa, chốn tiền hồ nguyệt kết liễu châm.” Bông kinh giới và lá tiền hồ đem phơi khô sắc nước có thể trị cảm, ho, và làm lui cơn sốt.

Câu mười sáu, “tai vẳng nghe nổi tiếng huỳnh cầm, chạnh tủi phận đằm đằm trạch tả” nói lên sự cảm nhận của chàng trai. Chàng âu sầu tủi phận khi nghe tiếng đàn cằm văng vẳng, tiếng đàn nghe như ai oán, như than phiền cho mối tình duyên. Rễ củ huỳnh cầm có thể làm lui cơn sốt. Lá trạch tả trị bệnh cùi hủi. Rễ cây làm vã mồ hôi, trị phù thủng. Còn thân cây thì có thể làm thuốc kích thích cơ quan sinh dục của đàn bà, khiến họ dễ đậu thai.

Câu mười bảy, “nhớ trinh nữ lòng dao cắt dạ, quặn nhơn bào tựa muối xát lòng” diễn tả nỗi đau đớn ở trong lòng của chàng trai. Chàng nhung nhớ người yêu đến nát từng khúc ruột, tim đau hơn là vết thương bị xát muối. Cây trinh nữ là cây mắc cỡ. Lá cây có tính chất an thần. Rễ cây trị đau khớp xương. Còn nhơn bào trị chứng suy nhược tinh thần, liệt dương, hoặc hiếm muộn.

Câu mười tám là câu thơ bi thảm nhất của bài thơ, “ngùi châu sa lụy ngọc ròng ròng, đoạn thần khúc đề thơ trách bậu.” Câu này miêu tả tấm chân tình của chàng trai. Chàng mãi mãi mất người chàng yêu nên đã khóc ròng. Ái tình tuyệt vọng. Ruột gan của chàng lúc này như bị dao cắt thành từng khúc. Nỗi thống khổ đó thiên địa thấu chăng? Châu sa là thuốn an thần, dùng để khắc phục triệu chứng tim đập nhanh. Còn thần khúc là tên của một loại trà có mùi hương dễ chịu, vị hơi chát, có thể trị bệnh rối loạn tiêu hóa.

Một bài thơ ủy mị và bi đát quá mà Nữ Thần Y lại yêu. Mãi cho đến ngày hôm nay, nàng vẫn thường đọc đi đọc lại.

Giang Nam. Hắc Viện.

Chợt có tiếng bước chân rầm rộ. Cánh cửa kho thuốc mở toang. Nữ Thần Y giật mình nhìn hai kẻ lạ mặt. Cửu Dương đang dìu một nàng thiếu nữ áo đen trẻ tuổi. Theo sát phía sau là một nữ nhân áo đỏ, khuôn mặt giống hệt nàng áo đen. Trông hai người con gái loáng thoáng như hai giọt nước. Bọn họ thình lình xuất hiện khiến Nữ Thần Y há hốc miệng.

Cửu Dương dìu thiếu nữ áo đen ngồi lên chiếc ghế kế tủ thuốc, chỗ có chiếc bàn gỗ liêm dùng để bắt mạch chuẩn bệnh. Nữ Thần Y đang sử dụng chiếc bàn này để phân chia các loại rễ cây. Thần tiên tỷ tỷ lập tức ngừng tay, nàng mỉm cười với những người khách mới.

Nữ nhân áo đỏ đứng khoanh tay như ông thần hộ pháp bên cạnh thiếu nữ áo đen, thấy Nữ Thần Y chào bèn gật đầu đáp lễ. Chỉ riêng thiếu nữ áo đen là không màng xả giao, nàng bận nhắm nghiền đôi mắt, còn đôi môi thì rên rỉ từng hồi.

Cửu Dương chưa giới thiệu câu nào thì Lâm Tố Đình và Tiểu Tường bước vô. Cả hai khựng chân tựa lưng vào cánh cửa.

- Muội thấy huynh lấp lấp ló ló ở đầu ngõ giống y như một tên ăn trộm, té ra là đem “gái” dzô nhà! - Tiểu Tường dài giọng.

Lâm Tố Đình để mặc cho Tiểu Tường kiếm chuyện với Cửu Dương. Giang Nam đệ nhất mỹ nhân tuyệt nhiên không nhếch môi mà chỉ chong mắt ngắm hai vị quan khách.

Cách đó một quãng, thiếu nữ áo đen tối tăm mày mặt trước giọng điệu đa phần khiêu chiến của cô gái có vòng một to lớn khác thường.

- Đúng là mõm chó không mọc ngà voi – Thiếu nữ áo đen hỏi Tiểu Tường - Có biết chúng tôi là ai không mà dám lên mặt sỉ vả?

- Cô vừa nói gì? - Ánh mắt Tiểu Tường nảy lửa - Nói lại lần nữa thử coi mồm cô cứng hay nắm đấm này của tôi cứng hơn?

“Úi zời!” Trong đầu Cửu Dương than trời như bọng. Mới gặp nhau chưa quá ba giây mà ngôn ngữ của Tiểu Tường và thiếu nữ áo đen đã nhanh chóng xuôi theo khuynh hướng bất đồng.

Đứng cạnh Tiểu Tường, Lâm Tố Đình cùng chung tâm trạng với Cửu Dương. Nàng sợ hai con sư tử Hà Đông sẽ tự tiện mở lôi đài tử chiến nên túm áo Tiểu Tường giựt giựt:

- Thôi mà! Bốn bể là nhà, tứ hải đều giai huynh đệ cả!

Nữ nhân áo đỏ cũng lật đật vuốt ngực nàng áo đen:

- Đúng đó! Tỷ đừng giận quá mất khôn. Có gì chúng ta từ từ ngồi xuống uống trà thương lượng.

- Thì tỷ đang ngồi đây này, bây giờ chỉ có nước đứng dậy đập lộn thôi – Thiếu nữ áo đen trả lời sư muội nhưng hai tay thu nắm đấm, mắt liếc xéo, răng nghiến trèo trẹo.

Câu nói của thiếu nữ áo đen như phi tiêu sắc nhọn, phóng đúng ngay chóc sợi dây thần kinh cười của Nữ Thần Y. Thiên thần tình ái nhớ lại lời nói quen thuộc của Lâm Tố Đình, “đã đập thì phải đập cho trúng, chứ đập lộn thì đập làm chi?”

Nữ Thần Y bặm môi. Nàng muốn cười lắm nhưng e bất nhã với khách. Vả lại, trong thâm tâm tái Hoa Đà hiểu đã tới giờ lên tiếng hóa giải tư thù hai họ. Nếu không thì Tiểu Tường và thiếu nữ áo đen sẽ làm rùm beng. “Mình phải nói gì để xoa dịu hai dòng máu đang sôi sục kia đây?” Nữ Thần Y tự hỏi. Thoạt đầu, nàng để ý thấy thiếu nữ áo đen chân đi cà nhắc nên quyết định vịn cớ đó mà đánh trống lảng.

Nữ Thần Y giơ tay chỉ giò cẳng đối phương, cố ý bàn chuyện thương tật:

- Chân của cô sao thế?

Cửu Dương nãy giờ ê lỗ nhĩ, nay nghe Nữ Thần Y lảng chuyện thì mừng quýnh. Chàng phân trần:

- Hình như cô ấy bị trặc mắt cá. Muội có thể nào xem thử hay không?

Nữ Thần Y tiến đến gần thiếu nữ áo đen:

- Cô không ngại tôi xem vết thương chứ? – Nữ Thần Y vừa hỏi vừa khiễng chân quỳ xuống đất.

Thiếu nữ áo đen dòm vị lương y giang hồ, thấy người con gái này dịu dàng khả ái nên xuống giọng hỏi:

- Cô là ai?

Nữ Thần Y định trả lời thì có tiếng xía dzô:

- Cô ấy chính là Nữ Thần Y vang danh giang hồ – Lâm Tố Đình nói lớn, giọng điệu cà rỡn như đang quảng cáo món hàng đại hạ giá mua một tặng ba.

Tiểu Tường phụ họa:

- Cô ấy còn có biệt danh là tái Hoa Đà.

Nói rồi, Tiểu Tường trề môi phán luôn:

- Thái Sơn trước mặt mà không biết, đúng là ngu muội.

Thiếu nữ áo đen bỏ ngoài tai lời chua cay của Tiểu Tường. Chỉ cần nghe Lâm Tố Đình bảo người con gái nhu mì hiền hậu đó có tên là Nữ Thần Y thì mọi cảnh giác trong lòng thiếu nữ áo đen hầu như tan biến, nàng không buồn giữ kẽ nữa.

Hắc hiệp nữ nhân reo to:

- Cô thật là Nữ Thần Y? Kẻ mà giang hồ đồn là phật bà Quan Âm có biệt tài cứu sống bệnh nhân mới vừa tắt thở?

Nữ Thần Y cười:

- Tôi quả thật là Nữ Thần Y, nhưng không phải phật bà Quan Âm. Còn chuyện tôi có thể cứu sống người đã chết là do thiên hạ thổi phồng. Họ đồn đại thôi. Cô chớ nên tin lời tâng bốc.

- Té ra là do người đời đồn bậy. Thế mà bấy lâu nay tỷ muội chúng tôi cứ tưởng cô có phép lực thần thông.

Trong khi thiếu nữ áo đen gật gù phân biệt sự việc thật hư thì nữ nhân áo đỏ thầm công nhận, “đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy, kẻ được võ lâm tôn thành Hoa Đà tái thế quả thật ân cần, lại vô cùng đôn hậu với bệnh nhân.”

Sau hồi quan sát viết thương, Nữ Thần Y đứng dậy đặt tay lên vai thiếu nữ áo đen:

- Cô đừng lo, vết thương này nhẹ thôi, chỉ cần được băng bó kỹ lưỡng và điều trị bằng thuốc đau nhức thì sẽ mau chóng hồi phục. Để tôi đi sắc thuốc rồi mang đến cho cô.

Định bệnh đâu vào đấy, Nữ Thần Y cáo từ. Còn lại năm người, Cửu Dương xòe chiếc quạt trắng phe phẩy:

- Hai cô cứ an tâm ở đây tịnh dưỡng, nơi này rất xa Hào Phi sơn trang.

Và chàng quay sang Lâm Tố Đình:

- Muội hãy đi chuẩn bị hai căn phòng cho…

Đang ngon trớn, Cửu Dương sực nhớ bản thân còn chưa biết quý danh của hai vị quan khách.

- Quên mất! – Cửu Dương xếp chiếc quạt lại, dùng nó vỗ vỗ trán - Phải xưng hô thế nào nhỉ?

- Ờ há! Tỷ muội chúng tôi cũng chưa biết tên huynh – Nữ nhân áo đỏ bưng miệng cười khúc khích.

Biết thì thời trao đổi danh thiệp đã đến, Lâm Tố Đình kéo tay Tiểu Tường tới trước mặt hai nàng con gái áo đỏ áo đen:

- Để muội giới thiệu - Lâm Tố Đình bảo Cửu Dương.

Và Giang Nam đệ nhất mỹ nhân láu lỉnh làm hướng dẫn viên dìu dắt chương trình tứ hải giai huynh đệ:

- Cô nàng đỏng đảnh này là Tiểu Tường - Lâm Tố Đình vừa nói vừa trỏ tay chỉ Tiểu Tường - Hai người đừng lo, Tiểu Tường có cái mồm đanh đá nhưng tôi bảo đảm cô ấy tâm lành tốt dạ. Ngoài miệng tuy khẩu xà nhưng mà tâm phật.

Lời nói dí dỏm của Lâm Tố Đình khiến mọi người cười ồ, chỉ riêng một mình Tiểu Tường nhăn mày nhíu mặt. Làm con ong châm chích xong, Lâm Tố Đình đập tay lên ngực:

- Còn tôi tên Lâm Tố Đình, các cô cứ kêu tôi là Đình Đình, Đình Nhi, Lâm cô nương, gọi sao cũng được.

- Vậy gọi là thiếu đà chủ phu nhân có được không? – Tiểu Tường phá bĩnh.

- Đương nhiên là… không – Lâm Tố Đình húc cùi chỏ vô eo Tiểu Tường nhưng Tiểu Tường tránh né.

Hụt đòn, Lâm Tố Đình trừng mắt với Tiểu Tường một cái rồi nói tiếp:

- Còn Hoa Đà tái thế thì các cô vừa mới gặp qua.

Cuối cùng, Lâm Tố Đình hất đầu về phía gã trượng phu, định trình bày tên tuổi của y thì bị Tiểu Tường chơi gác:

- Tới phiên tôi giới thiệu – Tiểu Tường cướp lời - Huynh ấy chính là Cửu Dương!

- Hả!!! – Nàng áo đen giật nãy.

- Không thể nào! – Nàng áo đỏ lắc đầu.

Cặp tỷ muội song sinh tròn mắt ngó Cửu Dương. Đây là lần thứ mười họ tha thiết ngắm chàng. Có cho vàng họ cũng không dám tin anh chàng đẹp trai chính là nhân vật trong câu nói dân gian bất hửu “thông binh pháp ai hơn Tôn Võ? Giỏi thiên văn phải kể Cửu Dương.”

- Muội không ngờ huynh tướng tá trẻ măng mà lại là… Cửu Dương, viện trưởng của học đường Hắc Viện - Thiếu nữ áo đen đột nhiên thay đổi cách xưng hô, kêu huynh xưng muội ngọt ngào.

Nữ nhân áo đỏ tiếp lời:

- Nơi chốn võ lâm ai cũng bảo Cửu Dương của bang phái Đại Minh Triều tuổi trên bốn mươi, đầu hoa răm, da nhăn nheo như trái mướp héo. Bởi thế mà khi muội gặp huynh ngoài bìa rừng, rồi được huynh đưa về học đường tạm lánh thì muội cứ ngỡ huynh là một vị tú tài nào đó đang chuẩn bị cho ngày ứng thí trạng nguyên. Ai dè huynh lại là người sáng lập thuật số tử vi Cửu Dương càn khôn!

- Càng cua chứ càn khôn gì! - Lâm Tố Đình ngoài mặt thì chộ nhưng trong lòng hãnh diện vì có được người sư huynh nổi danh đình đám, bằng chứng là miệng nàng cười toe toét.

- Càng ngu thì có! – Cửu Dương phì cười, chàng lại xòe cây quạt.

Thấy binh khí danh bất hư truyền, hai nàng con gái hớn hở:

- Ý, ý, chắc đây chính là…

Người ta hỏi Cửu Dương nhưng Lâm Tố Đình lẹ mồm đáp thay:

- Cây Nam Châm Quạt.

- Món binh khí hùng bá thiên hạ - Tiểu Tường đệm thêm.

- Có thể thu hút ám khí của địch – Lâm Tố Đình tiếp diễn.

Kẻ khua chiêng người đánh trống. Chưa đã, hai kép chính của đoàn Sóng Dang, nói láy thành “Sáng Dzông” nghĩa là tối hát rồi sáng cuốn tượng bỏ đi mất tiêu bởi vì dở quá bán vé không ai mua, tóm đôi tay của Cửu Dương giơ lên cao hệt một võ sĩ vừa đánh xong trận lôi đài:

- Mời các vị bà con yên lặng, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu…

Hai nường đập tay lên bàn thùng thùng:

- Đây là Gia Cát tái… nạm!

Lâm Tố Đình và Tiểu Tường đua nhau quảng cáo rất ư là thấu đáo, mệt bở hơi tai, nhưng nhờ vậy mà cả hai tạo nên khung cảnh ngập tình hữu nghị.

Sau khi am tường danh tánh nổi như cồn của mỹ nam, nữ nhân áo đỏ xuýt xoa:

- Té ra là thất đương gia của Đại Minh Triều. Chết chưa! Hôm kia muội đâu có biết.

- Đúng là thất kính – Thiếu nữ áo đen vỗ trán tự trách.

Rồi hai nàng nháy nhau quỳ xuống nói:

- Nếu lúc trước hai tỷ muội chúng tôi có xuất khẩu ngông cuồng hoặc là thốt lời mạo phạm thì xin thất đương gia niệm tình chúng tôi trẻ người non dạ mà tha thứ dùm.

Cửu Dương bước tới một bước đỡ cánh tay của hai người đẹp:

- Các cô đừng quá đa lễ, tôi không dám nhận.

Thấy chàng ân cần, hai nàng thiếu nữ đứng dậy mỉm cười duyên. Chưa hết đâu nha! Họ còn nguýt háy, mắt liếc qua lại, đong đưa gợi tình. Lâm Tố Đình ghé vào tai Tiểu Tường:

- Lần này cô có hai mối cạnh tranh!

Bị Lâm Tố Đình thọc trúng tâm sự thầm kín, Tiểu Tường xanh mặt. Còn cặp song sinh thì trái lại, đôi má ửng đỏ như cà chín cây. Chỉ bằng một câu nói chơi của Lâm Tố Đình đã khiến cho mấy người mất tự nhiên. Không gian nhanh chóng trở thành ngột ngạt.

Cửu Dương lo ba nàng con gái ái ngại thành thử chàng tằng hắng một cái, Lâm Tố Đình lập tức chuyển đề tài:

- Hai cô đã biết tên họ của chúng tôi, giờ tới phiên hai cô cho chúng tôi biết cao danh quý tánh.

Thiếu nữ áo đen giơ tay vuốt tóc qua vai trái, nói:

- Tôi là Lộ Phi Nhi.

Nữ nhân áo đỏ giơ tay vuốt tóc sang vai phải, trả lời:

- Còn tôi là Lộ Phi Yến.

Lâm Tố Đình chớp mắt lia lịa, không dám tin vào tai mình:

- Hóa ra các cô là Hắc Lộ Phi nương mà giang hồ… chạy mặt?

- Xin cô đừng nói thế! - Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi lúng túng xua tay – Tỷ muội chúng tôi hiền thấy mồ.

Hiền cái con khỉ khô. Thấy mồ mã thì có. Trong và ngoài võ lâm trung nguyên ai ai cũng đều kiềng mặt. Đôi tỷ muội nhà họ Lộ là chuyên gia trộm cướp, từ nhỏ bôn tẩu giang hồ, biết hết mọi phương pháp trộm cắp xảo diệu. Thấy đồ cắp đồ, thấy vật cắp vật.

Họ được người đời tôn xưng thành “song hội thần đao Hắc Lộ Phi nương.” Tương truyền hai thanh Uyên Ương đao mà họ sử dụng có thể chém đá dễ dàng như gọt củ khoai mì, ngọt xớt. Hai thanh đao khiếp vía đó đang được họ dắt ở đằng sau lưng.

Cặp tỷ muội độc hành đại đạo. May hồn là họ chỉ trộm cướp của bọn nhà giàu. Nếu không thì nhà nghèo lại càng nghèo hơn, bần cùng thêm mạt rệp. Song Lộ Phi nương kiếm tiền rất dễ. Cứ mỗi lần rỗng túi thì họ đi lấy của người khác mang về. Thế nên, những gia đình giàu có nhưng bất chính thường hóa thành nhà kho cho họ gởi tiền gởi bạc. Tôn chỉ sống của họ là “một năm ăn trộm bằng ba năm cày!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.