Viễn Cổ Cuồng Tình

Quyển 3 - Chương 60




- Hừ! Huynh còn giả bộ hồ đồ, huynh cho là tất cả mọi người đều là kẻ ngốc hay sao?

Liễu Huyền Mậu biết rõ con trưởng của Vương Tự là Vương Lăng làm ở Đông Cung học quán, y cho rằng vụ án ám sát Sở Vương phi là do triều Đường gây nên, mà Vương Gia là người cung cấp phương tiện, thích khách có thể ung dung bố trí, còn có một người có thể trốn thoát, nếu nói không có nội ứng, rất khó làm cho người ta tin, mà Vương Túc thân là Kinh Triệu, hiềm nghi cũng lớn hơn.

Vương Tự lại càng không hiểu ra làm sao, có chút không vui hỏi:

- Rốt cuộc đệ đang nói về chuyện gì?

- Vụ ám sát Sở Vương phi, huynh dám nói bản thân mình vô tội?

Liễu Huyền Mậu luôn miệng cười khẩy.

Vương Tự giật mình kinh hãi, làm sao mình và vụ ám sát Sở Vương phi lại có quan hệ với nhau, lão đột nhiên có một cảm giác hoang mang, lão biết Liễu Huyền Mậu không phải thuận miệng nói bậy, tất nhiên là đã nhận được tin tức gì, lão vội vàng đóng cửa lại.

- Hiền đệ ngồi xuống, chúng ta từ từ nói chuyện.

Liễu Huyền Mậu ngồi xuống, nhìn chăm chú từng nét biến đổi trên mặt Vương Tự, thấy trong mắt của lão cũng không có sự kích động khi bị vạch trần, mà là một sự ngạc nhiên, trong lòng y có chút nghi ngờ, chẳng lẽ không có chuyện này? Nhưng với thân phận của Tô Uy, lão làm sao có thể nói bừa.

- Huynh hãy nói một câu cho ta biết, vụ ám sát Sở Vương phi và Vương gia rốt cuộc có quan hệ hay không?

Vương Tự lắc lắc đầu:

- Tuyệt đối không có nửa điểm liên quan đến ta.

Trong lòng của lão càng thêm kinh nghi, liền vội vàng hỏi:

- Đệ rốt cuộc là nghe ai nói, vụ ám sát Sở Vương phi sao lại là do Vương gia gây ra?

Liễu Huyền Mậu chau mày:

- Tối hôm qua ở Thất Bảo Trai tửu quán, Tô Tướng quốc và vài vị đại thần khi đến uống rượu nói chuyện phiếm đã để lộ ra, vụ ám sát Vương Phi và Thế tử ở An Tấn tự lần này có thể có liên quan đến Vương gia.

- Cái gì!

Vương Tự đột nhiên đứng lên, cả giận nói:

- Lão đường đường là Thượng Thư Hữu Phó Xạ, sao có thể ngậm máu phun người, nói năng xằng bậy!

- Đệ cũng cho rằng lão là Tướng quốc quyền cao chức trọng, không thể nào nói bậy, hơn nữa phụ trách điều tra án lần này là Ngự Sử Thượng Thư Hàn Trọng là người của lão, lão nói ra lời này, tất nhiên là có chứng cứ.

Liễu Huyền Mậu vẫn còn chút hoài nghi nhìn qua Vương Tự, nhắc nhở lão:

- Chuyện này, huynh và Thiếu Huyền đã từng trao đổi qua sao?

Thiếu Huyền chính là tam đệ Vương Túc của Vương Tự, chức quan Kinh Triệu Doãn, trong lòng Vương Tự cũng bắt đầu có chút thấp thỏm không yên, không phải là tam đệ sau lưng mình làm chuyện gì chứ! Ám sát Vương phi và Thế tử, đây chính là tội lớn tày trời!

Vương Tự lập tức gọi đứa con trai đứng ngoài cửa nói:

- Kỳ nhi, con đi mời tam thúc đến đây!

Trong phòng yên tĩnh trở lại, hai người không nói gì, đều có suy nghĩ riêng của mình. Liễu Huyền Mậu kể từ cái chết của cha mình mà đối với Dương Quảng luôn canh cánh trong lòng, nhưng mẫu thân y dù sao cũng là Công chúa Lan Lăng, y càng nên hướng về triều Tùy. Đối với việc Vương Tự để con trai trưởng đầu nhập vào triều Đường, trong lòng y cũng không tán thành.

Là một thế gia đại tộc, người trong tộc cùng lúc nhậm chức ở hai triều, bản thân việc này không có vấn đề gì, mà vấn đề của Vương Tự là, đã làm Tể tướng ở triều Tùy, lại lén lút sắp đặt cho con trưởng đầu nhập vào Đông Cung Lý Kiến Thành, rõ ràng có động cơ không trong sáng.

Nhưng vì tình cảm, Liễu Huyền Mậu không thể vì chuyện Vương Lăng đầu nhập vào Đông Cung mà trở mặt với Vương gia, nhưng một số việc Vương gia làm ngày càng khiến y bất mãn, ngày càng lo lắng cho con đường làm quan của mình.

Một lát sau, cửa mở, tam đệ Vương Túc của Vương Tự bước nhanh đến, Vương Túc đảm nhiệm chức quan Kinh Triệu Doãn, cũng là một vị trí trọng thần.

- Đại ca tìm đệ có chuyện gì không?

Vương Tự đưa mắt ra hiệu cho Vương Kỳ, để y đóng cửa lại, rồi mới nói với tiểu đệ mình:

- Đệ ngồi xuống trước đã! Ngồi xuống rồi hãy nói.

Vương Túc chào Liễu Huyền Mậu xong liền ngồi xuống, y thấy trên mặt anh trai và Liễu Huyền Mậu đều lộ vẻ ngưng trọng, trong lòng không khỏi có chút nghi ngờ.

- Đã xảy ra chuyện gì sao?

Vương Tự thở dài, nhìn y nghiêm nghị nói:

- Đệ hãy thành thật mà nói cho ta biết, vụ ám sát Sở Vương phi và đệ có quan hệ gì hay không?

Vương Túc thoáng ngơ ngẩn cả người, y nhìn sững vào đại ca mình, sau một lúc lâu chậm rãi nói:

- Đại ca cho rằng đệ đã làm chuyện đó sao?

- Ta chỉ hỏi đệ là có phải hay không?

Vương Tự có phần không khống chế nổi cảm xúc, cao giọng nói.

Vương Túc nhất thời tức giận, gằn giọng nói:

- Tất nhiên là không phải! Chuyện này và đệ thì có quan hệ gì chứ?

Ánh mắt của y lại chuyển sang Liễu Huyền Mậu, đại ca hoài nghi mình, nhất định có liên quan đến Liễu Huyền Mậu:

- Liễu sứ quân, là ai nói chuyện này có liên quan đến ta?

Vương Tự cảm nhận được sự căm tức trong giọng nói của tiểu đệ, trong lòng của lão thoáng nhẹ nhõm, chuyện này không có quan hệ gì với tiểu đệ. Lúc này trong lòng lão đối với Tô Uy càng thêm bất mãn, cũng đứng lên nói:

- Chuyện này ta muốn Tô Uy nói cho rõ ràng, lão không thể ăn nói lung tung như vậy được, đẩy Vương gia vào chuyện bất nghĩa, ta phỏng chừng chuyện này đã truyền đi xôn xao khắp thành Thái Nguyên.

Liễu Huyền Mậu thở dài:

- Xin huynh chớ nóng vội, Tô Uy là nguyên lão Tướng quốc, là lão thần khai quốc của Đại Tùy, trong quan trường sớm đã là con cáo già, chuyện trọng đại như vậy làm sao lão dám mở miệng nói bậy, lão nói như vậy, nhất định có lý do, huynh nên suy nghĩ thấu đáo một chút, lão nói như vậy động cơ sau cùng là gì?

Vương Tự lại chầm chậm ngồi xuống, suy nghĩ một cách kỹ càng… Đồng thời trong khi Liễu Huyền Mậu viếng thăm Vương Tự, phủ đệ của Tướng quốc Tô Uy cũng đón tiếp một vị khách quan trọng, Ngự Sử Thượng Thư Hàn Thọ Trọng. Hiện nay ở triều Tùy Ngự Sử Đại Phu là do Đỗ Như Hối kiêm nhiệm, theo chế độ cải cách của triều Tùy, Ngự Sử Đại Phu dần dần trở thành hư chức, trong khi quyền lực thực sự lại nằm trong tay của hai Trị Thư Tự Ngự Sử.

Hàn Thọ Trọng là một trong hai người đó, chịu trách nhiệm giám sát các quan lại ở kinh thành, còn vị Trị Thư tự Ngự Sử khác do Nội Sử Xá Nhân Trương Lượng đảm nhiệm, phụ trách giám sát các quận hạt địa phương.

Hàn Thọ Trọng là người Kinh Triệu, là đồng hương với Tô Uy, từ nhỏ gia cảnh bần hàn, vào năm ba mươi lăm tuổi, nguyên là Tư Mã quận Hán Trung, làm quan thanh liêm chính trực, các quan lại trong triều đối với y rất hài lòng, chỉ là do y được Tô Uy ra sức tiến cử, cho nên y tự nhiên đã nổi lên với dấu ấn của Tô đảng.

Từ xưa đến nay ở bất kỳ triều đình nào, cuộc đấu tranh giữa các phe phái và tranh giành quyền lực đã trở thành chuyện tất yếu ở chốn quan trường, mục đích chủ yếu là để phân chia lợi ích. Làm kẻ bề trên, cũng cần tồn tại loại đấu tranh này, để khống chế thủ đoạn của triều thần.

Tất nhiên, bất kỳ loại đấu tranh quyền lực nào cũng đều phải có một giới hạn, một khi không khống chế được, sẽ lâm vào tình cảnh bè đảng hỗn loạn, khiến cho triều đình xuất hiện nguy cơ khủng hoảng. Trong lịch sử, cuối nhà Đường và cuối nhà Minh đều xuất hiện nguy cơ như vậy.

Dương Nguyên Khánh cũng ngầm thừa nhận cho các phe phái của triều đình nổi lên, trên thực tế hắn cũng không thể ngăn cản được, chỉ cần có văn nhân địa phương thì còn có đấu tranh, không theo ý muốn của hắn mà thay đổi.

Hiện nay, các phe phái trong triều đình khá rõ rệt, chủ yếu dùng các đại danh môn thế gia làm trụ cột, như Bùi đảng, Vương đảng, Hà Bắc hệ và Phong Châu hệ.

Mà Tô đảng là phái yếu kém nhất, điều này chủ yếu là vì Tô Uy không có bối cảnh gia thế hùng mạnh, nhưng nhờ kinh nghiệm và danh tiếng của mình, lão cũng thành công trong việc tập hợp một nhóm triều thần ở bên cạnh, như Trị Thư Tự Ngự Sử Hàn Thọ Trọng, Nội Sử Thị Lang Cao Đức Hồng, Quốc Tử Giám Tế Tửu Từ Văn Viễn……

Đêm nay Hàn Thọ Trọng viếng thăm, đối với Tô Uy mà nói, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong thư phòng, Tô Uy đang cùng Hàn Thọ Trọng thong thả đàm luận. Tô Uy rất coi trọng Hàn Thọ Trọng, không chỉ bởi vì bọn họ là người cùng quê. Hàn Thọ Trọng gia cảnh bần hàn, không được đi học, nhưng y thông minh lại ham học, đã thi đậu vào gia học (lớp tư thục) của Tô thị, được sự giúp đỡ của Tô gia, mới giúp cho y từng bước một đi lên con đường làm quan.

Hơn nữa Hàn Thọ Trọng làm quan luôn giữ mình thanh liêm, không sợ quyền quý Quan Lũng. Năm Đại Nghiệp thứ năm, khi đó y làm Huyện Úy tại huyện Lam Điền, y đã trách phạt con trai của quyền thần Nguyên Thọ vì tội lạm dụng chức quyền, được Dương Quảng khen ngợi, đưa y lên làm Tư Mã quận Hán Trung.

Luôn giữ mình thanh liêm, không sợ uy quyền tuy rằng dễ đắc tội với người khác, nhưng với một triều đại mới, đây nhất định là một tấm biển vàng trên quan trường. Tô Uy hiểu rõ đạo lý này, liền tiến cử y cho Dương Nguyên Khánh, quả nhiên hợp ý Dương Nguyên Khánh, Hàn Thọ Trọng được bổ nhiệm làm Trị thư tự Ngự Sử.

Hàn Trọng Thọ tuy luôn giữ mình thanh liêm, nhưng y cũng không phải là một vị quan ngu ngốc, y cũng cần tìm kiếm người hậu thuẫn cho mình, hậu thuẫn của y hiển nhiên là Tô Uy.

- Lần trước Sở Vương và ta đã nói chuyện, chuẩn bị từng bước cải cách chế độ quan lại trong triều đình, Ngự sử Đại Phu chuẩn bị từ tứ phẩm thăng làm tam phẩm, coi như một chức vụ manh tính vỗ về của công thần, không có thực quyền, Trị thư tự Ngự Sử đổi tên là Ngự Sử Trung Thừa, nắm giữ thực quyền Ngự Sử đài, thăng làm quan tứ phẩm, Ngự sử đài sẽ càng ngày càng quan trọng, Thọ Trọng, tiền đồ của ngươi ngày càng rộng mở!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.