Vị Tầng Vọng Ký

Chương 6




Khi thánh giá lề mề đến được hành cung Thanh An thì trời cũng đã xế chiều. Lý Thọ vì chuyện sắp xếp chỗ ở của đoàn bồi giá mà mệt bở hơi tai. Có lẽ hắn bận rộn quá mức cho nên thay vì sắp xếp cho ta một chỗ riêng, Lý Thọ lại xếp ta ở luôn trong điện Khai Dương của Hoàng Đế. Được ở chung một chỗ với Hoàng Đế là việc vinh hạnh đến mức nào, người khác muốn còn không được. Ta vì vậy chẳng dám phàn nàn gì cả. Về phần vị Tô tiểu thư kia, Lý Thọ đặc biệt chuẩn bị cho nàng ta một gian phòng ở Quỳnh Hoa các – nơi xa xôi cách biệt nhất trong hành cung Thanh An, lại cắt cử mười cung nữ cẩn thận trông coi, chỉ đợi Cẩm y vệ về kinh thành xác nhận với Tô phủ xong thì lập tức tống khứ đi ngay.

Thực ra, Lý Thọ không phải không có lý. Tô Nhược hình như cảm thấy bản thân chưa đủ khả nghi, từ lúc đến hành cung cứ luôn miệng xin được đi gặp Hoàng Đế tạ ơn thế này thế nọ. Lời lẽ của nàng ta thống thiết đến nỗi đám cung nữ không biết làm sao. Bọn họ đều là người hầu hạ ở hành cung bao năm nay, không hiểu thế sự, thấy ta được Hoàng Đế mang theo đến đây, lại còn được Lý Thọ xếp cho ở ngay tại điện Khai Dương liền cho rằng ta là sủng phi quyền thế lắm lắm, chuyện gì cũng kéo ba bốn người đến hỏi ý ta.

“Nương nương, Tô tiểu thư đó nên sắp xếp thế nào ạ?”

“Nương nương, y phục vật dụng của nàng ta thì sao?”

“Nương nương, Tô tiểu thư cứ luôn miệng đòi gặp Hoàng Thượng, phải làm thế nào ạ?”

Cứ tưởng không có Tiểu Phúc Tử bên cạnh thì hai lỗ tai của ta sẽ được yên thân. Những chuyện rắc rối này đáng lẽ ra phải đem đến làm phiền Lý Thọ chứ? Sao lại đổ hết lên đầu ta thế này?

Ở hành cung ít quy tắc hơn, mà vị Huyên Thái phi chưởng quản nơi này nghe nói cũng khá dễ tính nên đám cung nữ cứ nhao nhao kẻ mách chuyện này, người kể chuyện kia ồn ào không thể tả. Ngọc Nga đã khó chịu lắm rồi, nàng hắng giọng:

“Các vị cô nương xin đừng nóng vội, có gì từ từ nói. Chủ nhân đi đường xa cũng mệt mỏi rồi, ồn ào quá thật không hay.”

Đám cung nữ kia không rõ Ngọc Nga là ai nhưng thấy nàng thân cận với ta nên cũng tỏ ra kính nể. Nàng vừa nói dứt câu, ai nấy đều đã yên lặng đứng ngay ngắn một chỗ.

Không có Lý Thọ ở đây, ta biết mình không ra mặt cũng không xong. Để bọn họ ầm ĩ lỡ như kinh động đến Hoàng Đế, hắn lại nổi cơn chém hết cả đám thì khổ. Ta thở dài trong lòng, nhẹ nhàng nói:

“Chỗ Tô tiểu thư, các ngươi chăm lo cho nàng chu đáo cẩn thận là được. Nhưng nhớ không được để nàng ra khỏi Quỳnh Hoa các. Bây giờ Hoàng Thượng đã nghỉ rồi, các ngươi nói với nàng, thành ý của nàng, ta sẽ bẩm báo lại với Hoàng Thượng sau. Nếu Hoàng Thượng muốn gặp tất sẽ triệu kiến.”

Những lời ta nói đều là chí công vô tư. Không để Tô Nhược ra khỏi Quỳnh Hoa các là ý của Lý Thọ. Hoàng Đế ngủ rồi cũng là chuyện thật. Thành ý của Tô Nhược ta đương nhiên cũng sẽ nói lại với Hoàng Đế. Ấy thế mà đám cung nữ kia nghe xong, mặt người nào cũng lộ vẻ ám muội. Một cung nữ trông có vẻ lanh lợi nhất trong đám vội bước đến trước mặt ta, cười đầy ẩn ý:

“Nô tỳ hiểu rồi. Nương nương yên tâm! Chúng nô tỳ nhất định trông chừng Tô tiểu thư cẩn thận, tuyệt đối không để nàng có cơ hội làm phiền đến Thánh nhan…”

Đến đây thì ta biết bọn họ nghĩ cái gì rồi, nhưng chẳng dư hơi sức mà biện giải, chỉ phẩy tay:

“Tốt lắm. Nếu không còn việc gì, các ngươi trở về được rồi.”

Ta đã nói đến vậy mà đám cung nữ này vẫn chẳng mảy may nhận ra điều gì, còn xúm vào nịnh hót thêm một lúc lâu. Mấy năm rồi mới được nịnh bợ “sủng phi” nên khi rời đi ai nấy đều vui vẻ ra mặt. Ngọc Nga nhíu mày nhìn theo bóng bọn họ, lẩm bẩm:

“Làm cung nữ ở hành cung có gì không tốt chứ? Vì sao lại muốn đến Hoàng cung như vậy?”

“Cung nữ ở Hoàng cung lương bổng cao hơn, ban thưởng nhiều hơn mà tiến thân cũng dễ dàng hơn.”

Khó trách bọn họ lại nồng nhiệt với ta như vậy, chẳng qua cũng chỉ là mong muốn làm ta vừa ý, biết đâu sẽ được ta mang về Hoàng cung.

Ngọc Nga khẽ cười:

“Nô tỳ lại thấy ở đây tốt hơn biết bao nhiêu.”

Ta cũng cười theo:

“Nếu ngươi thích nơi này, vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng. Mấy chục năm nữa, biết đâu chúng ta cũng sẽ được sống ở đây.”

Ngọc Nga gật gù, chợt nói:

“Ngồi xe ngựa cả ngày hẳn cũng mệt rồi, hay để nô tỳ đỡ chủ nhân vào nghỉ một chút?”

Phòng nghỉ phía sau điện Khải Dương có đến hai gian lớn, Hoàng Đế đang ngủ ở gian trong, nếu muốn ta vẫn có thể nghỉ tạm ở gian ngoài, không lo phiền nhiễu đến hắn. Nhưng cả ngày đã ngủ lơ mơ trên xe, bây giờ ta cũng không ngủ nổi nữa, bèn vịn tay Ngọc Nga đứng dậy:

“Ta không buồn ngủ. Ra ngoài hóng gió một chút đã.”

Ngoài điện Khải Dương có một hồ cá phượng hoàng ngũ sắc nho nhỏ. Cạnh bên là một cây dương liễu cao to, cành lá xanh rì buông nghiêng xuống mặt hồ dịu mát. Ở Ngự hoa viên cũng có một hồ cá ngũ sắc, so với hồ này còn lớn và đẹp hơn rất nhiều, nhưng cũng vì cảnh sắc hữu tình mà nơi đó thường có nhiều phi tử lui tới. Ta sợ nhất là đụng chạm người khác nên chẳng bao giờ dám bén mảng tới chơi. Hôm nay nhìn thấy cái hồ cá này, ta đương nhiên không thể bỏ qua cơ hội ngắm nhìn cho thỏa mắt.

Ta và Ngọc Nga vừa đến ngồi bên hồ chưa đến một khắc thì Thái Hương, trưởng cung nữ quản lý điện Khai Dương đã xuất hiện. Nàng bưng một khay gỗ nhỏ, bên trên có một cái chén sứ dâng đến, lễ phép nói:

“Bẩm nương nương, đàn cá này rất háu ăn, mỗi lần được cho ăn đều linh động, đáng yêu hẳn lên. Không biết nương nương có muốn xem thử không ạ?”

“Vậy sao?”

Lòng hiếu kì nổi lên, ta nhẹ nhàng bốc lấy một nhúm hạt thức ăn cho cá trong chén, vung tay thảy xuống hồ. Quả nhiên, Thái Hương nói không sai, hạt thức ăn vừa chạm nước liền có một đám cá bơi đến tranh nhau đớp lấy liên hồi. Mặt nước trong thoáng chốc đã bị cá bơi quẫy sủi tung bọt trắng. Đúng là sinh động hơn trước rất nhiều. Ta thấy Ngọc Nga đương lơ đễnh bèn bốc thêm một nhúm hạt nữa thảy qua phía mé nước chỗ Ngọc Nga đang đứng, đàn cá ngay lập tức đổi hướng, xô đẩy nhau bơi qua bên đó khiến cho bọt nước văng cả lên người nàng. Ngọc Nga giật mình chới với, may mà ta kịp thời túm lấy thắt lưng nàng kéo lại không thì đã rơi cả xuống hồ. Nhìn nàng luống cuống phủi nước lấm tấm dính trên y phục, muốn trách móc mà lại không dám, ta không nhịn được phải cười lên mấy tiếng. Ngọc Nga bị ta trêu, vừa tức vừa buồn cười, làm mặt nghiêm một lát rồi cũng phải cười theo.

Thái Hương thấy bọn ta vui vẻ thì cũng nở nụ cười. Nàng đặt khay gỗ tảng đá cạnh chỗ ta ngồi, bước đến gần bờ hồ, thong thả nói:

“Nô tỳ từng nghe, năm xưa Tiên đế có lần trúng phong hàn mãi không khỏi. Đột nhiên một đêm nọ ngài chiêm bao thấy Quan Thế Âm Bồ Tát hiện thân trên đỉnh Khai Dương điện, tay cầm dương liễu mộc rải nước cam lộ xuống mặt đất. Khi tỉnh dậy thì bệnh đột nhiên khỏi hẳn. Tiên đế cho rằng đấy là điềm lành, bèn cho người đào một cái hồ, dựa theo bình cam lộ của Bồ Tát mà đặt tên là Tịnh hồ, bên cạnh trồng thêm một cây dương liễu. Từ đó đến nay có lẽ cũng hơn hai mươi năm rồi.”

Thái Hương làm cung nữ ở hành cung từ nhỏ, tính tình trầm lặng hơn những người khác. Ban chiều khi mới chuyển vào điện Khai Dương, ta thấy nàng chu đáo mà kiệm lời, cũng sinh thiện cảm. Lúc này, nàng lại chủ động kể chuyện xưa cho ta nghe, ta quyết định nói nhiều với nàng vài câu:

“Thái Hương cô nương ở đây lâu ngày, đúng là hiểu biết nhiều hơn kẻ khác. Thời gian ta lưu lại hành cung… xem ra còn phải nhờ cô nương chiếu cố nhiều.”

Thái Hương nghe vậy, vội vàng lắc đầu, khiêm nhường đáp:

“Nô tỳ không dám. Nương nương có điều gì xin cứ sai bảo, nô tỳ tất sẽ cố hết sức mình.”

Ta mỉm cười, chợt nghĩ đến mấy vị tiền bối ở đây, bèn lựa lời hỏi:

“Nghe nói gia yến tối mai sẽ tổ chức ở Thủy Nguyên đình, chẳng hay theo ý của Thái Hương cô nương, có điều gì ta cần chú ý không?”

Vốn dĩ Hoàng Đế và ta là hậu bối, nếu đến hành cung thì theo lý phải chào hỏi các Thái phi, Thái tần một tiếng mới phải đạo. Chỉ là ai cũng biết sức khỏe Hoàng Đế không tốt, mà tính tình hắn lại càng không tốt hơn. Hắn đi đường đã đủ mệt mỏi rồi, ai to gan dám bắt bẻ hắn chuyện thỉnh an? Gia yến ngày mai chẳng qua cũng là Lý Thọ lo xa bày ra để sau này đám Ngôn quan, Lễ bộ trong triều khỏi tìm cớ dèm pha mà thôi. Nhưng dù nói gì đi nữa, hắn là Hoàng Đế đương nhiên không sợ bị người khác bắt bẻ, còn ta đâu có cái diễm phúc ấy. Các vị Thái phi, Thái tần ở đây tuy không còn tiếng nói trong Hậu cung nhưng dẫu sao cũng vẫn là tiền bối, xuất thân cao quý vẫn còn đó. Ta không thể thất lễ với bọn họ được. Nhân dịp này thăm dò một chút vậy.

Thái Hương cúi đầu nghĩ ngợi một chút rồi đáp:

“Ở đây khi trước vốn dĩ có bốn vị Thái phi và một vị Thái tần. Nhưng Trầm Thái phi tuổi cao đã cưỡi hạc quy tiên hai năm trước cho nên bây giờ chỉ còn có Huyên Thái phi, Cao Thái phi và Lục Thái phi thôi. Các Thái phi nương nương thường ngày chỉ thích làm bạn với hoa cỏ hoặc ngâm thơ, thưởng trà ở Dao Quang các, rất ít khi ra ngoài.”

Thích hoa cỏ, ngâm thơ, thưởng trà? Vậy tức là tính tình cũng không đến nỗi khó khăn lắm nhỉ?

Khi trước Tạ Thu Dung từng có lần mang đến cho ta cả một chồng sách sử nhưng ta lười nhác, chỉ đọc qua loa đôi ba quyển nói về thời đại của Tiên đế để tránh phạm húy mà thôi. Bây giờ vặn óc nhớ lại, ngoại trừ Huyên Thái phi có được nhắc tới vài câu thì mấy vị kia cũng chỉ được ghi tên cho có, hẳn là không có gì nổi bật.

Theo trí nhớ của ta, Huyên Thái phi khuê danh là Hà Tư Huyên. Bà là muội muội ruột của Huệ Từ Thái Hậu nhưng mẫu thân bà xuất thân không tốt nên thân phận bà cũng thua kém Thái Hậu rất nhiều. Nghe nói, bà nhập cung sau Thái Hậu mười năm. Khi ấy, Thái Hậu đã làm đến chức Hiền phi. Vì hai người cùng họ, để tránh phạm đến Hà Hiền phi khi ấy, Tiên đế cho bà lấy tên để dùng chung với phong hiệu, gọi là Huyên Quý nhân.

Tạ Ngự sử từng có ý định đưa Tạ Thu Dung tiến cung nên những việc trong chốn cung cấm đều cố gắng kể lại tường tận với nàng. Ta nhờ vậy mà được nàng kể lại kha khá chuyện thú vị. Ví như vị Huyên Thái phi kia, nghe nói tính bà mềm yếu, rất sợ Thái Hậu, bất luận việc lớn nhỏ gì cũng không dám trái lời. Lại có lời đồn, Thái Hậu e ngại muội muội xinh đẹp trẻ trung sẽ lấn lướt mình nên thường tìm cách ngăn trở sủng ái của Tiên Đế, khiến cho Huyên Quý nhân mười năm ròng rã cũng chẳng thăng nổi một phân, một vị. Người thời đó đều cho rằng Tiên Đế băng hà rồi, số phận Hà Tư Huyên rồi sẽ đi vào ngõ cụt như những phi tần không con cái khác. Ngờ đâu Thái Hậu đột nhiên thăng bà lên làm Thái phi, còn cho đến hành cung Thanh An dưỡng già. Lúc này, những sủng phi năm xưa chẳng còn một ai, mà Huyên Quý nhân nhu nhược năm nào lại ung dung chưởng quản hành cung đẹp đẽ này, ngay cả Đế Hậu gặp bà cũng phải cúi đầu chào một tiếng “Huyên nương nương”.

Nghĩ đến đây, ta không khỏi cảm khái: Bây giờ chúng phi ngày ngày, giờ giờ đều tranh đấu sứt đầu mẻ trán, nhưng rốt cuộc ai mới là kẻ khôn ngoan thực sự, ai mới là kẻ nở nụ cười sau cùng, có lẽ phải đợi mấy chục năm sau nữa mới biết được rõ ràng.

Thái Hương đã nói như vậy, ta nghĩ mình cũng có thể yên tâm rồi.

Ta mỉm cười, gật đầu với Thái Hương:

“Bản cung hiểu rồi. Đa tạ cô nương. À, không phải vẫn còn một vị Thái tần hay sao? Sao không nghe cô nương nhắc tới?”

Ta chỉ thuận miệng hỏi tiếp, không ngờ Thái Hương lại lộ vẻ bối rối. Nàng gượng gạo đáp:

“Hạ Thái tần… Sức khỏe của người không tốt… bình thường không rời phòng nửa bước, gia yến ngày mai chắc cũng không tham gia được. Nương nương không cần bận tâm…”

Thái Hương nói nửa chừng, ta còn chưa kịp đáp lại thì bỗng nhiên từ đằng xa vọng lại tiếng người la hét ồn ào cùng với tiếng bước chân thùm thụp.

“Thái tần nương nương… Thái tần nương nương… đừng có chạy nữa…”

Tâm điểm của trận náo loạn này chẳng ai khác ngoài vị Hạ Thái tần vừa được nhắc đến.

Hạ Thái tần có lẽ đã gần bốn mươi. Bà mặc một bộ váy dài lem luốc bùn đất, tóc tai rũ rượi, một tay túm gấu váy, một tay xách giày, vừa chạy vừa la:

“Ta phải đi gặp Hoàng Thượng! Các ngươi đừng hòng chia cắt ta và Hoàng Thượng!”

Mấy cung nữ đuổi theo ở phía sau dường như đã quen với cảnh đuổi bắt này. Bọn họ nhanh chóng chạy tỏa ra các hướng, vây lấy Hạ Thái tần từ xa rồi dần dần áp sát lại. Hạ Thái tần bị vây kín, càng kích động hơn. Bà vung tay đấm đá tán loạn, trong nháy mắt đã có mấy cung nữ bị bà đấm chảy cả máu mũi. Cung nữ lớn tuổi nhất thuận thế tung ra một tấm lưới lớn, những người còn lại liền túm góc lưới giơ cao lên chụp lấy Hạ Thái tần. Bọn họ hành động nhanh như cắt, chỉ trong nháy mắt, Hạ Thái tần đã bị gói lại như bao tải gạo. Bấy giờ, bọn họ đều thở phào nhẹ nhõm. Người cung nữ lớn tuổi kia lúc này mới nhận ra sự hiện diện của mấy người chúng ta ngay cạnh đó, bèn vội vã chắp tay thưa:

“Bẩm nương nương, chúng nô tỳ sơ xuất để Hạ Thái tần chạy ra ngoài… Xin nương nương thứ tội…”

Cảnh tượng vừa diễn ra quá mức ngoạn mục. Ta nhất thời cứng họng, chẳng nói được gì, chỉ có thể quay sang nhìn Thái Hương. Đáng tiếc, Thái Hương cũng xám mặt, miệng mấp máy mãi mà chẳng thốt lên được một lời giải thích nào. Đương lúc ta và Thái Hương trân trối nhìn nhau, chợt bên phía Hạ Thái tần vang lên một tiếng thét chói tai. Chúng ta hoảng hồn nhìn lại, thì ra là Hạ Thái tần không biết bằng cách nào đã chui được đầu ra khỏi lưới, đang cắn chặt bắp tay của một tiểu cung nữ xui xẻo đứng gần nhất. Cung nữ kia đau quá, dùng hết sức lực hất mạnh, những người còn lại không kịp phản ứng, thế là Hạ Thái tần bị hất văng như một bao gạo, lao như bay về phía ta.

Một tiếng ùm thật lớn vang lên, cả ta lẫn Hạ Thái tần đã hạ cánh thẳng xuống hồ.

“Hòa phi nương nương… Thái tần nương nương…”

“Chết rồi! Người đâu? Các ngươi mau đến giúp một tay…”

“Chủ nhân, chủ nhân không sao chứ? Chủ nhân…”

Tịnh hồ cảnh sắc hữu tình ban nãy trong nháy mắt đã hóa thành cảnh tượng gà bay chó sủa.

Hồ này bản chất không sâu, đứng thẳng người thì nước chỉ tới thắt lưng. May mà trong hồ không có hòn non bộ hay đá ngầm, ta bị xô xuống bất thình lình cũng chỉ sặc nước một chút. Hạ Thái tần vì bị gói kín trong lưới nên không đứng lên được, cứ thế chìm nghỉm. Ta cố kéo bà lên nhưng Hạ Thái tần vùng vẫy quá dữ dội, làm cho ta tuột tay ngã ngửa ra, còn bà thì lại chìm xuống đáy. Ở trên bờ, Ngọc Nga sốt ruột chịu không nổi cũng nhảy xuống đỡ lấy ta:

“Chủ nhân, có sao không? Mau lên bờ kẻo nhiễm lạnh…”

Ta bám vào vai nàng, cố đứng vững:

“Ta không sao. Mau giúp ta cứu Thái tần nương nương trước…”

Đám cung nữ kia bị dọa sợ đến ngây người, giờ mới sực tỉnh, vội vàng nhảy cả xuống cùng nhau vớt Hạ Thái tần.

Hạ Thái tần tuy đã sặc nước mấy lần nhưng vẫn còn chống cự rất dữ dội. Đáy hồ có một lớp bùn dày trơn trợt, cộng thêm lực cản của nước khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn. Đám cung nữ phải cố gắng lắm mới khiêng được bà lên bờ.

Nhìn thấy Hạ Thái tần lên bờ an toàn rồi, ta mới yên tâm cùng Ngọc Nga dìu nhau leo lên.

Miệng ta không ngờ còn xui xẻo hơn miệng của Bạch Diệu Hoa. Vừa nhắc tới Hạ Thái tần thì liền có Hạ Thái tần từ xa bay đến. Thường ngày nhắc ngân lượng mà cũng được như vậy thì tốt biết bao nhiêu.

Hạ Thái tần làm loạn một hồi xem chừng đã mệt, lên bờ chửi mắng thêm vài câu rồi lả đi, khiến cho không gian lập tức yên tĩnh trở lại. Cũng bởi vì yên tĩnh quá mà hóa thành căng thẳng.

Đám cung nữ của Hạ Thái tần chẳng ai bảo ai, đồng loại quỳ rạp xuống dập đầu lia lịa:

“Nương nương tha mạng!”

Cả mặt Thái Hương cũng xám ngoét không còn hạt máu. Nàng sợ hãi chẳng dám nhìn thẳng vào ta, giọng run run:

“Nương nương… Chuyện này… ý của nương nương…”

Ta cắn chặt răng, chỉ hận không thể hét ầm lên: Cái gì mà Thái tần sức khỏe không tốt? Rõ ràng là sức khỏe quá tốt! Nếu biết sức khỏe bà ấy tốt như vậy, ta đã ôm chặt lấy cây dương liễu đằng kia, chí ít thì cũng không bị nhấn nước oan uổng thế này.

Hít sâu một hơi, ta đưa tay lau nước hồ nhiễu đầy trên mặt, cố kềm giọng nói:

“Gần đây có chỗ nào nghỉ ngơi, thay y phục được không?”

Thái Hương chưa hiểu được ý ta, dè dặt đáp:

“Bẩm, có Thiên Hành các…”

Ta phẩy phẩy tay áo đẫm nước:

“Mau đưa Thái tần nương nương tới đó thay y phục, đừng kinh động đến Hoàng Thượng.”

Thái Hương nghe xong gật đầu lia lịa. Nàng chẳng ngần ngại cởi áo ngoài dâng lên cho ta khoác tạm tránh gió, rồi vội vàng đi trước dẫn đường.

Thiên Hành các nằm ngay cạnh Khai Dương điện. Cung nhân trông coi nơi này đột nhiên thấy một đoàn người ướt như chuột lột lũ lượt kéo đến, trong đám lại còn có một Thái tần “sức khỏe không tốt” bị quấn trong lưới khiêng đi và một “sủng phi” mới tới chưa biết tính khí ra sao, thành thử người nào cũng lộ vẻ lo sợ.

Trưởng cung nữ canh giữ Thiên Hành các đang ở phía trong lật đật chạy ra:

“Nô tỳ Thái Tuyết bái kiến Hòa phi nương nương, nương nương cát…”

Nói đoạn, có lẽ nhìn lại thấy bộ dạng mình mẩy ướt nhẹp, trên đầu còn dính cả rong rêu của ta thực sự không cát tường chút nào nên đành phải nuốt vào nửa câu sau.

Ngọc Nga thấy ta đã chịu lạnh hồi lâu, không muốn dông dài thêm bèn nói ngay:

“Thái tần nương nương và chủ nhân của ta không may ngã xuống nước, phiền Thái Tuyết cô nương chuẩn bị gấp nước nóng cùng y phục…”

Thái Tuyết vâng dạ, kéo thêm mấy người cùng nhau xắn tay áo đi làm ngay. Ta và Hạ Thái tần, mỗi người được đưa vào một gian phòng kín. Chẳng mấy chốc đã có người bưng vào bồn tắm, nước nóng cùng y phục sạch sẽ. Ngọc Nga muốn tự mình hầu ta tắm, nhưng ta biết nàng cũng bị ngấm lạnh rồi nên viện cớ có Thái Hương với mấy người ở Thiên Hành các giúp đỡ, kiên quyết đuổi nàng đi tắm rửa trước.

Độ nửa canh giờ sau, tắm gội thay y phục chỉnh tề rồi, ta mới cùng Thái Hương đi thăm Hạ Thái tần. Người này dù thế nào cũng là bậc tiền bối, tốt nhất là bà ấy đừng xảy ra chuyện gì, nếu không ta lại khó tránh phiền phức.

Hạ Thái tần tắm rửa xong đã tỉnh, đang ngồi trên giường càu nhàu gì đó. Nhìn kĩ mới thấy, dung mạo bà trông thực thảm thương. Tuy tuổi tác chưa gọi là quá cao nhưng hai mắt bà đã chằng chịt vết nhăn, quầng mắt thâm đen, hai gò má ngang dọc không biết bao nhiêu vết trầy xước, mái tóc gội sạch sẽ rồi mới thấy lộ rõ từng mảng da đầu trụi tóc trắng hếu. Nhìn bà như vậy, nỗi bực dọc vì bỗng nhiên bị xô xuống hồ trong lòng ta tự nhiên tiêu tan hết.

Thái Hương đứng cạnh ta, dè dặt nói:

“Ngày Tiên đế băng hà, Thái tần nương nương vì quá đau lòng mà phát bệnh điên dại, thần trí lúc nào cũng mơ hồ. Bà luôn cho rằng Tiên đế vẫn còn tại thế, luôn đòi gặp mặt ngài. Thỉnh thoảng, có lúc tỉnh ra thì lại gào khóc rất thương tâm, còn tự mình cào mặt, bứt tóc, muốn đi theo Tiên đế… Hôm nay, chắc Thái tần nương nương nghe nói có đoàn Ngự giá đến hành cung, tưởng rằng Tiên đế đến đón bà nên mới…”

Thái Hương thở dài, lòng ta cũng nặng nề theo. Không ngờ trong Hậu cung lại có nữ tử thâm tình như vậy.

“Để Thái tần nương nương nghỉ ngơi một chút cho ấm người rồi đưa bà về. Lát nữa bản cung sẽ về thỉnh cầu Hoàng Thượng cho Ngự y đến xem mạch giúp bà. Ngâm nước lâu, e là nhiễm lạnh rồi.”

Hạ Thái tần đương lẩm bẩm một mình, đột nhiên quay ngoắt đầu nhìn về phía ta và Thái Hương đứng ngoài ngưỡng cửa, hét lớn:

“A! Ra là ngươi! Con hồ ly tinh họ Trang này! Ngươi vẫn chưa chết sao? Rõ ràng là Hoàng Thượng muốn đến đón ta… Nhất định do ngươi ghen ghét nên mới đến ngăn cản, có phải không? Đám người này cũng do ngươi phái đến để chia rẽ ta và Hoàng Thượng…”

Đoạn, chực lao ra chỗ chúng ta, may mà có một cung nữ nhanh nhẹn ôm ngang người bà giữ lại. Những người khác cũng đồng loạt giữ chặt lấy bà, van xin:

“Thái Tần nương nương, xin đừng làm loạn nữa… Chúng nô tỳ cầu xin người…”

“Mau buông ta ra… Ả dám mê hoặc Hoàng Thượng của ta, ta phải dạy cho ả một bài học…”

Hạ Thái tần uống no một bụng nước hồ rồi mà giọng vẫn sang sảng điếc tai. Sức khỏe của bà đúng là tốt quá mức. Đã như thế, ta không còn gì phải lo lắng nữa.

Ta khẽ thở dài một tiếng, cúi người hướng về phía Hạ Thái tần:

“Thần thiếp Hòa phi Chu thị bái kiến Thái tần nương nương, nương nương vạn phúc.”

Nói xong liền quay người rời đi.

Đời này Hạ Thái tần đã đủ vất vả rồi, ta còn ở lại chọc giận bà làm chi?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.