Vạn Phần Mê Luyến

Chương 5




Hầu Hạo bèn chỉnh tề lại áo sống, ung dung bước ra, nhưng khi quay đầu nhìn lại, thấy Châu Thị Nhị Điệp nước mắt dòng dòng, sắc mặt vô cùng thất vọng. Chàng cảm thấy mủi lòng, đúng là anh hùng khó dứt giai nhân lệ! Không biết chuyến ra đi này mình có thể thắng nổi không, nhưng kẻ địch họ đã có chuẩn bị từ trước, xem ra thực lực của họ không phải là nhỏ gì, nếu chẳng may trong chuyến này lại bị họ bắt về, không biết đến bao giờ mình mới được gặp lại hai nàng này, chàng băn khoăn khó dứt! Chị em Châu Thị lại càng đau khổ hơn, cả hai giơ tay ra tính kéo ngay vị tráng sĩ hào hùng này lại...

Thình lình bên ngoài có tiếng quát và đồng thời những tiếng như tụng kinh rằng:

- Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn, sắc tức thị không, không tức thị sắc... phiền não tình nghiệt... Trí Minh tăng còn chờ gì mà không quay đầu về với cõi chân tu cho rồi?...

Hai nàng vẫn khóc sướt mướt, Hầu Hạo cũng nghẹn giọng rằng:

- Thôi hai em thận trọng lấy thân?

Nói xong hiên ngang trước thẳng một mạch ra ngoài luôn.

Chàng bước ra, Hải Không và Pháp Không đại sư bèn truyền ngay hiệu lệnh, các tăng lữ rầm rầm đứng ngay dậy, thiền trượng giới đao nổi lên những tiếng rổn rảng!

Khi Hầu Hạo còn cách họ hai trượng, bèn nghiễm nhiên đứng lại, thần sắc oai nghiêm lẫm liệt, chỉ nghe chàng quát rằng:

- Hải Không và Pháp Không! Các ngài muốn gì đây?

Hải Không chắp tay hỏi rằng:

- Nhà ngươi thí phát tại Cửu Thiên Tự, vậy ta tức là bậc sư tôn của ngươi, nay sao dám ngang nhiên gọi danh ta ra như thế! Có biết như vậy là tội bất kính đó không!

Hầu Hạo giận rằng:

- Chớ có nói xàm! Đường đường đấng anh hùng như Hầu Hạo ta đây có lẽ nào đi làm đồ đệ cho những kẻ sói đầu như ngươi. Chẳng qua là bọn ngươi dùng quỉ kế, không chịu giữ phép thanh qui của cửa Phật, thật là tội ác khó dung tha!

Hải Không tức muốn bốc khói trong người, cứng luôn lưỡi không biết nói sao. Pháp Không thấy thế bên lên tiếng rằng:

- Ấy Trí Minh! Nhà ngươi nói thế đâu có đúng, cửa thiền chúng ta xưa nay vẫn có tiếng là giới luật nghiêm minh, nay ngươi đã bội phản Pháp môn, lại còn ngang nhiên dám mắng tôn trưởng, những hành vi khi sư, diệt tổ như thế, dù cho ngã Phật từ bi hỉ xả, nhưng giới luật trong qui điều không nào tha thứ cho ngươi được, có mau quì ngay xuống không! Và mau tạ tội với chủ trì là sư huynh ta ngay, để lão nạp còn lo đưa ngươi về Cửu Thiên Tự, tiếp tục cuộc diện bích khổ tu, nội trong ba năm, bảo đảm ngươi thế nào cũng có thành quả, chừng ấy ngươi sẽ không còn luyến tiếc cảnh phàm trần nữa...

Pháp Không còn chưa nói hết lời, Hầu Hạo đã lớn tiếng quát ngay:

- Im ngay!

Mắt chàng sáng lên, oai phong lẫm liệt nói tiếp:

- Này Hải Không và Pháp Không! Cớ sao hai ngươi lại cứ cố ép ta làm sư sãi như thế là nghĩa gì?

Pháp Không đại sư rằng:

- Kìa Trí Minh sư điệt! Cháu lại nói sai rồi, nào chúng ta đâu có ép cháu? Chẳng qua thấy cháu được trời phú duyên tu, nên mới có ý độ hóa hộ cháu, mong cháu chóng chứng đại quả của Phật pháp... ấy thế mà cháu lại thốt những lời ác ý trách nhầm lão nạp này?...

Hầu Hạo ha hả cười lớn tiếng rằng:

- Hừ! Hảo ý của lũ ngươi? Chớ có dùng lời khôn khéo như thế để lừa nổi ta, nay Hầu Hạo ta chưa rõ thân thế bản thân, thân thù chưa báo, tuân theo lời dạy dỗ của sư môn, nghe theo lời khuyên bảo của bằng hữu, phải bước chân vào giang hồ, điều tra cho rõ lai lịch thân thế của mình, trả xong các thù oán. Xong xuôi những chuyện ấy ta phải bận chuyện hành hiệp tế thế, cốt gây nên một sự nghiệp oanh liệt cho hậu thế! Như thế ta đâu có thể bỏ lơ trách nhiệm của mình để thí phát thành nhà tu hành cho được! Thôi! Xin các ngươi đừng có phí sức vô ích!

Xích Diệm đại sư bước ra, chẳng thèm nói tiếng nào đã xuất chưởng đánh ngay. Đặc biệt lão chỉ công không thủ, không hề tránh đòn đối thủ. Hầu Hạo thấy vậy đâm nghi, chàng chợt nghĩ: Không lý người này lại luyện được môn võ ngoại công gì có thể tự khóa huyết mạch theo ý muốn sao? Nhưng chàng lại nghĩ đến sức mạnh ngàn cân của mình, mạnh có thể khai sơn phá thạch, dù cho đối thủ ngoại công cừ giỏi đi nữa, cũng khó lòng chịu đựng nổi ngọn đòn chí mạng này của mình? Ngọn chỉ nhanh như chớp xỉa thẳng ngay tới, thình lình chỉ nghe một tiếng bục nhẹ nhàng, chiếc áo cà sa đỏ rực của Xích Diệm bị thủng rách hẳn, đồng thời thớ thịt trên người của đại sư cũng bị lõm hẳn xuống, nhưng quái lạ!

Ngọn thần lực trong lối chỉ pháp này của Hầu Hạo đã như đổ bùn xuống bể, biến tan vô tích! Hầu Hạo cả kinh, chàng còn chưa kịp nhảy nhanh về sau để tránh, ngọn kiếm của Xích Diệm đại sư đã kề sát ngay đỉnh đầu, chàng chỉ cảm thấy một luồng hơi lạnh thoáng nhanh trên đầu, cả một mớ tóc dài bị rụng ráo hết, Hầu Hạo cảm thấy luôn tứ chi mình bị bủn rủn hẳn, thế là bịch một tiếng, hai gối của chàng quì xụp ngay tại trận.

Hồng Điệp rú lên một tiếng thất thanh, tính tung người vọt ra cứu chàng, nhưng một bàn tay mềm mại đã kịp níu ngay lại, đồng thời có tiếng của Châu Sách tăng:

- Em, chớ nên nóng nảy như thế!

Thế là hai chị em đành chứng kiến cảnh đau lòng là nhìn theo đám tăng lữ bắt trói Hầu Hạo mang đi!

Nhà sư áo đỏ đi trước, các tăng lo tuyên Phật hiệu, Hầu Hạo được vắt ngang trên lưng ngựa, thân chàng lúc này mềm mại như sợi bún. Hình như sức thần lực của chàng đã mất hẳn! Đám tăng lữ dần dần biến hẳn trong cảnh rừng trùng trùng điệp điệp. Hồng Điệp ôm choàng ngay vào lòng chị khóc nức nở... Châu Sách vốn vai bậc chị, tuy nàng cũng đau khổ không kém gì em, nhưng nàng muốn tỏ ra mình là chị, đã thế đâu có thể khóc sướt mướt như em được? Nàng đành cố bình tĩnh với tất cả nỗi lòng khổ sở của mình để an ủi em mình rằng:

- Thôi em! Nín đi... chúng mình phải đi mau và làm theo đúng lời của anh ấy dặn: đi tìm gặp gấp vị Độc chỉ Thôi Bác lão tiền bối ngay?

Hồng Điệp chùi ngay nước mắt, ngơ ngác nhìn, nhưng đám tăng lữ đã biến tung tích từ lâu. Chị em hai người sải bước đến nơi giao đấu vừa rồi của Hầu Hạo, cả mớ tóc dài của Hầu Hạo vẫn còn ngổn ngang dưới đất.

Thanh Điệp cúi nhìn xuống nhặt hết mớ tóc của chàng. Vì nàng thừa hiểu rằng chính những ngọn tóc này là căn nguyên thần lực của Hầu Hạo, nhưng vị tăng áo đỏ tai ác đã cắt hết nguồn sức thần lực của chàng, nên mới khiến cho Hầu Hạo bị bắt một cách dễ dàng như thế. Và gần xung quanh nơi Thanh Điệp lượm nhặt tóc vụn của Hầu Hạo, nàng đã phát hiện ba chữ gạch dưới đất là Cửu Thiên Tự, nhưng nét chữ chưa xong hẳn, và trông còn yếu ớt vô cùng, hiển nhiên Hầu Hạo đã viết trong lúc bị gục xuống vì mất thần lực, chắc chàng cố ý muốn cho chị em hay nơi mình bị giữ, nhưng vì thần lực bị mất, chân tay bủn rủn, chàng không thể nào đề thêm chữ gì tiếp sau ba chữ Cửu Thiên Tự. Thấy cảnh vậy tâm tình của chị em Châu Thị càng xúc động đau khổ thêm.

Chợt Thanh Điệp sực nhớ đến những trọng trách còn chờ mình đi lo, nàng cố khuyên em tỉnh trí và tìm ngay lối đi thẳng về Mặc Phụ Sơn lo cầu cứu.

Cuộc hành trình được khởi hành suốt ngày đêm, chỉ nội trưa ngày hôm sau, hai chị em đã vào đến khu núi Mặc Phụ. Nhưng sau khi vào địa phận của Mặc Phụ Sơn, chỉ thấy núi non liên miên, không một bóng người qua lại, Thanh Điệp bèn lấy ngay bức họa đồ của Hầu Hạo ra xem, nhưng trên không hề có một chữ nào, lại càng không biết vị kỳ nhân cái thế này ẩn cư tại ngọn phong nào đây? Thanh Điệp không có biện pháp gì hơn, nàng đành nghĩ ra một cách tìm đần độn là: hai chị em cứ việc từ ngọn phong bên phải sang bên trái mà đi. Mãi khi trời đổ hoàng hôn, hai người mới đi được có bốn ngọn phong, chỉ toàn rừng già um tùm, ngoài thú dữ ra tuyệt nhiên không một bóng người qua lại!

Hồng Điệp đã cảm thấy mệt lả người, nàng bèn thốt tiếng với chị rằng:

- Chị ơi! Em vừa đói vừa khát, chân lại càng mỏi!...

Thanh Điệp đang tính bắt đầu cuộc leo ngọn phong thứ năm, nay nghe em lên tiếng nói vậy, nàng bất giác thở dài, đôi mắt thương cảm nhìn em, chỉ thấy Hồng Điệp mặt mũi bơ phờ, hơi thở dồn, chân uể oải bước theo sau.

Thanh Điệp thấy thương em quá, bèn ngừng ngay lại rằng:

- Em mệt lắm hả? Vậy chúng mình hãy nghỉ lại đây một chút!

Hai chị em bèn tìm ngay đến một khe suối, uống đã khát xong, Thanh Điệp tính vào rừng săn đỡ thú rừng nhỏ để giải quyết vấn đề đói bụng. Vì từ khi ngựa bị những tảng đá lớn đè trong hang núi, lương khô và nước uống đều bị mất sạch, suốt cuộc hành trình chỉ uống nước suối và ăn quả rừng, quả thật đã xót dạ chịu không nổi. Thanh Điệp biết sức mình lúc này đã yếu nhiều, không thể nào đương đầu với những loại thú dữ, miễn sao có được thỏ hay chồn cũng được lắm rồi. Tay cầm đá để làm ám khí, và rón rén bước vào rừng, hai chị em loanh quanh một hồi, chợt có tiếng soạt vang lên, một con nai hoa mai chạy vọt ngay ra.

Châu Sách mừng quýnh lên vung tay đánh ngay những ám khí bằng đá ra! Bịch! Bịch! Bịch!... bụng con nai bị trúng ám khí bằng đá của Thanh Điệp, nó kêu lên một tiếng nằm lăn trên mặt đất bất động luôn.

Nàng vội vàng bước lại, đang phân vân vì con nai này hơi lớn, làm sao ăn hết, hay chặt bốn chiếc đùi? Mà bốn chiếc đùi này cũng ăn đủ rồi, nghĩ xong rút ngay kiếm ra, tính chặt đùi nai. Bỗng trước mắt tối sầm ngay lại, không biết con quái vật gì từ trên bổ ngay xuống, “choeng” một tiếng đụng mạnh vào cây kiếm, kình lực mạnh vô cùng, khiến cây kiếm của Thanh Điệp bị văng luôn khỏi tay. Vốn là con nhà võ, hễ có động là phải biến, trong lúc lâm nguy, chỉ thấy nàng nhảy vọt nhanh ra phía sau. Khi định thần lại, nàng thấy rõ là một con chim ưng lớn tướng, trông vẻ thần dũng vô ngần, và thấy chim ưng ung dung đậu ngay trên xác con nai, trông hình tượng của chim ưng trong lúc này không khác gì một cái gò đất đồ sộ, đôi mắt nó long lanh sáng quắc, cổ hơi nghiêng về phía Thanh Điệp!

Thanh Điệp bực tức trong lòng: loài biển mao (lông đẹp) súc sinh mà cũng dám ngang nhiên đến bắt nạt ta, xem tướng mạo nó, rõ ràng là muốn tranh mồi với mình đây. Nai chính do tay mình hạ, thế mà con biển mao súc sinh này lại muốn đến ăn không, đáng giận thật! Thanh Điệp vội nhặt ngay cây kiếm dưới đất lên tính ra tay giết luôn con chim ưng lớn này cho hả giận, nhưng thình lình nàng lại khớp người, vì xưa nay nàng chưa hề thấy loại chim ưng to lớn như thế này, vừa rồi kiếm mình bị văng chắc chắn chính là do con chim này mổ? Như thế đủ biết sức mạnh nó không thể lường nổi, mình không thể khinh thường nó! Chim ưng vẫn nhìn chăm chăm sang phía nàng, Châu Sách bực mình mắng ngay chim ưng rằng:

- Biển mao súc sinh kia, sao ngang ngược như thế, nai do ta đánh ngã, tại sao mi lại ngang nhiên muốn chia phần như vậy?

Chim ưng sẽ nghiêng như nghe Thanh Điệp quát mắng, nó hình như cũng biết nghe tiếng người, chỉ thấy nó lắc đầu lia lịa, và kêu lên mấy tiếng “goa, goa” như để trả lời là con nai này phải thuộc quyền sở hữu của nó mới đúng?

Thanh Điệp lại tính lên tiếng mắng chim ưng, bỗng nàng chợt nghĩ, trong lúc con nai chạy ra đây, hình như đã bị thương từ trước thì phải, nếu không, mình làm sao dễ dầu đánh trúng hắn như thế, không chừng con chim ưng này nó có phần cũng nên!

Nghĩ vậy nàng bèn lẩm bẩm rằng:

- Chắc là con chim này đã mổ trước vào mình con nai nên con nai mới bị thương chạy ra?...

Câu nói tuy không lớn, nhưng chim ưng rất thính tai, nó đã nghe rõ, và còn gật đầu tỏ ý của mình, và lại “goa goa” kêu lên mấy tiếng, trong tiếng kêu này nó tỏ ra vô cùng vui mừng, hình như nó tán thành câu nói của Thanh Điệp lắm.

Thanh Điệp càng bực tức rằng:

- Tuy là mi có công mổ trước con nai, nhưng nếu ta không đánh ngã nó, chắc gì mi có thịt ăn, vậy công của ta lớn, ta đòi bốn chiếc đùi, phần còn lại thuộc mi đem đi!

Chim ưng lắc đầu lia lịa!

Châu Sách giận rằng:

- Sao, bộ mi muốn đòi đùi nai hả? Và ta lấy những phần kia?

Chim ưng gật đầu!

Thanh Điệp vừa tức giận vừa buồn cười, không biết con quái vật này ở đâu mà lại biết nghe tiếng người như thế! Nàng vung luôn kiếm quát:

- Hãy cút mau ra? Nếu còn lôi thôi coi chừng ta chặt bay đầu và ăn luôn thịt mi cho biết tay!

Nhưng con chim ưng hình như không chịu phục, hắn “goa” một tiếng lớn, vọt bay ngay lại phía Châu Sách, Châu Sách vội tung kiếm lên nghênh chiến với chim, nhưng không biết chim ưng đã đánh bằng lối nào, chớp mắt, hắn đã mổ trúng ngay cây kiếm, và tiếp theo là choeng một tiếng vang lên, kiếm của Thanh Điệp lại bị rớt xuống đất. Chim ưng sau khi thắng thế, hắn lại tung mình bay đậu trên thân nai, đứng ung dung nhìn ngó Thanh Điệp...

Xa xa tiếng gọi của Hồng Điệp vang lên:

Chị ơi!... chị ở đâu?...

Châu Sách không chịu cam tâm, lên tiếng ngay rằng:

- Em Chu ơi! Chị ở đây! Em mau lại đây! Mau mau...

Chim ưng cũng ngước cổ lên những tiếng “goa, goa” kỳ lạ của nó, hình như nó cũng đang kêu gọi tiếp cứu vậy.

Ngay trong lúc Châu Chu xách kiếm chạy tới, bên ngoài rừng, ào một tiếng, lại một con chim ưng to lớn bay tới đậu ngay cạnh con chim kia, nhưng so ra con này nhỏ hơn con trước, nhưng cũng thần dũng oai hùng lắm. Hồng Điệp thấy đôi ưng to lớn, không những nàng không ngán không sợ, mà trái lại còn cảm thấy hứng thú vô cùng. Nàng cười nói với chị rằng:

- Chị đang giành ăn với đôi chim ưng lớn này sao?

Châu Sách nói với em mình:

- Chính thế? Con nai kia do chị đánh ngã! Thế mà con chim ưng này lại muốn chia thịt ngang xương như thế, chúng hỗn hết chỗ nói!

Nghe chị nói vậy, Châu Chu càng phấn khởi vui mừng reo lên rằng:

- Ồ! Thế thì tuyệt quá! Xưa nay em chưa từng đánh nhau với chim ưng bao giờ, thôi, chị em chúng mình ra tay thử xem sao!

Nói dứt lời, Hồng Điệp lập tức cầm kiếm xỉa ngay vào con nhỏ vừa bay tới, nhưng con chim nhỏ xòe ngay cánh hất ngay cây kiếm của Hồng Điệp ra. Châu Chu thất kinh rằng:

- Chị ơi! Chim này sao sức mạnh dữ hơn sức trâu kìa?

Châu Sách rằng:

- Phải cẩn thận, vậy chị em chúng ta cùng tiến!

Thế là một cuộc hỗn chiến giữa hai người và chim diễn ra, dù cho chị em Châu Thị tung hoành đến đâu cũng không làm sao chạm đến một sợi lông nào của con chim ưng nhỏ nọ, chim ưng không những tinh khôn mà còn có phần thông hiểu võ nghệ là khác.

Trong lúc con nhỏ đang quây quần với hai chị em họ Châu thì con chim lớn đứng ung dung mổ bớt từng miếng thịt nai ăn ngon lành.

Dần dần trời đã tối hẳn, thế rồi con chim ưng lớn ăn no xong bay vọt ra để giao chiến với hai nàng, để cho con chim nhỏ kia vào ăn thịt.

Châu Chu thấy vậy rằng:

- Trời, chim kia khôn thế, chúng biết thay phiên nhau để ăn uống, còn cánh mình thì đói muốn chết được!

Thanh Điệp càng lúc càng cảm thấy tình trạng nghiêm trọng. Nàng nhận ngay ra đôi chim này không những to lớn, mà sức mạnh cũng ghê gớm, chúng biết cả phương pháp giao tranh với địch thủ, xem ra hình như chúng đã được chủ nhân huấn luyện kỹ lưỡng, đương nhiên công lực của đôi chim này có vẻ hơn chị em mình nhiều, nhưng hình như chúng còn chưa muốn hạ độc trảo (móng vuốt) với tụi mình. Nếu đôi chim này quả thật có người nuôi dạy tử tế, thì chủ nhân của nó chắc chắn phải là bậc cái thế kỳ nhân lắm, và không biết chủ nhân của đôi chim này tại đây là nhân vật nào đây? Nhưng khi nhìn kỹ, thấy bốn chiếc đùi nai vẫn còn nguyên vẹn, hình như chúng muốn dành lại cho chủ nhân của chúng vậy. Quả nhiên Thanh Điệp đoán trúng.

Thình lình, từ xa truyền lại một tiếng hú dài như long ngân, đôi chim ưng lớn lập tức ngừng ngay cuộc tấn công, chỉ thấy hai chim một bay lên một nhào xuống, trong hai lần như vậy, rồi bỗng nhiên chúng phát động thế công nhanh như chớp, bay chụp lại phía hai nàng, Châu Thị Nhị Điệp không kịp phòng hờ, cả hai đều bị chim ưng dùng mỏ ngoạm trúng ngay lưng áo, xách bổng hẳn lên không. Cũng chẳng biết là bao lâu nữa, chị em Châu Thị không dám mở mắt ngó xuống, chỉ nghe gió vù vù bên tai, hình như càng lúc càng cao và càng nhanh. Từ từ, cảm thấy tốc độ bay của chim ưng như chậm lại, thấy chim ưng đang hạ là là xuống một ngọn núi, dưới ánh trăng sao lu mờ, hai nàng chỉ cảm thấy gió núi lành lạnh, sức buốt càng lúc càng tăng, cả hai chị em Châu Thị đều bị lạnh co rúm người lại.

Mũi phảng phất ngửi thấy một mùi thơm của hoa lạ. Cả hai không biết đây là đâu mà sao khí hậu lại lạ lùng đến thế, vừa lạnh vừa thơm? Nhưng cả hai chị em lúc này chỉ cảm thấy lạnh và đói, sau khi chim ưng buông hai người xuống đất, chúng ngửng cổ kêu lên những tiếng “goa, goa” kỳ lạ. Thanh Điệp lo ôm chặt Hồng Điệp, nhưng cả hai chị em vẫn run lên cầm cập. Thình lình, trong cảnh đêm tối, có một tiếng động nhẹ nhàng truyền đến. Đó là một tiếng thanh thở của người ta, chị em hai người lúc này bỗng nổi hẳn một hy vọng, ngửng đầu nhìn quanh, nhưng thấy toàn cảnh hoa lá rung rinh vì gió thổi, nào thấy bóng người đâu!

Hồng Điệp cảm thấy giọng nói với chị:

- Chị ơi! Em lạnh quá! Không chịu nổi rồi!...

Thanh Điệp tuy cũng lạnh không kém gì em, nhưng nàng vẫn cố ôm chặt em trong cơn tuyệt vọng này và an ủi rằng:

- Em ráng lên em! Chịu khó cố gắng!...

Ngay lúc đó, hai chim ưng như nhận được lệnh của chủ nhân chúng, chúng ì ạch bước lại dùng mỏ ngậm ngay vào áo của Châu Thị lôi đi như để gặp chủ nhân của chúng vậy. Hai nàng tuy giận hai con chim tai quái này, không muốn bước theo chúng, nhưng ác nỗi sức chúng mạnh quá chừng, phần sợ chúng làm rách áo nữa. Không cách gì hơn, Thanh Điệp bèn nói với Hồng Điệp rằng:

- Thôi em, đừng nên chống cự với hai con chim tai quái này, cứ thử theo chúng dẫn mình đi tới đâu cho biết!

Thế là hai nàng đành mặc cho đôi chim ưng kéo đi, chẳng mấy chốc, hai nàng cảm thấy như vào một gian nhà, gió lạnh bớt hẳn. Hồng Điệp vui mừng rằng:

- Này chị, hình như chúng mình đang đi vào một gian nhà đây thì phải! Xem ra hai con chim tai ác này chúng cũng biết dẫn đường đấy nhé!

Trong cảnh tối om, hình như cũng thấy trong gian nhà này có đầy đủ các tiện nghi, Hồng Điệp mệt mỏi quá, nàng thấy có giường chẳng cần suy nghĩ gì, trèo phắt ngay lên nằm nghỉ, nhưng vừa chực buông mình nằm xuống, bỗng nàng lại “Ai da!” một tiếng nhảy vụt ngay xuống giường. Thanh Điệp vội hỏi chuyện gì?

Nhưng chỉ thấy Hồng Điệp hai hàm răng cắn cồm cộp vào nhau vì lạnh, chỉ nghe nàng ấp úng rằng:

- Trời ơi... cái giường gì mà lạ kỳ quá!...

Thanh Điệp đưa tay sờ vào giường, hình như chiếc giường nầy chế bằng đá thì phải! Vì không những vừa lạnh buốt và lại còn cứng là khác.

Trong lúc này hai con chim ưng vẫn còn loanh quanh trong nhà, một con đến sát cạnh nàng Thanh Điệp, Châu Chu thấy vậy vốn đã bực mình vì chim, nàng bèn vung chưởng ra đánh đến ào một tiếng, chim ưng kêu lên một tiếng, giương ngay cánh đồ sộ của mình quắp ngay Châu Chu vào trong nách cánh. Thanh Điệp sợ em mình bị nạn bất trắc, vội chạy quàng sang xem sao, nhưng đã không thấy Châu Chu đâu, bèn gọi quýnh lên:

- Em ơi! Em ở đâu?...

Tiếng trả lời của Châu Chu từ trong cánh chim ưng truyền ra rằng:

- Em trong này. Chị ơi, trong cánh con chim này quả nhiên ấm áp thật, thú quá! Em muốn ngủ luôn trong này một giấc, em mệt quá rồi, chị có chui vào đây với em không?

Thanh Điệp nghe em nói vậy, vừa giận vừa tức cười nhưng rồi nàng cũng chui luôn vào nách chim ưng quả nhiên hơi nó ấm áp vô cùng! Lúc này chim ưng cũng khụy chân ngồi bẹp xuống, thế là hai chị em đành tìm tạm một giấc ngủ dưới nách của chim ưng ấm áp.

Một cơn gió lạnh đánh thức giấc ngủ cho hai chị em, hai nàng banh mắt ra đã là sáng ngày hôm sau, con chim ưng lớn không biết đã bỏ đi từ hồi nào, hai chị em nằm co quắp lấy nhau tại dưới đất.

Sức lạnh đã khiến hai người tỉnh luôn. Hồng Điệp sau khi thức hẳn, nàng giương mắt ngó xung quanh nhà, thấy tất cả những dụng cụ trong nhà tinh xảo vô cùng, mọi vật dụng hình như đều được chế tạo bằng đá hết, tay rờ tới đâu đều cảm thấy mát lạnh và cứng cát, trong nhà im lặng, không thấy bóng người lạ! Khi Hồng Điệp vào đến một gian phòng bên trong, bỗng nàng reo mừng lên:

- Chị ơi! Mau vào mà xem này! Mau lên!

Thanh Điệp chạy vào, khi nhìn thấy cảnh cũng sững sờ luôn, thì trên mắt bàn của trong phòng này, la liệt những thức thịt rượu hơi nóng còn nghi ngút, trên hai ghế, lại để sẵn hai bộ áo lông thú. Hình như sự kiện này đã có người ta sắp xếp từ trước vậy. Chị em Châu Thị lúc này vừa lạnh vừa đói, họ chẳng kể hậu quả ra sao, mặc ngay áo da lông thú vào người trước.

Nhưng quái lạ! áo sao vừa vặn đúng theo khổ của hai nàng, và sức ấm cũng đến mức tuyệt diệu, cả hai chị em đã cảm thấy bớt lạnh. Nhưng hai nàng lại cảm thấy bụng đang đói như cào, chẳng hề nể nang gì ngồi ngay vào bàn ăn uống một cách tự nhiên, trong lúc ăn uống hai chị em đều bàn tán đến đôi chim ưng, vì những thịt họ đang ăn đây chính là thịt nai, mà loài chim làm sao mà biết nấu nướng? Nhất định phải có người, mà người đó không ai khác hơn là chủ nhân của đôi chim ưng. Nhưng cả hai chị em đều lấy làm lạ là tại sao chủ nhân không chịu ra mặt mà lại tiếp đãi âm thầm như thế này? Thanh Điệp nghĩ vậy bèn cất giọng lớn tiếng:

- Nay hai tiểu nữ kính bái lãnh áo ngự hàn và thức ăn của vị tiền bối cao nhân đang ẩn tiên tung, hai tiểu nữ kính tạ muôn ngàn, vậy kính xin tiền bối hiện tiên nhân cho hai tiện nữ được bái tạ!

Nhưng tứ bề đều im như tờ. Hai nàng trong lòng đâm nghi, bèn lững thững bước ra ngoài một ngọn phong cao lớn. Mây che gần chân núi, sức lạnh ở đây kinh khủng, và trên ngọn phong này mọc rất nhiều những loại hoa bất danh, nhưng càng lạ hơn nữa là những đóa hoa này lại vô cùng thơm! Thật là một cảnh sắc nên thơ hùng tráng tuyệt vời! Khiến cho tâm hồn hai thiếu nữ không khỏi lâng lâng trong bụng.

Tuy tiết mùa này mới vào đầu tháng sáu, ấy thế mà địa thế khí hậu trên ngọn phong này lại lạnh buốt lạ lùng như vậy, chắc trên đỉnh phong đây phải có tuyết mãi lạnh thế được? Và nhất là ngọn này phải cao lắm! Quả nhiên hai nàng đã đoán đúng, nơi đây chính là một ngọn núi có tuyết phủ. Hai chị em lang thang quanh quẩn mãi nhưng chỉ toàn thấy mây mờ che phủ gần khắp chân núi, không thể nhận đâu vào đâu. Tâm tư không khỏi trạnh nhớ đến lời căn dặn của Hầu Hạo, thể nào cũng tìm gặp Độc chỉ Thôi Bác để nhờ cứu nạn, nay cứ loanh quanh mãi tại đây thế này, chưa chừng tìm đường xuống cũng khó khăn là khác. Càng nghĩ, hai nàng càng rối trong lòng. Thanh Điệp bỗng lại nghĩ: hay là phải nhờ vả đến hai chim ưng nọ đưa mình xuống núi?

Trong lòng càng băn khoăn rối loạn, chị em đành dắt nhau quay trở về gian nhà mà chim ưng đã đưa mình tới, nhưng bên trong vừa nhoáng nhanh một bóng, cả hai hấp tấp chạy vào xem, chỉ thấy hai con khỉ lông trắng mướt, trông dễ thương lắm! Nhưng càng lạ lùng hơn nữa là chúng đang bưng những món ăn nghi ngút hơi nóng bày ra bàn, thấy hai nàng bước vào chúng hoảng lên và kêu những tiếng chí chóe rối rít, và hai con khỉ trắng cong đuôi chạy luôn. Hai chị em lập tức đuổi theo ngay phía sau, nhưng khi ra đến phía nhà sau, đôi khỉ trắng đã mất dạng hẳn!

Hai chị em đành thất vọng quay mình vào và ngồi ăn uống. Cơm nước xong, hai chị em bàn tán là phải tìm cho được chủ nhân ở đây mới được, vì người mới có thể sai khiến đôi chim ưng và đôi khỉ trắng đến mức tuyệt đỉnh như thế, thế nào cũng có cách giúp cho chị em mình xuống núi, chưa chừng họ còn biết nơi cư ngụ của Độc chỉ Thôi Bác ở đâu là khác!

Thế là hai chị em nghi ngay rằng phía sau mà hai con khỉ trắng vừa chạy trốn vừa rồi đó, chắc chắn là nơi cư ngụ của chủ nhân, và hai chị em ăn no nê xong bèn đi ngay về ngôi nhà phía sau tìm kiếm.

Hai chị em đến phía sau, lại phải một mẻ ngạc nhiên không ít, thì ra ở đây lại là một cảnh giới thần tiên khác. Đâu đâu cũng hoa thơm cỏ lạ, mùi thơm phảng phất dịu lòng, có suối trong vắt, chim muông tíu tít hót, cả hai chị em đều lấy làm lạ, một nơi lạnh buốt như ngọn phong đây, không hiểu tại sao lại có những thảo mộc và chim chóc sinh tồn được như thế? Lại càng không thể hiểu nổi những động thực vật đây tên tuổi của chúng gọi là gì? Chị em Châu Thị cảm thấy thơ thới trong lòng... cả hai chị em đưa mắt nhìn khắp cảnh vật xung quanh! Bỗng Hồng Điệp ý lên một tiếng rồi đưa tay chỉ nhanh về một phía rằng:

- Kìa, chị thử nhìn xem đằng kia!

Thanh Điệp nhìn theo tay em mình, chỉ thấy mọc toàn hoa màu đỏ, và có một ghế đá tròn nhẵn, trên đó có mấy hoa đỏ. Thanh Điệp bỗng sực nhớ lời dặn của Hầu Hạo và tình hình trong bức họa đồ, nhưng nàng lấy làm lạ là trên ghế đó không ghi rõ có người ngồi, cả hai thiếu nữ bỗng vui sướng reo lên, sau khi thấy rõ cảnh trạng trước mắt:

- Độc chỉ Thôi Bác! Thôi lão tiền bối!

Cả hai vội chạy nhanh ngay lại nơi ghế đá, chỉ thấy một làn ánh trắng nhoáng nhanh lên một cái, trên ghế đá đã có một người ngồi ngay trên đó! Người này từ trên trời giáng xuống? Chỉ trong nhoáng mắt, đã nghiễm nhiên hiện ngay trước mặt hai thiếu nữ, và không gây nên một tiếng động gì, nếu quả nhiên đây là người, thì thân pháp người này quả thật đã đến mức quá sức tưởng tượng nổi.

Nhưng chỉ thấy người đàn ông này, tuổi ước ngoài ba mươi toàn thân mặc màu trắng toát, phất phơ như tiên, sắc mặt trắng như giấy, da mặt gầy đét lại, thần sắc u buồn lạ lùng, trông chẳng khác gì một người đang mắc bệnh nặng lâu năm!

Cả đôi chim ưng cũng không biết bay đến từ bao giờ và đậu chầu ngay hai bên người áo trắng bệnh hoạn này, chỉ thấy chúng ngồi phệt xuống rỉa lông cánh, trông chúng ngoan đáo để; người áo trắng như kẻ bệnh hoạn đang ngồi trên ghế đá, đưa tay từ từ cầm lấy đóa hoa đỏ đưa lên miệng nhai và nuốt, và chính những động tác này, giống hệt như kiểu vẽ trên họa đồ. Tâm thần chị em Châu Thị bồi hồi vì quá phấn khởi cả hai nàng vội hấp tấp quì thụp ngay xuống. Và tiếng Châu Sách rằng:

- Hai tiện nữ là Châu Sách và Châu Chu xin kính bái Thôi lão tiền bối, nay kính xin tiền bối hãy mau mau ra tay cứu nạn giùm cho Hầu Hạo công tử và Thượng Quan Linh công tử và cả Liễu Mi cô nương tại Vô ảnh Phong!...

Sắc mặt Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác lạnh lùng và buồn như mặt nước hồ thu, hình như không nghe gì đến câu nói của Thanh Điệp, Châu Sách lại càng cuống lên rằng:

- Kính thưa tiền bối, Hầu Hạo công tử nay bị nhóm tăng lữ trên Cửu Thiên Tự bắt đi, còn Thượng Quan Linh công tử và Liễu Mi cô nương cùng Gia Cát Dật tiến bối đều bị giam hãm trên Vô ảnh Phong tại Cửu Lãng Sơn, và chỉnh nơi đó là sào huyệt trọng yếu của thầy trò Độc Ma, họ đang...

Nói tới đây nàng ngửng mặt ngó Độc chỉ Thôi Bác mặt vẫn lạnh như tiến, nàng càng cố phủ phục sát xuống năn nỉ thêm:

- Kính thưa tiền bối! Họ đều đang bị nguy cấp đến tính mạng một sớm một chiều, xin tiến bối đại hiệp hãy nghĩ đến tình hiệp nghĩa đồng đạo, ra tay cứu nạn giùm cho! Độc chỉ Thôi Bác như muốn lên tiếng nói chuyện, nhưng chưa thốt ra câu nói nào đã ho lên khù khụ, hai nàng quì mọp dưới trông thấy rõ ràng, chỉ thấy Độc Chỉ Thôi Bác càng ho nặng, bộ ngực dẹp lép phập phồng như khó thở vô cùng!

Thanh Điệp vẫn cố nhẫn tâm chờ đợi, nhưng Hồng Điệp đã tỏ ra nản chí, bụng nghĩ sao anh Hầu Hạo lại bảo chị em mình nên tìm đến một bệnh nhân ho kinh khủng như thế này để giúp sức? Đến chính như bản thân của người này chưa chắc đã lo xong được, huống hồ là lo cứu cho người khác, nay nếu phải trông cậy vào người này để để đi cứu Hầu Hạo, Thượng Quan Linh và Liễu Mi, chẳng hóa ra là một trò cười quá đáng cho thiên hạ sao? Nhất là khi nghĩ đến những đám đệ tử lợi hại của Vô ảnh Phong: Đinh Hủy, Đinh Phá và vị hòa thượng áo cà sa đỏ đã bắt anh Hầu Hạo?... Như vậy mà muốn mời một người bệnh hoạn ho hen như người trước mắt mình đây đâu phải địch thủ của chúng.

Thấy người áo trắng ho như muốn tắt thở luôn, sắc mặt trắng còn hơn vôi. Khó khăn lắm mới nuốt được một đóa hoa lạ màu đỏ, và cái ho khù khụ cũng bắt đầu ngưng dần hẳn. Vì khoảng cách của hai bên khá gần, nên người áo trắng khi nhai đóa hoa ấy để nuốt ấy, chị em nàng đã ngửi thấy một mùi thơm ngọt ngào của đóa hoa đưa tới. Biết ngay loại hoa kỳ lạ này chắc là tiên phẩm của nhân gian đây, quả là một thứ linh đơn tuyệt diệu, sau khi những cơn ho dữ đội, Độc chỉ Thôi Bác mới từ từ lên tiếng rằng:

- Khi không hai ranh con lại đây làm phiền ta, khiến ta ho khổ sở như thế!

Nói tới đây Độc chỉ Thôi Bác lại nổi cơn ho...

Hồng Điệp thấy đã có vẻ gai mắt chịu không nổi, nhưng nhờ Thanh Điệp dù sao cũng là vai chị, nàng khôn ngoan hơn, hấp tấp đứng dậy lại đấm lưng cho Độc chỉ Thôi Bác như để ngăn chặn cơn ho kinh khủng.

Khá lâu Độc chỉ Thôi Bác mới bỗng hỏi rằng:

- Đứa nào to gan mà dám cho hai ngươi biết là ta cư ngụ tại đây?

Châu Sách vội từ trong mình lấy ngay ra bức họa đồ mà Hầu Hạo đã giao cho mình, rồi nàng cung kính đưa sang cho Độc chỉ Thôi Bác coi. Sau khi thấy bức họa, Độc chỉ Thôi Bác mắt sáng ngời lên, lên tiếng lè nhè rằng:

- Thì ra là nó! Là nó...

Bỗng Độc chỉ Thôi Bác quay ngay sang phía Châu Sách hỏi:

- Thế người mà bị nhóm hòa thượng Cửu Thiên Tự bắt đi ấy, phải tên là Hầu Hạo không?

Châu Sách vội vàng trả lời:

- Dạ thưa tiền bối, đúng là tên Hầu Hạo ạ, và chính là ái đồ của nhóm Thiên Sơn Tứ Hữu là Thiên Si đạo trưởng, trong chuyến hành trình từ Bắc xuôi Nam này, Hầu Hạo đã bị bắt tại Cửu Thiên Tự, sau được Thượng Quan Linh công tử cứu, và cả hai đến Nhạc Châu để tìm manh mối một vụ hung án!

Độc chỉ Thôi Bác bỗng hỏi:

- Hung án gì vậy?

Châu Sách trả lời:

- Đó là một ngọn tỉ thủ mà được mệnh danh là Lãnh điện tỉ thủ, kỳ này đã xuất hiện trên giang hồ, và trong đêm trăng tròn vừa qua, đã gây nên vụ án Truy phong nhân tâm thần khất Phương Kỳ bị giết tại Thượng Quan Trang ở Nhạc Châu!

Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác ồ lên một tiếng, hình như bị xúc động mạnh, vì thấy thân hình của Thôi Bác bị khích động, Châu Sách lại sợ cơn ho của Thôi Bác lại nổi lên, nàng không dám hé miệng nói thêm. Nhưng Thôi Bác đã lên tiếng ngay:

- Cứ nói tiếp đi! Về sau chuyện ra sao?

Châu Sách ngần ngại một lúc mới nói rằng:

- Về sau Thượng Quan Linh công tử và Hầu Hạo công tử đều bị kẻ địch mai phục, cuối cùng là Thượng Quan Linh đã bị đồ đệ của Độc Ma trên Vô ảnh Phong bắt đi, rồi thầy của Thượng Quan Linh là Gia Cát Dật đến nơi và cùng với Hầu Hạo theo đuổi ngay lên Cửu Lãnh Sơn, và cũng ở trên đây gặp luôn hai chị em vãn bối.

Độc chỉ Thôi Bác bỗng lại hỏi:

- Hai ngươi là phận gái, tại sao lại lên Vô ảnh Phong làm gì?

Châu Sách mặt đỏ rằng:

- Dạ không phải vãn bối muốn lên đó làm gì, chẳng qua là người chị cả bị người trên Vô ảnh Sơn bắt đi, nên vãn bối đành theo dõi lên, nhưng khổ cái tìm không ra đường lối của Vô ảnh Phong.

Độc chỉ Thôi Bác gật gù, Châu Sách vẫn tiếp tục nói:

- Về sau, Gia Cát Dật tiền bối khám phá ra sự huyền bí của ngọn Vô ảnh Phong, và ông ta chuẩn bị đơn thân đột nhập vào trong thám thính, đồng thời căn dặn Hầu Hạo và hai chị em vãn bối hãy chờ ngoài cửa núi Cửu Lãnh, nhưng rồi ngay nửa đêm hôm đó hai vãn bối bị bắt! May nhờ có chị Liễu Mi tương cứu.

Độc chỉ Thôi Bác hỏi ngay:

- Liễu Mi là ai?

- Dạ nàng là thứ nữ của bang chủ họ Liễu trong bang Thanh Thông Hội, và rất có cảm tình với Thượng Quan Linh công tử, và chính nàng đến Vô ảnh Phong cũng chỉ vì muốn cứu Thượng Quan Linh!

Nói tới đây, nàng bèn thuật hết câu chuyện mà Liễu Mi dùng kế mận đổi đào ra sao một lượt cho vị kỳ nhân Độc chỉ Thôi Bác nghe, và thuật luôn giữa đường Hầu Hạo bị nhóm hòa thượng của Cửu Thiên Tự bắt ra sao một lượt!

Thôi Bác lên tiếng hỏi:

- Nếu thế, tình thế của hai nơi này đều nguy cấp cả nhưng trong nơi ấy, phải có một nơi nguy nhiều hơn, vậy thế hai người muốn cứu ai trước bây giờ?

Chị em Châu Thị nghe hỏi vậy cũng đâm ra khó xử tuy trong lòng hai nàng là muốn cứu ngay chàng Hầu Hạo của mình trước tiên nhưng trên thực tế, tính mạng của Thượng Quan Linh và chị cả mình là Châu Ni đang bị nguy kịch, huống hồ là Hầu Hạo đã dặn đi dặn lại là phải mời Thôi tiền bối đến cứu ngay nhóm người trên Vô ảnh Phong trước tiên. Châu Sách không dám tự chuyên về lòng ích kỷ của mình, nàng bèn thành thật rằng:

- Dạ thưa tiền bối, Hầu đại ca đã căn dặn là xin tiền bối hãy cứu gấp giùm cho Thượng Quan Linh công tử và người chị cả của hai vãn bối là Bạch điệp Châu Ni cùng với Gia Cát Dật và Liễu Mi, nay hai người này đã đột nhập hẳn vào trong Vô ảnh Phong, chắc chắn là tính mạng họ cũng nguy nan không kém gì?

Độc chỉ Thôi Bác gật gù, hình như rất vừa lòng với lối cư xử tình thế của Hầu Hạo, chứng tỏ rõ con người của chàng Lãn hiệp Hầu Hạo không phải là loại ích kỷ, chỉ nghe từ cửa miệng Thôi Bác thốt ra những tiếng nho nhỏ:

- Hầu Hạo! Hầu Hạo!...

Chị em họ Châu không biết vị kỳ nhân họ Thôi này tính sao, mắt thấy lại sắp hết buổi hoàng hôn, lòng tuy cuống lên mà không dám hé miệng hối hỏi.

Lúc này Thôi Bác hình như chẳng có chuyện gì phải bận lòng, chỉ thấy vị kỳ nhân này quay sang nói lẩm bẩm với hai chim ưng ở tả hữu một hồi, chỉ thấy hai chim ưng vỗ cánh bay vọt đi luôn. Thanh điệp Châu Sách thấy vậy tưởng đâu vị kỳ nhân họ Thôi này đang khảo xét về lòng thành tâm của mình, nàng cung kính quì yên không dám nhúc nhích, nhưng Thôi Bác lúc này lại trở về thái độ lạnh lùng, lo nhai những đóa hoa đỏ kỳ lạ, không hề ngó nhìn hai chị em Song Điệp đang quì trước mặt. Hồng Điệp có vẻ chịu không nổi lối cư xử tàn nhẫn của vị kỳ nhân, nàng khẽ kéo gấu áo chị và nhẹ tiếng rằng:

- Chị ơi, đầu gối em đau quá!

Thanh Điệp giận điên lên, bèn khẽ tiếng gắt cô em rằng:

- Hãy ráng quì yên! Chớ có nhúc nhích mà khổ thân bây giờ!

Thấy chị gắt mình như vậy, Hồng Điệp càng đâm tức người kỳ nhân trước mắt mình, nàng ngước mắt ngó lên thấy người này như đang lim dim muốn ngủ.

Đang lúc Hồng Điệp tính mở miệng mắng sự tàn nhẫn của Thôi Bác, nhưng ngay trong lúc đó, thân hình của hai chị em hình như có một sức mạnh gì đang dỡ hẳn hai người đứng dậy, rồi lại từ từ dồn hai chị em ngồi ngay xuống dưới thảm cỏ êm ái ngay đó.

Thanh Điệp xưa nay nào đã được thấy lối công lực ghê gớm như thế bao giờ! Nay hiển nhiên được chứng kiến tận mắt, khiến cho nàng kinh ngạc đến nỗi không còn nói ra tiếng nào. Tiếng Thôi Bác ôn tồn rằng:

- Hai người cứ việc tạm nghỉ gian nhà ngoài kia, hai nơi Vô ảnh Phong và Cửu Thiên Tự, ta đã sai Đại Hắc và Nhị Hắc (đôi chim ưng) để cứu họ rồi, vậy cứ việc yên tâm đừng lo ngại.

Chị em Châu Thị nghe nói vừa kinh ngạc vừa mừng, nhưng cả hai lập tức lại nổi lòng nghi ngờ ngay, tuy hai con chim ưng dũng mãnh vô ngần, nhưng nếu nói là có thể chấn ác bọn âm ma và ác tăng của Vô ảnh Phong và Cửu Thiên Tự, chưa chắc đã đúng như lời nói. Tuy Thanh Điệp nghĩ như thế, nhưng cũng không dám nói ra, nàng đành theo sau vị kỳ nhân ra ngoài.

Độc chỉ Thôi Bác hình như đoán rõ tâm tình hai nàng, bèn từ từ lên tiếng rằng:

- Hai ngươi đừng có khinh rẻ hai chim ưng của ta, thanh danh của Đại Hắc và Nhị Hắc trên giang hồ này, chúng cũng không thua gì bậc sư của một môn phái nào đâu! Nếu thời gian còn kịp, ta tin chắc với danh phận của ta, chúng còn không dám làm càn, nhất là khi chúng lại nhận ra Đại Hắc và Nhị Hắc của ta muốn sao, thế nào cũng không dám cãi ý!

Hai nàng nghe Thôi Bác nói hiên ngang như thế, trong lòng cũng tạm vững tâm, thế là hai chị em theo ngay Thôi Bác về phòng tinh xá đằng trước, trong lúc đi, những bộ bước của Thôi Bác có vẻ như gió thổi vậy, trông thật là yếu ớt lạ lùng, trông chẳng khác nào một người bệnh nặng mới khỏi dậy, tập đi bách bộ. Hồng Điệp càng thấy càng cho không thuận mắt tí nào và càng như thế nàng lại càng nghi rằng người ho hen chẳng qua chỉ được chút hão danh mà thôi. Nhưng, bỗng nàng nhận ra, trên ngọn phong lạnh buốt xương như thế này, mà vị Độc chỉ Thôi Bác vẫn chỉ mặc chiếc áo mỏng tanh như thế, nhất là lại đang mắc bệnh ho hen như vậy! Nhưng hình như Thôi Bác không cảm thấy vẻ lạnh mới lạ! Và nàng càng lạ là chính vừa rồi đây, người kỳ ma bệnh này hình như không vẻ gì là mệt nhọc cả. Xem ra vị kỳ nhân Đoạn trường Độc chỉ Thôi Bác này đã từng là đệ nhất cao thủ trong thiên hạ từ lâu rồi cũng nên!

Thanh Điệp lo dìu vị kỳ nhân đi, Độc chỉ Thôi Bác cũng không tỏ vẻ cự tuyệt, sau khi ba người đến tinh xá, đã có sẵn một đám khỉ lo hầu hạ và dọn cơm nước cho ba người, nhưng Độc chỉ Thôi Bác giục hai nàng ăn cơm, còn riêng phần mình thì ăn toàn những hoa màu đỏ. Suốt trong đêm nay, hai nàng không sao chợp mắt, vì họ trông chờ tin tức của đôi chim ưng đem về...

Lại hết một đêm trường, hai nàng trông ngóng tin tức về Vô ảnh Phong và Cửu Thiên Tự, nhưng nghĩ chắc ở đây cách xa hai nơi đó lắm, nên đôi chim ưng vẫn chưa về kịp? Hai nàng vội lại vào thăm vị Thôi Bác, nhưng chỉ thấy vị kỳ nhân khẽ gật đầu đáp lễ, trên bộ mặt trắng toát ấy, không có một nụ cười nào.

Hai nàng đứng đó hoài cũng cảm thấy vô hiệu, chị em bèn rủ nhau đi tìm suối tắm. Khi đến bờ suối, thấy bóng mình chiếu dưới mặt nước, bất giác cũng tức cười về chiếc áo lông kỳ lạ mình đang mặc trên người.

Đàn khỉ lúc này cũng như quen với hai nàng, chúng tíu tít theo quanh như để hướng dẫn hai nàng du ngoạn cảnh sắc nên thơ tại đây, đi loanh quanh hết chỗ này chỗ khác. Bỗng hai nàng đến một nơi tinh xá khác thấy đề trên biển là Lãnh Hương Các, thì ra đây chính là nơi ở chính thức của Độc chỉ Thôi Bác, nơi đây vừa lạnh lại vừa thơm, quả thật đúng với danh hiệu Lãnh Hương của nó! Bỗng có tiếng chim ưng kêu vang, hai nàng vội hấp tấp chạy ngay ra, chỉ thấy con chim ưng được gọi là Đại Hắc đã phục ngay cạnh Độc chỉ Thôi Bác. Ngoài ra không thấy ai, hai nàng rối cuống lên tính lên tiếng hỏi thăm, Độc chỉ Thôi Bác đã từ từ lên tiếng rằng:

- Nhị Hắc đi Cửu Thiên Tự còn chưa về, còn vì đường bay Vô ảnh Phong không xa, nên Đại Hắc đã về trước, và ta báo tin buồn cho hai ngươi là Bạch điệp Châu Ni đã chết, còn phần Gia Cát Dật, Thượng Quan Linh và Liễu Mi đã rời khỏi Vô ảnh Phong rồi!

Đây bút giả xin quay về thuật nàng Liễu Mi sau khi bị Đinh Phá quắp dưới nách đem vào Vô ảnh Phong. Thực ra nàng đâu có bị điểm huyệt gì, nhưng vì mạo là Thanh Điệp, nên bắt buộc nàng phải vờ hôn mê bất tỉnh nhân sự, và đồng thời nàng cũng ngấm ngầm quan sát những đường lối đi ngang. Nhưng nàng cảm thấy mặt mình như bị mưa phùn, tai nghe tiếng nước chảy ầm ầm, trong bụng biết ngay đây là thác nước lớn của Vô ảnh Phong đây, đồng thời nàng cũng nghe thấy tiếng chân của Đinh Hủy và Đinh Phá đang xéo lên những đống xương người dưới đất tạo nên những âm thanh chát tai vô cùng. Khinh công của hai tên ma quái họ Đinh này quả cũng siêu việt, Liễu Mi cảm thấy tiếng gió vù vù bên tai, trong bụng cũng không khỏi thầm phục công lực của chúng. Khi qua khỏi ngọn thác, tiếng ầm ầm dứt hẳn, ánh sáng cũng mờ dần hẳn, lúc này nàng mới mở lén mắt quan sát kỹ những đường lối.

Bỗng nàng nghe tiếng suối róc rách, mũi ngửi mùi thơm dìu dịu, Liễu Mi nhận ngay ra là nơi Hầu Hạo đã nói: Chính nơi đây chàng ta đã gặp chị em Châu Thị và Gia Cát Dật, và ở đây hễ khi thấy ánh trăng thế nào cũng được thấy ảo cảnh đẹp tuyệt của Vô ảnh Phong, nhưng không làm sao có thể biết đích xác ngọn Vô ảnh Phong thật nằm đâu cả? Nàng càng không hiểu nho sĩ phong lưu như Gia Cát Dật, một trong những nhân vật lừng danh trong Ngũ Tuyệt của Càn Khôn liệu có thể khám phá ra không!

Ngay trong lúc Liễu Mi đang suy nghĩ, thì Đinh Hủy, Đinh Phá đã mệt sức, chúng bèn thả ngay Liễu Mi xuống đất, ngồi ngay bờ suối nghỉ ngơi.

Liễu Mi lúc này không khác gì kẻ phải chịu cực hình, nào nàng đâu có bị điểm huyệt đâu? Nhưng bây giờ nàng phải cố đóng thành một kẻ bị điểm huyệt, nghĩa là không dám cựa quậy, dù là có kiến bò ngang tai nàng, càng không dám thở mạnh, thật là một hình phạt tự mình rước lấy vào thân. Nàng thầm rủa hai tên ma quái chết toi ấy, đương đi tự nhiên lại ngừng chân nghỉ ngơi để khiến cho mình chịu cực hình như thế này, vàng nghĩ nàng càng tức. Nhưng nàng vẫn cố cắn răng chịu đựng, vì mục đích quan trọng của nàng là làm sao biết rõ các lối đi Vô ảnh Phong một cách đích xác thực sự, nghĩ vậy nàng bèn cố gắng chịu đựng sự cực hình mà chính thâm tâm nàng bắt nàng phải chịu. Nàng bây giờ mới thấm thía chữ Yêu lả như thế đấy!

Lúc này Đinh Hủy và Đinh Phá lại tỏ vẻ thảnh thơi vô cùng, hai tên này giở ngay lương khô và nước uống ra, vừa đánh chén vừa trò chuyện.

Nghe tiếng Đinh Phá nói rằng:

- Này lão Tam, cậu có cảm thấy gần đây hình như sư tôn của chúng mình đang có chuyện gì bực mình thì phải?

Đinh Hủy đang mãi lo ăn uống, nhe xong hắn vu vơ nói giọng ngọng trứ danh của mình rằng:

- Ờ! Thế lão Tứ có biết chuyện gì không?

Đinh Phá thản nhiên rằng:

- Thì chuyện cũng chỉ vì con bé Hạ Quyên, nên thầy và lão Đại đã sinh ra bất hòa với nhau!

Đinh Hủy không trả lời, sau một lúc trầm mặc, Đinh Phá lại nói: - Này lão Tam, ta xem vụ này e không khéo lại gây nên một tai họa lớn lao cho Vô ảnh phong, chưa chừng vì con bé Hạ Quyên này mà tiêu tan hết ngôi Vô ảnh Phong cũng nên đấy nhé!

Liễu Mi nằm im thin thít để nghe ngóng hai tên ma sống nói chuyện với nhau, trong lòng nàng không khỏi ngạc nhiên: không biết nàng Hạ Quyên này là một nhân vật như thế nào, mà lại có thể khiến cho những tên dâm tà trứ danh trên Cửu Lãnh Sơn phải điên đảo về tay nàng như thế!

Bỗng tiếng ngọng của Đinh Hủy từ từ rằng:

- Này lão Tứ, tớ cũng rõ ngay ý của đằng ấy, chẳng qua đằng ấy muốn nói là giữa thầy, lão Đại, và con Hạ Quyên ba người này đã vô tình tạo ra một cuộc diện tình yêu ba chiều chứ gì? Lẽ dĩ nhiên là thầy và lão Đại đang ngấm ngầm tranh chấp nhau để chiếm lòng người đẹp, nhưng cái con bé này quả cũng ma lanh tinh khôn đáo để, nó đã khéo léo tạo nên một cảnh mâu thuẫn giữa thầy và lão Đại, như thế là nó đã giữ được cái thân nó một cách tuyệt diệu! Thử nghĩ, trong Phi Các tiên cung của Vô ảnh Phong thiếu gì gái đẹp mà đứa nào chả phải ngoan ngoãn chiều chuộng cho các đệ tử trong Tiên Cung để tìm hoan hỉ chi thiền? Ấy thế mà có con ranh con họ Hạ này, ỷ thế có lão Đại đứng sau đỡ đầu cho nó, và mãi đến nay mà thân nó vẫn còn chưa bị phá tới!

Đinh Phá tiếp lời rằng:

- Nghe đồn đâu chính cũng vì vụ này mà lão Đại đã công nhiên bất hòa với thầy là khác, và chính lão Đại đã ngăn cản thầy thu dụng con bé này, nhưng tôn sư đã hạ lệnh mà lão Đại không chịu làm theo lời thầy, thử hỏi như thế không phải là tội hành bội nghịch lệnh thầy sao?

Lão Tam Đinh Hủy thở dài rằng:

- Theo tớ đoán, con nhỏ họ Hạ này quả nhiên cũng có vài ngọn thật, tuy nó không biết võ nghệ là gì, nhưng vì nó xuất thân trong danh gia khuê các, lại là vị thiên kim tiểu thư, thông thạo thư lễ, người lại thông minh cơ trí, nhờ thế mà nó đã nắm ngay được tâm hồn của đại sư huynh. Trước kia, những đứa con gái bị bắt về Phi Các tiên cung, hễ thấy những bộ mặt kinh tởm của chúng mình, không chết giấc, thì cũng run như gà bị cắt tiết, sợ đến nỗi hồn bất phụ thể, dù có chết cũng không chịu ưng thuận vui vầy với chúng ta, và cánh bọn mình phải tìm đủ hết mọi cách để khiến chúng vào cạm bẫy! Duy chỉ có mỗi con bé họ Hạ này là đặc biệt hơn tất cả, nó đối với Đại sư huynh không những đã biết cư xử ôn tồn, không vì Đại sư huynh là một người tàn tật mà nó khinh khi hay sợ hãi!...

Lão Tam Đinh Hủy rằng:

- Quả thật vậy, những cử chỉ và cách đối xử của con bé họ Hạ, thật khiến ai trông thấy cũng cảm thấy nóng bừng người lên được, nhưng nó không phải đã nhờ chất thuốc hay ma lực gì để quyến rũ, mà chính là do nơi lòng thành thật trong tâm hồn nó phát ra, một sự việc tình nguyện như thế, thử hỏi sao không khiến cho đại sư huynh phải lòng nàng như một nữ thiên thần? Chắc có lẽ đại huynh đã coi nàng như hồng phấn tri kỷ, nên nhất nhất mọi việc đều chiều đúng theo ý nàng!...

Lão Tứ Đinh Phá rằng:

- Ấy chính thế! Không những đại sư huynh nể nang nó, mà đến cả sư tôn của chúng mình cũng khen nó vừa xinh đẹp vừa khôn ngoan, luôn luôn ca ngợi nó, còn tôn trọng nó là khác, hình như đâu còn muốn thu làm nhập thất đệ tử là khác!

Đinh Hủy bỗng phát ra những tiếng cười ngọng Hò! Hò! Hò... của mình, rồi nói:

- Sư huynh đệ bốn đứa mình, đều là những kẻ tàn tật bệnh hoạn xấu hơn quỉ sứ này, nếu thiên kim tiểu thư của nhà họ Hạ lại chung vai sát cánh bốn thằng quỉ sống như chúng mình, khác nào như một bức tranh bồ tát sống chung với ác quỉ. Hò! Hò! Hò!

Liễu Mi đang say sưa theo dõi câu chuyện của hai tên ma sống, bỗng nàng bị giật mình vì tiếng soạt nổi lên thình lình! Thì ra là Đinh Phá nồi khùng, hắn vung một chưởng đánh lên thinh không, tiếng gió xé hẳn những làn mưa phùn do hơi nước gây nên.

Đinh Phá hầm hầm rằng:

- Nếu quả thật con nhỏ ấy tham gia vào nhóm chúng mình, thế nào tớ cũng kiến nghị với sư tôn rằng: chúng ta đều là những người kỳ quái rùng rợn nhất trần gian, nếu có một sư muội đẹp như tiên thế gia nhập cũng được, nhưng bắt buộc nàng ta cũng phải què quặt tàn tật như cánh bọn mình mới chịu, và nhất là ngũ quái cũng phải hủy thành kẻ xấu xí, và để biểu dương lòng thành hợp tác giữa tình sư huynh muội, trước nhất nàng phải chịu làm lễ Hoan hỉ chi duyên với bốn anh em chúng mình!...

Đinh Phá nói tới đây đắc trí híp mắt cười, thì Đinh Hủy lạnh lùng rằng:

- Đừng có vội khoái trí như thế, theo tớ nghĩ, sư tôn tuy có ý muốn thu nạp đệ tử, nhưng còn phải nghi rằng con bé này chưa chắc nó đã chịu cho, và tớ càng tin chắc là thế nào nó cũng không chịu ô hợp với chúng mình đâu, nhưng trước mặt thầy, nó không dám ngang nhiên ra mặt phản đối, nhưng nó sẽ dùng biện pháp thủ thỉ cạnh tai đại sư huynh mà thôi! Và gần đây chúng ta chả thấy đại sư huynh thường hay vắng tiếp xúc tất cả mọi việc làm là gì? Và cả đến những đại hội cứ ba ngày lại mở cuộc liên hoan đại sư huynh cũng không thấy tham gia nữa!...

Đinh Phá đồng ý rằng:

- Đúng! Đúng! Lão Đại gần đây thay đổi nhiều tính nết rồi, tất cả những lề lối cũ trong Tiên Cung và những ý kiến của thầy luôn luôn đại sư huynh như có ý phản đối, nhất là vụ chuyện Bạch Điệp mới đây, chính lão Nhị đem nó về, thế mà lão đại lại ngang nhiên ra mặt phản đối, nối là nào danh môn khuê các, không nên đắc tội với người ta, nhất là mẹ của người ta là Giang Nam nữ hiệp Ngọc điệp Châu Phụng, nào chớ nên gây lên những công phẫn của các anh hùng hiệp nghĩa, đồng thời còn chủ trương thả ngay nàng Bạch Điệp ra! Cậu thử nghĩ về sau lão Nhị đối phó bằng cách nào không?

Nói tới đây, Đinh Phá lại cười híp mắt rằng: - Lão Nhị vốn ma lanh quỉ quyệt, đời nào y chịu buông tay dễ dàng như thế, nhưng lão Nhị lại không dám ra tay trở mặt hẳn với lão Đại, rút cục lão Đại cũng chịu thua mưu kế của lão Nhị! Đầu đuôi thế này: Lão Nhị sau khi nghe vậy, bèn vờ kinh ngạc rằng: Chết chửa! Nếu không nhờ đại ca nhắc tỉnh, tiểu đệ không biết nàng là con gái của Ngọc điệp Châu Phụng cớ đấy! Nhưng cô gái này cũng kỳ lạ lắm cơ, nàng lại thích tiểu đệ xấu xí như thế này mới lạ chứ. Sư huynh, nên thu xếp việc này ra sao cho hợp lý? Đại sư huynh nghe nói vậy bực mình bỏ đi luôn, thế là lão Nhị thắng thế đứng cười ha hả, và chính tớ đã ở cạnh khi chuyện đó xảy ra, lúc ấy cũng cảm thấy khoái trá lắm!

Liễu Mi nghe vậy trong lòng buồn cho số phận của nàng Bạch Điệp.

Bỗng lại nghe tiếng Đinh Hủy rằng:

- Về sau lão Nhị cho tớ hay, con nhỏ họ Châu này cũng không phải là tay vừa gì, nhưng về sau lão Nhị đã phải dùng đến phép Nhiếp Hồn Công để ngự chế tinh thần nàng; sư tôn lúc đầu cũng đặt nhiều hy vọng là nàng có thể trở thành một nữ đệ tử trung thành của Phi Các tiên cung của Vô ảnh Sơn, nhưng sau này vì nàng tính tình quá cương liệt, lão Nhị không dám giải trừ phép Nhiếp Hồn Công nhưng không ngờ sau bị tiếng đàn của Gia Cát Dật giải trừ hẳn Nhiếp Hồn Công, nên nàng ta đã cắn lưỡi tự tử mất! Đáng tiếc! Đáng tiếc!...

Liễu Mi nghe đến đây, trong lòng thương cảm vô cùng, không ngờ Bạch Điệp đã hồn qui tiên cảnh mau chóng như thế! Nàng bàng hoàng về cảnh đời... Nhưng nàng nghĩ Bạch Điệp chết như vậy cũng là cái hay, vậy cũng tránh được danh giá cho con của một danh môn hiệp nữ, khỏi bị thiên hạ chê cười. Nhưng khi Liễu Mi nghĩ đến Gia Cát Dật, bất giác lại liên tưởng ngay đến Thượng Quan Linh, nhưng từ cửa miệng của Đinh Phá, lại không nghe được một tin tức gì về Thượng Quan Linh, nàng lo cho số phận người yêu của mình, trong lòng rối như tơ vò.

Liễu Mi lấy làm lạ, sao mãi đến bây giờ hai tên ma sống vẫn còn không chịu đi là nghĩa gì, không biết chúng còn chờ đợi ai đây?

Liễu Mi bỗng nghe có tiếng người đứng lên và bước tới, nàng nhẹ hé mắt ra nhìn, thấy Đinh Phá đang ngồi xoay mặt về phía bờ suối, còn tên Đinh Hủy cao lớn thì đứng ngay cạnh và mặt nhìn ngay sang phía nằm của Liễu Mi. Tuy ánh trăng lúc này chưa có, tứ bề tối om, nhưng đôi mắt của Đinh Hủy quả là lợi hại, sau khi ngắm nhìn một chặp. Hắn bất giác ngạc nhiên nói với Đinh Phá rằng: - Này lão Tứ! Con bé này trông cũng đẹp tuyệt trần?

Giọng Đinh Phá như bực bội rằng:

- Người ta biết rồi!

Đinh Hủy lẩm bẩm với giọng ngọng trứ danh của mình khen lấy khen để:

- Ồ! Tiên thật! Đẹp thật! Ồ người đẹp chớ có sợ!...

Liễu Mi đã chuẩn bị sẵn sàng hết, hễ Đinh Hủy đụng tới người nàng, lập tức nàng sẽ ra tay điểm ngay vào trọng huyệt của Đinh lão Tam ngay, còn cánh tay phải của nàng đã sẵn sàng ám khí để thình lình đánh sang phía Đinh Phá đang ngồi cạnh bên bờ suối.

Không khí đã căng thẳng tột độ đối với nàng, bàn tay của Đinh Hủy từ từ hạ dần xuống thân của Liễu Mi, Liễu Mi cũng đang chuẩn bị thình lình ra tay...

Thình lình phía sau của Đinh Hủy có tiếng người nổi lên rằng:

- Kìa Lão Tam! Cậu tính làm gì đấy?

Đinh gia Đệ Tam Hung bỗng giật mình ngừng ngay động tác của mình lại!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.