Vẫn Chỉ Là Cô Phù Dâu (Always A Bridesmaid)

Chương 16




Sau khi lựa chọn đã xong, thường lệ người mình có lễ hỏi. Đó là thời kỳ tiền hôn, thời kỳ êm đềm nhất và tốt đẹp nhất của đôi lứa.

Thời kỳ tiền hôn là một thời kỳ hết sức quan trọng không kém gì thời kỳ lựa chọn. Đây là thời kỳ thành thật tìm hiểu nhau thêm, trước khi quyết định cuối cùng. Phần đông tưởng đây là thời kỳ dự bị để đợi ngày cưới mà thôi, cho nên họ mất thời giờ quý báu và ngắn ngủi này để tán tỉnh nhau, lừa dối nhau, hoặc để lân la thân mật nhau và tìm cách “nếm” trước hương vị của ái tình đã dành cho thời kỳ hôn nhân chính thức. Hiểu thế là sai lầm và tai hại vô cùng.

Thời kỳ này là thời kỳ kiểm soát để tìm hiểu nhau thêm. Ấy là thời kỳ suy nghĩ, trầm ngâm để chắc chắn là mình không có sai lầm trong giai đoạn thiện cảm bồng bột đầu tiên. Rất có thể tình yêu trong giai đoạn đầu đã làm cho mù quáng, mình chỉ thấy có cái vỏ bên ngoài, hoặc vì người yêu mình khéo léo che giấu, khéo gạt gẫm mình. Trong khi yêu thương nhau và chưa đạt được ý muốn, người con trai hay người con gái thường cố che giấu cái chân tướng của mình bằng những cách chiều chuộng giải dối. Tôi không hiểu ích lợi gì cho họ khi lừa bịp nhau để rồi sau khi thành lập gia đình, phải sống chán chường bên nhau suốt đời. Thời giờ đã cận rồi mà tất cả những cái gì dối trá sẽ chường ra bộ mặt thực của nó, những nước sơn bóng nhoáng bên ngoài sẽ nứt rạn và người ta sẽ thấy nhan nhản sự thật trần trụi. Vậy, cần phải thành thật để cho đôi bên biết rõ cái tốt cái xấu, cái hay, cái dở để mà tìm cách dung hợp nhau.

Cô B… có tiếng là người khó tính nhất đối với gia đình cô. Thế mà sau khi hứa hôn được ba tháng, cô đã mất hẳn tính cau có. Bà mẹ có lần bảo cho vị hôn phu của cô rõ việc ấy, thì chàng rể lắc đầu tỏ vẻ hoài nghi: chàng không bao giờ thấy nàng cau có! Hạnh phúc ái tình đã biến đổi tính tình nàng dễ dàng đến thế ư? Xưa nay, tôi chưa từng thấy sự thay đổi lạ lùng như thế… Ta sẽ đợi ngày mà tính cũ của nàng trở lại.

Cậu A… là một cậu trai làm biếng, chơi bời, hết sức ích kỷ. Thế nhưng từ ngày chàng đính hôn với cô M… đến nay, chàng trở nên siêng năng làm việc bằng ba bằng bốn khi xưa, hào hiệp hy sinh… Nhưng chàng biết: đó là chàng khéo đóng tuồng và trò này chàng sẽ đóng không còn bao lâu nữa. Chàng mong cho mau đến ngày cưới để chàng có thể nằm ngửa mà ăn… vì bên vợ của chàng giàu lắm. Chàng không có thay đổi chút nào hết, nhưng mà vị hôn thê của chàng tin chắc rằng chàng sẽ thay đổi… vì đã yêu nàng tha thiết.

Hiểu nhau và tìm hiểu nhau đâu phải là dễ… Người ta cố lừa bịp nhau bởi người ta quá yêu nhau, nên quá chiều chuộng mà thành ra lừa dối nhau mà không hay. Ta phải hết sức thành thật với nhau và nếu thấy rằng không thể hòa hợp với nhau được, tính khí quá khác nhau, sự ưa thích quá nghịch nhau, tư tưởng tập quán quá xung đột nhau, thì hãy có gan mà chấm dứt tình cảm ấy, dù có đau lòng đến bậc nào, để sau này khỏi làm khổ cho nhau suốt đời. Thà đau đớn một lần để mỗi người còn thênh thang tìm con đường hạnh phúc cho mình nơi khác, còn hơn là do dự, yếu đuối để rồi kéo lê thê một cuộc đời triền miên đau khổ cho hai bên, luôn cả bầy con vô tội sau này.

Vậy trong những khi gặp gỡ nhau, không nên để mất thời giờ trong những câu chuyện tình tự yêu đương và nhảm nhí… Hãy thành thật đem trao đổi ý tưởng của đôi bên về tất cả những vấn đề quan hệ trong hôn nhân sau này một cách thẳng thắn, thật thà.

Phải cố gắng làm thế nào cũng đem bàn trước những quan niệm của đôi bên về việc gia đình, con cái sau này… coi có đồng ý với nhau chăng về sự giáo dục chúng v.v…

Nên đem so sánh, đối chiếu nhau về những quan niệm sống, coi có đồng hay bất đồng ở những điểm quan trọng nào.

Hãy quan sát một cách thân mật hơn, gia đình, cha mẹ, anh em, bè bạn của vị hôn phu hay vị hôn thê mình để đánh giá cho thật đúng giá trị cá nhân và xã hội của người mình yêu. Phải nhớ luôn luôn điều quan trọng này: Người yêu của mình sẽ là người bạn trăm năm của mình, người bạn mà mình phải bắt buộc chịu đựng suốt đời mình, chứ không phải trong một ngày, một tháng…

Nếu đây không phải là điều quan hệ nhất đời mình thì người ta đã không bảo: “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận; phải cầu nguyện hai lần trước khi phiêu lưu trên mặt bể; và phải cầu nguyện đến ba lần trước khi quyết định kết hôn”.

Cuộc tình duyên nào cũng vậy, đều phải trải qua ba giai đoạn: giai đoạn dệt mộng, giai đoạn yêu nhau đến ngày đám cưới và có khi kéo dài trong một thời gian hai ba tháng đầu, đôi nam nữ vẫn ở trong thời kỳ dệt mộng. Phần đông chỉ thấy có giai đoạn này thôi, mà không bao giờ nghĩ đến những giai đoạn kế tiếp đó. Bởi vậy, họ mù quáng, say sưa và tự mình rạo rực, hễ một khi say mê nhau, trông cho nhau đến ngày kết hôn. Họ tin rằng cứu cánh của ái tình là hôn nhân, và hôn nhân đối với họ, có nghĩa là đạt được mộng thần tiên và đã đi vào cõi thiên đàng của trần gian rồi vậy. Họ không bao giờ chịu để ý đến, hay chịu tin rằng hôn nhân chỉ mới là giai đoạn khởi đầu của một cuộc phiêu lưu tình cảm vô cùng phức tạp. Rất có thể là cõi thiên đàng nơi dương thế, mà cũng có thể là một cõi địa ngục ở trần gian.

Sự hiểu lầm ấy khiến cho thanh niên nam nữ rộn rực, trai thì mong chiếm đoạt người yêu trước để thỏa mãn thú nhục lạc nhất thời. Gái thì mong được thỏa lòng yêu đương và hết sống lẻ loi cô độc, nhưng không một ai nghĩ giây phút tỉnh mộng sắp đến một cách chán chường… Bởi vậy, với những ai có một tâm hồn sáng suốt và biết nhìn xa, thì thời kỳ đính hôn này là một thời kỳ dự bị hẳn hoi để có được một bảo đảm tối thiểu cho hạnh phúc của mình sau này.

Thời hạn của lễ hỏi không nên quá ngắn mà cũng chẳng nên quá dài… một hai năm là nhiều lắm, nhưng hai, ba hoặc năm, sáu tháng vẫn là ngắn lắm, không sao có đủ thời giờ để kiểm soát lẫn nhau. Phần nhiều nhờ sự thân mật của thời kỳ này mà có một người bị lòi chân tướng và gây ra sự từ hôn, tuy đau đớn thật, nhưng rất “may” cho cả hai bên. Có khi hai bên không ở gần nhau thì có thư từ thay thế: giấy trắng mực đen thật là cơ hội để nghiền ngẫm và quan sát lẫn nhau hay hơn là nói chuyện suông, vì sau khi nói chuyện, mình không còn nhớ kỹ những tế nhị và ẩn khuất của tâm hồn con người. Đừng lợi dụng thời kỳ này để thư từ tán tỉnh nhau hay kể lể tình thương nỗi nhớ một cách vô ích… Và nếu chỉ làm thế thì thời kỳ này không còn nghĩa lý gì nữa cả. Vậy thì làm liền đám cưới cho rồi còn hơn! Sự kéo dài thời gian cũng không nên. Vì đàng trai dễ bị xao lãng và ngoảnh mặt sang nơi khác, nhất là hai bên xa cách muôn trùng: “người vắng mặt bao giờ cũng có lỗi[11] vì “xa mặt cách lòng”. Tình yêu nào sát một bên cũng đều thắng lợi hơn những tình yêu xa cách muôn trùng. Người đàn ông không thể nào tin người đàn bà và người đàn bà cũng không sao tin chắc nơi lòng chung thủy của người đàn ông… Nhất là người đàn ông, họ xem ái tình là một cuộc chơi đùa, nên dễ bị sa ngã hơn người đàn bà thường xem ái tình là một vấn đề quan trọng trong đời.

Lại một vấn đề không kém quan hệ: người đàn bà lấy chồng, người đàn ông lấy vợ, không phải chỉ lấy chồng cưới vợ mà thôi, mà phải biết mình “lấy”, hay mình “cưới” cả gia đình bên chồng và bên vợ nữa. Hòa khí của gia đình bên chồng hay bên vợ đối với ta rất quan hệ.

Ta phải thường lân la với cha mẹ chồng, anh em của chồng và tìm cách gây thiện cảm. Lúc ban đầu thì vấn đề ấy rất dễ, vì còn mới, gia đình bên chồng hay bên vợ đang còn ở thời kỳ thiện cảm. Nhưng sau khi cưới hỏi nhau rồi, bấy giờ đã đến lúc lòng ganh tị nổi lên, nhất là chị em gái và bà mẹ của hai bên. Ta nên nhớ: một khi kết hôn, không nên đem gia đình mới của đôi tân nhân ở chung với gia đình của bên chồng cũng như bên vợ. Nếp sống của đôi bên là cả một trở ngại to tát. Nếu gia đình mới, liệu không đủ sức tự lập thì không nên nghĩ đến việc hôn nhân vội. Giữa mẹ chồng và nàng dâu khó mà có tình hòa khí, vì luôn luôn cha mẹ chồng có cái cảm tưởng là con dâu đã đến để chiếm đoạt trái tim của con mình. Sự hiểu lầm và ganh tị khó thể tránh được và tốt hơn là phải lập gia thất riêng, để tránh cái cảnh não lòng khó xử.

Cái nạn em chồng và mẹ chồng gây không biết bao sóng gió gia đình. Vậy người đàn ông trước khi nghĩ tới hôn nhân phải biết gánh trước cái cảnh đau thương và khó xử ấy. Lòng ganh tị của bà mẹ chồng đối với con dâu là một thảm kịch thiên thu và không bao giờ giải quyết được.

Hai bên cần phải đem vấn đề này ra mà bàn cho dứt khoát. Người đàn ông cũng như người đàn bà, ngày kết hôn phải là ngày hoàn toàn độc lập về vật chất lẫn tinh thần đối với ảnh hưởng gia đình của hai bên. Độc lập về vật chất, là hoàn toàn độc lập về kinh tế, phải sống riêng và không còn nhờ vả vào cha mẹ nữa. Chỉ có độc lập về kinh tế, thì mới có độc lập về tinh thần. Độc lập về tinh thần, không có nghĩa là bất chấp gia đình của mình nữa, mà là không lệ thuộc một cách máy móc như lúc còn ở với cha mẹ, mà mỗi một việc gì đều phải thưa gửi và hỏi ý kiến. Có nhiều người đàn bà có chồng rồi mà một việc gì cũng chạy hỏi ý kiến mẹ… cũng như người đàn ông có vợ rồi mà luôn luôn không dám quyết định cái gì mà không về hỏi mẹ mình. Cái hình ảnh của cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ lảng vảng trong gia đình mới này thật là nặng nề và gây nhiều ác cảm cho con dâu và chàng rể. Mà cha mẹ đôi bên nên buông tha cho chúng cái kiềm tỏa của mình, ngày mà mình đã cho chúng ra riêng. Sự quá thiết tha, lo lắng… nhưng đừng để cho chúng thấy cái ảnh hưởng nặng nề của ta đè trên đời sống tự do của chúng nữa… Chúng sẽ yêu thương ta và khi nào chúng cần đến ta, bấy giờ ta sẽ can thiệp đến.

Người đàn bà đối với chồng, cũng đừng để cho chồng thấy mình còn lệ thuộc cha mẹ… Và nhất là người đàn ông, đừng để cho vợ thấy mình còn là đứa trẻ thơ, muôn sự đều nhờ đến cha mẹ quyết định. Nhất định sau khi kết hôn mà đem vợ về ở chung với mẹ chồng là tai hại nhất cho hạnh phúc của hai người sau này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.