Trùng Sinh Chi Thứ Nữ Hiền Thê

Chương 18: Bức thông điệp mật




Sáng sớm hôm sau, Gia Cát tiên sinh năm lần bảy lượt xin gặp vua. Hoàng đế Triệu Cát mặc dù không thích Gia Cát, cảm thấy y bảo thủ cố chấp, hạn chế nhiều thứ, nhưng bởi vì Gia Cát từng mấy lần cứu mạng hắn, giúp hắn giữ được ngôi vị, cộng thêm Gia Cát tiên sinh khẩn cầu Mễ công công chuyên hầu hạ thiên tử nói giúp, cho nên vào buổi chiều sau khi rời giường, Triệu Cát vẫn miễn cưỡng tiếp kiến y.

Gia Cát tiên sinh trước tiên bẩm rõ chuyện Phó Tông Thư bị ám sát đêm qua.

Triệu Cát đương nhiên là giận tím mặt.

Gia Cát tiên sinh lại nói rõ, trước đó thích khách từng đến phủ Thần Hầu hành thích y, nhưng thất bại rút lui. Y khẳng định từng nghe thích khách tiết lộ, kẻ chủ mưu chính là Thái sư Thái Kinh.

Chiêu này gọi là "lấy độc trị độc".

Còn gọi là "dùng gậy ông đập lưng ông".

Triệu Cát nghe được lửa giận bừng bừng, liên tục kêu lên "phản rồi". Mặc dù Thái Kinh và Phó Tông Thư đã sớm cấu kết, cùng thuộc một đảng, nhưng hoàng đế Triệu Cát vốn ngu ngốc, chỉ lo chơi đùa lại không biết chuyện này. Hắn chỉ biết bởi vì quần chúng kích động, đòi cách chức Thái Kinh, đành phải ứng phó sự việc, muốn Thái Kinh nhường vị trí Tể tướng lại cho người hiền. Thái Kinh lại âm thầm thao túng, giúp Phó Tông Thư ngồi lên chức vị Tể tướng. Hai người trao đổi tin tức, đồng loã đồng mưu, nhưng ở trước mặt hoàng đế lại tỏ ra thanh cao, có khi bàn luận về những chuyện nhỏ lại cố tình mỗi người một ý, tranh luận không ngừng, biểu thị hai bên vốn không liên quan, chỉ vì lợi ích của quốc gia mà nhường nhịn nhau.

Điều này rất được Triệu Cát tán thưởng, thường khen "Thái khanh độ lượng hơn người". Thực ra hai người Thái Phó chỉ là diễn kịch, lừa gạt vị hoàng đế ngu ngốc này mà thôi.

Vì vậy, Triệu Cát cho rằng trước giờ Phó Tông Thư vốn bất hòa với Thái Kinh, mà mình có thể khiến hai người bọn họ và Gia Cát tiên sinh cùng nhau ra sức vì nước, càng cảm thấy anh minh. Lúc này vừa nghe Gia Cát khải tấu, có vẻ như là sự thật, liền cho rằng Thái Kinh không nhịn được Phó Tông Thư, muốn dùng một mũi tên giết cả hai con chim, lập tức mặt rồng giận dữ.

Hắn lập tức triệu Thái Kinh đến trước mặt chất vấn.

Thái Kinh vừa nghe truyền, trước tiên cắt lên cánh tay phải của mình một đường, bảo người băng bó, sau đó mới vội vàng đến hoàng cung.

Hắn vừa vào cung, biết được Gia Cát tiên sinh đã tới trước, trong lòng cảm thấy không ổn.

Hắn vừa thấy sắc mặt của Triệu Cát, liền biết hoàng đế đã nghi ngờ bảy phần, lập tức quỳ xuống xin tội, dập đầu đến khi trán sưng một cục lớn, đau đớn khóc lóc than thở, một mặt xin Hoàng thượng anh minh "giáng tội", một mặt xin Thánh thượng thần võ "minh xét".

Triệu Cát thấy hắn như vậy, cho rằng hắn còn không dám ngang ngược càn rỡ quá mức, trong mắt vẫn còn có vị hoàng đế này, liền hỏi rõ hắn phạm "tội" gì, muốn "xét" chuyện gì.

Thái Kinh lập tức kể rõ cái chết của Phó Tông Thư, đồng thời cho rằng mình phải chịu trách nhiệm.

Triệu Cát lại cảm thấy kinh ngạc, bảo hắn giải thích thế nào?

Thái Kinh nửa oán nửa giận nói, hắn và Phó Tông Thư vốn nhường nhịn kính trọng lẫn nhau, dùng quốc sự làm trọng, nhưng lại có kẻ cậy già lên mặt, được sủng ái nên kiêu ngạo, mưu mô khó lường, bao che bè lũ. Hắn lo lắng thánh thượng gặp nguy hiểm, cho nên mới lén triệu tập nhân sĩ hào kiệt, âm thầm bảo vệ Hoàng thượng. Không ngờ có mắt như mù, nhìn nhầm kẻ gian, thích khách kia đã sớm bị Gia Cát mua chuộc, trước tiên hành thích Phó tướng, sau đó còn muốn ám sát cả hắn, khiến hắn bị trúng một đao, may mà giữ được mạng già, còn có thể tiếp tục cống hiến cho Hoàng thượng.

Lần này Triệu Cát lại cảm thấy khó xử. Thái Kinh nói là do Gia Cát làm, Gia Cát lại nói là do Thái Kinh làm, rõ ràng là "ông nói ông có lý, bà nói bà có lý". Theo như hắn thấy, hai bên đều giống như nói thật, mà lại giống như nói dối. Nhưng trong lòng hắn có ý muốn bảo vệ Thái Kinh, lại nhìn vết thương của Thái Kinh, máu còn đang chảy ra. Triệu Cát cho rằng mình anh minh, có thể nhìn rõ mọi việc, ít nhất Thái Kinh thật sự bị thương, vì bảo vệ mình nên bị hại, có thể thấy được lòng trung thành.

Hắn lập trách phạt Thái Kinh, nhưng mười ngày sau lại phong thưởng, như vậy lên lên xuống xuống đều do một tay hắn làm, có thể nói là thiên uy khó lường. Triệu Cát cũng cảm thấy rắc đắc ý vì thủ đoạn anh minh của mình.

Sau khi xử lý chuyện này, hắn đã cảm thấy hao tổn tinh thần, phải chơi đùa thoải mái một phen, để không uổng cuộc đời ngắn ngủi này.

Gia Cát tiên sinh gặp vua khải tấu xong, sau khi lui ra lập tức hội họp với Lãnh Huyết và Truy Mệnh đang chờ, đi đến bái kiến Mễ công công Mễ Thương Khung. Còn về Thiết Thủ và Vô Tình, đã sớm đi thông báo cho các bằng hữu mà bọn họ quen biết trong hai đạo hắc bạch, nhờ giúp đỡ Vương Tiểu Thạch chạy trốn, hoặc là thả cho hắn một đường.

Mễ công công là nội giám được Hoàng đế Triệu Cát tin tưởng và sủng ái nhất, dù là trên dưới cung đình hay tướng quân triều đình đều rất kính trọng.

Vì vậy Gia Cát tiên sinh mới khiêm tốn thỉnh giáo hắn:

- Phó tướng bị ám sát, nghe nói Thái sư rất tức giận. Công công hiểu rõ lòng người, học thức uyên bác, không biết có ý kiến gì đối với chuyện này không?

- Ta à? Già rồi, nào có kiến giải gì.

Mễ công công khoát tay lắc đầu nói:

- Có điều, Thái thái sư luôn quyến luyến vị trí thừa tướng, cũng là tình thế bắt buộc. Kế hoạch chiêu mộ các bang các phái bên ngoài cung đình, có lẽ sẽ phải tạm thời gác lại.

Gia Cát tiên sinh vội vàng cám ơn.

Cách nhìn của Mễ công công quả thật trùng hợp với Gia Cát tiên sinh.

Trên đường rời khỏi hoàng cung trở về phủ Thần Hầu, Lãnh Huyết cảm thấy nghi hoặc nên hỏi Truy Mệnh:

- Thái Kinh thật sự là phái Vương Tiểu Thạch đến hành thích thế thúc, nhưng chuyện Phó Tông Thư bị ám sát lại không phải là ý của Thái Kinh, tại sao thế thúc lại nói là Thái Kinh cho người hạ thủ? Như vậy chẳng phải đã nâng cao danh tiếng của Thái Kinh hoặc Phó Tông Thư sao?

Truy Mệnh cười nói:

- Lời ấy sai rồi. Danh dự của Phó Tông Thư và Thái Kinh như thế nào, sử gia đời sau sẽ có bình luận. Nếu thế thúc không nói như vậy, Thái Kinh trước tiên sẽ gièm pha, nói rằng thế thúc phái người ám sát Phó tướng. Cái này gọi là "dùng mâu của người đâm thuẫn của người", đoán trước hành động của địch.

Y vỗ vỗ bả vai cứng như đá của Lãnh Huyết, nói:

- Chiêu này của Thế thúc là đi trước một bước, làm rối loạn kế sách của Thái Kinh. Đối phó với ác nhân, nếu như mọi chuyện đều nói lễ, vậy thì chỉ có liên tiếp thất bại; đối phó với tiểu nhân, nếu như mọi chuyện đều nói lý, vậy cũng chỉ có từng bước thất sách. Thế sự có lúc phải dùng bất biến ứng vạn biến, có lúc lại phải dùng vạn biến ứng bất biến.

Lãnh Huyết vẫn có phần xem thường:

- Nhưng mà, đó là lừa gạt Hoàng thượng… phạm tội khi quân.

- Khi Hoàng đế chỉ thích nghe những gì mà hắn muốn nghe, không còn là khi quân hay không khi quân nữa.

Truy Mệnh nhỏ giọng nhưng nghiêm túc:

- Có lúc vì muốn đạt được mục đích, đành phải vận dụng thủ đoạn.

Lãnh Huyết trầm ngâm nói:

- Có điều, mục đích đạt được sau khi bất chấp thủ đoạn, có phải khác biệt rất lớn với mục đích ban đầu hay không?

- Không có mục đích thì cũng không có thủ đoạn.

Truy Mệnh nói với ngữ điệu như bỡn cợt:

- Nhưng không có thủ đoạn, thông thường cũng mất đi mục đích.

Y khẽ thở dài nói:

- Tứ sư đệ, người ở trong thời loạn thế, khó tránh khỏi phải dùng một chút thủ đoạn phi thường. Chỉ cần tâm ý là thiện, tình nghĩa là thật, cũng không cần quan tâm đến những chi tiết vụn vặt. Thế thúc là người làm chuyện lớn, dĩ nhiên cần phải có thủ đoạn phi phàm.

Thủ đoạn của Thái Kinh càng là hạng nhất.

Hắn vừa từ trước mặt Triệu Cát cáo lui, lập tức đi thỉnh giáo Mễ công công.

- Chuyện này, ta thật sự là bị người khác vu oan.

Hàng năm Thái Kinh vẫn luôn sai người đưa vàng bạc châu báu cho Mễ công công, nhưng trước mặt Mễ công công, hắn lại không hề nhắc đến chuyện này, hơn nữa thần sắc còn rất khiêm tốn, cung kính hành lễ:

- Không biết công công có cao kiến gì không?

- Cao kiến à? Không dám!

Mễ công công cười ha hả nói:

- Ta chỉ là một nội giám không quản chuyện, cũng không quản được chuyện, làm gì có cao kiến chứ. Có điều, đối phương dùng chiêu này phản công thật sự cao minh. Hiện giờ tốt nhất là đừng gây chuyện, trước tiên cứ chờ sóng yên gió lặng, giữ nguyên hòa cục là được. Đợi sau khi trời yên biển lặng, Hoàng thượng không còn tức giận, đến lúc đó Thái sư chỉ cần ổn định chức vị Thừa tướng, những chuyện nhỏ khác còn sợ không thể như bẻ cành khô, lần lượt thu dọn hay sao.

Thái Kinh tươi cười rạng rỡ, cảm tạ rời đi. Không lâu sau hắn lại sai người đưa đại lễ đến cho Mễ công công. Dù sao tiền bạc lấy là ở dân, dùng là ở mình, của người phúc ta, đưa nhiều thêm nhiều, không cần keo kiệt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.