Triệu Hoán Vạn Tuế

Chương 30




Hoắc Đô ngại ngần, chuyện hắn từng thua Quách Tĩnh, hắn vẫn giấu sư phụ, lúc này thực không dám bẩm cáo. Hắn cứ ngỡ sư phụ có tài thông thiên thấu địa, thời nay không ai địch nổi, chỉ cần bí mật tới được anh hùng đại yến, thì có thể giành ngay lấy chức vị minh chủ, ai ngờ cuối cùng hắn lại phải tỷ thí với Quách Tĩnh. Hắn đang lo, thì một đại hán to béo mặc quân phục Mông Cổ tới ghé tai hắn nói nhỏ mấy câu.

Hoắc Đô vừa nghe đã cả mừng, đứng dậy, phe phẩy quạt vài cái nói lớn:

- Nghe đâu Cái Bang có món bảo bối trấn bang gì đó gọi là Đả cẩu bổng pháp, là bản sự bình sinh lợi hại nhất của Hồng lão bang chủ, tiểu vương bất tài, muốn thử dùng cây quạt này phá giải Đả cẩu bổng pháp. Nếu phá được, chẳng hóa ra bản sự của Hồng Thất Công cũng chẳng có gì ghê gớm.

Hoàng Dung thoạt thấy có kẻ rỉ tai gì đó với Hoắc Đô, cũng không để ý, nhưng bỗng nghe hắn nhắc đến Đả cẩu bổng pháp, tuy chỉ vài câu, song đã gạt bỏ được người có võ công mạnh nhất là Quách Tĩnh sang một bên, thì không biết kẻ nào vừa hiến diệu kế cho hắn? Nhìn kỹ gã quân nhân Mông Cổ kia, nàng chợt nhận ra đó là một trong bốn vị trưởng lão của Cái Bang, là Bành trưởng lão. Nguyên lão tachạy sang theo bọn Mông Cổ, cải trang thành quân nhân Mông Cổ, để râu dài, mũ kép sụp xuống trán, nếu không chăm chú nhìn kỹ, rất khó nhận ra, cũng chỉ có lão ta, mới biết rằng Đả cẩu bổng pháp chỉ truyền cho bang chủ, Quách Tĩnh võ công cao cường, song cũng không được biết môn võ công đó. Hoắc Đô nói vậy, tức là khiêu chiến với đích danh Lỗ Hữu Cước. Lỗ Hữu Cước mới học Đả cẩu bổng pháp, chưa hề luyện tập, lĩnh hội có hạn, sử dụng chưa thạo, vậy là nàng đành phải xuất trận.

Quách Tĩnh biết Đả cẩu bổng pháp của thê tử diệu tuyệt thiên hạ, chắc chắn đánh thắng Hoắc Đô, nhưng mấy tháng nay nàng bị động thai, nội tức không điều hòa, hoàn toàn không thể động võ với người, bèn đứng dậy, bước ra, nói:

- Đả cẩu bổng pháp của Hồng lão bang chủ xưa nay không mấy khi sử dụng đến, các hạ hãy thử lĩnh giáo "Hàng long thập bát chưởng" của lão nhân gia.

Kim Luân pháp vương lim dim mắt, thấy Quách Tĩnh đứng dậy, bước ra, đường hoàng vững chãi, khí thế phi phàm, không khỏi kinh ngạc: "Người này quả không tầm thường".

Hoắc Đô cười hô hố, nói:

- Ở cung Trùng Dương, núi Chung Nam, tiểu vương từng có duyên kiến diện với các hạ, khi đó các hạ tự xưng là môn nhân của chư vị Mã Ngọc, Khưu Xứ Cơ sao bây giờ lại mạo nhận là đệ tử của Hồng Thất Công?

Quách Tĩnh định trả lời, thì Hoắc Đô đã cướp lời, nói tiếp:

- Một người theo học vài vị sư phụ, chuyện đó lẽ thường. Nhưng hôm nay là cuộc tỷ thí công phu giữa Kim Luân pháp vương với Hồng lão bang chủ, các hạ võ công tuy mạnh, song nghệ kiêm nhiều môn, không phải là bản sự đích thực của Hồng lão bang chủ.

Lời nói của Hoắc Đô kể cũng có lý, Quách Tĩnh vốn không giỏi nói năng, nhất thời chưa biết đối đáp ra sao. Quần hùng thì nhao nhao lên:

- Có giỏi thì tỷ thí với Quách đại hiệp, nhát gan thì cụp đuôi mà xéo đi.

- Quách đại hiệp là đệ tử cập môn của Hồng lão bang chủ, không xứng đại diện cho Hồng lão bang chủ thì còn ai vào đấy?

- Ngươi cứ nếm thử "Hàng long thập bát chưởng", rồi hãy xơi món Đả cẩu bổng pháp cũng chưa muộn.

Hoắc Đô ngửa mặt cười một tràng, trong lúc cười hắn ngầm vận nội lực, dùng tiếng ha ha hô hô át mọi tiếng ồn ào của quần hùng, làm cho đèn nến trong đại sảnh lung lay muốn tắt. Quần hùng nhìn nhau thất sắc, đều nghĩ thầm: "Không ngờ hắn còn trẻ, trông như công tử, mà lại có nội công lợi hại đến thế". Tất cả liền trở lại im lặng.

Hoắc Đô nói to với Kim Luân pháp vương:

- Sư phụ, chúng ta bỏ qua cho bọn họ thôi. Lúc đầu cứ tưởng hôm nay anh hùng thiên hạ tề tựu, mới từ ngàn dặm xa xôi tìm đến, ai ngờ rặt một phường tham sống sợ chết. Chúng ta về thôi, chẳng may sư phụ làm minh chủ cho bọn này, thì hảo hán thiên hạ sẽ bảo sư phụ đứng đầu phường giá áo túi cơm bị thịt, chẳng hóa làm ô danh sư phụ hay sao?

Quần hùng đều biết hắn cố ý khiêu khích để Hoàng Dung xuất chiến, nhưng lời lẽ ngông cuồng như thế thì ai chịu nổi? Mọi người nhao nhao nhiếc móc hắn, Lỗ Hữu Cước cầm cây gậy trúc, rời bàn tiệc bước ra, nói:

- Tại hạ là tân nhiệm bang chủ Cái Bang Lỗ Hữu Cước. Đả cẩu bổng pháp mười hai thành, tại hạ học chưa thạo một thành, lẽ ra chưa nên sử dụng. Có điều các hạ muốn nếm thử mùi vị Đả cẩu bổng, tại hạ đành chiều lòng các hạ.

Lỗ Hữu Cước võ công vốn rất tinh thâm, Đả cẩu bổng pháp tuy chưa học xong, nhưng cộng với căn cơ võ công thì cũng có không ít uy lực, thấy Hoắc Đô tuổi mới tam tuần, dẫu hắn có cao nhân truyền thụ, công lực chắc cũng chưa thâm hậu, lão biết Hoàng Dung người không được khỏe, bản thân lão dù thắng hay bại cũng không thể để nàng mạo hiểm.

Hoắc Đô chỉ cốt không phải tỷ thí với Quách Tĩnh, còn thì hắn không sợ ai khác, bèn ôm quyền cúi mình nói:

- Lỗ bang chủ, hạnh hội, hạnh hội. Được lĩnh giáo Lỗ bang chủ, thật không gì bằng.

Hoàng Dung thầm lo ngại, nhưng nghĩ Lỗ Hữu Cước vừa tiếp nhiệm chức b, đã lên tiếng khiêu chiến, nàng không tiện ngăn cản, nếu không sẽ vừa làm giảm uy phong của Lỗ Hữu Cước, vừa ra vẻ ta đây vẫn còn quyền thế ở Cái Bang, đành để lão thượng trận trước vậy.

Quản gia của Lục gia trang chỉ huy trang đinh kê lại bàn ghế trong đại sảnh, dành một chỗ trống khá rộng, đốt thêm nến hồng, chiếu sáng sảnh đường y như ban ngày.

Hoắc Đô nói:

- Xin mời!

Lời vừa dứt, cây quạt phe phẩy, một luồng kình phong quạt tới mặt Lỗ Hữu Cước, trong gió thoang thoảng mùi hương. Lỗ Hữu Cước sợ trong gió có độc, vội né tránh. Hoắc Đô vẩy tay, xoẹt một tiếng, cây quạt đã gấp lại thành một cây bút điểm huyệt dài tám tấc, chọc tới mạng sườn đối phương. Lỗ Hữu Cước vung cây gậy trúc, bất chấp Hoắc Đô định điểm huyệt, dùng khẩu quyết chữ "Triền", một quét ngang một gảy lên, môn Đả cẩu bổng pháp quả nhiên xảo diệu dị thường, thế đánh toàn vào những chỗ người bên cạnh không thể ngờ tới. Hoắc Đô nhẹ nhàng nhảy lên tránh, nào ngờ cây gậy đột nhiên quật lại, đánh trúng vào ống chân hắn, hắn loạng choạng ba bước, suýt nữa thì ngã. Quần hùng đứng xem cùng reo lên:

- Đánh trúng con chó rồi!

- Cho mi biết thế nào là uy phong của Đả cẩu bổng pháp!

Bị trúng một đòn, Hoắc Đô đỏ mặt đến tận mang tai, xoay mình, tay trái đánh ra một chưởng. Lỗ Hữu Cước tung chân trái đá, gậy trúc quét ngang, tức thì bổng ảnh múa lượn biến ảo vô định. Hoắc Đô nghĩ thầm: "Đả cẩu bổng pháp quả nhiên danh bất hư truyền!" Hắn tập trung toàn bộ tinh thần, tay phải cầm quạt phối hợp với tả chưởng mà đối phó. Lỗ Hữu Cước rốt cuộc chưa luyện thành Đả cẩu bổng pháp, mấy lần đáng lẽ đắc thủ, lại bỏ phí. Quách Tĩnh, Hoàng Dung ở ngoài quan sát, không khỏi kêu thầm "Tiếc quá!".

Đánh hơn mười chiêu nữa, Đả cẩu bổng pháp của Lỗ Hữu Cước đã bộc lộ sơ hở càng lúc càng lớn. Dương Quá nhìn rõ từng chiêu, bất giác cau mày. May mà Đả cẩu bổng pháp vừa xuất thủ, đã đánh trúng ngay vào ống chân đối phương, Hoắc Đô thầm ngán ngại, không dám bám sát quá, chứ không thì Lỗ Hữu Cước đã lạc bại từ sớm. Hoàng Dung thấy tình hình không ổn, định gọi Lỗ Hữu Cước dừng lại, thì Lỗ Hữu Cước đột nhiên sử chiêu "Tà đả cẩu bối", mím môi mím lợi giáng một gậy vào má trái của Hoắc Đô. Nhưng gậy này giáng quá mạnh, mất cái sự khôn khéo nhẹ nhàng, Hoắc Đô vừa đau vừa ngượng vì trúng đòn ở ống chân, đã giơ tay cực nhanh, chộp giật được cây gậy, chẳng cần suy nghĩ, tay kia giáng luôn một chưởng đánh trúng vào ngực Lỗ Hữu Cước, cây gậy thì quật ngang một cái, cách một tiếng, Lỗ Hữu Cước đã bị đánh gãy xương ống chân, miệng hộc ra một ngụm máu tươi, ngã sấp mặt xuống đất. Hai đệ tử bảy túi vội chạy tới đỡ Lỗ Hữu Cước dậy.

Quần hùng thấy Hoắc Đô xuất thủ tàn bạo, đều căm phẫn, nhiếc móc hắn.

Hoắc Đô cầm ngang cây gậy trúc nhẵn bóng màu bích lục, dương dương đắc ý, nói:

- Đả cẩu bổng, bảo bối trấn bang của Cái Bang chẳng qua chỉ thế mà thôi.

Hắn cố ý làm nhục một đại bang hội có tiếng nghĩa hiệp ở Trung Nguyên, hai tay cầm hai đầu cây gậy trúc, định bẻ gãy nó.

Đột nhiên một bóng áo xanh vọt tới trước mặt hắn, một thiếu phụ thanh nhã tú lệ, chính là Hoàng Dung, nói:

- Hãy khoan!

Hoắc Đô thấy thân pháp của nàng quá lẹ làng, kinh ngạc chưa kịp nói, thì tay phải của Hoàng Dung đã móc tới hai mắt hắn, hắn vội giơ tay gạt ra, thì tay trái của nàng đã nhẹ nhàng đoạt lấy cây gậy trúc.

Thủ pháp đoạt bổng như thế gọi là "Ngao khẩu đoạt trượng", một chiêu số rất cao minh trong Đả cẩu bổng pháp. Năm xưa tại đại hội Quân Sơn của Cái Bang bên hồ Động Đình, Hoàng Dung từng dùng chiêu này ba lần đoạt cây gậy trúc trong tay Dương Khang. Chiêu này biến ảo khó lường, dùng để đoạt gậy thì "trăm lần được cả trăm" cao thủ giỏi mấy cũng không tránh thoát. Quần hùng hò reo vang dậy. Hoàng Dung trở về chỗ ngồi, chống cây gậy trúc ở bên cạnh, bỏ Hoắc Đô đứng tại chỗ ngơ ngác.

Hoắc Đô tuy võ học tinh thông, nhưng cũng không thể hiểu, rốt cuộc Hoàng Dung đã đoạt cây gậy trúc bằng thủ pháp gì, hắn nghĩ thầm: "Chẳng lẽ thiếu phụ kia có ảo thuật?" Nghe tiếng chế nhạo của mọi người, liếc về phía sư phụ, thấy sắc diện lầm lì, thiết tưởng bản lĩnh của thiếu phụ xinh đẹp kia cũng chỉ có hạn, bèn nói to:

- Hoàng bang chủ, tại hạ đã trả lại cây gậy cho bang chủ, mời bang chủ ra đây giao đấu, bang chủ có dám hay không nào?

Hắn nói như vậy, quả nhiên có người nghĩ rằng vừa rồi không phải Hoàng Dung đoạt lại cây gậy trúc, mà là Hoắc Đô trả lại cho nàng, để đôi bên tỷ thí. Chỉ có người võ công rất cao, mới biết thực hư mà thôi.

Quách Phù nghe câu nói của Hoắc Đô thì cả giận, cả đời nàng chưa từng thấy kẻ nào dám vô lễ như thế với mẫu thân, xoẹt một tiếng, nàng đã rút bội kiếm ra. Võ Tu Văn nói:

- Phù muội, để huynh trị hắn cho!

Võ Đôn Nhu cùng một tâm tư, huynh đệ họ Võ không hẹn mà cùng nhảy ra giữa sảnh, người này nói:

- Sư mẫu của ta là bậc tôn quý.

Người kia tiếp lời:

- Há đi động thủ với loại thô lỗ như ngươi? Ngươi hãy lĩnh giáo công phu của tiểu gia đây đã!

Hoắc Đô thấy hai người nhỏ tuổi, nhưng thân pháp đoan ổn, đích thị có danh sư chỉ điểm, nghĩ thầm: "Hôm nay bọn ta đến đây chính là dụng võ dương uy, làm nhụt khí các võ sư người Hán, đánh thêm vài trận cũng tốt. Nhưng địch đông ta ít, nếu biến thành quần ẩu, thì sẽ rất khó", bèn nói:

- Xin anh hùng thiên hạ lưu ý, hai gã vắt mũi chưa sạch này đòi tỉ võ với tại hạ, nếu tại hạ xuất thủ, chỉ e bị mọi người cho là người lớn bắt nạt con nít, còn không thì lại cho rằng tại hạ sợ hai gã đó. Vậy chúng ta hãy nói rõ trước, đôi bên tỉ võ ba trận, bên nào thắng hai trận, sẽ giành chức minh chủ. Trận tỷ thí vừa rồi giữa tại hạ với Lỗ Hữu Cước Lỗ bang chủ coi như chưa tính. Các vị nói xem, như thế có thỏa đáng hay không?

Mấy câu vừa nói rõ ra cái giọng kẻ cả. Quách Tĩnh, Hoàng Dung với một số tân khách bàn nhỏ với nhau, thấy kiến nghị của đối phương thật khó từ chối. Tham gia đại hội hôm nay, trừ Hoàng Dung không thể xuất trận, còn ba người võ công mạnh hơn cả, là Quách Tĩnh, Hách Đại Thông, và đệ tử thứ tư của Nhất Đăng đại sư là thư sinh Chu Tử Liễu. Chu Tử Liễu là người nước Đại Lý, không phải là người Tống, nhưng Đại Lý và Đại Tống môi hở răng lạnh, những năm gần đây cũng bị Mông Cổ uy hiếp rất mạnh, nên Mông Cổ là kẻ thù chung, huống hồ Chu Tử Liễu giao hảo với vợ chồng Quách Tĩnh, ắt không từ chối. Bèn quyết định Chu Tử Liễu sẽ đấu trận thứ nhất với Hoắc Đô, Hách Đại Thông đấu trận thứ hai với Đạt Nhĩ Ba, Quách Tĩnh đấu trận cuối cùng với Kim Luân pháp vương. Trận thế này thắng thua ra sao chưa rõ, nếu Kim Luân pháp vương quả võ công cực cao, ngay Quách Tĩnh cũng địch không nổi, thì không chừng cả ba trận phía ta đều thua cũng nên.

Mọi người đang bàn chưa quyết, Hoàng Dung bỗng nói:

- Có một cách chắc thắng.

Quách Tĩnh cả mừng, đang định hỏi, bỗng nghe tiếng kiếm phong vù vù, ai nấy ngoảnh lại, thấy huynh đệ họ Võ đã bắt đầu giao đấu với Hoắc Đô, một bên sử dụng hai thanh trường kiếm, một bên là cây quạt. Vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung và hai môn hạ của Nhất Đăng đại sư là Điểm Thương Ngư Ẩn và thư sinh Chu Tử Liễu rất lo cho sự an nguy của đồ đệ, cùng chăm chú xem cuộc đấu.

Nguyên huynh đệ họ Võ nghe vương tử Hoắc Đô mở miệng càn rỡ, gọi họ là hai kẻ "miệng còn hơi sữa", để cho các bậc thượng nhân nghe thấy thì còn gì là thể diện, huống hồ vừa thấy sư mẫu đoạt lại cây gậy trúc một cách khá dễ dàng, nghĩ bụng Hoắc Đô tuy đánh bại Lỗ Hữu Cước, nhưng xem ra Lỗ Hữu Cước võ công quá thấp, lại nghĩ hai huynh đệ được sư phụ chân truyền võ công, một người đấu có thể không thắng, hai người hợp lực, quyết chẳng thể thua. Cũng bất chấp ba trận bốn trận gì hết, đúng là nghé con không sợ hổ, hai huynh đệ họ Võ đưa mắt cho nhau, song kiếm cùng xuất.

Nhưng Quách Tĩnh võ công tuy cao, cũng chưa dạy cả cho đồ đệ, tự mình lĩnh hội tinh nghĩa võ học thượng thừa, song khi truyền thụ thì diễn giải không rõ ràng, từ không đạt ý. Huynh đệ họ Võ tư chất bình thường, vẻn vẹn trong dăm năm, phỏng học được bao nhiêu? Chỉ sau vài chiêu, trường kiếm của họ đã bị Hoắc Đô khống chế, không thi thố gì được.

Hoắc Đô muốn trổ tài lập uy trước mặt quần hùng, thấy trường kiếm của Võ Tu Văn đâm tới, bèn dùng ngón trỏ tay trái hẩy lưỡi kiếm lên thành nằm ngang, cây quạt đánh xuống giữa thanh kiếm, "cách" một tiếng, kiếm gãy làm hai đoạn. Huynh đệ họ Võ cả kinh, Võ Tu Văn vội nhảy sng một bên, Võ Đôn Nhu thì đâm một kiếm tới sau lưng Hoắc Đô để hắn không thể đuổi đánh huynh đệ. Hoắc Đô sớm đã tiên liệu chiêu này, không cần ngoái đầu, đưa cây quạt về phía sau, vừa hay chạm vào sống kiếm, ngón tay xoay xoay hai cái. Hắn chỉ cần chuyển động ngón tay, thanh kiếm trong tay Võ Đôn Nhu nếu phải thuận theo cây quạt mà xoay chuyển, thì xương vai của Võ Đôn Nhu không thể không bị trật khớp, gã đành phải buông kiếm mà nhảy sang một bên, thanh kiếm bay thẳng lên, kiếm quang loang loáng mấy lần trong không trung rồi mới rơi xuống.

Huynh đệ họ Võ vừa kinh ngạc vừa tức giận, tuy đã mất binh khí, vẫn không hề sợ, Võ Đôn Nhu tả chưởng hoành không, sử chiêu thức của "Hàng long thập bát chưởng", Võ Tu Văn thì tay phải buông xuống, ngón tay trỏ hơi gập lại, hễ kẻ địch đánh tới, sẽ dùng "Nhất dương chỉ" đối phó. Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Hoắc Đô thấy tư thế của hai người ngưng trọng, thì không dám coi thường, nghĩ thầm: "Thắng đến mức này là đủ, đừng tưởng lấn tới đã ngon". "Hàng long thập bát chưởng" và "Nhất dương chỉ" là hai công phu đệ nhất trong võ học, huynh đệ họ Võ công lực tuy non, nhưng động tác của họ hoàn toàn chính xác, người thường nhận không ra, nhưng người có nhãn quang tinh đời như Hoắc Đô thì biết ngay giá trị, hắn bèn cười hà hà, ôm quyền nói:

- Mời hai vị về chỗ ngồi, chúng ta chỉ phân thắng bại, chứ không liều chết.

Giọng nói đã bớt hẳn ngông cuồng.

Huynh đệ họ Võ ngượng ngùng, thiết nghĩ tay không đấu với hắn, quá nửa là sẽ thảm bại, đành cúi đầu lùi về, không dám trở lại bên chỗ Quách Phù.

Quách Phù vội chạy lại, nói:

- Võ gia ca ca, ba chúng ta cùng xông ra tái đấu với hắn.

Mọi người chăm chú nhìn, Quách Phù tay phải cầm kiếm, tay trái vẫy gọi:

- Ba sư huynh muội chúng ta liên thủ với nhau.

Quách Tĩnh quát:

- Phù nhi, đừng làm ồn!

Quách Phù sợ nhất phụ thân, đành lùi mấy bước, hầm hầm nhìn Hoắc Dô. Hoắc Đô thấy nàng mỹ mạo kiều diễm, thì gật gù, cười hì hì. Quách Phù trừng mắt nhìn hắn một cái, rồi quay nhìn chỗ khác. Huynh đệ họ Võ vốn chỉ sợ Quách Phù chê cười, giờ thấy nàng bênh vực cho họ, thì trong lòng rất được an ủi.

Hoắc Đô mở quạt, phe phẩy vài cái, nói:

- Trận tỷ thí vừa rồi, dĩ nhiên cũng không tính. Quách đại hiệp, tệ phương gồm ba người là gia sư, sư huynh và tại hạ. Tại hạ võ công thấp nhất, sẽ đấu trận đầu. Vị nào bên quý phương sẽ hạ trường chỉ giáo đây? Ai thắng ai bại, chẳng phải chuyện đùa.

Quách Tĩnh nghe Hoàng Dung bảo có cách chắc thắng, biết nàng túc trí đa mưu, tuy chưa rõ diệu kế của nàng thế nào, nhưng đã không lo nữa, lớn tiếng nói:

- Được, chúng ta sẽ đấu ba trận để phân thắng bại.

Hoắc Đô biết bên phía đối phương, người có võ công mạnh nhất là Quách Tĩnh, sư phụ của hắn vô địch thiên hạ, nhất định sẽ thắng chàng, Hoàng Dung vừa rồi tuy có quái chiêu đoạt gậy, nhưng nhìn vẻ yếu ớt của nàng, nếu giao đấu thật sự, vị tất đã lợi hại, những kẻ khác chả đáng nói, thế là đưa mắt quét qua mọi người một lượt, nói:

- Các vị nếu có kiến nghị gì khác thì hãy nói sớm. Một khi thắng bại đã quyết, tất phải theo lệnh minh chủ đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.