Trạng Nguyên Lang Luôn Không Đạt Tiêu Chuẩn

Chương 51: Thân Mật




Đột nhiên, tôi như quay trở lại cái thời chúng tôi mới mười tám tuổi, trong căng-tin của trường đại học, một người con trai rất đẹp nói rằng cậu ấy đã mơ thấy tôi, sau đó hôn tôi.

Đó đúng là giấc mơ dài.

Trước khi bước chân ra xã hội, tôi có chút hoảng loạn vô cớ đối với hai từ “xã hội” này. Sống tới hai mươi mấy tuổi, tôi chỉ mới biết đi học nó như thế nào chứ chưa hiểu ra đời làm việc thì ra sao. Rất nhiều những người trưởng thành đều dốc lòng dốc sức miêu tả về sự phức tạp của nó, nhưng chẳng một ai có thể nói rõ, có thể giải thích cho một cô gái hai mươi hai tuổi biết điểm khác nhau giữa cuộc sống trước và sau khi tốt nghiệp. Mà họ cũng lười chẳng muốn giải thích, bởi họ sẽ không bao giờ bước chân quay lại trường học nữa, còn chúng tôi sắp bước chân ra ngoài xã hội rồi.

Và tôi cứ thế, mang theo tâm trạng nửa hoang mang nửa kính sợ, đến tạp chí Văn học. Tạp chí Văn học là một tòa soạn có chức năng xuất bản được thành lập vào đầu thời kỳ Trung Quốc mới, vì vậy mà địa chỉ của tòa soạn đó nằm tít tận vành đai 2 của Bắc Kinh, thế là sau khi hết giờ làm tôi đành về tạm tiểu viện ở ngõ Đăng Hoa sống, có cảm giác như bôn ba nửa đời người lại quay về đúng điểm khởi đầu. Xung quanh đều là những tòa nhà cao chót vót tấc đất tấc vàng, nằm lọt thỏm giữa chúng, tạp chí Văn học vẫn cố chấp giữ lại phong cách xưa cũ. Tường xám xịt, dây leo lưng chừng, trên tấm biển sơn màu trắng viết tên tờ tạp chí do một vị lãnh đạo đặt, ngày đầu tiên đứng trước cánh cổng ấy, đứng trước điểm khởi đầu cho tương lai của mình, trong lòng tôi dâng lên cảm giác buồn bã thật khó tả, nơi này không giống với những gì tôi tưởng tượng. Tôi không biết bao nhiêu người từng ảo tưởng khi nghĩ đến trạng ngữ thời gian “sau này lớn”, và có bao nhiêu người thực hiện được tham vọng hào hùng mình từng nói hồi còn nhỏ, tôi nghĩ phần lớn chẳng có ai cả. Chúng tôi giống những giọt nước nhỏ bé bị con sóng lớn ngoài đại dương nhấn chìm, ngay cả bong bóng cũng chẳng kịp nổi, đã biến mất.

Tôi được phân vào phòng tuyên truyền, sếp trực tiếp của tôi là trưởng phòng Chu, một ông chú gần năm mươi tuổi, tính tình hòa nhã, theo như lời những người khác trong tạp chí thì đó là tính khí của người sắp về hưu chẳng còn tham vọng gì. Đến tuổi này rồi, không có khả năng thăng tiến, cũng không còn ý chí để đấu đá. Chắc có lẽ là thói quen của những người sống ở thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, trưởng phòng Chu nói gì cũng bắt đầu bằng câu “Lãnh đạo tòa soạn nói”, khiến người nghe có cảm giác ông ta một lòng một dạ hướng về lãnh đạo tờ tạp chí. Là trưởng phòng của phòng tuyên truyền, nên sau lưng lúc nào cũng đeo máy ảnh, hễ có cơ hội là lại chụp ảnh cho tổng biên tập. Cái kiểu nịnh nọt này thật chẳng hay chút nào nhưng ông ấy vẫn vui vẻ làm không chút mệt mỏi.

Tất cả những chuyện ấy đều do chị Trương, người đã vào tòa soạn này sớm hơn tôi hai năm nói cho tôi biết. CV của tổng biên tập, văn bằng của thư ký xuất bản, ai có gia cảnh thế nào, từng ly hôn chưa, từng yêu ai… chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, tôi đã nắm rõ mọi quan hệ trong tòa soạn nhờ sự trợ giúp của chị ấy. Trưởng phòng Chu và chị Trương đối với tôi rất tốt, họ gọi tôi là “Tiểu Tạ”, đây là kiểu xưng hô mà từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng được trải nghiệm, trước kia hoặc được thầy cô bạn bè gọi là Tạ Kiều, hoặc được bạn cùng phòng, bạn thân gọi là Kiều Kiều. Hồi mới vào làm, trưởng phòng Chu còn kể một câu chuyện cười về chuyện này, ông ấy bảo mỗi lần gọi tên tôi, thì muốn gọi là Tiểu Kiều chứ không phải Tiểu Tạ, Tiểu Kiều(*) kết hôn chưa. Câu chuyện cười này rất ngốc rất nhạt, nhưng tôi vẫn phối hợp cười một cách tự nhiên, giống như tự nhiên phối hợp để trở thành Tiểu Kiều trong câu chuyện đó.

(*) Tiểu Kiều cũng là người mà Chu Du lấy làm vợ.

Kể ra thì công việc của tôi không bận lắm, hằng ngày việc quan trọng nhất là quét dọn văn phòng và pha nước, sau đó đảm bảo mọi cung ứng trong ngày. Việc này trước đó do chị Trương phụ trách, sau khi tôi vào thì chuyển cho tôi, nếu hai năm nữa mà có người mới vào thì sẽ chuyển cho người đó. Cả tòa soạn đều làm việc theo tiết tấu cũ, ban đầu tôi cũng rất hăng hái, muốn làm điều gì đó, muốn phát triển đề tài mới, muốn phỏng vấn những tác giả nổi tiếng, nhưng rồi nhanh chóng bị những người ở đây kéo trở lại vòng quay vốn có. Giống như bánh xe mới bị lắp vào chiếc đồng hồ cũ, thứ duy nhất mà nó có thể làm là di chuyển rất từ từ, tới khi gỉ sét.

Tôi học hành vất vả bao nhiêu năm như thế, tốt nghiệp ở một trường đại học mà tôi vô cùng tự hào, bao nhiêu mộng tưởng được tích lũy, từ giây phút ấy bắt đầu hết hiệu lực. Đối với tôi mà nói, việc đầu tiên mà tòa soạn báo này dạy cho tôi, chính là nó đã lột đi tấm áo khoác ngoài nền giáo dục đã khoác cho tôi suốt mười mấy năm qua, sau đó bắt đầu nhào nặn lại tôi theo ý nó.

Tôi bị nhào nặn thành một biên tập viên nhỏ bé, cả ngày ngồi trong văn phòng chất đầy sách vở, pha nước đúng giờ vào mỗi buổi sáng, sau đó ngồi vào vị trí của mình để lên mạng đọc đủ mọi loại tin tức, ngoài những cuốn sách do tòa soạn xuất bản ra thì tiện thể đọc luôn Ma thổi đèn, hoặc những bài viết hay trên mạng xã hội, sau đó hết giờ thì tắt máy về nhà.

Công việc của Từ Lâm và Na Na khác hẳn của tôi, hằng ngày họ đều rất bận, Từ Lâm không từ gian khổ đi công tác khắp nơi, đến mọi cuộc họp báo, chỉ ước tất cả những tờ tạp chí lớn nhỏ của Bắc Kinh đều được phủ bởi những bài viết của mình. Na Na thì ngày nào cũng phải họp, làm việc này chưa xong đã nhấp nhổm việc kia, cô ấy nói với tôi rằng bây giờ cô ấy thần tượng Na Tra, bởi có ba đầu sáu tay, nhiều tay nhiều chân. Chúng tôi cùng sống trong một xã hội, vậy mà lại có những cuộc sống hoàn toàn khác nhau, không biết có phải là do mỗi vùng mỗi đặc điểm khác nhau hay không.

Tôi không nhịn được phải ca thán với Tần Xuyên về nỗi buồn của một người mới tràn trề nhiệt huyết muốn cống hiến cho tòa soạn của mình, Tần Xuyên an ủi tôi: “Họ là người trong ngành giải trí, không giống với cậu.”

“Nhưng những gì họ làm đều rất thực tế! Còn tôi, bây giờ hằng ngày đều chẳng hiểu những việc mình làm có ý nghĩa gì.”

“Kiều Kiều, thế cậu muốn làm gì?”

Tần Xuyên hỏi tôi, tôi không hài lòng với thực tại, nhưng rốt cuộc điều gì mới khiến tôi hài lòng thì tôi lại không nói được. Hồi còn đi học tôi chẳng ngưỡng mộ bất kỳ ai, cho dù họ có thành tích rạng rỡ tới đâu tôi cũng chỉ tấm tắc bằng ba từ đơn giản mà hờ hững rằng: “Giỏi quá nhỉ.” Mặc dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng tôi ngây thơ cho rằng tương lai của tôi rất rộng mở, rộng mở tới mức tất cả những thành công đã được ghi nhận cũng không thể thúc đẩy nổi bước chân tôi. Khi ấy chúng tôi đều thế, đó có lẽ là ma lực của việc thiếu hiểu biết. Và khi sự thiếu hiểu biết đóng đinh trong suy nghĩ, mơ mơ hồ hồ thì nỗi hoang mang to lớn ập đến tấn công.

“Tôi không biết mình muốn làm gì…”

“Thế thì đúng rồi! Nếu như cậu biết rõ bản thân mình muốn gì thì tôi mới lạ đấy!”

“Tần Thủy Hoàng!”

“Sao? Không biết muốn làm gì thì đã làm sao? Cậu tưởng mấy thứ mộng tưởng mà các thầy cô giáo dạy ở trường nhất định sẽ trở thành hiện thực chắc? Mộng tưởng là lý do để ta tồn tại, nhưng không nhất định là sẽ thành hiện thực. Đúng, có ước mơ thì sẽ sống thú vị hơn một chút. Trên thế gian này có những người vừa sinh ra đã biết mình muốn gì, nhưng cũng có những người cả đời không biết. Thế thì đã sao? Thiên tài và người bình thường chẳng phải cũng đều đang sống cả đấy sao? Tất cả mọi chủng tộc bầy đàn đều được một số ít những người ưu tú lãnh đạo dẫn dắt, người giỏi thay đổi thế giới, người bình thường không có khả năng ấy nhưng cũng chẳng sao, họ hưởng thụ thành quả của người giỏi là được rồi!”

Mặc dù mỗi lần nghe Tần Xuyên giảng giải về đạo lý làm người tôi đều rất muốn cười, nhưng cuối cùng vẫn bị cậu ấy thuyết phục một cách vô thức, tôi tò mò nhìn cậu ấy: “Thế cậu là người ưu tú, hay người bình thường?”

“Đương nhiên là ưu tú rồi!” Tần Xuyên lại vênh mặt lên như mình là thiên tài giải cứu thế giới.

“Xì! Còn lâu tôi mới tin! Thế cậu nói xem, cậu muốn làm gì?”

“Ái chà, sớm muộn gì cậu cũng biết thôi.”

“Thế giờ làm thế nào?”

“Bây giờ, cậu cứ ngoan ngoãn nhìn theo tôi, đi theo tôi là được.” Tần Xuyên nói chắc như đinh đóng cột, những gì mà cậu ấy nói thật ra rất mơ hồ, nhưng tôi lại cũng mơ hồ thỏa mãn với câu trả lời ấy.

Mỗi ngày của tôi đều là một ngày hết sức bình thường, ban đầu tôi vốn tưởng ngoài Từ Lâm và Na Na ra, tôi chẳng có quan hệ gì với cái ngành nhìn thì đa màu đa dạng kia, vì vậy khi Từ Lâm gọi cho tôi hết cuộc điện thoại này tới cuộc điện thoại khác, tôi còn tưởng lại có tin gì hot cơ.

“A lô.”

“Sao mãi mới nghe điện thoại thế!”

“Đi lấy nước nóng.”

“Gần đây có liên lạc với Thiên Hỉ không?”

“Thì tháng trước có về trường rủ cậu ấy đi ăn cơm, mà làm sao?”

“Cậu ấy còn học nghiên cứu sinh không?”

“Đương nhiên! Cậu không sao đấy chứ? Tự nhiên hỏi lắm thế, rốt cuộc là làm sao?”

“Mình vừa nhận được tin, cậu ấy ký hợp đồng với Lư Vực rồi!”

“Cái gì?!”

“Thì ra cậu cũng không biết, mình vừa gọi điện, nhắn tin cho cậu ấy mà không thấy có trả lời, cậu ấy định làm gì không biết? Anh Tiểu Thuyền có biết không?”

“Để mình hỏi xem, liên lạc sau!”

Tin này thật sốc quá mức, cúp máy xong, mãi tôi vẫn chưa định thần lại được. Gọi điện thoại cho Thiên Hỉ thì không ai nghe, nhắn QQ cho anh Tiểu Thuyền cũng không thấy trả lời. Vì Thiên Hỉ bỏ thi giữa chừng nên về sau tôi cũng chẳng theo dõi Super Girl nữa, chỉ biết Lý Vũ Xuân mà tôi hâm mộ đã đạt quán quân, còn kẻ nhỏ mọn như Lâm Tinh Nghiên kia cũng đi tiếp được khá xa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.