Tổng Giám Đốc Ngang Hơn Cua

Chương 8: Lưu ly nhược ngư




Rời kinh lần này Dương Lăng dẫn theo ba trăm thân vệ(*), tất cả đều là những sỹ tốt kiêu dũng và thiện chiến trong quân doanh. Mỗi một người đều đeo phác đao, chủy thủ (dao ngắn); ba trăm người lại chia làm ba đội, mỗi đội đều trang bị nỏ liên hoàn, súng ngắn và cung dài. Trừ phi có binh biến, bằng không chỉ cần dựa vào ba trăm người này cũng đừng hòng ai đụng được đến một cọng lông măng của Dương Lăng.

(* Xin nhắc lại: thân vệ, thân binh là binh lính thuộc đội quân bảo vệ tướng lĩnh, gần như là gia binh)

Đây đều là những thị vệ do đích thân đại bộ đầu Ngô Kiệt của Nội xưởng tuyển chọn. Dương Lăng là linh hồn của Nội xưởng, tiền đồ của toàn bộ mấy ngàn người gắn liền với y, làm sao Ngô Kiệt dám lơ là?

Nếu không phải vì Dương Lăng cảm thấy như thế là huy động quá nhiều người, thực tình Ngô Kiệt muốn điều một ngàn nhân mã và lắp thêm mấy khẩu đại pháo lên thuyền của y.

Sử dụng hai chiếc chiến thuyền to lớn chở ba trăm quân, chiếc chiến thuyền thứ ba này là để chở hàng hóa của đám hào phú trong kinh đến phương Nam. Vương công quý tộc trong kinh sư nhiều vô số kể, những đại gia tộc này ít thì mấy trăm người, nhiều thì hơn ngàn người; ngoại thành Bắc Kinh có được bao nhiêu đất đai có thể nuôi sống được bọn họ chứ? Những gia đình này đã âm thầm bắt tay tham gia vào mậu dịch thương mại từ lâu, hơn nữa còn lợi dụng thế lực của gia tộc thường xuyên lên những con thuyền ”xuôi gió”(*) của triều đình.

(*: hàm ý là thuyền công, không bị tra xét dọc đường, chỉ giương buồm theo gió chạy thẳng (giống xe công, nhỉ?))

Hai ngày trước lúc khởi hành, con trai của Thành quốc công Chu Cương là Chu Hạ Nghĩa và phò mã Tiết Hoàn đã tìm đến nhà mời Dương Lăng vận chuyển hàng hóa dùm, đến nơi sẽ có gia nhân của phủ Thành quốc công tại chỗ tự tiếp nhận. Thành quốc công từng có ơn giúp đỡ Dương Lăng, cho nên yên tâm phái con mình đến, đoán y sẽ nể chút ân tình.

Còn Tiết Hoàn, từ sau khi nữ quan phủ công chúa Ninh Thanh bị đánh chết, nữ quan tân nhiệm lấy bài học đó làm gương, đã không dám quá khắt khe với phu thê hai người. Hai vợ chồng gặng hỏi nô bộc trong phủ nên biết Dương Lăng đã bênh vực giúp đỡ bọn họ, trong lòng lấy làm cảm kích, cho nên đưa hàng lên thuyền xuôi gió kiếm lợi chỉ là thứ yếu, cái chính là biểu đạt lòng biết ơn, kết thêm giao tình.

Dương Lăng nghe vậy đương nhiên đáp ứng ngay, hơn nữa việc này gợi cho y nhớ đến kế hoạch lôi kéo những kẻ quyền quý trong kinh. Y bèn chủ động gợi ý với các vị huân thần công khanh trong kinh rằng mình có thể giúp đỡ bọn họ chuyên chở hàng hóa. Thậm chí cả hai huynh đệ Thọ Ninh hầu và Kiến Xương hầu cũng mê tít cái lợi hậu hĩ mà một chuyến tuần sát phương Nam do chiếc chiến thuyền lớn có thể mang lại, đã mặt dày đưa đến năm xe đặc sản phương Bắc mà phương Nam đang khan hiếm.

Dương Lăng cũng không hề làm khó dễ bọn họ, vui vẻ tiếp nhận toàn bộ. Huynh đệ họ Trương thấy y không hề so đo những hiềm khích trước đây nên rất lấy làm cảm kích. Đương nhiên Dương Lăng có tư tâm, càng có nhiều người ràng buộc chung quyền lợi với y thì sẽ càng có ích cho kế hoạch sau này của y, những người này còn có thể vì thế mà sẽ trở thành ô dù cho y. Cùng với hoàng thân quốc thích, huân thần công khanh tạo dựng quan hệ là một chuyện vô cùng có lợi đối với y.

Hiện tại đám ngôn quan của Ngự sử đài giống như là đã ngủ đông, cả ngày không có chút động tĩnh gì. Nhưng Dương Lăng lại không vì vậy mà xem thường. Y đã cẩn thận bẩm báo trước cho thiên tử Chính Đức biết chuyện này, nói thẳng luôn là mình cũng vận chuyển lậu một ít hàng hóa, nhằm kiếm được một món tiền để mang ít vật quý hiếm ở phương Nam về dâng Hoàng Thượng để bày tỏ tâm ý.

Chính Đức nào biết Dương Lăng "nham hiểm" như vậy, nghe y bộc bạch tâm ý xong, dĩ nhiên cao hứng vô cùng. Dương Lăng dụ dỗ được Hoàng Đế làm đại thủ lĩnh của tập đoàn buôn lậu xong, bản thân cũng yên tâm, như vậy y không sợ lúc rời kinh sẽ bị người đâm lén sau lưng nữa.

Chiêu bài mà Dương Lăng sử dụng là mang danh nghĩa vừa lên nắm quyền ty Thuế Giám, phụng chỉ tuần tra nam Trực Lệ. Chuyện ba vị đại thuế giám của đạo(*) Giang Nam tham ô không được nhiều đại thần trong triều biết đến, nhưng y nghi ngờ rằng nhất định đã có người mật báo cho ba vị thái giám trấn thủ này. Ba vị đại thái giám giống như những ông vua ở bản xứ, sợ rằng bọn họ sớm đã vận sức thủ thế chờ đợi y, phải đối phó với bọn họ thế nào cho ổn thỏa đây? Hiện giờ Dương Lăng chẳng biết gì về tình hình cụ thể nên y cũng chẳng thể nào nghĩ ra được quyết sách cần thiết.

(*: đạo: đơn vị hành chính xưa, như là tỉnh hiện nay)

Chuyến đi Giang Nam lần này so với việc tranh chấp triều chính trong kinh sư càng phức tạp hơn. Nơi đó y lạ nước lạ cái, ba đại thái giám trấn thủ Giang Nam đã lâu năm nên chắc chắn có rất nhiều tai mắt, thực lực lớn mạnh. Dương Lăng vẫn chưa quên việc đường đường một công chúa mà vẫn bị một nữ quan cỏn con mua chuộc nô bộc cả phủ đùa bỡn trong tay như thế nào. Cho nên y không dám đợi đến khi mình đến tận nơi, để ba đại thái giám chuẩn bị sẵn sàng rồi mới bắt đầu điều tra mà đã phái mật thám ngày đêm gấp rút chạy xuống Giang Nam giám thị hành tung của ba đại thái giám trấn thủ trước.

Cao Văn Tâm đứng một bên lặng lẽ quan sát Dương Lăng đang trầm tư. Cánh mũi y thẳng tắp, bờ môi rõ nét, lông mày tuấn tú thẳng tắp, vóc người cân đối. Ánh mắt của y lúc trầm tư toát lên một vẻ thâm trầm không cân xứng với tuổi tác của y, khiến người khác nhìn vào tim liền đập thình thịch.

Y có một ánh mắt và khí chất khác biệt so với những kẻ cùng lứa. Nhưng khi nghĩ đến bộ dạng ngại ngùng xấu hổ lúc mình châm cứu cho y, khóe môi của Cao Văn Tâm bất giác hé một nụ cười: sự ngượng ngùng của Dương Lăng đã khiến cho sự bối rối của nàng hoàn toàn biến mất. Bây giờ châm cứu đã trở thành tiết mục truyền thống biểu diễn sự xấu hổ của đại đô đốc Nội xưởng mà nàng thưởng thức mỗi ngày.

Ba mươi dặm đường thủy đã mau chóng bị vận tốc của những con tàu khổng lồ rút lại trong phút chốc. Đứng trên đầu tàu, Dương Lăng đã nhìn thấy bến thuyền cạnh hành cung phía xa xa. Trên bến thuyền còn có mấy chiếc thuyền nhỏ hơn một chút đang từ từ rời bến. Ngược lên những bậc thềm đá dọc bến thuyền không xa là một tòa hành cung nguy nga tráng lệ.

Ven con sông đào, cứ cách khoảng một ngày lộ trình đều phải xây một tòa hành cung để Hoàng Đế ngủ trọ mỗi khi rời kinh sư xuống Nam Kinh tuần hành. Thiên tử đi tuần đương nhiên không thể tùy tiện tìm bừa một quán xá nào đó mà nghỉ lại.

Tuy nhiên, những hành cung dọc đường này ngốn không ít tiền của: phải cử quân đóng giữ bên ngoài, bên trong phải có nô bộc chăm nom,… Chỉ riêng chi phí tu bổ mỗi năm đã rất kinh người, nhưng lại không được dùng vào việc gì.

Trừ đại đế Vĩnh Lạc năm xưa từng trọ lại nơi này, các đời hoàng đế về sau đều bị ràng buộc bởi những luật lệ oai nghiêm của thiên tử do chính mình lập ra nhằm phô trương thanh thế, đành bụng làm dạ chịu, cả đời phải tự giam mình trong Tử Cấm Thành như một chú chim hoàng yến bị nhốt trong lồng.

Người ta thường nói khắp dưới gầm trời không chỗ nào không phải đất của vua, nhưng mà ông vua này lại không có quyền tuần du giang sơn của mình. Hành cung cứ bỏ không như vậy, xây rồi sửa, sửa rồi lại sửa thêm, mỗi hành cung sẽ tồn tại hơn trăm năm. Cách hành cung không xa có xây mấy dịch quán. Người của hoàng gia, của các vương phủ lẫn các khâm sai đại thần vãng lai các nơi đều lợi dụng vị thế của bến thuyền này để đỗ thuyền và nghỉ ngơi tại đây.

Dương Lăng xoay người lại, Cao Văn Tâm thấy vậy lập tức thu lại nụ cười trên môi, nhún nhường cúi chiếc cổ thanh tú nho nhã như thiên nga xuống. Dương Lăng đã sớm tinh mắt nhìn thấy nụ cười nơi khóe môi của nàng. Trước đây vị đại cô nương này không hề dám chuyện trò đùa giỡn cùng y, nhưng kể từ lúc để nàng trị bệnh đến nay, ánh mắt lo sợ, cung kính thuở quen biết ban sơ ấy giờ đã dần không còn thấy nữa.

Đau lòng quá, thật nhớ những ngày đã qua quá đi. Dương Lăng vẫn cứ cảm thấy nụ cười mà nàng nhìn mình đã hơi khác với khi xưa, nhưng y đành chịu thôi: phụ nữ mà, xa cách với họ thì họ khiêm nhường, gần gũi với họ thì họ không cung kính. Cả ngày phơi mông cho người ta sờ tới sờ lui, y đâu còn vẻ tôn nghiêm để ra vẻ đại lão gia nữa?!

Dương Lăng hừ thầm một tiếng, nói với Cao Văn Tâm:

- Đi thôi, thu xếp mấy vật tùy thân một chút, chuẩn bị xuống thuyền rồi.

- Dạ, lão gia!

Cao Văn Tâm đáp một tiếng, vừa định xoay người, chợt nghe một tiếng “bình”, thân thuyền chợt lắc lư dữ dội, nàng kêu ối một tiếng rồi ngã nhào vào lòng Dương Lăng. Vốn Dương Lăng đã đứng không vững, lại bị nàng nhào vào lòng, thế là cả hai lập tức cùng ngã xuống sàn.

Không ít nha sai trên thuyền nhất thời không chú ý cũng ngã lăn, nhưng vừa ngã xuống, bọn họ liền lập tức búng người dậy, rút phác đao sáng choang ra một tiếng "keng", nhảy tới bên mạn thuyền quát lớn:

- Kẻ nào dám tập kích thuyền của xưởng đốc đại nhân?

Lúc này năm sáu tay nha sai khác cầm đao xoay người lại, dùng thân làm khiên vây hai người Dương Lăng vào giữa, cẩn thận nhìn khắp nơi. Dương Lăng thầm thất kinh: "Chẳng lẽ là Đông xưởng phái người đến ám toán mình?" Y căng thẳng quát lên:

- Đừng hoảng! Mau xem thử đã xảy ra chuyện gì?

Nằm sấp trong lòng Dương Lăng, Cao Văn Tâm giật mình phát hiện tay y đang đặt lên bộ ngực săn mẩy cao vút của mình, không khỏi vừa giận vừa thẹn. Nàng hơi tức giận trừng mắt nhìn lên nhưng lại thấy Dương Lăng đang ngước mặt lên trời ra vẻ xưởng đốc oai phong, chẳng những không có chút phản ứng gì với việc đang ôm nàng vào lòng, mà dường như y thậm chí cũng không ý thức được rằng bàn tay của y đang đặt lên bộ ngực căng tròn của cô nương nhà người ta. Trong lòng Cao Văn Tâm bỗng nhiên vô cớ lại dâng lên một nỗi thất vọng.

Quả bồ hòn này xem như là phải ngậm trọn làm ngọt rồi. Cao Văn Tâm hận ngứa cả răng nhưng lại không dám lên tiếng, đành vội cuống quýt lồm cồm bò ra khỏi người y. Lúc này chiếc thuyền lớn đã thăng bằng trở lại, một bách hộ đứng trên đài quan sát nhìn thấy tình hình phía dưới, sắc mặt khẩn trương tan đi, lập tức quát lớn:

- Đui mắt chó của ngươi rồi à, sao không biết nhường đường? Cũng không nhìn xem ai đang ở trên thuyền, làm đại nhân kinh hoảng, ta muốn lấy cái đầu của ngươi!

Bách hộ của Nội xưởng vừa dứt lời, liền nghe thấy bên dưới thuyền một giọng thổ âm Sơn Đông còn to gấp đôi gã hét lên:

- Con mạ mi, tay ta nọ sắp rách toác ra rồi ni. Ôi đau quá! Mi mù răng, lái thuyền kiểu chi rứa? Hở! Ôi mạ nó, Thiên sư mô? Trương thiên sư rơi đi mô rồi?

Giọng hắn khá to, Dương Lăng nghe rõ mồn một. Vừa nghe ba tiếng "Trương thiên sư" y cũng giật nảy mình, vội vàng bò dậy. Chạy đến bên mạn thuyền nhìn xuống, y thấy một chiếc thuyền hai cột cỡ nhỏ đã bị đụng vỡ nát đuôi, nước sông đang tràn ùng ục vào trong khoang thuyền, phần đuôi thuyền đã bắt đầu chìm xuống nước, mũi thuyền đang nhổng lên không.

Vài thuyền phu lực lưỡng như cột sắt đang chạy cuống cuồng khắp nơi trên thuyền tìm kiếm cái gì đó, nhất thời cũng không nhìn ra được ai là kẻ chửi bới vừa rồi. Chỉ thấy một văn nhân vóc người gầy gò, ăn mặc văn nhã đang ôm cột buồm kêu gào:

- Đừng tìm nữa, Thiên sư rơi xuống sông rồi, mau xuống dưới tìm đi!

Một thuyền phu có vẻ như là người cầm đầu đét mạnh đùi một cái, quát:

- Mả cha mi, mau nhảy xuộng!

Mấy đại hán thậm chí không thèm cởi bỏ y phục thi nhau nhảy "ùm" xuống nước.

Mấy tay thuyền phu tìm khắp bên đuôi thuyền bị chìm và đầu thuyền bị nhổng lên nhưng đều tìm không thấy. Dương Lăng dựa người vào đầu thuyền mình nhìn kỹ, thấy dưới mặt nước ở đầu thuyền nổi lên một búi tóc, liền vội kêu to:

- Ở đầu thuyền, ở đầu thuyền, mau lên, ai biết bơi? Mau nhảy xuống cứu người!

Tuy nha sai trên thuyền đều là người phương Bắc nhưng cũng có mấy gã bơi lội không tệ, chúng liền vội vứt phác đao, búng người phóng xuống nước, chỉ một lúc sau hai tay giỏi bơi lội đã lôi một người lên. Dương Lăng mừng rỡ hỏi:

- Tìm được Thiên sư rồi à?

Người được cứu mặc đạo bào màu xanh, mũ đạo sỹ không biết đã trôi đi đâu mất, mái tóc dài rối bù nhiễu nước ròng ròng che lấp khuôn mặt, hình như là đã hôn mê. Hai tay nha sai mỗi người một bên đang đạp nước dìu gã, gã thì lại không hề cựa quậy. Một tay nha sai lau nước trên mặt nói:

- Đại nhân! Người này là nữ, không phải là Thiên sư gì đâu.

Dương Lăng nghe vậy thì giật thót mình. Trước kia y từng nghe nói có đạo sỹ tà phái dùng nữ nhân làm lư đỉnh để luyện thái âm bổ dương gì đó, không lẽ đường đường Trương thiên sư cũng là loại rác rưởi này à?

Mấy phu thuyền rất giỏi bơi lội nghe thấy bên này hô lên, bèn ào ào bơi lại rồi cùng lặn xuống đáy sông. Rốt cuộc sau một hồi, ngoài ba trượng có một phu thuyền kéo một người mặc áo xanh lên, lớn tiếng gọi:

- Chộ ni, chộ ni!

Không kịp nghĩ ngợi nhiều, Dương Lăng liền vội kêu người ném dây thừng, trước tiên buộc Trương thiên sư và nữ đạo sỹ đã hôn mê bất tỉnh vào rồi kéo lên, sau đó lại kéo những người còn lại lên thuyền. Lúc này trên bến thuyền, Lưu chỉ huy của Đức Châu từ xa cũng đã trông thấy hai thuyền đụng nhau, vội vàng đích thân cưỡi thuyền chạy đến cứu viện.

Giờ đã biết tiểu đạo đồng bên cạnh Trương thiên sư là gái, hiển nhiên không tiện cấp cứu trước mặt người khác, Cao Văn Tâm vội kêu người ôm cô ta vào trong khoang, tự tay cứu chữa.

Lưu chỉ huy lên thuyền Dương Lăng, đại lễ cũng bỏ bớt, vội vã ra mắt Dương Lăng. Hai người cùng quây quanh Trương thiên sư mặt mày trắng bệch đang hôn mê bất tỉnh. Truyền thuyết Trương thiên sư lên trời xuống đất không gì làm không được, rất là thần thông quảng đại, ở tiên cung cũng có phẩm tước, nào ngờ Long Vương sông này lại chẳng thèm nể mặt gã, cứ thế mà cho gã uống nước no căng bụng. Dương Lăng và Lưu chỉ huy ngồi xổm một bên xem nha sai đang ấn bụng gã để cấp cứu, trong miệng gã không ngừng ộc ra từng ngụm nước trong.

Một lúc sau, Chính Nhất Tự Giáo Trí Hư Xung Tĩnh Thừa Tiên Hoằng Chiêm Chân Nhân Trương Nhạc Thạc mới yếu ớt tỉnh lại. Dương Lăng và Lưu chỉ huy sứ thấy vậy không khỏi thở phào nhẹ nhõm.

Vừa mở mắt ra, dường như cũng cảm thấy chuyện Thiên sư rơi xuống sông phải nhờ mấy thuyền phu vừa đè vừa ấn cứu mạng hơi mất mặt nên tuy lờ mờ chưa nhìn rõ người ở trước mặt, tiểu chân nhân đã cười ha hả nói:

- Bần đạo sớm đã bói được trong tháng chín sẽ gặp nạn nhập thuỷ, thì ra là ứng vào hôm nay. Ha ha ha...

Dương Lăng rờ mũi, trong lòng chửi thầm một câu: "Đồ bịp bợm!"

Y chợt nhớ tới trong khoang còn có một tiểu đạo cô xinh đẹp tên là Phù Bảo, không khỏi bồi thêm một câu: "Đồ dâm tặc!"

***********

Màn đêm sắp buông xuống, Trịnh bách hộ bước vào trong khoang thuyền. Nhìn thấy xưởng đốc đại nhân đang cùng Trương thiên sư ngồi đánh cờ tướng, hắn bèn vội đứng nghiêm một bên khom người đợi. Dương Lăng đang nhíu mày, căng mắt nhìn bàn cờ trước mặt, trầm ngâm thật lâu, như thể đang do dự.

Trịnh bách hộ lén đưa mắt nhìn, chợt phát hiện người thị tỳ dáng người cao thon, khuôn mặt xinh đẹp đang đứng duyên dáng sau lưng xưởng đốc hơi rướn người tới phía trước, như thể cũng rất hứng thú theo dõi bàn cờ, nhưng cánh tay ngọc ngà thon thả lại đang lặng lẽ viết chữ lên lưng đại nhân.

Ngón tay trắng nõn của Cao Văn Tâm viết lên lưng Dương Lăng không nhanh, hơn nữa nét viết không nhiều, Trịnh bách hộ nhìn thấy rõ mồn một là chữ "pháo hai bình một". Cô nương này vừa viết xong, liền thấy xưởng đốc đại nhân nhướng mày như mới vừa nghĩ được một nước cờ hay, nhặt pháo lên đập xuống cái chát, nước cờ quả nhiên linh hoạt, gọn gàng, định liệu trước mọi nước.

Trịnh bách hộ thầm đổ mồ hôi, liền vội chuyển ánh mắt để đại nhân đỡ xấu hổ. Nào ngờ hắn vừa chuyển mắt đi, lại trông thấy vị văn sỹ tuổi hơn ba mươi, thân hình gầy còm nhỏ thó đang mỉm cười đứng bên cạnh Trương thiên sư cũng đang đưa một tay viết chữ lên lưng Thiên sư. Trịnh bách hộ không khỏi ngạc nhiên nhìn Dương xưởng đốc và Trương thiên sư, không hiểu hai "con rối" này thực sự đang cố sức làm gì.

Mỗi khi đánh cờ thắng tay mê cờ nhưng kém cỏi như Dương Lăng, Cao Văn Tâm đều vui vẻ rất lâu, dường như nàng rất hả hê với việc khiến Dương Lăng nếm mùi thất bại. Nếu muốn nàng giả bộ thua Dương Lăng một ván để y vui lòng, còn lâu nàng mới đồng ý. Nhưng lần này mắt thấy Dương Lăng liên tục thua vào tay Trương thiên sư, vị đại cô nương này thực thấy khó chịu trong lòng. Cảm giác đó giống như con mình thì mình đánh được, chứ người ngoài thì dựa vào cái gì? Thế là nàng bèn giúp Dương đại lão gia ăn gian.

Trương thiên sư bị đánh cho tơi bời hoa lá suốt mấy ngày, sau khi rút ra kinh nghiệm xương máu, kỳ nghệ đột nhiên tăng vượt bậc. Cao Văn Tâm đoán là vị Liêu quản sự bên cạnh y đang âm thầm giúp đỡ, thế là lần này nàng cũng so tài cùng hắn, rốt cuộc thành: Dương xưởng đốc và Trương thiên sư minh tranh, còn tiểu thị nữ và Liêu quản sự ám đấu.

Cao Văn Tâm thấy đối phương đi nước cờ ấy, lập tức viết lên lưng Dương Lăng "mã hai thoái bốn", khoé miệng lộ ra một nụ cười, "song mã ẩm tuyền(2)"! Tập kích thành công rồi! Trong ba nước liên tục kế tiếp, nhất định có thể dồn chết đối phương. Quân của Trương thiên sư đang bị con pháo kềm chế nên không thể rút về cứu viện.

Liêu quản sự trợn mắt nhìn một hồi lâu, đoạn nhìn Cao Văn Tâm khẽ thở dài, không hề nói tiếng nào. Trương thiên sư hiểu ý, cười ha hả nói:

- Ta thua rồi!

Dương Lăng liếc Cao Văn Tâm một cái, nàng nháy mắt đáp lại. Dương Lăng phá ra cười to, lúc này mới quay sang hỏi Trịnh bách hộ:

- Chuyện gì vậy?

Giả vờ không nhìn thấy những cái liếc mắt qua lại giữa đại nhân và tiểu tỳ, Trịnh bách hộ khom người đáp:

- Đại nhân! Thuyền đã đến trấn Thượng Hải, đêm nay có cập bến ở đây không ạ?

- Hả? Đến Thượng Hải rồi à?

Dương Lăng ngạc nhiên, vội vàng vén rèm nhìn ra ngoài. Y thấy trên trời đầy sao, bên dưới một mảnh hoang vu, đan xen dọc trên bờ sông chỉ có lác đác vài quán rượu, nhìn ra xa xa cũng chẳng có mấy hộ gia đình, hoàn toàn không giống như thành phố phồn hoa trong ấn tượng của y chút nào. Dương Lăng không khỏi thất vọng hỏi:

- Nơi này chính là Thượng Hải à?

Liêu quản sự còn tưởng vị xưởng đốc đại nhân này chê nơi này nghèo kiết, bèn mỉm cười nói:

- Đại nhân! Tuy thôn trấn này nhìn hơi hoang vắng, nhưng thức ăn cũng khá là phong phú và đặc sắc. Chi bằng chúng ta cập thuyền lên bờ đi bộ một chút, cũng là giải lao cho thân thể đỡ mỏi mệt.

Dương Lăng đồng ý:

- Được, lên bờ đi bộ chút vậy.

Y nhìn quanh rồi hỏi Trương thiên sư:

- Lệnh muội đâu? Mời nàng ấy cùng đi ăn uống chút đi.

Trương thiên sư lắc đầu:

- Muội ấy đã nói hôm nay không khoẻ lắm, chúng ta không cần để ý đến muội ấy. Trở về ta mang chút thức ăn cho muội ấy là được rồi.

Sau lễ đại hôn của hoàng đế, vị Trương thiên sư đã lưu lại trong kinh thăm viếng thân hữu. Thân bằng quyến thuộc của Thành quốc công đông không kể xiết, mỗi nhà dự một bữa tiệc cũng mất hơn nửa tháng, hơn nữa Thiên sư hiếm khi đến kinh thành nên những thân hữu này không khỏi muốn mời y coi giúp phong thủy một chút, xem tướng một tẹo, lần lữa mất xấp xỉ gần hai tháng trời.

Trước ngày y lên kinh, phú hào ở Ngô Trung là Ngô Tế Uyên đã sớm phái quản sự trong nhà đi theo khẩn thiết mời thiên sư sau chuyến đi kinh sư sẽ đến Tô Châu một chuyến để cầu phúc cho Ngô lão thái gia. Nhà họ Ngô tuy cách xa Long Hổ sơn nhưng đã là tín đồ thành kính của Thiên Sư đạo. Hơn trăm năm trước, vào thời Chu Nguyên Chương khống chế Đạo giáo và Phật giáo cực kỳ nghiêm khắc, trên Long Hổ sơn nhang khói ảm đạm, đời sống gian nan, nhà họ Ngô đã lén phái người đến cúng dường tiền bạc và dầu mỡ tài trợ cho mấy trăm đệ tử Long Hổ sơn vượt qua khó khăn, có thể nói gia tộc họ là người có ơn rất lớn với Thiên Sư đạo.

(Ba_Van: tuy tác giả không nói rõ nhưng qua mạch truyện, chúng ta đoán biết vị quản sự của Ngô Tế Uyên chính là Liêu quản sự)

Đã có ngọn nguồn như vậy, tiểu thiên sư khó lòng từ chối tấm thịnh tình, đành phải đi theo hắn. Ai dè vừa mới rời khỏi bến thuyền của hành cung tại Đức Châu liền đã bị thuyền lớn của Dương Lăng đâm hỏng. Dương Lăng cũng thấy áy náy không thôi, thế là mời bọn họ lên thuyền đi cùng.

Nha sai hò lớn ra lệnh cho lái thuyền cập bến, bắt ván lên bờ. Cả bọn cùng xuống thuyền, chọn lấy một khách điếm nho nhỏ. Quả nhiên khách điếm nhỏ này có phong vị đặc sắc riêng: quán rượu lại là một chiếc thuyền be bé neo bên bờ sông, khẽ lắc lư theo nhịp vỗ của sóng.

Ở nơi này, trong thời tiết như vậy, muốn thưởng thức đặc sản đương nhiên là phải ăn cua. Liêu quản sự gọi bà chủ thuyền mặt mày niềm nở hâm cho hai bình rượu, rồi cười nói:

- Gió tây thổi, cua ngứa chân. Giờ là cuối thu, trời trong gió mát, chính là thời tiết để thưởng thức cua. Dương đại nhân! Thiên sư! Mời nếm thử đặc sản nơi này.

Tháng chín ăn cua mái, tháng mười ăn cua đực. Những chiếc khay bà chủ thuyền bê lên đều chất đầy cua mái lớn. Trước đây khi ăn cua, Dương Lăng đều chặt ra rồi cầm đũa chọc bừa một trận, nào biết phương pháp kỹ xảo gì? Mắt thấy Trương thiên sư và Liêu quản sự cầm cả con cua lên ăn một cách có quy trình hẳn hoi, bất giác y hơi lưỡng lự.

Tâm tư tinh tế, nhận thấy thần thái của lão gia khác thường, lập tức Cao Văn Tâm lanh trí cầm lấy một con cua, bóc mai, tách chân, khạy bỏ bọng và tai đi, lại dùng chân cua nhọn khảy bỏ yếm và ruột, đặt khối thịt cua trắng tinh thơm phức vào trong bát, trao cho Dương Lăng và mời:

- Lão gia! Món này không cần phải chấm dấm gừng, mùi vị nguyên chất càng thơm hơn, mời lão gia nếm thử một miếng.

Liêu quản sự thấy nàng thức thời hiểu chuyện như vậy, không khỏi tán dương:

- Đêm thanh hoa tỏ ý, canh vắng rượu rót đầy, đại nhân thật là tận hưởng trọn ý vị của đời người rồi!

(Nguyên văn: “深得个中三味”, “thâm đắc cá trung tam vị”. Trong văn hóa Phật Giáo, khi hiểu sâu sắc một sự việc hoặc một loại tình cảm thì được gọi là thâm hiểu một trong tam vị;

Tam vị có ý nghĩa thay đổi theo từng tôn giáo, từng nền văn hóa nhưng thường có nghĩa là linh thiêng, hoặc là tổng thể của vạn vật.)

Lời của Liêu quản sự tuy là khen ngợi, nhưng lại hơi lập lờ thân phận của Cao Văn Tâm(3). Cao Văn Tâm nghe vậy cảm thấy hơi bị khinh bạc, mặt không khỏi đỏ lên, có phần tức giận.

Dương Lăng thấy vậy liền vội lái qua chuyện khác, bảo:

- Khi nãy đánh cờ lại quên uống trà, bây giờ thấy khát khô cổ rồi. Nhà đò! Châm dùm ấm trà với.

Cao Văn Tâm nghe vậy bèn nhắc khẽ:

- Lão gia! Tuy cua có mùi vị thơm ngon, nhưng là thức ăn hàn, chốc nữa gọi bà chủ thuyền đem canh gừng pha mật đường uống mới tốt, vừa giải khát lại bổ người. Hay đừng uống trà vậy?!

Liêu quản sự lại cười nói:

- Đại nhân là người phương Bắc, cũng không thích rượu mà thích trà sao? Uống một chút cũng không sao đâu.

Vừa nói hắn vừa cẩn thận lôi từ trong ngực ra một chiếc túi vải, cười nói:

- Tiểu nhân mời đại nhân thưởng thức món trà ngon cực phẩm này. Một túi trà đây vẻn vẹn chưa tới một lạng (50gr - ND), mà trị giá bốn lạng bạc, tiểu nhân còn phải năm lần bảy lượt thỉnh cầu mới kiếm được. Hề hề, đúng thật là đồ tốt có tiền chưa chắc đã mua được à!

Nói đoạn hắn gọi chủ thuyền bảo đem chén tới, rồi nhón từng dúm nhỏ bỏ vào từng chén một.

Một lạng bạc đủ để một gia đình nông dân tiêu dùng suốt cả năm. Một lạng trà này lại có trị giá tới bốn lạng bạc, còn là nhờ vào quan hệ xin xỏ mới có được, vậy bình thường để mua được cần phải tốn bao nhiêu tiền bạc đây? Dương Lăng nghe mà kinh hãi, bất giác hỏi:

- Đây là trà gì vậy? Không ngờ lại mắc đến như vậy!

Liêu quản sự đáp:

- Đây là trà xuân (*) Long Tĩnh chánh gốc của Tây Hồ. Không giấu gì đại nhân, tiểu nhân hầu hạ ở Ngô phủ cũng tích góp được chút gia sản, có điều cho dù tiểu nhân chịu bỏ tiền, loại trà ngon cực phẩm này cũng khó cầu lắm cơ.

(*): loại trà tươi, được hái trước tiết Cốc Vũ (bắt đầu vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch, kết thúc vào ngày 5 hay 6 tháng 5 dương lịch- Ba_Van)

Dương Lăng nhớ hình như ở đời sau, trà Long Tĩnh được bán đầy đường, không lẽ hiện tại vì trồng trọt quá ít, cung cầu chênh lệch nên mới đắt như vậy sao? Bị Vu Vĩnh lây nhiễm nên bây giờ trong bụng y cũng là một bồ "thương nhân", vừa nghe có thứ có thể kiếm ra món lợi kếch sù, y liền hết sức chú tâm.

Dương Lăng lập tức mừng rỡ ra mặt, hỏi:

- Thứ này trồng quá ít hay khó trồng vậy? Liêu quản sự là người địa phương Tô Hàng, thế mà cũng khó mua sao?

Liêu quản sự cười đáp:

- Cho dù là phú thương bản địa ở Hàn Châu cũng đến tám chín phần mười cầu mà không được đó. Ha ha, Mạt Thanh Hà Mạt công công đã cho người suốt ngày trấn giữ vườn trà, một chỉ (5gr - ND) trà cũng không được phép mang ra. Phàm kẻ nào trộm hái lá trà đều bị đánh năm mươi gậy, cùm xích ba ngày thị chúng. Ngài nghĩ xem, còn ai uống được nữa chứ?

Mạc Thanh Hà? Mạc công công chủ quản thuế má cung ứng trà và thóc gạo lương thực? Đây chẳng phải là một trong ba thái giám trấn thủ mà mình muốn điều tra lần này sao? Lão ta chỉ phụ trách thuế má, cho dù trà này là trà cống phẩm thì cũng phải do Tri phủ Hàng Châu phụ trách trông nom và cai quản chứ nhỉ?! Sao lão ta lạm quyền, trực tiếp sai người đến tiếp quản vườn trà vậy?

Sinh nghi, nhưng mặt không hề đổi sắc, y ra vẻ bình thản hỏi:

- Trà Long Tĩnh tiến cống không phải do tri phủ Hàng Châu quản lý sao? Thì ra... Mạc công công cũng có quyền giám sát.

Liêu quản sự đắc ý đáp:

- Vườn trà sản xuất ra trà Long Tĩnh chính gốc chỉ có ở mấy vùng đồi núi như Tiên Nhân Xung, Hoàng Khê Giản, Ô Mai Tiêm và Mông Độ Loan, tổng cộng chỉ có mười mấy mẫu, một năm sản xuất được không đến ba bốn trăm cân, chỉ riêng dùng làm cống phẩm cũng đã không đủ rồi. Long Tĩnh được bán trên chợ đều là sản phẩm của mấy huyện lân cận Hàng Châu, giả mạo trà Long Tĩnh chính gốc, mùi vị thật sự kém hơn rất nhiều.

Mạc công công lo có người hám lợi, trộm trà tiến cống bán ra ngoài nên đã sai người giám sát những vườn trà này, ngay cả tri phủ Hàng Châu cũng không được dây máu ăn phần. Bây giờ mỗi năm toàn bộ trà xuân Long Tĩnh cực phẩm đều được dùng để dâng lên cho kinh sư và vài vương phủ. Qua mồng tám tháng tư, mới cho phép phủ Hàn Châu đem trà đặc sản ra bán để thu thuế. Cháu của tiểu nhân là quản sự thân tín dưới trướng Mạc công công, biết tiểu nhân thích uống trà nên khéo lời cầu xin Mạc công công, Mạc công công mới đưa cho bấy nhiêu. Mặc dù đây cũng không được tính là hàng cực phẩm của vua chúa, nhưng cũng chẳng thua kém bao nhiêu, mời đại nhân nếm thử.

Dương Lăng cười nhạt, trong lòng không để ý lắm. Nghe hắn khoác lác đến trời, làm như túi trà của hắn là vật thế gian khó cầu lắm ấy? Ở Đông Noãn các tại cung Càn Thanh y cũng đã uống không ít các loại trà xuân cực phẩm được dùng làm cống phẩm, so với loại trà này còn hơn một bậc, song đương nhiên y không cần phải khoe khoang những lời này với Liêu quản sự làm gì.

Y hờ hững tiếp lấy chén trà, mở nắp ra, dưới ánh đèn chỉ thấy nước trà trong vắt, màu sắc xanh biếc, bên trong trôi nổi vài lá trà. Một mùi thơm dịu nhạt bay lên thấm thẳng vào trong tim phổi. Ban đầu mùi hương thơm mát đó khiến cho người ta cảm thấy thanh nhã, sau lại cảm thấy mùi hương u nhã đó vấn vương không dứt, tuy không nồng nàn, nhưng lại giống như mùi thơm dịu của hoa cỏ đồng nội trong tiết xuân, lưu luyến mãi không rời.

Mặc dù màu sắc của chiếc lá trà trong chiếc chén thô kệch này và của loại cực phẩm trong cung giống hệt nhau, nhưng mùi hương lại hoàn toàn không thể so sánh. Cầm chén trà trên tay, bất giác Dương Lăng ngây người.

Chú thích:

(1) đây là một phong tục vùng Giang Nam, ngồi thuyền nhỏ trên sông, câu cua, hấp chín, lột cua ra ăn giữa trăng thanh gió mát, nghe sóng vỗ rì rào.

(2) hai Mã cùng uống nước suối, chỉ sức tấn công phối hợp của hai quân Mã - cũng là một đòn rất lợi hại

(3) chữ hoa trong câu thơ ám chỉ người con gái đẹp hoặc kỹ nữ; đó là lý do tại sao Cao Văn Tâm lại nổi giận.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.