Tôi Chỉ Là Một Thủy Quân

Chương 11




Tôi để ông dẫn trở lại phòng. Tôi không được lựa chọn. Ông bế tôi lên và lần đầu tiên tôi không hoan hỉ khi được ông chạm vào, hay thấy vui thích trước thứ mùi nồng nồng và vầng trán rộng sáng bóng của ông. Lúc đó, tôi bỗng hiểu được sự trầm lặng của mẹ tôi cùng cảm giác xa cách mong manh của bà. Tôi đã tập đóng giả bà và giờ đây, trong lúc cấp bách, tôi không thể làm gì khác. Nếu bố tôi xoa bóp bờ vai mệt mỏi của tôi, tôi sẽ trở nên căng thẳng; nếu ông bước vào từ ngoài trời tuyết, tôi sẽ lo lắng nghĩ đến việc món trứng trộn rau bina chiên phồng của tôi có thể bị hỏng.

Ông nhẹ nhàng đặt tôi lên giường. Ông đắp chăn cho tôi, bảo tôi ngủ. Ông làm không tệ. Tuy nhiên, do đang tức tối, tôi tuột xuống giường và chạy ngang qua căn phòng đến bên rương đựng đồ chơi của mình. Những cảm giác xa lạ náo động trong tai tôi, khiến tôi choáng váng. “Jonathan,” bố tôi nghiêm khắc nói. Ông chạy theo tôi, nhưng tôi quá nhanh so với ông. Tôi thọc tay xuống đáy rương, biết mình sẽ chạm đến chỗ nào. Tôi túm lấy cái chân cao su bóng nhoáng của con búp bê và lôi ra rồi ôm ghì nó trong tay.

Ông do dự, đang lửng lơ trên cái gường nhỏ của tôi. Trên đầu giường, một con thỏ hoạt hình đang tung tăng nhảy múa trên cánh đồng hoa bốn cánh màu hồng.

“Nó là của con,” tôi nói, giọng khăng khăng gần như khích động. Sàn phòng ngủ dường như chao đảo dưới chân tôi, và tôi bám lấy con búp bê như thể riêng mình nó có thể giúp tôi khỏi bị mất thăng bằng và ngã nhào.

Bố tôi lắc đầu. Theo như tôi còn nhớ, đó là lần duy nhất sự điềm đạm trong ông bị tàn lụi. Ông mong muốn quá nhiều, mà thế giới thì đang thu nhỏ lại. Vợ ông xa lánh ông, công việc không thành công, còn đứa con trai độc nhất – ông sẽ không có đứa con nào khác nữa – lại thích chơi búp bê và những trò chơi trong nhà lặng lẽ.

“Chúa ơi, Jonathan,” ông quát lên. “Chúa ơi. Con bị cái quái gì thế hả? Sao thế hả?”

Tôi đứng nín thinh. Tôi không đáp lại câu hỏi đó, dù tôi biết ông muốn nghe một câu trả lời.

“Nó là của con” là tất cả những gì tôi có thể đáp. Tôi ghì con búp bê quá chặt vào ngực đến mức hàng mi cứng ngắc của nó đâm vào tôi qua lớp áo pyjama.

“Được thôi,” ông dịu đi, trong một giọng thua cuộc. “Được thôi. Nó là của con.” Rồi ông bỏ đi.

Tôi nghe tiếng ông xuống gác, lấy áo khoác từ cái tủ kê ở hành lang. Tôi nghe thấy mẹ tôi không nói được một lời từ trong bếp. Tôi nghe thấy ông đóng cửa trước, với một sự thận trọng và cân nhắc ám chỉ đó sẽ là hành động cuối cùng.

Ông trở lại vào buổi sáng, sau khi đã ngủ trên đi văng trong văn phòng của mình ở rạp chiếu phim. Sau một thời gian khó khăn, chúng tôi đã lấy lại được cuộc sống gia đình bình thường của mình, lại tìm thấy được niềm vui. Bố mẹ tôi đã tạo ra một mối quan hệ thân mật, vui vẻ mà không có những nụ hôn hay những trận cãi vã. Họ bắt đầu sống bên nhau với mối thân tình giản dị, thoải mái của những người anh chị em đã trưởng thành. Ông không đặt ra cho tôi những câu hỏi không thể trả lời nữa, dù câu hỏi duy nhất đó của ông vẫn tiếp tục kêu lách tách sau gáy tôi như một đường nối điện bị lỗi. Tài nấu ăn của mẹ tôi đã trở nên nổi tiếng. Năm 1968, gia đình chúng tôi được chụp ảnh trên phụ bản Chủ nhật của tờ Bưu điện của Cleveland: mẹ tôi đang làm món tôm hầm trong khi bố tôi cùng tôi đứng nhìn, đầy hãnh diện và hi vọng, trong những bộ đồ thật bảnh.

BOBBY

Hồi đó chúng tôi sống tại Cleveland, ở một nơi đồng không mông quạnh. Đó là những năm sáu mươi – radio của chúng tôi suốt ngày ra rả những bản tình ca. Tất nhiên nó đã là quá khứ. Nó xảy ra trước khi thành phố Cleveland bị ảnh hưởng bởi suy thoái, trước khi dòng sông của nó bốc cháy[4]. Chúng tôi có bốn người. Bố mẹ tôi, Carlton và tôi. Carlton vừa tròn mười sáu khi tôi lên chín. Giữa chúng tôi còn vài anh chị nữa, họ là những ngọn lửa leo lét đã tắt dần trong dạ con của mẹ tôi. Gia đình tôi không phải là một cái cây có nhiều nhánh hay sai quả. Họ của chúng tôi là Morrow.

[4] Sông Cuyahoga chảy qua Cleveland, đã bị cháy vài lần do tia lửa của đèn hàn bắn xuống và đốt cháy dầu mỡ loang trên sông, đến năm 1969 nó mới thu hút được sự chú ý của báo chí và từ đó dấy lên phong trào bảo vệ môi trường.

Bố tôi là giáo viên dạy nhạc của một trường trung học. Mẹ tôi dạy những đứa trẻ được gọi là “đặc biệt,” những đứa có thể nói được ngày Giáng sinh của năm 2000 sẽ rơi vào ngày nào, nhưng không nhớ là phải tụt quần ra khi đi tiểu. Chúng tôi sống trong một khu gọi là Woodlawn – nơi những ngôi nhà một hay hai tầng xinh xắn được sơn những màu lạc quan. Khu chúng tôi tiếp giáp với một nghĩa địa. Phía sau sân sau nhà tôi là một con mương bị lấp kín bởi những bụi cây, và xa hơn là cánh đồng đầy những bia mộ nhẵn bóng. Tôi lớn lên với nghĩa địa và không bận tâm lắm về nó. Có thể nó còn đẹp hơn trong mắt tôi nữa là khác. Phía gần nhà chúng tôi có một bức tượng thiên thần bằng đá, ngực nhỏ và cương nghị, nhô lên giữa những bia mộ vừa phải. Xa hơn, trong một khu giàu có, những thánh đường Hồi giáo và những ngôi đền Parthenon thu nhỏ lặng lẽ kể với Cleveland về những thành tựu bền bỉ của nhân loại. Carlton và tôi thường chơi trong nghĩa địa lúc còn nhỏ và, khi lớn hơn một chút, hút cần sa và uống Southern Comfort[5] ở đó. Nhờ Carlton, tôi đã là một đứa chín tuổi học lớp bốn tệ nạn nhất. Tôi đang thành công trên con đường hư hỏng của mình. Tôi không làm được gì mà không hỏi ý kiến anh ấy.

[5] Một loại rượu mùi.

Đây là Carlton vài tháng trước khi anh chết, trong một thời khắc tuyết rơi nhiều đến mức đất trời đều như trắng xóa một màu. Anh di chuyển chậm chạm giữa những tấm bia mộ và tôi đi sau, buốt nhói vì tuyết, hướng theo chiếc mũ len đỏ rực của anh. Tóc Carlton được buộc túm ra sau theo kiểu đuôi ngựa, thật gọn gàng và giản dị. Anh tằn tiện, theo kiểu rieng của mình.

Chúng tôi đã dùng ma túy tổng hợp với nước qua trong bữa sáng. Hay đúng hơn, Carlton dùng một viên và tôi, do còn nhỏ, chỉ được phép dùng một nửa. Thứ ma túy này được gọi là “ô kính cửa sổ.” Nó khiến ta nhìn rõ hơn, giống như thuốc nhỏ mũi Vicks có tác dụng làm thông mũi vậy. Bố mẹ tôi đang đi làm, kiếm miếng ăn hằng ngày. Do chúng tôi đã ra ngoài trời lạnh nên khi quay về, ngôi nhà sẽ khiến chúng tôi bị sốc trước sự ấm áp và chính trực của nó. Carlton thường tin vào những cú sốc.

“Em nghĩ nó đang có tác dụng,” tôi gọi to. Carlton đang mặc cái áo khoác da hoẵng, đã sờn hết độ bóng. Đằng sau lưng áo, ngang qua chỗ xương dẹt ở vai, bạn gái anh đã thêu vào đó một con mắt màu xanh tia chớp. Khi chúng tôi bước đi, tôi nói với con mắt đó. “Em nghĩ em cảm thấy điều gì đó,” tôi nói.

“Còn quá sớm mà,” Carlton nói với lại. “Thoải mái đi, Frisco. Mày sẽ biết khi nào thì đến lúc.”

Tôi vừa thích thú vừa sợ hãi. Chúng tôi đang làm một việc hệ trọng. Carlton đã dùng ma túy vài lần trước đây, nhưng tôi thì chưa bao giờ. Chúng tôi đã cho những viên ma túy vào miệng lúc ăn sáng, khi mẹ tôi đi lấy món thịt lợn muối xông khói. Carlton thường thích làm những trò liều lĩnh.

Tuyết đọng lại trong những chữ chạm khắc trên bia mộ. Tôi nghiêng mình trong gió, cố tìm hiểu xem liệu mọi thứ quanh tôi có vẻ xa lạ vì tôi dùng ma túy, hay chỉ vì mọi thứ thực sự xa lạ. Ba tuần trước, một gia đình ở bên kia thành phố đang ngồi xem ti vi ở nhà thì một cái máy bay một động cơ đã rơi xuống nhà họ. Tuyết quay cuồng quanh chúng tôi, có vẻ như nó vừa rơi từ trên trời xuống vừa hất ngược từ dưới đất lên.

Carlton dẫn đường đến tụ điểm của chúng tôi, đó là lối vào có hàng cột trụ của một ngôi mộ thượng lưu. Ngôi mộ này là một cung điện. Những vị thần tình ái bằng đá túm tụm phía trên nóc cao nhất, với những đôi cánh băng giá còi cọc và những khuôn mặt trinh nguyên. Bên dưới mái che là một cái hiên, phía trong là những cánh cửa bằng gang dẫn vào ngôi nhà đích thực của người chết. Vào mùa hè, cái hiên này rất mát. Vào mùa đông, nó là nơi tránh gió. Chúng tôi cất một chai Southern Comfort ở đó.

Carlton tìm cái chai, mở nắp và nốc một hơi dài ra trò. Người anh được nạm đầy tuyết. Anh đưa cho tôi cái chai và tôi uống một ngụm dè dặt hơn. Ngay cả trong mùa đông, ngôi mộ cũng tỏa ra mùi rên mốc như một cái giếng. Những đám lá khô và một cái vỏ kẹo M&M, bị gió khuấy tung, kêu lạo xạo trên sàn đá cẩm thạch.

“Mày sợ à?” Carlton hỏi tôi.

Tôi gật đầu. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nói dối anh ấy.

“Đừng sợ, nhóc,” anh nói. “Sợ hãi sẽ làm cho mày rối tung lên. Nếu mày không thấy sợ thì ma túy chẳng thể làm mày đau được.”

Tôi gật đầu. Chúng tôi đứng trú trong đó, chuyền nhau cái chai. Tôi dựa vào sự chắc chắn của Carlton như thể nó tỏa nhiệt.

“Chúng ta có thể dùng ma túy suốt ngày ở Woodstock[6],” tôi nói.

[6] Tên của thị trấn nằm ở phía đông nam New York, nơi diễn ra đại hội nhạc rock lớn nhất thế giới năm 1969.

“Đúng vậy. Quốc gia Woodstock. Chà chà.”

“Người ta có thực sự sống ở đó không?” Tôi hỏi.

“Trời ơi, mày đừng hỏi câu đó nữa. Đại nhạc hội đã kết thúc, nhưng người ta vẫn còn ở đó. Đó là quốc gia mới. Hãy hi vọng đi.”

Tôi lại gật đầu, hài lòng. Có một đất nước khác dành cho chúng tôi. Tôi đã là một con người mới, với cái tên mới là Frisco. Tên cũ của tôi là Robert.

“Chúng ta sẽ dùng ma túy suốt ngày,” tôi nói.

“Mày nên tin như thế.” Khuôn mặt Carlton, vây quanh bởi tuyết và cẩm thạch, ngời lên. Đôi mắt anh sáng như ánh đèn neon. Thứ gì đó trong chúng cho tôi biết anh có thẻ nhìn thấy tương lai, một hồn ma lượn trên đầu mọi người. Trong tương lai của Carlton, chúng tôi đều được giải thoát khỏi công việc và học hành. Đang chờ đợi chúng tôi, sớm thôi, là một sự an nhàn tươi sáng, lý tưởng. Một cuộc sống giữa những hàng cây bên bờ sông.

“Mày cảm thấy thế nào, hả nhóc?” Anh hỏi tôi.

“Tuyệt,” tôi bảo anh, và đúng là thế thật. Những con bồ câu vỗ cánh phành phạch bay lên từ một cái cây trơ trụi và ngay lập tức biến đổi, chuyển mình từ thép sang bạc trong ánh tuyết lấp lánh bay. Vào lúc đó tôi biết ma túy đang có tác dụng. Mọi thứ trước mắt tôi đột nhiên trở nên rực rỡ. Làm sao mà Carlton lại biết điều này sẽ xảy ra? “Ôi,” tôi thì thào. Tay anh đặt trên vai tôi.

“Thoải mái đi, Frisco,” anh nói. “Trong thế giới tươi đẹp này chẳng có gì đáng sợ cả. Có tao ở đây mà.”

Tôi không sợ. Tôi chỉ đang ngạc nhiên. Cho đến lúc này tôi mới nhận ra rằng mọi thứ quả là thực. Một cành con này nằm trên sàn cẩm thạch dưới chân tôi, mang trên mình một chùm dâu tím thẫm. Đầu bị gãy của nó trầy xước, trắng bệch, trông như những thớ thịt. Những cái cây đều là vật thể sống.

“Tao đây,” Carlton lặp lại, và quả thực là anh đang ở đây.

Vài giờ sau, chúng tôi đã nằm ườn trên cái sofa trước ti vi, bình thường như Wally và Beav[7]. Mẹ tôi đang nấu bữa tối trong bếp. Một cái nắp vung kêu leng keng. Chúng tôi là những điệp viên. Tôi đang cố che giấu sự ngạc nhiên của mình.

[7] Tên hai nhân vật chính trong bộ phim hài kịch tình huống Leave it to Beaver (Hãy để Beaver ra tay).

Bố tôi đang chế tạo một cái đồng hồ quả lắc với bộ đồ nghề của ông. Ông muốn có gì đó để lại cho chúng tôi, một thứ mà chúng tôi có thể truyền lại cho nhau. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng ông cưa và gõ thình thịch trong tầng hầm. Tôi biết ông đang bày thứ gì trên giá cưa của mình – một hộp gỗ thô dài, trên đó ông gắn những cái gờ trang trí. Một giọt mồ hôi vương trên trán ông khi ông làm việc. Tối nay tôi đã khám phá ra khả năng có thể nhìn khắp các phòng trong cùng một lúc của mình, để biết từng chuyện đang diễn ra. Một con chuột đang gặm nhấm bên trong bức tường. Những đường dây điên cuộn lại sau lớp vữa xây, ẩn mình và kiên nhẫn như những con rắn.

“Suỵt,” tôi nói với Carlton, dù anh không hề nói gì cả. Anh đang xem ti vi qua những kẽ ngón tay. Những phát súng bay vèo vèo. Những viên đạn làm bụi bốc lên mù mịt trên một bức tường bê tông. Tôi không biết bọn tôi đang xem cái gì.

“Các con ơi?” Mẹ tôi gọi từ trong bếp. Tôi có thể, bằng đôi tai mới của mình, nghe tiếng bà đang dằn những khoanh thịt cho bẹt ra. “Hãy dọn bàn ăn như những công dân tốt nào,” bà gọi.

“Vâng, thưa mẹ,” Carlton đáp, giả giọng hệt như lúc đang bình thường. Bố tôi đang nện búa dưới tầng hầm. Tôi có thể cảm thấy trái tim Carlton kêu tích tắc. Anh vỗ vỗ tay tôi, để đảm bảo với tôi rằng mọi thứ đều hoàn hảo.

Chúng tôi dọn bàn ăn, bày biện dao thìa dĩa, gấp khăn giấy thành hình tam giác đặt một bên. Chúng tôi rất thành thạo việc này. Sau khi làm xong, tôi ngừng lại để ngắm lớp giấy dán tường trong phòng ăn: một trang trại màu hoàng kim bị chặn phía sau bởi những ngọn núi. Những đàn bò gặm cỏ, những đám mây mùa thu đổ bóng vàng. Khung cảnh này lặp lại ba lần, trên ba bức tường.

“Vụt,” Carlton thì thào. “Vù… ù… ù… ù…”

“Bọn mình làm có đúng không?” Tôi hỏi anh.

“Bọn mình làm mọi thứ thật hoàn hảo, nhóc ạ. Mà trong đầu mày cảm thấy thế nào?” Anh gõ nhẹ lên đầu tôi.

“Tuyệt vời, em nghĩ thế.” Tôi nhìn vào lớp giấy dán tường, như thể tôi đang nghĩ đến việc bước vào chúng.

“Mày nghĩ thế. Mày nghĩ thế à? Mày và tao sẽ đến những hành tinh khác, nhóc ạ. Lại đây nào.”

“Đến đâu?”

“Đây. Lại đây.” Anh dẫn tôi đến bên cửa sổ. Bên ngoài tuyết là là bay, lấp lánh và óng ánh bạc, bên dưới những ngọn đèn đường. Những ngôi nhà trệt tích trữ sự ấm áp, tỏa ánh đèn lên lớp tuyết đọng. Đây là một con phố ở Cleveland. Đây là con phố của chúng tôi.

“Mày và tao sẽ bay, nhóc ạ,” Carlton thì thầm, sát bên tai tôi. Anh mở cửa sổ. Tuyết ùa vào, lấp lánh trên thảm.

“Bay nào,” anh nói, và chúng tôi bay thật. Trong một thoáng, chúng tôi vươn người về phía trước, làn gió đêm u tối phả vào mặt chúng tôi – chúng tôi nhấc thân mình lên khỏi tấm thảm len polyester màu ca cao phủ đầy tuyết khoảng hai phân rưỡi. Bí quyết để bay là đây – bạn phải hành động ngay lập tức, trước khi cơ thể bạn nhận ra rằng nó đang chống lại các định luật. Đến tận bây giờ tôi vẫn dám chắc với bạn về điều đó.

Chúng tôi đều biết rằng mình đã tạm thời rời khỏi mặt đất. Điều đó không làm chúng tôi ngạc nhiên cho lắm, không hơn việc máy bay thi thoảng rơi từ trên trời xuống, hay việc chúng tôi đã luôn sống trong những căn phòng này và sẽ sớm rời chúng. Chúng tôi hạ mình xuống. Carlton chạm vào vai tôi.

“Chờ đấy, Frisco,” anh nói. “Những điều kì diệu đang xảy ra. Những điều vô cùng kì diệu.”

Tôi gật đầu. Anh kéo cửa sổ xuống, và nó đóng sập lại với một tiếng “xạch.” Khuôn mặt chúng tôi nhìn lại chính mình từ lớp kính tối đen, lạnh lẽo. Đằng sau chúng tôi, mẹ tôi đang thả những khoanh thịt vào chảo rán, nó phát ra tiếng kêu xèo xèo. Bố tôi đang cắm cúi với chúng tôi của ông dưới một chiếc bóng đèn có chao hình nón, sửa soạn cái hộp dài nơi ông sẽ đặt vào đó bộ máy đồng hồ, quả lắc và một cái mặt. Một chiếc máy bay kêu ù ù trên đầu chúng tôi, ẩn mình trong những đám mây. Tôi lo lắng liếc sang Carlton. Anh cười trấn an và bóp nhẹ gáy tôi.

Tháng Ba. Sau mùa tuyết tan. Tôi đang đi qua nghĩa địa, nghĩ về cuộc sống vĩnh hằng của mình. Một trong những điều thú vị khi sống ở Cleveland là bất cứ hướng đi nào cũng có vẻ như dài bất tận. Tôi đã ghi nhớ bản đồ. Theo tính toán của tôi thì chúng tôi đang cách Woodstock, New York gần ba trăm năm mươi dặm. Trong một ngày mới tinh khôi như thế này, tôi đang đi về phía đông, đến nơi Carlton và tôi cất cái chai. Tôi sẽ uống trước một hớp rượu, để chúc mừng tương lai tươi sáng của mình.

Khi đến nơi, tôi nghe thấy những tiếng rên khe khẽ phát ra từ sau ngôi mộ. Tôi đứng yên, cân nhắc xem mình nên làm gì. Âm thanh đó là một tiếng rên rỉ kéo dài, vút lên ở cuối, một nốt đố cao, kiểu như là “ooooooow.” Một tiếng sói hú dội ngược lại. Điều thôi thúc tôi tìm hiểu thay vì bỏ chạy chính là nhu cầu kể chuyện. Trong những câu chuyện mà anh tôi thích nhất, người ta luôn làm những việc mạo hiểm, ngốc nghếch. Tôi nhận thấy tôi có thể đi tới quyết định bằng cách nghĩ mình là nhân vật trong một câu chuyện mà Carlton đã kể.

Tôi rón rén quanh sườn ngôi mộ, thận trọng như một con lửng, nép sát vào một bức tượng cẩm thạch. Tôi nhòm qua bờ vai nõn nà của bức tượng tiểu thiên sứ đó. Điều mà tôi trông thấy là hình ảnh Carlton đang nằm trên mặt đất cùng với bạn gái anh, trong một mớ hỗn độn của quần áo và da thịt trần trụi. Chiếc áo khoác có thêu hình con mắt của Carlton được vắt trên bia mộ, cứ chăm chú nhìn.

Tôi khom mình đằng sau bức tượng. Tôi có thể thấy đôi cánh tay trần của cô gái và lằn xương sống quen thuộc của Carlton. Hai người họ đang cùng nhau rên rỉ trên bãi cỏ mùa đông xơ xác. Dù không nhìn rõ vẻ mặt của cô gái, nhưng tôi thấy mặt Carlton nhăn nhó và rúm ró, những đường gân cổ căng lên. Tôi chưa bao giờ nghĩ việc này lại đau đớn đến thế. Tôi cứ nhìn, cố học hỏi. Tôi bám vào đôi cánh lạnh lẽo của tiểu thiên sứ.

Không lâu sau, Carlton nhìn thấy tôi. Mắt anh ngước vội lên đầy kích động, và thứ mà chúng tôi bắt gặp là cái đầu nhỏ bé của em trai anh, đang nhô lên bên cạnh đầu của một tiểu thiên sứ. Mắt chúng tôi giao nhau và mất một thoáng để cùng quyết định. Cô gái vẫn bám chặt tấm lưng gầy gò của Carlton. Anh quyết định mỉm cười với tôi. Anh quyết định nháy mắt.

Tôi chạy khỏi đó nhanh đến mức làm xới tung cả những mảng đất còn dính cỏ. Tôi luồn lách giữa những tấm bia mộ, vọt qua con mương, nhảy qua hàng rào vào địa phận của mảnh sân sau nhà tôi, nơi đặt cái bàn ngoài trời và cái ghế đu. Trong cái nháy mắt ấy ẩn chứa điều gì đó. Tim tôi đập nhanh như tim của một con chim sẻ.

Tôi vào bếp và thấy mẹ tôi đang rửa hoa quả. Bà hỏi tôi có chuyện gì thế. Tôi bảo bà là không có chuyện gì cả. Chẳng có gì hết.

Bà thở dài phía trên quả táo đang rửa dở. Những tấm rèm khoe họa tiết hình những ấm trà màu xanh dương. Mẹ tôi cọ quả táo bằng một cái bàn chải. Bà tin rằng vỏ của chúng phủ toàn chất độc.

“Carlton đâu?” Bà hỏi.

“Con không biết,” tôi đáp.

“Bobby?”

“Sao ạ?”

“Thực sự thì có chuyện gì thế?”

“Chẳng có gì,” tôi nói. Tim tôi đập với tốc độ như của một con chim ruồi, thình thịch hơn mức bình thường.

“Mẹ nghĩ là có chuyện gì đó đấy. Trả lời mẹ một câu nhé?”

“Vâng.”

“Anh con đang nghiện ma túy à?”

Tôi thấy nhẹ nhõm đôi chút. Chỉ là ma túy thôi. Tôi biết vì sao bà lại hỏi thế. Gần đây những chiếc xe cảnh sát cứ lượn lờ quanh nhà chúng tôi như lũ cá mập. Họ dừng lại, ghi chép rồi lướt đi. Họ đang đàn áp thẳng tay quanh khu. Mà trong vùng này thì Carlton lại vô cùng nổi tiếng.

“Không đâu,” tôi bảo bà.

Bà quay mặt về phía tôi, một tay cầm bàn chải, tay kia cầm quả táo. “Con sẽ không nói dối mẹ chứ?” Bà biết có chuyện gì đó đang xảy ra. Bà rất nhạy cảm với những vấn đề trong nhà. Bà có thể cảm thấy bụi bám trên mặt bàn và sữa bắt đầu chua trong tủ lạnh.

“Không ạ,” tôi nói.

“Có chuyện gì đó mà,” bà thở dài. Bà là một phụ nữ nhỏ bé, tháo vát, lúc nào cũng nheo mắt khi nhìn vào mọi vật. Bà lớn lên trong một trang trại ở Wisconsin, trải qua thời hoa niên với việc chăm chút những luống đậu và lo lắng về tiết trời mưa nắng. Bà vẫn đang cố gắng vượt qua thói quen hay trông đợi những điều nhỏ nhặt của mình.

Tôi ra khỏi bếp, vờ như đột nhiên quan tâm đến con mèo. Mẹ tôi theo sau, vẫn cầm cái bàn chải. Bà định cọ sự thật ra từ người tôi. Tôi đi theo con mèo, sau cái đuôi màu đen dựng đứng và lỗ hậu môn hồng hồng của nó.

“Đừng có bỏ đi khi mẹ đang nói chuyện với con,” mẹ tôi nói.

Tôi vẫn tiếp tục bước, để xem mình có thể đi được bao xa, miệng gọi: “Miu miu miu.” Ở hành lang trước, cái đồng hồ tự làm của bố tôi điểm nửa tiếng. Tôi đi về phía chiếc đồng hồ. Khi tôi bước đến chỗ cây đa búp đỏ thì bà túm được tôi.

“Mẹ đã bảo là con không được bỏ đi,” bà nói và dùng cái bàn chải đập cho tôi một phát đau điếng. Bà nắm lấy tai tôi và véo nó. Con mèo chuồn đi nhanh như một nốt nhạc đen.

Tôi đứng lại một phút, để bà biết là tôi đã nghe thấy lời bà. Rồi tôi tiếp tục bước. Bà lại đánh tôi, lần này là vào sau đầu, đủ mạnh để khiến mắt tôi hoa lên. “Mày có dừng lại không?” Bà quát lên. Tuy nhiên, tôi vẫn cứ đi. Ngôi nhà của chúng tôi chạy từ tây sang đông. Với mỗi bước đi, tôi tiến đến gần trang trại Yasgur[8] hơn.

[8] Nơi diễn ra đại học hội Woodstock.

Carlton huýt sáo khi về nhà. Mẹ tôi coi anh như một vị khách trọ ở quá lâu. Anh không để ý. Anh đang đắm chìm trong sự lạc quan. Anh vỗ vỗ má bà và gọi bà là “Giáo sư.” Anh coi bà như một người hiền lành, và quả thực là thế.

Bà không bao giờ đánh Carlton. Bà chịu đựng anh như kiểu những cô gái ở nông trại chịu đựng một con quạ đạo chích, với sự miễn cưỡng quá lâu và vô tận đến mức nó gần giống như là sự tôn sùng. Bà đưa anh một quả táo đã được cọ rửa, và bảo anh bà sẽ làm gì nếu anh để lại vết bẩn trên thảm.

Tôi đang đợi trong phòng chúng tôi. Anh mang về cả mùi nghĩa địa, lớp tuyết cũ và những nhành lá thông ướt đẫm. Anh đảo mắt về phía tôi, miệng gặm một miếng táo, “Có chuyện gì sao, hả Frisco?” Anh hỏi.

Tôi nằm vắt vẻo trên giường, cố thổi chiếc kèn harmonica theo một điệu nhạc của Dylan[9]. Tôi vẫn luôn cho rằng mình có thể tỏ ra khôn ngoan. Tôi trao cho Carlton một cái gật đầu hình thức.

[9] Bob Dylan (sinh ngày 24 tháng 5 năm 1941): ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn tới âm nhạc đại chúng trong năm thập kỉ qua, nổi tiếng với những bài hát chống chiến tranh và ủng hộ nhân quyền.

Anh thả người xuống giường của anh. Tôi có thể thấy một bông nghệ tây nát bấy, bông đầu tiên trong năm, đang dính ở đế giày cao su màu đen của anh.

“Chà, Frisco,” anh nói. “Hôm nay mày quả thực là một người đàn ông.”

Tôi lại gật đầu. Tất cả chỉ có thế thôi sao?

“Chà,” Carlton nói. Anh cười, hài lòng với bản thân và vạn vật trên đời. “Điều đó thật tuyệt.”

Tôi thổi một đoạn mà mình thạo trong bài Blowin’ in the wind.

Carlton nói: “Mày biết không, khi tao thấy mày ở đó rình mò bọn tao, tao đã thầm nghĩ, phải. Giờ mình đang thực sự ở đây. Mày hiểu tao nói gì không?” Anh vung vẩy cái lõi táo.

“Có,” tôi nói.

“Frisco ạ, đây là lần đầu tiên tao và con bé làm chuyện đó. Ý tao là, bọn tao đã nói chuyện. Nhưng cuối cùng khi bọn tao bắt đầu làm thế thì mày xuất hiện. Em trai tao. Như mày đã biết đấy.”

Tôi gật đầu, và lần này là thật. Chuyện đã xảy ra là một cuộc phiêu lưu mà chúng tôi có cùng nhau. Đúng vậy. Câu chuyện đang bắt đầu có ý nghĩa.

“Ôi, Frisco,” Carlton nói. “Tao cũng sẽ kiếm cho mày một con bé. Mày cũng lên chín rồi. Mày trong trắng cũng khá lâu rồi đấy.”

“Thật không?” Tôi hỏi.

“Nhóc ạ. Bọn tao sẽ kiếm cho mày một con bé lớp sáu, một đứa có ít nhiều kinh nghiệm. Chúng ta sẽ cùng phê ma túy và làm chuyện đó dưới những gốc cây trong nghĩa địa. Tao muốn có mặt trong lần đầu tiên của mày, nhóc ạ. Mày sẽ cần một người anh trai ở đó.”

Tôi định hỏi, làm ra vẻ ngẫu nhiên nhất có thể, về mối liên hệ giữa tình yêu và nỗi đau thể xác, thì giọng mẹ tôi vang lên trong căn phòng. “Biết ngay mày sẽ làm thế mà,” bà thét lên. “Mày để dây hết bùn lên thảm rồi kia kìa.”

Tiếp theo là một rắc rối gia đình. Mẹ tôi bắt bố tôi, người cùng đến và đứng ơ cửa với bà, nhìn những vết tích trên sàn. Trước đây ông là một người đàn ông điển trai. Đến nay khuôn mặt ông đã trở nên mệt mỏi do phải chịu đựng quá nhiều. Gần đây ông đang thích làm đỏm – với một chòm râu dê và đôi giày da dê.

Mẹ tôi chỉ những vết bùn hình bán nguyệt dây suốt từ cửa đến tận giường Carlton. Thủ phạm đang đung đưa phía trên chân giường, lấm bùn với vẻ khiêu khích, đôi bàn chân tội lỗi của Carlton vẫn xỏ trong chúng.

“Anh thấy không?” Bà nói. “Anh có thấy nó coi em ra gì không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.