Tỏa Ưng

Chương 39: Tuyệt đối tín nhiệm




Cổ nhân cho rằng vạn sự vạn vật đều hiển hiện ra thành “tượng”. “Tượng” ở đây chính là tượng trong bao la vạn tượng. Bởi thế, mới có câu “vật sinh hữu tượng, tượng sinh hữu số.” Quẻ tượng cổ trên nắp quan tài cực kỳ phức tạp khó dò, nhưng xét về đại thể thì cơ bản giống với quẻ tượng tôi đang nghiên cứu, chẳng qua là suy diễn sâu hơn, bí ảo hơn mà thôi. Tôi chăm chú quan sát một hồi lâu không nói gì, đến khi bọn Shirley Dương lên tiếng hỏi, mới giật mình sực tỉnh, đọc cho cả bọn nội dung khắc ở mặt bên trong nắp quan tài: “Chấn thượng chấn hạ, chấn kinh bách lý.”

Những ký hiệu cổ xưa bên trong nắp quan tài gần tương tự chữ triện kiểu Trùng ngư thời Thương Chu được dùng để khắc đồ án của quẻ “Chấn”, còn các ký hiệu xương cá dài hoặc ngắn lần lượt diễn tả các hào của quẻ Chấn. Kinh Dịch viết: “Chấn hanh, chấn lai hích hích, tiểu ngôn ách ách, chấn kinh bách lý, bất táng chủy sưởng.”[29] Đây chính là quẻ Chấn kinh bách lý, kế đó là phần suy diễn các hào trong quẻ Chấn, có điều, khác biệt quá lớn so với Hậu thiên Bát quái mà tôi biết, nên càng xem càng thấy rối, chẳng hiểu gì cả.

Sau khi trải qua một trận bão lốc, chúng tôi vô tình phát hiện ra cỗ quan tài xích chặt trên xác rùa này, đây có lẽ là một sự trùng hợp gần như kỳ tích, nhưng tôi nghĩ lại, thấy chưa chắc đã là vậy. Những miếng ngọc cổ bọn tôi mua được trên đảo Miếu San Hô cũng ẩn chứa huyền cơ, vừa khéo lại có quẻ tượng Bát quái, từ đây có thể thấy, vùng biển này hẳn phải chôn vùi rất nhiều cổ vật loại này, nhiều đến mức đâu đâu cũng thấy, nhưng hầu hết đều đã bị nước biển xâm thực hủy hoại, không thể nhận diện nguyên vẹn, nên xưa nay đều không mấy được coi trọng.

Mấy người hội Shirley Dương lại hỏi tôi quẻ Chấn này phải giải như thế nào? Tôi giải thích rằng, trong Bát quái, quẻ này có ý chỉ sự thông thuận và sự tỉnh ngộ tu thân, khó nói là hung hay cát. “Chấn” là sấm, “chấn thượng chấn hạ”, ý rằng tiếng sấm trùng điệp không ngừng, giữa trời đất có sấm nổ làm mặt đất rung động, khiến người ta run rẩy toàn thân, qua một hồi lại nói cười như không có gì xảy ra. Sấm nổ ì ùng, chấn kinh cả trăm dặm, nhưng các lễ tế quan trọng vẫn cứ được cử hành như thường. Có sấm nổ, không biết là phúc hay họa, mọi người cảm thấy sợ hãi, đồng thời cũng phải cẩn trọng đề phòng, tránh để xảy ra tai họa.

Minh Thúc và Tuyền béo nghe xong, đều nói thật là khéo quá, vừa trải qua một trận bão to do Long thượng thủy gây ra, trên trời sấm vang chớp giật, thật là khiếp hồn khiếp vía một phen, thế chẳng phải đã ứng với Chấn kinh bách lý rồi đó sao?

Tôi lắc đầu nói: “Quẻ Chấn tuy có tượng sấm động thật đấy, nhưng không phải chỉ mưa gió sấm chớp thật sự gì cả, cũng không phải chỉ việc trời long đất lở. Chỉ có đám thầy bói giang hồ lường gạt mới giải thích như vậy thôi. Vả tại, đồ án quẻ tượng này thâm ảo phức tạp, đại để hẳn có liên quan đến Tiên thiên Thập lục quái của Chu Văn Vương, chỉ dựa vào Hậu thiên Bát quái còn sót lại đến ngày nay để giải đọc thì thực khó mà nhìn ra nổi thâm ý bên trong. Những phàm phu tục tử như chúng ta đây không thể tùy tiện suy đoán bừa bãi được đâu.” Nói xong, tôi bảo Shirley Dương chụp ảnh nắp quan tài làm tư liệu, vật này e rằng có uyên nguyên rất sâu với Quy Khư dưới đáy biển, nếu sau này có cơ hội gặp lại Trương Doanh Xuyên, họa may có thể nhờ anh ta chỉ dạy cho cái sự bí ảo mầu nhiệm bên trong cũng nên.

Nói thì nói vậy, nhưng trong tôi cũng ngấm ngầm có một dự cảm chẳng lành. Chuyến đi biển này, nếu không thể giải được bí mật của Chấn kinh bách lý, sợ rằng cả bọn chúng tôi sẽ gặp phải phiền phức tày trời mất. Có điều, muốn làm được việc này, ắt phải rất hao tâm tốn sức. Tôi không chắc lắm, song cũng không để tâm quá nhiều, đằng nào thì “thuyền tới đâu cầu tự nhiên thẳng, binh đến ắt có tướng ngăn,” sau này bất luận có gặp phải chuyện gì, chỉ cần suy đoán thiên đạo, tùy cơ ứng biến là được rồi.

Tôi xem xét xong nắp quan tài đá, liền khiêng sang một bên, chuẩn bị mở nắp tầng quan tài bên trong. Nghe giáo sư Trần nói văn minh Thanh đồng của người Hận Thiên rất phát triển, vì dân tộc này nắm được cách sử dụng long hỏa, có thể đúc ra Thiên đỉnh. Hôm nay được chứng kiến tận mắt, quả nhiên danh bất hư truyền, nắp và thân quan tài đều đục lỗ, luồn xích đồng to bằng cánh tay người, trải qua bao nhiêu năm tháng, tuy chất đồng đã bị nước biển ăn mòn gần hết, bên ngoài lại bị xác san hô bọc kín, nhưng phần lộ ra ngoài vẫn sáng bóng, cứng rắn chắc bền, khác hẳn với đồng xanh thông thường. Thứ này đúng là hàng thượng hảo hạng, tôi không chút do dự, bảo Tuyền béo cất đi ngay, lớn tiếng xưng rằng, mang về để “nghiên cứu”.

Cả bọn tò mò quây lại xung quanh chiếc quan tài, định xem bên trong có thứ gì hay ho. Shirley Dương đại để biết có khuyên chúng tôi cũng vô dụng, mà óc hiếu kỳ của cô nàng cũng chẳng thua kém tôi chút nào hết, nên chỉ nói trên biển gió lớn, mở quan tài, e là thứ bên trong không dễ gì bảo tồn được, nếu thứ này đích thực đến từ Quy Khư dưới đáy biển, thì bên trong có lẽ là thi thể của người Hận Thiên cũng nên.

Tôi nghe vậy, bèn nói với Shirley Dương: “Thế là từ dưới đáy biển lên à? Vậy có khác gì trong phim Vị khách từ đáy Đại Tây Dương[30] đâu nhỉ, không biết là có đeo kính râm không nữa?”

Tuyền béo nói: “Cũng chưa chắc là vật từ trong hải nhãn trồi lên đâu, không thấy nó được buộc trên lưng con rùa to tổ bố kia à? Chắc là con rùa thành tinh kia bò đi loăng quăng khắp nơi dưới đáy biển, chết ngỏm củ tỏi trong khe rãnh nào gần đây, rồi mới bị dòng nước đen đẩy lên mặt nước, kết quả là bị chúng ta phát hiện ra. Đây chính là cái mà người ta gọi là duyên phận đấy.”

Tuyền béo nói xong, liền móc ra một hộp dầu cù là. Mấy người chúng tôi đều lấy đầu móng tay khêu ra một ít quẹt lên mũi, chỉ có ba người nhà Nguyễn Hắc là ngơ ngác không hiểu gì.

Tuyền béo nói: “Mấy người nhà bác chỉ biết mò ngọc dưới biển, đương nhiên là không thể hiểu thứ quy củ thăng quan phát tài[31] này. Bọn tôi đây là chuyên nghiên cứu cái thứ này đấy, ai cũng biết nếu không đeo khẩu trang thì phải bôi một chút cái thứ này vào, không để hơi xác chết xộc lên làm cho bị sặc.”

Nguyễn Hắc không biết cái lĩnh vực bọn tôi chuyên nghiên cứu ấy là gì, nhưng đã có quy củ như thế thì cũng đành học theo. Hai người Cổ Thái, Đa Linh lại càng vừa tò mò vừa sợ hãi, muốn xem mà không dám xem, nấp sau lưng Nguyễn Hắc, chốc chốc lại tròn mắt ngó nghiêng về phía cỗ quan tài.

Thấy việc chuẩn bị đã xong xuôi, tôi ngẩng đầu lên nhìn sắc trời, lúc này tuy đương lúc thanh thiên bạch nhật, nhưng lại mù mịt mây đen chưa đổ mưa, ánh dương bị mây che khuất. Mặt biển sóng yên gió lặng, dòng nước đen đã lùi đi. Đang ban ngày ban mặt, tôi nghĩ cũng không cần chuẩn bị đến móng lừa đen làm gì, vậy là bèn để chuyên gia mở quan tài Tuyền béo xuất trận. Thuật thăng quan phát tài trong các bí thuật của Mô Kim hiệu úy tuy không có cấm kỵ gì, song cũng có quy củ “mở phía Tây không mở phía Bắc, mở bên trái không mở bên phải”. Những “Đông Tây Nam Bắc trên dưới trái phải” đó đều dùng quan tài làm vật tham chiếu, vì trong các huyệt vị phong thủy thời xưa, những bậc đại phú đại quý đều đặt quan tài theo hướng Nam Bắc. Bắc là đầu, Nam là chân, nhưng cũng có trường hợp xác chết hướng mặt về phía mé bên: người tin Phật thì hướng mặt về phía Tây, hàm ý mong được vãng sinh đến chốn Tây Thiên cực lạc; người theo Đạo giáo thì hướng mặt về phía Đông, hàm ý đón khí lành từ phía Đông đến[32]. Ngoài ra, Mô Kim hiệu úy “mở phía Tây không mở phía Bắc” cũng là để tránh bên trong quan tài có cạm bẫy hại người, ý là: chọn cửa Sinh mà nhường ra cửa Tử.

Quan tài đá dưới biển sâu này tạo hình cổ phác mộc mạc, khá gần với phong cách quan quách đá thời Tây Chu. Tuyền béo lăn lộn bao năm nay, cũng có thể coi như là một nửa chuyên gia nạy quan tài được rồi. Tôi vừa lên tiếng, cậu ta liền đẩy ngay đầu quan tài ra chỗ đầu ngọn gió, như vậy bên trong có khí độc gì, thì cũng bị gió biển thổi bạt đi.

Lớp quan tài bên trong cũng bằng đá chứ không phải bằng gỗ, đen tuyền, nửa trong suốt. Đây là hóa thạch của một loại cổ tùng mọc dưới đáy biển, tên là “Thạch kính”, màu đen nhuận, có hoa văn dạng sóng. Hoa văn này là do nước biển vỗ vào nghìn vạn năm mới thành, càng nhiều đường vân thì niên đại càng lâu, giá trị cũng càng cao. Nhìn những đường vân nước tầng tầng lớp lớp trên cỗ quan tài này, có thể thấy, chỉ riêng cỗ quan tài không thôi cũng có giá trị cực kỳ rồi. Bốn phía quan tài đều được niêm phong rất chặt, Tuyền béo sợ hủy mất cỗ quan tài đắt giá, bèn cố nén cảm giác nóng lòng, động tác hết sức cẩn thận, tốn khá nhiều công sức mới dùng thám âm trảo bật được cái chốt cố định lên.

Tôi ở phía đuôi quan tài trợ sức, bảo những người khác lùi lại mấy bước, rồi cùng Tuyền béo nín thở nhấc nắp quan lên. Chợt thấy một luồng khí trắng trong quan tài phun ra, cùng với luồng thi khí ấy, cái xác bên trong bỗng “binh” một tiếng ngồi bật dậy, đội cả nắp quan tài sang một bên. Người chết ấy hình như là nữ, tóc rất dài, bị gió biển thổi cho rũ rượi, thoạt trông hệt như người sống vậy. Có lẽ tại quan tài bít chặt quá, thi thể sau khi thối rữa trương phình lên, thi khí bị dồn nén bên trong không thoát ra được. Cũng bởi vậy, xác chết được bảo tồn ở trạng thái này từ đó đến giờ. Nắp quan tài vừa bật lên, bị ảnh hưởng của không khí bên ngoài, môi trường bên trong quan tài nảy sinh biến đổi mãnh liệt, cơ thịt của xác chết co rút lại trong nháy mắt, khiến nó thình lình ngồi bật dậy, hệt như là bị thi biến vậy.

Luồng khí trắng phụt ra ấy rất thối, tuy bọn tôi đã ở trên đầu ngọn gió, mũi lại bôi một lớp dầu cù là mỏng, nhưng vẫn cảm thấy thối nồng thối nặc không chịu nổi, lại bị cái xác đột nhiên ngồi bật dậy làm cho giật bắn cả mình, cả bọn vội vàng vừa lùi lại vừa đưa tay bịt mũi. Tuyền béo và Minh Thúc vẫn còn mở miệng xuýt xoa: “Trời ơi là trời, bà chị này sao thối thế nhỉ? Chắc là vị mỹ nhân đây... thuở sinh tiền bị táo bón, sau đó chết vì bí tiện rồi.”

Trong tiếng chửi bới rủa xả không ngớt mồm của Tuyền béo và Minh Thúc, mùi hôi thối nhanh chóng tan đi. Chỉ thấy cái xác ngồi bật dậy trong quan tài toàn thân xanh lét, mình mẩy lẫn mặt mũi mọc kín vảy thịt, mặt xanh nanh vàng, trông tựa như loài ác quỷ. Tôi giật thót cả tim: “Tiên sư cha con bà nó, đây là người à?” Nhưng còn chưa kịp nhìn kỹ hơn, một trận gió biển thổi đến, lớp da của xác chết đã nhanh chóng lún xuống, khô héo tàn tạ. Màu sắc xác chết từ xanh chuyển sang đen, chỉ trong chớp mắt đã hóa thành tro bụi, từ ngoài vào trong, tầng tầng tro đen bị gió biển thổi bay tứ tán, chỉ còn lại mấy mảnh xương tàn rơi xuống bên trong quan tài, chẳng còn hình hài gì nữa. Bọn tôi thấy vậy, cũng biết là cái bánh tông này đã xong đời, cả linh hồn lẫn nhục thể, đều hóa thành bụi trần lịch sử cả rồi.

Minh Thúc đã có nửa đời làm bạn với xác ướp, cơ hồ loại cổ thi nào cũng từng gặp hết rồi, nhưng cái xác nữ trên người có vảy thịt này thì lão chưa từng nghe nói đến chứ đừng nói là được thấy bao giờ. Lẽ nào dưới biển Nam này có người cá thật? Thế thì không phải là người, mà là cá rồi, giống ấy có chết cũng rất chi đáng tiền. Nghĩ vậy, lão bèn lại gần định xem xét mấy mảnh xương tàn còn lại trong quan tài, coi có vây cá hay không.

Nhưng khi cả bọn xúm lại xem, thì thấy mấy mảnh xương cốt còn sót lại vừa đen đúa vừa nát vụn, ngoài mấy cái răng nanh, chẳng còn nhận ra được gì khác nữa. Tuyền béo chẳng hứng thú gì với người chết, cái xác bị gió biển thổi cho tan đi lại càng bớt việc, chỉ chăm chăm cầm thám âm trảo quờ loạn các thứ còn sót lại trong quan tài, xem có hạt châu ngậm trong miệng xác chết không. Thứ ấy thì chắc chắn không thể nào bị gió thổi tan được.

Nhưng trong quan tài bằng thứ đá Thạch kính ấy chẳng có gì nhiều, đáy quan tài chỉ còn một bãi nước trong vắt, bên trong có mấy con vật trông như con tôm nhỏ, cơ thể gần như trong suốt đang quẫy nước cung quăng, thoạt trông chắc cũng chẳng còn sống được mấy nữa. Shirley Dương lấy làm kỳ quái, quan tài đá này bít kín mít mịt như vậy, rồi lại chìm sâu dưới đáy biển cả mấy nghìn năm, làm sao bên trong lại có tôm vẫn còn sống được chứ?

Tôi bèn bảo, điều này thì khoa học tạm thời vẫn khó mà lý giải được, nhưng thuật Phong thủy Thanh ô lại có đề cập đến từ xưa rồi. Giả như trong quan tài có sinh khí quá vượng, tinh khí ngưng kết, trong nước chảy ra từ xác chết rất có khả năng sẽ sản sinh ra những vật dị hóa, cũng tức là, một vài tổ chức trên xác chết biến thành tôm, cá hoặc thể sống gì đó, ngoài ra, cũng có khả năng thứ này là do chính cái quan tài bằng đá Thạch kính hiếm thấy tự sinh ra cũng nên.

Minh Thúc cũng nói: “Chú Nhất nói rất có lý, hồi xưa tôi chạy tàu, từng thấy có người Thái mua được một hòn đá cuội, bỏ hòn đá ấy vào trong cái bát không, sau một đêm, cái bát liền đầy ắp nước trong. Tay buôn người Thái ấy tưởng trong đá có báu vật, muốn tìm hiểu sự bí ảo bên trong, bèn đập ra xem thử, không ngờ bên trong chỉ có một khối nước và hai con cá nhỏ trong suốt, vừa tiếp xúc với không khí liền nhanh chóng chết đi. Vậy là hòn đá ấy chẳng đáng đồng xu nào nữa, tay buôn ấy kích động quá, sém chút nữa thì nhảy xuống biển. Cái sự trong đá có nước, trong nước có cá này vốn là lẽ nhiệm mầu của thiên nhiên tạo hóa, cũng chẳng ly kỳ gì cho lắm, có điều, cái quan tài cổ này mới đúng là tuyệt thế kỳ trân, mọi người xem vân nước bên trên có dày đặc chưa này...”

Minh Thúc nói tới đây thì đột nhiên ngắc ngứ, cả cỗ quan tài đá to tướng thế này, trong khoang thuyền lại đã chứa đầy các loại vật tư thiết bị, làm gì còn chỗ mà chứa nữa? Tuyền béo cười hì hì bảo, đơn giản lắm, tôi thấy ở phía trên khoang đáy còn một tầng kép nữa, gỡ khúc gỗ bên trong ra, há chẳng phải có chỗ để rồi hay sao? Chúng ta đừng lỡ dở thời gian nữa, mau cất hàng đi rồi còn nhanh nhanh lên đường, phía trước còn nhiều thành quả huy hoàng hơn đang chờ đợi đấy.

Thuyền trưởng Nguyễn Hắc nghe vậy thì tái mét mặt, sống chết ngăn cản, không để bọn Tuyền béo và Minh Thúc nhét quan tài đá vào khoang đáy. Tôi thấy thần sắc ông ta có vẻ kỳ dị, biết bên trong ắt hẳn có duyên cớ chi đây, bèn hỏi lại kỹ càng, bảo ông nói cho rõ, rốt cuộc dưới khoang đáy ấy có thứ gì?

Nguyễn Hắc cơ hồ đã sắp quỵ xuống cầu xin, nhưng vẫn không chịu nói cho rõ nguyên cớ: “Dưới khoang đáy có một tầng kép ngăn cách với khoang trên, nhưng tuyệt đối không thể nào dỡ ra được đâu, dỡ ra thì chẳng ai sống nổi hết cả đó.” Nói xong, ông ta lại nhìn Shirley Dương với ánh mắt van cầu: “Cô Dương là người hiểu lý lẽ nhất, xin cô khuyên giải bọn họ với, chuyện này không thể làm được đâu, không thể đâu.”

Chúng tôi truy vấn mãi, Nguyễn Hắc vẫn không chịu hé lộ nửa lời, bị bức bách quá, ông ta cũng chỉ thậm thụt: “Chuyện có bảy người Anh chết trên con tàu gỗ liễu biển này thì các vị đều biết cả rồi. Họ chính là chết ở dưới khoang đáy đó đấy. Tôi chỉ nói được thế thôi, những thứ khác thì xin chịu, tóm lại là thứ ở trong tầng kép ấy không thể xem được, xem là chết chắc đó.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.