Tỏa Ưng

Chương 37: Để cho ta đưa ngươi …




Sắc trời đã hửng, sương mù trên mặt biển loãng dần, tầm nhìn xa tăng lên đến mấy trăm mét, nhưng bên ngoài phạm vi đó, mặt biển vẫn chỉ là một vùng trắng mờ đục. Đứng trên boong tàu nghe tiếng kim loại va chạm loảng xoảng hòa trong tiếng gió, chúng tôi biết là đã có điềm chẳng lành, vẫn còn đang phân vân nghi hoặc, không đoán nổi phía sau tấm màn sương kia xảy ra chuyện gì, thì Minh Thúc đột nhiên phịch ngã xuống sàn tàu, kinh hoảng gào lên: “Cá!”

Gần như cùng lúc, tôi cảm giác có thứ rơi xuống đầu mình, lành lạnh trơn trơn, đưa tay sờ thử, hóa ra là một con cá nhỏ. Cá trên không liên tiếp rơi xuống, cá lớn cá nhỏ đủ cả, không ít con rơi xuống boong tàu, vẫn còn giãy lên đành đạch, lật cái bụng trắng hếu lên quẫy loạn xạ hòng bật trở lại xuống nước. Tôi thầm kêu một tiếng, trên trời sao lại có cá rơi xuống chứ?

Cùng với hiện tượng cá lớn cá nhỏ đua nhau từ trên không lao xuống, mặt biển chấn động như thể có mưa lớn đổ xuống. Bốn bề ầm vang như sấm động, lại có âm thanh tựa như gió thổi vào ống tre, “ù ù ù” kéo dài hàng tràng, không thể nhận ra rốt cuộc là phát ra từ chứ gì nữa. Có điều, trận mưa cá vừa ập xuống, sương mù liên tan nhanh.

Chúng tôi còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã trông thấy phía trước không xa xuất hiện một bức tường nước khổng lồ sầm sập lao tới. Trước bức tường đột ngột đội lên từ đáy biển ấy, con tàu của chúng tôi thật chẳng khác nào một phiến lá khô. Ánh mặt trời le lói ở phương Đông bị bức tường nước chặn đứng, bầu không vừa tan sương tối sập đi, tàu Chĩa Ba cơ hồ như đã rơi xuống một vực sâu đáy biển tăm tối, nghìn vạn năm không thấy ánh mặt trời.

Chúng tôi bị cảnh tượng kinh hồn ấy làm cho chấn động, thảy đều run lên. Biển lớn bình lặng cuối cùng cũng phơi bày bộ mặt hung hãn cuồng bạo của nó, mắt thấy bức tường lừng lững dồn tới, càng đến gần uy thế càng muôn phần đáng sợ. Nước biển dựng đứng, khiến người ta không dám nhìn thẳng, thuyền trưởng Nguyễn Hắc vội xoay bánh lái, không thể cứ tiếp tục xông lên, e rằng tàu Chĩa Ba sẽ bị con sóng khổng lồ đó đập vỡ tan tành.

Tôi tóm cánh tay Minh Thúc kéo lão dậy: “Đây là cái gì? Sóng thần hả?” Hôm qua, lúc hoàng hôn đang buông, tôi quan sát mặt biển, thấy mây đen cuồn cuộn ngút trời thấp thoáng trong màn sương phía đằng Đông, tựa như có quái vật giáng phàm. Đó chính là trạng thái hải khí ngưng kết được nhắc đến trong sách Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, chỉ là không rõ, bức tường nước đang xuất hiện trước mắt chúng tôi đây có phải do hải khí tích tụ mà sinh ra hay không.

Minh Thúc ôm cái phao cứu sinh, chạy vào khoang tàu kêu lên: “Sóng thần cái nỗi gì, chú nhìn kỹ lại mà xem, đó là Long vương gia nổi lên đấy, rồng hút nước...” Kế đó lão hét bảo Nguyễn Hắc bật hết động cơ, tăng tốc hết cỡ, tránh khỏi xoáy nước tạo ra bởi áp lực không khí do hiện tượng rồng hút nước gây ra.

Tôi nghe Minh Thúc nói, mới biết đây là hiện tượng “long thượng thủy” mà những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm nhất cũng phải biến sắc mặt mỗi khi nhắc đến. Long thượng thủy, cũng gọi là “thượng thủy long” hay “rồng hút nước”, trước đây mới chỉ nghe nói đến, chưa được chứng kiến bao giờ, không ngờ lại uy lực nhường ấy. Tôi hét bảo những người khác mau chóng vào khoang, cứ đứng trên boong tàu thế này, không khéo lại bị sóng lớn cuốn xuống biển. “Long thượng thủy” là một trong những sức mạnh mang tính hủy diệt khủng khiếp nhất trên biển khơi.

Trong đạo phong thủy, “long” hay “long mạch” chỉ những mạch núi trập trùng liên miên trên mặt đất hay dưới đáy biển, đây chỉ là một hình ảnh tỉ dụ. Còn trong lịch sử Trung Quốc, “rồng” còn rất nhiều hàm nghĩa đặc biệt khác. Người xưa cho rằng, rồng đứng đầu những loài có vảy, có thể tạo mây làm mưa, lợi cho vạn vật, là một trong bốn linh thú, nhưng cho đến ngày nay, chưa hề có ai chứng minh được trên đời này rốt cuộc có tồn tại loài sinh vật nào như thế hay không.

Những thủy thủ chuyên chạy tàu ngoài biển khơi cũng có nhận định riêng của mình về rồng. Họ tin Long vương gia chắc chắn có tồn tại, nhưng nhắc đến “rồng”, thì chủ yếu để hình dung các hiện tượng thời tiết khủng khiếp, chẳng hạn như “long thượng thủy” trước mắt chúng tôi đây. Hình tượng con rồng khổng lồ trợn mắt lè lưỡi, cưỡi mây đen cuồn cuộn trong các bức họa cổ đại, rất có thể chính là một hình ảnh trừu tượng của hiện tượng có sức mạnh hủy diệt trên biển khơi này.

Trong Kinh Dịch chép: “vân tùng long” cũng có thể lý giải là “rồng tức là mây”, chỉ các yếu tố tự nhiên như khí áp và khí lưu. Khí áp không cân bằng, sẽ sản sinh ra gió. Còn không khí bốc lên, thể tích răng mà nhiệt độ giảm, sẽ hình thành mây. Hiên tượng vòi rồng ở hồ lớn, hay biển khơi, chính là do khí áp cực thấp hình thành nên. Còn hiện tượng “long thượng thủy” này lại do hải khí dưới đáy biển cuồn cuộn phun trào, va chạm với khí áp thấp, thoạt trông tựa như một con rồng khổng lồ từ dưới nước lao vút lên không trung vậy.

Trong Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật thì cho rằng, mạch Nam Long khởi nguồn từ núi Nga My là long mạch lớn nhất thiên hạ, vượt xa Bắc Long và Trung Long bắt nguồn từ núi Côn Luân. Nam Long khởi nguồn từ Nga My, chạy song song với Trường Giang về phía Đông, trong đó có một mạch nhánh đổ ra biển vươn về phương Bắc, án hộ hai nước Nhật Bản, Triều Tiên. Ngoài ra, còn hai nhánh dư mạch khác ngoằn ngoèo chạy xuống phía Nam, rồi quây lại với nhau dưới đáy biển. Vùng biển xoáy San Hô này, chính là nơi hải khí của Nam Long cuộn trào, cho dù không phải mùa mưa bão, nơi này vẫn có gió lốc hoành hành, cũng thường xuyên xảy ra những hiện tượng đáng sợ như “long thượng thủy”. Rồng nước từ đáy biển cuộn lên như núi lửa phun trào, rất nhiều tàu đắm, gỗ đá trầm tích dưới lớp bùn lắng dưới đáy biển sâu, cùng các loài thủy tộc, hễ ở trong vòng ảnh hưởng của vòi rồng, thảy đều bị nó cuốn lấy quẳng lên không trung.

Chúng tôi nhìn khắp bốn phía xung quanh, đều chỉ thấy sóng dâng rợp trời, thế nước như bài sơn đảo hải. Giữa trời và biển chỉ còn lại những bức tường nước khổng lồ, mấy chục con rồng nước “long thượng thủy” cùng lúc xuất hiện, nước biển đổ ngược lên trời. Kinh hãi nhất là trong khoảnh khắc nước biển cơ hồ dựng đứng lên ấy, mặt biển ở giữa những bức tường nước đó lại hoàn toàn phẳng lặng. Mấy chục bức tường nước tựa như ngưng kết, hải khí cuồn cuộn, mặt biển thậm chí còn chưa kịp chấn động dữ dội.

Trong bức tranh tĩnh lặng thể hiện uy lực của thiên nhiên vĩ đại, chỉ có lũ cá và bụi nước bị quăng lên không trung không ngừng rơi xuống đồm độp. Lọt vào giữa những biến đổi kinh hồn của tự nhiên ấy, con tàu Chĩa Ba của chúng tôi, bốn phía trước sau trái phải, thậm chí cả trên đầu, toàn bộ đều bị nước biển màu lam thẫm bao vây, người trên thuyền thật không còn biết mình đang ở nơi nào nữa.

Tàu Chĩa Ba cơ hồ đã bị nước biển hút chặt, khổ sở vùng vẫy giữa vực sâu hình thành bởi những bức tường nước cao ngất trời. Chúng tôi tập trung trên khoang lái, cổ vũ tinh thần cho nhau thêm vững dạ, ai nấy đều muốn tìm được chút lòng tin trên gương mặt người khác, để có thêm dũng khí đối mặt với cuộc khảo nghiệm khó khăn không tưởng tượng nổi trước mắt. Nhưng trước sự biến đổi kinh hoàng của trời đất, tất cả chỉ biết ngơ ngác nhìn nhau, sắc mặt tái đi, xám xịt chẳng khác tro tàn một chút nào.

Đúng lúc ấy, những âm thanh giống tiếng sắt thép va đập chan chát hồi nãy đột nhiên áp sát lại, một cái bóng khổng lồ lừ lừ xuất hiện. Đó là nửa mảnh xác một con tàu lớn bằng kim loại, từ bên trong bức tường chậm rãi nhô ra, nom như cả con tàu treo lơ lửng giữa tầng không, chuẩn bị đổ sầm xuống mặt biển bên dưới.

Một nỗi sợ vô bờ bến chụp xuống đầu tất cả chúng tôi. Trong khoảnh khắc vạn vật tựa như đông cứng đó, phía trên và phía dưới con tàu của chúng tôi gần như đồng thời xuất hiện hai mặt biển. Một mặt biển lơ lửng trên không, một mặt biển bên dưới, nơi tàu Chĩa Ba dù bật hết động cơ cũng không sao vùng thoát ra được. Mặt biển phía trên trút xuống vô số những thứ bị cuốn từ đáy biển lên không trung, những mảnh tàu vỡ, xương cá voi... tóm lại là mọi trầm tích dưới đáy biển đều bị lật tung lên. Trước mắt chúng tôi là nghìn vạn tấn nước biển, bị hải khí cuồn cuộn đẩy lên không trung, chia thành cả trăm bức tường nước lơ lửng trên đầu. Một cái xác tàu đắm khổng lồ cũng bị dòng khí lưu mãnh liệt đẩy lên, nhưng vì ở ngoài rìa vùng ảnh hưởng, nên cũng giống như lũ cá bị hất văng ra, đang chuẩn bị rơi từ trên cao xuống.

Minh Thúc giơ tay chỉ lên cao, há miệng lấy hết sức lực gào thét, nhưng không ai nghe thấy tiếng lão cả. Lỗ tai mỗi người đã bị âm thanh ken két loảng xoảng kia lấp đầy rồi. Tôi biết lão định nói: “Xác tàu đắm rơi xuống rồi, rơi ngay xuống đầu chúng ta.” Nhưng lúc này, ngôn ngữ đã mất đi tác dụng, tôi vung tay lên chỉ sang phía trái, ý bảo Nguyễn Hắc đang cầm bánh lái: “Mau lái tàu thoát ra, không thì cả bọn toi đời...”

Gân xanh trên trán gồ cả lên, thuyền trưởng Nguyễn Hắc dốc hết sức xoay bánh lái. Thân tàu Chĩa Ba rốt cuộc cũng ngoặt sang ngang, cái xác tàu đen ngòm tựa như một quả tạc đạn khổng lồ từ không trung rơi xuống đúng vị trí của mũi tàu Chĩa Ba lúc nãy. Nước biển bùng lên thành cơn sóng lớn, con tàu bị quật trúng thân, chao đi như chiếc lá trong cơn gió dữ, thực đúng là nguy hiểm tiếp nối hiểm nguy, liên miên không dứt.

Xác tàu đắm vừa rơi xuống, tất cả những bức tường nước đột nhiên bị hút cả lên không trung, tách rời khỏi mặt biển bên dưới. Những bức tường nước dày nặng che kín bầu trời, mây đen ngùn ngụt, mặt biển đen kịt một màu, trong chớp mắt, quang cảnh đã tối sầm đến mức ngay sát bên cũng chẳng thấy gì. Sau một khoảng tĩnh lặng ngắn ngủi, cuồng phong bỗng nổi lên, mưa rơi như trút. Cả đời tôi chưa từng gặp trận mưa nào lớn đến thế. Sóng gió cuốn lên, tựa như sông trời đổ ngược nước xuống, mặt biển sôi trào dữ dội. Giữa cơn bão to ầm ầm, tàu Chĩa Ba trên mặt biển thoắt cao thoắt thấp, bị hết cơn sóng này đến cơn sóng khác quăng quật tựa một món đồ chơi.

Mấy người chúng tôi ở trong khoang nắm chặt lấy tất cả những gì cố định có thể bám được bên cạnh mình, cảm giác lục phủ ngũ tạng bên trong lúc như bị đẩy bắn lên trời cao vạn trượng, lúc rơi tuột xuống vực sâu không đáy cùng với con tàu. Cả bọn không ai là ngoại lệ, đều bị giày vò điên đảo thần hồn, dẫu là bất cứ ai, đối mặt với tình cảnh này cũng tuyệt đối không còn tự chủ, chỉ biết tuân theo mệnh trời thôi vậy.

Hải khí tuy đã tan đi, nhưng mặt biển lại nổi gió lốc. Giữa biển khơi sóng dữ cuộn dâng ngất trời, chúng tôi chỉ còn một hy vọng duy nhất là con tàu bằng gỗ liễu biển được người Anh công phu cải tạo này có thể vượt qua khảo nghiệm của thiên nhiên. Có điều, dẫu có là những con sói biển dạn dày kinh nghiệm, Minh Thúc và Nguyễn Hắc cũng không phán đoán nổi trận bão này sẽ kéo dài bao lâu.

Gặp phải tình cảnh này, người khổ sở nhất trong nhóm chúng tôi chính là Tuyền béo. Cậu ta đặc biệt không thể chịu nổi mỗi lần bị sóng cuốn lên không trung, rồi rơi xuống như diều đứt dây. Nước mưa và nước biển không ngừng táp vào cửa kính quan sát của khoang lái, giữa trời và biển chỉ thấy một vùng mờ mịt mênh mông, căn bản không thể phân biệt đâu là trước sau trái phải, sắc mặt Tuyền béo xanh lét như tàu lá chuối, sóng gió tuy lớn, nhưng trên không trung đã không còn tiếng kim loại loảng xoảng như hồi nãy, chỉ nghe Tuyền béo không ngừng lẩm bẩm cầu khấn: “Thiên hậu nương nương phù hộ, Thiên hậu nương nương mau đến phù hộ chúng con với, trở về con nhất định sẽ dâng hương cúng hoa quả tô sơn đắp tượng cho ngài... đệ tử đập đầu lạy trước, mau đến cứu mạng chúng con đi mà...”

Tôi biết Tuyền béo chẳng sợ trời sợ đất gì hết, chỉ sợ có mỗi độ cao. Giờ dẫu có dùng biện pháp cũ, nhắm chặt hai mắt lại cũng chẳng ích gì. Từng cơn sóng khổng lồ liên tiếp ập đến, khiến người ta chẳng kịp rảnh ra lúc nào mà thở lấy hơi nữa. Đến cả thần Phật cũng phải lôi ra cầu khấn rồi, nỗi sợ trong lòng cậu ta lớn đến nhường nào, thiết tưởng khỏi cần nghĩ cũng biêt. Có điều tôi lo Tuyền béo sợ quá bủn rủn chân tay, không khéo lại rơi từ trong khoang xuống biển, vội bảo Cổ Thái với Đa Linh giữ chặt người cậu ta lại, đừng để cu cậu sợ đến u mê đầu óc rồi xảy ra chuyện gì ngoài ý muốn.

Ở trên biển, Minh Thúc chỉ dựa vào chất cồn để thêm can đảm, cứ cắn nút chai nhổ đi, tu ồng ộc từng ngụm lớn, thành ra lại còn trấn định hơn những người khác nhiều. Lão nghe Tuyền béo cầu cứu Thiên hậu nương nương phù hộ, lập tức hồn phi phách tán, nhất thời cuống quýt liền nhét cả miệng chai rượu vào mồm cu cậu: “Thiên hậu... thiên cái đầu mẹ cậu ấy, Tuyền béo ơi là Tuyền béo, cậu có lầm không đấy, lúc này mà còn dám nói lăng nhăng… mau uống rượu, uống rượu bịt cái mồm thối nhà cậu vào.”

Thiên hậu nương nương là bậc thần minh được vạn dân tôn kính, phàm là người đi biển, gặp phải sóng gió, cầu xin Thiên hậu nương nương phù hộ ắt sẽ được sóng yên gió lặng, tàu bè bình yên, linh ứng vô cùng. Nhưng ở đây có một cấm kỵ, “Thiên hậu nương nương” là danh xưng chỉ được dùng trên đất liền, chẳng hạn như lúc vào các miếu thờ Thiên hậu hay Mẹ tổ dâng hương lễ tạ, thì mới gọi ngài là “Thiên hậu”, còn ở trên biển mà gặp phải sóng gió nguy hiểm thì ngàn vạn lần tuyệt đối không được khấn “Thiên hậu nương nương phù hộ”, mà phải khấn rằng “Mẹ tổ phù hộ”. Nói chung là, ở trên biển tuyệt đối không được nhắc đến hai chữ Thiên hậu .

Kỳ thực, Thiên hậu và Mẹ tổ đều là một, nhưng những người quanh năm chạy tàu trên biển, gần như chẳng ai là không mê tín cả. Trong câu chuyện mê tín của người đi biển, nếu gặp phải sóng to gió lớn, tình thế hiểm nghèo có thể lật tàu lật bè, người trên thuyền mà lớn tiếng cầu xin Thiên hậu nương nương cứu mạng, chắc chắn Thiên hậu nương nương sẽ đến cứu. Nhưng trước khi xuất cung, ngài phải bày sắp xếp nghi trượng, mà nghi thức xuất cung của Thiên hậu rất lớn, rất tốn thời gian, đợi đến lúc xa giá của Thiên hậu đến nơi thì sóng cũng yên gió cũng lặng rồi. Vì vậy, trừ phi là đã chán sống, bằng không thủy thủ và khách đi tàu bất kể thế nào cũng không dám gọi Thiên hậu cứu mạng.

Trên biển gặp nguy, nhất định phải gọi “Mẹ tổ phù hộ”, như vậy Thiên hậu có thể nai nịt gọn gàng, ngay lập tức xuất hiện trên biển cứu khổ cứu nạn. Đây là quy ước của nghề đi biển, đã được các thủy thủ già công nhận, vì vậy Minh Thúc vừa nghe Tuyền béo gọi Thiên hậu nương nương, vội vàng cầm chai rượu đổ vào mồm cậu ta, rồi hét lên giữa sóng to gió lớn ngập trời: “Mẹ tổ hiển linh.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.