Tỏa Ưng

Chương 25: Đái Tình uống rượu say




Giáo sư Trần đang nói chuyện âm hỏa tiềm hành dưới đáy biển: người duy nhất sống sót trên con tàu đắm đã kể với những người cứu anh ta một hiện tượng tự nhiên hiếm thấy, ánh lửa dưới đáy biển soi rọi lên mặt nước, chiếu xa cả mấy trăm mét, nhưng nhanh chóng tắt lụi, chỉ như hoa quỳnh nở rồi tàn ngay. Các điển tịch cổ của Trung Quốc nội dung ghi chép liên quan đến việc ngoài biển cũng từng đề cập tới những tình hình tương tự như vậy; bí thuật phong thủy thông thiên triệt địa, dẫu là núi non biển hồ, thuật phong thủy cũng đều có thể giải thích, bởi vì dưới đáy biển cũng có núi non khe vực, có hồ có sông, cũng có rừng sâu, thung lũng. Đạo phong thủy bao gồm bốn thứ: hình, thế, lý, khí: ở hồ lớn biển lớn chủ yếu luận về “khí”, gọi là hải khí, giáo sư Trần tuy không hiểu thuật phong thủy, nhưng ông đọc rất nhiều sách vở, biết được từ xa xưa đã có thuyết này rồi.

Tôi không ngờ giáo sư Trần lại biết âm hỏa có liên quan đến hải khí, đành đối đáp rằng: “Phân tích dựa trên Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật, thì có ba khả năng. Thứ nhất, là ở chỗ hai dãy núi hợp thành hình tròn dưới đáy biển, tất sẽ có hải khí tụ hợp không tan, ánh lửa biến ảo dưới nước mà người ta nhìn thấy rất có thể là ảo ảnh do hải khí tạo nên, hiện tượng này còn được gọi là ‘hải thị thần lâu’, điều này cũng không có gì kỳ lạ; thứ hai, là bởi hải khí dồn tích, tạo thành túi khí đốt dưới đáy biển hoặc gây ra núi lửa phun trào; khả năng thứ ba là lớn nhất, ấy chính là long đăng, hay còn gọi là long hỏa. Tương truyền, thế gian này có bốn loại lửa, là quỷ hỏa, thiên hỏa, nhân hỏa và long hỏa; nhân hỏa gặp nước liền tắt lụi, còn long hỏa trái lại, gặp nước thì cháy bùng lên. Nếu âm hỏa thế lớn, thì đó chắc chắn là long đăng chứ không sai.”

Có điều, tôi lại nói ngay với giáo sư Trần: “Thuật phong thủy thanh ô, hoặc giả cũng có lý lẽ riêng, nhưng nếu tin quá thì ắt sẽ thành ra si mê vọng tưởng. Thuật này xét cho cùng cũng là sản phẩm của thời xưa, tuy rằng có đạo lý thiên nhân tương ứng, nhưng nội dung bên trong không khỏi có rất nhiều chỗ huyền ảo, chẳng hạn như thuyết long đăng long hỏa gì đó, chưa chắc đã có thể tin là thật.”

Nhưng giáo sư Trần lại nói: “Trong vũ trụ bao la này chuyện gì mà chẳng có, thuyết hải khí hải thần gì đó đúng là rất hư ảo xa xôi, nhưng trí tuệ của cổ nhân thì không thể xem nhẹ được, có những chuyện thoạt nhìn tưởng chỉ là hư vô không căn cứ, đó là bởi chúng ta chưa học tập đầy đủ, nghiên cứu chưa đủ sâu, vẫn chưa thể nghiền ngẫm ra được tâm ý của tiền nhân đó thôi, cả đời tôi đắm chìm trong nghiên cứu văn hóa Tây Vực cổ, thời trẻ từng tham gia một đoàn khảo cổ đi khai quật, những trải nghiệm của hành trình ấy đúng là cả đời này cũng không thể nào quên được, chúng tôi đào được một món đồ bằng đồng xanh từ thời nhà Chu ở Liên Nô, gọi là âu Diên Thần của Chu Mục vương, đó là một món đồ đựng thức ăn, trên có hoa văn trang trí, dưới đáy cũng có hoa văn hình sấm sét, đường nét tráng lệ hồn hậu, có thể nói là tác phẩm đỉnh cao của thời đại Thanh Đồng.”

Vào thời kỳ đó, đồng xanh cũng như ngọc đều được coi là báu vật của quốc gia, chỉ được dùng trong những trường hợp quan trọng, để ghi lại những sự kiện quan trọng. Hoa văn trên cái âu Diên Thần của Chu Mục Vương này cũng ghi lại một sự kiện lịch sử trọng đại. cổ nhân nói, “Quy Khư[5]” là vực sâu giữa trời đất, nước trong thiên hạ này bất luận là sông hồ biển lớn, cuối cùng đều đổ cả về Quy Khư, nhưng nơi này vĩnh viễn không bao giờ đầy. Tương truyền vị trí của nó ở Đông Hải, nhưng thuyết này không chính xác, thực tế thì rất có thể Quy Khư chính là hải nhãn ở Nam Hải. Trên âu Diên Thần của Chu Mục Vương chép rằng, ở tận cùng Nam Hải có một nơi được gọi là nước Quy Khư, hiện giờ được gọi với một cái tên thông dụng hơn là nước Hận Thiên. Người dân nước Hận Thiên nắm được bí mật của long hỏa, Chu thiên tử phái sứ giả đến, hy vọng có thể mượn long hỏa để đúc đỉnh. Âu Diên Thần của Chu Mục Vương được đúc ra cũng bởi lý do này.

Từ đây có thể thấy Nam Hải đích thực có long hỏa tồn tại, chẳng qua là các học giả hiện đại chưa thể vén bức màn lịch sử thần bí che phủ nó lên, nên vẫn chưa thể làm rõ được chân tướng của nó mà thôi. Ghi chép về người dân nước Hận Thiên trong lịch sử rất sơ sài lẻ tẻ, cho đến ngày nay vẫn chưa có di tích nào của nền văn minh này được phát hiện, thậm chí vấn đề bộ tộc này có từng tồn tại hay không, đến giờ vẫn còn đang nằm trong vòng tranh luận. Có người suy đoán, vì địa chất biến động nên di tích của nước Hận Thiên bị nhấn chìm xuống đáy biển cả rồi, còn vùng vực xoáy San Hô có âm hỏa dưới đáy biển mà nhiều người đề cập đến sau này, rất có khả năng chính là khu vực văn hóa Hận Thiên từng tồn tại.

Giáo sư Trần giảng giải dông dài một hồi lâu, rốt cuộc thì tôi cũng đã hiểu. Long mạch trong thiên hạ thảy đều phát xuất từ núi Côn Luân, duy chỉ có chi Nam Long là khởi phát từ núi Nga My, chạy song song với sông Trường Giang về Đông, rồi chuyển hướng Nam vào biển lớn, sau đó ở dưới đáy biển hóa thành chín chi mười ba mạch, nơi nào có long hỏa, ấy là nơi có hai chi mạch của Nam Long vây quanh. Con tàu rất có thể bị chìm ở đó. Đáy vùng biển ấy tuy có nhiều rãnh sâu giao cắt chằng chịt, nhưng bên dưới hầu hết đều là đá san hô, nếu đúng là con tàu bị đắm ở đó thì có lẽ cũng không chìm sâu lắm, công việc trục vớt không phải quá khó khăn, nhưng khó là khó ở chỗ địa hình đáy biển phức tạp cùng với hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt trên mặt biển, khiến cho các phương pháp thăm dò truyền thống đều không còn đất dụng võ. Nghĩ đi nghĩ lại, cũng chỉ còn cách vận dụng bí thuật phong thủy, tìm ra ngọn nguồn của âm hỏa thi thoảng mới lại xuất hiện dưới đáy biển kia, rồi lấy đó làm trung tâm, bắt đầu triển khai tìm kiếm con tàu đắm theo phương thức rải thảm mà thôi.

Vùng biển vực xoáy San Hô, nghe tên là biết nơi ấy hung hiểm thế nào, địa hình dưới đáy biển phức tạp như vùng nước xoáy, chẳng những vậy, trên mặt biển một năm bốn mùa đều là bão tố không ngừng, biên độ thủy triều biến ảo khó đoán vô cùng. Hiện giờ đã có rất nhiều người để mắt đến con tàu đắm ấy, vì đó là vùng biển không thuộc quản lý của nước nào, theo công ước quốc tế, những thứ trục vớt được sẽ hoàn toàn thuộc về người trình báo. Bởi vậy, nếu không nhanh chóng tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính, món quốc bảo quý giá này sẽ lại thêm một phen lưu lạc nơi hải ngoại.

Vì lẽ này, giáo sư Trần hy vọng tôi có thể phối hợp với đội trục vớt chuyên nghiệp đi tìm con tàu đắm ấy. Muốn tìm được chính xác long hỏa dưới đáy biển ở đâu, thì cũng chỉ có phương pháp trên xem sao trời, dưới xem mạch đất của Mô Kim hiệu úy là hiệu quả nhất, ngoài việc ấy ra, tôi không phải làm gì khác nữa. Cuối cùng, giáo sư Trần nói: “Đời tôi thì coi như hết rồi, vất vả nghiên cứu mấy chục năm, chỉ toàn gặm nhấm những thứ trong sách vở, già rồi mà chẳng làm nên được cơm cháo gì, chẳng có lấy một công trình độc đáo, rốt cuộc cũng chỉ là một tên thư sinh vô dụng. Muốn làm nên sự nghiệp lớn, chỉ còn biết trông chờ vào những người có bản lĩnh thật sự như mấy cậu đây thôi, lão già này chẳng còn tâm nguyện gì nữa, mong sao trước khi chết tìm được Tần Vương Chiếu Cốt kính về là có thể nhắm mắt được rồi.”

Tôi nghe giáo sư Trần nói rất thành khẩn, biết nếu có cách khác, ông chẳng đến tìm chúng tôi làm gì. Theo lý mà nói, đã là việc của ông, tôi đương nhiên không chối từ, nhưng khó là khó ở chỗ Tuyền béo với Răng Vàng, vốn dĩ cả bọn đều đã sắp xếp để sang Mỹ cả rồi, chẳng lẽ giờ lại bảo bọn họ phải mạo hiểm ra biển nữa? Công tác đả thông tư tưởng bận này xem ra khó mà thực hiện được. Cái gương Tần Vương Chiếu Cốt kia tuy quý giá thật đấy, nhưng tôn trọng lịch sử đồng thời cũng phải tôn trọng tính mạng, đồ cổ có giá trị mấy thì cũng không thể giá trị bằng mạng người được, vả lại cái thứ âm hỏa long đăng kia rất khó lường, đâu phải dễ gì mà tìm thấy.

Nghĩ tới đây, tôi đưa mắt liếc cả bọn một lượt, Shirley Dương tuy chưa gật đầu, nhưng nhìn nét mặt thì dường như đã nhận lời rồi. Với tính cách bừa bãi của cô nàng, gặp những chuyện thế này không cần đợi tôi gật đầu cô cũng sẽ nhận lời ngay. Nhưng tôi đồng thời cũng phát hiện ra Tuyền béo và Răng Vàng đang len lén quan sát thần sắc mình, rõ ràng là đang đợi quyết định cuối cùng của tôi, vả lại nhìn hai bộ mặt đó cũng dễ nhận ra hai thằng chẳng hứng thú chút nào với việc ra biển, xét cho cùng thì bọn này có nợ nần gì giáo sư Trần đâu, dẫu vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính lên chắc cũng chẳng được lợi lộc gì. Tôi đi lính bao nhiêu năm, hiểu rất rõ một đạo lý, quân ta đánh trận bao giờ cũng phải đặt công tác tư tưởng lên hàng đầu, không có sĩ khí thì không thể đánh trận được.

Nhất thời, tôi cũng không nghĩ ra lý do gì để lôi hai thằng theo mình đi mạo hiểm, bèn tạm ứng phó qua loa mấy câu, không lập tức nhận lời giáo sư, bảo cần suy nghĩ thêm mấy ngày, dẫu sao đây cũng không phải chuyện nhỏ, sao có thể bảo đi là đi luôn được.

Trên đường về, hoa tuyết bay bay mù trời, tôi với Tuyền béo không ngồi xe của Shirley Dương, ba thằng vừa đi vừa tán nhảm dưới ánh đèn đường trên con phố phủ tuyết, nói lại chuyện giáo sư Trần nhờ chúng tôi làm. Răng Vàng nói: “Tôi bảo hai anh này, chuyện này chúng ta ngàn lần vạn lần cũng không thể nhận lời, vũng nước đục đừng có mà dây vào, vớt được Tần Vương Chiếu Cốt kính thì không nói gì, không vớt được hay làm nó bị tổn thất gì, ông Trần ấy lại chẳng liều mạng với chúng ta ấy à. Thêm nữa, tôi đây hồi nhỏ đã sống ở ven biển rồi, chuyện dưới biển không đùa được, huống chi còn đi tìm âm hỏa với chẳng âm hiếc gì nữa, biển lớn mênh mông chẳng có đường có lối tìm đếch sao được đây? Cũng may là anh Nhất tỉnh táo, trước ánh mắt uy hiếp của cô Shirley Dương ấy vẫn ung dung nhàn nhã mà kiên định giữ vững nguyên tắc, không nhận lời ông ta...”

Tuyền béo cũng nói: “Tư lệnh Nhất này, tôi tưởng với tính khí xưa nay đấy của cậu, cậu sẽ nhận lời ngay cơ. Vừa nãy uổng công tôi lo sốt vó, mồ hôi ướt sũng cả gan bàn chân rồi đây này. Có điều, thằng nhãi ranh nhà cậu cũng thật không đơn giản, cứ mặt dày mày dạn trơ trơ ra. Tôi tưởng cậu chí công vô tư lắm, ai dè lòng riêng cũng không nhỏ chút nào nhỉ.”

Tôi nói: “Các cậu đừng lảm nhảm nữa, cái gì mà chí công vô tư hả? Bao nhiêu năm nay rồi mà vẫn còn để tôi phải dạy à? Một nửa chữ ‘công’ vừa khéo chính là một nửa chữ ‘tư’[6]. thế mới nói xưa nay công tư vẫn là một, trong tư có công, trong công có tư, nói cái gì mà công tư rõ ràng, chí công vô tư, đều vớ vẩn cả. Dù có giơ cái chiêu bài chí công vô tư ra đi nữa, thì bên trong đó ít nhất cũng có một nửa là tư tâm rồi, từ đây có thể thấy vị tổ tiên đã tạo ra chữ trình độ cũng thật siêu, bằng không sao lại viết chữ ‘công’ như thế chứ? Đúng là quá hiểu bản chất của con người, chỉ riêng hai chữ ‘công tư’ này đã thấu tận ngóc ngách linh hồn con người ta rồi. Nhưng mà nói đi cũng phải nói lại, sở dĩ tôi không lập tức nhận lời ngay tại nhà giáo sư Trần, ấy là bởi lòng riêng nặng quá, lẽ dĩ nhiên, không thể chỉ vì nhất thời nói cho sướng cái mồm mà nhận lời chuyện quá tầm, trượng nghĩa quá đà được. Chúng ta sắp sửa sang Mỹ, lòng ôm chí lớn trải khắp năm châu, phóng tầm mắt nhìn khắp địa cầu, đây mới là chuyện lớn hàng đầu, đợi khi nào phát tài bên Mỹ, hoàn thành giấc mơ, hãy đi giúp giáo sư vớt Tần Vương Chiếu Cốt kính, lúc ấy cũng chưa muộn phải không?”

Nói mồm thì như vậy, nhưng trong bụng tôi hiểu rất rõ, giáo sư Trần cứng đầu cứng cổ lắm, đã quyết chuyện gì thì ba bò chín trâu cũng đừng hòng kéo lại được, vả lại, lần này nếu không chịu giúp sức, chỉ e riêng cửa ải của Shirley Dương tôi cũng không qua được rồi. Nhưng dẫu có lòng góp sức tương trợ, tôi cũng chẳng hề có lòng tin ở cái việc mò kim đáy bể này một chút nào, có đi cũng chỉ uổng công mà thôi. Phàm sự gì không chắc chắn được ba mươi phần trăm thì chỉ đành bó tay, chuyện này đúng là đau hết cả đầu.

Cả bọn vừa về đến nhà đã thấy có người đứng đợi ngoài cổng khu nhà xây theo lối tứ hợp viện, chẳng phải ai khác, chính là lão thương gia Hồng Kông đã phá sản, Minh Thúc. Một dạo không biết lão biệt tích ở đâu, tôi cứ nghĩ lão này không đi Mỹ đào vàng thì cũng rúc về Hồng Kông trốn nợ rồi, chẳng ngờ vẫn ở lại đất Bắc Kinh này.

Minh Thúc giáp mặt liền nói rõ luôn ý đồ. Hóa ra chính là lão gọi điện mời bọn tôi đi ăn bữa cơm, đợi mãi chẳng thấy ma nào ló mặt, đành phải thân chinh mò tới đây, muốn hỏi thăm chuyện hợp tác làm ăn sau khi sang bên đất Mỹ.

Tuyền béo trông thấy Minh Thúc liền cười khì khì, giơ tay ra kẹp chặt lão, hỏi: “Lão khỉ già nhà ông dạo này khí sắc nom khá quá nhỉ, có phải ngọn đèn cạn dầu bùng lên lần cuối không, gần đây không phát bệnh tâm thần phân liệt đấy chứ?”

Minh Thúc vội vàng nói: “Cậu béo này đừng rủa tôi nữa có được không? Tôi đã đặt bàn sẵn ở nhà hàng đợi các cậu đến, vậy mà các cậu chẳng thèm nể mặt, để tôi đợi suông đến tận nửa đêm, tôi là tôi có chuyện nghiêm chỉnh muốn bàn bạc với các cậu đây...”

Tuyền béo lăm le định tống cổ lão ta đi, nhưng tôi sực nhớ hồi trước Minh Thúc thường xuyên chạy tàu ở mạn Nam Dương, sao không đem chuyện đi biển ra hỏi xem có moi được thông tin gì từ lão này không, bèn giơ tay ngăn Tuyền béo, mời Minh Thúc vào nhà, lại thấy lão chưa ăn cơm tối, liền dặn Răng Vàng đi kiếm gì về ăn.

Sau khi vào nhà ngồi xuống, tôi cũng không vòng vo Tam Quốc với Minh Thúc, trực tiếp hỏi luôn chuyện đi biển, lão ta quả nhiên ứng đáp trôi như cháo chảy: “Tưởng gì chứ Minh Thúc này nửa đời chạy tàu rồi, chuyện trên biển tôi nắm rõ như lòng bàn tay, các cậu không tin cứ thử đi hỏi mà xem, đám thương nhân hải tặc ở mạn Nam Dương hễ nhắc đến Lôi Hiển Minh đều giơ ngón tay cái lên khen không ngớt miệng. Mấy trò như nhận biết gió Tín phong, bơi lội, dò địa hình đáy biển... lão thủy thủ già này đều thạo lắm đấy.”

Tôi chán chẳng buồn nghe lão già thổi kèn khen lấy, ngắt lời hỏi luôn xem lão có biết chuyện vùng biển vực xoáy San Hô có âm hỏa hay không? Minh Thúc nghe đến đấy, đang đắc ý bỗng tịt ngóm, cơ mặt thoắt cứng đờ, ánh mắt thất thần mất một lúc. Trong khoảnh khắc ấy, lão tựa như thấy lại thời chạy thuyền ở vực xoáy San Hô, từng gặp phải chuyện cực kỳ khủng khiếp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.