Tiên Thiên Đại Giới

Chương 24




Vào thời điểm nóng nhất mùa hè này, cuối cùng Vân Hà cũng đã hoàn thành mấy môn thi cuối cùng, các công việc còn lại sau khi học sinh nộp đơn vào trường đại học đã được giao toàn quyền cho Văn phòng Học vụ của trường, một tuần cô chỉ cần đến trường ba bốn lần. Vì kỳ thi này mà cô ấy đã gần như bỏ qua mọi công việc trong dịp nghỉ hè. Mấy ngày rảnh rỗi ở nhà, hành tung của Vân Hà đột nhiên trở nên xuất quỷ nhập thần. A Phúc hỏi thì cô ấy nói có một bạn học năm ngoái thi đậu đại học Nam California sắp kết hôn ở San Francisco, hy vọng cô ấy có thể tới giúp.

Công việc ở tòa soạn nhiều hơn Hoài Chân tưởng tượng. Vì trong số những người được chọn trước đó, có một nữ sinh người da trắng tuyên bố “từng làm công việc đánh máy ở mấy tòa soạn”, nhưng tốc độ đánh chữ còn chậm hơn Hoài Chân năm đó bị ép học Ngũ Bút* trên máy trò chơi năm nào. Nhưng có lẽ vì tòa soạn Trung Hoa mới mở thêm báo tiếng Anh, lại có người da trắng đến xin việc nên xem như dát vàng lên mặt. Cô gái ấy, chỉ cần 9 giờ rưỡi buổi sáng đến văn phòng tòa soạn ngồi đó, đợi người Hoa xung quanh tới hỏi ngữ pháp này có phù hợp với văn phong địa phương nước Mỹ hay không, đến 5 giờ chiều lại đúng giờ tan làm ra về, mà tiền lương còn nhiều hơn người ngoài 20 đô la —— vì quyền lợi của cô ấy được hiệp hội công nhân nước Mỹ bảo vệ. Kỳ đầu tiên xuất bản tiếng Anh, có rất nhiều chuyện nhỏ nhặt cần chuẩn bị, những bài báo nào cô ấy không gõ chữ được thì đều đẩy sang cho Hoài Chân làm.

(*Ngũ Bút Tự Hình là phương pháp gõ chữ Hán theo kiểu ghép nét, được xem là nhanh nhất hiện nay, chuyên dành cho người đánh máy chữ Hán chuyên nghiệp, nhanh hơn nhiều so với phương pháp gõ theo cách phát âm bính âm.)

Ngoài ra, tổng biên tập Lôi – một trong những thành viên của Giáo Hội Tin Lành Giám lý có tìm đến Hoài Chân, hỏi cô có sẵn lòng đơn giản hóa lại nội dung ghi chép hành nghề của Huệ đại phu không, để đăng tải trên báo tiếng Anh kỳ đầu tiên.

Hoài Chân nói cô phải về hỏi lại Huệ đại phu đã, bởi vì những nội dung này đều do ông ấy sưu tầm lại trong những năm qua.

Đợi tới lúc cô hỏi thật thì già Huệ lại có vẻ rất mất hứng, nói, tốn công tốn sức nhiều như thế lại viết sang tiếng Anh cho người da trắng đọc, người khác có đọc không?

Nghĩ ngợi đầu đuôi, ông lại bảo: “Không đọc, không đọc càng tốt!” Nhưng sau đó ông lập tức thay đổi chiều hướng, bày tỏ cho cô toàn quyền quyết định những tài liệu đó, cô muốn làm gì thì làm.

Đối với chuyện này, Hoài Chân chỉ coi như ông làm mình làm mẩy. Có thể đăng tải sự tích chói lọi của ông trong nhiều năm qua lên báo chí bằng tiếng Anh, dĩ nhiên Hoài Chân rất vui. Nhưng suy nghĩ lại, từ khi tòa thị chính thúc giục các y quán Trung Hoa thi đậu giấy phép bác sĩ, già Huệ không thoải mái chút nào, làm việc gì cũng hời hợt không nhiệt tình. Có đôi khi lại tự giận mình, y quán mở cửa một tuần bảy ngày thì có ba bốn ngày ông không thèm đến. Lúc ông vắng mặt, phòng khám chỉ mở cửa bốn tiếng đồng hồ buổi tối, vết thương nhẹ hoặc cảm vặt thì còn đỡ, nhưng nếu không phải chứng bệnh thường ngày thì Hoài Chân không dám hốt thuốc qua loa cho người ta. Bệnh nhân đến cửa lại không thấy đại phu đâu, Hoài Chân đành truyền đạt lại ý của Huệ đại phu, khuyên bọn họ đến bệnh viện Đông Hoa hoặc bệnh viện nhà thờ xem bệnh.

Vì những chuyện này mà hai tuần qua, Hoài Chân bận rộn tới nỗi không ngủ đủ giấc. Đợi tới lúc rảnh rỗi hỏi Vân Hà gần đây lén lút âm mưu chuyện gì thì đã là một tuần sau.

Trưa hôm đó vừa ăn cơm xong, có vài chiếc áo sơ mi nhãn hiệu ghi bằng tiếng Nhật được đưa đến. A Phúc còn đang băn khoăn thì Vân Hà ngồi cạnh bỗng thốt lên một câu tiếng Nhật. Vừa dứt lời, người nhà đều nghe ra được manh mối. A Phúc nhìn thẳng cô, không nói một lời đi xuống lầu. Vân Hà tự biết lỡ lời, cầm bát lên uống canh hòng che mặt mình đi.

Buổi tối, Hoài Chân chui vào trong chăn Vân Hà hỏi, rốt cuộc cũng biết được lý do, chính là vì cô gái học đại học Nam California đến San Francisco kết hôn.

Vân Hà nói: “Là chị dâu của Hayakawa, anh trai cậu ấy quen chị ấy lúc ở Thượng Hải, về sau vì anh ấy mà giấu người nhà thi vào đại học Nam California, lại giấu người nhà kết hôn ở San Francisco. Tuần sau bọn họ sẽ đính hôn ở vườn trà Nhật Bản, cô dâu không có người nhà ở Mỹ, lại không thể ở nhà đằng trai được nên đã tự tìm khách sạn Tô Châu ở phố người Hoa, gọi chị đến chơi với chị ấy.”

Còn nói là hai năm trước nhà cô ấy từ Hàng Châu chuyển đến Thượng Hải, cha là một di thiếu*, làm giáo sư ở Chấn Đán, gia trưởng bảo thủ. Biết cô ấy đang yêu thì quát tháo cô ấy ở ngay trước mặt học sinh: “Ngày nay trường học luôn cố dạy nữ sinh “câu chuyện của Nora”, con tưởng ta không biết hả? Sớm biết thế đã không cho con đi học! Ngay đến vũ nữ cao cấp hầu rượu ở Thượng Hải cũng biết cái gì gọi là nỗi hận mất nước! Còn con lại không biết phân biệt!” Từ khi cha quát mắng cô ấy lần đó, đến nay vẫn chưa mở miệng nói chuyện với cô ấy nửa câu.

(*Di thiếu: người trẻ tuổi còn trung thành với triều đại trước.)

Rồi còn vì hôn lễ vẫn phải đến nhà thờ, vì cô ấy không mặc áo ngực, cho nên hôm đó chưa kịp thử váy cưới. Cô ấy nói mặc dù ở trong nước Hồ tiến sĩ khởi xướng vận động không mặc áo ngực mấy năm, nhưng bị những nghị sĩ Thượng Hải – bao gồm cả cha cô mắng như thế là “dâm phục”. Con gái ở ký túc xá trong trường đều mặc, song cô ấy lại chưa mặc bao giờ, cũng chưa từng hỏi đến, song vẫn rất tò mò: “Thứ này là để làm ấm ngực hay gì?” Làm Vân Hà cười bò một trận.

Có lẽ Vân Hà bị cảm động lây nên thổn thức mãi.

Hoài Chân bỗng hỏi cô: “Vậy không phải đến ngày đính hôn ở vườn trà Nhật Bản, anh Hayakawa chính thức mời chị đi gặp người nhà mình sao?”

Vân Hà vẫn đang thao thao bất tuyệt, nghe cô nói vậy thì đột ngột ngẩn ngơ.

Hoài Chân nói, “Chị thấy chị gái kia phải trả giá đắt để kết hôn là cãi nhau quyết liệt với cha, nên mới đau lòng thay chị ấy. Nhưng gia quy của người Nhật rất nhiều, Hayakawa sẽ nói với người nhà, chị cũng không thể giấu người nhà cả đời được, đúng không?”

Có lẽ Vân Hà cũng cảm thấy tương lai của mối tình này khá mù mịt, quay đầu nói, “Hoài Chân, em để chị suy nghĩ đã.” Rồi cô ấy trở mình trợn mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, hoàn toàn im lặng.

Chủ nhật này, cô cùng Vân Hà sẽ đến phố Grant thăm chị gái kia, vì nghe nói có một tiệm bánh Đông Phương có thể làm được bánh cưới dùng trong “hôn lễ văn minh” ngon nhất toàn nước Mỹ. Cô ấy rất giỏi ăn nói, vừa thấy Hoài Chân thì lập tức khen ngợi, “Bây giờ người Thượng Hải hay khen con gái trẻ tuổi dáng dấp đẹp, cũng khoe bọn họ giống một tiểu Phương Đông. Nhưng em gái Trung ở Mỹ chúng ta ấy mà, còn đẹp hơn các em Đông Dương ở Thượng Hải nữa.”

Đến tiệm bánh Đông Phương đặt mười hai hộp bánh ngọt cùng một loại, sau đó cả ba nhân tiện đánh chén bữa ăn 50 cent một suất ở phòng ăn Tam Nguyên Trà, một bữa ăn rất qua loa của người dân trên phố tài chính – kiểu giống như cơm chiên, đậu xào xá xíu, trứng phù dung hoặc tôm chiên.

Ở trên bàn ăn, cô ấy kể về các tin đồn thú vị ở Nam California với cô gái sắp thi đại học: ký túc xá nữ sinh là phòng bốn người, rất yên tĩnh; nếu không gấp rút tốt nghiệp thì chương trình học cũng khá nhẹ nhàng; có thể mượn sách miễn phí ở thư viện; gần như đêm nào cũng có dạ vũ; cứ đến cuối tuần, các chàng trai lại lái xe chở cô gái mình thích đến sa mạc hoặc bãi biển gần đó chơi; đôi khi Hollywood sẽ đến trường tìm các sinh viên có ngoại hình dễ nhìn làm diễn viên tạm thời, nghe nói đạo diễn Irving Thalberg đã mua bản quyền cuốn “The Good Earth” của nhà văn Pearl S. Buck, bọn họ sẽ xây dựng một vùng nông thôn Trung Quốc rộng 500 mẫu Anh ở gần thành phố Santa Barbara, sẽ tuyển dụng hơn 4.000 quần chúng Trung Hoa, trong đó có 65 người có lời thoại, mọi sinh viên ở phố Trung Hoa ở phố người Hoa Los Angeles và Đại học Nam California nghe tin này thì đều sôi sục…

Trước khi chia tay, cô ấy kéo Hoài Chân và Vân Hà lại, nói hy vọng có thể sớm gặp lại nhau ở vườn trà Nhật Bản. Ngoài hai em ra, còn có vài người bạn đại học của chị cũng đến nữa.

Vân Hà lập tức nắm tay Hoài Chân nói, vậy hẹn gặp chị ở vườn trà Nhật Bản.

Hoài Chân biết, thế này coi như là “được” mời rồi.

Tối hôm đó, rốt cuộc Vân Hà cũng nói thật với A Phúc.

Lần đầu tiên A Phúc không nổi giận.

Ông nghĩ ngợi rồi bảo Vân Hà: “Từ nhỏ con đã học tiếng Trung tiếng Anh, hòa chung những thứ ưu tú nhất ở Mỹ và Trung Quốc lại với nhau. Con sinh ra ở Mỹ, là công dân Mỹ, nên cũng phải tiếp nhận nền văn hóa Mỹ, không cần phải nhất nhất đều theo thói Trung Hoa. Nhưng không có nghĩa cha hy vọng con là một người Mỹ. Mặc dù không thể trông cậy con hiểu được tình cảm xa nước nhớ làng là gì, nhưng con phải luôn nhớ mình là người Mỹ gốc Hoa, cha không thể như thời đại phong kiến giam cầm con ở nhà mãi được. Con cũng tốt nghiệp trung học rồi, tuy cha không ủng hộ, nhưng không nhắc đến thì không có nghĩa con không thể làm như vậy. Con có thể thử hẹn hò xem sao…”

Đúng lúc Vân Hà muốn nhảy cẫng lên ôm cổ A Phúc hôn chụt vào đầu ông, thì A Phúc lại nói: “Đi thì đi, nhưng chỉ là một cuộc hẹn bình thường mà thôi, không liên quan gì đến gặp cha mẹ cả. Cha đồng ý con và Hoài Chân có thể đi chơi cùng bạn bè, cùng em gái quen thêm bạn bè cũng tốt, nhưng đừng nhắc đến chuyện khác. Em gái đi theo chị đi, cũng nhớ đừng để chị quá mải mê ham vui.”

Hoài Chân nín cười đáp vâng, bảo, chú Quý yên tâm đi ạ, nhất định con sẽ coi chừng chị ấy.

Vân Hà do dự, rồi vẫn hôn chụt lên vầng trán của cha.

Hoài Chân cảm thấy, xem ra gần đây A Phúc theo các dì ở Giáo Hội Tin Lành Giám lý bắt đầu học tiếng Anh, vẫn có chút hữu dụng.

Dạo này tiệm giặt A Phúc có thuê một người mới – là vợ bé của thương nhân đã ly hôn với vợ người da trắng, được đưa từ quê ở trong nước đến Mỹ. Vì cô ấy đến Mỹ muộn nên khi tới San Francisco, con trai con gái của bà vợ trước đã lên tiểu học, cô ấy ở nhà rảnh rỗi nên muốn đi làm thêm bù vào chi phí tiêu dùng trong nhà. Phụ nữ nông thôn có thể chịu được vất vả, tay chân nhanh nhẹn, tuy kém hơn A Phúc nhưng cũng có thể san sẻ không ít công việc giúp ông. Tuy trên hợp đồng chỉ viết là 20 đô, nhưng A Phúc sẽ trả thêm cho bà ấy 5 đến 10 đô.

Vì vẫn chưa thuê được nơi phơi quần áo, Hoài Chân và Vân Hà bèn nối dây câu lên cửa sổ tầng hai, tạm thời sung làm dây treo quần áo. Điều duy nhất không đủ đó là, một mặt cửa sổ quay về sân không mở ra được.

Hoài Chân và Vân Hà đã đến các nhà hàng mà những người da trắng thường lui tới ở Phố tài chính, hỏi họ có bằng lòng mỗi tháng nhận 50 cent, cho phép các cô dán quảng cáo tiệm giặt A Phúc lên trước cửa được không. Giấy quảng cáo do Hoài Chân và Vân Hà viết tay, ngoài chữ tiếng Trung nắn nót của Vân Hà, còn có mấy con người nhỏ theo phong cách manga do Hoài Chân dùng bút thép vẽ. Giấy quảng cáo rất bắt mắt, lại thêm vì giá giặt rẻ hơn một nửa so với tiệm giặt của người da trắng, nên quảng cáo nhanh chóng phát huy tác dụng, việc làm ăn ở tiệm giặt A Phúc cũng ngày càng khấm khá.

Vì hai công việc nên gần đây chỉ có Vân Hà giúp đỡ trong tiệm. Chỉ có chiều thứ bảy và chủ nhật là Hoài Chân có được hai giờ rảnh rỗi, tranh thủ thay Vân Hà đứng sau quầy nghe điện thoại. Tới khi nhận được cuộc gọi ở Falmouth bờ Đông gọi đến lần hai thì đã là hai tuần sau đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.