Tiên Thiên Đại Giới

Chương 15




Lúc cha của Seol Rae và mấy chú Triều Tiên rời đi, Hoài Chân đưa tiễn họ đến trạm xe phố Clay.

Trước khi lên xe, mấy chú kia không nhịn được hỏi: “Lạ thật đấy, vì sao người Hoa không nói tiếng Anh?”

Hoài Chân nghĩ ngợi rồi đáp, “Bởi vì có rất nhiều người Hoa đều bị vây trong xã khu này, cho nên không cần phải giao tiếp với người da trắng.”

Cha Seol Rae nghe xong thì cười xởi lởi: “Bọn họ không quan tâm có nói tiếng Anh hay không, vì không ai trong số họ phải nói cả!”

Hoài Chân cảm thấy xấu hổ, chỉ biết cười xòa.

Cha Seol Rae còn nói, “Nhưng chú rất thích họ. Nếu có thời gian, có thể thường xuyên đến làm khách được không? Vì bọn chú có rất nhiều quần áo cần giặt.”

Hoài Chân vội bảo, “Được chứ ạ! Hoan nghênh các chú ghé đến.”

Các chú người Triều Tiên đã đem lại mối làm ăn cho tiệm giặt A Phúc, cũng khiến A Phúc làm lụng mỗi ngày 14 tiếng vẫn không đủ. Dù từ lâu La Văn đã đề nghị ông tuyển thêm người giúp việc, nhưng việc làm ăn trong tiệm giặt có hạn, A Phúc không rảnh, cũng lười nghĩ cách thay đổi.

Lần này thì hay rồi, khách đến cửa, phải vội vã thuê người thôi.

La Văn đề nghị với A Phúc: “Tuyển một người biết nói tiếng Anh đi. Ở thành phố San Francisco ai kiếm tiền dễ nhất? Vì ông không biết tiếng Anh nên mới đánh mất nhiều khách da trắng.”

Vân Hà nhắc nhở mẹ: “Biết tiếng Anh thì tiền lương thấp nhất cũng cao gấp ba lần người không biết tiếng Anh. Hơn nữa trên phố người Hoa này, có ai biết tiếng Anh mà chịu làm cho tiệm giặt của người Hoa không?”

A Phúc bèn cười, “Khoan nói chuyện giặt hay không giặt đã, giờ đến chỗ phơi đồ cũng không đủ đây.”

Hoài Chân bèn bảo: “Hay là ta lắp điện thoại đi ạ?”

Mọi người cười nói, “Em gái à, lắp điện thoại mất hơn 100 đô. Một tháng cũng trả chi công ty điện thoại hơn 10 đồng, cộng lại rồi thêm mấy đô la thì chừng đó cũng đủ để tuyển một người biết tiếng Anh rồi.”

Hoài Chân lại bảo, “Không phải gần đây đang khuyến khích nói điện thoại trong khoảng từ 7 đến 8 giờ sáng và 9 đến 10 giờ tối ạ, không phải hai khung giờ này miễn phí sao? Gọi lúc này thì cả con và Vân Hà đều ở nhà, nếu có ai gọi đến, bọn con chỉ cần chia nhau ra nghe máy là được, mỗi ngày chỉ chiếm dụng một chút xíu thời gian đưa quần áo và nghe điện thoại thôi. Rồi ta lại dán quảng cáo bên ngoài, viết là miễn phí tiền điện thoại nếu đưa quần áo vào lúc này. Chú Quý cũng không cần tốn 20 đô để tuyển người không biết nói tiếng Anh nữa, nhân tiện sáng sớm đưa quần áo…”

Bàn ăn tối rơi vào im lặng.

La Văn là người đầu tiên đứng dậy đi lấy bàn tính, lạch cạch một hồi, dự tính mỗi tháng thu nhập tăng hơn gấp hai.

Sau khi kiểm tra lại xong xuôi, La Văn không nén nổi vui mừng, “Thời gian trước tôi có nghe phu nhân người da trắng trong nhà kia nói, vì rất chán nên buổi sáng có nhiều người da trắng sẽ đi qua đây, mua cơm hộp do gia đình người Hoa chuẩn bị; cũng có vài người muốn đến phố người Hoa mua quần áo giá rẻ ở cửa hàng Trung Quốc. Để tỏ lòng khích lệ, chính quyền thành phố đã cho vài cửa tiệm ở phố người Hoa ưu đãi lắp đặt điện thoại, nếu hộ gia đình nào có làm ăn thì có thể đến tòa thị chính xin đơn. Bà ấy còn nói, chỉ cần xuất trình chứng minh tăng thu nhập và nộp thuế mấy tháng gần đây là được, nếu trong nhà có kế hoạch mở rộng cửa hàng thì có thể xin được.”

Trên phố người Hoa có nhiều cửa hàng lớn, công ty lớn, làm sao cơ hội tốt này có thể đến lượt chúng ta đây?

Nghĩ ngợi một hồi, đột nhiên Hoài Chân hiểu ra.

Có thể chứng minh thu nhập thuế đã dọa được những đại phú thương kia lùi bước. Mấy cỗ máy kiếm tiền bòn rút của cải của chủ nghĩa tư bản đó, nào dám vì một chiếc máy điện thoại mà để lộ việc trong nhà mình có tiền ở trước mặt chính phủ nước Mỹ?

Thế là bắt đầu từ hôm đó trở đi, tiệm giặt A Phúc trở nên lu bù, mọi người trong nhà đều cố gắng vì cuộc sống mới.

La Văn không còn nhắc lại chuyện muốn chuyển nhà, không muốn làm vợ thương nhân sống trên lầu nữa. Nhưng bà vẫn băn khoăn về đồ dùng trong nhà, Hoài Chân biết La Văn thật sự đã xem mình là nửa con gái rồi, đang có ý định nuôi con gái.

Quý Hoài Chân là một phần của cái nhà này. Nghĩ thông suốt chuyện này, buổi xem mặt hôm đó, đối với Hoài Chân thì không chỉ đơn giản là xem mặt.

Hoài Chân kết thúc kỳ thi vào trường trung học công lập Công nghệ khá thuận lợi, thậm chí còn phát huy rất cao —— may mắn là kiến thức khoa học khó hơn vẫn chưa phổ biến trong thời đại này, chứ đừng nói đến là trong bài kiểm tra đầu vào cấp ba.

Ông chủ Lương tự mình lái xe hơi, chở vợ chồng A Phúc và La Văn cùng đến ngoài cửa trường trung học Công nghệ chờ hai chị em.

Bị hỏi thi thế nào, Hoài Chân không chút do dự đáp: “Con hy vọng có thể nhanh chóng đi học chung trường với chị.”

Ông chủ Lương cười to, nói cô bé trả lời thẳng thắn lắm.

Nhà hàng Thượng Hải của nhà họ Lương là nhà hàng lớn thứ năm trên phố người Hoa ở San Francisco, cũng là nhà hàng đầu tiên phổ biến “dạ tiệc kiểu gia đình”, có đại sảnh có thể tiếp đãi lên đến hai trăm người, khách đến nhà hàng bao gồm người gia trắng ở giai cấp trung lưu; rất nhiều gia đình Trung Hoa có tiền cũng sẽ chọn nơi đây để tổ chức tiếp đón khách trong nước đến, hoặc là tiệc rượu như đám cưới chẳng hạn.

Vì tối nay lầu một đã có gia đình tứ ấp ở Giang Môn thuê tổ chức tiệc họ hàng, nên những người khác trong nhà họ Lương chuyển sang chờ sẵn ở gian phòng nhỏ.

Tuy tên là nhà hàng Thượng Hải, song cả nhà chỉ có mỗi bà Lương là người Thượng Hải chính gốc. Nổi danh nhất ở nhà hàng là đồ ăn Thượng Hải của đầu bếp Thượng Hải, vì chiếu cố đến khẩu vị của mọi người nên thức ăn tối nay vẫn theo kiểu phố người Hoa: bốn món lạnh hai món nóng, thêm hai món cháo hải sản cải xanh.

Ông chủ Lương có tướng mạo của người Quảng Đông điển hình, lưng hơi gù nhưng thoạt trông rất có tinh thần.

Bà Lương dáng người nhỏ, mặc sườn xám trắng in hoa hồng, vô cùng thanh lịch, luôn mồm lẩm bẩm, “Thằng bé A Khải này sao mãi chưa đến?”

Chị dâu bà ở cạnh đùa: “Cũng đừng để con gái người ta phải vấp chân nha.”

Người nhà ai cũng thấp bé, chỉ có mỗi Lương Gia Khải là cao ráo cường tráng. Anh ta khoan thai đi đến ngồi xuống giữa cha mẹ, sừng sững như một ngọn núi, làm A Phúc và La Văn sợ hãi. Hoài Chân cảm thấy, có lẽ hơn phân nửa anh ta không biết tối nay là tiệc xem mặt, hoặc chí ít không biết rốt cuộc đối tượng của mình là cô hay Vân Hà, bởi vì lúc ông chủ Lương nói anh đến trễ phải bị phạt rượu, anh ta sảng khoái uống cạn, sau đó thản nhiên ngồi xuống, không hề nhìn cô và Vân Hà lần nào.

Có điều anh ta sẽ nhanh chóng biết thôi. Vì dần dà anh ta phát hiện, cha mẹ không bàn luận chuyện làm ăn với cha mẹ đối phương, mà chỉ trò chuyện với hai cô gái ngồi đối diện. Nói một hồi, cuối cùng đề tài lại tập trung vào chuyện xấu, sở thích và việc học của mình và cô gái bé nhỏ trước mặt.

Đột nhiên trong chớp mắt anh ta bừng hiểu, vẻ mặt vô cùng thú vị. Mới đầu anh ta còn phụ họa cười nói cùng cha mẹ, nhưng lúc cúi đầu uống canh củ cải nầm bò thì động tác đột nhiên khựng lại, lật tròng mắt liếc nhìn Hoài Chân.

Sau cái nhìn ấy, anh ta không còn cười nữa mà luôn quan sát Hoài Chân, nhìn lần nào là lại kém hài lòng lần ấy.

Nhưng Hoài Chân thì, mỗi lần anh ta nhìn là cô lại vui vẻ hơn.

Có lẽ bà Lương cũng nhận ra điều đó. Bà không ngừng gắp thức ăn cho con trai, luôn miệng bảo, “Lâu lắm rồi A Khải mới về nhà, giờ ăn đồ của bác Trương cũng không hợp khẩu vị rồi!”

Lương Gia Khải cau mày nói, “Mẹ, không cần phải gắp thức ăn cho con đâu.”

Ông chủ Lương vội xin lỗi nhà họ Quý: “Hai mẹ con lâu rồi không gặp nhau, nên dễ ồn ào.”

Buổi xem mặt này hơn phân nửa đã thất bại, nhưng ông Lương và người nhà họ Quý vẫn chưa phát giác, vẫn còn nói chuyện Hoài Chân và Lương Gia Khải. Hoài Chân nắm chặt tay Vân Hà ở dưới gầm bàn, cô ấy lại khó hiểu hỏi Hoài Chân: “Em gái sao vậy?” A Phúc nói một chuyện xấu của Hoài Chân là cô ấy lại tiếp lời, tình cảnh hết sức khó xử.

Cho đến khi A Phúc bảo gần đây trong nhà làm ăn khấm khá, chủ ý muốn xin lắp điện thoại là do con bé này thông minh nghĩ ra, thì tình cảnh mới có chuyển biến.

Ông chủ Lương lập tức hỏi: “Có phải nếu trình chứng minh thu thuế và mở rộng cửa hàng với chính quyền thành phố, thì sẽ được lắp máy điện thoại miễn phí không?”

A Phúc nói, “Đúng đúng, chính là nó.”

Ông chủ Lương suy nghĩ, kể ra thì nhà bọn họ cũng có ba cửa tiệm mặt tiền trên phố Washington, có một cửa tiệm hai tầng dùng để dành đồ cổ, gần đây đang bán bớt đồ cổ đi nên dư khoảng lớn không có chỗ dùng, nhưng hằng năm vì diện tích cửa hàng mà phải nộp thuế cao cho chính quyền…

Phạm vi đề tài dần thu hẹp, Hoài Chân thấy Lương Gia Khải ăn không nhiều mấy, bèn bảo, “Sáng nay mẹ mua được rau tươi ở chợ rau, vẫn hay than phiền mắm tôm ăn hết rồi không có đồ ăn kèm. Con muốn đến chợ thủy sản xem có tôm giảm giá không, có thể gọi anh A Khải đi cùng con và chị Vân Hà được không?”

Ông chủ Lương vui vẻ ra mặt, “Được được, chợ thủy sản ở hẻm bên kia vừa hôi vừa bẩn, giờ cũng sắp tối rồi, sao có thể để con gái đi một mình được.”

Lời này của Hoài Chân cũng đã cứu luôn Vân Hà. Vì gần đây vườn trà Nhật Bản ở công viên Cổng Vàng đang tổ chức lễ hội mùa hè, hôm nay là ngày đầu tiên, buổi tối có biểu diễn múa lửa, bọn họ đã hẹn xong ăn tối sẽ đi cùng nhau, nhưng mãi mà Vân Hà vẫn không tìm được cớ.

Vân Hà nửa đường chạy trốn, chỉ còn lại Hoài Chân và Lương Gia Khải đi trên đường sá phố người Hoa.

Lương Gia Khải cảm thấy có lẽ hoặc ít hoặc nhiều cô thích mình, nếu không vì sao lại mượn cớ mua thủy sản mà hẹn mình ra ngoài? Nên dọc đường đi anh ta chỉ sầm mặt không nói gì.

Thật sự là sau bữa ăn này, dáng dấp Lương Gia Khải ra sao Hoài Chân còn chẳng nhớ nổi. Có lẽ vì cô không nhìn kỹ, hoặc có lẽ vì Lương Gia Khải có gương mặt quá điển hình ở phố người Hoa, thậm chí gương mặt ABC* tự xưng là quý tộc này vẫn tiếp nối đến tận phố người Hoa ở London vào thế kỷ 21. Cô cảm thấy Lương Gia Khải và những quán ăn ở phố người Hoa Luân Đôn sau những năm 80 có mấy phần giống nhau. Đa số bọn họ không học hành chăm chỉ, vừa nhìn thấy khách Trung Quốc lớn tiếng ồn áo trong nhà ăn là lại giễu cợt bọn họ là “FOBs (Fresh off the boats), dân mới nhập cư”, thích ăn chơi lêu lỏng với các cô gái phương Tây, nhưng cuối cùng đa số bọn họ lại kết hôn với cô gái xinh đẹp FOB vì tấm thẻ xanh của mình.

(*ABC tức American born Chinese, là những người con Trung Quốc sinh ra ở đất Mỹ.)

Hoài Chân tò mò hỏi: “Anh Gia Khải nghỉ hè rồi à? Có kế hoạch đi chơi đâu chưa?”

Anh ta lạnh lùng nói, “Ờ, vốn kế hoạch là đi thuyền đến châu Âu với bạn bè ở bờ Đông, nhưng tự dưng bị cha mẹ gọi về, tưởng là có chuyện gì lớn.”

Hoài Chân đáp, “Đúng là tiếc thật đấy.”

Lương Gia Khải bảo, “Không có gì tiếc cả. Tối mai tôi đi máy bay từ Oakland đến Boston, rồi từ đó đến Hamburg hội ngộ bạn bè.”

Hamburg… Hoài Chân ngẩn ngơ một hồi.

Sau đó cô nói, “Nơi đó có phố người Hoa duy nhất ở Đức.” Có điều về sau vì người Hoa giúp người Do Thái xuất cảnh chạy trốn đến Thượng Hải, Đức quốc xã bắt đầu đuổi đánh người Hoa, từ đó phố người Hoa dần dần bị tàn phá, giờ đây đã không còn nữa rồi.

Lương Gia Khải ngạc nhiên, “Cô từng đến đó rồi sao?”

Hoài Chân chớp mắt, “Không có. Có điều vì muốn đi nên từng tìm hiểu thôi.”

Từ lúc ấy trở đi, Lương Gia Khải trở nên nói nhiều hơn, mà đa số đều khoe khoang này nọ, vì chàng trai người Hoa này ngoài việc nhà có tiền ra thì hầu như không có ưu điểm nào khác. Điều này khiến cho anh ta vừa mở miệng đã lập tức để lộ thật ra mình là người không có nội hàm.

Anh ta nói thật ra người da trắng không kiêu ngạo, vì đa số những bạn học da trắng ở trường bọn họ chỉ có tâm nguyện cả đời là một lần đến Paris, đúng là đám người vụng về!

Còn nói đồ ăn châu Âu phong phú hơn Mỹ nhiều, đúng là đám người Mỹ mù chữ!

Hoài Chân đề nghị, “Anh có thể đến trạm xe trung tâm Hamburg ăn lạp xưởng cà ri ăn nhanh, thêm Mayonnaise, đừng bỏ tương cà, đó là một quán ăn đã hơn trăm năm, nhưng lúc về nhất định phải nói cho tôi biết có ngon hay không đấy.”

Thật ra cô chỉ muốn làm thử nghiệm một lần. Bởi vì trước kia mỗi lần đi qua quán bán cà ri lạp xưởng đó, trong lòng cô luôn muốn biết rốt cuộc có phải bọn họ đã mở đủ một trăm năm không.

Lương Gia Khải đáp, nhất định sẽ đi.

Sau đó anh ta bắt đầu nói đến các sản nghiệp khác của nhà mình ngoài nhà hàng và cửa hàng bán đồ cổ. Ví dụ như, nhà họ có một cửa hàng đồ cổ và cửa hàng thuốc bắc trên Đại lộ số 5 ở Los Angeles. Trong cuộc Đại khủng hoảng gần đây, bọn họ còn làm ăn với công ty Gabion, bởi vì bây giờ ngành công nghiệp điện ảnh rất dễ kiếm tiền, Hollywood thường xuyên thuê đạo cụ điện ảnh ở chỗ họ. Anh ta còn nói nhà hàng ở góc phố Ferguson từng là một sòng bạc, bây giờ lại là nơi các quan chức thành phố ăn uống. Ở đó, em có thể thường xuyên gặp được các minh tinh màn bạc Hollywood.

Hoài Chân cảm khái: “Vậy chắc chắn anh biết rất nhiều người đẹp tóc vàng ở Hollywood.”

Lương Gia Khải vờ không giấu được bí mật mà nói: “Anh còn qua lại với hai minh tinh Hollywood, có lẽ em cũng thấy trên tivi, bọn họ tên là…”

Hoài Chân vội bảo anh ta dừng lại.

Lương Gia Khải tự biết lỡ lời, lại hỏi, “Em từng đến Los Angeles chưa?”

Hoài Chân lắc đầu, “Nơi xa nhất tôi từng đi là Sonoma.”

“Sonoma à…” Lương Gia Khải bật cười, rõ ràng cũng từng cùng bạn gái đến đó, “Ở đó có thể uống nhiều rượu ngon mà không bị hạn chế. Em đi thế nào?”

Hoài Chân ngẩn người nhớ lại, mấy giây sau mới hoàn hồn, chớp mắt bảo, “Thỉnh thoảng tôi cũng phải cùng bạn học ra ngoài thả lỏng chứ, mọi người còn trẻ cả mà!”

Lương Gia Khải sửng sốt nhìn cô.

Hoài Chân bắt đầu nghi ngờ, có phải mình chớp mắt sẽ thu hút phái nam hay không.

Chợt Lương Gia Khải nói, “Em có muốn đi chơi châu Âu với anh không?”

Hoài Chân bảo, “Ra ngoài du lịch ba tháng với con trai, sau khi quay về, chắc chắn mẹ tôi sẽ ép tôi kết hôn với anh mất.”

Lương Gia Khải cười ha hả, “Xin lỗi, thật ra anh vẫn chưa mua vé máy bay Oakland. Chẳng qua vì bữa tối khó chịu quá nên anh mới nói vậy. Hơn nữa, nhìn em thú vị hơn lúc nãy nhiều.”

Hoài Chân nói cám ơn.

Lương Gia Khải nói tiếp, “Vậy thì anh không đi nữa, mấy hôm nữa anh sẽ đưa em và chị đến Los Angeles và Sonoma chơi được không?”

Hoài Chân nói tôi phải suy nghĩ đã, vì gần đây trong nhà bận nhiều chuyện, nghỉ hè tôi cũng phải ra ngoài làm thêm, kiếm tiền trả học phí đại học.

Trước lúc chia tay, Lương Gia Khải nói yên tâm, bởi cha anh ta đã đau đầu vì tiền thuế của cửa tiệm kia lâu rồi, nhất định sẽ chiết khấu tiền thuê cho lệnh tôn.

Hoài Chân đáp, đó là chuyện của người lớn mà đúng không?

Lương Gia Khải chưa bao giờ giữ kín được chuyện gì: “Thật ra thì, xưa nay cha mẹ anh coi trọng chuyện của anh hơn là kinh doanh.”

Ý tứ rất rõ ràng. Hoài Chân nghe mà vui vẻ hẳn.

Lương Gia Khải còn bảo, “Nếu có thời gian rảnh, anh có thể lái xe chở em ra ngoài chơi… Còn nếu không rảnh, buổi tối anh cũng có thể đến đón em vào. Dù gì bây giờ không còn Hồng gia, ban đêm ở phố người Hoa cũng không được an toàn.”

Hôm đó Hoài Chân dẫn Lương Gia Khải đi tới đi lui ở phố người Hoa, tới chợ thủy sản cũng sắp đóng cửa mà không vào. Dĩ nhiên mua tôm tươi để ăn kèm rau chỉ là chuyện hoang đường, vì La Văn từng than vãn vô số lần rằng, thành phố San Francisco này không mua được rau tươi ăn ngon, ngoài hải sản ra, còn lại rau dưa không so được với khẩu vị chợ phiên Quảng Đông.

Buổi tối đó cho tới khi về đến nhà, Hoài Chân cũng không nhớ trông Lương Gia Khải thế nào. Thật ra cũng không phải vấn đề gì to tát, vì cuộc hẹn này mà hôm đó ra ngoài cô cố ý tắm rửa gội đầu, bôi thêm nước hoa khô vào đuôi tóc, còn thay thay áo sơ mi cotton màu trắng bạc và váy sọc trắng đen. Váy sọc là món đồ yêu thích của cô, váy hơi xòe quá đầu gối, tuy phải đi đường chậm nhưng được cái để lộ đôi chân đẹp, trông trưởng thành hơn bình thường. Cô cảm thấy Lương Gia Khải cũng không để ý hôm nay cô đã mặc gì, chỉ nhớ cô là một cô gái ở phố người Hoa được giáo dục, từng đi học mà thôi.

Nhà họ Lương đã tạm thời chuẩn bị một hợp đồng cho thuê cửa hàng ở tầng một, để nhà họ Quý xin chính quyền thành phố lắp điện thoại mà dùng. Vì bọn họ đã hỏi thăm được, còn có mấy hộ kinh doanh trên phố người Hoa cũng nộp đơn xin, còn sớm hơn nhà họ một tháng. Cho nên mọi người đều tưởng, dù được duyệt thì chí ít cũng phải đợi mấy tháng sau mới tới lượt mình. Vậy mà không tới một tuần, tòa thị chính đã phê chuẩn đơn xin lắp máy điện thoại miễn phí cho tiệm giặt A Phúc, còn sớm hơn bất cứ hộ kinh doanh nào.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.