Tiễn Thần

Chương 15: 15: Giáo Thảo Bệnh Kiều Chỉ Sủng Ta!13




Quách sinh là người Đông Sơn trong huyện. Lúc nhỏ ham học, nhưng trong thôn núi không có thầy giỏi, đến năm hơn hai mươi tuổi mà viết chữ còn sai. Trước đó trong nhà bị hồ quấy phá, thức ăn vật dùng thường bị mất, rất là cực khổ. Một đêm đọc sách để sách trên bàn, bị hồ đổ mực vào đen ngòm cả không sao đọc được nữa, vì là chọn những bài văn hay chép lại để học nên mất tới sáu bảy chục bài, vô cùng căm tức nhưng không biết làm sao. Lại có hơn hai mươi bài văn làm được cất để đợi hỏi thêm bậc danh sĩ, sáng ra thấy vứt tung tóe trên bàn, mực bôi lem luốc hết cả, giận lắm. Gặp lúc Vương sinh có chuyện đi ngang, vốn chơi thân với Quách, tới nhà thăm, thấy sách vở bị bôi mực bèn hỏi. Quách kể lễ nỗi khổ, lại đem nhĩmg đoạn còn sót ra đưa cho Vương xem. Vương nói đùa là so những chỗ bị bôi xóa với những chỗ còn sót thì như có ý phẩm bình hay dở. Lại xem lại những đoạn bị bôi đen thì đều là tạp nhạp nên bỏ, ngạc nhiên nói "Dường như hồ có ý, là không những đừng lo sợ, mà nên lập tức nhận nó làm thầy đấy". 

Được vài tháng, Quách xem lại bài làm cũ thấy những đoạn bị bôi xóa đúng là dở. Bèn làm hai bài khác đặt ở bàn để chờ xem sao, sáng ra thấy đều bị bôi xóa. Hơn một năm sau thì bài làm không bị bôi xóa gì nữa, mà thấy có vết mực đậm khuyên điểm rất to tỏ ý khen ngợi. Quách lấy làm lạ, mang tới cho Vương xem. Vương mừng rỡ nói “Hồ đúng là thầy của ông, có thể đi thi rồi đấy". Năm ấy quả nhiên Quách được vào trường huyện, vì thế rất cảm ơn hồ, thường đặt xôi gà ở bàn cho hồ ăn. Mỗi khi tìm mua được bài làm của những người thi đỗ mà không chọn lựa được đều nhờ hồ quyết định, nhờ thế thi hương thi hội đều đỗ cao, thi đình đỗ Phó bảng. Lúc bấy giờ có bản thảo của các ông Diệp, Mục văn chương phong nhã đẹp đẽ, người ta đua nhau truyền tụng, Quách cũng có một bản sao, rất là trân trọng, chợt bị trút cả nghiên mực vào, đen ngòm gần như không còn chữ nào. Lại nghĩ đầu đề làm một bài văn, lấy làm đắc ý, cũng bị bôi xóa cả nên từ đó dần dần không tin hồ nữa. Không bao lâu triều đình sửa định văn thể, ông Diệp bị hạ ngục, mới lại hơi phục hồ có tài biết trước. Nhưng vì mỗi lần làm được một bài văn thì nghĩ ngợi vất vả, mà cứ bị bôi xóa, lại thấy mình mấy lần đỗ cao, ý khí kiêu căng, vì vậy càng ngờ hồ làm càn. Bèn đem những bài văn được khuyên điểm trước kia ra thử, hồ lại bôi xóa sạch. Quách cười nói "Đúng là làm càn, chứ chẳng lẽ trước thì hay mà nay lại dở à?", rồi không đặt xôi gà cho hồ ăn nữa. 

Quách cất sách đọc trong hòm, thấy khóa vẫn như cũ nhưng mở ra xem thì thấy trên bìa bị bôi bốn vết mực to bằng ngón tay, chương một bị bôi năm vết, chương hai bị bôi năm vết, sau nữa thì không có gì. Từ đó không thấy hồ tới nữa. Về sau Quách thi một lần được hạng tư, hai lần được hạng năm mới biết đó là điềm báo trước, là hồ ngụ ý qua vết mực vậy. 

Dị Sử thị nói: Tự mãn thì chuốc lấy tổn thất, khiêm cung thì được ích lợi thêm, đó là đạo trời. Vừa hơi có danh đã tự cho rằng mình đúng, học theo lối văn của họ Diệp, đã sai mà không chịu sửa đổi, thì không thể không thất bại được. Tự mãn thì có hại là như thế chăng!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.