Thiết Thư Trúc Kiếm

Chương 10




Đang ngồi chung xe với Mâu Bân, Dương Lăng nghiêng người sang hỏi thăm:

- Mâu huynh, lúc này Thiệu trấn phủ có khoẻ không?

Mâu Bân gật đầu đáp:

- Vẫn khoẻ. Thể chất hắn không có vấn đề gì, chẳng qua vô duyên vô cớ bị tống giam vào ngục nên khó nén được căm giận trong lòng. Mỗ đã cho lão Thiệu nghỉ mấy ngày phép để hắn ở nhà giải khuây.

Dương đại nhân! Các bậc đế vương đều rất kiêng kị việc cận thần bên người kết giao với ngoại phiên, nếu mỗ đem chuyện này tố cáo với Hoàng thượng, thật sự Hoàng thượng vẫn sẽ phớt lờ sao?

Dương Lăng lắc đầu cười đáp:

- Bản quan từng nói đương kim Hoàng thượng không có mấy tâm cơ, không thể lấy lẽ thường mà suy xét được. Hơn nữa Lưu Cẩn rất được Hoàng thượng tin yêu, sẽ không vì chuyện này mà bị ngài xa lánh đâu.

Mâu Bân nghe vậy thì có phần thất vọng, bèn chán nản nói:

- Nếu đã vậy, mỗ không nói đến chuyện này cũng được! Tránh khỏi vô cớ đắc tội với Ninh vương.

Vẻ mặt Dương Lăng thoáng biến đổi, y vội ngăn:

- Không được! Nếu như Mâu huynh đã tra xét được chuyện này thì nhất thiết phải bẩm báo cho Hoàng thượng biết. Bằng không, sớm muộn gì cũng sẽ phạm tội nặng.

Mâu Bân cả kinh:

- Cớ sao lại như vậy?

Dương Lăng không thể nói với hắn rằng sau này Ninh vương ắt sẽ làm phản. Cẩm Y Vệ chuyên phụ trách các phiên vương, nếu đã tra xét thấy có hành động đáng ngờ nhưng lại không bẩm báo cho thánh thượng, sau này khi xử tội, những kẻ biết nội tình mà không báo cáo đều sẽ chịu tội đồng lõa với kẻ phản nghịch. Do vậy y đành chỉ cười mập mờ:

- Dương mỗ không thể tiết lộ lý do. Nhưng đại nhân nên biết rằng Dương mỗ quyết sẽ không hại ngài. Nếu huynh bẩm báo thì cùng lắm là đắc tội với một phiên vương, nhưng nếu không bẩm báo thì sẽ mười phần hung hiểm. Bây giờ gieo nhân, sau này mới biết kết quả, có một ngày rồi huynh sẽ rõ.

Mâu Bân gật đầu bối rối:

- Thôi được, hết thảy Mâu mỗ sẽ nghe theo đại nhân an bài vậy. Chốc nữa mỗ sẽ bẩm báo với Hoàng thượng.

Trong Báo phòng - một căn phòng được bài trí đầy hoa lệ song lại thiếu vẻ trang nghiêm - hoàng đế Chính Đức đang nằm nghiêng trên giường, đối diện là một ông lão đang ngồi khúm núm, hốc mắt hõm sâu, trông khá giống người ngoại quốc. Lão già vận bộ áo dài trắng và đội một chiếc mũ đặc trưng, rõ là một vị giáo sĩ đạo Hồi.

Giáo sĩ cung kính giảng:

- Đấng Mô-ha-mét nói với tín đồ rằng: “Ngày mai ta sẽ biểu diễn dời non lấp biển, các con hãy đến mà xem.” Hôm sau quả thật có rất nhiều người đến, đấng Mô-ha-mét ngưỡng mặt quát to với núi cao rằng: “Núi cao, ngươi hãy qua đây!”, ngọn núi ấy không hề động đậy. Đấng Mô-ha-mét lại quát lớn: “Núi cao, ngươi hãy qua đây!”, song núi ấy vẫn không hề nhúc nhích. Thế là, đấng Mô-ha-mét bèn bảo: “Nếu núi cao không qua đây, vậy ta phải tới đó thôi.”

Giáo sĩ giảng tiếp:

- Câu chuyện của đấng Mô-ha-mét răn dạy chúng ta rằng, nếu như chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, thì phải nên thay đổi chính bản thân mình. Bất luận là ngọn núi đi đến chỗ chúng ta, hay là chúng ta đi tới chỗ ngọn núi, thì kết quả cuối cùng cũng như nhau, miễn sao thích hợp là được.

Chính Đức không nhịn được cười bảo:

- Như nhau à? Ha ha... có lẽ khoảng cách hai bên là như nhau, nhưng sao trẫm vẫn cảm thấy nó như thế nào ấy!

Giáo sĩ giải thích:

- Hoàng thượng giàu sang bốn bể, nhưng cũng có những chuyện bản thân ngài không thể thay đổi. Mang trong lòng thái độ bao dung cởi mở thì mới sẽ không khiến cho tinh thần và trí tuệ của mình u mê...

Đúng lúc này, một tiểu thái giám mặc áo da dê rộng thùng thình lặng lẽ tiến vào. Dáng chú nhóc này thủng tha thủng thỉnh như một đứa trẻ, tay lại cầm cây phất trần, thật chẳng ra ngô ra khoai gì cả! Nó thấp giọng thưa:

- Khải bẩm Hoàng thượng! Dương Lăng và Mâu Bân xin cầu kiến.

- Ồ? Bọn họ đến rồi hả?

Chính Đức bèn ngồi thẳng người dậy, nói với ông lão:

- Ngươi hãy tạm lui xuống đi!

Ông lão vội đứng dậy thi lễ, rồi lặng lẽ lui ra.

Chính Đức bảo:

- Mau truyền bọn họ vào! - rồi hắn xoay người cười nói với Cốc Đại Dụng: - Trẫm vẫn không thể hiểu được chuyện vừa rồi. Không ngờ đấng Mô-ha-mét lại có thể giải thích như vậy!

Trẫm hỏi ngươi, nếu như ngươi chạy đến vùng thôn quê nói với trăm họ rằng ngươi có thần thông như thế này như thế nọ, lôi kéo bọn họ làm tín đồ; rồi một ngày nào đó ngươi lại dời núi kiểu như vậy, thì kết quả sẽ thế nào?

Cốc Đại Dụng cười nịnh nọt:

- Hồi bẩm hoàng thượng! Rất có thể lão nô sẽ bị dân làng dùng xiên hốt phân đâm đến chết, cũng có thể sẽ bị quan phủ coi là tà giáo Di Lặc mà lùng bắt. Dù thế nào đi chăng nữa... nếu lão nô mà nói những lý lẽ kiểu như vậy, ít nhất cũng sẽ bị đập cho một trận, tóm lại sẽ không còn ai vui vẻ tuân phục nữa.

Chính Đức cười lớn:

- Chẳng lẽ vì đấng Mô-ha-mét là sứ giả của đức A-La, cho nên đức A-La ban cho ông ta sức mạnh phi thường là vận may?

Vừa lúc Dương Lăng từ ngoài cửa bước vào, y nghe vậy liền tiếp lời:

- Còn Hoàng thượng là sứ giả của trời, cho nên trời cao ban cho Hoàng thượng sức mạnh to lớn nhất: quyền lực!

Chính Đức thấy y thì cao hứng rất đỗi, bèn trêu:

- Vậy sao? Sao trẫm lại thấy khanh giống cái tên bịp bợm được thánh A-La ban cho vận may đó đến thế nhỉ? Mấy ngày nay tin tình báo do xưởng vệ dâng lên đều nói rằng trên quan trường ai ai cũng nói khanh hoạn lộ suôn sẻ, người khắp phố phường đều hâm mộ khanh có diễm phúc vô biên. Ngẫm lại trẫm thấy, ừm... khanh quả thực rất may mắn!

Dương Lăng cười đáp:

- Nghe được lời này của Hoàng thượng, thần cũng cảm thấy mình hồng phúc vô biên, rất là may mắn. Sự may mắn mà thần có được là nhờ Tiên hoàng và Hoàng thượng ban cho. Nói như thế, thần là thiên sứ được ban phước, vậy Hoàng thượng chính là đức A-La cao cao tại thượng rồi!

Nghe y nói vậy Chính Đức càng cao hứng hơn, liền ưỡn ngực khoe:

- Trẫm mới bảo giáo sĩ chọn cho trẫm một cái tên Hồi giáo, gọi là Sa-Cát-Ngao-Lạn (Shaqi Aaron???). Khanh đừng chê nó khó nghe, tên này may mắn lắm đấy, khanh biết nó có nghĩa là gì không?

Nhân lúc này, Mâu Bân mới khúm núm quỳ xuống làm lễ:

- Thần Mâu Bân tham kiến Hoàng thượng.

Lúc này Dương Lăng mới sực nhớ mình quên mất việc phải hành lễ, bèn quỳ xuống cùng. Chính Đức bực bội bảo:

- Đã đến Báo phòng rồi thì không còn nhiều quy tắc, luật lệ như vậy nữa. Đứng dậy cả đi!

Rồi hắn quay về ngồi trước bàn, liếc nhìn Mâu Bân một cách chăm chú, hỏi:

- Mâu khanh đến gặp trẫm phải chăng là có chuyện gì quan trọng?

Mâu Bân thưa:

- Hoàng thượng, bản ghi lời khai của đám tội thần Đới Tiễn hiện đã được chỉnh sửa hoàn tất. Vì Hoàng thượng dời đến Báo phòng, thần sợ đưa vào trong cung qua tay nhiều người sẽ có sơ suất, nên mới đích thân đưa đến.

Chính Đức bật cười nói:

- Đới Tiễn? Cái lão già lắm mồm đó đã bị đuổi về nhà từ lâu rồi mà, mấy công văn này còn có gì quan trọng chứ, cứ gác sang một bên trước đi!

Nói đoạn hắn cầm lấy một bản tấu chương, hào hứng ngoắt Dương Lăng lại bảo:

- Dương khanh lại đây, ngươi xem thử bản tấu chương này đi! Thú vị lắm đấy, trẫm xem mà cứ cười mãi không thôi.

Dương Lăng cũng hơi hiếu kì, lai được Hoàng thượng cho phép nên y cũng không khách sáo nữa, bèn bước lên cầm lấy xem kỹ một lượt, hoá ra Giang Tây có một vài kẻ có công danh cùng đứng tên dâng sớ. Ban sơ Ninh vương bởi hoang đàng vô hạnh, từng bị lột bỏ tước vị, cho con là Chu Thần Hào kế vị. Vị lão vương gia đó nhàn cư lâu năm, nay mạng đã ô hô, đám văn nhân này mới dâng sớ nói rằng Ninh vương hiện tại tính nết hiếu thuận đáng được phong thưởng, cho nên dâng tấu tiến cử xin Hoàng thượng biểu dương, phong làm Hiếu liêm.

Dương Lăng xem mãi hồi lâu mà vẫn không thấy có chỗ nào buồn cười, bèn không khỏi ngạc nhiên hỏi:

- Vi thần ngu muội, không nhìn ra được chỗ đáng cười. Vẫn mong Hoàng thượng chỉ điểm cho.

Y vừa nói xong, Cốc Đại Dụng đứng bên cạnh liền bật cười phì. Chính Đức thoáng ngẩn ra, liền đó ôm bụng cười to, vừa cười vừa trỏ Dương Lăng nói:

- Dương khanh đúng là thông minh cả đời hồ đồ một khắc! Ha Ha! Đáng yêu, thực là ngây thơ đến đáng yêu!

Dương Lăng vội ngước nhìn Chính Đức. Mâu Bân không biết nội dung trong tấu chương nên cũng nhìn cặp vua tôi này với vẻ mặt khó hiểu. Cốc Đại Dụng không nhịn được bèn cười giải thích:

- Dương đại nhân! Ninh vương thuộc dòng dõi hoàng thất, cần gì phải có bá tánh ra mặt tiến cử? Vả lại, triều đình biểu dương một ít bá tánh bình dân có phẩm chất cực tốt là để mở thêm cho bọn họ con đường ra làm quan. Ninh vương là vương gia thế tập lại chạy đi giành giật công danh với đám tú tài tầm thường không trúng cử, cho nên Hoàng thượng mới cảm thấy mắc cười.

Lúc này Dương Lăng mới vỡ lẽ, trong lòng chợt máy động, nghĩ ra một cách nhắc nhở Hoàng thượng. Y bèn vờ sực tỉnh ngộ, cười nói:

- Thật hổ thẹn! Thật hổ thẹn! Hoàng thượng bảo thần xem tấu chương, thần lại chỉ lo xem câu cú có chỗ nào không ổn, thực sơ suất quá!

Ha ha! Phải rồi nhỉ! Bá tánh nếu có phẩm hạnh xuất chúng sẽ được tiến cử, triều đình có thể phong quan; quan viên phẩm hạnh xuất chúng sẽ được tiến cử, hoàng thượng có thể tăng thêm quan tước. Còn Ninh vương gia đã được Hoàng đế phong vương đời đời, thì ông ấy còn xin tiến cử gia phong gì thêm nữa? Rõ là nhân lúc góp vui thôi, chẳng trách Hoàng thượng cảm thấy mắc cười.

Chính Đức nghe vậy hơi biến sắc, ngẩng phắt đầu liếc nhìn Dương Lăng, song chỉ thấy Dương Lăng miệng cười toe toét, như thể vô tâm bàn chuyện. Hắn đảo tròng mắt suy nghĩ một chốc rồi mới cười thoải mái, nói:

- Từ lúc trẫm kế vị đến nay, trong các vương gia thì Ninh vương thúc hợp ý với trẫm nhất. Mỗi khi đến dịp lễ tết, ông ấy chưa từng quên sót lễ tiết lễ vật nào. Trẫm nghĩ Ninh vương thúc thẹn thò như vậy, xin cử hiếu liêm phong hiệu gì đó ắt là giả, mà muốn kiếm thêm chút lợi lộc từ nơi trẫm mới là thật. Nhưng Ninh vương là vương gia thế tập, ngồi ôm cả Giang Tây, trẫm còn có thể cho ông ấy thứ gì?

Dương Lăng lắc đầu thở dài. Hoàng đế còn nhỏ tuổi, ai đối xử tốt với hắn thì hắn sẽ đối xử tốt lại với người đó, chung quy vẫn không thể nhận ra được hiểm họa trong đấy. May mà mình chưa cẩu thả chỉ ra Ninh vương có lòng tạo phản, bằng không chẵng những Hoàng thượng cũng không tin lắm mà một khi tin tức truyền ra lại sẽ khiến các vương gia kinh hoảng, cho rằng kẻ tâm phúc số một như mình muốn học đòi Hoàng Tử Trừng thời Kiến Văn Đế khuyên vua triệt bỏ phiên vương, khiến cho cả nước chỉ trích, muốn không chết cũng khó.

Thật ra, nếu đã biết chắc Ninh vương sẽ tạo phản mà có thể dùng cách vờ tha để bắt, đồng ý cho hắn tự lập binh mã riêng, thúc đẩy dã tâm của hắn bành trướng mà hành tung bị bại lộ sớm một chút thì vẫn có thể xem là một biện pháp giảm thiểu thiệt hại. Có điều mình lại không thể nói với bất kỳ ai việc mình biết chắc chắn rằng Ninh vương sẽ tạo phản, vậy hôm nay mình giúp hắn khôi phục tam vệ xong, ai sẽ hiểu cho tâm ý của mình? Đến lúc sau này Ninh vương tạo phản, do mình tán thành việc hắn khôi phục tam vệ nên chắc chắn mình sẽ trở thành nhân vật đầu tiên bị trừng phạt.

Dương Lăng suy tính thật cẩn thận. Biết trước được sự tình song lại không có cách nào xoay chuyển, thậm chí chỉ cần lời nói hay hành động có chút sơ suất thì sẽ chịu cảnh thân bại danh liệt, cửa nát nhà tan. Vướng vào chuyện nhà đế vương, thật đúng là trùng trùng nguy hiểm.

Dương Lăng chợt thấy sống lưng mình lành lạnh, bèn không ngừng âm thầm nhắc nhở bản thân. Mâu Bân lại cảm thấy đây chính là một cơ hội tốt, nếu nhân lúc này mà nêu lên tin tức mình thám thính được, đối chiếu hai việc, nói không chừng sẽ có thể nhân cơ hội này lật đổ Lưu Cẩn.

Địa vị của hắn không giống với Dương Lăng, cho dù có nói sai cũng sẽ không gây nên rung chuyển gì trong triều đình, thế là hắn bèn bước lên một bước tâu:

- Hoàng thượng! Thần quản lý Cẩm Y Vệ, hiện thám thích được một ít tin tức, nay muốn bẩm báo với Hoàng thượng.

Rồi Mâu Bâu đem chuyện Lưu Cẩn lợi dụng danh nghĩa khâm sai thu mua vật phẩm các nơi rồi lờ tịt việc trả tiền hàng hóa, cùng việc Trung quan Lương An mang nhiều vàng vào kinh, hối lộ quần thần, đặt biệt là hối lộ hậu hĩ Lưu Cẩn để xin khôi phục tam vệ, tâu thật tường tận hết một lượt. Chính Đức nghe xong, sực tỉnh:

- Trẫm mới vừa nói vì sao Ninh vương lại hoang đường như vậy, lại sai người dâng biểu thỉnh xin phong hiếu liêm, hoá ra là có ý này.

Đoạn hắn thở dài noi tiếp:

- Không ngờ nạn thổ phỉ ở Giang Tây lại ghê gớm đến vậy, ngay cả vương phủ cũng không được an bình. Chà! Đường đường là phiên vương thế tập, lại khiến cho ông ấy vì đám trộm cướp đó mà hốt hoảng lo sợ cả ngày, trẫm rất đỗi không yên tâm.

Dương khanh! Nếu như trẫm đồng ý khôi phục lại tam vệ của Ninh vương thì khanh thấy sao?

Mâu Bân nghe xong thì rất đỗi thất vọng, đồng thời cũng âm thầm khâm phục Dương Lăng. Phán đoán của Dương Lăng quả nhiên chuẩn xác, Hoàng thượng chẳng những không nghĩ đến mối nguy do hành vi này của Lưu Cẩn mang lại, mà thậm chí còn đồng tình với Ninh vương, có ý muốn cho phép hắn ta khôi phục tam vệ. May mà có câu của Dương Lăng trước đó, nên những sự tình mà mình nêu lên đều là thuận miệng nói ra; bằng không nếu mình đơn độc dâng tấu thì một khi Lưu Cẩn biết được, chắc chắn mình sẽ gặp đại họa rồi.

Dương Lăng nghe thấy ngữ khí của Chính Đức buông lỏng, lòng cũng thất kinh. Trầm ngâm một hồi lâu, y mới đáp:

- Hoàng thượng! Nếu bảo nạn thổ phỉ nghiêm trọng thì những nơi bị quấy nhiễu hẳn không chỉ vùng đất của phủ Ninh vương. Mà nếu Ninh vương khôi phục tam vệ, thì người được bảo vệ lại chỉ là phủ Ninh vương, còn bá tánh bản địa chịu phải quấy nhiễu thì sao? Theo ý kiến của thần, chi bằng hạ chỉ lệnh cho vùng Giang Tây tăng cường trấn áp, như vậy thì phủ Ninh vương và bá tánh đều sẽ được bảo vệ bình an.

Năm xưa loại bỏ vệ riêng của các vương gia là vì đề phòng tai họa, cho nên thần cho rằng không thể dễ dãi cho phép khôi phục lại.

Chính Đức lại có phần không đồng ý. Khôi phục tam vệ bất quá cũng chỉ hơn vạn binh mã, gây được tai họa gì chứ? Hắn lại quên mất quan binh vệ sở có thể liều lĩnh tham ô lương thưởng thì đương nhiên Phiên vương cũng có thể gom nhiều tư binh. Chỉ cần được triều đình cho phép thiết lập binh doanh riêng, thì có ai mà nắm được rốt cuộc bên trong binh doanh đó có bao nhiêu quân lính?

Song nếu Dương Lăng đã thận trọng như thế, Chính Đức cũng đành bảo:

- Thôi bỏ đi, chuyện này tạm thời gác lại! Dương khanh, chuyện khanh chuẩn bị thế nào rồi?

Tuy Mâu Bân hiện tại là người phe mình nhưng dẫu sao hắn cũng không tham dự kế hoạch, cho nên Dương Lăng không thể đáp rõ ràng, y đành chỉ lập lờ thưa:

- Tâu Hoàng thượng! Nay mọi thứ đều đã được chuẩn bị, chỉ thiếu gió đông. Thần đã phái người đi đến Giang Nam, phỏng chừng mấy ngày nữa sẽ có tin tức đưa về. Một khi nhận được tin tức, trong kinh liền có thể phát động ngay.

Chính Đức mừng rỡ:

- Vậy thì tốt lắm! Thế mấy ngày nay sẽ không có gì làm rồi à? Ngày mai Hoàng hậu sẽ làm lễ "thân tàm"(1), khanh hãy dẫn Đường cô nương ra ngoài đi, để cô ấy cùng tham gia "thân tàm", sau đó trẫm sẽ đưa hai người đi đến Kế Châu. Hiện nay tiết trời vẫn còn hơi lạnh, chúng ta hãy đi đến suối nước nóng du ngoạn một phen.

Dương Lăng đồng ý. Hai người lại trò chuyện thêm một hồi thì hai vị cô nương Giải Ngữ và Tu Hoa cười tươi chạy vào tìm Hoàng thượng, Mâu Bân bèn nhân dịp ấy cáo từ rời đi. Dương Lăng từng phái người âm thầm giám thị cặp tỷ muội này, song rốt cuộc vẫn không thấy có gì đáng ngờ. Bọn họ ở bên Hoàng thượng lâu như vậy mà vẫn chưa thấy có hành động bất lợi nào đối với Hoàng thượng, nên y cho rằng Ninh vương tiến dâng cặp mỹ nhân này chỉ nhằm lấy lòng Chính Đức, mê hoặc quân tâm. Vì vậy y đã ngầm dẹp bỏ lòng nghi kỵ hai cô.

Lúc này trông thấy bọn họ vào, Dương Lăng không tiện ở lại thêm nên định cáo từ, chợt sực nhớ đến chuyện mình đáp ứng với công chúa Vĩnh Thuần, bèn thuận miệng tâu:

- Hoàng thượng! Ngài muốn đến Kế Châu du ngoạn, khoảng cách cũng không quá xa. Ngày trước khi thần vào cung yết kiến Thái hậu, Trưởng công chúa và Vĩnh Thuần công chúa điện hạ từng trò chuyện với thần, trong lời rất đỗi hâm mộ chuyện Hoàng thượng vi hành. Lần này Hoàng thượng đi đến Kế Châu, chẳng hay có thể để hai vị công chúa đi theo không?

Giải Ngữ vừa nghe, liền hớn hở phụ họa:

- Hoàng thượng! Mấy ngày nay ở mãi trong Báo phòng, Giải Ngữ cũng rất là buồn chán, người cũng mang Giải Ngữ và tỷ tỷ đến Kế Châu có được không?

Giải Ngữ da trắng như tuyết, mặt trái xoan, hai hàng mi vừa cong vừa dài, mặc áo lụa tím kèm váy lụa trắng, bên ngoài khoác thêm áo chẽn chỉ vàng, chân mang đôi giày mềm vàng nhạt, trông xinh đẹp động lòng người, lúc này cô nàng lại thỏ thẻ khẩn nài, trông càng hồn nhiên khôn tả.

Cô nàng vốn tưởng rằng Chính Đức nhất định sẽ đồng ý, nào ngờ Chính Đức lại xua tay lia lịa:

- Không được! Không được! Lần này các nàng không đi được.

Đoạn hắn bảo Dương Lăng:

- Trẫm đồng ý! Ngày mai xong lễ "thân tàm", trẫm sẽ bảo Đại Dụng tuyên triệu ngự muội, khanh và Đường cô nương đồng hành cùng xa giá. Chúng ta sẽ cùng đi đến Kế Châu.

Giải Ngữ thấy hoàng thượng không đồng ý, không khỏi dẩu môi làm xấu. Tu Hoa tính tình điềm đạm, mắt phượng thoáng cụp xuống, nhẹ nhàng bước tới kéo tay Giải Ngữ, ngầm miết lòng bàn tay nàng ta, rồi khéo cười duyên dáng nói:

- Em à, chớ nên được cưng chiều mà kiêu ngạo! Hoàng thượng cùng Dương đại nhân xuất hành, nói không chừng là có chuyện quan trọng đấy.

Vừa nói cô nàng vừa quét ánh mắt đong đưa lên khuôn mặt Chính Đức, giọng có phần hờn trách. Chính Đức nghe vậy thì nổi lòng thương xót, vội kéo cánh tay mềm của nàng ta, tiện thế ôm lấy eo thon. Tu Hoa thốt lên một tiếng yêu kiều, bờ mông sà xuống đùi Chính Đức, má đào bị Chính Đức hôn chụt, bèn không khỏi đỏ bừng mặt, hờn trách:

- Hoàng thượng, Dương đại nhân còn đang...

Dương Lăng vội ho khan một tiếng, rồi thưa:

- Hoàng thượng, vi thần xin cáo lui.

Y khom người thi lễ rồi lùi ra khỏi phòng, xoay người rời khỏi.

Lúc này Tu Hoa mới vùng vẫy thoát ra khỏi lòng Chính Đức, sửa sang lại cổ áo bán nguyệt trắng ngần bị Chính Đức kéo lệch, mím môi thầm đoán: "Đường cô nương? Vị Đường cô nương này là ai, Hoàng thượng quen biết từ lúc nào vậy? Dường như... Hoàng thượng rất si mê nàng ta..."

Chính Đức thấy cô nàng vân vê dải tơ đính hạt vàng, môi son mím lại, mắt phượng khẽ nheo, vọng nhìn theo bóng lưng Dương Lăng đến ngẩn ngơ, bất giác sinh lòng ghen tuông, bèn vờ giận nói:

- Nàng giỏi lắm! Ngẩn ngơ nhìn theo Dương thị độc là có ý gì? Có muốn trẫm đem nàng ban thưởng cho Dương khanh để nàng được toại nguyện hay không?

Tu Hoa sợ giật nảy mình, lúc này mới biết Hoàng thượng đã hiểu lầm, không ngờ hắn lại nổi lòng ghen tuông. Cô nàng vừa bực mình vừa buồn cười, vội quay người ngả vào lòng Chính Đức, áp chiếc má bầu mịn màng và thơm ngát vào mặt hắn, nũng nịu:

- Trong lòng Tu Hoa chỉ có Hoàng thượng thôi. Nếu Hoàng thượng nỡ lòng ban thưởng Tu Hoa cho người khác, vậy người ta thà chết đi cho rồi!

Đoạn cô nàng cầm lấy tay Chính Đức luồn vào trong chiếc áo chẽn đỏ tươi của mình, tay kia thuận thế vạch rộng cổ áo xanh nhạt, luồn tay hắn xuống tận dưới yếm, bầu ngực xốp mềm, chạm vào chỉ thấy mịn màng trơn láng, sự mềm mại ấy nào chỉ có thể dùng bốn chữ "hồn bay phách lạc" để hình dung.

Tu Hoa khẽ rên lên, hơi thở trở nên gấp gáp, vòng tay ôm lấy cổ Chính Đức, áp môi vào miệng hắn, ánh sao lập loè trong mắt, giọng thỏ thẻ:

- Hoàng thượng! Đường cô nương mà người nhắc đến là ai vậy?

*****

Đường Nhất Tiên đang chống cằm ngồi trên thành lan can đá cạnh bờ ao, ngóng nhìn những vòng tròn đang lan tỏa trong ao một cách nhàm chán, đôi mắt to chớp chớp đến xuất thần. Dương Lăng bước qua chỗ rẽ, nhìn thấy bộ dạng cô nàng như vậy thì không khỏi bật cười gọi:

- Tiên Nhi! Sao lại ngồi một mình ở đây vậy? Trời vẫn chưa ấm đâu, đừng để lại nhiễm phong hàn đó!

Đường Nhất Tiên ngoái đầu lại nhìn, nhận thấy người đến là biểu ca liền mừng rỡ nhảy xuống chạy lại kéo tay y, dẩu miệng lên nói:

- Còn không phải tại Văn Tâm tỷ tỷ cứ dùng cây châm bạc châm tới châm lui à. Mặc dù không đau, nhưng mà khiến người ta nhìn thấy thật là sợ, em thật sợ tỷ ấy mà run tay sẽ châm em thành ngu ngốc luôn đó.

Trông thấy bộ dạng hồn nhiên của cô nàng như vậy, Dương Lăng chợt thấy ấm lòng, bèn vỗ về cánh tay nàng, nhẹ nhàng bảo:

- Tiên Nhi! Em không nhớ được những chuyện trước đây, nghĩa là sẽ mất những ký ức quý báu của một khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời đó, chẳng phải sẽ đáng tiếc lắm sao? Nếu bị châm thành ngu ngốc cũng chẳng lo. Lỡ có bị như thế thì em sẽ không lấy chồng nữa, anh sẽ nuôi em suốt đời.

Đường Nhất Tiên lườm y một cái thật duyên, rồi cười mắng:

- Người ta mới không thèm í, cả ngày ngây ngây ngô ngô, còn chảy nước dãi nữa, oẹ...

Dương Lăng thấy nàng làm mặt xấu, không kiềm được bật cười thành tiếng, rồi nói:

- Văn Tâm rất tự phụ về y thuật của mình, em đừng để cô ấy nghe thấy lời này đó. Bằng không một khi cô ta giận lên, em sẽ khó tránh phải nếm mùi đau khổ đấy. À đúng rồi, em hãy về phòng thu xếp một ít áo quần mang theo người đi! Ngày mai là ngày hoàng hậu "thân tàm", thê thiếp và chị em con cái chưa xuất giá của quan viên tứ phẩm trở lên đều phải tham gia. Sau đó anh sẽ đi đến Kế Châu, anh biết tính em rất hiếu động cho nên định dẫn em theo đi chơi.

Đường Nhất Tiên tung tăng mừng rỡ:

- Hay quá! Mấy tẩu tẩu cũng đi sao?

Dương Lăng véo nhẹ mũi nàng, vờ mắng:

- Hồ đồ! Ấu Nương đang mang thai, anh dám để nàng ấy vất vả ngựa xe sao?

Đường Nhất Tiên lại hỏi:

- Chị dâu Ấu Nương không đi được, vậy còn Tuyết Nhi, Ngọc Nhi thì sao?

Dương Lăng thở dài giải thích:

- Cái cô tiểu nha đầu không hiểu chuyện này! Ấu Nương không đi được, nếu anh mang mỗi Tuyết Nhi và Ngọc Nhi đi chơi, chị ấy sẽ thấy thoải mái sao?

Đường Nhất Tiên nghe vậy cũng thở dài:

- Anh… Cũng khó cho anh quá!

Dương Lăng chột dạ, vội hỏi:

- Sao vậy... em... Không phải là em đang trêu anh đấy chứ?

Đường Nhất Tiên cười đáp:

- Tất nhiên là không, - rồi nàng thở dài u uẩn, - Khi còn ở phủ Đại vương, vương gia có hai mươi ba thê thiếp, nhưng đại vương gia lại chưa từng lo lắng do dự như thế này. Ông ấy thích ai thì thích người đấy, có bao giờ thèm quan tâm ai đau lòng ai khó chịu? Những kẻ quyền cao chức trọng suốt ngày chỉ bận tâm lo nghĩ đến tiền đồ hoạn lộ của mình, thê thiếp chẳng qua chỉ là vật phụ thuộc không đáng kể, có ai mà quan tâm?

Đoạn khẽ liếc đôi mắt hạnh về phía Dương Lăng, nàng mỉm cười nói tiếp:

- Nghe nói em còn có một vị tẩu tẩu đang ở Kim Lăng, Văn Tâm tỷ tỷ cũng rất chung tình với anh, em thấy anh đúng thật là một kẻ phong lưu. Có điều khi nghe nói biểu ca hiện đang rất thân thiết với hai vị danh kỹ của kinh thành, sắc mặt của Văn Tâm tỷ tỷ hình như không được tốt cho lắm. Nếu anh muốn đối đãi mọi người như nhau vậy thì nên đi dỗ dành tỷ ấy trước đi. Hì hì!

Nàng chắp hay tay ra sau lưng, nhún nhảy bước đi mấy bước, rồi chợt quay đầu, khẽ nhón chân, sắc mặt thẹn thùng, hỏi:

- Ngày mai anh đi đến Kế Châu, vậy thì... sẽ dẫn thị vệ theo phải không?

Dương Lăng thoạt ngẩn người rồi chợt vỡ lẽ, trong mắt bất giác lộ vẻ buồn cười, gật đầu đáp:

- Đúng rồi! Đương nhiên phải dẫn thị vệ theo.

Đường Nhất Tiên mím môi, hỏi tiếp:

- Vậy... Tiểu Hoàng là thân binh của anh, hắn có sẽ theo anh đi không?

Vẻ buồn cười trong mắt Dương Lăng càng tăng thêm, song y lại lắc đầu đáp:

- Hoàng hiệu úy ấy à... Thật ra hắn là đại nội thị vệ, là người bên cạnh Hoàng thượng. Hắn không phải là thân binh của anh.

Đường Nhất Tiên có vẻ hơi thất vọng, nhưng Dương Lăng lại cười nói tiếp:

- Có điều anh đi đến Kế Châu là để bầu bạn cùng thánh giá, cho nên anh nghĩ Hoàng hiệu úy nhất định sẽ đi cùng. Sao vậy, em nhớ hắn à?

Khuôn mặt xinh xắn của Đường Nhất Tiên đỏ bừng, nàng e thẹn đáp:

- Khi ở Đại Đồng hắn từng khoác lác rằng sẽ sáng tác một khúc "Sát Biên Nhạc", em muốn xem thử cái tên ấy hiện đã làm được đến đâu rồi.

Dương Lăng cười khan, hiện tại Hoàng thượng còn đang bận "mát-xa", e rằng "Sát Biên Nhạc" vẫn đang được "ấp ủ" rồi.

Coi bộ tiểu nha đầu này thật sự có cảm tình với Hoàng thượng rồi. Có điều không biết khi nó biết được lai lịch thật sự của Hoàng thượng thì nó sẽ có thái độ như thế nào?! Tạm thời... đến đâu hay đến đó vậy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.