Thanh Xuân Tạo Ấm

Chương 51: Mây đen kéo đến




Buổi tối, tôi lên facebook nhắn tin hò hét một thôi một hồi mà vẫn không thấy Bảo trả lời. Tôi bấm điện thoại gọi, vẫn là nhấc máy trong một hồi chuông. Hóa ra hắn đang chơi cờ nên không để ý đến tin nhắn của tôi. Tôi hỏi hắn về địa chỉ trang web cờ tướng kia, hắn đọc nhanh cho tôi, sau đó lại vội vàng cúp máy. Tôi hậm hực, khó chịu trong lòng, cứ cảm giác như hắn đang bực bội cái gì mà giận lẫy sang tôi vậy.

Tôi lọ mọ vào diễn đàn của hội cờ tướng. Tạo cho mình một tài khoản xong, tôi bắt đầu mò mẫm tìm hiểu về nơi này một chút. Sau đó tôi bắt đầu viết thư gửi cho thành viên tên Pawn kia. Tôi viết một cái thư ngắn gọn, đầy thành ý chào hỏi hắn, sau đó giới thiệu tôi là cháu của ông chú tôi, tôi bèn hỏi hắn về buổi chiều hôm ấy khi hắn và chú Minh gặp nhau. Tôi còn nói rõ hiện chú tôi đang mất tích nên rất muốn xin hắn một chút thông tin xem liệu có thể tra ra được gì không? Tôi cứ tưởng hắn sẽ không trả lời hoặc rất lâu sau mới trả lời, không ngờ, mới qua hai phút, vừa đọc xong cái nội quy về lớp học cờ dành cho Tân thủ, tôi đã thấy hòm thư của mình nhấp nháy. Pawn, rất thẳng thừng, trả lời tôi bằng một câu hỏi:

“Chú của cô mất tích thì có liên quan gì tới tôi?”

Tôi rất bực bội nhưng cũng không vì một câu hỏi kiêu ngạo đó của hắn mà nản lòng. Hắn đang online nên tôi không thể bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này. Tôi tiếp tục kiên nhẫn viết thư giải thích cho hắn hiểu. Lần này tôi phải đợi lâu hơn. Khoảng mười phút sau, hắn lại hồi âm:

“Đánh cờ thắng tôi đi, tôi sẽ nói cho cô biết.”

Tôi không nghĩ hắn lại làm khó mình tới mức này. Hắn là ai? Hắn là một cao thủ ẩn danh trên mạng, toàn thắng chưa thua một trận nào với các thành viên tại diễn đàn này, ngay cả chú tôi - người đánh cờ giỏi nhất trong gia đình cũng không phải là đối thủ của hắn. Còn tôi là ai? Tôi là một kẻ mới chỉ dừng lại ở việc biết nhận mặt quân cờ, biết được đường đi nước bước của từng quân, chấm hết. Tôi có cửa thắng được tên hợm hĩnh này mới lạ đấy.

Nhưng tôi vẫn rất cứng đầu, bèn nhắn tin lại cho hắn:

“Anh cứ chờ đấy, tôi nhất định sẽ thắng anh.”

Hắn trả lời.

“Tôi đợi cô!”

Đồ kiêu ngạo! Tôi thầm mắng trong lòng. Dạo qua vài topic luận cờ, tôi đọc nhưng chẳng hiểu gì cho lắm. Thế mà tên ngẫn kia chỉ cần một tối là có thể học được cách đánh cờ, còn bập bõm đọc được kỳ phổ, thật là giỏi. Tôi bèn cầm điện thoại nhắn tin cho hắn.

“Bao giờ thì em có thể đánh thắng được tên Tốt Đen đó hả thiên tài?”

Bảo trả lời:

“Bao giờ chị yêu em.”

Tôi gửi cho hắn một cái tin “=))”, đợi cho qua cơn buồn cười lại gửi tiếp cái tin nữa:

“Thế thì lâu quá.”

Hắn không trả lời. Tôi bỏ hắn ra sau đầu, lọ mọ leo lên giường, tải xuống một phần mềm đánh cờ tướng rồi tự chơi với máy. Tôi thua liên tiếp tới ván thứ ba thì chán quá nên quyết định đi ngủ, đợi hôm sau sẽ tính tiếp. Đúng lúc này, Bảo lại nhắn tin cho tôi:

“Đừng lo, em sẽ sớm thắng được hắn sớm thôi. Chị ngủ đi.”

Tôi giả vờ như mình đã ngủ và không nhắn tin đáp lại nữa.

Ngày hôm sau, tôi chờ Bảo sang ăn trưa rồi lại cùng tới kỳ đạo quán, vậy mà hắn bảo tôi cứ ăn cơm một mình, đến tận hai giờ chiều mới ló mặt tới để chở tôi đi. Nhìn hắn khá phờ phạc và mệt mỏi, tôi hỏi hắn đã ăn uống gì chưa, hắn đáp “đã ăn rồi” một cách qua loa cho xong chuyện. Tôi kể cho hắn nghe về cuộc đối thoại trên mạng giữa tôi và Tốt Đen tối qua, sau đó nói:

“Chị cũng chỉ nói đùa thế thôi. Chú Minh còn không thắng được hắn, xem ra hắn cũng không phải tay mơ đâu.”

Hắn ngơ ngác nhìn tôi, mãi một lúc sau dường như mới hiểu ra câu “Chị chỉ đùa thế thôi” của tôi là đang nói tới chuyện gì. Hiểu ra rồi, hắn lại cau mày hỏi tôi bằng vẻ không vui:

“Chị không tin em à?”

“Không phải là không tin. Nhưng khoảng cách thực lực này không thể một sớm một chiều có thể bù đắp được. Chị nghĩ chúng ta nên tới đạo quán, cố gắng tìm hiểu được càng nhiều thông tin về hắn thì càng tốt.”

“Em đã nói được thì sẽ làm được. Đằng nào chúng ta cũng chưa nghĩ ra cách hay hơn để tìm chú Minh mà. Em đang nghiên cứu về cách đánh cờ của hắn, em nghĩ sẽ nhanh chóng hiểu được cách tư duy của hắn thôi.” Bảo nói chắc như đinh đóng cột.

Thấy hắn cứ sốt sắng lo chuyện của chú Minh như thế, tôi cũng không khỏi cảm động.

“Nhìn em đi, sắp thành gấu trúc rồi đấy.”

“Dân công nghệ như em thức đêm thức hôm có là gì đâu. Em đang rất hưng phấn, không mệt mỏi tí nào cả. Chị đừng có lo.” Hắn cười.

Cảm giác xa lạ nảy sinh trong đầu tôi hôm qua theo đó hoàn toàn tan biến. Hắn vẫn là hắn, là một “cậu nhóc” to xác mà tôi quan tâm nhất, lúc nào cũng nhiệt tình một cách thái quá, lúc nào cũng săn sóc cho tôi còn hơn cả những gã từng yêu tôi.

“Tối qua Ngọc tới gặp em.” Đột nhiên hắn kể.

Tôi lặng im, biết dù mình không hỏi thì thế nào hắn cũng sẽ kể cho tôi nghe đoạn sau. Nhưng lần này hắn không kể giữa họ đã xảy ra chuyện gì, chỉ trầm ngâm nói ra băn khoăn của mình.

“Em đang nghĩ, liệu có phải em quá gò ép mình rồi hay không? Cứ mãi đuổi theo một điều xa vời, trong khi lại bỏ qua người con gái tốt đến nhường ấy ở ngay trước mắt.”

“Tìm được một người hiểu mình rất khó.” Tôi cười.

“Đó là lý do đến giờ chị vẫn không muốn quen thêm ai sao?”

Tôi lắc đầu.

“Nhưng tình yêu không đơn giản là cần một người hiểu mình đâu. Người hiểu mình là người tri kỷ, đôi khi, từ người tri kỷ đến người yêu thương lại là một khoảng cách không thể nào vượt qua được.”

“Tại sao lại không thể vượt qua được?” Hắn nhíu mày, tiếp tục truy vấn tôi.

Tôi không biết diễn tả với hắn thế nào về suy nghĩ của mình, đành cười trừ:

“Có lẽ đó chỉ là cảm giác của riêng chị. Không thể vượt qua là không thể vượt qua. Giống như chị là một người cố chấp ấy, nếu chị nghĩ rằng con đường đó không thể đi thì chị có chết chị cũng sẽ không bước chân lên con đường đó.”

Hắn nhìn tôi mấy giây, sau đó lắc đầu cười:

“EQ của chị thấp lè tè, cảm giác của chị lúc nào cũng sai bét.”

Mặt tôi lập tức đen lại như đít nồi.

Hắn vỗ vỗ lên vai tôi như đang an ủi:

“Em nói thật thì chị lại cứ xị mặt ra thế này. Thôi, đi nào, đi sớm về sớm, tối nay em dẫn chị lên Thụy Khuê ăn nem lụi.”

Tôi chợt nhớ ra mình vẫn chưa được biết kết quả của chuyện hắn và cô bé kia gặp nhau hôm qua thế nào, bèn hỏi:

“Thế em với Ngọc định thế nào?”

“Em nói với cô ấy em sẽ suy nghĩ…”

“Suy nghĩ cái gì? Suy nghĩ lại chuyện chia tay à?”

“Không, là suy nghĩ về chuyện sẽ thử yêu thương cô ấy thật lòng.”

Tôi sửng sốt nhìn hắn, không hiểu sao đột nhiên trong lòng mình lại có cảm giác như bước hẫng, tâm tình chao đảo mãi không yên. Hình như tôi đang nghĩ, nếu Bảo thay đổi, có lẽ chúng tôi sẽ không còn được như trước nữa.

Đột nhiên, tôi lại nghe hắn hỏi:

“Chị thích quà Noel gì, em sẽ mua tặng?”

Tôi nhếch miệng cười:

“Cái gì cũng được à?”

“Tất nhiên rồi. Em đã từ chối chị cái gì bao giờ chưa?” Hắn vênh mặt lên nhìn tôi, vẻ mặt đầy đắc ý.

Tôi nghĩ nghĩ, đúng là trước giờ hắn chưa bao giờ thất hứa với tôi thì phải. Nghĩ tới nghĩ lui, lại nghĩ tới cái vé máy bay đi Úc năm sau, tôi lại không nỡ để hắn phải móc thêm hầu bao ra nữa, bèn nói:

“Thế đã đặt được vé máy bay chưa? Bao giờ em bay?”

“Hai giờ sáng ngày 24.”

“Ngày Noel ấy hả?” Tôi ngước mắt nhìn hắn.

“Ừm. Em đã hứa với bố sẽ về trước đêm Giáng Sinh.”

Tôi nghĩ nghĩ một chút rồi lại nói:

“Thế bữa nào gần tới Noel, em rủ chị đi ăn một bữa là được rồi. Mà lần này em về đến tận tết Nguyên Đán mới lại sang đúng không?”

“Vâng. Sẽ hơi lâu một chút. Vậy nên mới nhờ chị thỉnh thoảng sang trông nhà và mang Tiểu Bảo Nhi về đây chăm sóc giúp em.”

Tiểu Bảo Nhi là tên mà tôi đặt cho con cá cảnh của Bảo. Nó thuộc giống cá vàng Ranchu nhưng toàn thân đều là màu trắng, không có vây lưng, lại tròn tròn như quả bóng nên tôi rất thích nó. Bảo định đặt tên nó là Ranchu, còn tôi thấy đáng yêu nên gọi nó là Tiểu Bảo Nhi. Về sau tôi gọi nhiều thành quen miệng, cuối cùng hắn cũng bất đắc dĩ chấp nhận cái tên này.

Tiểu Bảo Nhi là món quà mà tôi tặng Bảo nhân dịp sinh nhật lần thứ hai mươi tư của hắn hồi tháng sáu. Tôi lấy lý do sợ hắn lúc nào cũng ngơ ngẩn một mình lại sinh tự kỷ nên muốn tặng cho hắn một người bạn. Hắn cũng rỗi rãi, làm việc tại nhà nên cũng sẽ có thời gian chơi với Tiểu Bảo Nhi. Thực ra, lúc đầu tôi định mua tặng hắn một con chó hay con mèo con gì đấy cơ, mà đến lúc ra tiệm thú cưng, nhìn bảng giá từng con mà tôi toát mồ hôi hột. Thế là cuối cùng đành lủi thủi đi chọn mua một con cá vàng, chính là Tiểu Bảo Nhi bây giờ.

Thật may là Bảo rất thích nó. Bảo nói nếu là chó hoặc mèo thì sẽ vui nhà hơn, nhưng hắn lại không có thời gian chăm sóc nhiều đến lũ hiếu động ấy. Còn Tiểu Bảo Nhi, lúc nào hắn mệt hay chán sẽ ngồi nhìn nó, lải nhải tâm sự mấy câu, vài ngày cũng mới phải cho ăn và dọn bể một lần, thật chẳng tốn nhiều công sức lắm.

Tôi nghĩ tới Tiểu Bảo Nhi, nghĩ tới việc Tết này về quê sẽ phải tha cả nó về thì cũng hơi chán nản, nhưng trước ánh mắt tha thiết của Bảo, tôi không đành lòng từ chối, chỉ có thể gật đầu đồng ý.

Bây giờ đã sang tháng chín, Hà Nội vẫn nóng như trên một cái chảo rang. Tôi nhớ rõ, khi tôi mới lên Hà Nội cách đây bảy năm, Hà Nội vào thu đẹp vô cùng với không khí mát mẻ, tối về còn hơi se se lạnh, nắng vàng sánh như mật. Còn hiện tại, buổi trưa tôi thực sự chỉ muốn trốn trong văn phòng, không muốn thò đầu ra đường một chút nào. Tôi nghĩ, chắc thêm hai, ba chục năm nữa, mùa thu Hà Nội sẽ chỉ còn là truyền thuyết, chỉ có thể đi cùng năm tháng trong thơ ca, văn chương và hội họa thôi.

Lúc tôi và Bảo ra khỏi nhà là khoảng ba giờ chiều. Chúng tôi tới hội quán cờ, hôm nay có lẽ do trời nắng nóng nên căn phòng nhỏ trên tầng hai ít người hơn hẳn. Hai cái quạt hoạt động hết công suất nhưng cũng không xua đi được cái nóng nực bức người của thời tiết. Tối hôm qua lúc đi ngủ tôi đã nghĩ rằng hôm nay mình sẽ phải cố gắng ngồi học hỏi thật nghiêm túc các vị tiền bối, mong sớm có một ngày đánh bại tên Tốt Đen hống hách, kiêu ngạo kia. Thế nhưng khi bước lên tầng hai, tôi chỉ có cảm giác như bước vào một cái lồng hấp, vừa ngồi một chút mà mồ hôi đã túa ra đầy người. Vậy mà các bậc cha chú vẫn ngồi nghiên cứu bàn cờ rất nghiêm túc, giống như họ không hề cảm nhận được cơn nắng nóng của ngày hôm nay vậy. Bảo vừa tới nơi đã lập tức tham gia vào một bàn cờ với một anh tân thủ, tôi ngồi nhìn quân cờ đi qua đi lại một chút thì đã thấy mắt hoa mày choáng, đành lủi thủi đi xuống.

Lâm vẫn ngồi ở cái vị trí y như ngày hôm qua, chiếc quạt con cóc cũ màu xanh thổi ra gió phành phạch. Ở dưới này không khí có dịu hơn một chút, không đến nỗi ngột ngạt như tầng trên, nhưng dù sao cũng vẫn khá nóng. Vầng trán anh đã rỉ mồ hôi, thỉnh thoảng lại giơ tay áo quẹt ngang một cái lau đi. Thấy tôi đi xuống, anh cười:

“Lại thấy chán rồi à?”

Tôi gượng cười:

“Em xuống đây cho thoáng, dưới này còn có bóng cây.”

“Bóng cây thì ích gì. Tầm này gió nóng rát rạt, em mà ra đó hóng gió thì chẳng mấy mà da em đen thui.”

“Tại trên ấy nóng quá!”

“Anh cũng bảo lắp cho ông cái điều hòa, nhưng ông bảo bình thường trên đó chẳng mấy khi có người, chỉ cuối tuần các chú, các anh mới tới đánh cờ, nếu lắp thì lãng phí quá! Hơn nữa, đánh cờ cũng là một cách rèn luyện tâm tính rất tốt, nóng một chút cũng có thể chịu đựng được.”

“Em thì thấy nóng quá, chẳng có tâm trí nào mà đánh cờ nữa. Nhìn mấy quân cờ bay qua bay lại một lúc là em hoa hết cả mắt rồi.”

Lâm bật cười ha ha, sau đó lại hỏi:

“Hôm qua em còn nói không thích chơi cờ mà, sao hôm nay lại có động lực rồi?”

Tôi ngẩn ra một chút, hơi bất ngờ vì anh vẫn nhớ những câu chuyện tầm phào mà tôi nói ngày hôm qua. Tôi ngượng ngùng trước ánh mắt nhìn thẳng vào mình của anh, đó không phải một ánh mắt khiếm nhã hay suồng sã, nó trong sáng tới mức làm tôi cũng phải cảm thấy rung động trong lòng.

“Thì anh chẳng bảo nó là một môn rèn luyện tâm tính sao, em cũng muốn thử một chút. Tính em hơi bộp chộp mà.”

Lâm lắc đầu cười cười, sau đó lại cắm cúi đọc một cuốn sách cũ kỹ. Trời thì nóng, mồ hôi mồ kê thì nhễ nhại, vậy mà tôi cứ đứng đó nhìn Lâm ngồi đọc sách tới xuất thần. Một lát sau, tôi sực tỉnh lại và nghĩ mình không nên làm phiền khoảnh khắc tuyệt đẹp này, vì thế cũng tự tìm cho mình một cuốn sách để đọc.

Đọc được vài trang, tôi lại nghe Lâm nói:

“Em lại gần đây mà ngồi cho mát này.”

Tôi ngẩng đầu lên, thấy Lâm đã gập sách lại từ bao giờ, lúc này anh đang quay lại nhìn tôi đề nghị. Tôi cũng không khách khí kéo ghế lại gần. Chúng tôi mới gặp nhau lần này là lần thứ hai, vậy mà tôi cứ có cảm giác như đã quen từ lâu lắm.

“Em đọc sách gì vậy?”

Tôi gập cuốn sách lại cho anh nhìn bìa, đó là một cuốn sách cũ về đề tài làm báo của những năm trước 1975. Anh nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Tôi cười giải thích:

“Em là phóng viên nên thỉnh thoảng cũng nên tìm hiểu một chút về cách làm báo của thời trước.”

“Em là phóng viên thật hả? Em viết bài cho báo nào thế?” Anh thấy tôi giới thiệu thì hai mắt như tỏa sáng, hào hứng hỏi.

“Em là phóng viên báo X.”

“Em làm ở mảng gì thế?” Anh nhìn tôi đầy vẻ hào hứng, như thể tôi là một cô gái khiến anh cảm thấy thú vị lắm.

“Em làm ở mảng Văn hóa - Giải trí.”

“Anh thì chẳng biết viết lách gì, chữ còn xấu hơn gà bới ấy chứ.”

“Chỉ có bác sĩ thì chữ mới xấu như gà bới thôi ấy.” Tôi cười trêu.

Không ngờ, Lâm lại thành thật thừa nhận:

“Ừ, anh là bác sĩ khoa ngoại. Làm nhà báo như em suốt ngày được đi đây đi đó, còn bọn anh muốn xin nghỉ một ngày bệnh nhân cũng không cho nghỉ. Có mỗi hai ngày cuối tuần mới có thời gian chạy tới coi cửa hàng cho ông nội thôi.”

Trong đầu chợt nảy ra một suy nghĩ, tôi hỏi:

“Ở đây có sách nào nói về cờ tướng không anh?”

“Em cần à?”

“Vâng. Em muốn viết một bài về cờ tướng trước thềm giải Cờ tướng Thăng Long khai mạc. Ngoài các cao thủ trong nghề ra, em thấy còn rất ít người quan tâm tới môn thể thao này....”

Lâm nghe tôi giải thích vậy thì ngẫm nghĩ một chút rồi chỉ về phía một giá sách gỗ cao tới hai mét, nói:

“Ở trên giá đó có một vài cuốn hay đấy, em có thể từ từ mà lựa. Anh sẽ cho mượn mang về, đọc xong đem trả ông anh cũng được.”

Tôi đi về phía giá sách, nghển cổ lên nhìn những cuốn sách cũ được xếp chặt lèn trên giá. Lâm thấy tôi có vẻ hoang mang khi nghĩ mình phải bơi lội trong hàng đống sách này thì đề nghị:

“Để anh tìm cho.”

Tôi gật đầu, kéo cái ghế lại và trèo lên, vừa bắt đầu tìm kiếm ở ba hàng sách cao nhất bên trên, vừa nói:

“Anh tìm giúp em ở mấy hàng dưới, em tìm ở trên này cho ạ!”

“Được.”

Chúng tôi vừa tìm sách vừa nói chuyện. Trong khi Lâm nhanh chóng tìm được hẳn 3 cuốn sách nói về các kỳ thế trong cờ tướng thì tôi vẫn chưa tìm ra được quyển nào cả. Thực ra, cái tôi tìm không phải là kỳ thế hay kỳ phổ gì hết bởi tôi đọc những cái đó cũng không hiểu gì, tôi chỉ muốn tìm một vài cuốn sách nói về đạo làm người trong đánh cờ tướng… Đại loại là những triết lý con người ta rút được khi chơi môn thể thao đầy tính trí tuệ này. Thế nhưng trước sự nhiệt tình của Lâm, tôi không thể nói với anh rằng thực ra tôi không cần đến những cuốn kỳ phổ mà anh tìm cho tôi được. Nói như thế thì có vẻ phũ phàng quá!

Tìm mãi không được cuốn nào, tôi bắt đầu thấy mỏi cả cổ. Loay hoay thêm một lúc nữa, Lâm đã tìm thấy bốn cuốn liền, cuối cùng tôi cũng nhìn thấy một cuốn sách. Nói thật tôi đã lướt qua nó tới mấy lần, nhưng vì nó ở trên giá cao nhất nên lần nào tôi cũng chỉ nhìn qua, chú ý đến mấy cuốn có bìa và tên nổi bật hơn, đến tận lần này mới đọc kỹ chữ viết trên gáy sách. Cuốn sách được bọc bằng giấy bìa lót bao xi măng, nhìn màu giấy bên trong cũng đã cũ mèm, trên gáy sách có mấy chữ in được viết rất nắn nót: “CỜ TƯỚNG - TẠP BÀN”. Tôi rướn người, vươn tay sờ được vào gáy dưới quyển sách. Nằm giữa một hàng sách chật chội, tôi rút mãi nó cũng không ra. Tôi đành kiễng chân lên để giữ sách cho chắc. Vừa lôi được cuốn sách ra, tôi nghe thấy một tiếng “cạch” ở ngay dưới chân, cái ghế nhựa bốn chân hơi rung lên, sau đó thì sụp hẳn xuống.

Dường như cái kiễng chân dùng sức rút sách của tôi đã khiến cho chân chiếc ghế vốn đã nứt một chỗ vỡ luôn. Tôi mất đà, chao đảo rồi trượt chân ngã ngửa về sau. Lâm đứng ở cách tôi hơn một mét, thấy thế lập tức đỡ lấy tôi, may mắn nhờ có anh nên đầu tôi cũng không bị đập vào đâu cả, nhưng nguyên cái mông nặng nề đập xuống đất nghe “bịch” một tiếng. Cơn đau ở mông còn chưa qua đi, tôi đã cảm thấy chân còn đau hơn thế, khẽ động đậy, đau đến mức nước mắt cứ thế trào ra.

Lâm ôm ngang người tôi, lo lắng hỏi:

“Có sao không?”

Tôi nằm trong vòng tay anh, nếu phải trường hợp khác chắc cũng sẽ cảm thấy hơi ngượng, nhưng lúc này tôi chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ tới mặt mũi nữa, cứ thế tựa hắn vào ngực anh, mặt nhăn nhó:

“Chân em đau quá!”

Lâm để tôi tựa vào một bên cánh tay anh, tay còn lại vươn ra sờ thử lên cổ chân tôi, thấy tôi la oai oái thì anh vội rụt tay lại. Tôi đau đến nỗi mồ hôi chảy ra ròng ròng. Lâm để tôi hơi tựa vào giá sách, nói:

“Em cố chịu đau một chút. Anh ra vẫy taxi đưa em tới bệnh viện. Chắc là bị trẹo cổ chân rồi.”

Tôi gật gật đầu, lê cái mông vẫn còn đau ê ẩm dịch sang một bên để người được tựa hẳn vào giá sách. Lâm vừa ra đến cửa thì lại có người đi vào. Tôi ngồi trong góc khuất nên chỉ nghe thấy tiếng của một người con gái hỏi Lâm, có vẻ thân quen:

“Nắng thế này anh định đi đâu vậy? Em có mua chè cho anh và ông này.”

“Em trông quán cho anh một lúc nhé, anh đưa bạn anh vào viện cái đã.” Giọng Lâm có vẻ gấp gáp, không hiểu sao tôi lại cảm thấy vui vui khi có người lo lắng cho mình tới mức ấy, mà người này tôi mới chỉ quen được hai ngày.

“Bạn anh làm sao cơ?”

“Cô ấy bị ngã! Taxi…”

Tôi tì tay vào giá sách, định bám vào đó dần đứng dậy. Nhưng mới nhấc được cái mông nặng nề lên một chút mà tôi đã thấy mệt đứt cả hơi rồi, không thể nào cố đứng lên bằng một chân được.

Khi tôi còn đang loay hoay trong cái tình trạng đứng lên không được vì đau chân, ngồi xuống cũng chẳng xong vì ê mông thì Lâm đi vào, theo sau anh là một cô gái. Cô gái nhìn tương đối trẻ, có lẽ ít tuổi hơn tôi, cao ráo, xinh xắn, mái tóc uốn xoăn nhuộm màu hồng được buộc cao kiểu đuôi ngựa khiến cho tôi có cảm giác xung quanh càng trở nên nóng rực. Cô gái tò mò nhìn tôi, còn tôi thì đang cố gắng nặn ra một nụ cười với Lâm, nhớ tới cái tư thế đang đeo bám vào giá sách không mấy đẹp mắt của mình, tôi cố nhịn đau mà đặt mông xuống. Lâm lại gần, xốc tôi đứng dậy, sau đó hỏi:

“Để anh cõng em ra xe.”

Rồi chẳng để tôi nói đồng ý hay từ chối, Lâm đã quay lưng, ngồi xổm xuống trước mặt tôi. Tôi nhớ tới Bảo, đang định nhờ anh gọi cả hắn xuống nữa thì đã nghe Lâm dặn cô gái kia:

“Trông quán cho anh. Tí nữa có cậu nào trên kia xuống hỏi thì bảo anh đưa Thảo An tới bệnh viện rồi nhé! Dặn cậu ấy cứ đợi ở đây, anh sẽ đưa cô ấy về sau khi khám xong.”

Cô gái khẽ gật, ánh mắt vẫn nhìn chằm chằm vào tôi.

Tôi cứ tưởng sẽ nhanh thôi, không ngờ chúng tôi lại mất cả buổi chiều ở bệnh viện. Sau một hồi soi chụp, bác sĩ kết luận tôi bị giãn dây chằng cổ chân. Tôi thầm nghĩ số mình sao mà đen đủi, khi không chỉ có đi tìm sách đọc thôi mà cũng ngã đến giãn dây chằng được. Nếu Bảo ở đây, thế nào hắn cũng sẽ chọc ghẹo tôi vài câu, đại loại như cái ghế thật đáng thương khi tôi chỉ bị giãn dây chằng, còn nó thì bị gãy hẳn cái chân, hoặc đại loại như tôi đã béo lắm rồi, cần phải giảm cân gấp… Theo dặn dò của bác sĩ, tôi phải dùng nẹp cố định cổ chân khoảng hai ngày đầu tiên, không được đi lại bằng chân bị đau trong ít nhất hai tuần, sau hai tuần có thể đi lại nhẹ nhàng nhưng tuyệt đối không được vận động mạnh. Lâm cảm thấy mọi thứ có vẻ ổn rồi mới lại gọi taxi để đưa tôi về, đúng lúc ấy thì Bảo gọi điện, có lẽ lúc này hắn mới nhớ ra cái file đính kèm là tôi đây.

Bảo nói sẽ đến bệnh viện đón nên tôi ở lại chờ luôn, không đi taxi về cùng Lâm nữa. Lâm ở lại đợi cùng tôi. Lúc Bảo đến, tôi thấy mặt hắn đen sì, có lẽ đang giận tôi vì không báo cho hắn biết mình bị thương. Hắn nói cảm ơn Lâm, kiên quyết nhét trả tiền viện phí cho anh, sau đó gửi luôn xe máy ở bệnh viện và gọi taxi đưa tôi về nhà.

“Hôm nay chị về nhà em. Tối gọi điện xin nghỉ làm một tuần đi. Chân đau như thế thì ở nhà nghỉ ngơi, đợi khá hơn rồi hẵng hay.” Trên xe, hắn không tỏ ra giận dỗi nữa mà ân cần dặn dò.

“Không được, chị về nhà chị!” Tôi giãy nảy lên từ chối.

“Được, vậy em sẽ ở nhà chị!”

Tôi định nói như thế cũng không được thì đã nghe hắn nói tiếp:

“Chừng nào chân chị đỡ hơn thì em về. Chân bị đau, không điều trị cẩn thận sẽ để lại di chứng, sau này nhiều tuổi, khi trời lạnh sẽ đau nhức lắm đấy.”

Tôi cũng không phản đối nữa, trong đầu đang thử điểm danh xem có cô bạn thân nào có thể gọi sang nhà ở cùng tôi thời gian tới đây được không?

Bảo có thân hình cao lớn hơn Lâm nên ở trên lưng hắn tôi thấy vững chãi và an toàn hơn hẳn. Hắn cõng tôi nhẹ nhàng chẳng khác nào con mèo tha con chuột từ sân khu tập thể lên tận tầng bốn. Đặt tôi xuống sofa, hắn xem xét bệnh án và thuốc mà bác sĩ kê cho, sau đó bắt đầu nhìn chằm chằm vào cái chân bó nẹp cứng đơ tôi như đang ngâm cứu cái gì đó. Cuối cùng hắn mới chịu quan tâm hỏi một câu:

“Đau lắm sao?”

“Hỏi thừa!” Tôi bĩu môi, cuối cùng hắn cũng đã nhớ ra hỏi thăm chị đây một câu rồi.

Bảo xem giờ, sau đó đi vào phòng, lấy ra cái gối và chăn mỏng đưa cho tôi, cần thận đặt cái chân đau của tôi lên ghế, dặn dò:

“Em về nhà một chút, tiện sẽ mua đồ ăn tối luôn. Hôm nay chị thích ăn gì để em mua?”

Tôi trả lời qua loa:

“Gì cũng được.”

Thấy hắn cau mày, tôi lại nói thêm:

“Giờ em đã hiểu cảm giác khó chịu của chị khi mỗi lần đi ăn em đều nói câu “ăn gì cũng được” với chị rồi chứ?”

Hắn nhún vai một cái, sau đó đưa cho tôi cái ipad để tôi nghịch. Vừa quay người đi được mấy bước, như nhớ ra cái gì, hắn lại quay đầu nhìn tôi, ngập ngừng một chút rồi hỏi:

“Chị… muốn đi vệ sinh không?”

Tôi ngớ người, nhìn vẻ mặt bối rối của hắn mà muốn phì cười, nhưng vẫn cố phải làm ra vẻ đau đớn khổ sở, lắc đầu:

“Không, từ chiều giờ đã được giọt nước nào vào bụng đâu. Tiện thể lấy cho chị cốc nước ấm để chị uống thuốc giảm đau cái đã.”

“Được.”

Sắp xếp cho tôi xong Bảo bèn rời đi. Tôi ngồi chơi Nông trại một tí thì buồn ngủ. Hôm nay không được ngủ trưa, lại thêm cả một buổi chiều đau đớn khổ sở trong bệnh viện nên giờ hai mắt tôi cứ díp cả vào. Tôi ngủ quên lúc nào không hay.

Lúc thức dậy, tôi ngạc nhiên khi thấy mình đang nằm trong phòng, cái điều hòa cũ chạy rì rì, một tấm chăn mỏng đắp trên người tôi. Căn phòng tối om, tôi nghe loáng thoáng có tiếng người nói chuyện bên ngoài, mà lại còn là tiếng của con gái nữa. Đoán già đoán non một hồi, cuối cùng tôi nghĩ tới Ngọc, cô bạn gái của Bảo. Nếu Bảo có thể đưa ai đến nhà tôi chơi, vậy thì chỉ có thể là cô bé ấy mà thôi.

Tôi vừa lên tiếng gọi, mười giây sau, Bảo đã xuất hiện ở ngưỡng cửa.

“Chị dậy rồi? Muốn ra ngoài ăn hay ăn ở trong phòng luôn?”

“Ai đến chơi à?” Tôi nhổm người dậy, lật cái chăn qua một bên, mặc dù đã đoán được nhưng tôi vẫn tò mò.

“À, là Ngọc. Em nhờ cô ấy đến giúp chị tắm. Cô ấy đang nấu cơm. Để em đưa chị ra ngoài nhé!”

“Ừ!”

Tôi đợi hắn xoay lưng để cõng mình, không ngờ hắn lại cúi xuống, dùng hai tay bế bổng tôi lên một cách nhẹ nhàng. Lúc ra đến ngoài phòng, tôi thấy Ngọc đang ở trong bếp lúi húi nấu cơm. Hình như cũng không biết là tôi đã đi ra nên đến tận khi tôi lên tiếng nhờ Bảo lấy cho cốc nước, cô mới quay lại nhìn, mỉm cười rồi chào tôi một tiếng.

Bảo lấy nước cho tôi xong thì lại đi vào bếp giúp Ngọc. Hai người họ có vẻ đã làm lành, những lúc Ngọc nói chuyện với Bảo, tôi thấy mắt cô sáng lấp lánh. Còn Bảo vẫn mang cái thái độ chẳng gần cũng chẳng xa, hắn chưa bao giờ tỏ thái độ thân mật với bạn gái trước mặt tôi bao giờ, tôi nghĩ chắc hắn thấy ngượng.

Mặc dù trong lòng không quá đồng tình với việc Bảo nhờ Ngọc tới đây giúp tôi, nhưng vì mình mẩy đang đau nhừ, lại thêm cái chân không thể động đậy nên tôi cũng không từ chối. Cứ qua một ngày này đã rồi hãy hay, ngày mai tôi sẽ nhờ cô bạn thân sang ở cùng, nhưng thế cũng tiện hơn cho cả tôi, cả Bảo và cả Ngọc. Tôi chẳng muốn nợ ai cái gì, nhất là cô bạn gái của Bảo thì càng không.

Ăn uống, tắm táp xong xuôi, Bảo đưa tôi trở lại phòng sau đó đưa Ngọc về. Vì đã ngủ một giấc rồi nên tôi cũng không ngủ ngay được nữa. Tôi gọi điện cho chú tổng biên tập xin nghỉ mấy ngày vì chân bị đau, sau đó ôm iPad của Bảo tập đánh cờ với máy. Đang bực mình vì chơi tới ván thứ năm mà vẫn không có cửa thắng thì tôi nhận được tin nhắn của Lâm. Anh hỏi tôi có đau lắm không, có ai chăm sóc không? Tôi quăng iPad qua một bên, vui vẻ nhắn tin với anh. Chỉ là những tin nhắn vu vơ mà nhắn qua nhắn lại được với nhau cả nửa tiếng đồng hồ, cuối cùng Lâm phải giục tôi đi ngủ sớm cho mau khỏe thì cuộc nói chuyện mới dừng lại.

Ấn tượng ban đầu của tôi về Lâm rất tốt, vì vậy tôi nói chuyện với anh khá dễ chịu. Con người tôi là vậy, luôn có hoặc không có cảm tình với người khác ngay từ lần nói chuyện đầu tiên. Nếu tôi có cảm tình với người đó thì chúng tôi rất dễ dàng làm bạn. Còn nếu tôi cảm thấy không thích thì sẽ luôn giữ một thái độ xa cách cả nghìn mét, thờ ơ, không hào hứng nói chuyện. Vì thế, nhiều anh chàng sau khi được người khác mai mối, giới thiệu cho tôi, thấy thái độ tôi hời hợt thì người bảo tôi kiêu, người lại bảo tôi chảnh, có người còn bảo tôi nhạt nhẽo, đủ các kiểu nhận xét. Không thích nhau mà, người ta có cả tá lý do để chỉ ra đối phương khập khễnh với mình.

Bảo về lúc hơn mười giờ, có lẽ còn đưa bạn gái tạt ngang rẽ dọc đâu đó nữa. Hắn mang túi chườm đá vào chườm vết sưng trên cổ chân cho tôi. Tôi nói muốn tự làm, hắn cũng không phản đối, dặn dò mấy câu rồi ra ngoài đi tắm. Lần đầu tiên tôi thấy hắn hờ hững với mình như thế, bình thường nếu tôi chỉ hơi sụt sịt tí thôi là hắn đã nhặng lên rồi. Một lúc sau, khi hắn vào phòng, thấy túi đá đã rơi sang một bên bèn lườm tôi một cái, chẳng nói chẳng rằng lại nhấc nó đặt lên cổ chân tôi.

“Này, em giận cái gì thì nói. Đừng có thái độ như thế với chị nhé!” Tôi ngẩng đầu, bực bội quát.

Hắn cúi đầu im lặng, không thèm nói với tôi một câu, tay xoa nhè nhẹ lên vết sưng trên cổ chân tôi. Bàn tay hắn mát lạnh chứ xoa nhè nhẹ trên da làm tôi thấy ngứa ngứa. Tôi định hất chân lên để đẩy tay hắn ra, nhưng hắn đã nhanh nhẹn dùng tay kia túm lấy cẳng chân tôi, ép chặt xuống cái gối kê bên dưới. Tôi hít sâu một hơi vì đau.

“Ngồi yên đi, đừng làm khổ mình nữa.” Hắn hạ thấp giọng, tay vẫn xoa đều đều quanh vùng cổ chân tôi, nhẹ nhàng massage.

Tôi đặt iPad xuống đùi, hỏi:

“Em với Ngọc làm lành rồi chứ?”

“Vâng.” Hắn đáp, giọng nhẹ tênh.

“Con bé ấy nấu ăn khá đấy, hơn chị.” Tôi cười hề hề làm lành với hắn. Thật chẳng nỡ giận con người này bao giờ được!

“Chị đã gọi điện xin nghỉ chưa?”

“Rồi. Khiếp, ông sếp cứ cằn nhằn mãi ấy. Mà chắc mai chị gọi cái Hoài bạn chị sang đây ở mấy ngày, em cũng không cần ở đây với chị nữa đâu.”

“Cái bà làm ở ngân hàng đấy à?” Hắn ngẩng đầu nhìn tôi một cái rồi lại cúi xuống, chăm chăm nhìn vào cái chân đau của tôi.

“Ừ.”

“Đi làm cả ngày thì chăm chị sao được?”

Tôi cứng họng nhưng vẫn cố chống chế:

“Thì chỉ cần buổi tối là được. Chủ yếu là tắm táp thôi, chứ ăn uống thì quan trọng gì. Mấy cái quan trọng cần đi lại thì chị cũng có thể nhảy lò cò được mà.”

“Mấy cái quan trọng cần đi lại” ở đây của tôi chính là đi vệ sinh, nhưng tôi cảm thấy không nên trực tiếp nói ra như thế. Thảo nào mà hồi chiều hắn lại ấp úng mãi mới dám hỏi. Da mặt tôi thật sự còn chưa dầy được như hắn!

“Để em bảo Ngọc sang ở với chị mấy hôm.”

“Thôi, đừng làm phiền em ấy. Với lại, em ở đây mãi, sợ là Ngọc cũng nghĩ ngợi đấy. Dù sao chúng ta cũng không phải chị em ruột.”

“Không phải chị muốn vun đắp tình cảm cho bọn em sao?” Bảo nhìn tôi bằng ánh mắt mong đợi. “Thế sao không tạo điều kiện đi, để cô ấy sang chăm sóc chị, bọn em sẽ có nhiều thời gian ở bên nhau, tìm hiểu nhau hơn.”

“Muốn ở bên nhau, tìm hiểu nhau thì sao không gọi con bé sang ở cùng em luôn đi, cần gì phải có thêm một con kỳ đà vừa lùn vừa béo như chị.” Tôi trợn mắt nhìn hắn.

Bảo gãi đầu cười với tôi:

“Chị à, em trai chị dù hai tư rồi nhưng vẫn mang tâm hồn của một thằng nhóc mười bảy thôi, nhiều cái còn chưa biết lắm.”

“Thôi đi, đừng làm bộ nữa. Chị nói thật với em thế này, chị không muốn làm phiền tới bạn em. Chị và em ấy cũng chưa thân quen tới mức chị có thể tùy tiện mắc nợ người ta được.”

Bảo thở dài:

“Chị cứ nợ đi. Em sẽ trả cho cô ấy là được.”

“Định lấy thân báo đáp sao?” Tôi phá lên cười. “Thôi, cứ quyết định thế đi. Mai bạn chị sẽ sang. Nếu em lo lắng ban ngày chị phải ở một mình thì trưa chịu khó sang mua đồ ăn trưa cho chị là được. Có thời gian thì tranh thủ vun đắp tình cảm đi. Cuối năm em đi Úc hẳn hai tháng, lúc ấy chắc cả hai đứa đều sẽ thấy chông chênh lắm.”

Bảo cúi đầu không nói gì nữa. Tôi nghĩ chắc hắn cũng chấp nhận quyết định đó rồi nên mới không ương bướng phản đối như lúc đầu.

Trẻ nhỏ đúng là dễ dạy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.