Thanh Xuân Tạo Ấm

Chương 50: Chỉ thuộc về ngươi




Sáng cuối tuần được nghỉ, tôi ghé qua nhà Bảo với một bó cúc họa mi tuyệt đẹp. Đang vào mùa, cúc họa mi được bày bán đầy trên những sạp hoa bán rong ở khắp các góc phố, chỉ cần nhìn ngắm thôi cũng sẽ cảm thấy quá yêu thương cái buổi sáng mát mẻ thế này.

Chú Minh đã biến mất tròn một tuần. Thím tôi nói với cả nhà là chú đi công tác nước ngoài nên hiện tại điện thoại cũng không liên lạc được, thế là không ai thắc mắc nữa. Nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, nếu chú ấy cứ mãi không về, thế nào cũng sẽ có người sinh nghi. Thôi thì được lúc nào hay lúc ấy.

Cứ hai ngày tôi lại ghé qua nhà chú thím một lần, vào hòm thư của chú lưu ở trên máy tính, thấy cái email tôi gửi cách đây một tuần rồi vẫn còn chưa được mở ra, xem ra từ hôm đó tới giờ chú tôi cũng không vào mạng thêm lần nào nữa. Thím tôi càng lúc càng xanh xao hốc hác, mặt mũi lúc nào cũng trắng bợt, hai má hóp lại, mắt trũng sâu. Tôi nói muốn ở lại giúp thím chăm hai em nhưng thím một mực từ chối, bàn đi bàn lại một hồi, thím quyết định đem hai đứa về nhà ngoại gửi ít hôm, tiện thể ở đó để tĩnh dưỡng sức khỏe luôn.

Về phía Pawn, thành viên bí ẩn trên diễn đàn cờ tướng kia, Bảo đã thử liên hệ nhưng không nhận được hồi âm nào, vì thế chúng tôi chỉ có thể đợi đến cuối tuần để tới hội quán cờ kia hỏi han một chút xem sao.

Căn hộ của Bảo nằm trên tầng tám, trong một khu đô thị cao cấp chủ yếu là người nước ngoài sinh sống. Tôi không thường tới đây lắm, thường thì chúng tôi gặp nhau ở ngoài, đi ăn uống, xem phim hoặc chơi bowling, hoặc hắn sẽ tới nhà tôi chơi trò chây ì đến chán thì thôi. Nhà hắn nhỏ xinh, đồ đạc cũng chẳng lấy làm nhiều nhặn, vừa đủ để một gã độc thân như hắn sống thoải mái, không thừa cũng chẳng thiếu cái gì. Phòng ngủ của hắn trang trí tông màu gỗ, trong phòng lúc nào cũng thoang thoảng mùi trầm hương cực kỳ dễ chịu. Căn bếp luôn sạch sẽ và gọn gàng. Hắn không thuộc tuýp người đảm đang, nhưng cũng biết làm vài ba món đơn giản, cũng được coi là dễ ăn. Hắn ưa sạch sẽ, luôn thuê người tới dọn phòng hai ngày một lần nên cũng không đến nỗi bừa bộn giống nhà tôi.

Khác hẳn với những lúc bốc đồng khi ở cạnh tôi, hắn là người sống khá nguyên tắc. Hắn không bao giờ đưa bạn gái về nhà, điều đó đồng nghĩa với việc hắn hoàn toàn chưa sẵn sàng để một cô gái nào đó thực sự bước vào cuộc đời mình. Hắn cho rằng, mọi mối quan hệ phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện từ hai phía thì mới có thể lâu dài. Trong mối quan hệ của hắn, tôi chỉ đoán thôi, là các cô gái thì luôn tự nguyện và sẵn sàng, còn hắn thì không.

Tôi bấm chuông một hồi mới thấy cửa mở, rồi hắn ló cái đầu bù xù ra, một tay còn đang gãi đầu, mắt nheo lại nhìn tôi. Sau đó hắn để cửa mở thế và lại quay về sofa, nằm phịch xuống, cuốn lấy cái chăn ấm áp quấn chặt lấy người, cứ thế tiếp tục vùi vào giấc ngủ. Không biết có phải ngủ ở sofa nhà tôi tới nghiện rồi hay không mà về nhà mình rồi hắn vẫn giữ thói quen ngủ ngoài phòng khách?

Tôi cắm hoa vào bình, đặt lên bàn, sau đó ngồi xuống cái ghế sofa đơn, lật lật mấy quyển tạp chí xe cộ ra đọc một cách buồn chán. Một lát sau thì tôi bắt đầu buồn ngủ ríu mắt lại, nệm ghế thì êm, điều hòa mát mẻ, tôi cứ thế co ro ôm lấy hai đầu gối ngủ quên luôn.

Giấc ngủ nặng nề mau chóng kéo đến với tôi sau cả một tuần lúc nào cũng trằn trọc, nghĩ ngợi và lo lắng. Tôi mơ thấy những chuyện đã cũ, thấy Hải - gã người yêu gần đây nhất đã bỏ tôi mà đi. Hồi ấy, tôi vừa bắt đầu tương lai của mình với công việc phóng viên mảng văn hóa của tòa soạn. Gã là phóng viên ảnh có trái tim nghệ sĩ nên thường đi đây đi đó. Ban đầu, tôi thích kiểu lãng tử ấy lắm, bọn bạn tôi thì nhìn bằng ánh mắt ngưỡng mộ vì cứ thấy vài ba hôm gã lại đăng lên một bức ảnh chụp ở nơi nào đó rất xa Hà Nội. Nhưng rồi tôi mệt mỏi dần với kiểu sống không cần nghĩ về tương lai đó của gã. Đàn bà con gái kiểu như tôi luôn hướng về một mái ấm, một nơi yên ổn, còn người như gã lại thích buông thả trái tim, thích lối sống phóng túng, thích theo chủ nghĩa xê dịch. Tôi đã từng yêu gã nhiều, cũng từng nghĩ gã sẽ là mối tình cuối của đời mình, cũng từng nghĩ rằng rồi tình yêu của mình sẽ trói được chân gã, sẽ khiến cho gã phải thay đổi cách sống, thay đổi cách nghĩ. Đến một ngày, gã nói với tôi:

“Có lẽ em vẫn chưa hiểu hết về trái tim mình. Chúng ta không hợp nhau.”

Hôm ấy là Noel, tôi nhớ như in gã đã nói câu ấy lúc chúng tôi đứng ở Nhà Thờ Lớn đợi xem thánh lễ. Dưới ánh sáng chói lòa của đèn điện, gương mặt gã buồn buồn, một vẻ đẹp rất nghệ sĩ, đẹp tới đáng ăn đòn. Tôi căn vặn gã tại sao, nhưng gã chỉ lặng im.

Sau đó, khoảng một giờ sáng, Bảo tìm thấy tôi đang ngồi ăn kem ở bờ Hồ. Tôi nuốt vội những que kem lạnh buốt, cổ họng đã tê cứng, không còn cảm giác gì nữa. Tôi cũng không biết mình đi ra đây bằng cách nào. Đường rất đông, tôi không bắt được taxi nên cứ thế đi bộ một cách vô định. Tôi không có khả năng nhớ đường ở trên khu phố cổ nên chỉ có thể đi theo bản năng. Cuối cùng thì tôi nhìn thấy ánh sáng lung linh của Tháp Rùa. Tôi mua một hộp kem và ra ghế đá ngồi. Tôi chẳng nhớ mình ở đấy bao lâu trước khi Bảo tìm được tôi, chỉ nhớ lúc hắn đến thì tôi đã ăn sạch cả hộp kem.

Bảo không nói gì, chỉ yên lặng quàng thêm khăn cho tôi rồi đưa tôi về nhà. Tôi ngồi sau xe, hai tay đút vào túi áo khoác của hắn, ghé má đặt lên cái lưng to bè đó, ngoan ngoãn để hắn đưa về nhà. Đêm ấy, tôi lên cơn sốt, ngủ vùi trong vòng tay Bảo. Sau này, lúc tôi đã hết buồn, đã nguôi ngoai tình cũ, hắn mới thở dài nói với tôi:

“Chỉ lúc nào chị ốm, em mới thấy chị hiền. Là con gái, giả vờ yếu đuối một tí không được sao?”

Hôm nay, không hiểu sao tôi lại mơ thấy gã nghệ sĩ đấy, không còn thấy mặt gã đẹp nữa mà chỉ cảm thấy bộ mặt ấy rất gợi đòn. Trong mơ, tôi thấy gã đến tìm tôi. Tôi mặc bộ đồ cô dâu, tất nhiên chú rể không phải là gã. Gã nắm lấy tay tôi, tôi muốn thoát ra không được, cứ thế bị gã kéo đi. Đang giằng co với gã thì đột nhiên tôi cảm thấy có cái gì đó mềm mềm, mát lạnh chạm vào má, thế là tôi giật mình mở choàng mắt ra.

Vừa mở mắt, tôi hết hồn vì gương mặt Bảo đang chỉ cách mặt tôi chưa tới một gang tay. Tim tôi suýt bắn ra ngoài vì sợ. Hắn thấy tôi mở mắt ra thì lùi người về sau, lại ngồi xuống ghế. Tôi lườm hắn một cái cháy mặt, đồng thời nghĩ tới cái cảm giác mát lạnh chạm vào má khi nãy, không khỏi tưởng tượng ra một cảnh rất lãng mạn. Tôi ngồi thẳng dậy, lại thấy mảnh chăn mỏng trên người tuột xuống, không biết Bảo đắp cho tôi lúc nào. Tôi xem giờ, không ngờ mình đã ngủ được gần một tiếng. Bảo đã dậy từ bao giờ, chăn gối đã được gấp gọn lại và cất vào phòng. Mà hình như hắn cũng đã tắm xong, mùi xà bông oải hương thơm ngát trên người hắn luẩn quẩn bên cánh mũi tôi mãi không tan.

Bữa sáng hắn chuẩn bị khá đơn giản, có bánh mì, trứng ốp la và sữa tươi. Tôi hay bị đau bụng khi ăn trứng và uống sữa với nhau nên chỉ cố gắng ăn hết một mẩu bánh mì, uống hết cốc sữa rồi lại ra ghế ngồi. Chẳng hiểu sao, cái hương thơm quái quỉ trên người hắn cứ phảng phất quanh tôi mãi không tan.

Trong lúc hắn ăn sáng, tôi ôm laptop của hắn chơi. Thấy hắn đang mở sẵn trang web bán vé máy bay, tôi ngạc nhiên, quay đầu lại hỏi:

“Định đi đâu à mà mua vé máy bay?”

“Em về nhà.” Hắn chậm rãi nhai bánh mì, ngẩng đầu nhìn tôi, vẻ mặt đủng đỉnh.

Tôi cúi đầu, sững ra mấy giây, sau đó mới lại hỏi:

“Có việc gì à? Còn lâu mới đến Tết mà.”

“Không. Sẵn dịp Noel nên em về thăm nhà một thể. Lâu rồi em không đón Noel ở nhà.”

Tôi cười:

“Nhớ mang về ít tuyết nhé!”

“Ngốc. Ở Sydney tầm đó nóng cháy nhà ra, lấy đâu ra tuyết cho chị chứ.”

Tôi ngớ người, nhệch miệng cười:

“Ừ nhỉ, quên đấy.”

Hai chúng tôi chìm vào im lặng. Hắn ăn rất yên lặng, một tiếng động nhỏ cũng không phát ra. Tôi nhìn vào bản tin mình vừa click vào, nhưng mấy con chữ cứ nhảy nhót trước mắt, tôi đọc mà chẳng biết mình đang đọc cái gì, trong đầu lúc này chỉ toàn tưởng tượng ra cảnh tôi tiễn Bảo ra sân bay, cảnh tôi sẽ phải bơ vơ một mình trong dịp Noel năm nay. Hai năm này, Bảo toàn về nhà vào dịp Tết Nguyên Đán. Gia đình Bảo định cư ở Sydney đã gần ba mươi năm nhưng vẫn luôn nhớ tới quê hương, ở Việt Nam ăn Tết thế nào thì nhà hắn cũng giữ nguyên truyền thống đó. Bảo kể có năm bố hắn hứng lên còn gói cả bánh chưng nữa. Năm nay nếu hắn về từ Noel thì phải đến hơn một tháng chúng tôi sẽ không gặp nhau. Nghĩ vậy, tôi bỗng thấy lòng trống trải.

Chúng tôi không nói thêm câu nào về chuyện ấy nữa. Ăn sáng xong, Bảo chở tôi lên Giảng uống cà phê trứng - món mà tôi và hắn đều rất thích nhâm nhi vào những sáng cuối tuần. Ngồi trên Giảng, hắn thông báo với tôi đã chia tay với Ngọc rồi, tôi chắt lưỡi:

“Tính ra em này được lâu nhất ấy nhỉ, những bốn tháng.”

Hắn lặng im không nói. Tôi thấy hắn im lặng mãi, lại hỏi:

“Đó là một cô gái tốt, cũng không quá phiền phức, chẳng lẽ em vẫn không động lòng chút nào sao?”

Hắn nhìn tôi, lắc đầu cười. Hắn cười rất đẹp. Chợt nhớ, có lần Ngọc nói với tôi: “Hình như ở gần chị anh ấy mới cười nhiều như thế.” Có lẽ cô gái ấy chỉ muốn lấy lòng tôi, vì dù sao ở Việt Nam này, tôi đã gần như là người thân của hắn rồi. Hắn tư lự một hồi lâu, sau đó mới trả lời:

“Không. Vì cô ấy tốt nên em mới sợ em sẽ động lòng.”

“Động lòng thì tốt chứ sao? Còn định chờ tình yêu trong truyền thuyết nữa à?” Tôi bĩu môi, cảm thấy khó chịu với cách giải thích của hắn.

Hắn không trả lời tôi mà nói lái sang chuyện khác.

“Lần này em về khá lâu đấy, chị cầm chìa khóa nhà cho em, thỉnh thoảng sang ở mấy ngày cho có hơi người nhé!”

“Cuối năm chị bận lắm, chả có thời gian đâu.”

“Làm ơn đi mà.” Hắn xuống giọng năn nỉ.

“Đến người dọn phòng còn có tiền công, chị trông nhà cho em thì được cái gì?”

Bảo ngẫm nghĩ một chút, sau đó hơi cúi đầu về phía tôi, nói như thì thầm:

“Một vé đi Sydney chơi hè sang năm, OK?”

Tôi như vớ được vàng, toét miệng cười:

“Thành giao. Nhớ lời hứa của em đấy.”

Trên đường tới đạo quán cờ tướng kia, tôi hớn hở ra mặt khi nghĩ tới chuyện sang năm mình được sang Úc chơi mà không tốn một xu nào. Úc nổi tiếng với những cánh đồng hoa oải hương bất tận và những vườn nho xinh đẹp vô cùng. Gia đình Bảo cũng có một trang trại nhỏ cách thành phố Sydney chừng ba giờ lái xe. Hắn thường cho tôi xem ảnh về nhà mình, về biển, về những chú hải âu bay lượn. Mỗi lần từ Úc sang, hắn đều mang cho tôi một sản phẩm nào đấy làm từ hoa oải hương, khi thì lọ tinh dầu thơm, khi thì chai nước hoa, có lúc là cả một lọ thủy tinh đựng đầy nụ hoa khô, thế nên tôi lưu luôn tên hắn trong danh bạ điện thoại là Mr. Lavender.

Nghĩ mãi về nước Úc xinh đẹp nên đến tận khi Bảo dừng xe, tôi mới nhận ra là chúng tôi đã tới nơi rồi. Tôi nhìn địa chỉ, mặt đần ra, sau đó quay sang ném cho hắn một cái ánh mắt ý bảo: “Nhầm nhà rồi!” Hắn rất hiểu ý tôi, đáp:

“Không nhầm đâu, đây là địa chỉ mà em xin được của mấy lão huynh trên diễn đàn mà!”

“Nhưng đây là hiệu sách, có phải kỳ quán quái nào đâu.”

Đây không những là một cửa hàng bán sách mà còn là một cửa hàng bán sách cũ nữa chứ. Cửa hàng khá nhỏ, ngoài bậc cửa bày mấy sạp thấp, trên chất từng chồng, từng chồng sách lớn, có một người thanh niên mặc áo sơ mi trắng đang ngồi sau những chồng sách ấy, đang ghi chép phân loại gì đó. Sau lưng anh ta, ở bên trong cửa hàng là những giá sách khá cao bằng gỗ, trên từng ngăn xếp đầy những sách. Mặc dù Bảo nói với tôi chắc như đinh đóng cột nhưng tôi lại thấy dường như hắn cũng đang hoang mang về cái địa chỉ này.

Thấy chúng tôi ngập ngừng mãi ngoài cửa, người thanh niên ngồi sau những chồng sách ngẩng đầu lên nhìn. Anh ta khá trẻ, tôi đoán chừng mới khoảng ba mươi, gương mặt ưa nhìn với chiếc cằm nhỏ như con gái, sống mũi cao và thẳng tắp, đôi mắt to, lông mày rậm, mái tóc được cắt ngắn gọn gàng. Lúc ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi cảm giác như có luồng điện chạy thẳng qua tim vậy. Anh ta nhoẻn miệng cười, còn tôi bối rối quay mặt đi.

Bảo không để ý đến vẻ mặt của tôi, hắn kéo tay tôi tiến lại gần anh ấy, còn chưa đợi đối phương mở miệng chào, hắn đã nhanh nhảu lên tiếng trước:

“Anh cho bọn em hỏi, chỗ này có phải là Thăng Long kỳ đạo quán không?”

Người thanh niên chớp mắt nhìn Bảo, sau đó gật đầu cười, nụ cười rực rỡ đến mức làm tim tôi run cả lên.

“Đúng rồi. Các bạn lần đầu đến đây à?”

“Vâng. Bọn em là thành viên mới trên diễn đàn cờ tướng, thấy có ghi địa chỉ offline đánh cờ của mọi người là ở đây nên đến chào hỏi các vị tiền bối một chút.” Bảo gật đầu, mặc dù hắn ít nói nhưng khi cần mở miệng thì nói đâu ra đấy.

“Vậy à? Thế các bạn cứ lên tầng hai đi, giờ này còn sớm, cũng mới chỉ có hai chú cao tuổi tới thôi, chắc đang chơi cờ với ông nội tôi.” Anh vẫn giữ nụ cười thân thiện trên môi, tay chỉ về phía cầu thang nhỏ bằng sắt dẫn lên tầng trên.

Bảo nói cảm ơn và đi lướt qua rất nhanh. Tôi gật đầu chào anh một cái sau đó hấp tấp chạy theo hắn.

Tầng hai cũng giống như tầng một, chỉ là một gian phòng rộng không quá hai mươi mét vuông, cũng không có đồ đạc gì nhiều nhặn, có lẽ đã được dọn để làm nơi đánh cờ cho mọi người. Trên nền nhà đã trải sẵn mấy cái chiếu, trong một góc có mấy bàn cờ bằng gỗ dựng đè lên nhau, cạnh đó còn có mấy hộp dựng quân cờ. Ở góc xa có kê một cái bàn, trên bàn có sẵn ấm chén để pha chè.

Lúc này, có ba người đàn ông đang ngồi quây lại quanh một bàn cờ nơi góc phòng. Cả ba người đều ngoảnh ra khi thấy có người đi lên. Người ngồi quay lưng lại với lối cầu thang lên khoảng chừng hơn năm mươi, nước da đen, hơi gầy, mái tóc đã điểm sương. Người ngồi đối diện với ông ở bên kia bàn cờ tuổi còn cao hơn nữa, tôi thầm đoán có lẽ ông cũng phải tầm tuổi với ông nội tôi ở quê. Có lẽ ông chính là ông nội của anh chàng bán sách dưới kia. Người thứ ba ngồi giữa quan sát họ đánh cờ, cũng đã qua tuổi tứ tuần, mặc dù tóc chưa bạc nhưng nhìn đôi mắt hơi nheo, nước da cháy nắng và quần áo mặc trên người, tôi nghĩ ông ấy cũng là dân lao động vất vả bên ngoài chứ không được ngồi văn phòng, hưởng máy lạnh như chúng tôi.

Bảo chào họ, tự giới thiệu tên mình. Tôi líu ríu chào theo. Họ cười chào đón chúng tôi, còn khen chúng tôi trẻ tuổi mà đã có sở thích với môn thể thao trí tuệ này, thật là hiếm có. Bảo ngay lập tức sà xuống bên cạnh xem họ đánh cờ, tôi chẳng biết làm gì, cũng đành ngồi xuống cạnh hắn ta, giả vờ như mình cũng đang theo dõi chăm chú.

Tôi luôn tự nhận mình biết đánh cờ, nhưng thực ra cái biết của tôi ở đây chỉ dừng lại ở việc biết nhận mặt quân cờ và biết cách đi của từng quân cờ mà thôi. Ở quê tôi, hầu như người đàn ông nào cũng mê đánh cờ tướng. Tối nào các ông già và những người đàn ông trung niên đều tập trung lại đánh cờ với nhau, có khi còn cãi nhau loạn xạ. Trong nhà tôi, từ ông nội đến bố tôi và các chú, dưới nữa là anh trai tôi và các em họ đều là những người thích đánh cờ. Vì thế, mặc dù tôi không có quá nhiều đam mê với nó, nhưng cũng có một chút hứng thú học hỏi về nó.

Ông tôi luôn nói, cờ tướng là một môn rèn luyện tâm tính con người rất tốt. Nhìn vào thế cục bàn cờ có thể thấy rõ được tính tình cũng như thế giới nội tâm của người chơi. Người nóng nảy, nước cờ sẽ mạnh bạo như vũ bão, dồn ép như nước lũ. Người trầm tính, nước cờ nhẹ nhàng như gió thổi mây bay, nhưng giăng bên trong từng nước cờ mà trùng trùng sát cục. Người thô tục có cách đi của người thô tục, người tao nhã có cách cầm quân của người tao nhã, chẳng ai giống ai. Những người đàn ông quê tôi đánh cờ như một bản năng, chẳng ai dạy họ đọc kỳ phổ, họ cũng chẳng biết đến những cái tên hoa mỹ dành cho thế cục cờ như Uyên Ương Pháo, Thất Tử Liên Ngâm, Thất Tinh Trường Kiếm,... Có dạo, tôi mua mấy cuốn sách về cờ tướng cho bố tôi đọc, trong đó có ghi lại những kỳ phổ rất hay, nhưng bố tôi chẳng bao giờ ngó ngàng tới. Bố tôi nói, học đánh cờ chẳng gì bằng học ngay trên bàn cờ của mình.

Người đến mỗi lúc một nhiều, toàn là các chú, bác trung niên, lác đác có vài người trẻ hơn đều trạc tuổi chú Minh. Họ không chỉ chào đón chúng tôi rất niềm nở, còn đồng ý hướng dẫn cho người người mới biết chơi là Bảo. Bảo chưa từng đánh cờ trực diện với ai, từ hôm học đánh cờ xong, hắn toàn đánh cờ trên máy tính. Hôm nay được đánh cờ trực tiếp với người khác, tất nhiên hắn rất vui vẻ rồi.

Vì phải ngồi giữa một đám đàn ông si mê đánh cờ hơn mọi thứ trên đời nên tôi cảm thấy vô cùng lạc lõng, cuối cùng bèn lẳng lặng đứng dậy đi xuống tầng một. Tôi nghĩ thà tìm một cuốn sách nào đó ở bên dưới để đọc còn đỡ nhàm chán hơn nghe những người này luận cờ mà như vịt nghe sấm.

Lúc tôi bước xuống, lại thấy người thanh niên kia quay đầu lại, ngẩng mặt lên nhìn mình. Tôi cười với anh một cái gượng gạo, sau đó nhún vai giải thích:

“Trên đó chán quá, em định xuống mượn anh cuốn sách đọc cho đỡ buồn. Được không ạ?”

Anh gật đầu cười:

“Em cứ đọc cuốn nào em thích ấy.”

Rồi anh lại quay về với công việc của mình, còn tôi thì đi vòng vòng trong gian hàng bé tí tẹo này.

Sách ở đây hầu hết đều rất cũ, có hẳn một dãy toàn là sách xuất bản từ mấy chục năm trước, đã chẳng còn giữ lại được bìa gốc mà được đóng lại bằng ruột bao xi măng. Hồi còn đi học ở quê, bố tôi toàn lấy ruột bao xi măng để bọc sách giáo khoa chô hai anh em. Không ngờ ở giữa Hà Nội phồn hoa này vẫn còn có thể được ngắm những cuốn sách bọc bằng giấy lấy từ ruột bao xi măng ra như thế này.

Tôi kiếm được một cuốn truyện ngắn cũ, thấy có vẻ hay bèn ngồi xuống cái ghế con ở trong góc đọc. Đọc được vài trang, tôi ngẩng đầu nhìn anh chủ tiệm, thấy anh vẫn đang liên tục kiểm tra, phân loại mấy chồng sách cao ngất ở xung quanh mình. Những cuốn quá cũ hoặc đã mất bìa được anh đặt ra riêng một chỗ, những cuốn mới hơn một chút thì được phân loại theo các thể loại sách khác nhau, có lẽ để sau đó tiện sắp xếp lên giá.

“Những cuốn sách này bình thường có bán được nhiều không anh?”

Tôi tò mò hỏi. Tôi cảm thấy rằng công việc này không phù hợp với người như anh ấy lắm.

“Ông nội anh sưu tầm về là chính, chứ những cuốn sách này giờ hiếm người mua lắm. Mà có người muốn mua thì có khi lại không biết ở đây vẫn còn sách.” Anh lắc đầu, đặt một cuốn sách vào chồng sách văn học xong, anh lại chăm chú ghi chép vào cuốn sổ trên bàn.

“Đây là cửa hàng của ông anh ạ?”

“Ừ. Bình thường ông hay nghỉ vào cuối tuần để tiếp bạn chơi cờ nên anh trông giúp anh. Với lại ông anh cũng già rồi nên sách mua được phải đợi cuối tuần anh được nghỉ mới phân loại được giúp ông.”

Tôi nhìn những chồng sách cũ vây kín lấy anh, còn anh cặm cụi vừa lật sách, vừa ghi chép cẩn thận, thật là một hình ảnh đẹp biết bao.

“Anh tưởng em tới đây chơi cờ chứ? Hóa ra là chỉ có bạn em thôi hả? Lâu lắm rồi với mấy có người trẻ đến đây chơi đấy. Mà em tên là gì vậy?”

“Tên em là Thảo An.”

“Anh là Lâm. Nhìn em trẻ thế, chắc vẫn còn là sinh viên phải không?”

Tôi đờ người ra, sau đó phì cười. Lâm tỏ vẻ không hiểu:

“Sao em lại cười?”

“Anh nghĩ em trẻ đến mức ấy sao?” Tôi cố gắng bấm bụng để giữ hình tượng với Lâm, nếu không chắc tôi phải cười lăn cười bò ra mất.

“Nhìn em trẻ thật mà. Chẳng lẽ em đã đi làm rồi sao?”

“Em sắp hai bảy tuổi rồi anh ạ!”

Lâm trợn tròn mắt nhìn tôi thật kỹ, sau đó anh lắc lắc đầu cười:

“Hóa ra chỉ kém anh bốn tuổi, vậy mà nhìn em trẻ quá!”

“Chắc vì chỉ số AQ của em cao nên mới vậy thôi.”

Lâm cũng cười, sau đó lại cặm cụi ghi ghi chép chép. Tôi tò mò:

“Mà em nghe bạn em bảo đây là nơi tập trung thành viên của diễn đàn Thăng Long kỳ đạo quán, chẳng lẽ ông nội anh cũng là một thành viên trên diễn đàn ạ?”

“Không. Ông anh già rồi, làm gì còn biết lên mạng nữa đâu. Anh quản lý của diễn đàn là học trò của ông nội anh nên đã mượn ông tầng hai để làm nơi tụ tập cho mọi người đàm đạo về cờ đấy. Ông anh từng là kỳ thủ cấp quốc gia nên ông rất sẵn lòng tài bồi cho thế hệ sau mà.”

“Oa, thật sao? Ông anh giỏi quá!” Tôi thốt lên, không nghĩ rằng mình chỉ tùy tiện tới đây cũng có thể gặp một kỳ nhân.

“Giải cờ tướng Thăng Long sắp bắt đầu nên gần đây mọi người tới chơi khá tích cực.”

Tôi chợt nghĩ tới chú Minh, không kìm lòng được hỏi:

“Vậy chắc là anh quen hết mọi người tới đây rồi nhỉ?”

“Ừ, thì cuối tuần nào anh cũng phải ở đây trông quán cho ông nội mà.” Lâm giải thích.

“Vậy anh có biết một người tên Minh không? Khoảng ba bảy tuổi, đeo kính cận, người dong dỏng cao.”

“Em là người quen của anh ấy à?” Lâm ngẩng đầu, ngạc nhiên nhìn tôi rồi nói tiếp. “Anh ấy tới đây mỗi cuối tuần mà.”

“Đó là chú của em đấy. Nhờ chú ấy mà bọn em mới biết chỗ này.” Tôi không muốn kể chuyện quá dài dòng nên đành trả lời như thế, chắc Lâm sẽ nghĩ chú Minh đã giới thiệu địa chỉ này cho chúng tôi.

“Thế hả? Mà sao hai tuần nay không thấy anh ấy tới nhỉ? Anh ấy lúc nào cũng đến sớm nhất, về muộn nhất hội. Ông nội anh bảo anh ấy có cảm giác cờ rất tốt, chỉ cần rèn luyện là có thể có thành tích trong các giải nghiệp dư.”

“Chú ấy đi công tác rồi ạ! Vào trong vùng sâu vùng xa nên cũng không vào được internet nữa.” Tôi không dám hỏi về Pawn ngay nên đành trả lời Lâm như thế.

“Vậy à? Thế có biết bao giờ anh ấy về không? Ông nội anh bảo anh ấy chơi cờ rất khá, nếu tham gia giải đấu sắp tới chắc sẽ có thứ hạng cao.”

“Em nghe bạn em kể trên diễn đàn nhiều cao thủ giỏi hơn chú em nữa mà.”

“Thế à? Anh cũng không rõ lắm.”

“Vậy anh có biết đánh cờ không? Ông nội anh là kiện tướng cấp quốc gia thì chắc anh cũng phải giỏi lắm đúng không?” Tôi tò mò hỏi. Thực ra, tôi nghĩ bắt chuyện thế này thật ngớ ngẩn, nhưng nó vẫn là những câu hỏi đáp vô thưởng vô phạt, nó sẽ làm người đối diện cảm thấy không quá tẻ nhạt cũng không quá suồng sã.

Lâm nghe tôi hỏi vậy thì lặng yên một hồi lâu, đến mức tôi bắt đầu nghĩ có lẽ anh đang lờ tôi đi hoặc anh không nghe thấy thì đột nhiên anh lại ngẩng đầu lên, nhìn vào mắt tôi và cười:

“Hình như ai cũng nghĩ giống em. Nhưng thực tế thì anh rất bận, chẳng có thời gian hay hứng thú để động vào những quân cờ.”

Tôi chưng hửng trước câu trả lời của Lâm. Có lẽ là vì khi vừa trông thấy Lâm, tôi đã kỳ vọng anh sẽ là một người thật đặc biệt, đặc biệt đến nỗi khiến một cô gái đã qua tuổi thanh xuân mơ mộng, tâm hồn mỗi lúc một già cỗi như tôi cũng phải xao xuyến, mộng mơ. Lâu lắm rồi, khi nhìn vào một người đàn ông xa lạ, tôi mới lại có nhiều cảm xúc đến như thế.

Tôi gập sách lại, đề nghị giúp Lâm phân loại sách, anh cũng đồng ý không một chút ngại ngùng nào, giống như chúng tôi đã là bạn từ lâu lắm. Lâm sắp xếp các giá sách rất khoa học nên tôi chỉ có mỗi việc là đem những cuốn sách đã được phân loại đó lên đúng chỗ của nó.

Chúng tôi đang làm việc cùng nhau một cách vui vẻ thì Bảo đi xuống. Lúc tôi đi xuống đây, hắn còn đang mải mê xem đánh cờ, có lẽ giờ mới để ý là tôi đã không còn ở bên cạnh nữa.

“Chị muốn về chưa?” Hắn hỏi tôi.

“Sao cũng được.” Tôi vừa kiễng chân, cố nhét một cuốn sách lên tầng cao nhất của giá sách vừa đáp lại.

Hắn đi tới, cầm lấy quyển sách trong tay tôi sau đó nhẹ nhàng đặt nó lên giá. Tôi được thể, đưa cho hắn mấy cuốn liền, chỉ cho hắn chỗ đặt sách. Ở ngoài kia, nhờ có tôi giúp đỡ, cuối cùng Lâm cũng đã phân loại xong hoàn toàn đống sách. Anh đang sắp xếp lại mấy cuốn sách cuối cùng, sau đó quay ra cười và cảm ơn chúng tôi rối rít. Tôi thấy Bảo đã có ý muốn đi mà mình cứ lần lữa ở lại đây mãi thì cũng vô duyên quá, nên tôi chào anh sau đó ra về. Trước khi về, chúng tôi còn trao đổi số điện thoại với nhau nữa.

Trên đường đi, Bảo kể qua loa chuyện đánh cờ ở võ quán. Đại khái thì hắn cũng đã tìm hiểu được một chút, đúng là cái người có biệt danh Tốt Đen (Pawn nghĩa là quân tốt) đó chưa từng xuất hiện lần nào ở ngoài đời. Nhưng người này rất giỏi, hầu hết các cao thủ ở diễn đàn khi giao đấu qua mạng với hắn đều thua cả. Chưa ai từng hẹn gặp được hắn, không ngờ là chú tôi lại có thể, nhưng chú tôi chẳng kịp kể với ai về hắn thì đã biến mất không một chút tung tích nào.

“Chúng ta chỉ còn cách là tìm Tốt Đen hỏi chuyện.” Cuối cùng, Bảo chốt lại một câu như thế.

Tôi ừ hữ cho qua chuyện, trong đầu đang nghĩ tới Lâm. Tôi có cảm giác hình như mình đã phải lòng anh ấy mất rồi. Bảo thấy tôi lơ đễnh, có vẻ không hào hứng nghe chuyện nên cũng không nói nữa. Hắn đưa tôi về tới dưới sân khu tập thể rồi định quay xe ra về. Tôi bảo hắn ở lại ăn cơm, nhưng hắn nói phải về có việc. Tôi khá ngạc nhiên, bình thường vào cuối tuần thì hắn có việc gì chứ? Hơn nữa, không cần tôi mời ăn cơm thì hắn cũng đã chủ động ở lại rồi, làm gì có chuyện từ chối như hôm nay. Tôi thấy thái độ hắn kỳ lạ nhưng cũng không hỏi nhiều, đợi hắn nổ máy xe chạy đi rồi tôi mới quay người đi lên phòng.

Tôi đã hẹn Lâm ngày mai lại tới. Có lẽ, lâu lắm rồi, từ sau lần hẹn hò đầu tiên, tôi mới lại có cảm giác mong đợi bình minh ló rạng qua khung cửa sổ phòng mình như thế này.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.