Thanh Long Giáo Chủ

Chương 61: Hát một bài




Hoàng đế Hoằng Trị có phần sợ vợ, tuy nói rằng việc đại sự không thể hồ đồ nhưng xưa nay ông rất sủng ái hoàng hậu; lúc này thấy bà nổi giận, ông cũng không khỏi giật bắn cả người. Trương hoàng hậu căm tức nhìn Lý Đông Dương, thù mới hận cũ dâng lên trong lòng, cặp mắt như sắp phun lửa.

Ngày xưa khi mình chưa sinh hoàng tử, đám người này bèn cả ngày lên triều yêu cầu hoàng đế nạp phi. Hôm qua Lý Đông Dương còn dâng sớ hạch tội anh mình khiến anh ấy phải vào ngục. Hôm nay lão lại dám nhân chuyện của Dương Lăng mà ở trước mặt mình chỉ gà mắng chó, như thế còn thể thống gì nữa?

Trương hoàng hậu cất giọng lạnh như băng:

- Hoàng Thượng tuyển hiền tài cần chú trọng người có đức hạnh. Vợ kết tóc của Dương Lăng đang lâm trọng bệnh, tính mệnh nguy trong sáng tối, nếu lúc này Dương Lăng tiếp thánh chỉ, vứt bỏ thê tử mà vào triều gặp vua thì hắn là người như thế nào?

Đó là kẻ táng tận lương tâm, thiên địa không dung! “Thiên địa quân thân sư” hử? Hừ, các ngươi mà cũng hiểu được “thiên địa quân thân sư” sao! Một kẻ không rèn luyện đạo đức, bất kính với thiên địa, không xem nặng tình ý lại có thể là người quân tử trung hiếu nhân nghĩa được ư? Lúc đó mà hắn thượng triều gặp vua, là hắn kính sợ quân vương hay tham vinh hoa phú quý?

Trương hoàng hậu vừa nói vừa không khỏi quắc mắt nhìn tên đệ đệ bảo bối. Tên tiểu đệ thật sự hồ đồ, đám đại học sĩ quen trò ném đá giấu tay, thế mà hắn lại không nhìn ra, còn nhắm mắt hùa theo.

Trương hoàng hậu đổi giọng, quay sang Hoằng Trị đế dịu dàng nói:

- Bệ hạ! Thần thiếp biết bệ hạ tức giận Dương Lăng dám không tuân thánh chỉ. Nhưng điều này cũng nói rằng bệ hạ có tuệ nhãn tinh tường đã nhận biết được nhân tài. Từ xưa tới nay, có mấy hiền thần mà không xúc phạm tới long nhan chứ? Dương Lăng không tham quyền, không màng lợi, trọng tình trọng nghĩa, rất có phong phạm của bậc hiền giả ngày xưa.

Thưở xưa, Tống Hoằng thời Hán Quang Vũ Đế không phải cũng lấy lý do là “Tào khang chi thê bất hạ đường” (1) mà trái thánh ý sao? Thời Đường Thái tông có vợ của Phòng Huyền Linh (2) dám kháng chỉ ngay giữa triều đình, hai vị minh quân này cũng không hề bắt tội. Có thể thấy được chỉ có vua thánh ra đời, mới có bực hiền thần như vậy xuất hiện thôi.

Lý Đông Dương khẽ nhúc nhích cái chân đang quì ê ẩm, miệng chép chép như đang nếm một món ngon: “Ừm! Ta rất thích nghe những lời này của Hoàng hậu nương nương. Xem ra phụ nữ vẫn có người đọc sách, bằng không làm sao nói được những lời như thế này.”

Trương Duyên Linh bị tỷ tỷ trợn mắt một hồi, nhất thời mù tịt mãi lúc này mới hiểu được: “Ôi, hóa ra mấy lão gia hỏa đang mắng chửi bóng gió, ngầm khuyên Hoàng Thượng đừng có sủng ái chánh cung. Hừm, đám đọc sách này thật đúng là lòng dạ ngoằn ngoèo quá mà!”

Thông suốt vấn đề, Trương Duyên Linh lập tức hắng giọng bẩm:

- Hoàng Thượng! Hoàng hậu nương nương nói rất đúng, không nên giết Dương Lăng!

Hoằng Trị bị lời nói hoàng hậu lay động, ngẫm lại hoàng hậu nói cũng có lý. Nếu Dương Lăng thật sự bỏ cả người vợ kết tóc, bất chấp sinh tử của nàng mà vào triều yết kiến mình thì sau này mình còn dám dùng người như vậy không?

Đang suy nghĩ bỗng nghe quốc cữu hô lớn như vậy, ông không khỏi lấy làm lạ hỏi:

- Chẳng phải Kiến Xương hầu mới rồi đề nghị xử phạt hắn ở mức cao nhất, thông báo cho cả thiên hạ biết ư? Sao giờ lại nói là không giết nữa?

Kiến Xương hầu đỏ mặt, đáp:

- Việc này... việc này..., vi thần cũng vừa mới hiểu ra việc có nặng có nhẹ. Đương nhiên việc vua quan trọng, việc nhà không bằng; nhưng gặp vua cũng không phải là việc gấp, cứu người mới là việc không thể trì hoãn được, việc này...

Lưu Kiện nghe hắn vất vả nói mãi mà không ra lời, không kìm được vội xen vào:

- Hoàng hậu nương nương nói đúng! Hoàng Thượng là vua nhân ái mới có hiền thần tài đức xuất hiện. Dương Lăng làm được như vậy chính là nhờ công bệ hạ giáo hoá, thật là may mắn!

Lời ngọt bùi tai, tuy Hoằng Trị biết tâm tư của đám cựu thần nhưng vẫn không kìm được phải cười khẽ. Ông về ngồi lại trên án suy tư một lát, rồi cười ha ha phán:

- Đứng lên đi, đứng lên đi! Bị tên Dương Lăng náo loạn làm mất cả hứng thú của trẫm và các ái khanh. Tới đây, tiếp tục uống rượu! Việc của Dương Lăng... tạm thời gác lại, ngày mai bàn sau đi.

Hoàng đế muốn gác lại bàn sau, bằng vào tài nghiêng theo chiều gió của đám thần tử, nếu không phải kẻ mù, có ai mà không hiểu rõ ý hoàng đế chứ? Không lập tức bắt ngay mà lại bảo là ngày khác bàn sau, bàn cái gì bây giờ? Là bàn xem nên đem xe gấm đi bắt hắn hay là vác gông xiềng đi bắt hắn ư? Bọn Lưu Kiện yên tâm, vui mừng vô kể. Lúc này Trương hoàng hậu thấy mình đánh hòa được với Lý Đông Dương một ván nên cũng dương dương tự đắc. Mọi người ăn uống vui vẻ, nhất thời xuất hiện một cục diện tốt đẹp.

*********************************

Dương Lăng ôm chặt thân thể mềm oặt gần như không chút sức sống của Ấu Nương. Đang lúc y lo âu vạn phần lại chợt nghe tiếng Ấu Nương rên rỉ, lập tức cảm thấy như nghe được nhạc tiên. Y phấn khởi tới mức tiếng gọi cũng run run:

- Ấu Nương, nương tử?

Qua hồi lâu, Ấu Nương mới cố lên tiếng đáp lời. Dương Lăng mừng rỡ, xiết thật chặt bàn tay đầy mồ hôi của nàng. Thấy Ấu Nương mỏi mệt không chịu nổi, vẫn chưa mở mắt được, y sợ nàng lại mê đi như cũ, vội ghé vào sát tai Ấu Nương gọi nhỏ:

- Ấu Nương, nàng mau tỉnh lại nhanh lên! Nàng thích tướng công ôm nàng nói chuyện, chờ khi nàng khỏe hơn, mỗi tối tướng công đều ôm nàng, đều nói chuyện với nàng, được không?

Nương tử yêu dấu của ta, tướng công không nỡ xa nàng đâu. Không phải hai ngày trước nàng từng nói là muốn mua táo để trồng trong viện hay sao? Hôm nào hai ta cùng đi mua, cùng trồng táo trong viện. Nàng nói muốn nuôi gà, vậy chúng ta nuôi gà. Đúng rồi, còn nuôi thêm con chó giữ cửa nữa, có gà bay chó nhảy mới đủ náo nhiệt chứ!

Ấu Nương, kinh thành không so được với nông thôn. Nàng chỉ một mình ở nhà, lại không có gì tiêu khiển. Đợi khi nàng khỏe mạnh, ta sẽ cùng nàng sớm sinh một... à không, sinh ra một đám tiểu bảo bối, để nàng chẳng thể rảnh rỗi nữa, nàng thích không? Nàng phải sống mới có thể giúp tướng công làm những việc này, bằng không tướng công sẽ cưới một cô vợ tuyệt đẹp khác, cùng cô ta nói chuyện phiếm, cùng cô ta trồng cây, cùng cô ta nuôi...

- Không... Không được...

Thân thể Hàn Ấu Nương bỗng nhúc nhích, rồi đột nhiên nàng rên rỉ thốt. Dương Lăng khựng lại, y đờ đẫn hồi lâu mới nhấc đầu lên khỏi mái tóc ẩm ướt của Ấu Nương, dán mắt hớn hở nhìn nàng.

Dưới ngọn đèn, hai má Ấu Nương vẫn đỏ ửng màu bệnh tật, chóp mũi lấm tấm những giọt mồ hôi nhỏ, nhưng những đốm đỏ nơi cổ đã hoàn toàn biến mất. Loại thần sắc nhợt nhạt cũng không còn thấy nữa. Đôi mi thật dài của nàng rung rung hồi lâu, khẽ mở mắt ra rồi lại mệt mỏi nhắm chặt, rên rỉ nói:

- Tướng công, người ta... mệt quá, không muốn mở mắt.

Dương Lăng luôn miệng an ủi:

- Được được, không mở mắt thì không mở mắt! Nàng được như vậy là tốt rồi, như vậy là tốt rồi.

Trong phòng vô cùng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng tim đập thình thịch của hai người. Dương Lăng cảm thấy bàn tay nhỏ bé của Ấu Nương dần dần ấm lên, áp mặt vào trán nàng đã cảm thấy hơi nóng. Y không khỏi thở phào một hơi.

Qua hồi lâu, Ấu Nương mới thở mạnh một chút, nàng nhúc nhích thân thể mềm mại, yết ớt nói:

- Tướng công, nóng quá...

Dương Lăng vội đáp:

- Đừng nhúc nhích, cẩn thận không lại trúng gió. Mớ thuốc còn chưa tan hết mà.

Ấu Nương ôn thuận ừm một tiếng, thở hào hển nói:

- Tướng công... Có thể nhẹ một chút không, Ấu Nương thở... thở không nổi.

Dương Lăng nhìn lại, mới biết Ấu Nương bị mình đè tới mức thở không nổi, vốn y còn tưởng Ấu Nương vẫn chưa đủ khí lực để nói chuyện. Dương Lăng vội vàng chống cùi chỏ xuống, khẽ khàng nhướn người lên, Hàn Ấu Nương thở gấp một lát, từ từ mở mắt. Nàng ngắm nhìn gương mặt đầy mồ hôi của Dương Lăng một lúc rồi âu yếm bảo:

- Tướng công, Ấu Nương cảm thấy khỏe nhiều rồi, chàng... chàng nghỉ ngơi đi.

Dương Lăng ừm một tiếng, nghiêng người qua một bên nằm dựa vào nàng. Ấu Nương nhắm mắt lại, một chút sau lại nói khẽ:

- Tướng công, Ấu Nương muốn nghe chàng nói chuyện nữa.

- Ừm!... Nói... Nói gì nhỉ? Thường khi đều là lúc ta ngủ, nàng ghé tai ta nói chuyện mà.

Dương Lăng ngơ ngẩn đáp.

Ấu Nương hơi thẹn thùng giục:

- Nói như... vừa rồi ấy. Ấu Nương chưa từng nghe... Tướng công nói như thế đi, thiếp thích nghe lắm...

***************************

Câu chuyện Dương Lăng kháng chỉ cứu vợ vừa lan truyền khắp thành Bắc Kinh, trong toàn kinh thành vô luận cao thấp giàu nghèo, tất cả đám ”Y phục” (ý nói phụ nữ như y phục) đều đứng về phía Dương Lăng, nhao nhao ủng hộ.

Những quan chức trong kinh cũng chia thành hai phái, tranh luận mặt đỏ tía tai mãi vẫn không phân thắng bại. Kết quả là sau buổi thiết triều cùng ngày, gã đại thần nào ở nhà có con gái thì lập tức bị oanh tạc đến mệt lả, tối đến lại bị thê thiếp ném gối vào mặt tới tấp, kẻ nào lập trường không kiên định thì lập tức phất cờ trắng, quyết định giả câm giả điếc về việc này. Phe chống đối họ Dương lập tức trở nên người đơn thế cô.

Tin tức Hoàng Thượng không lập tức hạ chỉ truy bắt Dương Lăng lại được lan truyền. Một vài vị ngôn quan có giác quan thứ sáu bắt đầu đứng về phía Dương Lăng, tra cứu lệ cũ, tham khảo hồ sơ, bắt đầu luyện võ mài thương, tìm những lý lẽ để biện minh cho hành vi của Dương Lăng.

Đám sĩ tử trong kinh cũng thảo luận ồn ào. Có tên sĩ tử Giang Tây là Nghiêm Tung còn viết một bài phú dài lan truyền khắp nơi. Trước hết gã tô vẽ hoàng đế Hoằng Trị rực rỡ như Nghiêu Thuấn tái thế, lại trích dẫn kinh điển, trắng trợn tán dương Dương Lăng đã được bệ hạ giáo hoá, vua sáng tôi hiền. Đám người khác hùa theo, như thể vua mà không thế thì không phải là minh quân, thần mà chẳng vậy thì chẳng phải trung thần.

Bản thân Dương Lăng cũng bận tới mức không thể dứt ra được. Y chỉ có thể viết một phong thư, bảo Ngô Kiệt mang về Kê Minh mời phụ tử họ Hàn lập tức tiến kinh. Y nghĩ lần kháng chỉ này không chết cũng phải ngồi tù. Bệnh Ấu Nương nặng như thế, làm sao chịu được đả kích này nên y hoàn toàn không dám kể với nàng, chỉ mong sao cha con họ Hàn có thể sớm tới kinh thành, Ấu Nương sẽ được chăm sóc chu đáo.

Thấy Ấu Nương vừa bệnh xong, thân thể còn suy yếu, Dương Lăng bèn đi mua một nha hoàn trẻ tuổi về chăm sóc nàng. Khi y tới chỗ quan phủ đăng ký giấy tờ chủ tớ thì đám người nha môn từ chủ bộ tới nha dịch đều chạy ra cửa vây tròn nhìn ngắm y. Nhiều ánh mắt kiểu “Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn” (3) nhìn y đầy vẻ luyến tiếc.

Sáng sớm hôm sau, lần đầu không cần Ấu Nương đánh thức, Dương Lăng đầy bụng tâm sự đã dậy rất sớm. Y thu dọn xong xuôi, lưu luyến nhìn thoáng qua Ấu Nương còn đang ngủ say, lặng lẽ gọi tiểu nha đầu Vân Nhi đến dặn dò một hồi, rồi chạy tới Tử Cấm thành.

Vết thương trên mông Dương Lăng vẫn chưa lành, sợ tới muộn nên y phải đi xe. Như thường lệ khi đi tới cửa hông, thị vệ Cấm Cung xét yêu bài của y, rồi cười lạnh nhạt bảo:

- Dương đại nhân! Nội cung truyền ý chỉ, nếu Dương đại nhân tới thì không cần phải đi Đông cung thị độc mà quì ngoài ngọ môn chờ thánh dụ là được.

Dương Lăng tim đập thình thịch, chắp tay đáp:

- Dạ, đa tạ tướng quân!

Y tập tễnh đến trước cửa cung. Một đám văn võ đại thần người mặc triều phục, tay cầm hốt ngà đang đứng chờ cửa cung mở để vào. Thấy một tên quan hàm lục phẩm đi tới, cả bọn không khỏi lộ vẻ kinh ngạc, đều đưa mắt tò mò nhìn y.

Dương Lăng nhìn thẳng phía trước, đi đến cửa cung nghiêm chỉnh quỳ xuống, cúi đầu không nói gì.

Đá phiến bằng phẳng, khi vừa quỳ thì không sao, nhưng quì lâu thì đầu gối lại ê ẩm. Ở cửa cung có quan chức phụ trách việc theo dõi dung nhan của văn võ bá quan. Bây giờ Dương Lăng là tội thần, không dám hành động thiếu suy nghĩ khiến cho người khác có cớ luận tội nên y đành phải cố mà nhẫn nại.

Không lâu sau, tiếng chuông du dương từ xa xa vọng đến. Ánh nắng đầu tiên trên không trung rọi lên cửa cung màu son. Cửa cung vừa mở, đủ loại quan lại bắt đầu thượng triều. Dương Lăng cúi gục đầu, chỉ nhìn thấy những đôi ủng quan lại đi qua trước người mình, phát ra âm thanh sàn sạt.

Buổi triều sớm bắt đầu rồi. Thời gian trôi qua từng giây. Hai tay Dương Lăng chống đất, đầu gối ê ẩm không còn tri giác; vì phải giữ mãi một tư thế nên cổ cũng trở nên mỏi nhừ không chịu nổi, mồ hôi từ trên trán nhỏ xuống từng giọt.

Tiếng chuông lại vang lên, một đám quan lại bãi triều nối đuôi nhau trở ra, đi qua trước mặt y. Tinh thần Dương Lăng rung lên: buổi triều sớm tan rồi, hoàng đế cũng nên gặp mình chứ. Nhưng y đợi hồi lâu mà trong cung vẫn im ắng.

Dương Lăng không khỏi tuyệt vọng. Chẳng lẽ hoàng đế muốn mình quì đến chết tại nơi này sao? Y đã chịu không nổi sự giày vò phải giữ mãi một tư thế lâu như thế này rồi. Hai tay Dương Lăng cố gắng chỏi đất, trước mắt sao bay loạn xạ, bắp thịt cổ giật giật.

Dương Lăng cũng chẳng biết làm sao mà mình có thể chống đỡ được tới khi buổi ngọ triều chấm dứt, mãi đến khi một tên tiểu thái giám đi đến trước người y cao giọng hô: “Dương đại nhân! Bệ hạ gọi ngài tiến cung!“ thì y mới tỉnh người...

Dương Lăng cố gắng một hồi mới loạng choạng đứng lên được, lom khom theo sau tên tiểu thái giám đi vào cung. Qua cầu Kim Thủy, vượt cổng Thái Hòa, qua điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa, xuyên qua cổng Kiền Thanh, cuối cùng Dương Lăng được tên tiểu thái giám dẫn thẳng vào nội đình. Lúc này y đã dần dần bình tĩnh lại: “Hoàng đế gặp mình trong nội điện, ít ra mình cũng không bị họa mất đầu.”

Dương Lăng được dẫn tới trước điện, tên tiểu hoàng môn khom người xướng to:

- Bẩm Hoàng Thượng, Dương Lăng cầu kiến.

Từ trong, có một lão thái giám cất cao giọng nói:

- Bệ hạ có chỉ, tuyên hắn yết kiến!

Dương Lăng vừa bước vào cửa đã thấy hoàng đế Hoằng Trị mặc thường phục màu vàng sáng ngồi sau án đang múa bút vẽ tranh, bên cạnh là tên Đại thái giám có tên Miêu Quỳ mài mực hầu hạ. Trong ngự thư phòng ngoại trừ bọn họ ra thì không còn bất kỳ người nào khác.

Dương Lăng vội vàng tiến lên vài bước, quỳ xuống đất bẩm:

- Tội thần Dương Lăng khấu kiến Hoàng Thượng, tội thần vạn lần đáng chết!

Hoằng Trị làm như không nghe y bẩm. Ông vẫn chú tâm vào giấy vẽ, múa bút phác họa rất nhanh một hồi, sau đó hạ bút cười hỏi:

- Thế nào?

Miêu Quỳ tán thưởng:

- Nét vẽ của bệ hạ rất có lực, thần thái sống động, thực là tác phẩm của đại gia.

Hoằng Trị cười ha ha, nói:

- Ngươi thì biết gì! Ha ha! Dương thị độc! Ngươi đến xem trẫm vẽ bức này như thế nào?

Dương Lăng thấy ông cười nói an nhàn, xem ra cũng không đề cập gì tới chuyện mình kháng chỉ, không khỏi cảm thấy kỳ lạ. Y thấp thỏm không yên, đứng dậy tới trước mặt Hoằng Trị, nhìn lên ngự thư án, thấy trên giấy có vẽ một ngọn núi, trên núi cây cối rậm rạp, đỉnh núi có một cây tùng xanh thẳng tắp như muốn chọc thẳng vào mây, xa xa mờ ảo có những dãy núi chập chùng. Cả bức họa mặc dù đơn giản, nhưng tài vẽ quả nhiên bất tục.

Dương Lăng không hiểu hội họa, nhưng kiếp trước hắn giỏi thư pháp, thơ cổ nhớ rất nhiều. Mắt thấy những dòng vẽ non nước đậm nhạt thích hợp, nhưng lại không có cách nào đánh giá được, y liền khéo léo tâu:

- Bệ hạ công lực hùng hậu, càng khó hơn chính là bức tranh này ngụ ý thâm sâu, chí trùm thiên hạ. Nhìn cây tùng um tùm ở nơi cao ngàn trượng này, tuy sần sùi không vuông vức, nhưng vẫn có thể dùng để dựng nhà lớn, tất phải là trụ cột đây (4).

Trong mắt Hoằng Trị hiện lên chút dị sắc, ông cười khẽ:

- Chẳng lẽ Dương khanh chỉ nhìn một gốc tùng đơn độc này thôi sao! Ngươi phải nhìn cây cối trên cả quả núi này, có những cây mọc thẳng tắp có thể làm đòn xà, lại có những cây tráng kiện có thể làm rường cột, nhưng cũng có rất nhiều cây cong queo hình thù kỳ dị, đành phải chặt xuống làm củi đun thôi.

Ông ung dung cười, khóe môi lại mang chút lãnh ý:

- Dương khanh! Ngươi nguyện làm rường cột, làm đòn xà hay làm củi đun đây?

Dương Lăng không chút nghĩ ngợi liền quỳ xuống, lớn tiếng tâu:

- Thần nguyện làm gỗ xà ạ!

Miêu Quỳ hơi lạng người, chút nữa thì lật úp cả nghiên mực Đoan Khê trong tay. Còn Hoằng Trị tưởng rằng y sẽ phơi gan trải mật, hùng hồn trần tình một hồi, không nghĩ tới y vừa mở miệng lại phun một câu như vậy. Hoằng Trị ngẩn người hồi lâu mới kinh ngạc hỏi:

- Cái gì? Ngươi nguyện làm gỗ xà à?

Dương Lăng cúi đầu đáp:

- Dạ, thần văn không thể được như tam công Lưu, Tạ, Lý để có thể trợ giúp bệ hạ trị quốc an thiên hạ, võ không thể chỉ huy thiên quân vạn mã, chinh chiến chốn thảo nguyên hoang mạc, dương oai tứ hải. Thế nên thần xin nguyện làm gỗ xà, có thể vì bệ hạ mà giữ một làng một huyện, tạo phúc cho dân chúng một phương là thần thoả mãn rồi.

Hoằng Trị nghe xong phì cười, cảm thấy tên bầy tôi này tuy mưu lược, nhưng tính tình lại ngay thẳng đáng yêu, căn bản là một tên nông nổi. Ông thoáng nhìn thấy Dương Lăng thưa chuyện mà cặp đầu gối còn khẽ run run, cũng không biết là vì sợ quá hay vì quì lâu ngoài ngọ môn. Trong lòng ông không khỏi thông cảm: “Thôi, hôm nay cho y quì ở ngọ môn một lần trước mặt văn võ bá quan coi như là khiển trách rồi. Ta vẫn cần người này, nếu dọa y sợ hãi quá thì từ nay y làm việc sẽ ngại đầu ngán đuôi, e rằng lợi bất cập hại.”

Ông cười ha ha, bảo:

- Đứng lên đi! Ngươi cố tình so mình với các ái khanh Lưu Tạ Lý, như vậy lòng dạ cũng đã cực cao rồi. Khi họ cùng tuổi ngươi, cũng cùng thân phận như ngươi mà lên thôi. Lúc còn bình thường như ngươi, họ còn chưa có được hùng tâm như ngươi bây giờ đâu, do đó ngươi cũng không cần phải tự ti.

Ông nói rồi đi vòng qua thư án, đề bút vẽ trên bức họa một hàng chữ to như rồng bay phượng múa: ”Sâm sâm thiên trượng tùng, tuy lỗi kha đa tiết mục, dụng chi đại hạ, chung thị đống lương chi tài” (xem chú thích (4)), đưa cho Dương Lăng, bảo:

- Bức họa này trẫm ban cho ngươi, hi vọng ngươi nhớ những gì nói ngày hôm nay, luôn luôn nhắc nhở bản thân. Ha ha, ngươi lui ra đi!

Dương Lăng ngơ ngác tiếp nhận bức họa báu của Hoằng Trị, vẻ mặt hoang mang. Hoàng Thượng để mình quì ở ngoài cửa cung tới tận giờ ngọ, khi mình vào lại ban cho một bức họa, sau đó đuổi về nhà? Việc này chứng tỏ thiên uy quả thật không lường được.

Y bẩm như trút được gánh nặng:

- Dạ, thần cáo lui!

Nói rồi hai tay nâng bức họa lên khỏi đầu, y khép nép lui xuống. Hoằng Trị đế nhìn y rời khỏi ngự thư phòng, ánh mắt lộ nét cười. Ông khẽ gục gặt đầu:

- Không tự thị, tất rạng danh; không tự phụ, tất có công; không khoe khoang, tất sống lâu. Ừm, tuổi nhỏ mà có thể có được kiến giải như vậy, không uổng công trẫm một phen bồi dưỡng. Miêu Quỳ! Truyền chỉ bãi chức Dương Lăng không làm thị độc Đông cung nữa, chuyển sang làm quan trung quân ở Thần Cơ doanh.

Miêu Quỳ kinh hãi biến sắc, vội hỏi:

- Bệ hạ! Dương Lăng vừa mới bị phạt đã thăng lên chức quan trung quân, e rằng đám triều thần sẽ lại dị nghị. Hoàng Thượng, có khi nào nên cho y nhậm chức phó đô tư trước, sau này mới từ từ lên chức?

Hoằng Trị cười khổ một tiếng, lòng thầm nghĩ: “Chẳng phải trẫm không nghĩ tới việc từ từ huấn luyện, chỉ là trẫm sợ thiên mạng đã tận, không có thời gian nữa rồi. Bây giờ lục bộ trong triều, tam công nội các đều là cựu thần, chủ yếu là lão thần, già cả hết rồi. Tuy nói họ cũng rất trung thành, nhưng dù sao nếu không xây dựng bầy tôi thành một lực lượng riêng cho con ta, cân đối công thần trong ngoài, làm sao con ta cai quản vạn dặm giang sơn, văn võ cả triều cho được?”

Hoằng Trị nghĩ ngợi một lát rồi khoát tay bảo:

- Thôi, ý chỉ của ta chỉ nói bố trí y nhậm chức ở Thần Cơ doanh, còn về phần chức vụ cụ thể... Vương Nhạc quản lý mười hai đoàn doanh, luôn luôn làm việc rất ổn thoả, cứ để lão thu xếp đi.

Đúng rồi, ban thêm cho y hai bình thuốc trị thương. Ngày hôm qua Dương Lăng kháng chỉ, ôm vợ cầu thầy, hôm nay trẫm cho vợ Dương Lăng phụng chỉ rịt thuốc cho chồng, ha ha ha!

Chú thích:

(1) Câu nói trích từ điển cố Tống Hoằng thời Đông Hán. Năm ấy hoàng đế Lưu Tú muốn gả tỷ tỷ của mình cho Tống Hoằng, nên dọ ý Tống Hoằng về chuyện “Quý dịch giao, phú dịch thê” (giàu đổi bạn, sang đổi vợ) nhưng Tống Hoằng đáp: “Bần tiện chi giao bất khả vong, tào khang chi thê bất hạ đường.”, nghĩa là: “Không thể quên những người bạn từ thuở còn hèn mọn, không thể bỏ người vợ từ thuở còn nghèo khổ”. Lưu Tú nghe xong, cảm hắn tình thâm nghĩa trọng, chẳng những không trách phạt mà còn quý trọng Tống Hoằng hơn. Điển cố “Tào khang chi thê bất hạ đường” từ đó được lưu truyền đến ngày nay.

Cũng từ đó, “Tào khang” (cám bã, người nghèo khó dùng làm thức ăn) có nghĩa bóng là “vợ cả”.

Xin xem thêm:

http://baike.baidu.com/view/488922.htm

(2) Vợ của tể tướng Phòng Huyền Linh đời Đường nổi tiếng ghen tuông, ngang ngạnh, thẳng tay đuổi cổ hai vị mỹ nhân mà hoàng thượng đích thân ban tặng Phòng Huyền Linh trong một buổi tiệc rượu. Hoàng thượng biết chuyện, triệu hai vợ chồng Phòng Huyền Linh vào cung hỏi tội, bảo rằng: một là dẫn hai vị mỹ nhân về nhà, hai là ban cho rượu độc. Vợ của Phòng Huyền Linh ngạo khí ngất trời, thà chọn rượu độc chứ quyết không để chồng nạp thiếp, một hơi uống cạn chung rượu vua ban. Thế nhưng, đó thật ra là giấm chứ chẳng phải rượu độc, vua xét lại thấy người phụ nữ này kháng lệnh cũng vì quá yêu chồng nên quyết định xá tội. Từ đó, cụm từ “uống giấm” có nghĩa bóng là các bà vợ hay ghen tuông.

Xin tham khảo thêm:

http://blog.yume.vn/xem-blog/chuyen-....35A6AAEF.html

(3) Trích từ bài hát của Kinh Kha khi qua sông Dịch đến đất Tần để hành thích Tần Thủy Hoàng: “风萧萧兮易水寒, 壮士一去兮不复还" "Phong tiêu tiêu hề dịch thủy hàn, tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn".

Dịch nghĩa: Gió hiu hắt hề, nước sông lạnh; Tráng sĩ một đi hề, chẳng trở về.

(4) Nguyên văn ”Sâm sâm thiên trượng tùng, tuy lỗi kha đa tiết mục, dụng chi đại hạ, chung thị đống lương chi tài”

Nghĩa bóng: người có tài trác việt tuy có vài khiếm khuyết, nhưng tựu chung vẫn có thể gánh vác trách nhiệm trọng đại, làm bầy tôi trụ cột. (TheJoker)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.