Thằng Ngốc (II): Cuộc Sống Sau Này

Chương 17: Tóc Ngắn Cùng Tóc Dài




KHÔNG NGỜ SẤM SÉT CHÍN TẦNG MÂY ĐANG CHỜ ĐÁNH XUỐNG ĐẦU!

Căn cứ vào quy luật di truyền, nhất định Lục nương nhà Tấn vương không phải con ruột của Tấn vương, nhưng, nói ra thì Trịnh Diễm được lợi gì chứ? Trịnh Diễm vạch trần bí mật này để làm gì? Chưa nói tới những chuyện khác, nhưng nghĩ đến tính mạng của bé con kia thì quả là nghiệp chướng. Miễn là Dư thị không làm những chuyện gai mắt truyền tới tai nàng thì Trịnh Diễm không quan tâm cô ta có làm gì không. Đã có vợ nhưng Tấn vương vẫn ăn trong chén nhìn trong nồi, nuôi con người là đáng.

Nghĩ vậy, Trịnh Diễm ném chuyện này sang một bên, mãi đến khi A Thang trở về.

A Thang mặt mày hớn hở, tìm được người nhà có khác. Trở về dập đầu trước Đỗ thị, Đỗ thị cười tít cả mắt nói: “Đây cũng là phúc khí của cô, được rồi được rồi, chớ có dập đầu mãi thế, Thất nương vừa mới ra ngoài, cô về chờ đi.”

A Thang rạo rực đáp vâng, mở cái bao lớn mang theo, bên trong là đồ gỗ, hộp nhỏ, những món đồ chơi khá xinh xắn. “Đây là những thứ thằng bé rảnh rỗi làm ra, không mang về hết, ở ngoài còn mấy thứ, to hơn nữa, lát sau thằng bé sẽ mang đến, biếu tặng Tướng công, Phu nhân, các Lang quân và Nương tử.”

Đỗ thị nhìn thấy những món đồ này rất đáng yêu, vui vẻ nhận: “Dù với thằng bé chỉ là đồ thủ công, nhưng cũng không dễ làm, lại còn phải nuôi thân, đã vất vả rồi.”

“Không phải vậy đâu phu nhân, Thất nương từ bi, chị em nô tì cùng ở trong thành mà không nhận ra nhau, ân tình như vậy đến chết cũng không thể quên, hiếu kính một chút cũng là đương nhiên thôi ạ. Đã vậy Kinh Triệu nể mặt trong phủ, miễn cho thằng bé mấy tháng phiên dịch, còn trả thêm công.”

Đỗ thị nói: “Vậy chỉ nhiêu đây thôi nhé.” Lại cho chút tiền, vải coi như chúc mừng. Sở dĩ cho vải bố không phải lụa tơ, có lí do cả - nếu cho, chị em họ cũng không thể dùng. Đây là quy định nghiêm ngặt về thân phận.

A Thang dập đầu cảm tạ.

A Thành trêu, đòi chị đãi khách: “Chuyện vui như vậy, sao không mời bọn này ăn trái cây thế?” A Thang cũng có chút tiền riêng, vì lần này chưa xác định có phải em ruột mình không mà phải ra ngoài nên đã cất hết tiền vào rương khóa lại, đặt trong phòng mình ở Trịnh phủ. Bây giờ rộng rãi nói: “Vốn sợ quá tùy tiện, nay đã nói vậy thì dù gì cũng chờ ta đi thu dọn một chút đã.”

Năm mới thì mọi người lúc nào cũng bận, nhất là chuyện xã giao, hôm nay Trịnh Diễm hẹn chị em Trịnh Duyệt, đưa bọn họ tới nhà Vu Nguyên Tề tán gẫu. Mọi người đã kéo nhau tới Vu gia, đám Lý Hoàn nương cũng đến đó. A Thang về lại ‘vị trí công tác’, buồn chán lâu, ngay cả A Thôi đang vẩy nước quét nhà cũng hỏi tới tấp: “Sao rồi, sao rồi?”

Hai ngày quay A Thang đã khóc rất nhiều, nghe hỏi, khóe miệng nhếch lên, rõ là muốn cười nhưng giọng nói nghẹn ngào như khóc: “Đúng là thằng bé, tìm được rồi.”

A Thôi thấy chị vừa khóc vừa cười, tiện tay làm ướt khăn rồi đưa cho: “Mau lau đi! Các chị ngoài kia đang làm gì không biết?”

A Thang lau mặt sơ: “Nghe nói ta đã tìm được em trai, đùa giỡn đòi mua trái cây ăn.”

“Cũng nên thế, có điều đám A Tiếu theo Thất nương ra ngoài chưa về, nên để lại một phần cho họ.”

“Ta biết mà.” A Thang nói, bỏ khăn vào tay A Thôi, chạy về phòng lấy một hộp nhỏ, cầm hai xâu tiền, chuẩn bị mua trái cây ăn cùng mọi người. Lại lấy vài món đồ chơi nho nhỏ mang về để chia cho đồng nghiệp trong phòng, A Thôi nói: “Thất nương thích mấy thứ này, cô nên mang biếu nhé.”

“Có mà, một bộ đầy đủ. Biết Thất nương cần gì, nào hộp nào tủ, tay nghề chưa chắc bằng thợ thủ công lâu năm, nhưng tiện hơn, muốn gì làm đó.”

A Thôi huých chị một cái: “Trông cô vui chưa kìa.”

A Thang nhờ người mua trái cây, chia ra mời khách, để dành cho đám A Tiếu theo Thất nương ra ngoài một phần.

Đến khi Trịnh Diễm trở về, hội ăn mừng đã giải tán.

Gặp lần hai, không trêu chọc gì nữa, đầu tiên A Thang biếu tặng Trịnh Diễm rất nhiều đồ chơi, tay nghề của Thang tiểu đệ không tồi, đồ làm ra khá tỉ mỉ. Trịnh Diễm cũng nghĩ như Đỗ thị, Thang tiểu đệ vẫn còn là Tượng hộ, không phải tài chủ, e là đã làm ảnh hưởng công việc của cậu rồi. Để bồi thường, Trịnh Diễm cho thêm chút tiền vật, A Thang cũng vui sướng nhận về.

Chị không phải người không biết chuyện, cho tiền thì nhận, chị và Thang tiểu đệ đã bàn với nhau, nếu có thể tìm cách thoát khỏi phiên dịch, sau này sẽ đến làm tôi tớ cho Trì gia. Trịnh Diễm giúp chị em bọn họ đoàn tụ, phải biết ơn mà đáp đền.

Lại nói, thời đại này, muốn làm dân tự do cũng không dễ, mấy năm nay bị đám quyền quý bôi tro trát trấu, trong mười thì hết tám từng phạm tội ‘cướp ruộng dân’, cũng hiểu dân thường muốn sống an ổn khó thế nào rồi đấy. May mắn, lao động vất vả khổ cực, mua được cái nhà ở chỗ tốt, cày xong thửa ruộng màu mỡ, tưởng rằng chỉ cần chăm chỉ làm việc thì sẽ được sống hạnh phúc, nào ngờ đang ăn lẩu hát hò trong nhà, đám chó săn nhà quyền quý tới, ruộng không, nhà mất, khóc cũng chả biết khóc ở đâu!

Xưa nay có một số người thức thời, mang văn khế ruộng nhà xin vào phủ đại địa chủ, nhờ danh nghĩa của người ta, nộp chút phí bảo hộ, ít nhiều gì cũng có miếng cơm ăn. Dù sao cũng còn hơn là liều mạng chống đối, cuối cùng bờ ruộng cũng mất, miếng đất cắm dùi cũng không – đây là lý do có ẩn hộ (*). Đương nhiên nhà nước ghét cay ghét đắng tình trạng này, mỗi lần ‘thẩm tra’ thì hai bên bắt đầu cò cưa.

(*) Ẩn hộ: chỉ nhân dân trốn tô thuế, lẩn trốn lao dịch, rời bỏ quê hương.

Còn như A Thang và Thang tiểu đệ, nhà ruộng không có, chủ nhân đối xử không tệ, vậy thì còn hơn đi đường mù mịt. Lăn lộn theo Trịnh Diễm sẽ có cơm ăn, cố gắng thì hai, ba mươi năm nữa cũng có thể dành được chút của cải, đến lúc đó hẵng rời đi. Nếu không đi, A Thang sẽ là tâm phúc Trịnh Diễm, ở lại thì cũng thành cấp trên của đám nô tì, cuộc sống tốt đẹp.

***

Em trai A Thang cũng biết nghĩ, lên kế hoạch cho tương lai xong xuôi, hầu hạ một lòng một dạ, hôm trước Trịnh Diễm nói muốn nghe tin tức bên ngoài, A Thang để ý hỏi thăm trong Tượng hộ doanh. Bày quả ra đĩa, pha trà cho Trịnh Diễm, A Thang bắt đầu kể chuyện, vì nội dung quá hấp dẫn, mọi người đều chăm chú lắng nghe.

Mỗi cô gái đều ôm ấp ước mơ Lọ Lem, biết khả năng thành hiện thực rất nhỏ, nhưng vẫn muốn nghe một chút, thi thoảng tự nhập vai để cảm thấy cuộc sống tràn đầy hi vọng. Hôm nay A Thang kể về chuyện xưa.

“Phải nói đúng là không thể tin rằng trên đời lại có người may mắn đến vậy. Cứ như đàn ông gặp được quý nhân, phụ nữ gặp được công tử danh môn vậy. Trong Tượng hộ doanh chỗ em nô tì có một gia đình nọ, làm nghề thêu, ở cách đám thợ mộc bọn họ hơi xa. Nhà đó có cô con gái, cũng giỏi dắn lắm, làm khéo, lại còn tốt số…”

Mọi người đều chăm chú nghe, đại khái là một câu chuyện tình yêu, bay lên đầu cành biến thành phượng hoàng.

“Cô ta làm việc, cũng chỉ thêu mấy tranh hoa chim cá bướm bình thường thôi. Mà đã giỏi rồi thì coi như sẽ làm nghề này cả đời đấy. Ngày đó tiểu nương tử thêu một bộ xiêm y, Tấn vương phi vừa thấy đã thích, gọi vào phủ ban thưởng, vốn tưởng chuyện đến đó là xong, kết quả thế nào, cô đoán đi?”

Chuyện cũ rích như vậy, phần kết sau đó chỉ có một hướng phát triển thôi, A Kỳ đã thầm đoán ra, nhưng vẫn một hát một bè với A Thang: “Rồi sao nữa?”

“Đúng lúc gặp Tấn vương ở trong phủ, định tìm Vương phi nói chuyện, kết quả Tấn vương vừa vào, liếc mắt một cái là nhìn trúng ngay.” Nói đến ‘nhìn trúng’ xong, tự vỗ tay cái đét.

Trịnh Diễm giật nảy mình, vội hỏi: “Không phải họ Dư đấy chứ?” Nào khéo vậy được?

A Thang kinh ngạc: “Thất nương cũng biết à?”

A Tiếu thấp giọng nói: “Chẳng lẽ đó là mẹ đẻ của Lục nương nhà Tấn vương?” A Khánh lên tiếng: “Đúng thế rồi, chuyện này không phải thường gặp, lại còn là Tấn vương gia, xuất thân nhà thêu, hẳn là cô ta.”

A Thang thích thú kể chuyện, không ngờ mọi người đều đã biết, còn Trịnh Diễm lại có vẻ rất hào hứng: “Dư gia này vẫn là Tượng hộ thêu?

A Thang gật đầu, cực kì chắc chắn: “Đúng vậy! Qua mấy đời rồi, nghe nói triều trước làm nghề thêu, sau khi Thái tổ định giang sơn thì vẫn tiếp tục ở lại làm.”

“Cha mẹ Dư nương tử đều làm nghề thêu?”

“Vâng,” A Thang đã nghe ngóng kĩ càng về nghề thêu, “Như các Tượng hộ khác, phần lớn là cha con thầy trò nối tiếp nhau, có vài người nhận học trò làm con rể luôn. Thi thoảng có hai nhà cùng làm nghề thêu thì kết thân, cố gắng để học phương pháp của nhau.”

“Dư gia có ai tay nghề kém không?” Chẳng hạn như không phân biệt được màu sắc, thêu lá đỏ hoa xanh?

“Thất nương có mệnh phú quý, không hiểu những chuyện này rồi, tay nghề không tốt thì sao ăn được chén cơm này? Có thì đã chết đói hoặc bị đánh, mang bán từ sớm rồi.”

Trịnh Diễm vốn tưởng Lục nương nhà Tấn vương không phải con ruột Tấn vương, thế đã khiến nàng rối lắm rồi, không ngờ sấm sét chín tầng mây đang chờ đánh xuống đầu!

Hàng! Thêu! Nhiều! Đời!

Nếu là bệnh mù màu do gen thì căn bản không thể làm nghề này được. Còn tiểu Lục nương kia, chẳng những không phải con gái Tấn vương, mà chín phần cũng chẳng phải con Dư thị!

Bí mật này quá đi thôi?

Ly miêu tráo chúa? Trộm long đổi phượng? Tấn vương phi đổi đứa con trai Dư thị sinh ra thành gái? Sao làm thế được? Trừ khi Dư thị không sinh con trong phủ, nếu không thì chẳng thể nào tin đồn không lộ ra ngoài, Tấn vương đâu có ngu! Tấn vương phi có bản lĩnh khống chế cả vương phủ đến mức ấy chắc? Nếu đổi đứa bé, tranh thủ lúc người không biết quỷ không hay mang Lục nương hiện tại vào phủ? Bé con có bây lớn, sao không khóc chứ?

Trịnh Diễm nghĩ nát óc cũng không hiểu được điều kì lạ bên trong.

A Tiếu nói với A Thang: “Có lẽ Dư thị nương tử cũng là một người đẹp phải không? Chúng ta theo Thất nương đến Ngụy vương gia, có gặp Tiểu Lục nương, trông rất đáng yêu.”

A Thang vỗ tay liền ba cái: “Các cô gặp rồi à?”

“Cũng không hẳn, Tấn vương phi mang theo.”

“Số cô hên thật đấy, đi theo Thất nương toàn gặp chuyện tốt cả. Hàng xóm mấy đời trong Tượng hộ doanh với nhà bọn họ cũng chưa gặp qua đâu, lúc Tiểu Lục nương qua nhà, vì mặt mũi của Dư thị nương tử, Tấn vương đã tìm, sắp xếp một tòa nhà khác cho.”

“Khoan đã,” Trịnh Diễm giơ tay ngắt lời của chị, “Con gái vương phủ tới Dư gia sao?”

“Vâng.” A Thang đáp như lẽ dĩ nhiên.

Trịnh Diễm thấy có chỗ không hiểu: “Sao lại thế?”

A Tiếu giải thích: “Cho dễ nuôi, vài nhà giàu thấy con nhỏ khó nuôi, thường gửi người thân nuôi hộ một khoảng thời gian, khi nào lớn một chút thì đón về.”

Nghe chị nhắc, Trịnh Diễm sức nhớ, đúng là có tục lệ này, nhưng quanh nàng hiếm gặp, nhất thời không nghĩ ra. Con cháu Trịnh gia đều được nuôi trong nhà, cũng chẳng có bệnh tật gì, theo lời Đỗ thị: “Dù da trắng thịt mềm, thì bản chất bên trong vẫn là con nhà nông, không cẩn thận!”

Hồi còn bé thì ông thầy Cố Ích Thuần cũng từng được gửi nuôi, bởi vậy đã có những ảnh hưởng rất sâu sắc đến cả đời ông, thành ra ảnh hưởng gián tiếp tới Trịnh Tĩnh Nghiệp và cả nhà.

Ồ? Chẳng lẽ Dư gia lại mang cháu gái nhà mình đổi với cháu ngoại (*)? Có thể nào? Trịnh Diễm nổi cơn tò mò, lại hỏi A Thang: “Dư gia có bé gái nào xấp xỉ tuổi với Tiểu Lục nương không? Ở chung một chỗ thì chắc cũng được phúc phần.”

(*) Ý nói đổi cháu - do con trai sinh ra, đổi với cháu ngoại - do con gái (Dư thị nương tử) sinh ra.

“Tiếc là không.”

Trịnh Diễm: “…” Thế rốt cuộc là vì sao? Chẳng lẽ không phải Dư gia? Trịnh Diễm có một điều rất chắc chắn rằng, đứa bé này không phải con của Tấn vương và Dư thị, như vậy, con ruột của Tấn vương chạy đi đâu mất rồi? Đứa nhỏ kia, bây giờ đang ở đâu? Bé con hiện đang nơi nào?

Cuối cùng thì nàng cũng muốn tìm cho ra nhẽ.

***

Thật sự Trịnh Diễm rất khó chịu, phát hiện ra tài nguyên trong tay mình vô cùng hữu hạn, ít ra nàng không có cách nào để lật mái nhà Dư gia để tìm hiểu. Nhưng dù sao thì đây cũng là một manh mối rất tốt, biết rồi thì lúc nào đó sẽ có thể tận dụng. Vậy chỉ cần làm rõ chân tướng việc này, khi cần sẽ lôi ra.

Bây giờ nàng đã suy nghĩ cẩn thận lắm rồi, nàng không muốn đi phổ cập kiến thức, nhưng làm sao để thuyết phục người khác đây? Trong chuyện của Tiểu Lục nương, con bé chỉ là hình thức bày tỏ thôi, không quan trọng, quan trọng là ở căn bệnh mù màu của nó: Tráo đổi trẻ con. Chỉ cần đào chuyện vụng trộm này ra thì Trịnh Diễm hoàn toàn không cần giải thích về cơ sở di truyền nguyên nhân bệnh mù màu.

Chuyện này không thể gióng trống khua chiêng mà làm, trong tay nàng có bao người làm được việc này chứ? Ngày xưa có chuyện gì, đều ỷ vào tài nguyên cha mẹ, trưởng bối, đến khi muốn bắt tay tìm hiểu bí mật thì liền luống cuống. May sao, nàng không lớn không nhỏ, bây giờ nhận ra khuyết điểm này vẫn chưa muộn, từ nay bắt tay vào làm cũng được.

Chỉ là trước mắt, đành phải đi tìm cha nàng thôi.

Trịnh Tĩnh Nghiệp rất thắc mắc: “Con không có việc gì lại đi chăm chăm vào thiếp thất nhà Tấn vương làm gì? Hôm đó ra ngoài, ở Ngụy vương gia, cô ta chọc tới con à?”

“Nào ạ? Chỉ là có gặp một chuyện thú vị ở Ngụy vương gia, cha nói xem, rồng sinh rồng phượngsinh phượng, con của chuột thì biết đào hang, có khi nào đứa con hoàn toàn không giống cha mẹ không?”

“Sao lại không? Cha mẹ sinh con trời sinh tính, đủ loại khác nhau.”

“Nhưng dù sao cũng là con rồng cơ mà! Con cảm thấy Tiểu Lục nương kia có gì đó rất kì lạ, cha, giúp con xem thử đi~ dù sao cũng chẳng tốn sức gì mấy.”

“Cũng được.”

“Thật ạ?” Trịnh Diễm không ngờ cha nàng lại đồng ý giúp nàng thăm dò như vậy.

“Đương nhiên! Con không muốn tìm hiểu nữa à?” Suy nghĩ của Trịnh Tĩnh Nghiệp rất dễ hiểu: Con gái làm việc, tuy cũng có lúc hơi ngốc, nhưng không hề vô lí – Đó là cảm giác tín nhiệm. Kinh nghiệm cho thấy, trực giác của Trịnh Tĩnh Nghiệp khá tin tưởng Trịnh Diễm. Hơn nữa, giao quyền chủ động của chuyện này vào tay ông thì yên tâm hơn là để nha đầu Trịnh Diễm tự đi buôn bán lung tung.

Có lợi mà không dùng thì đúng là dốt! Đối nghịch với vận may của mình thì rõ là thứ ăn no rửng mỡ! Trịnh Diễm sảng khoái gật đầu: “Tìm, sao lại không tìm hiểu chứ ạ? Nhưng phải lặng lẽ, đừng lộ chuyện, bung bét hết ra là không hay đâu.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp trầm mặc.

Hai cha con không biết, cuộc đối thoại này, quyết định này, sẽ dẫn đến một trận hỗn loạn vào mấy tháng sau.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.