Vì sao tôi quyết định cho công bố cuốn sách này
Trước hết xin bạn đọc hãy bớt ra chút ít thời gian để đọc lá thư của một người từng hâm mộ tôi, (tôi nói như vậy vì không biết sau đây cô bé ngày ấy có còn hâm mộ tôi nữa không) bởi vì đằng nào thì cũng phải kể hết mọi chuyện cho có đầu có cuối.
Đà Nẵng ngày 15/1/86
Chị Lê Vân yêu mến!
Khi em viết thư này cho chị tức là lúc tình cảm của em đã lên tới tột đỉnh. Con người ta thường có những lúc không thể tự kìm chế được mình. Và giờ đây em đang lâm vào tình trạng đó. Em không thể yên lặng được nữa, em không thể cứ giữ kín mãi trong lòng tất cả những gì bấy lâu nay em đã dành cho chị, em đã nghĩ về chị.
Chị Vân ạ, chị có biết chị là như thế nào đối với em không? Giá như chị biết được rằng em đã quí mến chị đến chừng nào. Cuộc sống của em trong thời gian gần đây dường như không thể thiếu được bóng dáng thân thương của chị.
Mỗi một ngày em không thể không nghĩ đến chị. Có những đêm em nằm mơ thấy chị đang sống ngay trong gia đình em, em thấy được cả nỗi vui sướng của em khi được sống gần chị (nhưng tiếc thay những giấc mơ cũng chỉ là những giấc mơ).
Hình ảnh của chị đã theo em vào trong các giờ ăn, giấc ngủ và cả khi đến lớp. Có hôm, em đã bị cô giáo khiển trách vì cái tội không chú ý nghe giảng, hay nghĩ ngợi. Thế đấy! Mọi người nhìn em một cách khó hiểu, họ cho rằng em đang yêu. Vâng! Đúng vậy, em đang yêu, yêu một cách say đắm. Và người mà em yêu đó chính là chị.
Tất cả được bắt đầu từ cái ngày em xem bộ phim “Chị Dậu”, lần đầu tiên em đã khóc khi xem một phim Việt Nam.
Sau cái hôm đáng nhớ ấy, em đã đem lòng mến phục người diễn viên có tên Lê Vân, người em gặp lần đầu tiên trên màn ảnh, và em cứ tự hỏi: không biết chị ấy là ai? Sao chị ấy lại nhập vai một cách tuyệt vời vậy? Thế rồi không chịu được với những câu hỏi đó, em đã đến các quầy báo tìm mua tất cả các báo có nói về chị, bất kể là báo gì, số mới hay cũ. Chị biết không, em đã vồ lấy những bài báo đó cứ như là bắt được báu vật ấy. Thì ra, em là một đứa ngu ngốc, em đã bỏ lỡ những bộ phim trước đây chị đã đóng. Em cứ tiếc mãi và tự trách mình đáng lý ra phải biết về chị sớm hơn mới phải.
Nhờ những bài báo đó, em biết được chị hiện là một trong những diễn viên chính của Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, là con gái của nghệ sĩ ưu tú Trần Tiến, người mà em đã biết từ lâu qua các vở kịch nói Trung ương xem ở truyền hình. Em thật sự kinh ngạc và thầm thán phục khi biết chị là diễn viên balet. Thật không có gì sung sướng bằng được biết những điều tốt đẹp về một người mà mình đã sẵn lòng yêu mến. Từ đó em thường xuyên theo đõi báo chí để luôn được biết về chị, để không bỏ sót một hoạt động nghệ thuật nào của chị. Em hi vọng và chờ đợi đến một ngày được xem lại chị.
Cứ thế, hai năm trôi qua (1983-1985), một hôm em đọc được trong cuốn Điểm phim giới thiệu về bộ phim có cái tên “Bao giờ cho đến tháng Mười” và ở phần giới thiệu diễn viên, em nhìn thấy hai chữ Lê Vân. Trời ơi! Chị không thể hình dung là em đã vui mừng đến chừng nào đâu. Khi bộ phim được chiếu ở Đà Nẵng, em đã có mặt vào buổi chiếu đầu tiên. Lần đó em đã khóc, khóc rất nhiều. Nhưng không phải chỉ một lần thôi, em đã xem bộ phim đến ba lần và đến lần thứ ba em vẫn không sao cầm được nước mắt. Làm sao có thể không khóc được ở những đoạn chị đứng sau vách cố nghiến răng, nén lòng, kìm những tiếng nấc khi nghe đọc bức thư để đến lúc nằm một mình chị lại trằn trọc vật vã với đau khổ; ở đoạn chị phải diễn chèo để cố quên đi nỗi đau đang vò xé trong lòng, rồi phải bỏ chạy khi quá bức xúc (ở đoạn này, tuy là diễn chèo nhưng em vẫn thấy ở chị có một cái gì đó rất “balet”). Và nhất là ở đoạn cuối, khi bố chồng mất, em đã khóc nức nở cùng chị, đây cũng là đỉnh điểm cảm xúc trong em. Chị Vân ơi, chị hãy nói cho em biết vì sao chị có thể diễn xuất một cách “xuất thần” đến vậy? Chị đã diễn chèo không kém gì một diễn viên chèo thực thụ. Lần đầu tiên xem phim này, em đã không ngần ngại đánh giá rằng, đây là bộ phim hay nhất trong những phim Việt Nam mà em đã xem. Đó là nhờ vào diễn xuất của chị và tất nhiên phải kể đến tài đạo diễn của chú Đặng Nhật Minh và sự “đều tay” của các diễn viên khác. Nhưng em bảo đảm là bộ phim này sẽ không thành công nếu như vai Duyên được giao cho một diễn viên khác (ở đây em nói hoàn toàn khách quan). Không ai có thể thay thế Lê Vân trong vai này được. Có lẽ khi viết kịch bản, chú Đặng Nhật Minh đã dành sẵn vai này cho chị thì phải. Hình ảnh của chị trong phim mà em thích nhất là lúc chị Duyên còn con gái, kẹp hai chùm tóc hai bên, cùng chạy chơi với anh Nam ngoài bờ sông và lúc chị Duyên cùng con trai thả diều trên đồi. Những lúc đó chị thật là đáng yêu làm sao!
Trước đây em đã mến phục chị qua phim “Chị Dậu” nhưng một cách âm thầm và kín đáo. Cũng sau này, với “Bao giờ cho đến tháng Mười” em không thể âm thầm được nữa.
Vậy là đi đâu em cũng “ca” chị, đến nỗi bạn bè và anh chị của em đã phai gọi đùa với em là “Lê Vân của mày”. Phải! Chị là của em. Em rất sung sướng mỗi khi nghe mọi người gọi như vậy. Và từ đó tình cảm của em đối với chị ngày càng thắm thiết hơn. Càng thương cho số phận của chị Dậu bao nhiêu, càng thông cảm cho nỗi đau của chị Duyên bao nhiêu, em càng yêu thương và quí mến chị bấy nhiêu. Em ôm ấp một ước muốn là một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy chị ở ngoài đời, được nhìn thấy chị Lê Vân mà em đã đem lòng yêu mến.
Và rồi cái ngày dó đã đến.
Vào một ngày đầu tháng tư năm tám sáu, khi tình cờ đi ngang qua nhà hát Trưng Vương (nhà hát duy nhất của Đà Nẵng), em nhìn thấy một giải băng trắng giăng ngang, trên đó có dòng chữ “Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam” và xung quanh là những tấm biển quảng cáo, giới thiệu các vở balet.
Lúc đó em liền nghĩ ngay đến chị và vội dừng xe lại. Quả thật, em đã đoán không sai, trên tấm bảng giới thiệu các diễn viên, em đã tìm thấy tên Trần Lê Vân. Em mừng quá, đến nổi không biết nên quay xe về hướng nào. “Nhưng làm thế nào bây giờ? Chị ấy hiện đang ở đâu?”, em tự hỏi. Và thế là, đáng lý ra em phải đi công việc của em thì em lại xách xe chạy như điên như dại đến các khách sạn mà các đoàn nghệ thuật thường hay trọ. Nhưng em đã thất vọng, em không tìm ra đoàn balet, em không tìm ra chị đâu cả. Quay trở lại nhà hát, em hỏi người ta thì được biết: “Họ mới để bảng vậy chứ chưa diễn”. Em trở về với vẻ mặt tiu nghỉu.
Sáng hôm sau, em chở má đi chợ, cái chợ đó nằm trên đường Hải Phòng (gọi là chợ Tam Giác) cách không xa ga Đà Nẵng. Em dựng xe ở ngoài chợ đợi má em. Lúc này em lại nghĩ đến cách tìm gặp chị, ngẩng lên, bất chợt em nhìn thấy có bốn chị có lẽ là vừa từ bên kia đường bước qua. Trong số bốn chị đó, em thấy có một chị tóc tha dài thẳng mượt, mặc chiếc áo may kiểu “sô” hình như là màu vàng nhạt, mắt mang một đôi kính râm. Nhưng em chỉ thấy thoáng qua trong nháy mắt thì các chị đó đã khuất vào trong chợ. “Họ là ai vậy nhỉ? Không có lẽ họ là những người mà mình đang tìm, bởi vì họ ăn mặc giản dị bình thường như mọi người. Và nếu là nghệ sĩ, họ đến các chợ lớn chứ vào cái chợ “dởm” này làm gì?”.
Sáng hôm sau nữa, em lại ra chợ để mua một ít trái cây. Chợ trái cây nằm đối diện với cái chợ hôm qua em đã đứng. Sau khi mua xong, chuẩn bị quay về, thì… “Trông kìa, đúng là bốn chị ngày hôm qua rồi!” Em tự nhủ. Họ đang từ chợ bên kia bước qua đường tiến về phía em. Lần này, em có dịp quan sát kỹ hơn. “Đúng là 4 chị ấy rồi. Họ vẫn ăn mặc như hôm qua. Và nhìn kìa! Cái chị hôm qua mang đôi kính râm, bây giờ đã bỏ kính ra, trông chị ấy rất quen”. Các chị đến gần em hơn. “Trời ơi! Chị Lê Vân”. Em đưa tay dụi hai mắt, cố nhìn cho kỹ. “Chẳng lẽ Lê Vân là chị mang kính hôm qua đấy sao? Sao chị ấy trẻ vậy? Sao chị ấy bình dị quá vậy? Không một chút phấn son, áo quần không màu mè, lòe loẹt Nhưng không thể lầm lẫn được khuôn mặt ấy, từ mắt mũi miệng cho đến thân hình. Đúng là một “thân hình balet”.
“Đúng là chị Lê Vân rồi!”. Các chị đi bộ về hướng ga Đà Nẵng, còn em thì “rà” xe đạp theo sau cho đến khi các chị rẽ vào khách sạn. Thì ra các chị trọ ở khách sạn đường sắt, một khách sạn bình dân mà chưa một đoàn nghệ thuật nào đến trọ cả. Bây giờ em mơi vỡ lẽ ra rằng các chị vào chợ Tam Giác để mua đường vì ở đây bán đường rẻ hơn các chợ khác, mà lại còn gần khách sạn nữa. Em trở về mà lòng vui như mở hội: “Thế là mình đã tìm ra chỗ ở của chị ấy!”. Về đến nhà, em kiền khoe với mọi người: “Em vừa nhìn thấy Lê Vân. Vâng! Chính mắt em trông thấy chị ấy đi ngoài chợ Tam Giác, chị “Lê Vân của em” ấy mà!”. Ông anh trai em nói đùa: “Cứ như là vừa nhìn thấy tiên trên trời xuống vậy”. Em đốp lại: “Chứ sao, chị ấy còn hơn cả tiên nữa kia!”
Tối hôm đó, khi biết đoàn balet sẽ diễn đêm đầu tiên, em bèn mua bằng được hai cái vé… chợ đen, rủ chị của em cùng đi xem, bởi vì em quá nôn nóng muốn được xem chị diễn. Tối hôm sau, em lại được người ta cho 2 vé nữa nhưng ngồi tận trên lầu Vậy là trong hai đêm liền, em được xem chị diễn các trích đoạn “Spartacus”, “Giselle” và ở vở “Hồ Thiên Nga”, các chị đông quá và giống nhau quá, em thì ngồi tận trên lầu nên em không tìm ra chị. Cứ mỗi lần nghe giới thiệu tên chị, em lại nín thở hồi hộp chờ đợi, và lần xuất hiện đầu tiên của chị, em đã đứng bật lên khỏi ghế cứ như là theo bản năng vậy. Trong các đoạn trích đó, em vẫn thích nhất chị trong vai người yêu của Spartacus chị diễn cùng với anh Lê An. Trong vai này chị thật là tuyệt đẹp (vì lúc đó em ngồi gần nên nhìn được chị rất rõ). Đây là lần đầu tiên em được xem balet ngay sàn diễn.
Đối với em lâu nay, balet vẫn là thứ nghệ thuật cao nhất trong tất cả các loại hình nghệ thuật, là “nghệ thuật bay trên mười đầu ngón chân”. Nhưng cho đến khi được xem trực tiếp ở sàn diễn (chứ không phải qua truyền hình) mới thấy được cái “cao”, cái khó, cái công phu của nó gấp trăm lần em tưởng.
Lúc đó mới thấy, sự lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ balet là cả một quá trình khổ luyện. Càng thấy được điều đó, em càng kính phục những nghệ sĩ balet, trong đó có chị. Những người cống hiến đời mình cho nghệ thuật balet, không còn nghi ngờ gì nữa, là những người yêu nghệ thuật thực sự, những người nghệ sĩ chân chính. Em không bao giờ quên được những động tác uyển chuyển, những đường nét tuyệt vời của chị nói riêng và của tất cả các anh chị nói chung. Những động tác mà em nghĩ rằng, để có được các anh chị đã phải đổ biết bao công sức.
Về phần chị, chỉ riêng hoạt động nghệ thuật balet của chị cũng đủ làm cho em khâm phục rồi, vậy mà chị còn là một ngôi sao của điện ảnh nữa, thật là hết chỗ nói.
Kể từ sáng hôm sau cái đêm xem chị diễn ấy cho đến ngày chị rời Đã Nẵng về Hà Nội, suốt nửa tháng trời, sáng nào em cũng có mặt trước cổng Khách sạn đường sắt cả. Cứ mỗi buổi sáng, em lại đến đó, đợi đến lúc chị ra khỏi khách sạn là em đi theo chị. Em chỉ đi theo chị những lần chị đi bộ, còn bữa nào chị lên xe đi theo đoàn thì em chỉ còn biết đứng nhìn theo mà chịu chết. Cứ thế, em đã đi theo chị không rời một bước, chị đến đâu là em theo đó. Em đã theo chị vào các chợ khi chị mua quà để mang ra Hà Nội. Có một lần, chị dừng lại ở một hàng cá khô trong trung tâm thương nghiệp Đà Nẵng, lợi dụng lúc đông người, em tiến lại gần sát chị, em khẽ chạm vào người chị nhưng có lẽ chị không biết đâu.
Có khi chị đi cùng các chị kia, có khi chị đi một mình. Có hôm chị mặc chiếc áo sọc nhiều màu hình như là may kiểu bo ở lai, và tóc chị kẹp vén lên hai bên mang tai. Có hôm chị lại thả tóc và mang kính râm. Những ngày sau, em không để ý đến áo quần của chị nữa mà chỉ say sưa ngắm nhìn vẻ đẹp của chị. Một vẻ đẹp bình dị nhưng hết sức thánh thiện.
Có một buổi sáng, dù cho sự việc diễn ra cách đây đã 7 tháng, (kể từ ngày chị vào Đà Nẵng đến nay), em vẫn không sao quên được.Đó là buổi sáng của ngày 13 tháng 4, khoảng 7 giờ. Chị từ trong khách sạn đi ra cùng với một chị (hình như là chị Kiều Ngân hay chị Quý Ngân gì đó), không biết là các chị đã điểm tâm chưa? Hôm đó, chị mặc chiếc áo thun lưới màu kem, chiếc quần thun màu đen, ống nhỏ, hai bên đùi mỗi bên có một đường nhỏ màu trắng chạy dài từ lưng quần xuống đến lai, giống kiểu quần thể thao vậy. Chân chị mang đôi dép da quai lưới, và tóc chị kẹp cao ngược lên, để lộ ra chiếc cổ “balet” trắng nõn. Chị kia chân mang dép nhựa Hà Nội, mặc chiếc quần Jeans xanh đã bạc màu, tóc cuộn hai cuộn hai bên và mặc áo gì thì em không nhớ. Trông hai chị có vẻ “chịu chơi “ lắm. Hai chị đi thẳng về phía chợ và rẽ vào chợ trái cây. Thì ra hai chị đi mua dưa hấu. Chị ngồi xuống chọn dưa. Vậy mà những người bán dưa đâu có biết rằng trước mặt họ là một chì Dậu, chị Duyên từng xuất hiện trên màn ảnh. Chỉ có một mình em biết điều đó. Lúc đó ước gì em là người bán dưa nhỉ, em sẽ biếu chị cả chục quả. Sau khi chọn xong, chị bảo bà bán dưa lấy dao xăm cho chị một miếng hình tam giác để chị xem thử. Cầm miếng dưa đỏ chót trên tay, chị từ từ đưa lên miệng nếm thử. Chị đâu biết rằng trong khi chị đang làm cái việc ấy thì có một kẻ đang nhìn chằm chằm vào chị. Phải, lúc đó em đang đứng cách chị 3 bước về phía bên phải. Em suýt bật cười khi nhìn thấy chị nếm dưa. Rồi chị đưa miếng dưa cho chị kia nếm thử nhưng chị kia lắc đầu và chị lắp miếng dưa vào chỗ cũ. Chị kia trả tiền, quả dưa khoảng 30, 35 đồng gì đó. Chị xách quả dưa lên phủi sạch cát rồi mang về. Chị đi rồi mà em cứ ngẩn người ra. Làm sao em có thể quên được cái động tác “nếm dưa hấu “ hết sức dễ thương ấy…
Đó cũng là ngày cuối cùng em “theo dõi” chị. Bởi vì bắt đầu từ ngày hôm sau em phải học ngày hai buổi để chuẩn bị ôn thi. Chiều hôm đó, em bỗng dưng có ý định đến phòng chị ở để gặp chị, để được nói với chị những điều lâu nay em đã ấp ủ, để được nghe giọng nói của chi, để thỏa mãn điều mà em đã mong muốn. Vậy là 3 giờ chiều ngày hôm ấy, em lại đến khách sạn. Nhưng khi đến nơi, em không thể bước tiếp được nữa, em bị lôi kéo lại bởi ý nghĩ. “Tại sao mình lại làm việc này? Mình đã suy nghĩ kỹ chưa? Con người ta có một cái vốn tối thiểu đó và lòng tự trọng. Nếu mình làm việc này tức là mình không biết tự trọng, mình không còn sĩ diện”. Cuối cùng em đã quay về, em đã tự đấu tranh với chính mình rằng “Mình yêu thương, mình mến phục chị ấy thì việc mình đến gặp chị ấy có gì là xấu hổ, là mất sĩ diện đâu”. Nghĩ vậy em lại trở lại khách sạn nhưng đến nơi thì lại quay về. Cứ thế trong hai, ba ngày, đến ba, bốn lần em vẫn không lên được phòng chị.
Chị Vân ạ, em không dám tự sánh mình với chị đâu. Đối với chị, em chỉ là một hạt cát, còn chị là vầng thái dương.
Giá như chỉ có chị và em. Nhưng ở đây chị hãy thông cảm cho em vì còn có người xung quanh nữa. Họ sẽ nghĩ gì về em khi thấy em bước vào phòng chị và nghe thấy những điều mà em sẽ nói với chị.
Mãi cho đến hôm em cùng các bạn vào chợ trái cây để mua đồ về liên hoan lớp. Em ngạc nhiên khi nhìn thấy các cô các chị trong đoàn balet (mà em từng quen mặt mua dưa hấu rất nhiều. Có chị mua đến hai, ba quả. Em nghe một trong hai cô đứng gần đó nói với bà bán dưa rằng: “Năm, mười năm chúng tôi mới có dịp vào đây một lần. Chị bán cho tôi một quả rẻ rẻ để về làm quà cho chồng, cho con”. Nhìn các cô các chị trả giá mà em thấy tội nghiệp. Ra đường lại thấy các chú các anh mua rổ rá bằng nhựa cũng nhiều. Lúc đó em nhớ đến chị. “Không biết chị Vân đã mua dưa chưa nhỉ? Vậy là sáng mai chị ấy trở về Hà Nội. Chiều nay nhất định mình sẽ đến chỗ chị ấy rồi ra sao thì ra”. Như đã quyết định, chiều hôm đó em mua một bó hoa thật tươi, thật đẹp bỏ vào trong một cái giỏ bằng mây để không ai nhìn thấy và mang thẳng đến khách san. Nhưng đến nơi thì… hỡi ôi! Em nhận được một cái tin rất buồn: chị đã đi rồi, tất cả đã đi hết rồi. Lúc đó, em tức đến gần khóc. Và đêm hôm đó, lần đầu tiên, em đã trằn trọc không ngủ được. Buổi chiều buồn đáng nhớ ấy là chiều ngày 18/4.
Em vốn là con trong một gia đình trí thức, mà trí thức thì chị biết rồi đấy. Rất nghèo. Bởi vậy em rất yêu những con người bình dị, nhất là nghệ sĩ bình dị. Và em cũng rất yêu nghệ thuật, vì vậy em rất tôn trọng những người làm nghệ thuật. Sau này càng nghĩ, em càng thấy thương đoàn balet của chị: người thì đông, phải trọ khách sạn bình dân, lao động thì khổ nhọc, tiền lương của mỗi anh chị cho mỗi đêm diễn, theo em biết, rất ít. Đến cả phương tiện vận chuyển cũng không có, cả đoàn chi có một chiếc xe du lịch, để các anh chị phải đi bằng tàu lửa. (Có những hôm ở khách sạn, em nhìn thấy trên chiếc xe du lịch đó, một số các anh chị thì ngồi còn một số phải đứng, chật ních). Đồ trang phục múa thì đã cũ. Và em biết bản thân mỗi nghệ sĩ trong đoàn cũng nghèo. Nhưng có một điều chắc chắn là tâm hồn của các anh chị rất “không nghèo”. Trong một hoàn cảnh như vậy mà các anh các chị đã đem hết công sức của mình để cống hiến cho nghệ thuật. Và kết quả là chất lượng nghệ thuật rất cao. Cho đến bây giờ em vẫn không quên được trình độ chơi nhạc tuyệt vời của dàn nhạc, sự tạo hình tuyệt đẹp trong các động tác balet.
Đối với em, một nghệ sĩ chân chính phải là một con người vừa có tài, vừa có đức. “Một người đi từ xa mà mọi người đều biết rằng đó là một nghệ sĩ thì người đó không phải là nghệ sĩ”.
Những thiên tài thường là những người không ai biết họ là ai cả. Có không ít những diễn viên, ca sĩ khi ra đường đã tập trung sự chú ý của mọi người bằng cách bôi son, trét phấn vào cho nhiều, ăn mặc thì lòe loẹt khác thường. Hôm nay thì người này đưa bằng loại xe này, ngày mai thì người kia rước bằng loại xe khác. Rồi họ vào các nhà hàng ăn uống nhậu nhẹt… Đối với em, những người trác táng đó, xin lỗi chị, họ chỉ là loại “diễn viên ba xu” mà thôi. Chính họ là những con sâu mọt và gây nên những ấn tượng không tốt, những điều tiếng không hay mà quần chúng đã “dành” cho giới nghệ sĩ.
Còn với chị, em đã yêu chị ở cái vẻ bình dị chân chất của chị (chứ không phải của nhân vật) qua hai phim em đã xem. Chính sự bình dị đó cộng với tài diễn xuất độc đáo của chị đã cảm hóa được em. Đã yêu mến và kính phục chị qua các hoạt động nghệ thuật của chị, em lại càng yêu mến chị hơn khi được nhìn thấy chị ngoài đời, chị vẫn mang cái vẻ bình dị đáng yêu ấy. Càng yêu chị, em càng muốn biết rõ về chị, về đời sống của chị và gia đình chị. Em đã tìm hiểu về chị rất cặn kẽ qua báo chí. Nhờ vậy em được biết chị sống trong một gia đình rất tuyệt vời. Em còn biết là trong các giờ rỗi, chị nhận đồ gia công về để làm thêm giúp đỡ gia đình.
Em biết, mỗi buổi sáng, chị điểm tâm bằng thức gì trước khi đến sàn múa, và ngoài ra, chị còn là một “tay đầu bếp” chính của gia đình nữa. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để em biết rõ về đời sống giản dị bình thường của chị.
Chị Vân ạ, ngoài tình yêu và lòng mến phục dành cho chị, ở em còn có một sự kính trọng. Em kính trọng những phẩm chất mà chị mang trong người để đạt đến mức hoàn thiện của một người nghệ sĩ chân chính, những phẩm chất mà những “diễn viên ba xu” ấy không bao giờ có được. Chị là một con người bình thường nhưng chẳng tầm thường tí nao cả.
Chị biết không, vì quá yêu chị nên em đã đem lòng ghen tị với bạn bè, với những đồng nghiệp của chị, với những người làm phim, các đạo diễn, và thậm chí cả với những người thân, người ruột thịt của chị nữa kia. Bởi vì họ được gặp tiếp xúc với chị hàng ngày. Còn em, tại sao em không có được cái diễm phúc như họ dù chỉ một lần để được nghe thấy tiếng nói của chị? Cũng vì yêu chị cho nên hiện giờ trong các ngăn tủ của em có không biết bao nhiêu là các bài báo nói về chị, phỏng vấn chị, từ các tạp chí “Tổ Quốc”, “Điện ảnh Việt Nam”, “Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh”, “Điểm phim” cho đến các loại báo tờ như “Văn hoá nghệ thuật”, “Tiền phong”, “Nhân dân”, “Quân đội”, “Hà Nội mới”, v.v…
Trong đó em thích nhất bài trả lời phỏng vấn rất sâu sắc và khiêm tốn của chị mang tựa đề “Hãy giữ lại những gì cần giữ lại ở tạp chí “Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh”.
Một hôm đi chợ, tình cờ em thấy một gói hàng của một bà bán hàng gói bằng tờ báo trên đó có hình của chị. Lập tức, em chạy đi mua một tờ báo cũ vào và xin bà ta đổi cho em tờ báo đó. Rồi em quay về ủi (là) thẳng cất vào ngăn tủ. Những tấm hình của chị em hiện đang có, em không thể nào đếm hết được Em chỉ nhớ một tấm hình đáng yêu nhất là tấm hình chị chụp dưới tháp Eiffel, Paris, chị mặc chiếc áo có hai tay dài màu đen, thân màu trắng có chấm hột. Trước đấy, khi chưa biết chị em cũng rất thích nữ diễn viên balet kiêm điện anh của Liên Xô Galina Beliaieva, ai ngờ đó cũng là người mà chị yêu thích. Một sự trùng hợp hết sức thú vị. Yêu chị nên em yêu những gì chị lao động tạo nên, yêu những gì chị yêu thích. Em đã vui mừng đến tột đỉnh khi biết tin chị đạt được giải “Diễn viên nữ xuất sắc nhất” trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 và chị được các nhà điện ảnh nước ngoài khen ngợi khi họ xem bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” (tại Pháp và Mỹ).
Cách đây 2 tuần, em xem phim “Toạ độ chết”, lại cũng cái vẻ bình dị ấy của chị. Sao chị đóng toàn những vai buồn quá vậy Vai nào cũng là một người vơ, một người mẹ đau khổ. Ở phim này, chị nói rằng, chị đóng một vai phụ, chắc có lẽ là chị quá khiêm tốn đấy, chứ em thấy chẳng phụ tí nào cả.
Vì phim này không có nhân vật chính, nên về phía Việt Nam, chị là chính rồi chứ còn gì. À, chị cũng hay đóng chung với anh Đặng Việt Bảo nhỉ. Chị lại cùng kéo cờ khai mạc Liên hoan phim với anh ấy nữa.
Trong một bài báo viết về chị có đoạn: “Người ta đặt cho Lê Vân rất nhiều câu hỏi, vì sao một người nhỏ, lớn sống ở Hà Nội, chưa chồng con lại sống thật sinh động cuộc sống của phụ nữ vùng quê như vậy? Đó là do tài năng thu nhận cuộc sống của người diễn viên. Lê Vân rất thông minh trong việc nắm bắt những cái cơ bản cần thiết của nhân vật. Khả năng tư duy cộng với lòng yêu nghề chân thành trong sáng, đã giúp Lê Vân liên tiếp có được những thành đạt như vừa qua”. Đó cũng là ý kiến của em.
Bây giờ cho phép em được nói về những người thân của chị, những người mà đối với em cũng không kém phần yêu mến và kính trọng. Trước tiên, em xin nói về bác trai, bố của chị: em đã được xem bác đóng rất nhiều vai (qua truyền hình), có lẽ bắt đầu từ vở kịch “Hoàng Lang”. Hồi cuối năm 85 hoặc đầu năm 86 gì đó, bác đã cùng đoàn kịch nói Trung ương vào Đà Nẵng diễn vở “Nhân danh công lý”, bác đã làm em sửng sốt trong vai Tảo sẹo. Bác diễn vai này hay quá. Một diễn viên trẻ tuổi có tài đến mấy cũng không thể diễn như bác được sau đó mấy hôm, em nhìn thấy bác đứng ở ngã tư gần nhà hát, bác đang đợi ai đấy. Bác mặc quần Jeans xanh và áo sơ mi trắng. Em đi vòng ra phía sau để dễ dàng nhìn bác, em nhìn bác rất lâu. Trông bác vẫn còn “phong độ” lắm. Bất chợt bác quay lại, bắt gặp cái nhìn của em, bác mỉm cười với em và em cũng cười đáp lại nhưng hơi lúng túng. Lúc đó em chỉ muốn chạy lại hỏi thăm bác về chị, nhưng không hiểu vì sao chân em cứ như là bị đóng đinh. Gần đây, vào cuối tháng bảy, đầu tháng tám, bác lại vào Đà Nẵng, cũng vẫn diễn vở “Nhân danh công lý”. và thêm vở “Người cha thô bạo”, nhưng trong thời gian này em đang ở Sài Gòn. Khi về biết tin này em rất tiếc. Khoảng một tháng sau, em được xem “Người cha thô bạo” ở truyền hình. Mỗi lần bác xuất hiện với điệu bộ hai tay đút túi quần, cổ rụt xuống, hai vai nhô lên, em không thể nhịn được cười. Và cách đây mẩy hôm, em lại xem bác trong một vở kịch ngắn về kế hoạch sinh đẻ, chị vợ đang trên bàn sinh kêu rên “chồng ơi là chồng”. Lúc đó liền chiếu qua cảnh anh chồng đang say rượu, rầu rĩ, buồn bã vì quá đông con (vai này do bác đóng, em lại một lần nữa cười đến vỡ bụng).
Bác gái cũng xuất hiện rất nhiều trong các vở kịch ngắn, nhưng trước đây em chưa biết bác là mẹ của chị. Gần đây em chỉ nhớ bác qua các vớ “Chập cheng” trong vai bà lên đồng, “Đường anh đã chọn” vai người mẹ… Còn chị Lê Khanh, em đã xem chị ấy đóng cùng bác gái trong vở “Nỗi đau ngọt ngào” của Ấn Độ (có chú Đức Trung đóng vai cha và anh Anh Dũng). Không biết có phải chị ấy đã xuất hiện trong vở “Ngày 10/10/54” không? Và không biết có phải chị ấy đã đóng vai Juliette cùng với chú Đức Trung (Romeo) khi mà đoàn kịch Nhà hát tuổi trẻ về Đà Nẵng cách đây hơn 1 năm không? Bởi vì lúc đó em chưa biết chị ấy là Lê Khanh.
Qua báo chí, em cũng biết chị Lê Khanh đã đóng trong các vở “Đỉnh cao mơ ước” và “Chim sơn ca”, nhưng em chưa được xem. Còn chị Lê Vi, em chỉ biết chị dang đi theo con đường của chị Vân, chứ em chưa được xem chị diễn, vì chị còn đang học. Và em biết cả cậu Lê Chúc của chị nữa đấy.
Vậy là hiện giờ, em đang giữ một tấm hình của bác trai (hình in trong báo), một tấm hình của cậu Lê Chúc, một tấm hình bác gái chụp chung với ba chị, trong này, cả ba chị đều giống mẹ như đúc. Và bốn tấm hình của chị Khanh, hai tấm hình chị Vi, mặc dầu ở hai tấm này, người ta đều ghi: học sinh trường múa Trung ương nhưng em vẫn nhận ra chị Vi ngay. Còn hình chị Vân thì nhiều quá em không đếm hết. Có một điều em nhận thấy ở chị Vân và chị Khanh là: Cả hai chị đều có một vẻ đẹp thánh thiện, cả hai chị đều giống Juliette. Có lẽ vì vậy mà đạo diễn đã chọn chị Khanh thể hiện nhân vật Juliette và Jand"A.
Gia đình chị thật là hạnh phúc, em rất muốn được sống trong một gia đình như vậy. Em đã đặt tên cho gia đình chị là một “Gia đình nghệ sĩ chân chính”, một “Tổ ấm tài năng và hạnh phúc”.
Chị Vân yêu mến!
Đối với chị, có thể đây chỉ là một bức thư “tỏ tình” hết sức vụng về của một cô gái 18 tuổi. Còn với em, toàn bộ bức thư này là một sự thật, là tất cả những tình cảm bấy lâu nay em cứ bị dồn nén mãi cho đến bây giờ mới được bộc lộ. Một sự thật em sẽ mang theo suốt cuộc đời mình. Chị biết không, các anh chị của em cũng rất mến mộ tài năng của chị và những người trong gia đình chị, nhưng họ không có “cuồng nhiệt” như em. Phải! Em cuồng nhiệt bởi vì ở em không chỉ có lòng mến mộ, mà em còn yêu chị nữa, em yêu chị một cách say đắm. Nói vậy chắc cũng đủ để chị hiểu lòng em. Bây giờ, cho phép em dừng bút. Em rất muốn biết nhà chị ở phố nào? Để khi nào có dịp ra Hà Nội em sẽ tìm đến. Hoặc khi nào chị vào Đà Nẵng, em cũng sẽ tìm đến chị. Lần này, em sẽ dẹp bỏ tất cả mặc cảm để tìm đến chị.
Nhất định em sẽ tìm đến chị! Chị có cho phép em làm điều đó không? Chị có sẵn sàng tiếp đón em không? Xin chị hãy nói với bác trai và chị Khanh rằng, em cũng sẽ tìm đến bác và chị Khanh nếu như một trong hai người có dịp vào Đà Nẵng.
Chị Vân ạ, không hiểu sao em bỗng có một linh tính và hi vọng là một ngày nào đó em sẽ nhận được thư của chị, em sẽ được đọc những dòng chữ thân yêu mà em đang khao khát. Đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao đối với em. Nếu như niềm hi vọng đó sẽ trở thành nỗi tuyệt vọng thì… chắc là em sẽ buồn lắm đấy! Nhưng không sao. Dù sao đi nữa chị cũng vẫn là “Lê Vân của em”, chị vẫn là thần tượng không bao giờ sụp đổ trong em. Dù sao đi nữa, em cũng vẫn giữ mãi những ấn tượng tốt về chị, em vẫn luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho chị, em vẫn trân trọng chúng như trân trọng những gì thiêng liêng nhất của đời em. Chắc chị biết nữ nghệ sĩ Mireille Mathieu? Người ta gọi bà ấy là “Người phụ nữ tượng trưng cho nước Pháp”. Còn em, nếu sau này có ai hỏi em, thì em sẽ nói rằng: “Lê Vân, chị ấy là người phụ nữ tượng trưng cho nước Việt”
Cuối thư cho em gởi lời chúc đến hai bác và các chị.
Em chúc chị luôn đạt đến những đỉnh cao vinh quang của cả hai lãnh vực nghệ thuật mà chị đang cống hiến cả cuộc đời.
Hôn chị rất nhiều
Em, Tố Nguyệt
Em đã hôn lên những tấm hình của chị nhiều rồi. Và giờ đây em cũng đã hôn lên những trang giấy này, những nơi mà chị sẽ đặt tay lên cầm lấy bức thư.
***
Tôi nhận được lá thư trên cách đây vừa chẵn hai mươi năm, một bức thư đặc biệt. Trong thư, Nguyệt đã thật vô tư, hào phóng và chân tình trao cho tôi mối tình yêu thánh thiện, ngây thơ. Suốt chín trang đầu, tôi ngỡ đó là bức thư của một chàng trai trẻ đang yêu, mãi đến trang thứ mười, như Nguyệt tự nhận “… đây chỉ là bức thư “tỏ tình” hết sức vụng về của một cô gái mười tám tuổi đang yêu một cách đắm say cuồng nhiệt” tôi mới vỡ lẽ, thì ra em là gái.
Trong thời gian làm diễn viên, tôi đã nhận được rất nhiều thư của người hâm mộ, mà chưa một lần trả lời. Tôi tâm niệm rằng, tôi sẽ trả lời bằng những vai diễn. Bỗng một ngày, ngộ ra, hình như tôi chưa trả lời một ai, hình như tôi đang mắc nợ một ai… Bao nhiêu thư đã đến, đã thất lạc. Lạ lùng sao chỉ còn lại mỗi thư của Nguyệt. Bức thư dài hơn mười trang giấy đặc kín chữ. Nét chữ mực tím cứng cáp, nghiêm trang. Đọc lại, tôi phát hiện ra, tôi đã là một kẻ bạc bẽo làm sao!
Giờ cô bé ấy ở đâu, người đã cho tôi ngần ấy tình thương mến? Tôi chưa bao giờ gặp cô và có thể chẳng bao giờ gặp cả.
Tôi đã tự bỏ mất cơ hội đáp lại tình cảm của một người chân thành yêu quý mình vì những thứ khiến giờ đây tâm hồn tôi trở nên nặng trĩu. Hai mươi năm có thể chỉ là một khoảnh khắc với những người may mắn và hạnh phúc. Còn với tôi, hai mươi năm là một cuộc vật lộn với cuộc đời và với chính mình chỉ để không bị biến thành một người khác. Giờ đây đọc lại lá thư của cô bé ngày ấy, tôi bỗng thấy thương xót cho em vô cùng. Có biết bao nhiêu điều xảy ra với tôi mà em - một tâm hồn trong trắng vô ngần - không đáng phải bị nghe kể lại. Chính bản thân tôi cũng từng chôn chặt chúng xuống tận đáy lòng và hy vọng sẽ không bao giờ phải đối mặt với nó. Nhưng càng ngày tôi càng bị đẩy đến trước một sự thật không thể lẩn tránh: có những điều sẽ đến lúc nào đó một mình tôi không đủ sức đem nổi. Và khi đó không biết điều khủng khiếp nào sẽ xảy ra với tôi.
Nhưng ngay cả điều khủng khiếp nhất là tôi gục ngã trong cảm giác bị trừng phạt thì cũng không kinh sợ bằng việc tôi dung túng cho sự dối trá. Có những sự thật, những uẩn khúc cần phải được nói ra. Chừng nào nó còn chưa được nói ra, chừng đó tôi còn sống trong cảm giác tội lỗi mà tôi thì không thể chịu nổi điều đó. Thế là tôi có nhu cầu phải kể hết đời mình, không giấu giếm bất cứ điều gì, ngay cả những điều mà người ta có quyền giữ im lặng, với một người nào đó. Ngay lập tức tôi nghĩ đến cô bé hâm mộ mình ngày xưa mà tôi đã đối xử thật tệ bạc.
Em xứng đáng được nghe tôi tự thú, thay cho một lời phúc đáp muộn màng, để rồi sau đó tùy em phán xét. Nhưng may thay có một người đã linh cảm thấy nỗi đau vò xé ấy trong tâm hồn tôi, kịp đến và đưa ra lời can ngăn thật đúng lúc. Những gi tôi sắp kể chỉ có thể gọi là những lời sám hối và người nghe nó không nên chỉ là một mình cô bé ngày xưa của tôi. Khi đưa ra lời khuyên như vậy có thể chị bạn tôi quên mất rằng giờ đây, sau hai mươi năm cô bé đã là một người trưởng thành. Nhưng tự trái tim tôi cũng thấy đó là lời mách bảo sáng suốt. Và để có chỗ cho tôi nương tựa về mặt tinh thần, chị ấy đã tự nguyện, một cách đầy kiên nhẫn và đồng cảm ngồi nghe tôi “thú tội”.
Những gì xảy ra sau đó - tôi muốn nói đến sự ra đời của cuốn sách này - hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Giờ đây tôi chỉ còn lại một ý nghĩ đủ sức an ủi mình: Thế là cuối cùng mình cũng đã có thể thanh thản mà sống tiếp. Tuy nhiên mọi việc diễn ra thì không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Thỉnh thoảng, tôi ngừng lại suy nghĩ, nói ra những điều này để: rồi người ta viết nên cuốn sách này, liệu có phải chỉ vì nhu cầu muốn mọi người hiểu đúng về cuộc đời mình hay vì tôi vẫn đang còn rất nhiều ham hố?
Hoặc ai đó sẽ đặt câu hỏi, người này còn tham vọng gì nữa đây mà bỗng nhiên lại tâm sự hết, bộc bạch hết cho người đời xem từ trong ra ngoài? Tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình chưa đủ “tai tiếng” à? Tại sao mình lại bị cuốn vào việc này một cách rất say sưa?
Tỉnh táo nghĩ lại như thế. Và tự trả lời: không phải. Tôi đã sống một cuộc đời thường có cả điều đúng, có cả điều sai, có cả những đau khổ tự chuốc lấy trong khi đó tôi cũng trút đau khổ lên không ít người khác. Tôi có cả một tuổi thơ cay đắng mà không biết đổ lỗi cho ai. Tôi từng có thể muốn gì được nấy, những thứ mà bất cứ người bình thường nào cũng đều thèm khát. Và ngược lại, tôi cũng phải đối mặt với biết bao sự ê chề trong đó có cả do tôi, có cả do người khác gây cho tôi. Tóm lại tôi chẳng việc gì phải dựng nên những thứ mà tự nó đã chật kín trong cuộc đời mình rồi. Nhưng nếu vẫn có ai đó không tin mục đích của tôi khi chấp nhận có cuốn sách này, thì tôi cũng không hề vì thế mà thiếu tôn trọng họ. Chúng ta được đào luyện trong một môi trường mà lòng thành thật không phải lúc nào cũng được đặt ở những vị trí xứng đáng.
Đôi khi tôi lại nghĩ, hình như mình đang “vạch áo cho người xem lưng”. Những lúc ấy tôi chỉ muốn bảo thẳng với Bùi Mai Hạnh - người càng ngày càng tỏ ra hiểu tôi hơn tôi tưởng với một sự kiên nhẫn vô bờ bến - có lẽ dừng lại thôi, quẳng đi thôi. Tại sao tôi lại cứ phải làm cho những người thân của mình đau lòng? Nhưng hóa ra người đau lòng nhất lại chính là tôi.
Giờ đây thì mọi việc đã không thể nào dừng lại được. Thôi thì ai muốn nghĩ gì về tôi là quyền của họ. Tôi chấp nhận cả sự nguyền rủa. Bởi vì nếu cuốn sách này trở thành nguyên nhân của những hiểu lầm có thể xảy ra, thì nó cũng đồng thời là một cơ hội để tôi tự thanh tẩy tâm hồn mình. Mục đích lớn nhất của tôi là sám hối mặc dù tôi biết không phải mọi sự sám hối đều được tha thứ. Tôi muốn tự trừng phạt mình thay cho một sự trừng phạt từ trên cao sớm muộn rồi cũng giáng xuống…
Tôi chịu trách nhiệm trước lương tâm và luật pháp về tính chân xác của những sự kiện, những câu chuyện được viện dẫn trong cuốn sách này. Tôi không muốn vì sự sám hối của mình mà có thể làm tổn thương đến bất cứ ai. Những nhân vật được nhắc tới chỉ bởi vì họ đã góp làm nên một phần cuộc đời tôi, thuộc về cấu trúc tạo nên số phận tôi. Thiếu họ trong câu chuyện, tức là tôi không thể hoàn thành tâm nguyện là thành thật đến tận cùng về bản thân mình. Ngoài điều đó ra, bất cứ sự gây hiểu lầm nào cũng có thể coi là sơ xuất bất khả kháng, ngoài ý muốn của tôi. Và thể nào cũng xảy ra điều tương tự với người này người kia nên tôi xin được bày tỏ trước niềm hối tiếc và mong các vị rộng lòng lượng thứ.
Không hiểu sao cứ mỗi khi sắp kiệt sức, chẳng hạn như lúc này, lúc mà tôi phải nói những điều thật khó khăn, tôi lại nhớ bà ngoại. Bây giờ bà đã về Trời. Bà mất khi gần trăm tuổi. Lần cuối cùng về Hải Phòng thăm bà ốm, tôi được bà trăng trối: “Nếu như, sau khi chết đi mà bà biết rằng bà còn có thể phù hộ cho ai đấy, thì người đó sẽ là cháu. Bà phù hộ cho cháu luôn hạnh phúc”.
Tôi tin rằng chính bà ngoại đã thể hiện sự phù hộ, như bà hứa, khi mách bảo cho tôi những gì tôi cần phải làm trước khi lại được về làm đứa cháu gái tội nghiệp của bà.
LÊ VÂN