Thân Ái Hắc Quản Gia

Chương 11




Tại Petersburg, Vronxki và Anna trọ ở một khách sạn loại sang nhất. Vronxki ở dưới nhà, Anna cùng con gái, chị vú và chị hầu ở một gác rộng gồm bốn buồng.

Ngay hôm mới đến, Vronxki đã lại nhà anh trai: ở đó, chàng gặp mẹ, bà đến Moskva để thu xếp công việc. Mẹ và chị dâu tiếp chàng như thường lệ: hai người hỏi thăm về chuyến du lịch nước ngoài, nói chuyện về những người cùng quen biết, nhưng không hề đả động câu nào tới chuyện dan díu của chàng với Anna. Trái lại, hôm sau, đến thăm chàng, ông anh nhắc đến nàng trước tiên. Và Alecxei không quanh co úp mở nói tuột rằng chàng coi mối tình với Karenina là hôn nhân, chàng định thu xếp cho xong chuyện li dị để kết hôn, nhưng trong khi chờ đợi chàng vẫn coi nàng như vợ chính thức và nhờ anh kể lại chuyện đó cho mẹ và chị dâu biết.

- Mặc cho thế gian phản đối, tôi không cần, - Vronxki nói, - nhưng nếu gia đình còn muốn hoà thuận với tôi, thì cũng cần đối xử hoà hảo với vợ tôi.

Ông anh cả, vốn luôn luôn tôn trọng ý kiến em trai, còn phân vân không biết Alecxei phải hay trái, chừng nào mọi người chưa kết luận dứt khoát về vấn đề này; nhưng bản thân ông thì không phản đối gì cho nên ông cùng em trai lên phòng Anna.

Trước mặt anh, cũng như trước mặt bất cứ ai, Vronxki gọi Anna bằng "chị" và đối xử như một bạn gái thân, nhưng hàm ý rằng ông anh đã hiểu rõ quan hệ giữa hai người, cho nên họ bàn đến dự định đưa Anna về sống ở trang trại của Vronxki.

Mặc dầu có kinh nghiệm xã giao, Vronxki vẫn phạm phải một sai lầm kì quặc, nó là hậu quả hoàn cảnh mới hiện nay của chàng. Đáng lẽ chàng phải hiểu xã hội thượng lưu sẽ cấm cửa hai người; trái lại, chàng mơ hồ nghĩ rằng thời trước mới thế, còn bây giờ, nhờ những tiến bộ nhanh chóng (vô hình chung gần đây chàng trở thành người ủng hộ mọi tiến bộ), dư luận xã hội đã thay đổi và vấn đề họ có tiếp Anna và chàng hay không, còn chưa ngã ngũ.

"Tất nhiên, chàng thầm nghĩ, giới quý phái chính thức sẽ không tiếp nàng, nhưng những người thân của mình có thể và phải hiểu hoàn cảnh cho thích đáng".

Người ta có thể ngồi bắt chéo khoeo hàng giờ liền nếu biết không có gì cản trở mình thay đổi tư thế, nhưng hễ đã biết mình bắt buộc phải ngồi gập chân là y như rằng bị chuột rút và đôi chân sẽ theo bản năng tìm cách duỗi ra. Đó đúng là điều Vronxki cảm thấy đối với giới thượng lưu. Mặc dầu, trong thâm tâm, chàng biết hai người không thể bén mảng đến giới xã giao được nữa, chàng vẫn tiếp tục tự hỏi liệu giới thượng lưu có thay đổi không và liệu họ có tiếp hai người không. Nhưng rồi chàng đành thừa nhận: nếu giới thượng lưu còn mở cửa tiếp chàng, thì họ vẫn cấm cửa Anna. Như trong trò chơi mèo đuổi chuột, những bàn tay giơ lên cho chàng chui qua lập tức hạ xuống chắn Anna.

Một trong những phụ nữ đầu tiên thuộc giới thượng lưu Petersburg chàng gặp lại là bà chị họ Betxy.

- À đây rồi! - bà vui vẻ thốt lên khi thấy chàng.

- Thế còn Anna đâu? Tôi rất mừng! Cô chú trọ ở đâu? Tôi chắc sau cuộc hành trình thú vị vừa rồi, chú hẳn thấy thành phố Petersburg thật gớm ghiếc nhỉ. Tôi có thể mường tượng ra tuần trăng mật của chú ở Rôm. Thế còn việc li dị? Thu xếp xong cả rồi chứ?

Vronxki thấy vẻ vui mừng của Betxy biến mất khi được biết việc li dị vẫn chưa thành.

- Tôi biết họ sẽ ném đá vào tôi, nhưng tôi sẽ đến thăm Anna, phải, nhất định tôi sẽ đến. Cô chú ở đây có lâu không?

Quả thực, ngay hôm đó, bà đến chơi với Anna; nhưng thái độ bà không giống như trước nữa. Rõ ràng bà kiêu hãnh vì sự táo bạo của mình và muốn Anna phải kính phục cái bằng chứng về lòng chung thuỷ và hữu ái đó. Bà ngồi nói chuyện tin tức trong ngày không quá mười phút và trước khi ra về còn bảo:

- Chị vẫn chưa nói cho tôi biết bao giờ sẽ li dị? Vì dù tôi có bất chấp mọi dư luận, thì bọn lên mặt đạo đức vẫn cứ lạnh nhạt với chị chừng nào hai người chưa kết hôn. Mà bây giờ thì thật dễ dàng. Việc đó có thể làm được 1 . Thế ra thứ sáu này chị đi à? Thật đáng tiếc, từ nay đến hôm đó, ta không gặp nhau được.

Xem thái độ Betxy, lẽ ra Vronxki đã có thể hiểu là chẳng thể trông mong gì nữa ở giới thượng lưu, nhưng chàng vẫn ướm thử lần nữa ở gia đình. Chàng không đặt chút hi vọng nào ở mẹ. Chàng biết mẹ yêu thích Anna trong lần gặp đầu tiên, nhưng bây giờ bà rất khắc nghiệt với người đã phá hoại sự nghiệp con trai bà. Nhưng chàng hi vọng rất nhiều ở bà chị dâu Varya. Chàng tin bà sẽ không lên án hai người, sẽ vui vẻ, mạnh dạn đến thăm và tiếp Anna ở nhà bà.

Ngay sau hôm đến Petersburg, Vronxki lại nhà, và thấy bà chỉ có một mình, liền nói thẳng ý muốn của mình.

- Alecxei, chú biết tôi rất quý chú và rất sẵn sàng làm mọi việc giúp chú, - bà nói, sau khi nghe chàng kể từ đầu đến cuối.

- Sở dĩ tôi vẫn làm thinh, vì biết không giúp ích gì được cho hai người, cả chú lẫn Anna Arcadievna (bà phát âm thật rành rọt: Anna Arcadievna). Chú đừng cho rằng tôi kết tội cô ta. Hoàn toàn không phải thế: có thể, ở vào địa vị đó, tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi không đi sâu vào chi tiết và cũng không làm thế được, bà nói, thỉnh thoảng lại rụt rè nhìn bộ mặt lầm lầm của chàng. Nhưng ta cần nói thẳng thắn với nhau. Chú muốn tôi đến thăm cô ấy, tiếp cô ấy tại nhà và bằng cách đó, khôi phục lại địa vị cô ấy trong xã hội thượng lưu; nhưng chú hiểu cho tôi không thể làm thế được. Tôi còn lũ con gái đang tuổi lớn và bắt buộc phải sống trong chốn thượng lưu vì nhà tôi. Giả dụ tôi đến thăm Anna Arcadievna; chắc cô ấy sẽ hiểu tôi không thể mời cô ấy đến nhà được hoặc cùng bất đắc dĩ thì tôi phải liệu cách mời thế nào để cô ấy khỏi gặp những người có cách nhìn nhận khác: chính cô ấy sẽ tự ái trước. Tôi không thể nâng cô ấy dậy…

- Nhưng tôi cho rằng cô ấy cũng chẳng sa ngã gì hơn hàng trăm phụ nữ chị vẫn tiếp! - Vronxki ngắt lời, mặt càng sa sầm, và lẳng lặng đứng dậy, biết không thể lay chuyển được chị dâu.

- Alecxei! Chú đừng giận tôi. Tôi xin chú, chú hãy hiểu cho đó không phải lỗi tại tôi, - Varya nói tiếp và nhìn chàng với một nụ cười e dè.

- Tôi không giận chị, chàng nói, mặt vẫn buồn rười rượi, nhưng điều đó càng làm tôi khổ tâm gấp đôi. Và tôi lấy làm tiếc là điều đó sẽ cắt đứt tình thân giữa chúng ta. Cứ tạm cho rằng điều đó không cắt đứt mà chỉ làm nhạt tình thân. Chị cũng hiểu đối với tôi, không có cách nào khác.

Nói rồi, chàng liền từ giã bà.

Vronxki hiểu dù có thử vận động thêm người khác cũng vô ích và mấy ngày đó hai người sống tại Petersburg như ở một thành phố xa lạ, tránh mọi tiếp xúc với chốn thượng lưu cũ, để khỏi hứng lấy những bực mình và nhục nhã có thể xúc phạm sâu sắc đến chàng. Một trong những bực dọc chủ yếu là tên chàng luôn luôn bị ghép liền với tên Alecxei Alecxandrovich. Không thể nói bất cứ vấn đề gì mà câu chuyện không chuyển sang Alecxei Alecxandrovich; không thể đi đâu mà không vấp phải tên ông ta. ít nhất, đó cũng là cảm tưởng của Vronxki, tựa hồ người có ngón tay đau, ở đâu cũng như bị ai cố tình chạm phải ngón tay khốn khổ đó.

Vronxki thấy những ngày ở Petersburg càng nặng nề thêm vì suốt thời kì đó, chàng thấy tính nết Anna đâm khác thường và khó hiểu. Khi thì nàng có vẻ say mê chàng, khi lại lạnh lùng, bực bội và bí hiểm. Nàng không chịu thổ lộ cho chàng biết điều gì đang giày vò mình và hình như không chú ý tới những bực bội đang đầu độc cuộc sống Vronxki, những điều lẽ ra còn cay cực gấp bội đối với nàng, con người thường ngày vốn tinh tế nhạy cảm là thế.

--- ------ ------ ------ -------

1 Ca se fait (tiếng Pháp trong nguyên bản)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.