Tấn Công Ngược Thành Phi

Chương 11




Ngay lúc Mao Lực Cường phát buồn bực vì không biết làm sao để trả lời Liễu Kình Vũ, Liễu Kình Vũ lại tiếp tục lên tiếng.

- Đồng chí Mao Lực Cường, tôi không biết tại sao đồng chí lại đưa ra kiểu quan điểm này, nhưng tôi nghĩ nên đọc cho đồng chí nghe một bài vè thuận miệng mà dân ta đã viết. Rồi anh sẽ thấy dân chúng Đông Giang nhìn quan chức thị xã Đông Giang chúng ta như thế nào.

Nói đoạn, Liễu Kình Vũ bắt đầu đọc:

- Độc chiêu là họp hành, quản lý là đóng phí; Coi trọng là châm ngôn, quán triệt câu cửa miệng; Nghiệm thu phải uống say, kiểm tra kèm yến tiệc; Nghiên cứu là cãi nhau, thành tích là thần họa; Báo cáo là nhạt tênh, tăng giá là truyền thống.

Sau khi đọc xong, Liễu Kình Vũ nhìn Mao Lực Cường và nói:

- Đồng chí Mao Lực Cường, anh thấy bài vè này thế nào? Có phải đã phản ánh hiện trạng quái đản của quan trường thị xã Đông Giang chúng ta không?

Mao Lực Cường muốn phủ nhận, nhưng ngẫm lại thì đành phải thừa nhận. Bài vè mà bà con viết thật nhiều điểm giống với quan trường Đông Giang bây giờ. Giờ ở thị xã Đông Giang này, hầu như có một bộ phận quan chức hoàn toàn không để tâm đến việc làm tròn chức trách hay đi làm công chuyện giúp dân chúng. Ngược lại, họ chỉ quan tâm đến chạy quyền chạy chức, thậm chí là mua quan bán chức, hoàn toàn không đoái hoài đến phản ứng của nhân dân. Kể cả đất đai của nhân dân có bị cưỡng chế, thậm chí nhà dân có bị bọn khai thác nhà đất chém giết, bức tử, hạ độc… bọn họ cũng chẳng thèm đứng ra nói một câu vì dân.

Nguyên do của hiện tượng này trong lòng Mao Lực Cường thực ra hiểu rất rõ. Đằng sau hiện tượng quái đản này chính là lợi ích cá nhân đang làm càn. Bởi đằng sau mỗi doanh nghiệp khai thác đất đai ở thị xã Đông Giang này đều có một hoặc nhiều quan chức, thâm chí là quan chức cấp cao. Chỉ có dưới ô dù quyền lực, lại thêm thế lực của bè đảng xã hội đen mới có thể giành được những dự án xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.

Mao Lực Cường tuy cũng có chút dính líu lợi ích, nhưng dù sao y cũng là Phó chủ nhiệm ủy ban kỷ luật. Đối với nhiều chuyện của quần chúng, y vẫn phần nhiều đồng tình. Nhưng, chỉ là đồng tình mà thôi. Nhiều lần trong đêm ngẫm nghĩ một mình, Mao Lực Cường cũng tự trách mình, rằng từ khi nào mình trở thành kẻ chỉ biết đến cái lợi trước mắt thế này. Nhớ tới năm xưa, y cũng từng một thời tràn đầy nhiệt huyết, mong được dốc sức làm việc vì dân vì nước. Y cũng từng có thời mong tham gia vào Ủy ban kỷ luật này để đánh gục vài gã tham quan ô lại.

Nhưng Mao Lực Cường sau nhiều lần tự vấn lương tâm, cuối cùng đã rút ra một kết luận khiến y thực chẳng biết phải nói sao. Lý luận phong phú tươi đẹp, còn thực tế thì khô cằn sỏi đá. Trước thực tế ảm đạm trước mắt, là một quan viên bậc trung, đặc biệt lại là loại quan chức không có chỗ dựa cũng chẳng có đầu óc, loại này chỉ có hai kết cục. Một là bị cái hiện thực ảm đạm và viên đạn bọc đường của tập đoàn lợi ích đồng hóa, trở thành một trong số chúng. Hai là đối đầu với tập đoàn lợi ích, cuối cùng rút lui một cách bi thảm, thậm chí là rơi vào vòng tù ngục, hoặc là bị dìm xuống nước sau đó lại quẳng vào tù. Tất nhiên, ngoại trừ hai kết cục ấy, vấn còn một trường hợp khác nữa, ấy là chẳng ao ước khát khao gì, tìm một chức quan nhàn rỗi, mỗi ngày một chén trà xanh, một tờ báo, uống trà đọc báo, thân tại quan trường tâm tại điền viên.

Mao Lực Cường cuối cùng đã chọn bị đồng hóa.

Những lời này của Liễu Kình Vũ đã khiến Mao Lực Cường miên man suy nghĩ, cuối cùng lại trở về thực tại. Y cười sầu não rồi nói:

- Chủ nhiệm Liễu, thực tế này thực rất ảm đạm, nhưng chúng ta không thể quá bi quan. Đây chỉ là một cơn đau trong thời kì chuyển mình của xã hội chúng ta mà thôi.

Liễu Kình Vũ mỉm cười, nhưng nụ cười ấy ẩn chứa nhiều phần đau xót.

- Một cơn đau? Thời kì chuyển mình? Đây chẳng qua là biện minh mà thôi. Cơn đau thực sự không thể là những điều mà bà con nhân dân nói ra trong bài vè kia được. Cơn đau ấy phải là cái mà sức người không thể chống đỡ được. Nhưng những thứ mà người dân nói đến kia, tất cả đều là do con người tạo ra, là họa con người gây nên. Cái gốc của nó chình là bởi ở thị xã Đông Giang chúng ta có những kẻ không làm tròn trách nhiệm. Đối với số lượng lớn quan tham ô đang tồn tại ở thị xã Đông Giang của chúng ta, một bộ phận trong số họ, người ở Đông Giang nhưng lúc nào cũng sẵn sàng bỏ trốn. Hơn nữa, lúc nào và ở đâu, họ cũng có thể dốc toàn lực để tranh giành lợi lộc.

Vì thế, những “cơn đau” mà đồng chí vừa nói, Đông Giang chúng ta có thể sẽ thay đổi nó, điều này là chắc chắn. Nghiêm túc loại trừ quan tham, cần phải để cho những tên quan chức thoái hóa biến chất ấy mất đất sinh tồn. Phải khiến cho bọn chúng mất đi cơ hội lợi dụng quyền lực để trục lợi. Để làm được việc ấy, bước quan trọng đầu tiên chính là mọi viên chức lớn nhỏ của thị xã Đông Giang chúng ta đều phải tuân thủ chỉ thị của tỉnh và của nhà nước, theo yêu cầu trong văn kiện của Họi nghị thường vụ Thị ủy chúng ta. Cán bộ các cấp đều phải chủ động tiến hành khai báo tình hình gia đình, để cho tổ chức được rõ mỗi cán bộ có phải một quan tham hay không.

Nói đến đây, Liễu Kình Vũ lạnh lùng nhìn Mao Lực Cường nói:

- Đồng chí Mao Lực Cường, giờ anh nghĩ sao?

Mao Lực Cường nghe Liễu Kình Vũ nói xong, bất chợt trầm ngâm. Y như thấy lương tâm trong mình đang bị chính nghĩa quất mạnh từng roi, rắn rỏi và đau đớn. Trong đầu y lóe lên hình ảnh đầy nhiệt huyết và lý tưởng của chính y ngày mới vào Ủy ban kỷ luật.

Cuối cùng, Mao Lực Cường ngẩng đầu nói:

- Chủ nhiệm Liễu, tôi đã sai rồi. Tôi ủng hộ quan điểm của đồng chí Trịnh Bác Phương và đồng chí Diêu Kiếm Phong. Phải để những quan tham không làm theo quy định, không tiến hành báo cáo phải trả giá. Phải gìn giữ sự tôn nghiêm của Thị ủy, Ủy ban kỷ luật chúng ta. Phải kiên quyết quán triệt thi hành tinh thần chỉ thị văn kiện của nhà nước.

Mao Lực Cường nói xong, Nghiêm Vệ Đông trợn tròn mắt. Y hoàn toàn không ngờ Liễu Kình Vũ mới qua lại vài lời đã có thể thuyết phục được Mao Lực Cường.

Tiếp đó, Diệp Kiến Quần và một số ủy viên thường vụ khác bảy tỏ ý kiến, tất cả đều nhất trí sẽ thông báo với toàn Tỉnh những quan chức không thực hiện yêu cầu. Lần này, trước tình hình toàn Ủy ban kỷ luật đều chung một ý kiến, Nghiêm Vệ Đông lúc ấy tự nhiên cũng không dám đưa ra thêm ý kiến gì. Cuối cùng y chỉ có thể bỏ phiếu thông qua.

Liễu Kình Vũ ngay lập tức tự mình mang những văn kiện quan trọng về kết quả hội nghị ủy ban kỷ luật cũng như quyết định xử lý cuối cùng lên báo cáo cùng Bí thư thị ủy Tôn Ngọc Long.

Tôn Ngọc Long xem xong những văn kiện Liễu Kình Vũ mang đến, sắc mặt bỗng tối sầm lại. Y không ngờ Liễu Kình Vũ lại có hành động dò xét như thế. Y vừa mới xuất chiêu nhắm vào Liễu Kình Vũ, Liễu Kình Vũ lại có thể phản kháng nhanh như thế. Hơn nữa, xem ra hắn còn muốn mang chuyện này làm lớn tới tận thành phố. Điều này y thực khó lòng dung thứ được.

Xem xong tất cả những văn kiện, Tôn Ngọc Long nhìn thẳng Liễu Kình Vũ, lạnh lùng nói:

- Đồng chí Liễu Kình Vũ, đồng chí không cảm thấy ủy ban kỷ luật thị xã Đông Giang các anh đưa ra quyết định xử lý này có phần qua loa đại khái sao? Không lẽ anh không nghĩ chỉ một ngày sau khi quyết định xử lý của ủy ban kỷ luật Đông Giang của các anh được thi hành, Thị ủy, UBND thị xã Đông Giang của chúng ta sẽ gặp nhiều áp lực thế nào sao? Nếu lãnh đạo cấp trên có hỏi, ai sẽ đứng ra gánh trách nhiệm này? Chẳng lẽ anh không biết đồng chí Lý Vạn Quân Bí thư thành ủy luôn nhấn mạnh thành phố Liêu Nguyên chúng ta phải lấy ổn định hài hòa làm gốc, không nên gây ra nhiều chuyện phiền hà hay sao?

Một loạt chất vấn đã thể hiện lửa giận ngùn ngụt trong lòng Tôn Ngọc Long.

Liễu Kình Vũ bình tĩnh trả lời:

- Bí thư Tôn, tôi lại không cho rằng quyết định của Ủy ban kỷ luật có gì quá, tuyệt đối không phải qua loa mà là quyết định hợp lý nhất được rút ra từ tinh thần đoàn thể của toàn ủy ban kỷ luật. Tôi muốn hỏi đồng chí, nếu ủy ban kỷ luật không đưa ra những hành động nghiêm khắc như thế, vậy đồng chí cho rằng ủy ban chúng tôi nên làm gì? Phải chăng nên ngừng phê bình công kích? Nếu chúng tôi dừng lại, phải chăng cũng có nghĩa Thị ủy và UBND thị xã, Ủy ban kỷ luật chúng ta chẳng đủ năng lực để đưa ra quyết sách gì. Phải chăng có nghĩa rằng chúng ta vì cái lý “pháp luật cũng không thắng được đám đông” mà thực sự không dám trừng phạt?

Liễu Kình Vũ cũng chất vấn Tôn Ngọc Long một hồi, trong ánh mắt lóe lên sự kiên định.

Tôn Ngọc Long càng tỏ ra giận dữ:

- Đồng chí Liễu Kình Vũ, đúng, những điều anh nói đều đúng. Tôn nghiêm của Thị ủy và UBND thị xã chúng ta cần phải được giữ gìn. Nhưng chắc chắn không phải dùng phương thức vạch áo cho người xem lưng. Làm vậy chỉ càng làm tổn hại nghiêm trọng hơn nữa hình tượng của thị xã Đông Giang mà thôi. Hơn nữa tôi cũng phải nhắc nhở đồng chí, thị xã Đông Giang chúng ta chỉ là thị xã nhỏ, trên còn có lãnh đạo. Về phía thành phố Liêu Nguyên dù sao cũng hết sức quan tâm cục diện thị xã Đông Giang chúng ta.

Bí thư thành ủy Lý Vạn Quân nhiều lần gọi điện thoại cho tôi, yêu cầu thị xã Đông Giang chúng ta phải ổn định một chút. Văn kiện xử lý này dù có được thị xã Đông Giang thông qua thì cũng cần có Ủy ban thành phố Liêu Nguyên thông qua mới được. Nếu không, một khi chuyện này khiến lãnh đạo thành ủy Liêu Nguyên không hài lòng, anh và tôi đều gánh vác không nổi đâu.

Những lời này của Tôn Ngọc Long thực cũng có sức nặng, hơn nữa còn đem quyền quyết định trực tiếp chuyển giao cho Ủy ban thành ủy Liêu Nguyên. Điều này có nghĩa là tước mất luôn quyền phát ngôn của Liễu Kình Vũ. Sau khi nói xong những lời ấy, trong lòng Tôn Ngọc Long thầm đắc ý: “Liễu Kình Vũ ơi Liễu Kình Vũ, mày dám đấu với bố đây, còn kém lắm. Bố mày không tin mấy câu này của bố không làm mày tức chết.”

Nhưng điều khiến Tôn Ngọc Long không ngờ đến là, sau khi nghe xong mấy lời ấy, Liễu Kình Vũ chẳng để lộ ra chút tức giận hay bất mãn nào. Hắn chỉ lắc đầu và nói:

- Bí thư Tôn, ông nhầm rồi, nhầm to rồi. Chúng ta đúng là thị xã cấp huyện, chúng ta đúng là địa phận cấp dưới của thành phố Liêu Nguyên, có nhiều chuyện chúng ta phải hồi báo và xin chỉ thị của thành phố Liêu Nguyên. Nhưng dù sao chúng ta cũng là một cơ quan có quyền lực. Có rất nhiều chuyện chúng ta hoàn toàn có thể tự quyết định, không cần thiết phải hồi báo xin chỉ thị. Cũng như chuyện trước mắt đây, phải xử lý những cán bộ ấy như thế nào là chuyện nằm trong phạm vi quyền lực của chúng ta, căn bản không cần thiết phải hồi báo xin chỉ thị. Chúng ta hoàn toàn không cần phải nhờ cấp trên quyết định thay mình.

Liễu Kình Vũ nói xong, Tôn Ngọc Long thực muốn tức điên. Y đập bàn giận dữ:

- Liễu Kình Vũ, tôi nhịn anh lắm rồi. Anh tốt nhất đừng có vuốt mặt không nể mũi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.