Tam Tấc Ánh Nắng

Chương 10: Dụ dỗ (3)




Không ngờ Bát Xích nhỏ người mà gan lớn, tính tình hết sức quật cường:

- Lão có muốn giết cứ giết, đừng dọa người nữa! Dù sao người Đế quốc Kinh Hồng các ngươi cũng sắp sửa xong đời, lão giết ta rồi, Thiển Thủy Thanh sẽ giết sạch người Đế quốc Kinh Hồng các ngươi để báo thù cho ta.

Lão nhân giận dữ trừng mắt nhìn Bát Xích:

- Chỉ bằng vào Thiển Thủy Thanh cũng dám khoa trương sẽ diệt Đế quốc Kinh Hồng ta sao? Chẳng qua hắn chỉ là thân cá chậu chim lồng, bó tay chờ chết mà thôi!

Bát Xích ngửa mặt lên trời cười ha hả:

- Đúng vậy, đúng vậy, chẳng qua cá chậu chim lồng kia xem ra khó đối phó vô cùng! Ta hỏi lão, Khương Trác, Lâu Thiên Đức vì sao mà chết? Lương Trung Lưu vì sao mà chết? Tô Nam Vũ không phải được xưng là Kinh Hồng Tứ Kiệt hay sao? Các Tướng quân có thể đánh được của Đế quốc Kinh Hồng ngươi đã chết bao nhiêu đó, con thú bị vây Thiển Thủy Thanh vẫn còn chưa chết, quả thật hết sức buồn cười, ha ha!

- Ngươi...

Lão nhân tức giận đến nỗi muốn giết người, tuy nhiên lão vẫn cố dằn cơn tức giận:

- Cho dù hắn có thể thắng vài trận, nhưng cũng không có cách nào thay đổi vận mệnh của mình. Đại cục như vậy, cho dù Thiển Thủy Thanh hắn có thủ đoạn nghiêng trời lệch đất cũng khó lòng cải mệnh. Đạo chiến tranh ngươi không hiểu, ta không muốn hao hơi tổn tiếng với thằng nhãi con như ngươi làm gì!

- Nhưng Thiển Thủy Thanh lại nói với ta rằng đạo chiến tranh vô cùng đơn giản, chỉ cần người còn sống, vậy chưa thể gọi là thua!

- Thối lắm, thối lắm!

Lão nhân kêu to:

- Đại thế đã như vậy, ý trời đã như vậy, không ai có khả năng chống lại! Thiển Thủy Thanh nghịch thiên hành sự, chỉ có con đường chết mà thôi!

- Đúng là một lão già chỉ biết tự cho mình là đúng!

Bát Xích bĩu môi thật dài.

- Dám nói lão phu tự cho mình là đúng?

Lão nhân bị Bát Xích chọc cho tức giận đùng đùng:

- Năm mà lão phu cầm quân, Thiển Thủy Thanh hắn bất quá còn là một thằng nhỏ miệng còn hôi sữa. Nếu Quốc chủ chịu để cho lão phu cầm quân, lão phu...

Lão còn chưa dứt lời, Bát Xích đã cắt ngang:

- Đáng tiếc rằng Quốc chủ không cho lão cầm quân, có đúng không? Phàm Đại tướng trong quân, một khi tuổi tác đã cao, ai cũng cáo lão hồi hương, an dưỡng tuổi già, vui thú điền viên. Nhưng nếu lão đã từng là Đại tướng của quốc gia, như vậy vì sao tới từng này tuổi rồi mà còn phải chạy tới đây nuôi bồ câu? Chắc tám phần là do cầm quân kém cỏi bất tài, nếm mùi thất bại khiến cho Quốc chủ tức giận, cuối cùng bị đày tới đây chứ gì? Tướng bại trận còn dám mạnh miệng hay sao? Lão nên bắt chước Thế Quân Dương, học theo hắn, sau khi lập được đại công hãy ra mặt có phải tốt hơn không?

- Ngươi... Bạn đang đọc chuyện tại

Lão nhân hộc ra một búng máu, lão nhìn Bát Xích chằm chằm, đột nhiên trong lòng cảm thấy vô cùng nản chí, thở dài nói:

- Giỏi cho tiểu tử, quả nhiên rất có tài, không hổ là đồ đệ của Thiển Thủy Thanh. Trọng Thúc Dạ ta năm đó bại dưới tay của Cách Long Đặc, tống táng hàng chục vạn tướng sĩ, từ đó về sau bị Quốc chủ bỏ mặc không ngó ngàng tới nữa, đày tới nơi đây, gần như không còn cơ hội thấy lại ánh mặt trời. Hiện tại ta đã là một lão già gần đất xa trời, không còn khả năng hồi phục chí khí hào hùng ngày trước, chỉ có thể ra oai trước mặt một tên gian tế Đế quốc Thiên Phong nho nhỏ, quả thật vô cùng mất mặt. Ngươi nói rất đúng, tướng bại trận không dám mạnh miệng, thời kỳ hiện tại không còn là của Trọng Thúc Dạ ta, ta đã già rồi, đánh không lại Cách Long Đặc, cũng chưa chắc đã có thể thắng được Thiển Thủy Thanh, cho nên vẫn phải ở đây nuôi bồ câu mãi mãi...

Dứt lời, lão xoay người bỏ ra ngoài.

Nghe thấy cái tên Trọng Thúc Dạ, Bát Xích không khỏi giật mình chấn động.

Hai mươi năm trước, cái tên Trọng Thúc Dạ này có thể nói là uy chấn đại lục Quan Lan, lúc ấy Liệt Cuồng Diễm vẫn còn chưa trở thành Tổng Suất của Quân đoàn Bạo Phong. Mà Đông Chiến thần của đại lục Quan Lan lúc ấy chính là vị Trọng Thúc Dạ nay đã già này. Năm ấy, Trọng Thúc Dạ đã hơn năm mươi tuổi, là Tổng Thống lĩnh binh mã của cả Đế quốc Kinh Hồng.

Khi đó Tây Chiến thần cũng không phải là Cách Long Đặc. Trên thực tế, lúc ấy Cách Long Đặc chỉ mới hơn ba mươi, tiếp nhận chức Đại Nguyên soái thống lĩnh binh mã của Đại Đế quốc Tây Xi.

Trọng Thúc Dạ chinh chiến cả đời, lập công vô số, sau khi Cách Long Đặc trở thành Đại Nguyên soái của Đại Đế quốc Tây Xi, Trọng Thúc Dạ cho rằng lực uy hiếp của Đại Đế quốc Tây Xi đối với đại lục còn hơn xa Đế quốc Thiên Phong. Mà hiện tại Đế quốc Tây Xi vừa mới đổi Đại Nguyên soái, cục diện quân sự bất ổn, bởi vậy lão mới xin Quốc chủ cho phép liên kết với các nước như Phong quốc, Lê quốc, Khâu quốc chủ động tấn công Đại Đế quốc Tây Xi.

Kết quả chính là đề nghị của Trọng Thúc Dạ đã được thông qua. Vào năm Tám Mươi Chín, Đế quốc Kinh Hồng liên kết với các quốc gia chung quanh, phát động tổng cộng trăm vạn hùng binh, đánh vào Đại thảo nguyên Tây Phong. Cách Long Đặc dẫn dắt sáu mươi vạn kỵ binh du mục quyết chiến với liên quân của Trọng Thúc Dạ, đại chiến kéo dài trong nửa năm, Cách Long Đặc yếu thế phải lui lại từng bước về phía sau, khiến cho tuyến tiếp tế lương thảo của địch ngày càng kéo dài ra. Sau đó Cách Long Đặc không ngừng phái ra khinh kỵ binh quấy nhiễu tuyến tiếp viện lương thực của địch, tới giờ phút sau cùng, tập hợp tất cả binh mã đại chiến một trận.

Trận tập kích có thời gian tiềm phục kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh chính là do cháu của Cách Long Đặc, Sấm Châu Vượng cầm quân đánh. Sau trận tập kích ấy, quân cánh trái của Trọng Thúc Dạ bị đả kích nghiêm trọng, Cách Long Đặc lại đích thân suất lĩnh hai mươi vạn khinh kỵ binh đánh vào phía sau cánh trái, khiến cho Trọng Thúc Dạ đại bại.

Trọng Thúc Dạ đại bại trận chiến ấy, uy danh tiêu tan hoàn toàn, Cách Long Đặc đạt được toàn thắng, chỉ một trận đã thành danh. Rốt cục liên quân bốn nước không thể đánh bại Đế quốc thảo nguyên này, ngược lại phe mình bị hao binh tổn tướng hết sức nặng nề. Trọng Thúc Dạ vì lần đại bại ấy không còn ngóc đầu lên được nữa, Quốc chủ đối với chuyện này vô cùng tức giận, lập tức biếm lão thành thứ dân. Sau đó Trọng Thúc Dạ lưu lạc gian truân, cuối cùng kết thúc cuộc sống chuyên nuôi bồ câu đưa tin tại Thập Toàn tập.

Một vị Chiến thần của Đế quốc đã ngã, một vị Chiến thấn khác của thảo nguyên lại ngoi lên. Song song với chuyện đó, Liệt Cuồng Diễm của Đế quốc Thiên Phong trong trận chiến đầu đời của mình đã hiển lộ bản lãnh, cùng với Quân đoàn Tuyết Phong và Quân đoàn Trung Ương trên bờ sông Ác Lãng liên tục đẩy lui nhiều lần công kích của người Đế quốc Mạch Gia, lập nên uy danh vô thượng, cuối cùng trở thành người đầu tiên trong biên chế của Quân đoàn Bạo Phong tiếp nhận danh hiệu Đông Chiến thần của đại lục.

Mà giờ đây Trọng Thúc Dạ đã già, Liệt Cuồng Diễm đã chết, Thiển Thủy Thanh lại đang bị vây khốn ở Đế quốc Kinh Hồng. Có người dám buông lời nói rằng, trận chiến này đánh tới hiện tại, bất kể Thiển Thủy Thanh tổn thất tới mức nào, chỉ cần hắn có thể sống sót chạy ra khỏi Đế quốc Kinh Hồng, như vậy hắn chính là tân Đông Chiến thần của đại lục Quan Lan. Về điểm này, rất nhiều người tán thành với hắn.

Đối mặt với một vì sao tương lai rực rỡ như vậy, Trọng Thúc Dạ rốt cục chỉ có thể ngồi nhớ lại quá khứ huy hoàng mà thôi, còn có mặt mũi nào chửi mắng, khinh thường Thiển Thủy Thanh?

Thật ra Trọng Thúc Dạ là một danh tướng vô cùng xuất sắc, Cô Chính Phàm hiện tại đang trấn thủ tại Hàn Phong quan, năm xưa từng đi theo lão học tập lý thuyết tác chiến binh pháp. Bọn Thế Quân Dương, Khương Trác, thậm chí Lương Trung Lưu cũng vô cùng kính nể lão ta. Cũng vì như vậy, cho dù hiện giờ lão chỉ còn là một lão già bình thường trông coi bồ câu đưa tin, Thế Quân Dương vẫn không dám có chút gì vô lễ. Chỉ là tính cách của lão quá thẳng thắn, không biết cách khéo léo giao thiệp với mọi người. Năm đó sau trận đại bại trên thảo nguyên, không ngờ lão dám đứng ra gánh vác tất cả tội trạng về mình. Thái độ nhận trách nhiệm về mình như vậy cố nhiên là tốt, là hành vi chứng tỏ con người dám làm dám chịu, có trách nhiệm. Nhưng đối với quan trường mà nói, nếu không biết cách trốn tránh trách nhiệm, ắt con đường làm quan không thể bền lâu.

Bởi vậy năm ấy Quốc chủ Đế quốc Kinh Hồng không chút khách khí lập tức bãi miễn chức vụ của lão, đổi lại trọng dụng Cô Chính Phàm, một đời Chiến thần cứ như vậy dần dần biến mất trong trí nhớ mọi người.

Hôm nay Bát Xích trong lúc vô tình nói vài câu khơi lại chuyện thương tâm của Trọng Thúc Dạ. Trận đại chiến trên thảo nguyên năm xưa, cảnh tượng ngàn vạn kỵ binh du mục gào thét xung phong trên Đại thảo nguyên Tây Phong lại hiện rõ mồn một trong đầu lão. Chuyện đã lâu nhưng giờ hiện rõ rành rành trước mắt, tất cả nghĩ lại thấy còn kinh. Rốt cục lão không thể đối mặt với những lời chất vấn của đứa nhỏ này, chỉ còn nước bỏ ra ngoài trốn tránh.

Những chuyện liên quan tới Trọng Thúc Dạ là do năm xưa Liệt Cuồng Diễm kể lại cho Thiển Thủy Thanh nghe, Thiển Thủy Thanh kể lại cho Cơ Nhược Tử, sau đó Cơ Nhược Tử mới kể lại cho Bát Xích. Liệt Cuồng Diễm kể ra câu chuyện này đơn giản là vì muốn Thiển Thủy Thanh hiểu rằng, anh hùng trong thiên hạ vốn hay lên voi xuống chó, khó mà giữ được danh hiệu thường thắng của mình. Kẻ làm tướng duy chỉ có tận tâm tận lực, ắt cuộc đời này không thẹn với lòng mình, còn như điên cuồng hiếu chiến, coi thường quần hùng thiên hạ, vậy khó tránh khỏi kết cục như Trọng Thúc Dạ kia, chỉ sau một lần thảm bại, trọn đời này không thể nào ngóc đầu lên được nữa.

Thiển Thủy Thanh kể lại câu chuyện này cho Cơ Nhược Tử là muốn nói rằng: Mặc dù Trọng Thúc Dạ thất bại, nhưng đúng ra không bị suy sụp mãi mãi như vậy. Chỉ vì lão chỉ giỏi đánh giặc mà không giỏi làm quan, cho nên cuối cùng không có được kết quả tốt. Kẻ làm tướng nếu không thông chính trị, lập công càng lớn thì chết càng nhanh, cho nên anh hùng trong thiên hạ không thể nào chỉ biết chiến sự mà không biết cách tranh đấu trong chốn quan trường.

Cơ Nhược Tử kể cho Bát Xích nghe là muốn nó hiểu rằng: Anh hùng thiên hạ xuất thiếu niên, có chí không đợi tuổi cao. Cách Long Đặc có thể thống lĩnh binh mã của cả Đại Đế quốc Tây Xi khi ba mươi tuổi, lại còn đánh bại Trọng Thúc Dạ. Như vậy tương lai Bát Xích chưa chắc đã không thể đạt được thành tựu lớn hơn nữa khi tuổi nó nhỏ hơn Cách Long Đặc.

Mục đích của ba người kể lại chuyện này đều không giống nhau, đều đánh giá ưu khuyết điểm cả đời của Trọng Thúc Dạ, cách nhìn của mỗi người cũng không giống nhau. Nhưng rốt cục ba người bọn họ cũng chưa ai gặp được Trọng Thúc Dạ, lại không ngờ trong giờ phút này, Bát Xích gặp được lão ta.

Lúc này thấy bóng dáng lão nhân đã biến mất bên ngoài, trong lòng Bát Xích vẫn còn cảm thấy sững sờ. Nó không ngờ rằng vị Chiến thần uy danh hiển hách ngày xưa giờ đây đã thất vọng tới mức nuôi bồ câu đưa thư ở một nơi như vầy. Nó càng không nghĩ mình chỉ thuận miệng nói một câu đã khơi lên câu chuyện thương tâm ngày trước của lão, trong lúc nhất thời cũng cảm thấy hơi sợ sệt.

Ngoài phòng vọng tới giọng của lão nhân:

- Hãy làm việc chăm chỉ, lão nhân gia ta tuổi cao sức yếu, làm không nổi, phải nghỉ ngơi một lúc. Ngươi đừng nghĩ tới chuyện chạy trốn, ta không phải là Thế Quân Dương, nếu ngươi có chút nào dám lơ là biếng nhác, coi chừng ta giết ngươi tại chỗ!

Trong lòng Bát Xích lại có chút cảm giác đồng tình với lão, nên những lời đe dọa của lão, nó không hề để trong lòng. Lúc này nó bực bội nhổ toẹt một bãi nước bọt, sau đó mới bất đắc dĩ tiếp tục công việc lau chùi chuồng bồ câu, rửa sạch phân chim.

Chuyện rửa sạch phân chim thật sự là một chuyện vừa tốn thời gian vừa tốn sức. Cả gian nhà bị mùi phân chim hôi thối xông lên, Bát Xích không thể không vừa một tay làm việc, tay còn lại đưa lên bịt mũi, vừa nguyền rủa lũ bồ câu đưa tin này. Nó không dám giết bồ câu, chỉ nảy sinh cảm giác chán ghét chỉ vào một con bồ câu mà nói:

- Ta muốn đem kho ngươi!

Sau đó lại chỉ vào một con khác:

- Ta muốn hầm ngươi!

Nó lại quay đầu chỉ vào một loạt chuồng bồ câu kêu to:

- Ta muốn lột da đem nướng toàn bộ, ta muốn ăn thịt bồ câu!

Hàng ngàn con bồ câu đưa tin đồng thời phát ra tiếng kêu bất mãn.

Nói thì nói vậy, rốt cục chỉ để tự an ủi mình mà thôi. Bát Xích nhìn qua hơn một ngàn con bồ câu đưa tin, rốt cục chỉ có thể thở dài, tháo từng lồng xuống tẩy rửa sạch sẽ, sau đó trả về chỗ cũ.

Trên tất cả các lồng chim đều có treo thẻ bài bằng gỗ, trên đó ghi rõ nơi ở của bồ câu đưa tin. Trong đó, bồ câu đến từ thành Bá Nghiệp là nhiều nhất, có chừng tám lồng sắt như vậy, có khoảng trên dưới năm mươi con. Những thành lớn khác như thành Hỏa Vân, thành Tây Hải, số lượng bồ câu đưa tin ít hơn, có chừng bốn mươi con. Bát Xích biết rằng những con bồ câu đưa tin đến từ các nơi khác nhau này, rốt cục sẽ được đưa tới tất cả các nơi trên khắp Đế quốc Kinh Hồng, để cho phép những nơi ấy đến khi cần, có thể chuyển tin tức mang về nơi ở của chúng.

Trong lúc này, Bát Xích quan sát một lượt tất cả số bồ câu đưa tin trắng như tuyết hoàn toàn giống nhau này, đột nhiên trong đầu nó lóe lên một tia chớp.

Một ý nghĩ lớn mật xuất hiện trong đầu nó, khiến cho nó cảm thấy tâm trạng trở nên hưng phấn vô cùng. Dù sau nó cũng là một thiếu niên tuổi nhỏ gan lớn, ngay sau đó đã quyết định làm một chuyện mà như Thiển Thủy Thanh vốn vô cùng giảo hoạt cũng phải cảm thấy run rẩy.

Sau đó, nó bắt đầu đổi chỗ những tấm thẻ bài bằng gỗ của các lồng bồ câu với nhau. Bồ câu đưa tin của thành Bá Nghiệp bị nó đổi thành thành Hỏa Vân, hoặc là thành nào khác, mà thẻ bài của những lồng bồ câu ấy lại bị nó đổi sang nơi khác nữa. Tất cả thẻ bài ghi nguyên quán của số bồ câu đưa tin này hoàn toàn bị Bát Xích đổi loạn xạ cả lên, chắc chắn không còn ai, kể cả Trọng Thúc Dạ, có thể phân biệt được rõ ràng con bồ câu nào là từ đâu tới. Lúc này Bát Xích chỉ nghĩ đơn giản là nó muốn đùa giỡn một chút mà thôi, nhưng nó có nằm mơ cũng không ngờ, hành vi mà nó nghĩ là đùa giỡn này, trong tương lai đã mang lại phiền phức vô cùng lớn cho người Đế quốc Kinh Hồng.

Hành vi tuy nhỏ, nhưng liên quan tới chuyện lớn!

Hệ thống truyền tin mà người Đế quốc Kinh Hồng khổ công xây dựng đã nhiều năm, lần này vì một đứa nhỏ mười ba tuổi mà bị phá hư hỏng nặng nề nhất từ trước tới nay.

O0o

Hai trận đại chiến ở Ma Vân phong và bến Thu Thủy, trước sau tiêu diệt sáu vạn quân biên giới chủ lực của Đế quốc Kinh Hồng, lại khiến cho thanh danh của Thiết Huyết Trấn một lần nữa truyền khắp đại lục.

Từ khi Thiết Huyết Trấn bị vây khốn ở Đế quốc Kinh Hồng tới giờ, thấm thoát đã trôi qua bảy lần trăng tròn trăng khuyết.

Trong bảy tháng này, người Đế quốc Kinh Hồng trước sau đã phát động ba lần bao vây tiêu diệt với quy mô lớn, nhưng lại không thu hoạch được gì. Thủ đoạn giả dối hung tàn, không từ bất cứ chuyện gì mà không làm của Thiển Thủy Thanh, cùng với ý chí chiến đấu kiên cường, coi chết như về của các tướng sĩ Thiết Huyết Trấn đã làm cho tất cả mọi người cảm thấy sợ hãi, run rẩy trong bảy tháng qua.

Đế quốc Thiên Phong vốn cảm thấy rất lo lắng cho vận mệnh của Thiết Huyết Trấn, rốt cục một lần nữa ý thức được giá trị của Thiết Huyết Trấn. Cho dù là trong hoàn cảnh khó khăn gian nan nhất, bọn họ cũng chưa từng buông bỏ danh dự và tinh thần trách nhiệm của quân nhân. Dưới tình huống như vậy, những lời kêu gọi tấn công toàn diện Đế quốc Kinh Hồng, đánh chiếm Hàn Phong quan cứu Thiết Huyết Trấn bên trong Đế quốc Thiên Phong vang lên càng ngày càng nhiều.

Tầm nhìn của Cơ Nhược Tử cũng hết sức chính xác, nàng đã tiên đoán không sai, Thiển Thủy Thanh ung dung bên trong Đế quốc Kinh Hồng càng lâu, tâm tư muốn giải cứu hắn của Đế quốc càng mạnh. Một mặt Đế quốc không muốn bỏ mặc một tướng tài ngút trời, mặt khác sau những lần bao vây tiêu diệt với quy mô lớn, nguyên khí của người Đế quốc Kinh Hồng quả thật cũng đã tổn thương không nhỏ.

Ngày Hai Mươi Tám tháng Tư, rốt cục Thương Dã Vọng cũng hạ lệnh cho Thái tử Thương Lan chạy tới thành Yến Châu, chính thức trở thành Tổng Suất của Quân đoàn Bạo Phong. Biên chế ba Quân của Quân đoàn Bạo Phong vẫn không thay đổi, nhưng chức Phó Suất vẫn còn để trống. Cùng Thương Lan tới Quân đoàn Bạo Phong còn có năm ngàn Ngự Lâm quân tới từ thành Thương Thiên mà Thương Dã Vọng đặc biệt trang bị cho hắn. Hành động này của Thương Dã Vọng hơi khác thường một chút, không biết vì sao ông ta không điều động đội cận vệ cho Thái tử lấy từ trong quân của Quân đoàn Bạo Phong. Cùng lúc đó Quân đoàn Trung Ương do Quý Cuồng Long dẫn dắt đã từ Chỉ Thủy trở về lãnh thổ Đế quốc Thiên Phong, đóng quân ở khoảng giữa thành Yến Châu và thành Thương Thiên. Vân Lam suất lĩnh Quân đoàn Ưng Dương, sau một năm xây dựng, quy mô cũng đã có chút thành tựu, cũng đã bắt đầu di chuyển về phía thành Yến Châu. Nếu như bọn Vũ Tàn Dương, Kiếp Ngạo dám sinh tâm phản loạn, sẽ bị Quân đoàn Ưng Dương và Quân đoàn Trung Ương giáp công hai mặt ngay lập tức. Nhưng đồng thời, Thương Dã Vọng lại đặc biệt hạ lệnh ngợi khen, khen rằng trong lúc Liệt Cuồng Diễm chết đi, Quân đoàn Bạo Phong như rắn mất đầu, bọn Vũ Tàn Dương, Kiếp Ngạo và Kế Hiển Tông giữ tròn bổn phận, trung thành với cương vị công tác, làm cho Đế quốc đỡ phải lo lắng. Cho nên Thương Dã Vọng đặc biệt gia phong tước vị, ban thưởng phủ trạch, thưởng bảng hiệu Trung Dũng cho bọn chúng.

Sau khi khen thưởng xong, Thương Dã Vọng chính thức hạ lệnh yêu cầu Quân đoàn Bạo Phong làm tốt công tác chuẩn bị tấn công Hàn Phong quan. Đồng thời bắt đầu gom góp lương thảo vật tư, khí giới công thành từ các nơi, để bổ sung lực lượng và quân nhu lần cuối cho Quân đoàn Bạo Phong.

Một mặt tiếp tục sử dụng bọn Vũ Tàn Dương, không quan tâm tới cái chết của Hồng Bắc Minh, nhưng mặt khác, Thương Dã Vọng lại chuẩn bị tấn công Hàn Phong quan với quy mô lớn, trợ giúp cho Thiết Huyết Trấn. Hành động của vị Hoàng đế này vô cùng quái dị, làm cho người ta cảm thấy nghi hoặc không thôi.

Cơ Nhược Tử là đặc sứ ngoại giao, đã tạo nên áp lực rất mạnh ở vùng biên giới giữa Đế quốc Kinh Hồng và Lê quốc. Dưới tình hình như vậy, nếu người Đế quốc Thiên Phong không chịu chủ động ra tay, như vậy cũng không còn gì để nói.

Ngày Ba tháng Năm, Cơ Nhược Tử hoàn thành sứ mạng đi sứ ngoại giao của mình ở Lê quốc, nàng lại vòng sang Phong quốc, tiếp tục chuyến du thuyết các quốc gia chung quanh Đế quốc Kinh Hồng.

Mà ở Đế quốc Kinh Hồng, thất bại của ba lần bao vây tiêu diệt đã mang tới hậu quả là lực lượng trị an ở các địa phương, lực lượng phòng thủ ở các vùng biên giới cùng với vật tư tài chính tiêu hao khá nhiều. Lúc này người Đế quốc Kinh Hồng tạm thời chưa đủ lực để phát động lần bao vây tiêu diệt thứ tư, rốt cục không thể nào không lo lắng rằng, chuyện Thiết Huyết Trấn bị vây khốn bên trong lãnh thổ Đế quốc Kinh Hồng, rốt cục là tai họa cho Thiết Huyết Trấn, nhưng không biết có phải cũng là tai nạn của người Đế quốc Kinh Hồng hay không? Trong hội triều ngày hôm ấy, thậm chí có đại thần đưa ra đề nghị: Đàm phán với Thiển Thủy Thanh, giải hòa toàn diện với Thiết Huyết Trấn.

Đề nghị này bị bác bỏ ngay lập tức, Thừa tướng Đế quốc Kinh Hồng Ích Tử Khiêm giận dữ tuyên bố:

- Lực lượng cả một quốc gia như Đế quốc Kinh Hồng, nếu ngay cả một Thiết Huyết Trấn cỏn con mà còn không đối phó được, rốt cục còn muốn đàm phán với bọn chúng, thả chúng về nước, vậy sau này làm sau đối mặt với cả Đế quốc Thiên Phong? Thả Thiển Thủy Thanh về nước không phải là thả cọp về rừng hay sao?

Lúc này tư tưởng giận dữ kiên quyết của Thừa tướng Ích Tử Khiêm vẫn chiếm cứ địa vị chủ đạo trong triều. Nhưng bọn họ không ngờ rằng, không bao lâu nữa, bọn họ phải cầu xin Thiển Thủy Thanh trở về nước...

Mà đến lúc ấy, ngược lại Thiển Thủy Thanh không muốn trở về!

Tuy nhiên thế cục trước mắt vẫn là người Đế quốc Kinh Hồng đang chiếm thế chủ động về chiến lược. Mặc dù Thiển Thủy Thanh đã đánh thắng nhiều trận, nhưng trạng thái bất lợi về mặt chiến lược của Thiết Huyết Trấn cho tới bây giờ cũng chưa có gì thay đổi. Không, phải nói rằng khúc nhạc phong ba gồm ba đoạn của Thiển Thủy Thanh soạn cho người Đế quốc Kinh Hồng chỉ vừa mới kết thúc khúc dạo đầu, lúc này đang bắt đầu chuyển sang khúc thứ hai...

Trận chiến trong lãnh thổ Đế quốc Kinh Hồng, bởi vì hai cánh quân của Tô Nam Vũ và Thế Quân Dương bị tiêu diệt mà trở nên yên ắng.

Bất kể là người Đế quốc Kinh Hồng hay là Thiết Huyết Trấn vẫn rất cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục nguyên khí. Người Đế quốc Kinh Hồng lại phải tập kết binh mã, điều động vật tư một lần nữa. Tướng sĩ Thiết Huyết Trấn cần được nghỉ ngơi, dưỡng thương trị thương cho thật khỏe. Dưới tình hình như vậy, cả hai phe không hẹn mà cùng làm ra hành động hòa bình.

Vì thế chiến trường yên lặng hẳn đi, những tiếng ồn ào huyên náo chợt ngưng bặt, cả thế giới bất chợt trở nên yên tĩnh.

Nhưng cũng dưới tình hình như vậy, một ít tiếng động nhỏ vốn bị những tiếng ồn kia bao phủ, vì vậy mà đột nhiên trở nên rõ ràng sắc bén hẳn lên.

Những tiếng động này rung động không ngừng, lực chấn động của nó bất chợt tăng lên rất mạnh, rồi đột ngột đập vào màng nhĩ mọi người, bắt đầu giết người theo phương pháp riêng của nó. Nó như một cây kim rất nhỏ có đầu mũi nhọn cũng rất nhỏ, tuy rằng không có lực sát thương đến nỗi làm cho máu chảy đầm đìa như đao thương kiếm búa, nhưng nó cứ đâm liên tục như vậy, mang lại đau đớn vô cùng cho người Đế quốc Kinh Hồng.

Nó giống như một con muỗi, tuy rằng không làm cho người ta sợ hãi như loài hổ báo sài lang, nhưng nó không ngừng đốt, làm cho người ta hết sức bực mình, quấy phá làm cho người ta không thể nghỉ ngơi.

O0o

Ở thôn Dã Liễu.

Giữa quảng trường, một thanh niên trẻ tuổi mặc áo vải màu xám đang vung tay hô to:

- Các vị hương thân, quan phủ lại cho người xuống dưới thu thuế! Chỉ trong vòng nửa năm qua, bọn chúng đã tăng thêm ba lần nộp thuế! Nuôi gà phải nộp thuế, nuôi trâu phải nộp thuế, nuôi tằm cũng phải nộp thuế! Gà đẻ phải nộp thuế, ấp trứng nở cũng phải nộp thuế, nuôi được một con gà bán đi, tiền thu được còn chưa đủ nộp phân nửa thuế! Nếu còn tiếp tục như vậy, chúng ta làm sao sống nổi? Quan phủ kém cỏi bất tài, từ khi Thiết Huyết Trấn bị vây khốn ở Đế quốc Kinh Hồng cho tới nay, đã chịu thất bại liên tục mấy trận. Các Tướng quân chỉ biết ngồi không hưởng lạc, quan lại thối nát vô cùng, bọn chúng đánh không lại người Đế quốc Thiên Phong bèn chuyển hướng sang áp bức chúng ta! Thiển Thủy Thanh là người nước khác, nhưng mỗi lần hắn qua đây đều cho chúng ta vàng bạc của cải, không lấy đi của chúng ta một mảy may nào. Nhưng đám quan lại thì sao, hàng ngày chỉ biết bóc lột chúng ta, không cho chúng ta thở! Mấy hôm trước, nhà của Ngưu đại gia không còn tiền nộp thuế, quan phủ liền cho người tới cướp đi con trâu duy nhất của lão nhân gia! Ông đã sáu mươi tuổi, đã muốn đi không vững, các người nói xem ông lấy gì để sống đây?

- Đúng vậy!

Lại có một thanh niên đứng ra hét lớn:

- Bọn quan lại chỉ biết ức hiếp chúng ta, bọn chúng cấu kết, bao che cho nhau, chúng ta phải làm chuyện gì đó mới được!

Có người vung cao nắm đấm thét to:

- Chúng ta đi tìm quan phủ nói chuyện phải trái đi thôi!

- Đúng, tìm quan phủ nói chuyện phải trái!

Vô số dân chúng phía dưới phấn khởi hô theo.

- Nếu bọn chúng không cho chúng ta nói chuyện phải trái thì sao?

- Vậy thì chúng ta phản con bà nó!

Một đám dân chúng dưới sự có tình khơi lên mâu thuẫn của người có lòng, người cầm cuốc, người cầm liềm, hùng hổ kéo nhau về phía nha môn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.