Ta Có Thể Phục Chế Thiên Phú

Chương 24




Dịch khước tâm tràng canh diện mục 

Hồi thiên thủ đoạn tối kham xung 

Lăng Dương miếu mạo kim hà tại 

Thỉnh dữ tiên sinh đính tửu bằng 

Huyện Tuyên Thành, tỉnh An Huy, có núi Lăng Dương. Trên đỉnh, có điện thờ thần linh, tên Thập Vương Ðiện. Ở hai bên hành lang đông tây, có hai hàng tượng gỗ, tạc hình các quan chức âm phủ, trạm trổ rất công phu, mặc quần áo thực, trông như người sống. Ở hành lang phía đông, có tượng phán quan râu dài, đứng nghiêm, mặt mũi hung dữ, sơn màu xanh lè, bộ râu thậm thượt, sơn màu đỏ chót. Những kẻ không kiêng kỵ thường gọi tượng này là Tông Sư Râu. Dân chúng trong vùng đồn rằng đêm nào người ta cũng nghe thấy có tiếng khảo đả ở hai bên hành lang và thuật lại nhiều chuyện rất rùng rợn. Vì thế, vào ban đêm, ít có người dám lên gần điện. 

Ở chân núi, có ngôi làng Lục Dương. Trong làng, có nho sinh, họ Chu, tên Nhĩ Ðán, tên chữ Tiểu Minh, thực thà chất phác, học hành chăm chỉ song trí nhớ kém, tiến bộ chậm chạp, văn chương xoàng xĩnh. Thế nhưng, Tiểu Minh lại nổi tiếng là người gan dạ. Tiểu Minh có vợ họ Phùng, tính rất hiền thục, song kém nhan sắc. 

Trong huyện, lại có thị ngự họ Ngô, đã hồi hưu, có cô con út rất đẹp, tên Giáng Tiên. Năm Giáng Tiên 13, thị ngự hứa gả cho nho sinh họ Trịnh, song sắp tới ngày cưới thì Trịnh sinh bị bệnh mà thác. Ba năm sau, thị ngự lại hứa gả cho nho sinh họ Vương, song cũng sắp tới ngày cưới thì Vương sinh cũng bị bệnh mà thác. Năm ấy, Giáng Tiên đã 19 song thị ngự chưa hứa gả cho ai khác. 

Trong vùng, các nho sinh lập một hội văn, hùn tiền thuê một hội quán để hàng tháng họp mặt yến ẩm, bình luận văn chương. Tiểu Minh cũng có chân ở trong hội. 

Một tối, trong buổi họp mặt ở hội quán, bỗng có nho sinh nói đùa:"Này Tiểu Minh! Bạn nổi tiếng là người gan dạ. Bây giờ, nếu bạn dám lên Thập Vương Ðiện vác tượng phán quan râu dài xuống đây thì chiều mai anh em sẽ hùn tiền làm một bữa tiệc thịnh soạn để đãi bạn" Tiểu Minh chẳng đáp, chỉ mỉm cười rồi đứng dậy bỏ đi. 

Lát sau, có tiếng Tiểu Minh từ ngoài cửa vọng vào: "Ðã lên điện thỉnh được Tông Sư Râu xuống đây chơi rồi này!" Nhóm nho sinh sửng sốt, cùng đứng bật dậy. Tiểu Minh vác tượng vào đặt ở giữa bàn. Nhóm nho sinh kinh hãi, cùng chạy tới góc phòng, đứng rúm lại với nhau. Tiểu Minh lấy hồ và chén, đem tới trước tượng, rót rượu vào chén mà khấn:"Xin mời đại tông sư dùng với tiểu sinh một chén!" rồi rót rượu xuống đất. Tiểu Minh làm như thế ba lần. Nhóm nho sinh càng co rúm lại với nhau ở góc phòng, đứng dựa vào nhau mà run rẩy. Lát sau, có nho sinh kinh hãi quá, giục:"Thôi Tiểu Minh ơi! Bạn làm ơn vác tượng lên núi trả lại điện giùm đi!" Tiểu Minh bèn lấy chén mới, rót rượu mà khấn:"Tiểu sinh hành động điên cuồng, xin đại tông sư thứ lỗi. Nếu chẳng chê tiểu sinh là kẻ nghèo hèn thì hôm nào thấy hứng, xin mời đại tông sư quá bộ tới tệ xá ở gần đây để cùng uống. Tiểu sinh rất hân hạnh được đón tiếp!" Khấn xong, rót rượu xuống đất, rồi vác tượng đi. Nhóm nho sinh đều phục Tiểu Minh là người gan dạ. Tiểu Minh vác tượng lên núi, vào hành lang điện, trả lại chỗ cũ. Về nhà, Tiểu Minh thuật chuyện cho vợ nghe. Phùng thị kinh hãi, nói:"Mạo phạm quỷ thần như thế mà chẳng sợ bị tội chết hay sao?" Tiểu Minh cười, đáp:"Mượn tượng cho bạn bè coi rồi đem trả lại chỗ cũ thì có chi mà gọi là mạo phạm?" 

Chiều sau, nhóm nho sinh hùn tiền làm tiệc đãi Tiểu Minh. Mọi người cùng yến ẩm, nói cười vui vẻ. 

Gần tới nửa đêm, bữa tiệc mới tan. Tiểu Minh về nhà, thấy còn tửu hứng, bèn lại thắp đèn, đi tìm hồ rượu, đem ra phòng khách, ngồi uống một mình. Chợt thấy có người vén rèm bước vào, Tiểu Minh nhìn lên thì nhận ra là phán quan, vội đứng dậy nói:"Kính chào đại tông sư! Ðêm qua trót mạo phạm, phải chăng đêm nay tới tệ xá để lấy mạng?" Phán quan vuốt râu, mỉm cười, nói:"Chẳng phải thế! Ðêm qua, nhờ lòng hào sảng của nhân huynh, đã được uống bốn chén hảo tửu. Ðêm nay, rảnh rỗi, thấy hứng nên chiếu theo lời hẹn mà tới đó thôi!" Tiểu Minh mừng lắm, bèn kéo áo mời ngồi, rồi đem bộ đồ rượu đi rửa, bày lại lên bàn. Tiểu Minh toan nhấc hồ rượu đem đi hâm thì phán quan cản lại, nói:"Ðêm nay tiết trời ấm áp, có thể uống lạnh được!" Tiểu Minh vâng lời rồi vào nhà trong bảo vợ:"Nàng hãy xuống bếp làm đồ nhắm đãi khách!" Phùng thị hỏi:"Ai thế?" Tiểu Minh đáp:"Phán quan trên Thập Vương Ðiện" Phùng thị kinh hãi quá, nói: "Thôi, ở trong này đi, đừng ra ngoài ấy nữa!" Tiểu Minh cười, đáp:"Mời khách tới nhà, khách tới lại chẳng ra tiếp, có phải là vô lễ không? Làm đồ nhắm xong, bảo con ở lên gõ cửa để ta xuống lấy. Ðừng bắt nó bưng lên, kẻo nó kinh hãi, sẽ đánh đổ mất!" Nói xong, lại trở ra phòng khách. Phùng thị đành phải xuống bếp. 

Lát sau, con ở lên gõ cửa. Tiểu Minh xuống bếp đem đồ nhắm lên, rồi rót rượu mời phán quan cùng mình yến ẩm. Trong tiệc, Tiểu Minh hỏi:"Quý tính ngài ra sao?" Phán quan đáp:"Họ Lục!" Hỏi:"Quý danh ngài ra sao?" Ðáp:"Chẳng có tên!" Hỏi:"Văn chương âm phủ có khác gì văn chương dương thế không?" Ðáp:"Ðại loại thì cũng như nhau" Hỏi:"Ngài có rành về các điển cố văn chương dương thế không?" Ðáp:"Cũng có biết chút ít!" Rồi cùng đem văn chương ra bàn luận, ý kiến rất tương đắc. 

Phán quan uống rượu rất hào, uống liền một lúc mười chén mà vẫn chưa say. Tiểu Minh đã uống suốt buổi chiều nên mới uống thêm vài chén đã thấy vách tường nghiêng ngả, phải dựa lưng vào thành ghế mà ngủ. Ðến khi tỉnh giấc, bấc đèn đã lụi, khách đã đi rồi. 

Từ đó thành lệ, cứ ba tối một lần, phán quan lại tới. Tình bạn mỗi ngày một thêm thân thiết. 

Một tối, Tiểu Minh lấy văn bài mình mới làm đưa ra, nói:"Xin chấm giùm cho!" Phán quan chẳng khách sáo, cầm bài lên coi rồi đặt bút phê:"Dở lắm!" 

Tuần sau. Một tối, Tiểu Minh say quá, nằm lăn xuống tràng kỷ ngủ, để mặc phán quan ngồi uống một mình. Lát sau, Tiểu Minh chợt mơ màng thấy ngực mình đau ê ẩm. Mở mắt ra coi, thấy phán quan một tay cầm dao, một tay đang kéo tim phổi mình ra khỏi lồng ngực, Tiểu Minh kinh hãi quá, vội lên tiếng hỏi:"Vốn chẳng oán thù, sao lại giết nhau?" Phán quan cười, đáp:"Ðâu có giết! Chỉ thay tim thôi! Ðừng có sợ!" rồi nhét tim phổi trở vào lồng ngực Tiểu Minh như cũ. Phán quan khép vết rạch, lấy vải quấn quanh, rồi nói:"Xong rồi!" Nghĩ chắc tràng kỷ phải bê bết máu, Tiểu Minh nhỏm dậy coi thì thấy vẫn sạch khô nên ngạc nhiên lắm. Ðưa mắt nhìn quanh, thấy trên bàn có một bọc vải, Tiểu Minh hỏi:"Bọc gì thế?" Phán quan đáp:"Tim của nhân huynh!" Hỏi:"Sao lại phải thay?" Ðáp:"Vì thấy văn dở quá nên biết bị tắc tim. Xét bao vạn xác chết, mới thấy một tim thông, nên mổ lấy đem tới, để thay cho nhân huynh. Bây giờ đem tim tắc về đền lại xác chết!" Ðáp xong, xách bọc ra khỏi phòng. 

Sáng sau, Tiểu Minh lấy gương ra soi thì thấy vết rạch đã liền, chỉ còn một vết đỏ. Từ đó, trí nhớ khác hẳn, đọc bài một lần là thuộc, văn chương tiến bộ vượt mức, hành văn khác hẳn khi trước. 

Tuần sau, Tiểu Minh lại lấy văn bài mình mới làm đưa ra, nói:"Xin chấm giùm cho, xem đã được chưa?" Phán quan coi xong, nói:"Ðược rồi!" Hỏi:"Ðậu hiếu liêm (cử nhân) được không?" Ðáp:"Ðược!" Hỏi:"Ðậu cao không?" Ðáp:"Cao!" Hỏi:"Ðậu thứ mấy?" Ðáp:"Ðậu thủ khoa!" Hỏi:"Bao giờ thì đậu?" Ðáp:"Mùa thu năm nay!" Hỏi:"Ðậu tiến sĩ được không?" Ðáp:"Không!" Hỏi:"Sao vậy?" Ðáp:"Phúc đức mỏng lắm, chẳng thể đại quý hiển được!" Mùa thu năm ấy, Tiểu Minh đi thi hương. Khi trường thi yết bảng, quả nhiên đậu thủ khoa. 

Nhóm nho sinh trong hội văn tới nhà mừng, đòi cho xem bài thi. Tiểu Minh lấy bài đưa ra. Nhóm nho sinh coi xong, cùng nhìn nhau kinh ngạc. Có kẻ hỏi:"Sao văn chương bạn lại có thể tiến bộ tới mức ấy?" Tiểu Minh đáp:"Vì thay tim" Hỏi:"Ai thay cho?" Ðáp:"Lục phán quan ở Thập Vương Ðiện" Hỏi:"Giới thiệu cho nhau có được không?" Ðáp:"Ðược chớ sao không!" 

Tuần sau, khi phán quan tới, Tiểu Minh nói: "Nhóm nho sinh trong hội văn thấy văn chương tiến bộ, muốn nhờ giới thiệu!" Phán quan đáp:"Ðược!" 

Hôm sau, nhóm nho sinh tới hỏi:"Có giới thiệu được không?" Tiểu Minh đáp:"Ðược!" rồi thuật chuyện cho nghe. Nhóm nho sinh mừng lắm, nhờ chuyển lời thỉnh phán quan tới hội quán văn dự tiệc vào tiết nguyên tiêu, tối rằm tháng giêng, đầu canh một. Tiểu Minh chuyển lời. Phán quan ưng thuận. 

Ðúng hẹn, phán quan tới. Thấy bộ râu đỏ của khách cử động, cặp mắt sáng loáng như điện chớp, nhóm nho sinh kinh hãi xanh mặt, răng đánh lập cập, lủi dần hết, chỉ còn lại có phán quan với Tiểu Minh. Tiểu Minh nói:"Họ kinh hãi, lủi hết rồi! Xin mời về tệ xá đối ẩm vậy!" Phán quan đáp:"Xin vâng!" 

Tới nhà, Tiểu Minh đem rượu ra mời khách. Ðến khuya, Tiểu Minh say khướt, nói lè nhè:"Thay tim cho, đã đội ơn rất nhiều. Nay muốn phiền việc khác, chẳng biết có được không?" Phán quan hỏi:"Việc gì?" Ðáp:"Tiện nội vốn xấu xí, kết duyên với tiểu sinh từ hồi còn ít tuổi. Trộm nghĩ tim mà còn có thể thay được thì chắc diện mạo cũng có thể đổi được, nên muốn xin đại tông sư đổi diện mạo cho tiện nội, chẳng biết có được không?" Cười, nói:"Ðược! Song phải để từ từ, chờ dịp!" 

Ba ngày sau, vào lúc quá nửa đêm, Tiểu Minh đang ngủ, bỗng nghe có tiếng gõ cổng, vội vùng dậy, chạy ra mở. Nhận ra là phán quan, Tiểu Minh bèn mời vào nhà. Thắp đèn lên thì chợt thấy khách xách theo một bọc vải, máu đào còn nhỏ giọt, Tiểu Minh kinh hãi, hỏi:"Bọc gì thế?" Phán quan đáp:"Ðầu mỹ nhân! Hôm nọ nhân huynh có dặn lo cho sắc đẹp của lệnh chính. Ðêm nay vừa tìm được đầu một mỹ nhân nên đem tới để thực hiện lời hứa!" rồi cầm bọc vải chạy thẳng tới cửa phòng Phùng thị. Tiểu Minh đang lo cửa phòng vợ mình bị khóa, nên vội chạy theo để mở thì đã thấy phán quan đặt bàn tay phải lên cánh cửa rồi thấy cánh cửa tự động mở tung. Phán quan chạy thẳng tới giường Phùng thị. Tiểu Minh cũng chạy tới theo thì thấy vợ mình đang ngủ. Phán quan đưa bọc vải cho Tiểu Minh cầm, rồi rút từ hia ra một lưỡi dao sáng loáng, ấn vào cổ Phùng thị, ngọt tựa bổ dưa. Ðầu Phùng thị rơi ra gối. Phán quan lấy đầu mỹ nhân trong bọc, ráp lên cổ, ngắm nghía cho ngay ngắn, lấy tay ép đầu dính vào mình, rồi lấy gối phủ quanh. Sau đó, trao đầu Phùng thị cho Tiểu Minh, nói:"Cất đầu lệnh chính đi, phòng khi cần dùng tới!" rồi xin cáo biệt. 

Sáng ra, Phùng thị tỉnh giấc. Thấy cổ ngưa ngứa, Phùng thị đưa tay xoa thì thấy một vật nhỏ tròn tròn. Giật ra coi, thấy là cục máu, Phùng thị kinh hãi quá, vội gọi con ở lấy nước rửa mặt. Con ở bưng chậu nước lên thì thấy đầu nữ chủ rối bù, tóc xõa kín mặt, đệm giường thấm máu, nên rất kinh hãi, há miệng đứng nhìn. Rửa mặt xong, Phùng thị thấy chậu nước đỏ lòm, còn con ở thì thấy nữ chủ là một người khác lạ. Cả chủ lẫn tớ cùng cực kỳ kinh hãi. Phùng thị sai con ở đi lấy gương soi. Thấy mình chẳng phải là mình, Phùng thị hoảng hốt, lên tiếng gọi chồng. Tiểu Minh chạy vào. Phùng thị hỏi:"Sao diện mạo thiếp lại khác lạ thế?" Tiểu Minh đáp:"Lục phán quan đã đổi đầu cho nàng cũng như đã thay tim cho ta!" Lúc đó Phùng thị mới vỡ lẽ. Tiểu Minh nhìn vợ, thấy quả là một trang mỹ nhân khác lạ, mi thanh mục tú, má lúm đồng tiền, cực kỳ xinh đẹp, tựa người trong tranh. Tiểu Minh hỏi vợ:"Nàng có ưng chăng?" Phùng thị mỉm cười, không đáp. Tiểu Minh liền chạy tới vạch cổ vợ ra coi thì thấy chỉ có một vết nhỏ, màu hồng lạt. 

Năm ấy, tối rằm tháng giêng, nhằm tiết nguyên tiêu, cô con út của Ngô thị ngự là Giáng Tiên, lên núi Lục Dương vãn cảnh, có tì nữ theo hầu. Trong đoàn khách đăng sơn, có một tên cướp háo sắc. Nhìn thấy Giáng Tiên xinh đẹp, tên cướp ưa thích lắm, bèn dò hỏi cho ra nhà thị ngự. 

Ba ngày sau, cũng vào buổi tối, tên cướp leo thang, vượt tường vào nhà, rút dao khoét cửa phòng Giáng Tiên, lẻn vào phòng chém chết tì nữ, rồi xông tới giường toan cưỡng chiếm Giáng Tiên. Giáng Tiên la hét, ra sức chống cự. Tên cướp tức giận, đâm chết Giáng Tiên rồi bỏ chạy. Phu nhân nghe tiếng huyên náo ở phòng con, vội sai hai tì nữ chạy tới coi. Vào phòng, thấy hai xác chết, chúng kinh hãi quá, tri hô ầm ĩ. Cả nhà nhốn nháo, cùng chạy lên coi rồi cùng gào khóc thất thanh. Tới nửa đêm, thị ngự sai gia nhân đem xác tì nữ xuống quàn ở nhà ngang, rồi đem xác Giáng Tiên lên quàn ở phòng khách, cắt hai tì nữ ngồi canh. Lát sau, hai tì nữ mệt quá, nằm lăn ra ngủ. 

Sáng sau, thị ngự sai gia nhân khâm liệm xác con thì thấy xác đã bị mất đầu. Thị ngự giận lắm, cho rằng hai tì nữ đã chểnh mảng, để chó lên phòng khách tha mất đầu con, nên ra lệnh đánh đòn. 

Thị ngự sai gia nhân lên huyện đường trình vụ án mạng. Quan tể giận lắm, ra lệnh cho thuộc hạ phải ráo riết lùng bắt tên cướp. Ba tháng sau, thuộc hạ vẫn chưa tìm ra manh mối. 

Một hôm, có kẻ phong thanh nghe được chuyện Phùng thị đổi đầu với một mỹ nhân, trông giống đầu cô con út của thị ngự, bèn tới mách thị ngự. Thị ngự nửa tin nửa ngờ, song cũng vẫn sai bà vú đi dò xét. Bà vú tới nhà Tiểu Minh, gõ cổng xin việc. Tiểu Minh cho vào gặp Phùng thị. Thấy mặt Phùng thị, bà vú kinh hãi, đưa tay bụm miệng cho khỏi kêu lên. Bà vú giả vờ xin việc, Phùng thị từ chối, nói rằng nhà mình đã đủ người làm. Bà vú về thuật chuyện. Thị ngự nghe xong, chỉ thấy hoang mang, chẳng hiểu ra sao. Cuối cùng, thị ngự lại nghi rằng Tiểu Minh đã dùng yêu thuật sát hại con mình. 

Hôm sau, thị ngự đích thân tới thăm Tiểu Minh. Sau một tuần trà, Tiểu Minh hỏi:"Chẳng hay lão quan tới tệ xá có điều chi dạy bảo?" Thị ngự đáp:"Lão phu nghe đồn lệnh chính vừa đổi đầu với tiện nữ nên lão phu muốn tới xin túc hạ cho gặp lệnh chính để xem lời đồn có đúng hay không?" Tiểu Minh nói:"Thưa, được!" rồi gọi vợ ra chào khách. Thấy diện mạo Phùng thị đúng là diện mạo con gái mình nhưng tay chân thì khác hẳn, thị ngự cũng chẳng hiểu ra sao. Tiểu Minh hỏi vợ:"Nàng có nhận ra quan thị ngự không?" Phùng thị ngơ ngác, lắc đầu. Thị ngự nói:"Chắc là túc hạ đã dùng yêu thuật sát hại tiện nữ!" Tiểu Minh đáp:"Tiện nội nằm mộng thấy được đổi đầu. Tiểu sinh cũng rối trí, chẳng hiểu ra sao. Nay lão quan lại nghi cho tiểu sinh sát hại lệnh ái thì thực là oan cho tiểu sinh!" Thị ngự ra về song trong lòng vẫn nghi là Tiểu Minh đã dùng yêu thuật sát hại con mình. 

Sáng sau, thị ngự làm đơn kiện, nạp lên huyện đường. Quan tể đọc đơn, nửa tin nửa ngờ, sai lính đi bắt vợ chồng Tiểu Minh cùng con ở lên huyện đường thẩm vấn. Cả ba cùng khai như lời Tiểu Minh đã nói với thị ngự. Quan chẳng biết kết án ra sao, đành thả cho về. 

Ba tối sau, phán quan tới đối ẩm. Tiểu Minh thuật chuyện thị ngự kiện mình, rồi hỏi: "Có cách chi minh oan được cho nhau chăng?" Phán quan đáp: "Có! Dễ lắm! Ðể bảo chính con gái nói cho cha mẹ biết!" rồi cáo biệt. 

Ðêm ấy, thị ngự nằm mộng thấy con gái về nói: "Tiểu nữ và con tì nữ cùng bị kẻ cướp họ Dương, tên Ðại Niên ở Tô Khê sát hại. Vì diện mạo vợ Chu hiếu liêm xấu xí nên Lục phán quan ở Thập Vương Ðiện lấy đầu tiểu nữ mà đổi cho. Vì thế, tuy tiểu nữ đã thác song diện mạo vẫn còn. Xin phụ thân chớ nghi oan cho Chu hiếu liêm!" Thị ngự tỉnh giấc, lấy làm lạ, bèn thuật lại cho phu nhân nghe. Phu nhân nói chính mình cũng nằm mộng thấy như thế. Thị ngự bèn đích thân lên huyện đường, thuật lại giấc mộng của vợ chồng mình cho quan tể nghe. 

Hôm sau, quan sai thuộc hạ đi Tô Khê điều tra hư thực thì thấy rằng ở Tô Khê quả có một kẻ tên Dương Ðại Niên. Quan liền sai lính tới tìm bắt. Lính tìm bắt được, trói giải về huyện. Quan sai lính khảo đả điều tra. Bị đòn đau quá, Ðại Niên đành phải thú nhận hết tội lỗi. Quan liền lên án tử hình Ðại Niên. 

Thị ngự tới nhà Tiểu Minh, xin Phùng thị nhận mình làm cha. Phùng thị hỏi ý chồng. Tiểu Minh chấp thuận. Phùng thị bèn đồng ý. Thị ngự liền xin đầu cũ của Phùng thị đem về chôn cất với thi thể của con. 

Năm ấy, Tiểu Minh chẳng tin lời phán quan, cứ đi thi hội (thi tiến sĩ). Văn chương cực hay song vẫn bị hỏng vì phạm trường quy. Ba năm sau, lại đi thi rồi lại hỏng. Ba năm sau nữa, lại đi thi rồi lại hỏng. Thấy ba lần thi, ba lần hỏng, Tiểu Minh mới tin lời phán quan là đúng. Vì thế, giấc mộng tiến sĩ ấp ủ từ ba chục năm qua, nay đột nhiên trở thành nguội lạnh. Thi hỏng lần thứ ba, về tới nhà thì vợ sanh con trai. Tiểu Minh đặt tên con là Nhĩ Vĩ. 

Năm năm sau. Một tối, phán quan tới, nói:"Chẳng còn thọ lâu đâu!" Tiểu Minh hỏi:"Bao giờ thì chết?" Ðáp: "Ðúng năm hôm nữa thôi!" Hỏi:"Có giúp gì được nhau không?" Ðáp:"Không! Mệnh trời đã định, ai mà đổi được? Vả lại, dưới mắt thường nhân thì sống chết là hai song dưới mắt đạt nhân thì sống chết chỉ là một. Sao cứ nghĩ sống là vui, chết là buồn?" Khen:"Lời nói chí lý thay!" 

Sáng ra, Tiểu Minh tự sửa soạn vải liệm, quan quách. Năm hôm sau, Tiểu Minh tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, lên giường nằm rồi thác. 

Tối ấy, Phùng thị ôm quan tài chồng mà khóc. Bỗng thấy chồng xăm xăm từ ngoài cổng bước vào, Phùng thị kinh hãi quá, suýt la lên. Chợt nghe thấy tiếng chồng nói:"Ðừng sợ! Ta thác rồi song thấy chẳng khác chi khi còn sống. Thương nàng mẹ góa con côi, nên mới hiện về thăm một lát mà thôi!" Phùng thị cảm động, mếu máo, nói:"Thiếp nghe nói ai thác mà còn linh thiêng thì có thể hoàn hồn, tái sinh được. Lang quân còn linh thiêng, sao chẳng trở về sống với vợ con?" Tiểu Minh đáp:"Ai đổi được mệnh trời? Làm gì có chuyện hoàn hồn với tái sinh!" Hỏi:"Thế bây giờ xuống âm phủ, lang quân làm nghề gì?" Ðáp:"Nhờ Lục phán quan tiến dẫn, ta đã được cử giữ chức chủ bạ, coi sóc hồ sơ. Quan tước tuy nhỏ song được cái công việc nhàn nhã lắm!" Phùng thị vừa toan lên tiếng hỏi nữa thì Tiểu Minh đã gạt đi, nói:"Lục phán quan cùng về với ta. Nàng hãy xuống bếp làm tiệc đi!" Nói xong, lại xăm xăm bước ra khỏi cổng. Phùng thị bèn xuống bếp làm tiệc rồi đem lên bày ở chỗ cũ. Chợt nghe thấy trong phòng có tiếng rót rượu, rồi có tiếng nói cười của chồng với khách, hào khí vẫn thanh cao như trước. Tới nửa đêm, đột nhiên tiếng nói cười im bặt. 

Từ đó, cứ bốn tối một lần, Tiểu Minh lại hiện về thăm vợ. Lần nào về, cũng dặn dò vợ đủ mọi gia vụ rồi mới bảo vợ làm tiệc đãi khách. Có tối ở lại tới gần sáng. Thỉnh thoảng lại hiện về thêm một lần để bồng con. 

Ba năm sau. Tối nào Tiểu Minh cũng hiện về dạy con học. Nhĩ Vĩ mới lên 8 song cũng đã thông minh. Học cha được một năm đã biết cách làm văn. 

Bảy năm sau. Nhĩ Vĩ 15, thi đậu vào trường huyện. Từ đó, Tiểu Minh rất ít về thăm nhà. Năm thì mười họa mới hiện về một lát mà thôi. 

Một tối, Tiểu Minh hiện về nói với vợ:"Tối nay ta về để vĩnh biệt nàng!" Phùng thị hỏi:"Lang quân đi đâu?" Ðáp:"Vâng mệnh Thượng Ðế, ta đi làm quan ở xa. Cách trở phiền hà, chẳng về được nữa!" Phùng thị ôm lấy chồng mà khóc. Tiểu Minh nói:"Ðừng làm thế! Con đã lớn, gia nghiệp vẫn còn, đủ sống là được rồi! Từ thượng cổ tới nay, có cặp loan phượng nào được đoàn tụ với nhau mãi mãi đâu?" Rồi quay qua nói với con:"Con hãy gắng trở thành một người tốt. Mười năm nữa, ta sẽ gặp lại con lần chót!" Nói xong, xăm xăm bước ra khỏi cổng mà đi. Từ đó, tuyệt vô âm tín. 

Mười năm sau. Nhĩ Vĩ 25, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm quan, chức hành nhân. Một hôm, Nhĩ Vĩ phụng mệnh vua đi tế thần ở núi Tây Nhạc. Khi cùng đoàn tùy tùng qua huyện Hoa Âm, chợt thấy một cỗ xe từ xa xông thẳng vào đoàn ngựa của mình, Nhĩ Vĩ lấy làm lạ, giương mắt nhìn thì nhận ra cha đang ngồi trong xe với một xa phu. Nhĩ Vĩ vội xuống ngựa, nằm phục bên trái đường mà khóc. Tiểu Minh bảo xa phu dừng xe, nói:"Con làm quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Ta thác, nhắm mắt được rồi!" Nhĩ Vĩ vẫn nằm phục, chẳng dám đứng dậy. Tiểu Minh bèn bảo xa phu phóng xe đi. Lúc đó, Nhĩ Vĩ mới khép nép đứng dậy, nhìn theo. Chợt thấy xe dừng lại, rồi thấy cha tháo bội đao đeo ở bên người, trao cho xa phu. Xa phu chạy tới trao cho Nhĩ Vĩ rồi quay trở lại xe. Nhĩ Vĩ còn đang bàng hoàng thì bỗng nghe thấy tiếng cha nói vọng từ xa tới:"Ðeo bội đao vào người thì sẽ được quý hiển!" Rồi thấy xe vụt phóng đi. Nhĩ Vĩ vội lên ngựa đuổi theo song vì xe phóng nhanh quá nên Nhĩ Vĩ đuổi không kịp. Trong nháy mắt, xe đã biến mất hút. Nhĩ Vĩ dừng cương, buồn bã hồi lâu. Rút bội đao ra coi thì thấy cách chế tạo cực kỳ tinh xảo. Lại thấy trên bội đao có khắc dòng chữ:"Mật muốn lớn song tâm muốn nhỏ, trí muốn tròn song hành muốn vuông" 

Nhĩ Vĩ làm quan, được thăng dần tới chức tư mã. Sanh được năm trai, đặt tên là Nhĩ Thẩm, Nhĩ Tiềm, Nhĩ Vật, Nhĩ Hồn, Nhĩ Thâm. Một đêm, Nhĩ Vĩ nằm mộng thấy cha về, nói:"Bội đao nên cho thằng Nhĩ Hồn!" Tỉnh giấc mới biết là chiêm bao. 

Khi về già, Nhĩ Vĩ vâng lời cha, đem bội đao cho Nhĩ Hồn. Về sau, Nhĩ Hồn làm quan tới chức tổng hiến, cũng nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, chính trực như cha.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.