Sự Trả Thù Của Quỷ - Angels or Devils

Quyển 2 - Chương 13: Mỹ nhân ngủ say dùng toàn bộ tuấn nam gối đầu




Ngày trước, khi nghe người ta hát “hai chữ tình yêu thật vất vả”, cô luôn tưởng rằng lời bài hát này ám chỉ ngầm chuyện ấy, vì từ “vất vả” tạo cho cô cảm giác là vất vả về mặt thể lực. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm mà cô đã đọc khiến cô luôn liên tưởng tới tính đa nghĩa của từ, và những bài hát đang nổi lại càng làm cho thói quen này của cô phát triển hơn.

Ví dụ “để anh yêu một lần cho đủ”, hê hê, không phải đang nói đến chuyện làm tình thì nói cái gì? Những cái thuộc phạm trù tình cảm sao có thể nói là “một lần”, “hai lần” là đủ được? Lại còn “anh đợi đến lúc h đã tàn rồi”, “want you tonight” thì lại càng rõ hơn…

Nhưng hiện tại, thật sự đã nhận thức được hai chữ tình yêu rất vất vả, không phải là sự vất vả về mặt thể lực, mà là sự vất vả trong lý trí, suy nghĩ. William Shakespeare nói: “Ban ngày tôi mất sức, ban đêm tôi lao tâm”, còn Ngải Mễ thì thấy mình lao tâm cả ngày lẫn đêm, hơn nữa đều là lao tâm vì một chuyện, giống như nhân vật Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp, ngày đêm vất vả làm một công việc.

Truyền thuyết kể rằng Sisyphus là một đại lực sĩ, vì trêu chọc thần Pluto nên đã bị các vị thần trừng phạt bằng cách đẩy một tảng đá khổng lồ lên đỉnh núi. Nhưng khi chuẩn bị lên đến đỉnh, tảng đá đó lại tự động lăn xuống chân núi, Sisyphus đành phải quay xuống chân núi và làm lại từ đầu. Cứ như vậy, ngày lại ngày, năm lại năm, Sisyphus phải làm đi làm lại động tác đó, một công việc, lặp đi lặp lại suốt đời.

Ngải Mễ như bao cô gái lún sâu vào tình yêu khác, là một Sisyphus không hơn không kém. Có điều hơi khác là, các cô gái lún sâu vào tình yêu không đẩy đá lên núi mà là tìm minh chứng cho việc người mình yêu có yêu mình thật lòng hay không. Hằng ngày, họ đều mong muốn kiếm được bằng chứng từ phía người yêu, chứng minh anh ta đang yêu họ, để tìm ra những bằng chứng này, họ phải như Sisyphus, hao tâm tổn trí. Khó khăn lắm mới chứng thực được điều này, nhưng chưa hết một ngày, lại thấy lo lắng, căng thẳng, lại bắt đầu đi tìm minh chứng mới.

Mặc dù đang ở trong giai đoạn yêu nhau thắm thiết nhưng thời gian Ngải Mễ và Allan gặp nhau không nhiều. Hai người đều ở ký túc xá của trường, mà trường của hai người không gần nhau, cộng với việc sợ bố mẹ Ngải Mễ biết nên lúc nào cũng phải lén lút, thế nên thường chỉ đến cuối tuần mới gặp được nhau.

Có lúc vừa tạm biệt Allan, Ngải Mễ đã bắt đầu tưởng tượng anh đang làm gì rồi. Cô nghĩ, anh làm gì trong năm, sáu ngày trong tuần nhỉ? Anh ấy có đi với ai không? Liệu có bị đám con gái dụ dỗ không? Anh ấy dễ mềm lòng như vậy, chỉ cần cô nào giả bộ khóc lóc là dễ dàng có cô Ngải Mễ thứ hai, thứ ba, thứ n ngay thôi.

Lần sau gặp nhau, Ngải Mễ không nén nổi tò mò bèn hỏi Allan: “Một tuần không gặp nhau, anh có nhớ em không?”

Allan liền đùa: “Đây là câu hỏi kinh điển của con gái, anh chỉ có thể dùng câu trả lời kinh điển của đám con trai bọn anh để đối phó thôi: Nhớ thì giải quyết được vấn đề gì?”

Cô biết anh đang đùa nhưng vẫn có vẻ không vui: “Sao con trai bọn anh lại tôn thờ chủ nghĩa thực dụng thế? Cứ phải giải quyết được vấn đề gì mới nhớ ư? Nhớ nhung là thứ không thuộc phạm trù của chủ nghĩa thực dụng, vì anh biết rõ là không giải quyết được vấn đề gì nhưng vẫn đem lòng nhớ, thế mới gọi là nhớ nhung chứ. Nếu chỉ vì giải quyết được vấn đề mới nhớ thì đó đâu còn là nhớ nữa? Thà gọi luôn là mơ tưởng hão huyền cho xong.”

Nhìn vẻ hậm hực đó của cô, Allan vội xoa dịu: “Đừng giận, anh đã bảo rồi, đấy là mượn tạm câu trả lời kinh điển của con trai để đáp thôi. Bây giờ em hỏi lại một lần nữa, anh sẽ cho em câu trả lời personal (cá nhân).”

Nhìn anh chàng như đang tập đóng kịch, cô cũng thấy buồn cười nhưng vẫn hỏi lại một câu: “Anh có nhớ em không?”

Allan bèn đáp rất nghiêm túc: “Nhớ.” Rồi anh chủ động kiến nghị: “Em hỏi anh thêm câu anh nhớ ở đâu đi!”

Cô suýt thì phì cười, nhưng vì tò mò nên vẫn hỏi: “Anh nhớ ở đâu?”

Allan liền chỉ vào tim mình, đáp: “Nhớ ở đây.”

Rồi hai người đều cười ngất.

Ngải Mễ nói: “Giỏi ghê, anh dám lôi trò ngày xưa em đối phó với bà nội ra để trêu em hả. Hồi nhỏ mỗi lần đến nhà bà nội, bà đều hỏi em: “Ngải Mễ, con có nhớ bà không?” Em liền đáp: “Con có.” Bà lại hỏi tiếp: “Nhớ ở đâu?” Em bèn trả lời: “Nhớ trong tim.” Đến khi bà bảo em chỉ vào tim cho bà xem, em toàn chỉ vào bụng.”

Cười xong, Allan nói: “Xem ra tất cả bà nội trên thế gian này đều giống nhau, có lẽ cả đời đều hỏi câu hỏi này. Hồi trẻ thì hỏi người yêu mình, sau khi có con thì hỏi con mình, con lớn rồi thì hỏi cháu mình. Tại sao đám con gái bọn em luôn thích hỏi câu hỏi này nhỉ?”

“Em cũng không biết, có lẽ là do muốn nghe đích thân anh nói anh nhớ em, anh yêu em.”

“Nhưng lần trước gặp nhau anh nói rồi còn gì?”

“Đó là chuyện lần trước, lần trước nói chỉ có hiệu lực trong lần trước, không được tính trong thời gian quá dài, cái này phải là daily (mỗi ngày), half daily (mỗi nửa ngày), hourly (mỗi giờ), minutely (mỗi phút), secondly (mỗi giây), thường xuyên phải cập nhật, nếu không sẽ không có tác dụng nữa.” Cô tò mò hỏi: “Tại sao anh không hỏi vấn đề này? Anh không muốn biết là em có nhớ anh hay không ư?”

“Chắc chắn là em sẽ nhớ anh.”

Cô liền cốc anh một cái. “Sao anh tự tin thế?”

“Tự tin có gì là xấu? Cùng lắm là tưởng bở, dễ lừa thôi mà. Nhưng anh cho rằng em đang nhớ anh, sự thỏa mãn về mặt tình cảm mà anh có được giống như việc em nhớ anh thật lòng, tội gì mà không làm chứ? Tình yêu vốn là một sự hưỏng thụ về tâm lý mà.”

Đột nhiên cô lại chuyển sang chủ đề khác: “Ngoài nhớ em ra, anh có còn nhớ cô gái nào nữa không?”

“Lại một câu hỏi kinh điển rồi.” Allan cười lớn. “Bắt đầu mở rộng phạm vi điều tra đấy, từ một điểm phát triển ra thành một mặt bằng. Ngải Mễ, chuyện tình yêu không thể suy bụng ta ra bụng người, không thể nói: “Anh nhớ em thì chắc chắn anh phải nhớ cô gái khác”, “anh làm chuyện đó với em được thì anh có thể làm chuyện đó với người khác được”. Nghĩ như thế vừa không hợp với logic vừa không phù hợp với thực tế. Có một số việc chỉ có thể nói và làm với một người đặc biệt, không tin vào điều này sẽ dễ gây ra các vụ án oan, hơn nữa lại khiến cho bản thân mình cảm thấy rất mệt mỏi.”

“Không nói những cái liên quan đến hình thái ý thức mà chỉ đề cập những cái thực tế thôi.” Cô chuyển sang chủ đề khác: “Trước đây anh đã yêu cô nào chưa?”

“Hiện đại điều tra xong rồi, bây giờ bắt đầu đến phần cổ đại đây.” Allan lắc đầu, trả lời rất thành khẩn: “Thực ra tốt nhất nên để lịch sử trở thành lịch sử, kết quả của việc điều tra cho ra nhẽ thường khiến cả hai người đều không vui vẻ gì. Chuyện xảy ra trước khi hai đứa mình gặp nhau không liên quan gì đến hiện tại của hai đứa mình.”

Cô không đồng ý với quan điểm này. “Tại sao lại nói không liên quan gì đến hiện tại của chúng mình? Nếu trái tim anh không thể quên một người nào đó thì sao? Nếu anh chỉ coi em là người đó thì sao?”

“Đó là một cách làm hết sức ngớ ngẩn, sẽ khiến cả mình và người khác rất đau khổ, em hãy tin rằng anh không đến mức ngớ ngẩn như vậy. Nếu trái tim anh không thể quên một người nào đó thì anh sẽ không để một người khác bước vào cuộc sống của anh. Đối với anh, tình yêu chỉ có thể là sự nối tiếp về mặt thời gian chứ không thể có sự cùng tồn tại về mặt không gian. Điều này không hẳn là lo lắng rằng mình đã làm trái với luân thường đạo lý hay chứng tỏ sự cao thượng của mình, mà chỉ là không muốn để mình mệt mỏi mà thôi.”

Câu trả lời này của anh khiến cô yên tâm hơn, nhưng rồi cô lại nghĩ đến một vấn đề khác. “Tại sao nói đến tình yêu là anh luôn có hàng sấp đáp án vậy? Chắc chắn anh đã từng yêu rất nhiều người rồi.”

“Không phải chỉ có thực tiễn mới đúc kết được chân lý, tri thức nằm trong tay của những người đi trước, nằm trong sách vở. Những chuyện mà một người có thể đích thân trải qua là rất ít, hầu hết tri thức của nhân loại đều được học qua sách vở. Anh chưa yêu nhiều người nhưng anh đã đọc rất nhiều tiểu thuyết và lý thuyết về tình yêu. Những kiến thức của anh về tình yêu đều bắt nguӮ từ sách mà anh đọc.”

“Anh đọc được bao nhiêu chuyện tình rồi?”

“Không biết, rất nhiều, vì luận văn của anh viết về đề tài tình yêu.”

“Anh đang viết luận văn về đề tài tình yêu hả?” Ngải Mễ cảm thấy thực sự khó tin.

“Dĩ nhiên không phải toàn bộ liên quan đến tình yêu, hay nói chính xác hơn là mối liên quan giữa tình yêu và cái chết. Anh chỉ so sánh cách xử lý giữa tác phẩm văn học Trung Quốc và phương Tây về tình yêu và cái chết, có thể nói là thiên về mảng lý luận văn học, nhưng anh không thể không đọc tác phẩm mà so sánh suông, thế nên đành phải đọc thôi.”

Cô liền cười lớn. “Wow, em còn chưa biết đây này, hóa ra anh và ông bố em ngày nào cũng ngồi nghiên cứu tình yêu hả? Em thực sự không dám tưởng tượng, nhưng hình như bố em chẳng có tế bào lãng mạn nào cả.”

“Anh cũng chẳng có tế bào lãng mạn nào cả, vì đọc nhiều, viết nhiều, phân tích nhiều nên có vẻ nhìn tình yêu như một kẻ bàng quan. Do phải trải nghiệm quá nhiều sự bi hoan ly hợp trong câu chuyện của người khác nên khó tránh khỏi sự nhàm chán, khô khan. Sách vở viết về tình yêu, cách thông minh nhất là chỉ viết đến đoạn hai người trao gửi trái tim cho nhau, nếu viết tiếp sẽ để xảy ra rất nhiều vấn đề, không thiên tai nhân họa thì là sự mâu thuẫn trong bản thân nhân vật, viết thêm nữa, kể cả không để xảy ra bi kịch thì cũng trở nên nhạt nhẽo, vô vị.”

Cô lo lắng hỏi: “Thế anh bảo một ngày nào đó liệu tình yêu của chúng mình có trở nên nhạt nhẽo, vô vị không?” Nghĩ đến đây cô lại cảm thấy rất hoảng loạn.

“Anh không biết, nhưng nếu cuộc sống đều như vậy thì kể cả có ngày đó đến, chúng mình cũng không có gì phải ngạc nhiên.”

Tự nhiên cô cảm thấy rất sợ hãi, chỉ muốn khóc một trận thật lớn. “Tại sao tình yêu lại như thế? Em không muốn như thế, em muốn tình yêu của mình sẽ nồng thắm mãi mãi, không bao giờ phai nhạt. Nếu sau này tình yêu của chúng mình trở nên vô vị thì em thà chọn cái chết ngay từ khi còn trẻ, còn hơn là sống đến già.”

Anh kéo cô vào lòng, an ủi: “Thực ra đều là vấn đề định nghĩa mà thôi, nếu em định nghĩa tình yêu là mặn nồng, thắm thiết, đợi đến khi tình yêu không còn mặn nồng nữa, em sẽ cảm thấy tình yêu không còn tồn tại. Nhưng tình yêu có thể có nhiều hình thức khác nhau, như bố mẹ em đó, chắc chắn tình yêu của họ cũng có một thời nồng thắm. Hiện tại tình cảm của họ có thể đã bình lặng như nước, nhưng em không thể nói là tình yêu giữa họ không còn nữa. Họ vẫn yêu thương nhau, họ dạy học, nghiên cứu khoa học, chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng em, trong ấm ngoài êm, đó không phải là tình yêu ư?”

“Đó là tình yêu ư? Có thể chỉ là… tình cảm, hoặc thói quen mà thôi.”

“Thế nên mới nói là vấn đề định nghĩa mà, nếu em định nghĩa cái đó là “thói quen” thì em sẽ cảm thấy đó là thói quen chứ không phải tình yêu. Hạnh phúc là một loại cảm giác, tình yêu cũng là một loại cảm giác, cho dù cuộc sống của em có bao nhiêu tình yêu, em không cảm nhận được thì cũng chẳng khác gì là không có. Nếu em định nghĩa tình yêu là cái gì đó rất hẹp, thì em sẽ rất khó cảm nhận được tình yêu, vì không có mấy tình cảm phù hợp với định nghĩa của em. Nếu em định nghĩa tình yêu theo phạm trù rộng hơn thì sẽ có rất nhiều tình cảm phù hợp với định nghĩa của em về tình yêu, em sẽ luôn cảm nhận được tình yêu. Cuộc đời của con người được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, định nghĩa về tình yêu ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau. Em không nghe người ta nói, nếu hai vợ chổng cùng dắt nhau đến bệnh viện trong lúc tóc đã bạc, da đã mồi thì đó là tình yêu ở giai đoạn đẹp nhất à? Em không thể kỳ vọng hai cụ già đó vẫn nồng nhiệt chiến đấu với nhau được.”

Cô đáp: “Hai người đều tóc bạc da mồi thì chẳng có vấn đề gì cả, nhưng nếu chỉ một người tóc bạc da mồi thì sao? Ví dụ, em đã bước vào tuổi mãn kinh còn anh vẫn đang phong độ ngời ngời thì anh có còn yêu em không?”

“Tình yêu thì có liên quan gì đến tuổi mãn kinh?”

Cô liền bắt chước lời Jane giải thích một hồi, sau đó hỏi: “Nếu em đã bước vào tuổi mãn kinh, không makeove được nữa thì sao?”

“Làm gì có chuyện đó? Anh chưa bao giờ nghe thấy ai nói thế cả. Chẳng lẽ những đôi vợ chồng đến tuổi mãn kinh đều không make love ư?”

Cô vẫn hỏi ngang: “Nếu như thế thì sao? Giả sử là như thế, thì anh làm thế nào?”

“Thì bỏ make đi, chỉ giữ lại love thôi.”

Cô đang tưởng tượng vứt “make” đi kiểu gì thì bất ngờ anh bế thốc cô lên, hỏi: “Hiện tại đã đến tuổi mãn kinh chưa?”

“Chưa.”

“Thế thì nhặt make lên để dùng đã…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.