Sống Chung Thì Có Gì Đâu Ghê Gớm

Chương 11: Vốn là vua tôi, chẳng phải vợ chồng




Trước kia, gã không có biện pháp gì, bởi vì gã đã trở thành cái đinh trong mắt triều đình, làm sao có thể quay về? Chưa kể vợ con của gã còn đang nằm trong tay hai anh em An Bội thị.

Nhưng Trần Khác xuất hiện, khiến gã nhìn thấy hi vọng. Ở thời đại này, Nhật Bản sùng bái Trung Quốc gần như đạt tới đỉnh cao, bọn họ xem Trung Hoa là Tổ quốc trên tinh thần. Bởi tất cả văn hoá, nghệ thuật, các qui chế luật pháp của bọn họ đều học theo triều Đường.

Cho dù bởi vì chính sách bế quan toả cảng, Nhật Bản đã không còn giống như triều Đường khi đó, họ liên tục đưa sứ giả đến Trung Nguyên học tập. Nhưng với trình độ mậu dịch trên biển của Nhật Bản vượt xa triều Đường, các quý tộc Nhật Bản có thể dễ dàng tiếp thu văn hoá triều Tống hơn.

Trong lịch sử của Nhật Bản, triều đại Bình An là một đại từ tao nhã, giống như lời Nguyên thị miêu tả, Thiên Hoàng không hề quan tâm cai quản, luôn bỏ mặc mọi việc, trên cơ bản, công việc đều giao cho Quan Bạch làm. Họ chỉ để ý quan sát phong cảnh nước non, thắp hương cúng Phật, ngâm tụng thơ ca, nghiên cứu thư pháp và trau dồi tình cảm.

Thiên Hoàng trải qua cuộc sống nhàn nhã và đầy tình thú như vậy khiến Quan Bạch đại nhân vô cùng ghen ghét, y cảm thấy cách sống như thế không phải tốt sao? Không mệt mỏi vì công việc, sống rất phong cách và tao nhã, cuộc sống thật phong phú đa dạng, cả ngày chỉ lo tán dóc, ngâm đọc thơ ca rồi viết chữ đề từ. Nhân sinh cả đời, cây cối qua thu, không phải chỉ theo đuổi điều này sao? Chính y vì sao phải mệt mỏi làm việc cơ chứ?

Vì vậy y cũng đem công việc chuyển xuống cho cấp dưới, có hai vị lãnh đạo làm mẫu, toàn bộ tầng lớp quan lại ở Nhật Bản đều làm theo, đem những công việc quốc gia rườm rà, có thể chuyển xuống là chuyển xuống, chuyển xuống không được thì để im tại chỗ, dùng toàn bộ sinh lực cùng tinh lực, theo đuổi một cuộc sống nhàn nhã mà giàu phong cách.

Mà ở thời đại này, Đại Tống chính là biểu hiện cho giàu có, văn minh, ưu nhã, cao quý, quả thật khiến các quý tộc Nhật Bản triều đại Bình An mê mệt. Vì thể hiện thân phận quý tộc, bọn họ sử dụng đồ sứ Đại Tống, mặc lụa Đại Tống, bắt chước lễ nghi trà đạo Đại Tống, đọc thuộc những bài thơ Tống mới nhất. Họ sùng bái điên cuồng những văn nhân với muôn vàn ánh sáng. Mỗi khi có thuyền buôn đến Nhật Bản, tất sẽ được người chờ ở bến tàu hỏi thăm, phải chăng có tuyển tập thơ nào mới ra. Nếu có, tất nhiên trả giá cao mua lấy, kính dâng cho tầng lớp quý tộc và quan lại.

Dưới bối cảnh như vậy, ngày xưa Trần Khác ở Biện Kinh 'làm' chút ít bài thơ Tống, sớm đã được giới quý tộc Nhật Bản ca tụng, nếu người nào không đọc thuộc thơ của hắn, vậy thì chuẩn bị chịu đựng các loại ánh mắt xem thường đi. Chỉ vì không thuộc thơ mà bị tẩy chay rồi tuyệt giao, cũng là chuyện bình thường.

Hiện tại, Trần Khác lấy danh tiếng tân khoa Trạng Nguyên, xuất hiện ở lãnh địa của bọn họ, có thể tưởng tượng sẽ gây chấn động như thế nào. . . Đương nhiên, nếu nói vì Trần Khác giá lâm mà hai bên sẽ ngưng chiến giảng hoà, từ nay về sau biến thù thành bạn, thật cũng quá xem thường quỷ Nhật Bản rồi.

Với một vị chính trị gia tỉnh táo, ở trước mặt lợi ích chính trị, tất cả thơ ca tráng lệ, chẳng qua chỉ là mây bay đẹp mắt mà thôi.

Nhưng bất đắc dĩ ở chỗ, ai cũng không chịu thừa nhận như thế, người ở triều đại Bình An theo đuổi văn hoá ưu nhã, đã gần như bị bệnh. Ai cũng không thể từ chối một vị Trạng Nguyên Thiên Triều đến, nếu không sẽ bị đủ mọi tầng lớp chế nhạo. Chưa kể đại nhân Quan Bạch đã dùng hết sức miêu tả Trạng Nguyên trở thành một con người hoàn mỹ?

Cho nên triều đình nhất định sẽ tạm thời buông lỏng chính trị, giang rộng hai tay hoan nghênh văn hóa, cũng chính là đại nhân Trạng Nguyên Thiên Triều, đến làm khách ở kinh đô.

Cái này khiến Đằng Nguyên Kinh Thanh vốn tuyệt vọng, thoáng cái thấy được hi vọng, cho nên gã viết bức thư này với từ ngữ vô cùng khiêm tốn, dâng lên cho bệ hạ Thiên Hoàng. . . Hai bên dù giao chiến thì Thiên Hoàng vẫn là Thiên Hoàng của cả hai, gã dâng thư cho Thiên Hoàng, ai cũng không thể nói này nói nọ.

Nhưng ở thời đại Nhiếp Quan, dùng danh nghĩa Thiên Hoàng mà nắm quyền, là đại nhân Quan Bạch, cho nên lá thư này, thật ra là gửi cho Quan Bạch.

Đằng Nguyên Kinh Thanh tuyệt đối tin tưởng, đại nhân Quan Bạch Đằng Nguyên Lại Thông, lão nhân đã 'đứng trên đỉnh núi băng, xem những ngọn núi nhỏ' có đầy đủ trí tuệ, hiểu rõ hành động của chính gã, nhất định sẽ lên tiếng. . .

Bởi vì Đằng Nguyên Kinh Thanh biết, nguyên nhân gây ra hợp chiến Lục Áo, mặt ngoài là nhà An Bội tạo phản, triều đình bình định, nhưng thật ra là do Nguyên Lại Nghĩa muốn có được địa khu Đông Bắc nên tự biên tự diễn làm ra một vở kịch sống!

Trước khi Nguyên Lại Nghĩa giữ chức Lục Áo Thủ, thì người của Đằng Nguyên Bắc Gia vẫn quản lý địa khu Đông Bắc, nhưng phẩm hạnh đám quan lại đã biến chất đến tình trạng khó có thể tin được. Bọn họ một mặt theo đuổi cuộc sống ưu nhã, hiển nhiên sẽ không qua lại với đám tù tội lưu đày; nhưng cuộc sống đẹp đẽ, cần lượng lớn tiền tài để xây dựng, Lục Áo với tư cách là nơi sản sinh ra nhiều vàng bạc, ngựa tốt, tự nhiên trở thành đối tượng vơ vét của bọn họ.

Vì đẹp cả hai bên, bọn họ nghĩ ra một chức quan, gọi là 'Xa Lĩnh', có nghĩa người nhận được chức quan này sẽ không đi nhậm chức, mà đem uỷ nhiệm lại cho thuộc hạ, để bọn họ đi quản lý chính vụ, nói trắng ra là vơ vét.

Nhưng ở Lục Áo nơi mà kẻ ác ở khắp nơi, làm loạn như vậy không phải là biện pháp, cho nên đám quan lại chỉ có thể ủy nhiệm gia tộc quyền thế nhất ở địa phương đó là nhà An Bội làm người đại diện, kết quả là thế lực nhà An Bội tăng lên nhanh chóng, khống chế cả địa khu Đông Bắc, thậm chí bắt đầu xây dựng thành luỹ, dùng đủ loại phương thức trốn thu thuế, mơ hồ hình thành nửa vương quốc độc lập.

Mắt thấy nếu không kịp thời chỉnh đốn, Lục Áo sẽ độc lập, triều đình cuối cùng quyết định phải cho nhà An Bội biết điều một chút. Nhưng đến lúc làm mới phát hiện, đám quan lại an nhàn mấy đời, đã biến thành một đám mọt gạo (ý chỉ ăn rồi chờ chết), đừng nói họ còn tác dụng gì, ngay cả bảo đi còn đi không nổi...

Bị người trong nhà dùng đủ lý do từ chối, thật ra là sợ đám bỏ đi này làm hỏng cục diện, đại nhân Quan Bạch bổ nhiệm con của đệ nhất võ tướng Nguyên Lại Tín là Nguyên Lại Nghĩa làm Lục Áo Thủ, ra lệnh cho y chỉnh đốn tình hình Đông Bắc. . . Đối với việc tập đoàn võ sĩ nổi dậy, Quan Bạch thật ra rất kiêng kị, nhưng không còn cách nào khác, đám quan lại đã nát đến không còn gì, giống như trong công việc nội bộ, chỉ có thể trông cậy vào những quan viên tầng dưới, ở quân sự, ngoại trừ tập đoàn võ sĩ mới xuất hiện, thì không có lựa chọn nào khác. . .

Nguyên Lại Nghĩa là con cháu hoàng tộc, nhưng gia tộc y chính thức phát triển, là khi tổ tiên của y bắt đầu tòng quân. Không có biện pháp, người nhà Đằng Nguyên ngày càng nhiều, lấy hết tài nguyên của triều đình, không nói con cháu Thiên Hoàng chịu ủy khuất xuống làm bề tôi, vì sinh tồn của bản thân, họ còn phải làm những việc chém chém giết giết này. Kết quả trải qua mấy đời, liền sáng lập danh môn nhà võ “ Thanh Hòa Nguyên thị”!

Nguyên Lại Nghĩa vừa đến Lục Áo, An Bội Lại Thì dựa vào uy danh của Thanh Hòa Nguyên thị, lập tức cúi đầu thoả hiệp, tạm nhân nhượng vì lợi ích toàn cục, không dám không tuân theo. Y thấy rất rõ ràng, triều đình tuy lo lắng họ An Bội, nhưng càng sợ họ Nguyên khống chế Lục Áo. Dù sao họ An Bội xuất thân thấp kém, chỉ có thể gây sức ép ở Đông Bắc, nếu để họ Nguyên chiếm cứ Lục Áo..., có tin bọn họ lập tức khiêu chiến với Đằng Nguyên gia hay không?

An Bội Lại Thì quả đoán không sai, tháng tám năm Thiên Hỉ thứ tư, cũng chính là năm Gia Hựu đầu tiên của Đại Tống, Nguyên Lại Nghĩa cũng kết thúc nhiệm kỳ, triều đình lập tức bổ nhiệm người nhà Đằng Nguyên tiếp nhận chức vụ, không hy vọng y ở lại Lục Áo. Không ngờ Nguyên Lại Nghĩa ác hơn, ngay trước khi nhường lại chức vị, đột nhiên tâu An Bội Lại Thì mưu phản!

Điều này khiến cho tân nhậm Lục Áo Thủ Đằng Nguyên Lương Cương sợ hãi, gã gào khóc không chịu nhậm chức, thậm chí dùng cái chết ép buộc, khiến triều đình không thể không để lại chức vụ cho Nguyên Lại Nghĩa.

Đằng Nguyên Kinh Thanh cho rằng, kỳ thật Quan Bạch luôn đề phòng sự bàn tính như ý của Nguyên Lại Nghĩa, điều này từ việc triều đình vẫn luôn không đưa quân đến trợ giúp mà chỉ hờ hững nhìn Nguyên Lại Nghĩa huy động binh lực nhà mình tấn công nhà An Bội, có thể đoán được chút manh mối – rõ ràng họ đang toạ sơn quan hổ đấu (ý là xem rõ thế cục rồi mới hành động) mà thôi!

Hơn nữa, sau khi suy ngẫm từ việc đã qua, Quan Bạch có ý muốn chiêu hàng An Bội Lại Thì, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu ban đàu gã đồng ý gia nhập nhà An Bội. Nhưng không ngờ Nguyên Lại Nghĩa lại dùng kế ly gián loại bỏ An Bội Lại Thì, hai bên liền rơi vào tình thế không chết không thôi. Chưa kể An Bội Lại Thì chết quá bất ngờ, không thể dạy hai đứa con trai cho tốt, kết quả hai tên anh rể của gã, thật quyết tâm cùng triều đình chơi tới cùng!

Ở cuộc chiến Hoàng Hải, Nguyên Lại Nghĩa thất bại nặng nề, khiến triều đình thấy được thực lực khủng bố của nhà An Bội, mà An Bội Trinh Nhâm cùng An Bội Tắc Nhâm có thái độ dứt bỏ quan hệ, làm đám quan lại quyền quý quen sống ỏng ẹo sợ hãi, cuối cùng phải nới lỏng dây thừng thắt họ nhà Nguyên, để bọn họ nhanh chóng khôi phục thực lực.

Nguyên Lại Nghĩa không chút khách khí mở to miệng máu, muốn quân đội, muốn nguồn thu thuế, muốn quặng mỏ, giống như muốn ăn chết triều đình, Đằng Nguyên Kinh Thanh không tin, người có trí tuệ như đại nhân Quan Bạch có thể yên lòng ngủ sao?

Gã muốn dùng cơ hội này, để Quan Bạch hiểu được, một người con cháu nhà Đằng Nguyên như gã, vẫn có khả năng thay đổi cục diện. Gã tin thông minh như đại nhân Quan Bạch không thể không hiểu điều này. . . Dưới lời mời nhiệt tình của Đằng Nguyên Kinh Thanh, Trần Khác đi lên đảo chính của Nhật Bản, sau khi ở lại thành Trường Cương loạn lạc vài ngày, đặc sứ của Thiên Hoàng quả nhiên đi đến thành Trường Cương, chân thành mời Trần Khác đến làm khách ở kinh đô.

Trần Khác vốn không muốn làm náo nhiệt, nhưng thuyền của hắn 'hư hỏng' ghê gớm, muốn hoàn toàn 'chữa trị' phải cần một tháng. Đã ở lại Nhật Bản lâu như vậy, mà từ chối lời mời của vua người ta, rõ ràng vô cùng thất lễ. Cho nên sau khi trải qua 'cân nhắc thận trọng', hắn đồng ý đến kinh đô.

Đúng rồi, vị đặc sứ kia tên là Đằng Nguyên Lương Cương, xét về quan hệ còn là ngũ phục đường thúc (chú họ) của Đằng Nguyên Kinh Thanh. Sau khi tiễn Trần Khác đi khỏi, dáng vẻ của Đằng Nguyên Kinh Thanh thoải mái hơn nhiều, rõ ràng đã nhận được hứa hẹn gì đó từ phía thúc thúc Lương Cương. . .

Trần Khác không biết tính toán của Đằng Nguyên Kinh Thanh, nhưng nghe gã vô cùng kiên nhẫn giới thiệu hắn ở kinh đô được hoan nghênh như thế nào; còn kể cho hắn nghe đủ loại quan hệ phức tạp của các nhân vật lớn ở kinh đô, hắn liền biết mình bị thằng cha này 'đầu cơ kiếm lợi'.

Hắn sở dĩ không vạch trần, ngoại trừ có âm mưu với đảo Tá Độ, còn có nguyên nhân không tiện nói ra. . . Chỉ khi nào biết được tình hình đất nước họ, sau này mới có thể chuẩn bị tốt phương án đối phó, hắn không dại làm cái việc ngu xuẩn khiến 'người thân đau đớn, kẻ thù sung sướng', nếu không ngàn năm sau để những người trẻ tuổi chửi chết?

Huống chi, trong lịch sử Nhật Bản, triều đại Bình An nổi tiếng gần bằng thời đại Chiến Quốc, khác với thời đại Chiến quốc nổi tiếng nhờ chiến tranh, đó là một thời đại ưu nhã mà đẹp đến huyền ảo. . . Đương nhiên, đây là hiểu biết từ đời trước. Nếu đã dễ dàng đến được đây, tại sao không tranh thủ thưởng thức một chút?

Còn nữa, với một người háo sắc, tại sao không nhân cơ hội này trải nghiệm sự mềm mại của nữ nhân Nhật Bản cơ chứ?

Tóm lại, có rất nhiều lý do ủng hộ hắn đến kinh đô. Nhưng nói cho cùng, có lẽ vẫn do nửa thân dưới tác động.

Sau khi đến kinh đô, hắn được hoan nghênh vô cùng nhiệt liệt, phải nói là từ trước tới nay chưa có ai được tiếp đón như hắn, Đằng Nguyên Giáo Thông là em trai song sinh của Quan Bạch Lại Thông, tự thân dẫn theo toàn bộ quan viên đón hắn khi còn ở ngoài kinh đô hai mươi dặm. Toàn bộ phu nhân trong kinh đô, dù kết hôn hay chưa, tất cả đều đến nghênh đón hắn, tình cảnh náo nhiệt đủ thoả mãn thói hư vinh của con người.

Sau đó, Thiên Hoàng Hậu Lãnh Tuyền ở trong cung Thanh Lương tổ chức yến hội long trọng, vì khách phương xa làm bữa cơm tẩy trần, hoàng hậu tự mình rót rượu cho hắn, cũng ở trước mặt mọi người thừa nhận là người hâm mộ của hắn, lòng hư vinh của Trần Khác đã rất thoả mãn.

Qua ngày tiếp theo, Quan Bạch Đằng Nguyên Lại Thông, cùng hắn ngồi ngang hàng trong nội đường viện Phượng Hoàng, mở tiệc chiêu đãi vị Trạng Nguyên Đại Tống này, ngay cả con gái cùng vợ bé của y, cũng không hề che dấu thái độ, hi vọng trong khoảng thời gian này được hầu hạ hắn. Mà đám quan viên trong sân ào ào kêu, tình nguyện trả bất cứ giá nào, hi vọng được hắn lưu lại chút giống. . . Tuy bị xem như ngựa đực, nhưng lòng hư vinh của Trần Khác cũng liên tiếp được thoả mãn..

Sau đó, đám quan viên tranh nhau mời hắn, mời hắn cùng nghe ca hát, xem biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức trà đạo, mời hắn bình luận thơ ca. . . Lòng hư vinh của hắn đầy đến mức không biết để vào đâu.

Nhưng có phát hiện ra không? Hắn được thỏa mãn, hình như chỉ có lòng hư vinh, về phần sắc tâm, ham muốn, cảm giác, hưởng thụ các loại nghệ thuật. . . Có thể không cần nhắc đến sao? Đó là ác mộng thật sự là ác mộng!

Được rồi, có lẽ mọi người đều muốn biết, vậy thì nói sơ qua đi. . .

Đầu tiên phải thừa nhận, kinh thành thật sự rất đẹp, kiến trúc lộng lẫy, chùa nhiều như rừng, nhưng cùng lắm chỉ có thể sánh ngang thành Đại Lý. Nhưng thành Đại Lý là đẹp tự nhiên, mà kinh thành nhìn chung giống như thành thị Trung Quốc, nói cho đúng là phiên bản hơi thu nhỏ của thành Lạc Dương. Trần Khác đã nhìn thấy thành Lạc Dương thật ở thời đại này, thì sao có thể có hứng thú với hàng nhái được đây?

Đây là mặt hắn đánh giá cao nhất. Về phần người sống ở bên trong, thật sự không biết giải thích thế nào, rất kinh hãi. Sở dĩ không biết giải thích, là vì hắn không rõ khả năng tự giày vò bản thân đến mức biến thái của họ, còn kinh hãi là do hiệu quả của sự giày vò. . .

Trước tiên nói về nam giới. Theo nội dung của « Nguyên thị vật ngữ » và trong tranh châm biến Nhật Bản, bỏ đi quần áo đẹp đẽ quý giá, bỏ đi cái khí chất cao quý của đám quan viên, quần áo của họ thì có da thú, đai lưng, trang phục, lên tới cả một danh mục, hơn nữa tất cả đều là mũ cao, thắt lưng lớn, rộng thùng thình. Nhất là trang phục của đám quan viên khi vào yết kiến Thiên Hoàng, phía sau mông là một 'tà áo dài', giống như đuôi áo cưới đời sau vậy, mà ngắn nhất là hai trượng, cái này thật quá lãng phí vải.

Nghĩ lại, một đám đàn ông nhỏ bé cao chưa tới một mét bốn, mặc áo choàng rộng thùng thình, trên đầu đội cái mũ cao nửa mét, đằng sau là một cái tà áo dài năm mét, kiểu hình gì đây?

Về phần nữ quý tộc, càng khiến người khác dừng lại nhìn. Lúc họ ra nghênh đón thì mang 'trang phục bình', bên trong là cái áo choàng lỏng lẻo sụt xuống, trên đầu mang mũ rộng vành, trên mũ rộng vành rũ xuống một cái khăn che mặt, không để ý có thể dẫm trượt chân, phía xa nhìn tới y như cái bình rượu.

Nghĩ lại, lúc Trần Khác mang đầy hi vọng đi vào kinh đô, nhìn thấy vô số bình rượu đủ các màu sắc chào đón mình thì có tâm trạng gì? Đương nhiên, hắn tiếp xúc nhiều cũng quen, đoán chừng do họ thẹn thùng, không muốn lộ mặt, đây là tập quán nha, không có gì đáng cười.

Hơn nữa, nữ quý tộc Nhật Bản khi tụ hội, sẽ mặc “Thập nhị đơn” là trang phục trong truyền thuyết, loại trang phục được coi có kiểu dáng xa hoa nhất, màu sắc rực rỡ nhất, giống như một đám mây ngũ sắc đang thiêu đốt! Mang loại lễ phục này, nhìn lên năm màu rất rực rỡ, lại có một vẻ đẹp cổ điển mà trang nghiêm, tác động mạnh đến thị giác. . . Ngay cả Liễu Nguyệt Nga, người chỉ thích các loại trang bị chiến đấu không ưa thích trang sức, đều động tâm muốn mặc thử một lần.

Nhưng lúc nàng được các nữ quý tộc Nhật Bản giúp mặc vào, suýt chút nữa sụp xuống. Bởi vì cái gọi là “Thập nhị đơn”, chính là đem mười hai chiếc áo đơn chồng lên nhau rồi mới mặc vào. . . Nên nhớ, kỹ thuật dệt bây giờ còn chưa bằng sau này. Triều Tống tuy có thể làm ra lụa mỏng như cánh ve, nhưng khác với sau này, thứ tốt đều lưu lại trong nước dùng, sản phẩm kém hơn mới đem ra nước ngoài. Chưa kể người Nhật Bản sau khi mua được lụa, còn thích nhuộm đi in lại, sau đó thêu thùa, kết quả làm vải trở nên rất nặng.

Biết 'Thập nhị đơn' nặng bao nhiêu không?

Đáp án là từ hai mươi đến bốn mươi cân (một cân Trung Quốc bằng 1/2 kg). Trang phục mùa hè nặng hai mươi cân, còn trang phục mùa đông nặng tới bốn mươi cân, bây giờ là tháng chạp đang rét đậm, cho nên Nguyệt Nga muội tử mặc là trang phục mùa đông.

Hơn nữa, nữ quý tộc Nhật Bản không biết có tâm lý như thế nào, có lẽ là khoe của? Còn thường xuyên vượt qua thập nhị đơn, Trần Khác nghe họ nói, thậm chí còn có người mặc cả “Nhị thập đơn”! Chỉ sợ sáu mươi cân cũng không là gì, ngay cả áo giáp của quân lính Đại Tống, được ghép từ một ngàn tám trăm hai mươi lăm miếng giáp, tạo thành áo giáp bộ binh hạng nặng, cũng mới chỉ nặng chừng này. . . Mà đây đã là áo giáp nặng nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Đây là bằng chứng để đám văn nhân yếu ớt của Đại Tống bảo, 'Má nhà nó, ngay cả đàn bà Uy quốc cũng chẳng bằng?' đó là người không biết nói, ngay cả Gothic của Châu Âu, mặc giáp toàn thân, nổi tiếng bởi sự nặng nề của bộ giáp cũng mới được bốn mươi cân mà thôi.

Hơn nữa đại binh cũng không mặc khôi giáp cả ngày, khi hành quân họ đều để trong xe ngựa, chỉ đến khi chuẩn bị chiến đấu mới mang vào, vậy mới nói 'mặc giáp trụ ra trận'.

Nhưng nữ quý tộc Nhật Bản khi gặp người khác nhất định phải mặc 'Thập nhị đơn'. . . Lại thêm những thứ trang sức rườm rà như khăn tay, quạt,... Mà một lần mặc là mặc cả ngày!

Trần Khác rất muốn biết, các chị em này làm sao chịu qua được mùa hè?

Hắn nghe nói phu nhân quý tộc Nhật Bản sống lâu là hai mươi bảy tuổi, mà dân nữ bình thường sống hơn bốn mươi tuổi, trước kia đều rất kỳ quái, hiện tại đã hiểu. Thì ra các quý phụ không phải chết nhịn, thì là chết đè, hoặc là chết mệt. . .

Tất nhiên, người đã quen với cái đẹp đơn giản của triều Tống, rất không quen loại trang phục dồn lại một đống như thế này, nhưng đối với Trần công tử đã quá quen việc cởi đồ thì, cũng chỉ hơi phiền toái chút thôi. Huống gì, hắn không cần ra tay, người khác cũng sẽ chủ động cởi hết. . .

Nhưng Trần Khác không hề có chút hứng thú, bởi vì còn có thứ kinh khủng hơn cả trang phục, là khuôn mặt của họ. Trước đã nói, nam quý tộc Nhật Bản đều thoa phấn, cạo lông mày rồi điểm mực, đứng trước nam quý tộc Nhật Bản, người phụ nữ Nhật Bản có đẹp cũng không vượt qua được.

Xem Nhật Bản múa truyền thống chưa? Khuôn mặt trắng đó là bắt chước triều đại Bình An. . . Hơn nữa, đó chỉ hoá trang một chút, dù sao khi họ mở miệng, răng họ đều trắng.

Mà ở triều đại Bình An, không kể nam nữ quý tộc, tất cả đều coi 'răng đen' mới đẹp...

Răng đen, tức nhuộm đen hàm răng, nghe nói hàm răng đen sẽ giúp làn da trắng trở nên nổi bật. Vì thế, quan lại quý tộc triều đại Bình An, sau khi tổ chức lễ trưởng thành, dù nam hay nữ, cũng sẽ bôi một loại thuốc nhuộm màu đen có tên 'Tương sắt' lên răng của mình, để nói cho người khác biết rằng họ đã bước vào tuổi kết hôn....

'Tương sắt' ở đâu ra? Đầu tiên dùng trà, rượu, dấm chua trộn lẫn với nhau, sau đó bỏ vụn sắt vào, đặt ở chỗ tối lên men khoảng hai tháng, tạo thành tương sắt có mùi hôi. Tiếp đó điều hoà bằng 'bột Ngũ Bội Tử' (một vị thuốc đông y), sẽ được một loại chất lỏng sền sệt màu đen khá tanh. Thứ nước này rất độc và có hại. Nam nữ quý tộc ở triều đại Bình An, mỗi tuần đều bôi răng một hai lần. Thật không hiểu họ nghĩ cái gì.

Lúc Trần Khác xem « Nguyên thị vật ngữ », nhớ rõ một tình tiết nói về Tử Cơ, một tuyệt thế mỹ nữ, lúc còn nhỏ cũng không nhuộm răng, nhưng sau khi bị họ Nguyên nhận nuôi, răng Tử Cơ liền bị bà ngoại nhuộm đen đi, khiến Tử Cơ nhìn 'đẹp hơn'. Lúc ấy hắn không hiểu, chẳng lẽ cứ là quý tộc thì răng trong miệng phải đen?

Khi hắn ở trong thành Trường Cương, chỉ thấy một người răng đen, đó là thủ thành Đằng Nguyên Kinh Thanh, còn tưởng gã không vệ sinh sạch sẽ, không thèm đánh răng. Đến khi đi vào kinh thành Nhật Bản mới thấy, trời đất ơi, tất cả các quý tộc đều quái dị y như nhau! Nghe nói cũng có một vị nữ quý tộc nhưng không phải 'quý tộc hoàn toàn', kiên quyết từ chối nhuộm răng đen, kết quả cho đến già cũng chưa ai lấy, khiến mẹ cô này buồn gần chết. Về sau khó khăn lắm mới tìm được một vị công tử có 'khẩu vị quái dị', rồi miễn cưỡng trở thành một cặp...

Nghĩ lại, Trần Khác bị một đám 'phu nhân ưu nhã' cao khoảng một mét ba mấy, eo quấn vải cũng lớn một mét ba, trên mặt trét một lớp phấn trắng dày cộm, trong miệng toàn răng đen, mở miệng còn có mùi hôi bay ra bao quanh, đừng nói đến chuyện săn tình, hắn còn muốn đập đầu vào tường mà chết cho rồi!

Những 'mỹ nữ' có hương vị nặng như vậy, cho dù biết quan tâm, lại hiền dịu, Trần Khác vẫn muốn hô to một tiếng: 'Quỷ a!'

Vì thế mấy ngày này ở kinh đô, hắn thấy Nguyệt Nga càng lúc càng đẹp, giống y như tiên nữ vậy!

Đã không ăn được mỹ nữ, vậy ăn thức ăn đi. Đời trước, Trần Khác có ấn tượng rất tốt về đồ ăn Nhật Bản, các loại nguyên liệu tươi sạch, được đầu bếp nấu nướng cẩn thận, giữ được hương vị tự nhiên, trang trí khéo léo trên những món đồ đựng tinh xảo, khiến vị giác cùng thị giác đồng thời hưởng thụ, hơn nữa đồ ăn Nhật còn được xưng là đồ ăn bảo vệ sức khoẻ.

Lúc ở Đại Tống, hắn tự mình làm sushi kiểu 'wasami', đáng tiếc không giống, lần này tới kinh đô, hắn muốn ăn cho đã, sau đó kiếm hai gã đầu bếp nổi tiếng mang về, chuyên môn làm thức ăn cho mình!

Sau khi đi vào kinh đô, hắn tham dự các loại quốc yến, thịnh yến, đại yến, ăn tới gần hỏng ch*m!

Ở nơi quỷ quái này, không ngờ không ăn thịt! Dân Đại Lý thờ Phật, cũng chỉ không ăn thịt nửa năm, ở đây từ Thiên Hoàng cho đến các quan viên, đều không chạm đến một chút thức ăn mặn! Nghe bọn họ nói thì thịt chỉ dành cho đám người thấp kém, ăn thịt của loài bốn chân thì kiếp sau sẽ đầu thai làm súc sinh, cho nên chỉ có nông dân, thợ săn cùng võ sĩ cấp thấp mới ăn thịt. Nếu đám quan viên dám đụng đến một chút thức ăn mặn. Một khi để người khác biết, cũng giống như ở thời hiện đại bị người khác phát hiện ngươi ăn thịt người vậy!

Khi đó không cần phải ló mặt ra xã hội nữa rồi.

Nghe nói trước kia, vẫn có thể ăn cá. Nhưng vài chục năm trước, có một vị Thiên Hoàng đặc biệt sùng kính Phật, cảm thấy những loài sống ngoài biển cũng là thức ăn mặn, dứt khoát hạ chỉ cấm ăn cá tôm sò hến, ngoại trừ thức ăn chay cái gì cũng không được ăn! Càng bó tay chính là lệnh cấm này vẫn được chấp hành cho tới hôm nay.

Vì vậy trong những ngày này, Trần Khác chỉ ăn cơm trắng, cơm nắm, bánh mật, cùng các loại đồ muối với súp tương. Tất nhiên, yến hội cấp cao không thể đơn giản như vậy, có thêm hạt dẻ, đậu nạp, quả mơ, đồ ăn là các loại 'cống phẩm phương xa' đưa đến, sau khi ăn xong dùng một ly trà cùng vài miếng bánh bột gạo, đây chính là đỉnh cấp quốc yến.

Tuy đỉnh cấp nghe rất êm tai, nhưng thật ra còn không bằng bữa ăn của nông dân Đại Tống.

Bọn họ biết đồ ăn của họ quá thiếu thốn, cho nên rất áy náy nói với Trần Khác:

- Đại nhân tới thật không đúng thời điểm, nếu đại nhân tới khi xuân hè thì còn có thể thưởng thức củ cải cùng rau cải...

Trần Khác nghe xong mắt trợn trắng, ông đây không phải con thỏ!

Hắn cũng không cần đồ ăn, đồ biển, bạch tuộc hay gì rồi, nhưng có thể có sushi chứ? Hắn hỏi thử, kết quả là có, vì vậy đến lần yến hội kế tiếp, chủ nhân mang lên một bàn 'sushi' vô cùng cẩn thận cứ như đang dâng báu vật vậy. Đúng vậy, là sushi, chính chủ nhân giới thiệu như thế, nhưng Trần Khác nhìn kiểu gì cũng thấy đây là 'thức ăn cho chó'!

Được chủ nhân giới thiệu nhiệt tình, hắn mới biết, loại sushi này dùng cá, bã rượu, muối, dấm chua, cơm trộn chung một chỗ, chặn tảng đá để lên men mà tạo thành, ngoại trừ không bỏ thêm rỉ sắt, thứ này giống y như nước bôi răng của họ vậy, hơn nữa mùi còn tanh hơn.

Hắn vô cùng nghi ngờ, đây là kiệt tác của những quý tộc phản nghịch. Triều đình không phải không cho ăn cá sao? Ta đây băm nát cá trộn với cơm, sau đó cho lên men tạo ra mùi thúi, xem ngươi làm sao phân biệt được!

Nhìn đám quan lại cùng các quý phụ ăn ngon lành, Liễu Nguyệt Nga vô cùng buồn nôn.

Trần Khác thật không thể tiếp tục nhìn, liền gọi đầu bếp của hắn dạy cho những đứa trẻ đáng thương này, làm thế nào biến miso trở thành súp. . . Ở thời đại Chiến Quốc, súp miso là thức ăn nhanh trên chiến trường, lúc này còn chưa làm ra, mà người ở triều đại Bình An lúc này chỉ biết lấy miso làm nước tương. Cùng với việc làm cách nào để biến cơm, dưa chua cùng rong biển cuốn lại thành sushi cuộn.

Hai loại đồ ăn này xuất hiện, liền gây chấn động thật lớn, rất nhiều quan viên chảy nước mắt nói:

- Hôm nay mới biết, thì ra đồ ăn còn có chất thơ như vậy. . .

Vì vậy liền lấy súp miso đặt tên là súp Trạng Nguyên, sushi cuộn đặt tên là sushi Trạng Nguyên, thậm chí còn trang trọng ghi lại vào quốc sử: 'Tháng chạp năm Khang Bình đầu tiên, Trạng Nguyên Thiên Triều thượng quốc Trần Công đến dạy âm nhạc, dạy thơ ca, lưu truyền nhiều bức tranh đẹp. Cũng dạy làm 'súp Trạng Nguyên', 'sushi Trạng Nguyên' thành thức ăn của Uy quốc. . .'

Trở về từ yến hội, Trần Khác thấy Nguyệt Nga tinh thần hoảng hốt, không khỏi ân cần hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

Liễu Nguyệt Nga sắc mặt trắng bệch, âm thanh như muỗi kêu nói:

- Ta có lẽ có rồi?

- Có rồi cái gì?

Trần Khác trừng mắt nói.

- Có em bé. . .

Liễu Nguyệt Nga méo miệng, gạt lệ nói:

- Hu hu, ông nội sẽ đánh ta chết.

- Làm sao có cơ chứ?

Trần Khác cảm giác rất kỳ quái nói:

- Vì sao cô nói như vậy?

- Ta buồn nôn liên tục. . .

- Đó là bị món ăn nổi tiếng của Uy quốc gây ra, hiểu chứ?

Trần Khác cười khổ nói:

- Hai chúng ta cũng không làm cái kia, làm sao có thể có được?

- Tại sao không có. . .

Liễu Nguyệt Nga mặt như tấm vải đỏ, nói:

- Ta bị ngươi hôn đến như thế. . .

- Ha ha ha ha. . .

Trần Khác nhịn không được cười ha hả.

- Còn cười!

Liễu Nguyệt Nga dùng tay nhéo hắn nói:

- Ta sợ muốn chết... ngươi còn cười. . .

- Ha ha ha, để cho ta cười xong. . .

Trần Khác suýt cười đau cả hông, thấy Liễu Nguyệt Nga chuẩn bị sư rử gầm, hắn mới dừng lại nói:

- Là ai nói với cô, hôn một cái sẽ mang thai vậy?

- Chẳng lẽ không phải?

Liễu Nguyệt Nga trừng mắt nói:

- Bà nội ta luôn nói như thế. . .

Trần Khác cười ôm bụng, sau đó nói cho nàng biết làm cách nào để nam nhân cùng nữ nhân có thể tạo ra người thứ ba, Liễu Nguyệt Nga nghe xong vô cùng ngại ngùng. Cuối cùng có chút u oán nói:

- Thế ngươi còn đắn đo điều gì?

- Ta thì có điều gì để mà băn khoăn.

Trần Khác cười tủm tỉm, vuốt ve khuôn mặt đỏ chót của nàng:

- Ta chỉ muốn cho nàng một đêm hoàn mỹ mà thôi. . .

- Đáng ghét.

Liễu Nguyệt Nga nói xong, liền hôn lướt qua khuôn mặt của hắn, ngượng ngùng nhìn hắn nói:

- Ngươi thật ngốc, sẽ không có đêm nào hoàn mỹ như đêm đó. . .

Hai người đang nói ngọt với nhau, đột nhiên ngửi thấy mùi thịt truyền đến, sắc mặt Trần Khác lập tức thay đổi, đi theo mùi hương đến phần sân của đám thị vệ. Phát hiện đám này vì quá thèm ăn thịt nên thuận tay bắt mấy con chó đem về, cạo lông rửa sạch, bỏ vào nồi luộc còn nêm thêm chút muối. . .

- Lớn mật, cũng dám ăn vụng sau lưng ta!

Trần Khác tức giận nói, sắc mặt đám thị vệ liền ảm đạm, lại nghe hắn đổi giọng nói:

- Để lại hai cái cẳng cho ta. . .

----------------------------

Bọn thị vệ cười lớn, thì ra đại nhân cũng muốn ăn thịt đến phát điên rồi.

Bọn Trần Khác mới không ăn thịt nửa tháng, liền trộm chó của người ta thịt ăn, thế nhưng có không ít quan viên Nhật Bản rất cực đoan, không chỉ ăn chay cả đời, còn rất tin vào mấy lời nói dối của hòa thượng, hoàn toàn không ăn đồ ăn, mỗi ngày ngoài ăn cơm thì chỉ có nước cơm, miễn cưỡng lắm mới bỏ thêm chút muối. . . Thật sự quá dễ nuôi rồi!

Nhưng không thể vì thế mà nói bọn họ 'đơn giản', đơn giản, dùng hai chữ này tức làm hoen ố triều đại Bình An. Tuy ăn uống có hơi nhạt nhẽo, nhưng yêu cầu của bọn họ về đồ ăn, dụng cụ pha rượu cùng dụng cụ ăn uống rất cao, tất cả phải mạ vàng quét nước sơn, phải xa hoa, hoàn cảnh cùng ý cảnh cũng phải đạt đến đỉnh cao, đình thuỷ tạ là cơ bản, âm nhạc cùng múa nhất thiết phải có. . . Đây chính cách thức sinh sống của Nhật Bản, đồng thời đó cũng bắt đầu cho kiểu ăn, bày bên trong một mâm đồ ăn lớn chỉ có đúng một đũa thức ăn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.