Sau Khi Đối Thủ Một Mất Một Còn Mang Thai Con Của Tôi

Chương 15




(Tiểu Mai)

Vương Mộng Trinh, con nhà thế gia ở Mộng Am, đi chơi Triết Giang, tình cờ gặp một bà lão ngồi khóc ở giữa đường. Vương hỏi căn do bà lão cho cho biết chồng bà ta chỉ để lại một con trai, nay nó phạm tội tử hình, không biết nhờ ai cứu được.

Vương tính khẳng khái. Vương hỏi rõ họ tên rồi xuất tiền túi, tìm cách xoay sở gỡ tội cho. Chàng trai kia được tha, nghe tin Vương đã cứu mình, ngỡ ngàng không hiểu duyên cớ ra sao, vội tìm đến nhà trọ khóc lóc mà lạy tạ. Vương an ủi:

- Chẳng có duyên cớ gì đặc biệt. Ta chỉ vì thương mẹ già anh đó thôi.

Chàng kia kinh ngạc, nói mẹ mình đã chết từ lâu. Vương cũng lấy làm lạ.

Tối đến, bà lão đến tạ ơn. Vương trách bà nói dối. Bà ta bày tỏ:

- Xin cho thưa thực: tôi chính là con hồ già ở Đông Sơn. Hai mươi năm về trước, có đêm tôi đã ân ái cùng cha hắn. Bởi vậy nay tôi không thể đành lòng thấy hắn chết làm con ma tội lỗi đói khổ.

Nghe mà rợn tóc gáy, nhưng Vương vẫn đáp lễ, định hỏi thăm cho rõ chuyện thì bà lão đã biến mất.

Vợ Vương là người hiền hậu, ăn chay niệm Phật không uống rượu. Nhà có thờ tượng Quan Âm, lúc nào cũng được lau chùi sạch sẽ, đèn hương cúng bái hàng ngày để cầu tự vì chị ta chưa có con trai.

Thần, Phật cũng linh, thường báo mộng dạy điều thiện trách điều ác, vì thế mọi việc trong nhà dường như đều so thần linh chỉ dẫn. Sau khi bệnh nặng, vợ Vương sai dời giường kê vào một góc gian thờ, còn cửa thì cứ đóng im ỉm suốt ngày đêm, dường như có điều gì ẩn dấu. Vương nghi hoặc nhưng lại nghĩ vợ bệnh hoạn mê mẩn, không nỡ trái ý. Nằm liệt hai năm, vợ Vương rất sợ tiếng ồn, thường sai che chỗ nằm kín mít, không cho ai vào. Song lắng nghe kỹ hình như chị ta vẫn chuyện trò to nhỏ cùng ai trong đó. Đến khi mở cửa ra thì chẳng có ai.

Trong suốt thời gian nằm bệnh chị ta không hề tỏ ra lo buồn, duy chỉ ngày ngaỳ sốt sắng giục giã chồng tìm nơi gá nghĩa cho đứa con gái mười bốn tuổi. Gả được con gái xong, chị ta mời chồng lại đầu giường, cầm tay trăn trối:

-Bây giờ đã đến lúc vĩnh biệt. Khi tôi mới ốm, được Bồ Tát báo mộng rằng vận tôi sắp hết nay mai. Tôi còn có điều chưa an tâm là con gái chưa thành gia thất cho nên ngài cho tôi chút thuốc kéo dài hơi tàn đợi con gái về nhà chồng. Năm ngoái đức Bồ Tát từ Nam Hải vể, có để thị nữ Tiểu Mai hầu hạ tôi trong những ngày thoi thóp. Nay tôi chết đi, Tiểu Mai phận mỏng không biết về đâu. Tôi rất thương thằng Bảo Nhi, chỉ sợ sau này chàng lấy phải vợ kế hay ghen thì mẹ con nó mất nơi nương tựa. Vì vậy, Tiểu Mai nhan sắc tươi đẹp, tính nết hiền hòa, mình nên lấy làm vợ kế cho vẹn cả mọi bề.

Bảo Nhi là đứa con trai do người thiếp của Vương sinh ra. Vương nghe vợ dặn dò thế, cho là nói vẩn vơ mới nhủ lại rằng:

- Mình vẫn thờ kính Thần Phật, nay nói ra những điều lạ lùng như thế, e sàm sỡ gì chăng?

Vợ nói tiếp:

- Tiểu Mai đã quên mình phục dịch tôi hơn một năm nay rồi. Tôi cạn lời cầu cạnh nên Tiểu Mai đã nhận lời.

Hỏi Mai đâu, vợ hỏi lại:

- Không có trong buồng ư?

Vương vừa định hỏi nữa thì vợ Vương đã nhắm mắt tắt thở. Đêm ấy Vương ngồi một mình bên màn coi thi hài vợ, thoáng nghe trong buồng có tiếng nức nở. Tưởng là ma sợ quá, vội gọi người mở khóa cửa buồng ra xem. Hóa ra đó là một cô gái tuyệt trần, tuổi chừng đôi tám, mặc áo sô ngồi trong đó. Mọi người thấy vậy cho là thần, ai nấy đều cúi lạy. Cô gái lau nước mắt, đỡ mọi người dậy. Vương chăm chăm nhìn, nàng cúi đầu e thẹn. Vương bảo nàng:

- Nếu lời trối trăn của vợ tôi đã khuất không phải là mê sảng thì xin mời nàng lên nhả trên cho con trẻ, đầy tớ trong nhà được làm lễ lạy chào. Nếu không kẻ hèn mọn này đâu dám mơ tưởng hồ đồ mà đành chịu đác tội với vong linh người quá cố.

Nàng đỏ mặt ra khỏi buồng, lên nhà trên thẳng hướng Bắc. Vương sai người hầu đặt lễ hướng về Nam rồi đứng ra làm lễ. Nàng đáp lễ. Rồi thứ tự tùy theo ngôi thứ trong nhà, mọi người ra vái lạy. Nàng nghiêm trang ngồi nhận lễ, đến lượt người thiếp, nàng đứng dậy đỡ.

Từ khi vợ Vương ốm liệt, kẻ ăn người ở trong nhà sinh thói ăn cắp, biếng lười, cho nên gia cảnh có phần sút kém. Khi họ làm lễ xong rồi, đứng nghiêm chỉnh đợi lệnh, nàng truyền bảo:

- Ta vì cảm lòng thành của phu nhân cho nên buộc phải ở lại trần gian để nhận lấy việc lớn mà phu nhân đã ủy. Bọn các ngươi ai nấy đều phài tẩy rửa tâm địa vì chỉ mà gắng gỏi, thì những lỗi trước nay không hỏi đến nữa. Không thế, chớ tưởng rằng nhà này không có người.

Ngước nhìn thấy nàng ngồi uy nghi như pho tượng Quan Âm lại dường như có một làn gió thổi qua, cả bọn nghe gịọng nói mà run sợ, bất giác đều dạ ran một loạt. Nàng cắt đặt việc tang lễ đâu vào đấy.

Từ đó, lớn bé trong nhà không ai dám tắt mắt, trễ nải. Suốt ngày nàng để mắt lo toan xếp đặt sai khiến mọi việc. Mỗi khi Vương cần việc gì, nàng đều lĩnh ý làm trọn. Tuy rằng đêm hôm gần gụi Vương nhưng nàng tuyệt không một lời tình tự nào cả.

Tang lễ xong. Vương muốn nhắc lại lời vợ dặn song không dám nói thẳng, phải nhờ người thiếp ngỏ ý. Nàng nói:

- Tôi đã nhận lời phu nhân căn dặn cặn kẽ. Song việc hôn phối là trọng, không thể cẩu thả sơ sài. Hoàng tiên sinh là bậc bác tôn quý, vừa cao tuổi vừa đức lớn, xin mời cho được người đứng ra làm chủ hôn thì tôi hết sức tuân theo.

Bấy giờ ông Hoàng làm Thái bộc đã về hưu sống ở Nghi Thủy là bậc bằng vai với cha Vương, vẫn thường đi lại thân thiết. Vương thân đến thăm, kể rõ sự tình, cầu ông giúp đỡ, Hoàng tiên sinh lấy làm lạ, bèn đi cùng Vương. Nàng nghe thấy tiếng vội ra lạy chào. Tiên sinh vừa trông thấy kinh ngạc, cho là tiên không nhận lạy.

Nàng trang điểm chỉnh tề để làm lễ cưới. Việc xong Hoàng tiên sinh ra về, nàng đưa tặng gối thêu, giày ấm, đối xử tử tế như cha. Từ đó sự đi lại giữa hai nhà lại càng thân.

Sau lễ hợp cẩn, Vương vẫn coi nàng là thần nữ cho nên trong sự yêu thương vẫn có phần cung kính. Thỉnh thoảng Vương dò hỏi cách sống của Bồ Tát, Mai cười mà rằng:

- Anh mà không hiểu đến thế kia ư? Làm gì có Thần Phật đích thực nào mà hạ mình lấy người trầ thế bao giờ.

Vương lại căn vặn nàng từ đâu đến? Mai vẫn cười đùa:

Anh làm gì phải chất vấn kỹ càng đến thế? Đã cho em là thần thì cứ việc sớm tối cung cúc chiều chuộng, tự nhiên em không bắt tội nữa.

Đối với kẻ dưới nàng thường khoan dung song tuyệt đối không nhờn. Con hầu đầy tớ đùa cợt chớt nhả với nhau, thấy bóng nàng là im bặt. Mai cười nhủ rằng:

-Bọn bay cho ta là thần ư? Đâu phải. Ta chính là em phu nhân, nhưng ít khi đi lại nên bay không biết. Chị ta ốm, nhớ em nên nhờ mụ Vương ở thôn nam gọi đến. Nhưng sợ rằng ngày đêm gần gũi anh rể là điều không tiện cho nên mói nói thác là thần, phải ngồi kín trong phòng chứ đâu phải thực là thần.

Bọn họ không tin hẳn như thế, song hàng ngày hầu hạ ở bên thấy nàng chẳng khác người thường cho nên những điều dị nghị mới hết dần. Tuy nhiên đối với những kẻ ngu độn. Vương vẫn phải đánh mắng mà họ vẫn không sửa được, nay nàng chỉ nói một lời là họ răm rắp nghe theo. Họ thường ca tụng, thực ra thì không có gì sợ hãi nhưng cứ trông thấy mặt nàng là lòng thấy êm dịu, không nỡ làm điều trái ý.

Từ đó, mọi sự trong nhà đều tốt đẹp lên, chỉ mới vài năm ruộng liền bờ, kho đầy dãy. Vài năm sau, người thiếp sinh con gái, nàng cũng đẻ con trai. Đứa con trai lúc mới đẻ đã có một nốt đỏ trên cánh tay, vì thế mới đặt là Tiểu Hồng.

Con đầy tháng tuổi, nàng bàn với chồng sửa tiệc lớn mời Hoàng tiên sinh. Tiên sinh cho quà mừng rất hậu nhưng từ chối không đến vì đã tám mươi tuổi, già yếu không đi xe được. Nàng lại sai hai lão bộc đến khấn khoản mời đi cho bằng được, Hoàng công mới đến. Nàng ẳm con ra vạch tay trái cho ông xem để nói cái ý đặt tên con. Lại hỏi xem đó là điềm tốt hay điềm xấu. Tiên sinh cười nhủ rằng:

- Vết đỏ là điềm tốt. Có thể thêm một chữ vào tên gọi là Hỉ Hồng.

Nàng rất vui mừng, sai sửa đại lễ, nhã nhạc vang lừng, họ hàng thân quý đến đông như chợ. Hoàng công lưu lại ba ngày mới về.

Sau đó, bỗng có một chiếc xe ngựa xịch đến ngoài cổng đón nàng về chơi nhà. Ai nấy đều lấy làm lạ, xôn xao bàn tán vì đã hơn mười năm nàng về đây, tuyệt nhiên không thấy có họ hàng thân thích nào lui tới. Song nàng không để ý, chỉ sửa soạn hành trang, ẵm con vào lòng bảo Vương theo tiễn. Đi trước chừng ba chục dặm đến chỗ không có bóng người nào, nàng dừng xe bảo Vương xuống ngựa, đứng vào bên đường, buì ngùi bảo chồng:

- Chàng ơi! Sum họp sao mà ngắn ngủi, chia ly mới thật lâu dài. Chàng có đau lòng vì nỗi cách biệt không?

Vương hoảng hốt hỏi có điều gì, nàng hỏi lại:

- Chàng có biết em là người thế nào chăng?

Đáp: không biết. Nàng lại hỏi:

- Ở Giang Nam chàng cứu một người bị tội chết. Việc ấy có không?

Đáp:có. Lúc ấy nàng mới bày tỏ:

- Bà lão khóc bên đường chính là mẹ em. Vì cảm cái nghĩa ấy muốn tìm cách đền đáp, cho nên nhân dịp phu nhân ham thờ Phật mà em phải giả làm thần, cốt để đem em mà đền cho chàng đó thôi. Nay may sinh được đứa con này, ước mong thế là toại. Em xem chàng vận xấu đã tới. Thằng này nếu để ở với anh sợ không nuôi được. Vì thế em phải mang theo để tránh tai ách cho nó. Xin anh nhớ lấy: khi nào trong nhà có người chết vì dịch tả, cứ gà gáy lần thứ nhất anh đến rặng liễu bờ sông Tây Hà, thấy người nào cầm đèn hoa quỳ cứ bên đường cầu khấn thì có thể thoát nạn.

Vương xin ghi lòng tạc dạ. Lại hỏi ngày nào trở lại, nàng đáp:

- Không thể nào biết trước được, song cẩn thận nhớ kỹ lời em thì ngày tái hợp cũng không ngại xa.

Phút chia ly hai vợ chồng cầm tay nhau khóc ròng. Nàng lên xe, vụt đi như gió. Vương nhìn theo hút bóng, lâu lâu mới lủi thủi quay về.

Sau đó dăm bảy năm Tiểu Mai vẫn bằng bặt tin tức. Rồi bỗng bệnh dịch tràn lan khắp nơi, người chết như ngã rạ. Một con ở trong nhà bi bệnh ba ngày rồi chết. Vương vẫn nhớ lời Tiểu Mai dặn dò, song hôm ấy có khách uống rượu say quá, quay ra ngủ mất. Tỉnh dậy nghe tiếng gà gáy Vương vội vàng choàng dậy ra bờ liễu trên đê, quả nhiên thấy có ánh đèn le lói song đã đi xa rồi. Chàng vội vã đuổi theo, đã tới gần trăm bước, nhưng từ đấy càng đuổi theo ánh đèn càng xa cho đến khi mất hút. Vương buồn bực quay về được vài ngày cũng bị lây bệnh chết.

Họ hàng nhà Vương có nhiều kẻ vô lại, được thể nhà Vương con côi vợ góa, chúng hè nhau công nhiên tranh giành phá phách bòn rút tài sản. Chẳng bao lâu gia cảnh sa sút hẳn. Năm sau Bảo Nhi cũng chết nốt, cửa nhà thành ra vô chủ, bọn họ hàng lại càng ngang ngược chiếm đoạt. Trong nhà chuồng ngựa chồng trâu đều đã trống trơn, chúng lại còn định chia nhau nhà, đuổi người thiếp của Vương đi. Nguời thiếp không chịu, chúng hè nhau kéo đến bắt lấy đem đi bán. Chị ta thương con gái còn nhỏ, hai mẹ con ôm nhau kêu trời kêu đất khóc vang dậy, khiến cho cả làng cũng động lòng thương.

Đang lúc nguy nan ấy, chợt thấy ngoài cổng có tiếng xe ngựa xịch vào sân. Tiểu Mai dắt con trai từ trong xe đi ra. Người đứng xem rối rít chạy dạt ra như vỡ chợ. Nàng hỏi có chuyện gì, người thiếp kể lại ngọn nghành. Nàng biến sắc mặt, sai người hầu đóng ngay cổng, khóa chặt laị. Bọn vô lại định chống cự nhưng tự nhiên chúng thấy chân tay bủn rủn. Nàng ra lệnh trói hết chúng mỗi tên vào một cột, mỗi ngày chỉ cho vài bát cháo loãng, lại phái ngay một lão bộc phi ngựa đến nhà Hoàng tiên sinh. Rồi lúc ấy mới vào trong nhà khóc chồng thảm thiết. Sau đó nàng ngậm ngùi than thở với người thiếp:

- Kể thật không may, âu số trời là vậy. Tháng trước giáp dịp chàng bị nạn, đột ngột mẹ tôi ốm nặng, tôi phải đến thăm gấp, tới vẫn chưa hề chợp mắt. Bây giờ về đến nhà, chàng đả thành nhiều thiên cổ!

Lại thấy cửa nhả vắng bóng con hầu đầy tớ, hỏi ra đều bị bọn vô lại chia nhau cướp mất, nàng càng sụt sùi thương cảm. Vài ngày sau, gia nhân nghe tin nàng trở lại, tất thảy đều trốn về. Chủ tớ gặp nhau không ai không rơi nước mắt.

Bọn vô lại bị trói đã hoàn hồn, hè nhau kêu thằng bé không phải là con Vương Mộ Trinh. Nàng chẳng thèm đối lời. Không lâu, Hoàng tiên sinh lọn khọm đến. Nàng dẫn con ra mắt ông. Ông cầm tay thằng bé, vạch tay áo lên nốt son hãy còn y nguyên. Ông chỉ cho bọn vô lại thấy tận mắt. Đoạn ông tra hỏi cặn kẻ về những của đã mất, những đứa đã chiếm, biên hết vào sổ đem cáo lên quan. Quan huyện cho bắt tất cả bọn chúng, đánh suốt một lược mỗi tên bốn chục roi, ra lệnh phải bồi hoàn. Ruộng đất trâu bò từ đấylại trở về chỗ cũ.

Ông Hoàng sắp về, nàng dẫn con ra, khóc mà thưa:

- Con không phải là người thế gian, điều đó ông đã rõ. Nay xin đem đưa đứa con côi này giao lại cho ông.

Ông Hoàng buồn rầu đáp:

- Già này chỉ còn sống ngày nào biết ngày ấy, sao có thể cáng đáng được.

Ông Hoàng về rồi, nàng sắp đặt lại công việc đâu ra đấy giao thằng bé cho người thiếp rồi sửa soạn lễ vật ra mộ cúng chồng.

Nửa ngày sau chưa thấy nàng về, người nhà ra xem thấy lễ vật còn đấy mà nàng đã đi đâu.

LỜI BÀN CỦA TÁC GIẢKhông để người phải tuyệt tự, người cũng không nỡ để mình không còn nối dõi. Đó là việc người, song cũng là việc trời.

Con như những ông bạn hiền ngửa nghêng chén chú chén anh tưởng chừng áo cừu ngựa đẹp có thể cùng nhau chia xẻ. Song cho đến khi nấm cỏ xanh rì, vợ con sa sút thì tất cả những kẻ chung ngựa độ nào đều lẳng lặng biến mất.

Bạn chết không nhẫn tâm quên, ân nghĩa còn lo báo đáp, có phải chỉ riêng người mới thế đâu. Loài hổ cũng còn biết vậy chứ không có cái thói:

Khi nào tiền đủ gạo đầy

Thì em ở lại sửa giày cho anh.

NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.