(Quyển 1) Tên Tổng Tài Lắm Chuyện

Chương 11




Sắp xếp xong việc nhà ba cha con lên đường, cha chèo ghe lớn kéo theo một cái, Bình ca chèo ghe nhỏ cũng kéo theo một cái. Mai phụ nương xếp thức ăn dọc đường cùng mấy món đồ cho Lý thúc và nhà ngoại gồm đủ thứ đồ hái từ trong vườn, đặc sản ở chợ.

– Mùa này trời mưa gió, ba bộ nốp này mặc xong hong khô liền.

– Dạ.

Bộ nốp đi mưa giống như áo mưa ở hiện đại, dài ngang gối. Nốp được đan từ lát nhỏ giữ ấm, bên ngoài là lớp lá dừa che mưa. Bộ nốp này cũng che mưa được nhưng dùng xong phải hong khô, nếu không lớp lát bên trong bị ẩm mốc rất khó chịu.

Cha cũng cột lại phên tre ở mui cho chắc chắn hơn, tránh gặp mưa gió thổi bay đi. Mai quên mất là đi ghe mùa mưa vất vả hơn mùa nắng. Cô còn nhỏ không thể chịu được lạnh quá nên mang thêm một cái chiếu. Cúc tỷ biết ý xếp cái mềnh ngày thường hai chị em đắp theo luôn. May là chỉ ngủ một đêm trên ghe ở chợ Giồng Riềng, mong trời sẽ không mưa.

Cha dặm được gần nửa mẫu mạ mới đi, hơi trễ hơn lần trước nên lúc đến nhà a Sao trời đã tối hẳn. Cha và Bình ca đều là chèo một ghe, kéo theo một ghe không khỏi mất sức, hai cánh tay mỏi nhừ. Trên đường Bình ca còn dùng chân đạp chèo, tư thế rất khiếm nhã. Cô nương nhà người ta mà thấy chắc chạy mất giày mất dép.

Lý thúc và a Sao rất vui vẻ tiếp ba người, thêm củi vào đống lửa giữa sân, nướng cá, thịt khô. Mai vào bếp nấu nồi cơm, luộc trứng vịt và canh tôm khô đu đủ xanh. Cha tắm xong cùng Lý thúc đến nhà Trương bá nói chuyện cái ghe nhỏ. Được một lát thì Trương bá mẫu và a Thảo chạy sang.

– Để ta nấu cho, cháu đi tắm rửa nghỉ mệt một chút.

– Dạ không sao đâu, cũng không mệt gì.

– Được rồi, đi tắm đi. Con gái tắm trễ quá không nên. Ta có đem qua một góc thịt cầy, ướp sả ớt nướng rất ngon.

Mai nghe lời gật đầu rồi chuẩn bị đi tắm. Bé Thảo có vẻ tròn hơn trước một chút, mặt mũi sáng sủa, lanh lẹ xắt đu đủ nấu canh.

Lúc cha về có Trương bá, Trương tam thúc đi cùng, bốn người ngồi vô bàn. Bình ca dọn xong đồ trên ván cũng bị kêu ra ngồi. Mai phụ dọn cơm bàn trên xong thì ngồi cùng Trương bá mẫu và a Thảo ở sạp nhỏ trong bếp. Nghe loáng thoáng tiếng nói chuyện ngoài sân hình như Trương bá và Lý thúc sẽ cùng đi chợ Giồng Riềng với nhà mình. Bá mẫu nghe được nói:

– Ừ, đông người chút mới yên tâm. Dạo này không nghe nói có giặc cướp; nhưng nhà cháu kéo ghe theo làm người ta chú ý.

Đúng rồi, sao mình không nghĩ tới điểm này. Mấy chiếc ghe này là cả gia tài, nếu gặp người có ý xấu thật nguy hiểm. Bên ngoài sân Lê tứ cũng lên tiếng.

– Đệ thật không nghĩ đến an toàn, xém chút nữa gây hại. Nhờ Trương huynh chỉ dẫn nhiều hơn.

– Đệ không cần khách sáo. Ta quen lang bạt khắp nơi, có nhiều kinh nghiệm hơn. Nhà đệ hay qua lại đường này, ta và a tam đệ sẽ để ý cho.

– Phải, đừng quá lo lắng, chúng ta tương trợ nhau là chuyện nên làm.

Trương bá sảng khoái nói. Ông và đệ đệ quen đi lại vùng này và Trấn Giang. Từng vào rừng sâu lên núi thẳm lúc nào cũng phải đề phòng nguy hiểm từ thú dữ hoặc bọn giặc cướp.

– Đa tạ huynh.

Lê tứ thật sự cảm kích chắp tay nói.

– Đệ đã dặn a Tấn và a Vinh ở nhà chuyện huynh đến nhận ghe.

– Được, ta biết.

Đến đây thì trăng đã lên đến đầu ngọn tre, mọi người về ngủ. Một mình Mai nằm trên giường lạ nên trằn trọc khó ngủ. Lần này Mai không nghĩ đến chuyện an toàn trên đường, thật là thiếu sót. Sau này cần chú ý tin tức bên ngoài nhiều hơn, chăm chăm lo việc nhà mình sẽ khó lường được biến cố.

Có thêm Trương bá và cha con Lý thúc làm không khí náo nhiệt hơn. Tính tình Trương bá hào sảng, đúng kiểu hảo hớn tung hoành ngang dọc khiến cha rất nể phục. Ngược lại Truong bá cũng coi trọng sự chất phác, rộng lượng của cha; còn thêm tay nghề đóng ghe xuồng nữa. Nếu để ông tỉ mỉ đẽo gọt như cha chắc ông buồn đến điên luôn!

Mỗi người một tính, hoà hợp tương trợ nhau là quan trọng nhất để vượt qua thử thách, gian lao.

Đầu mùa mưa, khắp nơi như hồi sinh sau những ngày nắng nóng, nước mặn. Trái đước rụng xuống ghim vào dãy đất bồi phù sa từ từ vươn mầm xanh. Trên mảng rừng xanh, từng đàn chim cò lả lướt như múa điệu múa thần tiên, cánh trắng sải rộng loá nắng như mây ở thiên đường.

Âm thanh tiếng sóng vỗ, tiếng chim kêu, gió xào xạc vang mãi không thôi. Còn có tiếng khọt khẹt như mắc xương của đàn khỉ thoắt ẩn thoắt hiện ven bờ.

Thỉnh thoảng có gặp vài chiếc ghe xuôi ngược trên sông; nhiều người quay lại nhìn một đoàn năm chiếc ghe xuôi dòng lạ mắt. Nắng chiều ngã bóng dài che hết mặt sông thì đoàn người đến chợ Rồng Giềng. Hôm nay là chợ phiên, nhưng chợ đã vãn từ sáng. Trên mặt đất vương vãi mấy rổ tre, sọt tre cũ bị vứt đi. Hai đống lửa đã tàn tro và những dấu chân người đan chéo trên nền đất ẩm cho biết buổi chợ sáng nay rất náo nhiệt.

– Hôm trước nghe tin Mạc đại quan trở lại cai quản vùng này nhiều người mừng hớn hở; còn được miễn thuế ba năm nữa.

– Huynh biết vị này không?

– Không, ta chưa từng gặp. Nghe nói cũng xuôi ngược vùng này chục năm trước, quen biết rộng, tính tình rộng rãi phóng khoáng. Thuộc hạ có người rất giỏi võ nghệ. Có lần đụng mặt bọn cướp ngoài kia, đánh bọn chúng chạy miết ra đảo không dám vô lại trong này. Haiz…, mong là lời đồn đúng. Trương bá nói chuyện bừng bừng, dù sao cũng từng trải nên câu cảm thán sau cùng chứa nhiều hy vọng lại cũng có không ít lo lắng. Mấy năm nay tương đối yên bình, nhưng Trương bá không mất đi cảnh giác.

Tuy có mình Mai là con gái, nhưng một phần cô còn nhỏ, một phần cha và Bình ca đều không nỡ để cô làm nhiều nên việc nấu nướng đều do mọi người làm. Hơn nữa nhóm Trương bá, Lý thúc và a Sao đều tận mắt thấy Mai chữa thương nên trong lòng càng nguyện ý thay cô làm việc. Huống chi chuyện ăn uống ngoài trời này họ đều quen làm.

Mai cũng vụng trộm nghỉ ngơi, hai ngày liên tục ngồi trên ghe cũng mệt mỏi. Ăn uống ngoài trời lạnh lẽo không khỏi uống rượu cho ấm người. Bình ca theo cha cũng uống được một ít, lạ là a Sao mới mười ba mười bốn cũng uống rượu. Ánh sáng lập loè không thấy rõ gương mặt hắn, chỉ có đôi mắt sáng như sao lạc trần gian lung linh trong đêm.

Đêm qua gió giông chuyển một hồi nhưng không mưa. Cả không gian như tích điện cứ âm âm thật khó chịu. Trương bá nhất quyết đưa nhà Mai đến ngã ba rẽ ra ngã bảy mới quay về. Cha mời đến nhà ngoại thì Trương bá và Lý thúc từ chối, hẹn lần sau sẽ đến thăm hỏi. Nhờ có hai người đi theo mà đường đi vừa an toàn, vừa rôm rả. Mai thích nghe Trương bá kể chuyện Đông Tây. Hóa ra đường về nhà ngoại cũng không cách trở xa xôi nữa.

Cha nhắc hai đứa con.

– Sau này nhớ kỹ ân tình Trương bá, Lý thúc đó.

– Dạ,

– Dạ.

Hai anh em đều gật đầu đáp. Hơn một canh giờ là đến con rạch vào nhà ngoại. Mai ngồi trên đuôi ghe bên này nhìn ngắm những mảng màu xanh đẹp hơn tranh vẽ hai bên bờ. Đoạn rạch này ít có bụi cây lớn nên có thể nhìn thấy đồng ruộng xanh mướt màu mạ non. Chen vào đó là những gò đất cao trồng cây ăn trái xanh rậm rì. Tối qua ở đây mưa nên bầu trời trong vắt.

Cha neo ghe vào cầu nước, cầu này không đủ dài cho bốn chiếc nên Bình ca cập hai ghe nhỏ vào bờ sông chờ.

Mai theo cha vào nhà, gọi a Duyên đang chơi ở sân. Hắn ngẩng đầu, vui vẻ khoanh tay thưa:

– Thưa dượng,

– Ừ,

Cha vào nhà trên gặp ông ngoại, Mai nắm tay a Duyên vào nhà sau.

– Tới rồi à, con tới với ai?

Sau khi thưa hỏi người lớn, Mai trả lời bà ngoại:

– Dạ, tới với cha con và nhị ca, có đem theo ba chiếc ghe mới.

– Vậy à? Đi ra xem.

Nhóm đàn bà con nít nhà sau đi nhanh lên cổng, đã thấy ông ngoại và cha đang nói chuyện:

– Hay là đem ra tiệm luôn đi, đi ta chèo cái này.

Lúc nãy cha đã tháo dây nối mấy chiếc ghe nên ông ngoại đi lên chèo chiếc phía trước. Mợ hai thấy vậy nói với ngoại.

– Để con phụ a Bình chèo ra đó, mấy ngày nay chắc mệt lắm rồi.

– Ừ, vợ a Sinh, con mang đồ trong ghe lên đi.

Dặn xong bà ngoại kéo tay Mai, a Duyên vào nhà; không cho hai đứa đi theo. ‘Từ từ, ngày mai ra xem cũng được’, Mai nghĩ bụng nên cũng đi vào nhà.

– Muội để ta, uống nước rồi ngồi nghỉ đi.

Căn phòng Mai ở là phòng cũ của nương và dì năm, ông bà vẫn giữ lại để hai nhà con rể về có chỗ. Mai định nằm một chút dậy nhưng ngủ quên đến khi gần chạng vạng thì mợ vào gọi dậy.

– Ăn cơm rồi ngủ tiếp, bóng đè không nên.

Biết cha và Bình ca đã mệt. Lại thêm cậu hai, Sinh ca và cả Hữu ca mấy ngày nay lo dọn dẹp bên tiệm mới chạy rã rời hai chân nên bàn ăn nhà trên cũng không nói chuyện nhiều. Ông ngoại dặn mọi người ngủ sớm. Bàn ăn sau nhà dọn chén đũa xong, bà ngoại hỏi thăm chuyện ở Đông Hồ, sạ lúa, nuôi heo. Mai tuần tự kể, còn nói chuyện ba con heo bị muỗi cắn quá trời, sợ tụi nó không lớn nổi.

– Con khéo lo, làm như ngũ cô con là được rồi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.