Quỷ Vương Kén Vợ

Chương 8: Thời niên thiếu




Thông đạo ngầm dưới lòng đất bị vô số chuột hoang chiếm lĩnh này, nối liền với một huyệt động giống như một gian đại sảnh ngầm, bên trong chôn rất nhiều tảng đá lớn, xung quanh còn có rất nhiều thông đạo tương tự nhau, tôi có nằm mơ cũng không thể nào ngờ được, trên bức tường đá ở huyệt động này, lại khắc hình Hoàng tiên cô giống hệt như trong miếu thờ hoàng bì tử kia.

Chúng tôi đã chú ý đến hình khắc ở mặt bên này ngay từ lúc mới phát hiện ra tấm bình phong thiên nhiên bằng đá xanh, có điều niên đại của những nét khắc này đã quá lâu, bị bong tróc lu mờ đi rất nhiều, nếu không lấy tay áo lau sạch bụi đất bám bên trên thì thật khó lòng mà nhận ra được.

Tôi đứng ngay sát phía trước bức bình phong đá ấy, mượn ánh đèn mờ mờ u ám, vừa ngước lên một cái đã chú ý ngay đến gương mặt chồn lông vàng kỳ dị tà ác kia. Hình vẽ thân thể đàn bà, đầu hoàng bì tử này, khiến người ta thoạt nhìn liền dâng lên một thứ cảm giác khó chịu đè nén. Vì quá bất ngờ, suýt chút nữa tôi đánh rơi điếu thuốc trên tay xuống đất, vội vàng bấm ngón tay giữ chặt đầu mẩu thuốc, đưa lên miệng rít mạnh một hơi, hòng làm cho tâm trạng kinh ngạc pha bất ngờ của mình từ từ bình ổn lại.

Sợi thuốc lá pha lẫn với lá cây khô, rít vào một hơi rồi phả khói ra, hệt như ống bễ lúc vừa đốt lò than, làm Đinh Tư Điềm đứng bên cạnh ho sù sụ. Cô vung tay xua khói thuốc: “Lẽ nào bạn không thể hút bớt đi một chút à? Trẻ như vậy đã nghiện thuốc lá, sau này hối tiếc thì cũng quá muộn màng rồi.” Tôi cảm thấy Đinh Tư Điềm khắp người toàn là ưu điểm, duy chỉ có một khuyết điểm nhỏ, ấy chính là cô không thể chấp nhận người khác hút thuốc. Năm đó, khi thấy tôi và Tuyền béo hút thuốc, cô suốt ngày kể đi kể lại chuyện đồng chí Lenin cai thuốc thế nào. Thời trẻ, đồng chí Lenin rất khó khăn, vả lại còn nghiện thuốc lá nặng nữa, có lần mẹ Lenin nói: “Vladimir Ilych thân mến, lẽ nào con không thể hút bớt đi một chút sao?” Quả không hổ danh là mẹ của vĩ nhân, lời nói ra cũng khác hẳn người thường, bà không trực tiếp bảo, con có thể không hút thuốc nữa được không? Mà chỉ nói, có thể hút bớt đi một chút được không? Thật đúng là một lời triết ngôn vĩ đại, vừa dịu dàng lương thiện, lại vừa biểu thị mình luôn ủng hộ đối phương, không hổ là phụ nữ trong phụ nữ. Sau khi nghe câu nói đầy tình cảm sâu đậm ấy của mẹ, đồng chí Lenin không bao giờ hút thuốc nữa.

Lúc này Đinh Tư Điềm lại lôi chuyện ấy ra, khuyên tôi nên noi gương theo bậc vĩ nhân mà cai thuốc đi. Nhưng tâm tư của tôi đều để cả lên bức họa Hoàng tiên cô kia rồi, căn bản chẳng hề để ý đến lời cô nói, hai mắt cứ nhìn dính chằm chằm vào hình khắc trên tường đá, lẩm bẩm nửa tự giễu mình, nửa trả lời Đinh Tư Điềm một cách ứng phó: “Ừm... không phải chỉ là cai thuốc lá thôi sao? Mình cảm thấy cai thuốc chẳng khó khăn gì cả, khoảng nửa năm nay mình đã cai hơn trăm lần rồi...”

Đinh Tư Điềm thấy tôi trả lời lơ đễnh, mà chỉ tập trung toàn bộ tinh thần vào bức tường đá, bèn cũng nhìn theo ánh mắt tôi. Hình khắc trên bức tường cực kỳ phức tạp lằng nhằng, hình tượng tà ác yêu dị của Hoàng tiên cô chỉ là một nhân vật trong số đó. Đinh Tư Điềm nhìn rõ gương mặt chồn lông vàng đáng ghét ấy, cũng giật thót mình, vội đưa tay lên bịt miệng, suýt chút nữa thì kêu lên thành tiếng.

Người đàn bà đầu chồn lông vàng ấy, hình thái cử chỉ hết sức kỳ dị, tựa hồ như đang lẩm bẩm niệm chú thi triển tà thuật gì đó, phía trước mặt nó có một cái rương lớn chạm trổ hoa văn cổ kính, nắp rương nửa mở nửa đóng. Chính giữa mặt tường đá bên này, có một người đàn bà nằm thẳng đờ, người nữ này đầu đeo mặt nạ, mặc áo nhiều lớp rất hoa mỹ, trông tư thế nằm hết sức cứng nhắc, tựa như một cái xác được dày công trang điểm.

Bên dưới cái xác và Hoàng tiên cô, có một con chim lông dài trông nửa như con gà nửa như con trĩ, đang nâng một bóng người mơ hồ bay lên trên. Tôi đi tham gia lao động ở vùng núi Đông Bắc nửa năm nay, tuy ở chốn hoang vu, nhưng cũng được biết rất nhiều tập tục thần bí vẫn còn tồn giữ của những người dân thuộc tầng đáy xã hội cũ. Quan sát con chim cổ quái ấy một hồi, tôi bỗng phát giác hình thái này rất giống con “dẫn hồn kê” trong truyền thuyết của dân vùng Đại Hưng An Lĩnh.

Tương truyền rằng, người chết rồi thì hóa thành ma, ma thuộc về đất, tinh khí thuộc về trời, xác thịt thuộc về đất, máu thuộc về nước, mạch thuộc về đầm, tiếng thuộc về sấm, động tác thuộc về gió, mắt thuộc về nhật nguyệt, xương cốt thuộc về cây cối, gân thuộc về núi, răng thuộc về đá, mỡ thuộc về sương, lông tóc thuộc về cỏ, khí thở hóa thành vong linh, quy về chốn u minh.

Con người sống được là nhờ một hơi thở không dứt, một khi người chết ngừng thở, hơi thở sẽ lập tức chìm vào đại địa mênh mang. Theo quan niệm của dân vùng đó, nếu trong nhà có người qua đời, phải lập tức giết ngay một con gà trống, rồi lấy máu gà bôi khắp thi thể. Tương truyền hồn của gà trống có thể mang vong linh hồn phách của người chết bay lên, không bị rơi vào luân hồi thụ kiếp, ở làng nơi tôi đến lao động, cũng có tục “nhảy đại thần”, là một loại hình Shaman, còn có cả “thần bà”, “thần hán” chuyên phụ trách việc làm “dẫn hồn kê” cho người chết. Trong vận động cách mạng, những người này đều dính phốt, ở đại hội phê đấu, bọn họ khai nhận tội trạng, tôi mới biết được có những tục này.

Lúc này, Tuyền béo thấy tôi và Đinh Tư Điềm cứ trố mắt ra xem mãi, liền cũng nhổm đít đứng dậy lại xem cho vui. Ba bọn tôi thấy nội dung khắc trên bức bình phong bằng đá xanh thiên nhiên này thật kỳ quái hoang đường, thực khó mà xét ra được lẽ bí ảo sâu xa bên trong, đành dựa vào những gì mắt thấy mà suy đoán. Dường như nội dung khắc trên đây là diễn tả Hoàng tiên cô đang thi triển tà thuật, lợi dụng một loại pháp môn kiểu như “dẫn hồn kê” để cứu vong linh của người nữ đeo mặt nạ này lên khỏi chốn Âm tào Địa phủ, ý đồ phục sinh cho cô ta. Còn cái rương kia, đại khái chính là ngọn nguồn của tà thuật.

Điều này hoàn toàn khác hẳn với suy đoán lúc trước của tôi, xem ra cái động Bách Nhãn được bao vây bởi vô số truyền thuyết ly kỳ này tuyệt chẳng phải nơi giấu báu vật của bọn trộm mộ Nê Hội kia. Bọn họ tốn bao công sức đào lấy cái rương trong Mộ Hoàng Bì Tử rồi lại vận chuyển đến tận sâu trong thảo nguyên này, lẽ nào là muốn chiêu hồn gọi dậy một kẻ đã chết từ trăm ngàn năm trước?

Nghĩ tới đây, tôi không khỏi giật mình đánh thót một cái, cũng càng lúc càng thêm hiếu kỳ. Nom bức bình phong đá thiên nhiên này cũng có niên đại rất lâu đời rồi, chắc hẳn cái xác nữ đeo mặt nạ kia phải là cổ nhân chứ chẳng sai, cô ta rốt cuộc là người như thế nào? Giờ đang ở đâu rồi? Sau khi bọn tặc phỉ Nê Hội tới đây, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Liệu có liên quan đến truyền thuyết người và súc vật mất tích xung quanh động Bách Nhãn này không? Còn nữa... những suy nghĩ cứ liên tiếp nổi lên rồi lại chìm xuống trong đầu tôi, nhưng càng dằn vặt suy tư thì lại càng chẳng thấy có đầu mối nào cả.

Tuyền béo bất thần vỗ đùi đánh đét một cái: “Êu Nhất, tôi bảo này, vừa sực nhớ ra một chuyện, cậu xem mấy viên đá chôn ở đây thấy giống cái gì không? Càng nhìn tôi lại càng thấy quen mắt, hình như chúng ta thấy ở đâu rồi ấy nhỉ?”

Tôi tập trung chú ý vào cái rương của Hoàng tiên cô, đang suy đoán không hiểu bên trong ấy đựng thứ ly kỳ cổ quái gì đây, mới nghĩ được một nửa thì bỗng dưng bị lời Tuyền béo làm đứt mạch, liền thuận thế hướng ánh mắt về phía mấy tảng đá lớn chôn dưới đất, bỗng nhiên nhớ ra rất nhiều hộ ở vùng núi sâu Đại Hưng An Lĩnh, phàm là nhà cũ, trong góc nhà đều có đặt một tảng đá hình tròn thế này. Có nhà dùng đất bùn chôn lấp một nửa, có nhà thì cứ thế để nguyên. Đám thanh niên trí thức chúng tôi lúc mới đến đều chẳng thể hiểu nổi tại sao lại vác đá để trong nhà, cảm thấy việc làm này chẳng có ý nghĩa gì, về sau khi quen thân với dân làng, thăm dò nhiều lần mới biết được, thì ra những tảng đá này đều có từ thời trước giải phóng, hồi xưa mọi người đều dùng cách này để kỵ tà xua ma. Sách cổ có ghi rằng: “Chôn đá bốn góc, trong nhà không có ma quỷ”, những tảng đá này đều dùng để trấn ma quỷ cả. Ở vùng Đông Bắc, truyền thuyết về cương thi, ma treo cổ tác oai tác quái rất nhiều, để được bình yên, những người sống giữa vùng hoang sơn dã lãnh đã dần dần hình thành nên tập tục này, còn cụ thể bắt nguồn từ niên đại nào thì giờ cũng không thể khảo chứng được.

Tôi và Tuyền béo nhớ đến chuyện ấy, không khỏi hoài nghi trong hang động chôn rất nhiều đá thế này, chính là dùng để trấn áp những loài quỷ mị. Đồng thời, câu chuyện của chúng tôi cũng khiến Đinh Tư Điềm hơi căng thẳng, cô nói: “Đừng nói mấy chuyện ấy nữa, mình thấy sống lưng lạnh buốt cả rồi đây này. Thế bây giờ chúng ta tính sao đây? Không thể quay lại được nữa rồi, chỗ này tổng cộng có mười thông đạo, còn lại chín cái, rốt cuộc là đi lối nào mới ra ngoài được đây nhỉ?”

Tôi phát hiện lá gan của Đinh Tư Điềm đúng là đã nhỏ đi nhiều, có lẽ vì tổn thất về bò và ngựa quá lớn, khiến cô không thể vững lòng được nữa. Tôi đoán, tâm trạng của cô cũng không khác lão Dương Bì là mấy, khu chăn nuôi xảy ra sự cố tất phải gánh vác trách nhiệm, mà cách duy nhất để giảm nhẹ phần trách nhiệm này chính là tìm lại lũ bò và ngựa đã mất. Nhưng đàn bò mất tích và lũ ngựa kinh hoảng tháo chạy, vừa khéo lại chạy đúng vào khu vực mà dân du mục quanh đây đều coi là “cấm khu”, những truyền thuyết kinh khủng về động Bách Nhãn từ lâu đã thấm sâu vào cốt tủy của người bản địa, tiến lên hay thoái lui, quả thực là một lựa chọn vô cùng khó khăn. Nhưng ở thời đại đặc biệt này, nỗi lo sợ rốt cuộc cũng không mạnh mẽ bằng cảm giác trách nhiệm đè nặng trong lòng, nếu đứng ở góc độ của cô và lão Dương Bì mà suy nghĩ một chút, áp lực tâm lý bọn họ đang phải chịu đựng nhất định là rất lớn, chắc hẳn trong đầu cũng đang không ngừng đấu tranh tư tưởng kịch liệt lắm.

Đinh Tư Điềm của ngày xưa thì không như vậy, bấy giờ vẫn còn là thiếu niên, ý chí bốc đồng lắm. Có lần chúng tôi đến một vùng nọ, khéo gặp dịp một thầy giáo ở đấy dẫn cả đám học sinh cấp II đi đào mộ, chủ ngôi mộ ấy là một danh nhân cuối thời nhà Thanh, thi thể bị kéo ra, treo ngược lên cành cây thị chúng, để quần chúng cách mạng nhìn thấy gương mặt xấu xa của đảng bảo hoàng lớn nhất trong lịch sử. Tôi và bọn Đinh Tư Điềm, Tuyền béo nghe tin liền đi cả đêm đến nơi tham quan, đêm hôm ấy trăng lu gió lớn, đám người vẫn hưng phấn sục sôi nhìn cái xác cổ treo ngược trên cành. Bấy giờ, cũng không thấy cô có nửa phần sợ hãi gì cả.

Tôi định thần lại, nói với Đinh Tư Điềm và Tuyền béo: “Cái huyệt động này không phải là chỗ nên ở lâu, chúng ta xem tình trạng ông lão Dương Bì thế nào trước đã, rồi mau chóng nghĩ cách ra khỏi đây.” Nói đoạn, chúng tôi bước lại gần chỗ lão Dương Bì, bụng ông vẫn trướng phình lên chưa tiêu hết. Thuở bấy giờ, chúng tôi đều không có thường thức về y học, không biết sự vận động của ổ bụng và ruột chủ yếu do thần kinh thực vật chi phối, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng bởi vận động của mạch máu trong ruột. Sau khi ăn uống quá độ, rất dễ xảy ra hiện tượng ruột trướng, huyết quản nở to, vì vậy sự vận chuyển của máu trong ruột cũng chịu ảnh hưởng nhất định.

Cách duy nhất chúng tôi có thể làm là đỡ ông dậy rồi mát xa phần bụng. Thần trí lão Dương Bì cũng ít nhiều khôi phục được một chút. Điều khiến ông canh cánh không yên nhất là mấy con ngựa, ba con ngựa còn lại đều đã lần lượt chạy cả vào trong khu rừng phía trên động Bách Nhãn rồi, mất ngựa thì muốn về mục trường cũng rất khó khăn. Tôi chỉ biết an ủi ông, nhất định sẽ nhanh chóng tìm lại được lũ ngựa.

Thấy lão Dương Bì đã đỡ, tôi bèn cùng Tuyền béo, Đinh Tư Điềm thương lượng xem nên đi lối nào. Xung quanh huyệt động này có mười thông đạo, cấu tạo gần như giống hệt nhau. Chúng tôi vào đây qua một đường hầm đã sụt, đường ấy đã không còn nữa, những đường hầm khác có lối ra hay không thì cũng chưa biết, nhưng huyệt động này có lẽ không phải mộ cổ, xây dựng không kiên cố lắm, khả năng tìm được lối ra có lẽ là khá lớn. Tôi nghĩ, chỗ này đã có những sự vật tượng trưng để trấn hồn, phản phách, mà dường như đâu đâu cũng có liên can đến vong hồn, quỷ hồn, vậy thì mười đường hầm này, rất có khả năng đại biểu cho thập đạo chốn Âm tào. Ở bên trong thì không thể phân biệt được đâu là Đông Tây Nam Bắc, đành chọn bừa một cái mà đi vậy.

Tuyền béo hỏi: “Cái cậu Nhất này lại nói bậy phải không? Đừng có đoán bừa đấy nhé, dựa vào cái gì mà cậu bảo Âm phủ có mười đạo? Sao không phải chín đạo hay mười một đạo?”

Tôi nói: “Còn nhớ ông tổ nhà tôi hồi xưa có tấm ‘Âm phủ thủy lục đồ’. Trên ấy vẽ chốn âm gian có đúng mười đạo, còn tại sao không phải chín hay mười một, thì nghe nói là vì thời Đường thiên hạ chia ra làm mười đạo, âm gian và dương gian đối xứng, vì vậy dưới cõi âm cũng có mười đạo. Có điều, mười đường hầm này có phải đúng vậy không thì tôi cũng không chắc, tư tưởng của người xưa chúng ta làm sao lĩnh hội được hết? Đằng nào nếu muốn biến bị động thành chủ động, thì cũng phải tự mình vào đó mà xem xem nếu may mắn thì biết đâu lại gặp chỗ đường hầm sập xuống mà leo ra ngoài được.”

Tuyền béo ngẫm nghĩ thấy tôi nói cũng rất có lý, lúc này cả bọn cũng đã nghỉ ngơi hòm hòm, vậy là tôi lại cùng Tuyền béo đỡ lão Dương Bì, đánh dấu vào cửa đường hầm chúng tôi đã đi qua lúc tới đây, rồi tùy tiện chọn bừa một lối chui vào. Dưới lòng đất rất ẩm ướt, làm chúng tôi đều thấy đau đầu, lũ chuột chạy thành đàn thành đội lại càng đáng ghét hơn, dọc lối đi trong những kẽ gạch, đều có rất nhiều hang chuột, chắc rằng cũng có thể thông lên mặt đất, nhưng chỉ có lũ chuột thì mới đi lối ấy được mà thôi.

Mới đi được một đoạn ngắn, đường hầm đã bị sạt lở bít kín lối đi, chúng tôi đành quay đầu trở lại, chọn một thông đạo khác, cuối cùng cũng phát hiện có một giếng trời thông lên bên trên, nhưng rất chật hẹp, chỉ chui lọt một người. Tôi men theo những bậc thang đá dốc đứng lần mò lên trên, liền nhận ra cửa lối thông này bị một tảng đá màu xám bít chặt, đưa tay sờ thử, thì hóa ra phiến đá xám ấy lại là một khối xi măng lớn, bên trên còn đánh một đai sắt. Kỳ quái nhất là trên bề mặt tấm xi măng lại có dãy số viết bằng chữ Latin, giống như một dạng phiên hiệu gì đó, tôi nôn nóng muốn thoát ra khỏi chốn địa huyệt ẩm ướt này, nên cũng không để ý xem những số hiệu ấy mang hàm nghĩa gì, vội vàng ngậm cái đèn dầu nơi miệng, đưa cánh tay dồn sức đẩy mạnh. Tấm xi măng nặng nề bị đẩy ra một khe nhỏ, gió lạnh trên mặt đất luồn vào, nhưng tôi dồn hết cả sức lực bình sinh ra rồi mà tấm xi măng vẫn không chịu nhúc nhích thêm chút nào nữa.

Tôi leo xuống dưới, kể lại tình hình bên trên cho hai người còn lại, Tuyền béo và Đinh Tư Điềm đều lấy làm ngạc nhiên: “Cậu không nhìn lầm đấy chứ? Động Bách Nhãn này là di tích cổ, tuy không biết là để làm gì, nhưng sao lại có tấm xi măng rồi lại còn có cả phiên hiệu phiên hiếc gì nữa?” Có điều, chữ số của người Tây rốt cuộc được truyền nhập vào Trung Quốc từ thời nào thì chúng tôi cũng không rõ lắm, mà cũng không định khảo chứng thêm về vấn đề này, ai nấy đều chỉ muốn mau chóng thoát thân.

Trong ba chúng tôi thì Tuyền béo khỏe nhất, tôi không làm gì được tấm xi măng che bên trên kia, đành để cậu ta lên thử một phen. Tuyền béo cởi bỏ áo ngoài và mũ, xắn tay áo leo lên, chỉ nghe cậu ta vận khí dồn sức, vừa lầm bầm chửi bới vừa đẩy tấm xi măng, gân cốt nổi lên cuồn cuộn, sức lực đã vận hết cả ra, miệng hét lớn: “Mở...” cuối cùng đã đẩy được tấm xi măng sang một bên, ánh sao ảm đạm bên ngoài lập tức rưới xuống. Chúng tôi thở hắt ra một hơi, trong lòng không khỏi trào lên cảm giác như được tái sinh.

Tuyền béo bò lên trước, tôi và Đinh Tư Điềm ở bên dưới đẩy lão Dương Bì lên cho cậu ta đỡ lôi ra ngoài, sau đó cũng trèo lên theo. Chỉ thấy bên ngoài ánh trăng mờ mịt, rừng cây trập trùng, xem ra chúng tôi vẫn đang ở trong khu rừng bên trên động Bách Nhãn, nơi này không thấy có du diên và chuột hoang, xung quanh tĩnh mịch như tờ.

Nhân lúc tôi và Tuyền béo đưa mắt nhìn quanh để nhận rõ phương hướng, Đinh Tư Điềm giơ ngọn đèn dầu lên tò mò quan sát cái nắp bằng xi măng kia: “Ủa... phía trên này ngoài số hiệu ra còn có chữ nữa... Bộ đội cấp nước[28] B3916...”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.