Quỷ Vương Kén Vợ

Chương 31: Cổ tích mùa thu




Dương Nhị Đản thấy lợi đen lòng, quyết tâm vào vùng núi sâu miền Đông Bắc làm lão đại của bọn phỉ trộm mộ Nê Hội. Lão Dương Bì chỉ có một người anh em này, còn coi trọng hơn cả tính mạng mình, thấy Dương Nhị Đản đã quyết chí ra đi, cũng chẳng có cách nào khác, đành theo y đến ba tỉnh Đông Bắc, làm “Đổng Cục” của Nê Hội, chức vụ này đại khái tương đương với cố vấn kỹ thuật thời bây giờ.

Tuy lão Dương Bì và Dương Nhị Đản là hai anh em ruột, nhưng tính cách lại khác hẳn nhau. Dương Nhị Đản có dã tâm hơn, còn lão Dương Bì thì nhát gan vô cùng, chỉ muốn sống an phận thủ thường cho qua ngày. Chẳng những vậy, lão Dương Bì còn kính quỷ sợ thần, tư tưởng mê tín thâm căn cố đế, đúng như câu nói “sợ ma không trộm mộ, trộm mộ không sợ ma”, với tích cách ấy của ông, thực sự không thích hợp để làm những nghề “đổ đấu” và “hung lũ” một chút nào.

“Hung lũ” chính là chỉ một thủ đoạn che mắt người đời của bọn trộm mộ. Trộm mộ vơ vét được các loại vật phẩm bồi táng có giá trị trong mồ hoang, mộ cổ, cần phải tiến hành cả giao dịch. Trong xã hội thời xưa, phương pháp thông tin khá lạc hâu, nhịp sống chậm chạp, để tiện liên lạc với người mua, khuếch trương kinh doanh, trộm mộ phải sử dụng chiêu “mượn danh” của hắc đạo. Phàm là trộm mộ làm ăn kinh doanh, không ai đi mở tiệm đồ cổ cả, mà chỉ chuyên kinh doanh các loại đồ dùng trong ma chay, chẳng hạn như đồ vàng mã hương đèn để đốt cho người chết, nào là người giấy, ngựa giấy, trâu bò giấy, nhà giấy, kiệu giấy... toàn là những thứ dùng ở cõi âm.

Về tên gọi thì tiệm của bọn trộm mộ mở ra chỉ khác tiệm giấy tiền vàng mã bình thường một chữ, tiệm bình thường gọi là “hung tứ”, nhưng thoáng nhìn bề ngoài cũng thấy hai loại cửa tiệm này khác nhau. Hồi trước, mở tiệm làm ăn đều phải có biển hiệu treo trước cửa, để cho người ta biết trong tiệm bán thứ gì. Cửa tiệm vàng mã của trộm mộ, nhất nhất đều treo lên một xâu tiền giấy màu trắng, tổng cộng có bảy mươi hai lá, là số địa sát, trên mặt tờ tiền đều in những hoa văn hung sát. Những người làm ăn bình thường, cho dù là có bán hàng giấy tiền vàng mã đốt cho người chết chăng nữa, cũng tuyệt không bao giờ treo xâu tiền không cát lợi ấy lên. Phàm tiệm nào có treo bảy mươi hai lá tiền giấy, thì người trong nghề liền biết ngay đấy là “hung lũ”, dù không phải do trộm mộ mở ra, thì ít nhất cũng là nơi chuyên đẩy hàng trộm được trong các mộ cổ.

Những người làm nghề “đổ đấu”, mỗi lần hành động đều là vét sạch huyệt mộ nhà người ta, tục gọi là “giặc đến như dao cạo”, phàm trong mộ có thứ gì cũng đều quơ hết, đến cả thứ bít ở lỗ đít người chết cũng không chịu bỏ qua. Những món minh khí quý giá thì đều rất dễ bán đi, nhưng mấy món lặt vặt hoặc có một số đồ quý nhưng nhất thời chưa tìm được người mua thích hợp, đều nhất loạt quy về “hung lũ”. Cứ cách độ vài ngày lại có đám thương nhân chuyên mua đi bán lại đến thu mua, lúc đàm phán tự nhiên cũng toàn dùng ám ngữ của hắc đạo, đại đa số những người không hiểu nghề này đều không thể hiểu nổi.

Tên trùm sỏ họ Trần ấy có mở hai cửa tiệm “hung lũ” ở Thiểm Tây, ngấm ngầm buôn bán đồ minh khí, lão Dương Bì từng làm quản lý cho y, kết quả là suýt chút nữa bị dọa cho thọt cả “bi” lên cổ. Đồ tùy táng bên trong mộ cổ tích lũy âm khí đã lâu, mùi hôi thối của xác chết ám vào rất khó tẩy, hơn nữa, một số món đặc thù lại còn thường xuyên gây những việc quái dị không rõ nguyên nhân, lão Dương Bì vốn cũng không phải “hạt giống” làm cái nghề này, về sau còn đi theo đồng bọn đào mồ quật mả người ta, lại càng gặp phải nhiều chuyện đáng sợ hơn, toàn là những chuyện mà thần kinh ông không thể chịu đựng nối.

Sau khi họ Trần mất tích, lão Dương Bì bèn định sử dụng tích lũy trong mấy năm trộm mộ về quê sống những ngày an phận thủ thường, treo “hắc hổ phù”, triệt để rửa tay gác kiếm, tránh xa cái nghề suốt ngày ôm đống minh khí tùy táng của người chết ra. Nhưng sự đời đâu có theo ý mình, vì Dương Nhị Đản, ông lão không thể không theo y đến vùng Đông Bắc làm “Đổng Cục” của đám phỉ Nê Hội ấy. Bọn phỉ Nê Hội lôi kéo anh em lão Dương Bì, để cho Dương Nhị Đản lên làm lão đại cũng chẳng phải thực lòng mà chẳng qua chỉ muốn lợi dụng hai người. Kẻ thực sự có tiếng nói trong Nê Hội, là quân sư “Thông Toán tiên sinh”, người này trước đây từng làm thầy giáo, lại có thời đi đào đất đào bùn dưới sông, cũng từng lang bạt giang hồ làm thầy bói xem tướng. Kẻ này hành tẩu nhiều năm, cũng coi như là hạng kiến thức rộng rãi, nhưng con người thì cực kỳ âm hiểm xảo trá, lòng dạ ác độc, chỉ cần có lợi lộc thì chẳng có gì mà y không dám làm cả. Bọn thổ phỉ dưới tay y chẳng đơn thuần chỉ có trộm mộ, những việc táng tận thiên lương khác chúng cũng làm chẳng ít, hoàn toàn xứng với bốn chữ “tội ác ngập đầu”.

Thông Toán tiên sinh và Dương Nhị Đản dẫn theo bọn thổ phỉ Nê Hội đi khắp thâm sơn cùng cốc đào mộ cổ, đục khoét lỗ chỗ tất cả những nơi nào có thể có mộ cổ ở vùng núi Đông Bắc, sau đó đem minh khí đào được đổi lấy tiền bạc, thuốc phiện, thả sức ăn chơi phè phỡn. Chỉ cần người mua nào trả giá cao, thì dù có bán cho thương nhân Nhật Bản, gánh lấy danh Hán gian chúng cũng chẳng hề để ý. Trong hội nếu có kẻ nào mang lòng phản đối, liền lập tức trúng phải độc thủ của Thông Toán tiên sinh, tính mạng chẳng còn.

Lão Dương Bì về sau rồi cũng nhận ra, cứ tiếp tục lăn lộn với đám Nê Hội này, tuyệt đối sẽ chẳng có kết cục tốt, bèn lại hết lời khuyên Dương Nhị Đản quay đầu, nhưng Dương Nhị Đản đã bị ma quỷ mê hoặc tâm trí, hoàn toàn chẳng hề để tâm, coi như đã quyết đi đến cùng trên con đường hắc đạo. Làm thổ phỉ ăn ngon, uống cay, giết đàn ông, hiếp đàn bà, hút thuốc phiện, tiêu tiền to, ông trời là nhất thì ta là nhì, thử hỏi làm một lương dân khiếp nhược, an phận thủ thường sao có thể sánh bằng? Đối với y con người sống ở đời chỉ có một lần, phải sống như vậy thì mới đáng.

Mùa đông năm đó, có một người Nhật đến tìm Thông Toán tiên sinh, hai người đóng cửa bí mật thương nghị một kế hoạch cực kỳ trọng đại. Thì ra, tay Thông Toán tiên sinh này trong khi buôn bán cổ vật đã bắt quan hệ với Hắc Long hội của Nhật Bản, được bọn chúng rất tín nhiệm. Bấy giờ, quân Quan Đông đang tìm kiếm một vật bị thất lạc trong dân gian Trung Quốc, theo tin tình báo của chúng, rất có khả năng vật ấy được chôn trong mộ cổ hoặc tháp bia của chùa chiền gì đó.

Lão Dương Bì vô tình nghe được chuyện cơ mật này, thì ra ở vùng Đại Hưng An Lĩnh thời xưa, có một bộ phận không nhỏ lén lút thờ cúng hoàng bì tử, cho rằng Hoàng đại tiên chưởng quản linh hồn của người chết, là một vị Câu hồn sứ giả. Câu hồn sứ giả chuyên đi lấy vong hồn người chết, phàm người nào bị bắt hồn, đều bị đưa đến Quỷ nha môn, cũng tức là Âm tào Địa phủ. Người dân bình thường đa phần đều có nghe qua truyền thuyết về Quỷ nha môn, đó là một nơi vào rồi là không thể quay lại, nhưng cũng chỉ biết Quỷ nha môn ở sâu trong núi chứ cụ thể ở đâu thì không ai hay, vì những người vào đó rồi đều không thể sống trở về.

Không chỉ có người chết, bình thường ngay cả người sống cũng bị bắt hồn đi, một người đang sống khỏe mạnh, đột nhiên mất hết thần trí, trở nên ngây ngốc điên dại, mọi người liền cho rằng kẻ đó đã bị hoàng bì tử do Âm tào Địa phủ phái lên bắt hồn rồi. Người nào bị Hoàng đại tiên câu hồn, cho dù không chết ngay tại chỗ thì cũng coi như một cái xác sống, tuy vẫn còn thở đấy, nhưng hồn phách đã mất, chỉ còn lại cái vỏ thịt, chẳng khác nào cái xác biết đi.

Từ xưa đến nay, Trung Quốc có rất nhiều dân tộc thiểu số, các loại phong tục tập quán dung nhập diễn hóa, sau này cũng chẳng ai có thể tìm ra tập tục coi hoàng bì tử là Câu hồn sứ giả của Âm tào Địa phủ này khởi nguồn từ đâu và từ bao giờ nữa.

Cũng có thể phong tục này, có liên quan đến một vài con hoàng bì tử có đạo hành tương đối cao thâm, hiểu được ý người, lại biết thuật mê hồn. Ngoài ra, trên thực tế, đích thực cũng có một số con hoàng bì tử hết sức đặc thù, chẳng hạn nếu hoàng bì tử ăn phải một loại chuột đen đặc biệt, chất bài tiết trong cơ thể sẽ biến đổi, người sống mà ngửi phải rắm thối của chúng thì sẽ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, thần trí không còn tỉnh táo nữa, bảo khóc là khóc, bảo cười là cười, như bị ma nhập vậy. Những người nhà quê mê tín không hiểu, trong quá trình tin đồn lan đi khắp chốn, thông tin ban đầu lại càng được thần cách hóa lên.

Những truyền thuyết về hoàng bì tử và Quỷ nha môn đến thời Tống dần dần mai một, người biết đến càng lúc càng ít, có điều trong các câu chuyện dân gian vẫn còn giữ lại khá nhiều nội dung liên quan. Tương truyền rằng, Hoàng đại tiên có một cái rương đồng, bên trong chứa đựng bí mật câu dẫn hồn phách của hoàng bì tử, có rất nhiều bích họa và tượng đất trong các miếu thờ hoàng bì tử trùng khớp với truyền thuyết này, nhưng vì năm tháng đã lâu, không ai biết được cái rương đồng của Hoàng đại tiên lưu lạc nơi nào mất rồi.

Rồi quân Nhật phát hiện ra một cái hang chứa xác người bộ tộc Tiên Ty ở cuối mạch núi Đại Hưng An Lĩnh, cũng tức là khu vực động Bách Nhãn nằm ở vùng giáp ranh giữa thảo nguyên và hoang mạc. Trong hang động này ngoài vô số xác chết ra, còn có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ thời đó không thể nào giải thích được. Chẳng hạn, khu vực động Bách Nhãn này có hai lối ra vào ở hai đầu hẻm núi, trong đám đồi núi trập trùng ở giữa có sông ngầm và “Quỷ môn quan”, tất cả đều phù hợp với truyền thuyết về Quỷ nha môn, rất có thể cánh cửa dẫn đến địa ngục này là một bí mật đã bị cổ nhân chôn giấu suốt nghìn năm nay. Thêm nữa, lối vào phía trước hẻm núi nối liền với thảo nguyên, thi thoảng lại có “phần phong” đáng sợ xuất hiện cuốn lấy người và động vật. “Phần phong” chính là loại gió ma quỷ thổi từ chốn A Tỳ địa ngục được nhắc đến trong kinh Phật; cửa hẻm núi phía sau thì thông đến hoang mạc Mông Cổ, không dấu chân người. Đất đá trong hang chứa xác ở động Bách Nhãn có rất nhiều vật chất đặc biệt, có thể giữ gìn thi thể trải bao năm tháng cũng không thối rữa.

Sau khi điều tra tìm hiểu, người ta mới biết nơi này thì ra là mộ huyệt của các vu sư bộ tộc Tiên Ty. Trong truyền thuyết của họ, động Bách Nhãn được coi là nơi về của người chết, xếp ngang hàng với động Cát Tiên là nơi khởi nguồn của người Tiên Ty, gọi là hai đại thánh địa, được thờ cúng lễ bái quanh năm, tế người sống thì chôn ngọc, tế người chết thì chôn đá. Về sau, bị thời gian bào mòn, truyền thuyết và vị trí chính xác của hang động này đã mất đi, và được thay thế bằng những câu chuyện dân gian về Quỷ nha môn. Trong hang động có rất nhiều bích họa và tượng đá, nội dung diễn tả vu sư nắm trong tay một cái rương đồng có thể khống chế linh hồn người chết, có thể lợi dụng nó gọi hồn người chết từ chốn Âm tào về để bói toán, bốc quẻ, nhưng bên trong rốt cuộc có bí mật gì thì lại không tìm được ghi chép nào cả.

Người Nhật Bản rất hứng thú với truyền thuyết này, cho rằng “phần phong” có liên quan đến lối vào địa ngục ở đáy động chứa xác, là thứ gió chết chóc lùa từ chốn u minh lên dương gian, mà cái rương đồng kia rất có thể là mấu chốt để nắm giữ và điều khiển nó, nên muốn tiến hành nghiên cứu bí mật. Muốn bắt đầu nghiên cứu, thì trước tiên phải tìm được cái rương ấy, vì vậy mới mua chuộc đám phỉ Nê Hội, nhờ chúng tìm kiếm trong dân gian cái rương chiêu hồn của Hoàng đại tiên. Hai tên Hán gian Thông Toán tiên sinh và Dương Nhị Đản thấy tiền sáng mắt, liền bắt đầu lùng sục khắp nơi, và đã dần dần có chút đầu mối.

Lão Dương Bì biết được chuyện này xong lại cật lực khuyên giải Dương Nhị Đản, đào mồ quật mả người ta là được rồi, giờ lại còn muốn móc xuống tận Âm tào Địa phủ nữa, thế không phải là tìm chết à? Khuyên mãi không được, cuối cùng anh em cũng trở mặt thành thù, Dương Nhị Đản cảm thấy lão Dương Bì lúc nào cũng gây trở ngại, để lại bên cạnh sớm muộn gì cũng là mối họa, bèn giả bộ nghe lời huynh trưởng, thề sau này sẽ rửa tay gác kiếm không làm nữa, rồi lừa lão Dương Bì đến một vách núi, từ phía sau đá cho ông một cú lăn nhào xuống.

Lão Dương Bì cũng là người mạng lớn, rơi xuống vách núi liền mắc vào cành tùng mọc chìa ra nên không chết, chỉ bị gãy mất mấy dẻ xương sườn, và suýt chút nữa bị cành cây chọc thủng bụng, may mắn được thợ săn cứu về, dưỡng thương mất hơn nửa năm mới bình phục. Ông vẫn lo lắng cho Dương Nhị Đản, chẳng những không hận y, mà còn tự oán trách mình không thể khuyên bảo y quay đầu, lại một lần nữa vào trong núi tìm em trai. Bấy giờ mới biết, đám Nê Hội rốt cuộc cũng đào được cái rương chiêu hồn ấy trong một nơi gọi là Mộ Hoàng Bì Tử, vì vụ này mà thiệt mất mấy mạng người, cả tay Thông Toán tiên sinh kia cũng bị Hoàng đại tiên ép phải treo cổ tự sát. Dương Nhị Đản may mắn thoát chết, lại còn mang được cái rương ra ngoài, mang theo mấy thủ hạ và tên thương nhân Nhật Bản đã liên lạc với bọn chúng, tập hợp thanh một nhóm tiến vào động Bách Nhãn ở sâu bên trong thảo nguyên.

Lão Dương Bì liền bám đuôi theo sau, định kéo Dương Nhị Đản về, nhưng bám theo đến khe núi phía trước động Bách Nhãn, liền bị làn khói đen trong lò thiêu xác người chết kia dọa cho khiếp vía, thêm nữa, lúc bây giờ mây khói biến ảo, làm lão Dương Bì tưởng đó chính là con yêu long mà dân du mục trên thảo nguyên vẫn hay nhắc đến đang tác quái. Ông già cực kỳ tin vào những thứ đó, sau một hồi do dự, cuối cùng cũng không dám lại gần động Bách Nhãn. Kỳ thực, cho dù ông có bám theo vào trong, chắc chắn sẽ bị quân Quan Đông bắt giữ, không bị làm vật thí nghiệm sống thì cũng bị giết người diệt khẩu. Lão Dương Bì quanh quẩn bên ngoài động Bách Nhãn gần nửa tháng trời mà không thấy bên trong có người nào sống trở ra, trong lòng cũng hiểu nhất định đã xảy ra chuyện gì rồi. Thử hỏi, động Bách Nhãn là nơi nào kia chứ? Đó là Quỷ nha môn thông xuống tận cõi Âm tào cơ mà, đặt chân lên con đường không lối về ấy, chẳng ai có thể sống sót được.

Lão Dương Bì tính tình vốn nhu nhược, không đủ dũng khí vào động Bách Nhãn mang thi thể Dương Nhị Đản về chôn cất, cũng không dám tưởng tượng ra cảm giác phải đối mặt với xác chết người anh em ruột thịt của mình thì sẽ như thế nào. Sau bận đó, ông lang thang trên thảo nguyên, giúp dân du mục làm một số công việc lặt vặt mưu sinh. Sau giải phóng, vì cuộc sống nghèo khó bần hàn, được chính phủ giúp đỡ cho làm hộ chăn nuôi, cả ngày cứ trầm mặc ít lời, bao nhiêu chuyện quá khứ chôn chặt trong lòng, thi thoảng mới mượn tiếng đàn và điệu Tần Xoang để phát tiết bớt nỗi khổ giày xéo tâm can.

Tôi và Tuyền béo nghe đến đây, cũng đã hiểu ra quá nửa, những chuyện sau này thì gần như chúng tôi đều cùng lão Dương Bì trải qua cả rồi. Vì đuổi theo đàn bò, lão Dương Bì và chúng tôi vô tình lạc vào khu vực động Bách Nhãn này, bị hoàn cảnh bức bách, ông không dám nói thực chuyện trước đây. Đến lúc trông thấy xác Dương Nhị Đản ở ngay bên cạnh, lão Dương Bì mới không sao kiềm chế được tình cảm, quá khứ dồn nén trong lòng hơn hai chục năm trời đột nhiên bùng lên, khiến ông mất hết thần trí, định mở cái rương chiêu hồn đó ra gọi âm hồn Dương Nhị Đản từ chốn Âm ty về đây mà hỏi cho rõ ràng, tại sao không chịu nghe lời khuyên của huynh trưởng, để rồi cuối cùng gặp phải kết cục chịu khổ sở như thế, giờ đã thấy hối hận hay chưa?

Lão Dương Bì ngập ngừng kể hết sự tình cho tôi và Tuyền béo. Tuyền béo nghe xong, liền tỏ vẻ hết sức đồng tình với ông lão: “Quá khứ của ông tuy khiến thanh niên trí thức chúng cháu cảm thấy hết sức đồng tình và thương cảm, nhưng người anh em Dương Nhị Đản của ông cam tâm bán mạng cho giặc, vậy là đã từ bỏ nhân dân, về đường lối là không thể thỏa hiệp được rồi, ông phải hạ quyết tâm vạch rõ ranh giới với hắn ta đi thôi.”

Song tôi không dễ bị người ta gạt như Tuyền béo, từ đầu vẫn luôn chú ý lắng nghe lời kể của lão Dương Bì, thấy ông già cuối cùng cũng đã kể xong, trong lòng thoáng động, ý nghĩ chợt lóe lên. Trong khoảnh khắc, tôi giật luôn sợi dây lưng da trói nghiến hai tay lão Dương Bì ra đằng sau: “Dương Nhị Đản, đến nước này rồi mà ông vẫn không chịu nói thật hả?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.