Quỷ Vương Kén Vợ

Chương 29: Yêu đến đau khổ




Tôi vươn người ra, xoay quanh cái bình đựng bộ xương trăn, định xem tại sao trong bình lại có xác chết, thì Tuyền béo đột nhiên vỗ vai một cái: “Đừng tìm nữa, cái bàn tay ấy ở trong tủ đây này.”

Tôi quay đầu lại nhìn Tuyền béo, cậu ta đang giơ ngọn nến, chỉ tay về phía cái tủ cất giữ tiêu bản to đùng ngã ngửa. Tôi nhìn theo hướng cậu ta chỉ, tuy ánh nến chập chờn mờ ảo, phần bên trong tủ hiện lên hết sức mơ hồ dưới ánh sáng yếu ớt, nhưng ở góc của chúng tôi đang đứng, đúng là nhìn thấy có một bàn tay xòe năm ngón, chống lên lớp thủy tinh dày của vật chứa. Tôi và Tuyền béo đưa mắt nhìn nhau, đồng thanh hỏi: “Có cả tiêu bản người chết cơ à?”

Cái tủ tiêu bản này thực sự rất lớn, giống như một cái công ten nơ cỡ nhỏ, bên trong chứa đầy tiêu bản hoàn chỉnh của các loài động vật, nhìn thoáng qua tầng ngoài cùng này, tính cả xương của con trăn vảy gấm kia, thì dường như đều là những loài kịch độc. Tôi cũng không hiểu những thứ này phân loại ra thế nào, nhưng con người thì làm gì có độc, tại sao lại để tiêu bản của người chết chung một chỗ với những loài độc trùng, độc thú này? Lẽ nào là để dưỡng thi độc? Lý do này cò vẻ không hợp lý lắm, vì vậy hai thằng cùng buột miệng hỏi nhau, nhưng không thì biết hỏi ai bây giờ? Hỏi ma quỷ chắc? Dù gì thì bốn người sống chúng tôi cũng không thể nào biết được đáp án cho câu hỏi này.

Từ bên ngoài không thể với tới bình chứa để sâu bên trong, tôi thoáng do dự, rồi đón lấy ngọn nến trong tay Tuyền béo, định chui vào xem cho rõ. Tuyền béo khuyên giải: “Một cái xác thì có ích quái gì cho chúng ta đâu? Thôi mau đi chỗ khác tìm xem, nói không chừng gần đây lại có một con trăn cái, vậy thì chiến hữu thân thiết của chúng ta được cứu rồi...”

Chúng tôi từng nghe nói, trăn vảy gấm là một biến chủng của trăn rừng, trăm con đực mới có một con cái. Loài trăn này vốn đã rất hiếm gặp, con trăn vảy gấm cái toàn thân có đốm vằn màu đen lại càng hiếm có hơn, tương truyền trăn cái không có độc, mà dịch não và tủy xương còn có thể giải độc của con đực. Vì vậy, nếu như tìm được một con trăn cái, khẳng định có thể cứu mạng Đinh Tư Điềm, có điều động Bách Nhãn không phải là vùng sinh sản ra trăn rừng, muốn tìm thấy loài sinh vật gần như đã tuyệt chủng này, e rằng đến một phần vạn cơ hội cũng chẳng có nữa. Nói theo cách biểu đạt tương đối thịnh hành thời đó, thì suy nghĩ này của Tuyền béo, đúng là chẳng khác gì chuyện cổ tích mới cả.

Nhưng đối với cơ hội chỉ có một phần vạn ấy, tôi cũng vẫn ôm một chút ảo tưởng. Nếu bọn Nhật kiếm được một con trăn vảy gấm cái làm thành tiêu bản, khả năng này về mặt lý luận không phải là không thể xảy ra, vì vậy tôi không từ bỏ hy vọng, định lục tìm từng ngóc ngách một trong cái tủ tiêu bản khổng lồ, tóm lại là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chưa đến Hoàng Hà dạ chưa cam.

Nghĩ đoạn, tôi bảo với Tuyền béo: “Vào trong xem chút đã.” Dứt lời, tôi cúi đầu thò chân bước luôn vào tủ. Vì trong các bình các vại đều là những loài độc vật hình dáng kỳ dị, tôi cũng không dám lơ là cảnh giác, chỉ sợ va đập làm vỡ mất bình nào thì nguy. Tôi cẩn thận chầm chậm nhích dần vào, không gian trong này bốc lên một thứ mùi như mùi long não, cay sè cả mắt. Tôi không dám hô hấp, nín hơi thở tiến lại gần cái bình chứa ấy, trong bình toàn là chất lỏng màu vàng, tạp chất khá nhiều nên chỉ nhìn thấy một cánh tay ở bên trong áp lên mặt bình. Cánh tay ấy nhỏ hơn tay người trưởng thành nhiều, chỉ cỡ như bàn tay của đứa trẻ bảy tám tuổi, lòng bàn tay dường như có một lớp màng chất dẻo trong suốt.

Tôi thầm nhủ: “Nghe nói trong dân gian có thai độc thai điếc gì đấy, hình như chính là chỉ loại nhau thai hay bào thai bị nhiễm độc, có thể chế thành thuốc độc hại người, trong tủ này để toàn các loại độc vật, nếu có thai độc thì cũng không có gì là lạ, nhưng nhìn bàn tay này thì trong bình không thể là thai nhi chưa thành hình được, mà phải là đứa trẻ tầm bảy tám tuổi mới đúng. Lẽ nào, thai độc ngâm trong nước thuốc bị phình ra?”

Nhưng tình thế không cho phép nghĩ ngợi quá lâu, tôi thấy chỉ là một cái xác ngâm trong nước thuốc thì cũng không lãng phí thời gian với nó nữa, định đi tìm chỗ khác. Nhưng đúng lúc tôi định quay người đi sâu hơn vào bên trong, thì bỗng liếc thấy một vài thứ, trong ánh nến chập chờn có thể trông thấy bàn tay đè lên thành bình chứa đó, tuy giống hệt như tay người, nhưng lại không có chỉ tay, giữa mỗi tay đều có một chấm tròn màu đỏ. Trong óc tôi chợt lóe lên một tia sáng, tiên sư nó chứ, sao lại không nhớ ra cái chấm đỏ này nhỉ?

Tôi quay lại gọi Tuyền béo dọn ngay những bình những vại bên ngoài đi, Đinh Tư Điềm được cứu rồi. Tuyền béo nghe thế thì ngẩn người, dường như vẫn chưa dám tin có kỳ tích xảy ra, nhưng kỳ tích không thuộc về thần tiên hay hoàng đế gì cả, kỳ tích thuộc về giai cấp vô sản. Cậu ta tranh thủ từng phút giây, thậm chí không kịp hỏi tôi rõ ràng, đã ôm cái bình to tướng ngâm bộ xương trăn dịch sang một bên, rồi tiếp tục dọn ra một lối đi thông thoáng ngoài cửa tủ.

Sau đó, cậu ta cũng chui vào trong giúp tôi một tay. Hai chúng tôi cẩn thận chuyển cái bình tôi vừa phát hiện ra ngoài, nhẹ nhàng như bê một quả bom. Tuyền béo lấy làm thắc mắc, hỏi tôi trong ấy đựng gì thế? Người chết à?

Tôi bảo: “Không phải người chết, trong tủ này chẳng có người chết gì cả, đây là một con thủ cung, một con thủ cung rất lớn, có thứ này, nói không chừng lại giải được chất độc mà Đinh Tư Điềm trúng phải.”

Tuyền béo lấy làm ngạc nhiên nói: “Cậu đừng có làm bừa đấy, sao tôi chưa bao giờ nghe nói thủ cung có thể giải độc? Mà thủ cung là cái giống gì? Chúng ta đều do cha mẹ sinh ra, đều do Đảng bồi dưỡng, được tắm trong cơn mưa xuân của tư tưởng Mao Trạch Đông dưới ngọn cờ hồng, cậu làm sao mà biết nhiều hơn tôi được? Điều này làm tôi không thể không hỏi, như vậy là tại sao?”

Lòng tôi đã nóng như lửa, nhưng để giữ được tư thế trấn định bình tĩnh, dẫu cho núi Thái sụp xuống cũng không chớp mắt trong lòng quần chúng của mình, tôi vẫn vừa tìm thanh bảo đao Khang Hy cắt lớp sáp niêm phong miệng bình, vừa trả lời Tuyền béo: “Tại sao tôi lại biết nhiều hơn cậu à? Bởi vì từ nhỏ tôi đã lập chí cao xa, đồng thời chú trọng bồi dưỡng phẩm chất và ý chí của bản thân, không ngừng hấp nạp các tri thức có giá trị thực dụng trên nhiều phương diện khác nhau, để sau này sẽ trở thành một sĩ quan chỉ huy ưu tú của quân ta trong cuộc chiến giải phóng toàn nhân loại. Còn cậu thì sao, cả ngày du thủ du thực, sinh chuyện thị phi, ngoài săn thỏ ra thì cậu còn biết làm gì nữa không? Vả lại, tôi cũng từng là chiến hữu Hồng vệ binh cùng cậu kề vai tác chiến, hoàn cảnh của chúng ta gần như giống hệt nhau, từ nhỏ đã trải qua thiên tai nhân họa, lớn lên ăn cơm trong nhà ăn xã hội chủ nghĩa, chẳng ai tắm nhiều gió xuân hơn ai cả, thế tại sao cậu béo thế còn tôi thì gầy thế? Tôi cũng không thể không hỏi, như vậy là tại sao?”

Trình độ hùng biện của Tuyền béo xưa nay vẫn kém tôi một bậc, lần này lại bị tôi vặn cho cứng cả họng. Tôi nói nhiều với cậu ta như thế, thực ra cũng vì trong lòng không chắc cho lắm. Nói nhiều, là một biểu hiện của tâm lý căng thẳng và bất an. Trong lúc nói chuyện, tôi đã mở nắp cái bình thủy tinh ấy ra, cố nhịn mùi thuốc ngâm xốc lên tận óc, lấy thanh đao chọc vào bên trong, quả nhiên đã khều ra được một con thủ cung rất lớn, nước chảy ròng ròng, tính cả đuôi thì chiều dài khoảng hơn một mét.

Thủ cung là cái gì? Thực tế, thủ cung chính là con thằn lằn, thủ cung chính là mang ý “thủ vệ hoàng cung nội uyển”. Hoàng đế ít thì có tam cung lục viện, nhiều thì giai lệ ba nghìn, những người đàn bà ấy đều là của hoàng đế cả, người khác đừng hòng đụng vào. Để đề phòng trong cung xảy ra chuyện dâm loạn, các thái giám phải chọn ra những con thằn lằn nhỏ có ẩn sắc xanh, bỏ vào trong vại sành nuôi dưỡng ở chỗ râm mát, mỗi ngày đều phải có người phụ trách cho lũ này ăn chu sa, cứ nuôi như thế ba năm liền, lũ thạch sùng trong vại có thể lên đến bốn năm cân, thể hình như vậy là khá lớn rồi.

Cũng như lúc chọn lợn để làm thịt, có con thằn lằn nào đủ cân, liền bị bắt ra bọc trong vỏ cây dâu, để lên mái ngói phơi khô, sau đó nghiền ra thành thuốc, điểm lên cánh tay những cô gái mới vào cung. Từ đó trở đi, trên cánh tay những cô gái ấy sẽ có thêm một đốm đỏ như máu, gọi là thủ cung sa, khi nào xử nữ mất trinh, thì thủ cung sa sẽ tự động biến mất, không thì cả đời cũng không bao giờ phai màu. Hoàng đế sử dụng phương pháp này để kìm kẹp những người đàn bà của mình, một khi phát hiện ra cô nào chưa được ân sủng mà trên cánh tay không có thủ cung sa, cô đó liền mắc tội khi quân. Dám cắm sừng lên đầu hoàng đế, tội ấy ắt phải tru di cửu tộc mới xong.

Vì thằn lằn có tác dụng đặc biệt này, thế nên còn được gọi là thủ cung, tên này nghe đồn cũng là do một vị hoàng đế đặt cho, nên thành khuôn vàng thước ngọc luôn. Vì vậy, thời xưa người ta đều gọi thằn lằn là thủ cung, nghe nói vì cái tên này cũng thuộc chế độ cũ, cho nên đã bị loại trừ không dùng nữa. Có điều, khi trông thấy con thằn lằn này, trong đầu tôi chợt nghĩ đến chuyện thời nhỏ. Trong các câu chuyện mà ông nội tôi kể, ông luôn gọi nó là thủ cung.

Người ta đều nói con trai bảy tám tuổi, chuyện gì cũng nghịch phá, đít bị đét đỏ như đít khỉ rồi vẫn không thôi quậy. Nhưng tôi thì đến mười hai mười ba tuổi vẫn không biết thế nào gọi là trẻ ngoan, chỉ biết quậy tung trời. Ở quân khu chúng tôi ở, phía sau có một nghĩa địa hoang, sâu trong đám cỏ rậm rạp có một phiến đá xanh, người trong vùng đều nói đó là nắp quan tài, ai ngồi lên trên ắt sẽ bị âm khí của cương thi trong ấy làm tổn thương.

Tôi nghe nói có chuyện ấy, bèn quyết định đi trinh thám một phen, dẫn theo mấy đứa trẻ khác mang xà beng sắt bậy phiến đá xanh đó lên. Phiến đá đó vốn chẳng phải nắp quan tài gì, chẳng qua chỉ là một phiến đá thiên nhiên mà thôi, mặt dưới mọc đầy những rêu là rêu. Khi ấy, tôi chán lắm, không ngờ bên dưới phiến đá đó lại có một con bò cạp lớn, nó chích một phát vào ngón áp út của tôi, vết thương lập tức đen sì, sưng lên to tướng. Chẳng những thế, cả cánh tay cũng bắt đầu tê dại đi, lúc bấy giờ tôi thực tưởng là mình sắp hy sinh anh dũng rồi, vội vàng chạy ngay về nhà.

Khi ấy bố mẹ tôi đều đi công tác xa, ông nội là người đưa tôi đến trạm y tế. Tay bác sĩ ở đó cũng là hạng lang băm, vừa kiểm tra xong liền đòi cắt tay tôi luôn. Nhưng ông nội Hồ Quốc Hoa của tôi không đồng ý, ông bảo ông có cách chữa khác. Thời trước giải phóng, ông từng là thầy phong thủy, nên cũng biết rất nhiều phương thuốc bí mật trong dân gian.

Vừa khéo lúc ấy có người bắt được một con thủ cung lớn còn sống, ông nội liền xin về. Bàn tay con thủ cung nếu không nhìn kỹ thì khá giống tay người, ở màng giữa các ngón tay đều có một mụn thịt nhỏ màu đỏ tươi, ông nội tôi lấy kim khều cái mụn thịt ấy ra, hòa với nước cho tôi uống, chẳng bao lâu sau, ngón tay tôi liền hết sưng.

Về sau tôi hỏi ông đấy là cái gì, ông nội liền kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện về loài thủ cung này, sở dĩ tôi có kiến thức khá phong phú về các thứ kỳ lạ xưa cũ, cơ hồ cũng đều là do ông nội kể cho từ thuở bé cả. Cái mụn thịt đỏ trên kẽ ngón tay con thủ cung ấy, được gọi là Tễ hồng hương, có thể khắc ngũ độc, giải bách độc, nếu có một hộp Tễ hồng hương ấy treo trong phòng, cả nhà sẽ không có kiến hay côn trùng gì hết. Có điều, muốn một cái hộp như thế phải cần rất nhiều thủ cung đã trưởng thành, nhà bình thường không thể nào dùng được.

Không ngờ những trải nghiệm trước đây, lúc này lại có tác dụng. Vì chỉ có Tễ hồng hương ở chi trước là dùng được, nên mỗi con thủ cung trưởng thành tổng cộng chỉ có tám hạt. Thứ này có thể giải bách độc, mà tôi còn nhớ, năm đó ông nội không dùng thứ gì khác, không cần thuốc dẫn hay gì gì đó như trong Đông y, điều đáng lo duy nhất chỉ là, cái gọi là giải được bách độc này, có bao gồm độc của trăn vảy gấm hay không mà thôi. Nhưng có bệnh thì phải vái tứ phương, có cái phao cứu sinh còn tốt hơn là buông tay nhìn Đinh Tư Điềm mất mạng.

Tôi dẹp bỏ mọi lo lắng sang một bên, quyết định thử liều một cú, có hại chết Đinh Tư Điềm thì tôi đền mạng cho cô là cùng. Khi ấy, thật đúng là lo cuống cả lên, tôi và Tuyền béo hoàn toàn quên mất bản thân mình cũng trúng độc của cây thi sâm. Tôi giải thích sơ qua về nguyên lý giải độc bằng Tễ hồng hương cho Tuyền béo nghe, tuy cu cậu nửa hiểu nửa không, nhưng xuất phát từ lòng tin vô hạn đối với chiến hữu là tôi đây, cũng gật đầu đồng ý cái roẹt.

Chúng tôi kéo cái xác con thủ cung xuống đất, rửa qua cho sạch nước thuốc, rồi Tuyền béo giữ chặt chi trước của nó, tôi lấy mũi đao khêu ra tám cái mụn thịt be bé, cho vào lòng bàn tay giơ lên quan sát. Chỉ thấy hạt nào hạt nấy đỏ như giọt máu, có thể cứu Đinh Tư Điềm hay không, toàn bộ đều phải dựa vào mấy cái hạt này thôi vậy.

Lúc này sắc xanh trên gương mặt Đinh Tư Điềm đã thấp thoáng hiện lên sắc đen, hai hàm răng nghiến chặt, Tuyền béo và lão Dương Bì phải cậy ra để tôi nhét cả tám hạt Tễ hồng hương vào miệng cô, bịt mũi rồi đổ nước cho trôi xuống. Ba chúng tôi ngồi chờ dưới ánh nến, nhìn chằm chằm vào cô không chớp mắt, trái tim đều như đã nhảy lên đến cổ họng. Không biết bao nhiêu lâu sau, đến khi mấy đoạn nến còn sót lại đều đã cháy hết, mới thấy tuy sắc xanh giữa hai chân mày Đinh Tư Điềm chưa nhạt đi, nhưng tạ ơn trời đất, hơi thở cô đã bình ổn hơn trước nhiều, bệnh tình rốt cuộc cũng có dấu hiệu thuyên giảm.

Tôi khẽ thở phào một tiếng, theo lý, lúc bấy giờ cần phải tiếp tục kiên trì để rời khỏi gian mật thất âm u hôi thối ấy, nhưng sợi dây đang căng vừa lơi ra một chút, tinh thần và thể lực đều không thể cầm cự lâu hơn được nữa. Trong khoảnh khắc, tôi bỗng cảm thấy trời xoay đất chuyển, mãi không tài nào xua đi được ý nghĩ muốn ngã vật xuống đất lăn ra ngủ một trận. Nhưng giờ này còn lâu mới đến lúc nghỉ ngơi, cần phải nhanh chóng rời khỏi đây, cho dù có phải ngủ trong hành lang ngoài kia cũng không thể để mất ý thức bên cạnh cái xác của nữ vu sư bộ tộc Tiên Ty này được. Tôi cắn mạnh vào đầu lưỡi, cố lấy lại tinh thần, cùng Tuyền béo tìm xem có dụng cụ gì dọn dẹp cái cây thi sâm đang chắn cửa mật đạo kia không. Lúc này lão Dương Bì dường như đã hồi phục phần nào sức lực, ông già cũng biết chỗ này không tiện ở lâu, bèn lảo đảo bước đến giúp chúng tôi một tay.

Tôi cùng Tuyền béo và lão Dương Bì cũng phải vất vả một lúc lâu, tuy rằng chúng tôi không hiểu biết nhiều về cái cây thi sâm “Yabulu” này cho lắm, nhưng phân tích dựa trên một số thường thức về sinh vật mà chúng tôi đã được tiếp xúc, có khả năng loại cây này cũng giống như con “bách hợp biển”, là một loại sinh vật cắm rễ dưới đất không thể di động, phạm vi hoạt động chỉ giới hạn trong chiều dài của bộ rễ, chứ không thể rời khỏi vùng đất thích hợp cho nó sinh trưởng, có điều, xét khoảng cách từ trong hầm đất kia đến mật thất bên trong mật thất này, độ dài của nó thật đúng là khiến người ta khó mà tin nổi. Chúng tôi cắt từng đoạn của cây thi sâm đã bị thuốc chống thối rữa giết chết kia ra, mới phát hiện không chỉ bộ rễ của nó nối liền với rất nhiều xác chết đã thối rữa, mà bên trong lớp vỏ cây cũng có rất nhiều xác người, những cái xác cuốn bên trong rễ cây thì đa phần mới chỉ trắng ởn, hơi rữa ra, còn thi thể bên trong thân cây thì gần như đã nát nhừ không còn thành hình người nữa rồi. Tôi đang định giơ chân đá những rễ cây bị Tuyền béo cắt đứt ra xa, chợt nghe lão Dương Bì gào lên một tiếng như sói tru, hai gối quỳ gục xuống đất, rồi khóc rống lên với một cái xác bị dính trên rễ cây thi sâm: “Em ơi, em ơi, em chết thảm quá...”

Tôi và Tuyền béo lấy làm lạ, liền bước lại chỗ cái xác đó xem. Chỉ thấy cái xác đã dính liền với một sợi rễ cây đó, mặt mũi trắng bệch, còn có mấy con giòi đang bò qua bò lại trên trán, nhìn bộ dạng của lão Dương Bì, dường như cái xác này chính là em trai của ông, Dương Nhị Đản. Tuy rằng chúng tôi xưa nay chưa hề quen biết Dương Nhị Đản, nhưng dù sao cũng đã cùng lão Dương Bì trải qua vô số khảo nghiệm sinh tử, nên cũng có chút cảm giác thương cảm bồi hồi, không khỏi thấy sống mũi cay cay.

Chúng tôi không biết phải an ủi lão Dương Bì thế nào, đành bắt nhịp hát một bài, “đừng quên giai cấp khổ, nhớ kỹ mối huyết thù” để tô màu bi tráng lên bầu không khí. Nhưng vừa hát được nửa câu, tôi đột nhiên nhận ra trang phục trên người Dương Nhị Đản cũng là toàn thân áo đen, dây lưng màu đỏ chói. Thì ra người này cũng thuộc bọn phỉ Nê Hội cấu kết với người Nhật kia. Tôi vội đưa tay kéo áo lão Dương Bì, hỏi ông già xem rốt cuộc ông là bạn hay thù, không ngờ trong một thoáng ngẩn người ra ấy, lão Dương Bì đã lặng lẽ quay người bước đi mấy bước, ôm cái rương đồng trông như cái quan tài kia lên, miệng lẩm bẩm, tay lần mở nắp: “Nhị Đản à, anh gọi hồn em về đây…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.