Phượng Hoàng Đài

Chương 13




Tôi nghĩ tới bà nội rất nhiều vào sáng hôm sau. Tôi cảm thấy bị giằng xé giữa nỗi ham muốn gặp lại người lạ đêm nay và những bài học cư xử đã được khắc cốt ghi tâm từ thơ ấu thơ về việc nên cư xử thế nào. Tôi sửa soạn rồi đi ra từ đường. Đó là một quãng đường dài nhưng tôi có cảm giác mọi vật như thể không phải tôi đã thấy chúng cả vạn lần trước đây.

Trang viên nhà họ Trần có những đại sảnh, sân trong rộng rãi và những căn đình duyên dáng giăng xuôi theo bờ Tây Hồ. Vẻ gồ ghề hoang sơ của những hòn non bộ nhắc nhở tôi về những thứ trường tồn và bền vững trong cuộc sống. Tôi thấy những hồ nước mênh mông và dòng sông uốn khúc nơi các ao và suối nhân tạo của gia đình tôi.

Tôi cảm nhận được những cánh rừng trong các khóm trúc được trồng tỉa chăm chút công phu. Tôi đi qua Tụ Mỹ đình, một điểm quan sát trên cao cho phép các cô gái chưa chồng trong gia tộc nhìn các vị khách trong vườn mà không bị phát hiện. Ở đó tôi đã nghe thấy những âm thanh từ thế giới bên ngoài, tiếng sáo luyến láy phiêu bồng vẳng qua hồ, lan tỏa qua mặt nước, âm thầm lén lút vượt qua tường bao khuôn viên vào khu nhà của chúng tôi.

Tôi thậm chí còn nghe thấy những giọng nói bên ngoài, một người bán dạo rao bán đồ dùng làm bếp, cuộc cãi vã giữa hai người chèo thuyền, tiếng cười êm ái của những người phụ nữ trên một du thuyền. Nhưng tôi chưa từng trông thấy họ. Tôi vào từ đường, nơi chúng tôi gìn giữ bài vị của tổ tiên.

Bài vị, những mảnh gỗ nhỏ khắc tên ông bà tổ tiên chúng tôi bằng chữ dát vàng, được treo trên tường. Đây là ông bà nội tôi, các ông trẻ, các bà cô, vô số những anh chị em họ rất xa, những người đã sinh ra, sống và qua đời trong Trần phủ. Khi chết, linh hồn họ chia thành ba phần để tới nhà mới của họ ở cõi âm, phần mộ và bài vị.

Nhìn những tấm bài vị ấy, tôi không chỉ có thể lần ngược gia phả hơn chín thế hệ mà còn có thể cầu khấn phần linh hồn ngự trong đó phù hộ cho mình. Tôi đốt nhang, quỳ xuống nệm, nhìn lên hai bức vẽ chân dung tổ tiên treo phía trên bàn thờ. Bên trái là ông nội tôi, một học sĩ của triều đình, người đã mang lại danh giá, sự bảo đảm và giàu có cho gia tộc.

Trong tranh, ông ngồi trong tấm áo thụng, chân giang ra và một tay cầm chiếc quạt xoè rộng. Khuôn mặt ông nghiêm nghị, vùng da quanh mắt nhăn lại vì từng trải và lo nghĩ. Ông qua đời khi tôi lên bốn tuổi và ký ức của tôi về ông là một người thích tôi im lặng và ít khoan dung với mẹ tôi hay với những phụ nữ khác trong gia tộc.

Phía bên phải ban thờ, trong một cuộn giấy dài khác là mẹ của cha tôi. Bà cũng mang một vẻ mặt nghiêm khắc. Bà có vị thế rất đáng tôn kính trong gia tộc và trong vùng chúng tôi, như một người hy sinh vì nghĩa trong cuộc Đại biến. Vào những năm trước khi bà hy sinh, ông nội tôi giữ chức Công bộ Thị lang ở Dương Châu.

Bà nội đã rời Trần phủ ở Hàng Châu này và đi bằng thuyền, rồi đi kiệu trong hai ngày tới sống cùng ông nội tại Dương Châu. Không nhận thấy thảm họa sắp đến, cha mẹ tôi tới Dương Châu thăm ông bà nội. Chẳng bao lâu sau khi họ tới, quân xâm lược Mãn Châu đã đến. Bất cứ khi nào tôi thử nói chuyện với mẹ về thời kỳ đó, bà luôn bảo, “Con không cần biết về nó.” Một lần, hồi tôi năm tuổi, tôi đã hỗn xược đến mức dám hỏi xem mẹ có nhìn thấy bà nội chết không.

Mẹ tát tôi mạnh đến nỗi làm tôi ngã lăn ra đất. “Đừng có bao giờ nói gì với mẹ về ngày đó.” Bà không bao giờ đánh tôi nữa, ngay cả trong khi tôi phải bó chân, và tôi cũng không bao giờ hỏi mẹ về bà nội nữa. Tuy vậy, những người khác lại cầu khấn bà nội gần như hàng ngày.

Thành công lớn nhất mà một phụ nữ có thể đạt tới trong đời là trở thành một quả phụ tiết hạnh, người sẽ không chấp nhận một cuộc hôn nhân thứ hai, ngay cả khi điều đó có nghĩa là mất cả mạng sống của mình. Nhưng bà nội đã làm một việc thậm chí còn phi thường hơn. Bà chọn cách quyên sinh còn hơn là thất thân với những tên lính Mãn Châu.

Bà là một tấm gương về tiết hạnh mẫu mực, đến nỗi khi người Mãn Châu lập nên triều Thanh, họ đã chọn bà để tôn vinh trong những truyện kể và cuốn sách dành cho phụ nữ đọc nếu họ mong muốn hoàn thiện bản thân ở vai trò làm vợ làm mẹ và để phổ biến các tiêu chuẩn chung về lòng kiên trung và hiếu thảo.

Người Mãn Châu vẫn còn là kẻ thù của chúng tôi, nhưng họ đã dùng bà nội tôi cùng những phụ nữ khác đã quyên sinh trong thảm họa để giành được sự tôn trọng của chúng tôi và đem lại trật tự cho các khuê phòng. Tôi đặt đồ cúng là những trái đào trắng hoàn mỹ lên bàn thờ bà nội.

“Cháu có nên gặp chàng hay không ạ?” Tôi rì rầm, hy vọng rằng bà sẽ chỉ dẫn cho mình. “Hãy phù hộ cho cháu, lạy bà nội, hãy phù hộ cho cháu.” Tôi dập trán xuống sàn thi lễ, ngước nhìn lên bức chân dung để bà thấy sự thành tâm của tôi và lại dập đầu xuống. Tôi đứng lên, vuốt phẳng váy áo và rời khỏi từ đường, những nguyện ước của tôi bồng bềnh theo làn khói hương bay tới bà nội.

Nhưng tôi không cảm thấy dứt khoát hơn về điều mình nên làm so với lúc bước vào đây. Liễu Nhi đợi tôi ở ngoài cửa. “Phu nhân bảo rằng tiểu thư đã bị muộn bữa điểm tâm ở Xuân Đình,” nó nói. “Tiểu thư đưa tay đây, em sẽ đưa tiểu thư đến đó.” Nó là a hoàn của tôi nhưng tôi là người phải tuân lệnh.

Lúc này các hành lang đã rộn rịp hối hả. Trần phủ có chín trăm bốn mươi nhân khẩu: hai trăm mười người trong số đó là họ hàng ruột thịt của tôi, ba trăm ba mươi người là tỳ thiếp cùng con cái họ, tất cả đều là con gái, và bốn trăm người khác là những người nấu bếp, làm vườn, nhũ mẫu, a hoàn và đại loại thế.

Giờ đây, trong lễ Thất Tịch, chúng tôi còn có nhiều khách khứa hơn nữa. Với nhiều người như vậy, trang viên nhà chúng tôi được thiết kế để mỗi người đều ở nơi thích hợp dành cho mình. Vì vậy sáng nay, cũng như mọi buổi sáng khác, mười tỳ thiếp cùng hai mươi ba cô con gái của họ ăn tại sảnh riêng.

Ba chị em họ, đang ở thời điểm quyết định trong quá trình bó chân, bị giam tại buồng mình. Còn lại, những người phụ nữ ở Xuân Đình ngồi theo thứ bậc. Mẹ tôi, là dâu trưởng, có một vị trí danh dự trong phòng. Bà và bốn người em dâu ngồi ở một bàn, năm cô em họ còn nhỏ ngồi ở một bàn khác cùng các nhũ mẫu của chúng, trong khi ba cô em họ trạc tuổi tôi và tôi có một bàn riêng.

Khách của chúng tôi cũng được phân nhóm theo tuổi và địa vị. Ở góc phòng là các nhũ mẫu chăm nom các bé sơ sinh và bé gái dưới năm tuổi. Tôi đung đưa người như một một bông huệ mỹ miều, di chuyển nhẹ nhàng qua căn phòng, thận trọng những bước chân, người tôi đu đưa uyển chuyển như đóa hoa trong làn gió nhẹ.

Khi tôi ngồi xuống, các em họ lờ tôi đi, bỏ mặc tôi một cách rõ ràng. Thường thì tôi không bận tâm lắm. Mình đã đính ước rồi, tôi sẽ tự nói với mình như thế, và mình chỉ còn ở trong nhóm bọn chúng hơn năm tháng nữa. Nhưng sau cuộc chạm trán ở Ngự Phong Đình đêm qua, tôi nghi ngờ những gì ở phía trước mình.

Cha và cha chồng tương lai của tôi là bạn từ thuở nhỏ. Khi được mai mối hôn nhân, họ đã hứa rằng một ngày nào đó hai nhà sẽ kết làm thông gia. Nhà họ Ngô sinh ngay được hai con trai, còn tôi thì ra đời sau họ một thời gian, và ngay sau đó, Bát Tự_(1) của tôi được ghép khớp như in với Bát Tự của người con trai thứ.

Cha mẹ tôi vui mừng, nhưng tôi thì khó mà hào hứng được, đặc biệt là lúc này. Tôi chưa từng gặp Ngô Nhân. Tôi không biết người đó hơn tôi hai hay mười tuổi. Người đó có thể rỗ mặt, thấp lùn, tàn nhẫn và béo mập nhưng tôi không nhận được lời cảnh báo nào từ phía cha mẹ cả.

Hôn nhân với một người xa lạ là định mệnh của tôi và nó không nhất thiết phải là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. “Hôm nay Ngọc nữ mặc màu ngọc bích kìa,” Chổi, con gái của chú hai nói với tôi. Nó được đặt tên theo một loài hoa, giống như tất cả chúng tôi, nhưng không ai gọi nó bằng cái tên đó cả.

Nó bất hạnh sinh vào một ngày xui xẻo khi sao chổi sáng nhất, nghĩa là bất cứ nhà nào rước nó về làm dâu cũng sẽ bị quét sạch may mắn khỏi nhà khỏi cửa. Thím hai dễ mềm lòng và kết quả là Chổi đã mang dáng vẻ tròn trĩnh của một phụ nữ từng trải qua sinh nở. Các thím khác và cả mẹ tôi đều rắp tâm lên kế hoạch ngăn không cho nó ăn quá nhiều, hy vọng rằng, khi nào nó được gả đi, vận rủi của nó cũng sẽ bị tống khứ khỏi trang viện nhà chúng tôi.

“Em không biết rằng màu này hợp với da chị đấy,” Liên, con gái lớn của thím ba nhẹ nhàng thêm vào. “Em chắc rằng Ngọc nữ của chúng ta sẽ lấy làm tiếc khi nghe chuyện này.” Tôi vẫn giữ nụ cười trên môi nhưng lời lẽ của chúng làm tôi tổn thương. Cha luôn bảo rằng tôi là Ngọc nữ và chồng tương lai của tôi là Kim đồng, ngụ ý rằng hai gia đình môn đăng hộ đối.

Lẽ ra không nên nhưng tôi nhận ra mình đang băn khoăn về chàng trai trẻ tôi gặp đêm qua và liệu chàng có làm cha tôi vừa ý. “Nhưng mà,” Liên tiếp tục với vẻ thông cảm, “Em nghe nói Kim đồng hơi xỉn đấy. Không phải vậy ư, chị Mẫu Đơn?” Mỗi khi nó nói những điều như thế, tôi đều trả đũa lại và bây giờ tôi phải làm thế hoặc sẽ tỏ ra yếu đuối.

Tôi gạt người lạ khỏi tâm trí mình. “Nếu chồng chị sinh ra ở thời khác, chàng hẳn sẽ là học sĩ của triều đình như cha chàng, song đó không phải là con đường tốt trong thời buổi này. Cha vẫn nói rằng Nhân đã tỏ ra tài năng từ khi còn nhỏ,” tôi khoe khoang, cố gắng ra vẻ thuyết phục.

“Chàng sẽ là một người chồng tuyệt vời.” “Bà chị họ của chúng ta nên mong đợi một người chồng mạnh mẽ,” Chổi tiết lộ với Liên. “Cha chồng chị ấy mất rồi và chàng họ Ngô ấy chỉ là con trai thứ thôi, thế nên mẹ chồng chị ấy sẽ có uy quyền rất lớn đối với chị ấy.” Thế này thì quá hèn hạ.

“Cha chồng chị mất trong trận Đại biến,” tôi phản đối. “Mẹ chồng chị là một quả phụ danh giá.” Tôi đợi xem bọn con gái sẽ nói gì tiếp, bởi vì chúng có vẻ rất hiểu biết. Với cái chết của Ngô lão gia, nhà đó có rơi vào thời kỳ khó khăn không? Cha đã lo liệu cho tôi một món hồi môn khá lớn gồm ruộng đất, các hãng dệt, gia súc và một lượng tiền mặt nhiều hơn bình thường, lụa là cùng lương thực, song một cuộc hôn nhân mà người vợ có quá nhiều tiền không bao giờ hạnh phúc.

Thường là, đức ông chồng bị xỏ mũi và thành đề tài giễu cợt trong khi các bà vợ nổi tiếng vì sự tàn ác, miệng lưỡi chua cay và sự ghen tuông đến nhẫn tâm. Đó có phải là tương lai mà cha dự định dành cho tôi không? Tại sao tôi không thể yêu như nàng Lệ Nương? “Đừng có mà bô bô về cái đám hoàn hảo của chị nữa,” Chổi tự mãn kết luận, “khi mà cả nhà đều biết không phải thế.” Tôi thở dài.

“Ăn một chiếc bánh bao nữa đi này,” tôi nói, đẩy đĩa về phía nó. Chổi liếc trộm về phía bàn của các bà mẹ rồi dùng đũa gắp một chiếc bánh bao bỏ tọt vào miệng. Hai đứa em họ khác chằm chằm nhìn tôi với ánh mắt tai ác nhưng tôi không thể làm gì nhiều. Bọn chúng thêu thùa cùng nhau, ăn trưa cùng nhau và cùng ngồi lê đôi mách sau lưng tôi.

Song tôi không có nhiều cách để trả đũa lại ngay cả khi chúng rất nhỏ nhen. Tôi hay làm những trò tai quái như khoe y phục đẹp, trâm cài tóc và đồ nữ trang. Tôi chưa trưởng thành, tôi chỉ cư xử ranh mãnh để bảo vệ bản thân và cảm xúc của mình mà thôi. Tôi không hiểu rằng các cô em họ và mình đều bị mắc kẹt như lũ dế trong những chiếc lồng sơn son.

Từ đó cho đến hết bữa điểm tâm tối im lặng, vì những người khác phớt lờ tôi, vì sự phớt lờ tôi của những người khác, với mọi cáo buộc mà chỉ các cô gái chưa chồng mới có thể quy kết được và với niềm tin của bản thân rằng những ý nghĩ độc địa của bọn chúng không thể chạm đến tôi.

Nhưng dĩ nhiên là chúng có chạm đến tôi và tôi bất ngờ nhận ra những khiếm khuyết của mình. Ở một vài khía cạnh, tôi thậm chí còn là nỗi thất vọng lớn hơn cả Chổi. Tôi được sinh ra vào tháng Bảy năm thứ tư sau trận Đại biến, khi mà cả bốn tuần lễ được dành cho lễ cúng Cô hồn - không phải thời kỳ tốt lành gì.

Tôi là con gái, một tai ương cho bất cứ gia tộc nào, đặc biệt là một gia tộc như gia tộc tôi, một gia tộc đã gánh chịu những mất mát lớn lao trong cơn Đại biến. Là trưởng nam, cha tôi mong mỏi có con trai để một ngày nào đó sẽ trở thành người đứng đầu gia tộc, cử hành nghi lễ ở từ đường và cúng bái những người họ hàng đã mất để họ tiếp tục mang lại may mắn và thịnh vượng cho chúng tôi; thay vì thế ông lại phải đeo gánh nặng là đứa con gái vô dụng độc nhất.

Có lẽ các em họ tôi nói đúng, ông đã hứa gả tôi cho kẻ xoàng xĩnh nào đó như một hình phạt. Tôi nhìn qua bàn và thấy Chổi thì thào vào tai Liên. Chúng liếc tôi rồi che miệng để giấu những nụ cười tự mãn. Những ngờ vực của tôi biến mất ngay lập tức và tôi thầm cảm ơn các em họ mình.

Tôi có một bí mật rất lớn mà nếu biết được chúng sẽ nhảy dựng lên vì ghen tị. Sau bữa điểm tâm, chúng tôi chuyển đến Liên Khai Đường nơi mẹ tuyên bố một cuộc thi chơi đàn tranh dành cho các cô gái chưa chồng. Khi đến lượt, tôi ngồi trên một bục cao đặt phía trước cả nhóm, đúng như những đứa khác đã làm, nhưng tôi đánh đàn kém khủng khiếp và liên tục bị trượt ngón tay trên dây đàn khi nghĩ về chàng trai trẻ mình đã gặp đêm qua.

Ngay sau khi tôi tấu xong bản nhạc, mẹ đuổi tôi đi, gợi ý tôi nên tản bộ trong vườn. Thoát khỏi đám đàn bà con gái ấy rồi! Tôi hối hả chạy dọc theo hành lang tới thư phòng của cha. Cha là thế hệ thứ chín của nhà họ Trần thi đỗ tiến sĩ, phẩm cấp cao nhất có thể đạt tới.

Ông từng là phó trưởng ty tơ lụa thời nhà Minh còn trị vì, nhưng cùng với những hỗn loạn và tan vỡ ảo tưởng phụng sự nhà vua mới, ông đã trở về nhà. Ông tiếp tục những gì bậc quân tử thường theo đuổi: làm thơ, chơi cờ, thưởng trà, đốt trầm và giờ đây là dàn dựng và đạo diễn kịch.

Theo nhiều cách, giống như nhiều người đàn ông thời nay, ông tiếp nhận triết lý hướng nội của phụ nữ chúng tôi. Không gì khiến ông vui sướng hơn là giở một cuộn tranh ra giữa đám khói trầm bao bọc hay nhấm nháp trà trong lúc chơi cờ với một người sủng thiếp. Cha vẫn là một người trung thành với nhà Minh, nhưng ông cũng bị ràng buộc bởi những quy luật của con người; ông từ chối làm việc cho triều đình mới nhưng vẫn cạo trán và tết đuôi sam để thể hiện sự quy phục hoàng đế nhà Thanh.

Ông giải thích sự thỏa hiệp của mình rằng: “Đàn ông không như phụ nữ. Chúng tôi phải đến những vùng bên ngoài, nơi những người khác trông thấy chúng tôi. Tôi phải làm như người Mãn Châu ra lệnh không thì có nguy cơ bị xử trảm. Nếu tôi chết thì gia tộc, nhà cửa, đất đai của chúng ta cùng toàn bộ những người làm cho chúng ta làm sao mà tồn tại được? Chúng ta đã trải quá nhiều đau khổ rồi.” Tôi bước vào thư phòng của cha.

Một gia nhân đứng bên cửa, sẵn sàng nghe lời cha sai bảo. Trên tường hai bên là các bức tranh bằng cẩm thạch - những phiến cẩm thạch hiển lộ phong cảnh chìm khuất của núi non mây phủ trên nền trời âm u. Ngay cả khi mở cửa sổ, căn phòng vẫn sực nức mùi thơm của văn phòng tứ bảo: giấy, mực, bút, nghiên.

Chín thế hệ học sĩ đã xây dựng thư phòng này và các cuốn sách in có ở khắp mọi nơi - trên bàn, trên sàn, trên giá. Cha tôi đã bổ sung dấu ấn của mình vào bộ sưu tập bằng cách thu thập hàng trăm tác phẩm do phụ nữ viết từ thời Minh cùng hơn ngàn cuốn sách của các tác giả nữ viết kể từ sau Đại biến.

Ông bảo rằng thời buổi này người ta phải tìm kiếm tài năng ở những nơi khác thường. Sáng nay cha không ngồi ở bàn. Thay vào đó, ông nằm dài trên chiếc trường kỷ gỗ có mặt bằng mây mà ngắm sương mù giăng mắc trên hồ. Phía dưới trường kỷ, tôi trông thấy một cặp khay, mỗi khay đầy những cục nước đá lớn.

Ông thỏa mãn sự nhạy cảm của mình trước cái nóng bức bằng cách sai tôi tớ đào nước đá bảo quản dưới lòng đất lên để làm mát chiếc trường kỷ nằm ban ngày. Ở bức tường phía trên ông có treo đôi câu thơ: Chớ màng danh lợi hão Khuyên chàng khiêm tốn hơn! Rồi mai ai cũng biết Chàng là bậc cao nhơn.

_(1) “Mẫu Đơn,” ông gọi và vẫy tôi tới. “Đến ngồi đi.” Tôi đi qua thư phòng, nhún nhảy tới gần cửa sổ để có thể nhìn ra ngoài hồ, tới Cô Đảo hay xa hơn nữa. Tôi không được nhìn ra phía ngoài tường bao nhưng hôm nay cha ngầm cho phép tôi làm thế. Tôi ngồi xuống một trong các ghế đặt trước bàn dành cho những người tới hỏi xin ân huệ.

“Hôm nay con lại tới để trốn học ư?” ông hỏi. Những năm qua, gia đình đã lo liệu cho tôi các gia sư tuyệt vời, đều là phụ nữ, nhưng từ khi tôi bốn tuổi, cha đã để tôi ngồi trong lòng để đích thân ông dạy tôi đọc, hiểu và bình phẩm. Ông đã dạy tôi rằng cuộc sống mô phỏng nghệ thuật.

Ông bảo rằng rằng qua việc đọc, tôi có thể đi vào những thế giới khác với thế giới của mình. Khi cầm bút lông viết, tôi có thể rèn luyện trí tuệ và óc tưởng tượng. Đối với tôi, ông là người thầy giỏi nhất. “Hôm nay con không có bài đâu ạ,” tôi bẽn lẽn nhắc ông. Ông đã quên mai là sinh nhật tôi sao? Thường thì người ta không kỷ niệm sinh nhật chừng nào chưa tới năm mươi tuổi.

Nhưng không phải ông đã cho diễn vở kịch là vì ông yêu thương tôi và vì tôi quý giá với ông hay sao? Ông mỉm cười mãn nguyện. “Dĩ nhiên, dĩ nhiên.” Rồi ông trở nên nghiêm nghị. “Quá nhiều chuyện tầm phào trong khuê phòng à?” Tôi lắc đầu. “Vậy là con tới đây để kể với ta rằng con thắng một cuộc thi mà mẹ con tổ chức.” “Ôi, cha ơi.” Tôi thở dài cam chịu.

Ông biết là tôi không xuất sắc trong những môn đó. “Giờ con đã lớn đến mức ta không trêu chọc con được nữa rồi.” Ông vỗ đùi cười. “Ngày mai mười sáu tuổi. Con có quên ngày đặc biệt này không?” Tôi mỉm cười với ông. “Cha đã tặng con món quà tuyệt nhất.” Cha ngẩng đầu lên vẻ dò hỏi.

Ông hẳn lại đang trêu cợt tôi và tôi cũng hùa theo. “Con tưởng cha dàn dựng vở kịch vì ai đó.” Tôi gợi ý. Cha đã khuyến khích tính xấc xược của tôi những năm qua nhưng hôm nay ông không đáp lại tôi bằng câu nào đó thông minh và hóm hỉnh. Thay vào đó ông bảo “Đúng, đúng, đúng,” như thể với mỗi từ ông lại cân nhắc câu trả lời của mình thêm lần nữa.

“Dĩ nhiên là thế rồi.” Ông ngồi dậy và buông chân xuống mép trường kỷ. Sau khi đứng lên ông mất một lúc để chỉnh đốn lại y phục may theo kiểu cưỡi ngựa của người Mãn Châu - quần và áo dài may vừa vặn cài khuy ở cổ. “Nhưng ta có một món quà khác cho con. Ta nghĩ con còn thích thứ này hơn ấy chứ.” Ông tới bên một chiếc rương bằng gỗ long não, mở ra và lấy một thứ gì đó gói trong lụa tím dệt hoa văn hình liễu.

Khi ông trao nó, tôi biết đó là một cuốn sách. Tôi hy vọng nó là quyển Mẫu Đơn Đình mà đại tác gia Thang Hiền Tổ đã đích thân xuất bản. Tôi chầm chậm cởi nút buộc rồi giở mảnh lụa ra. Đó là một ấn bản Mẫu Đơn Đình, tôi chưa có nhưng không phải quyển mà tôi ao ước. Nín lặng, tôi giữ chặt nó trên ngực để xem nó đặc biệt thế nào.

Không có sự giúp đỡ của cha, tôi sẽ không thể theo đuổi niềm đam mê dù có xoay xở thế nào đi chăng nữa. “Cha, cha tốt với con quá.” “Mở ra đi,” ông giục. Tôi thích những cuốn sách. Tôi thích sức nặng của chúng trên tay, tôi thích hít mùi mực và cảm giác khi chạm vào giấy thông thảo.

“Đừng gấp mép trang để đánh dấu chỗ con đọc tới.” Cha tôi nhắc nhở. “Đừng dùng móng tay cào chữ viết. Đừng dùng lưỡi thấm ướt ngón tay trước khi lật trang. Và đừng bao giờ dùng sách làm gối.” Đã bao nhiêu lần ông căn dặn tôi những điều này rồi? “Con sẽ không làm thế đâu thưa cha,” tôi hứa.

Mắt tôi dừng lại trên những dòng mở đầu của người dẫn truyện. Đêm qua tôi đã nghe diễn viên thủ vai này kể chuyện ba lần hóa kiếp đã dẫn Lệ Nương và Mộng Mai tới Mẫu Đơn Đình. Tôi đưa quyển sách cho cha, trỏ vào đoạn đó và hỏi: “Thưa cha, đoạn này bắt nguồn từ đâu? Có phải do Thang Hiền Tổ nghĩ ra ra hay là một trong những chỗ ông vay mượn từ một bài thơ hoặc truyện kể khác?” Cha mỉm cười, hài lòng với sự hiếu kỳ của tôi, như mọi khi.

“Hãy nhìn lên cái giá thứ ba trên tường kia. Tìm cuốn sách cổ nhất, rồi con sẽ thấy câu trả lời.” Tôi đặt bản Mẫu Đơn Đình mới của mình lên trường kỷ và làm theo lời ông. Tôi đem cuốn sách trở lại trường kỷ và đọc lướt qua các trang cho tới khi tìm thấy cội nguồn đầu tiên của chi tiết ba lần hóa kiếp.

Dường như là trong thời nhà Đường, một cô gái đem lòng yêu một nhà sư. Trải qua ba kiếp khác nhau thì họ mới đạt được cơ duyên và tình yêu hoàn mỹ. Tôi ngẫm nghĩ về điều đó. Liệu tình yêu có thể đủ mạnh để tồn tại lâu hơn cái chết không chỉ một mà những ba lần không? Tôi lại cầm cuốn Mẫu Đơn Đình lên và chậm rãi lật qua từng trang giấy.

Tôi muốn tìm Mộng Mai và hồi tưởng cuộc gặp gỡ với người lạ đêm qua. Tôi giở đến chỗ Mộng Mai ra sân khấu: Ta hưởng mùi kinh sách ngát thơm. Dùi tường mà hứng sáng, tóc buộc xà nhà phòng ngủ gà ngủ gật, ta rút từ văn chương cái ưu tú tạo sinh... “Con đang đọc gì thế?” cha hỏi.

Bị bắt thóp rồi! Máu dồn lên má tôi. “Con... con...” “Có những chỗ trong truyện mà một cô gái như con không hiểu được đâu. Con có thể thảo luận với mẹ...” Tôi xấu hổ, mặt còn đỏ hơn nữa. “Chẳng có chỗ nào như thế đâu ạ,” tôi lắp bắp và rồi đọc cho ông nghe những dòng mà tự chúng dường như hoàn toàn ngây thơ.

“À, thế ra con muốn biết nguồn gốc của cả đoạn này nữa.” Khi tôi gật đầu, ông đứng dậy đến bên một giá sách, lấy xuống một cuốn và mang tới trường kỷ. “Cuốn này ghi lại chứng tích của các học giả nổi tiếng. Con có muốn ta giúp không?” “Còn tự làm được thưa cha.” “Ta biết là con làm được,” ông bảo và đưa cuốn sách cho tôi.

Ý thức được rằng cha đang để mắt tới mình, tôi đọc lướt qua cuốn sách đến khi tới đoạn viết về Khương Hoành, một thư sinh bần hàn đến nỗi không thể kiếm nổi dầu thắp đèn. Chàng đã dùi một chiếc lỗ trên tường để có thể mượn ánh sáng từ bên hàng xóm. “Ở vài trang sau,” cha giục tôi tiếp tục, “con sẽ thấy nhắc đến Tôn Tịnh, người đã buộc tóc mình lên xà nhà vì sợ ngủ thiếp đi lúc đang học.” Tôi gật gù vẻ nghiêm nghị, tự hỏi liệu chàng trai tôi gặp đêm qua có siêng năng như những thư sinh đời xưa này không.

“Nếu con là con trai,” cha tiếp tục, “con sẽ thành một học sĩ xuất sắc của triều đình, và có lẽ là người giỏi nhất trong gia tộc chúng ta.” Ông có ý khen ngợi và tôi hiểu theo ý đó, song tôi cũng thấy sự nuối tiếc trong giọng nói của ông. Tôi không phải là con trai và sẽ không bao giờ là con trai cả.

“Nếu con lại đây,” ông hấp tấp nói thêm có lẽ vì nhận thấy sơ ý của mình, “con sẽ giúp được ta đấy.” Chúng tôi trở lại bàn của ông và ngồi xuống. Ông cẩn thận chỉnh sửa y phục rồi chỉnh lại cái đuôi sam cho nó buông thẳng xuống lưng. Ông vuốt ngón tay trên vầng trán cạo nhẵn, một thói quen, giống như ăn vận theo phong cách Mãn Châu, nhắc nhở ông về sự lựa chọn của mình để bảo vệ gia tộc, rồi ông mở một ngăn kéo lôi ra mấy xâu tiền bạc.

Ông đẩy một xâu qua bàn và bảo, “Ta cần gửi tiền về quê. Con giúp ta đếm đi.” Chúng tôi có hàng ngàn mẫu đất trồng dâu. Ở vùng Cổ Đương không xa đây lắm, cả mấy làng đều dựa vào gia tộc tôi để kiếm kế sinh nhai. Cha chăm lo cho những người trồng dâu, hái lá, nuôi tằm, kéo tơ, xe chỉ và dĩ nhiên là dệt vải nữa.

Cha bảo tôi số tiền cần dùng cho mỗi xưởng và tôi bắt đầu cộng từng khoản vào. “Hôm nay con có vẻ không như ngày thường,” cha nói. “Con lo lắng điều gì vậy?” Tôi không thể nói với ông về chàng trai mình đã gặp hay tôi đang băn khoăn không biết có nên gặp lại chàng ở Ngự Phong Đình không, nhưng nếu cha giúp tôi hiểu được bà nội và lựa chọn của bà thì có lẽ tôi sẽ biết nên làm gì đêm nay.

“Con vừa mới nghĩ đến bà nội. Có phải bà dũng cảm lắm đúng không cha? Bà có khi nào thiếu tự tin không ạ?” “Chúng ta đã học truyện sử này...” “Truyện sử, vâng, nhưng không phải là về bà nội. Bà là người thế nào ạ?” Cha rất hiểu tôi và không như hầu hết các cô con gái, tôi cũng rất hiểu ông.

Những năm qua, tôi đã học cách nhận biết những biểu hiện nhất định trên gương mặt ông: cách ông nhướn mày ngạc nhiên khi tôi hỏi về nữ sĩ này nữ sĩ nọ, cách ông nhăn nhó khi kiểm tra tôi về lịch sử mà tôi trả lời không đúng, cách ông trầm ngâm xoa cằm khi tôi hỏi ông một câu về Mẫu Đơn Đình mà ông không biết câu trả lời.

Giờ đây ông nhìn tôi như thể đang cân nhắc giá trị của tôi. “Người Mãn Châu đã thấy các tòa thành nối nhau sụp đổ,” cuối cùng ông cũng nói, “nhưng họ biết rằng khi tới châu thổ sông Trường Giang, họ sẽ gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các bậc trung thần. Họ đã có thể chọn Hàng Châu mà chúng ta đang sống đây, nhưng thay vào đó họ lấy Dương Châu nơi cha ta làm quan, để làm bài học cho các thành khác trong vùng.” Tôi đã nghe điều này nhiều lần và tự hỏi liệu ông có kể cho tôi điều gì tôi chưa biết không.

“Các vị tướng quân, vốn trước đó vẫn kiểm soát lính tráng ngặt nghèo, đã lệnh cho phép người của mình buông thả dục vọng và lấy đi bất cứ thứ gì chúng muốn, phụ nữ, tiền bạc, tơ lụa, đồ cổ và súc vật, để làm phần thưởng cho lòng cúc cung tận tụy của bọn chúng.” Cha ngừng lại và vẫn nhìn tôi với vẻ định giá như thế.

“Con có hiểu ta đang nói gì... về phụ nữ không?” Hoàn toàn thật thà mà nói thì tôi không hiểu, nhưng vẫn gật đầu. “Trong năm ngày, toàn thành vấy máu,” ông tiếp tục một cách mệt mỏi. “Lửa thiêu rụi nhà cửa, sảnh đường, đền miếu. Có hàng ngàn hàng ngàn người chết.” “Cha không sợ chứ ạ?” “Ai cũng sợ nhưng mẹ ta đã dạy cho chúng ta can đảm.

Và chúng ta đã can đảm bằng rất nhiều cách.” Ông lại chăm chú nhìn tôi như thể cân nhắc xem có nên tiếp tục không. Hẳn ông đã nhận thấy tôi chẳng hiểu gì, vì ông nhặt lên một xâu tiền rồi tiếp tục đếm. Không rời mắt khỏi những đồng bạc, ông kết luận, “Giờ con biết tại sao ta chỉ ưa nhìn cái đẹp, đọc thơ, viết thư pháp và xem kịch.” Nhưng ông chưa kể gì cho tôi về bà nội cả! Và ông chẳng nói điều gì giúp tôi quyết định việc đêm nay hay giúp tôi hiểu cảm giác của mình.

“Thưa cha...” tôi bẽn lẽn nói. “Ừ,” ông đáp mà không nhìn lên. “Con vừa nghĩ đến vở kịch và bệnh tương tư của nàng Lệ Nương,” tôi thốt lên một cách vội vàng hấp tấp. “Cha có nghĩ điều đó có thể xảy ra trong đời thực không ạ?” “Nhất định rồi. Con đã nghe về nàng Hiểu Khánh rồi nhỉ?” Dĩ nhiên là tôi nghe rồi.

Nàng là thiếu nữ tương tư vĩ đại nhất từng thấy. “Nàng ấy chết rất trẻ,” tôi gợi ý. “Có phải vì nàng đẹp không ạ?” “Xét trên nhiều khía cạnh, nàng ấy rất giống con,” cha trả lời. “Nàng duyên dáng và tao nhã từ bản chất nhưng cha mẹ nàng là những quý tộc thất cơ lỡ vận.

Mẹ nàng trở thành một gia sư nên nàng Hiểu Khánh được giáo dục rất tốt. Có lẽ là quá tốt.” “Nhưng làm sao mà ai đó được giáo dục quá tốt được chứ ạ?” Tôi hỏi và nghĩ về việc mình vừa làm cha vui thế nào khi thể hiện sự quan tâm tới các cuốn sách của ông. “Khi Hiểu Khánh còn là một bé gái, nàng đã tới thăm một ni cô,” cha đáp.

“Trong một buổi, Hiểu Khánh tụng Bát Nhã Tâm Kinh mà không sai chữ nào. Nhưng khi Hiểu Khánh làm thế, ni cô kia đã thấy rằng vận mệnh của nàng không được tốt. Nếu cô bé này không đọc sách thì sẽ sống tới tuổi ba mươi. Bằng không...” “Nhưng làm sao nàng lại chết vì tương tư được ạ?” “Khi nàng mười sáu tuổi, một người ở Hàng Châu lấy nàng về làm thiếp và giấu nàng ngay ngoài kia,” ông trỏ ra phía cửa sổ, “tại Cô Đảo để giữ cho nàng an toàn trước bà vợ ghen tuông của ông.

Hiểu Khánh chỉ có một mình và rất cô đơn. Nguồn an ủi duy nhất của nàng là đọc Mẫu Đơn Đình. Giống như con, nàng đọc đi đọc lại vở kịch này. Nàng bị ám ảnh, lâm bệnh tương tư và gầy mòn đi. Lúc đau yếu, nàng có viết một bài thơ ví mình với Lệ Nương.” Giọng ông dịu lại và má ông ửng lên.

“Lúc qua đời nàng chỉ mới mười bảy tuổi.” Các em họ và tôi thi thoảng cũng truyện trò về Lệ Nương. Chúng tôi giải thích cách mình hiểu câu “được sinh ra là để phục vụ cho sự hoan lạc của đàn ông” có thể ngụ ý gì. Nhưng khi cha nói, tôi thấy rằng dù sao sự mong manh và hao mòn của Hiểu Khánh cũng kích thích và cuốn hút ông.

Ông không phải là người duy nhất bị cuộc đời và cái chết của nàng quyến rũ. Rất nhiều người đã làm thơ về nàng và hơn hai mươi người đã viết kịch về nàng. Từ đó, tôi nhận ra rằng có cái gì đó về nàng Hiểu Khánh và cái chết của nàng đã hấp dẫn và mê hoặc nam giới sâu sắc.

Liệu người lạ của tôi có cảm thấy như vậy không? “Ta thường nghĩ tới Hiểu Khánh vào những ngày cuối cùng của đời nàng,” cha nói thêm, giọng mơ màng. “Nàng chỉ uống một cốc nhỏ nước lê ép mỗi ngày. Con có hình dung được không?” Tôi bắt đầu cảm thấy không thoải mái.

Ông là cha tôi và tôi không thích nghĩ rằng ông có những rung động và cảm xúc giống như tôi đã có từ đêm qua, khi tôi luôn tự nhủ rằng ông và mẹ tôi xa cách nhau và rằng ông không có được niềm vui thực sự từ các tỳ thiếp của mình. “Giống như Lệ Nương, Hiểu Khánh muốn để lại nhân gian một bức chân dung,” cha tiếp tục mà không hề để ý tới sự bứt rứt của tôi.

“Họa sĩ đã phải vẽ đến ba lần cho chuẩn xác. Mỗi ngày trôi qua, Hiểu Khánh trông càng tiều tụy, nhưng nàng không bao giờ quên bổn phận làm đẹp của mình. Hàng sáng, nàng vấn tóc và khoác lên người bộ áo lụa đẹp nhất của mình. Nàng chết khi đang ngồi, trông hoàn hảo đến nỗi những người tới thăm tưởng nàng vẫn còn sống.

Rồi bà vợ kinh khủng của chủ nhân Hiểu Khánh đã đốt các bài thơ của nàng cùng mọi thứ khác, ngoại trừ một trong các bức tranh.” Cha nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ tới Cô Đảo, mắt ông đờ đẫn và đầy... trắc ẩn? Ao ước? Khát khao chăng? Trong sự im lặng nặng nề, tôi nói, “Không phải mọi thứ đều mất hết đâu, thưa cha.

Trước khi Hiểu Khánh qua đời, nàng đã gói một số đồ nữ trang vào giấy loại và đưa nó cho cô con gái của người đầy tớ. Khi cô gái mở gói ra, cô tìm thấy mười một bài thơ trên các mảnh giấy bỏ đi đó.” “Con sẽ ngâm cho ta nghe một trong những bài thơ đó chứ, Mẫu Đơn?” Cha đã không giúp tôi hiểu cảm giác của mình nhưng ông thật sự đã truyền cho tôi một ý niệm mơ hồ về những ý nghĩ lãng mạn mà người lạ của tôi có thể đang trải nghiệm khi chàng đợi tôi tới gặp.

Tôi hít một hơi và bắt đầu ngâm... “Nghe mưa lạnh táp ô cửa đìu hiu sao chịu nổi...” “Ngậm miệng lại đi!” mẹ ra lệnh. Bà chưa bao giờ tới đây và sự xuất hiện của bà gây sửng sốt và lo lắng. Bà đã nghe được bao lâu rồi? Với cha thì bà nói, “Ông kể cho con gái về Hiểu Khánh, nhưng ông hoàn toàn biết rõ rằng cô ta không phải là người duy nhất chết vì đọc Mẫu Đơn Đình.” “Những câu chuyện chỉ bảo chúng ta nên sống thế nào,” cha ôn tồn đáp, che giấu sự ngạc nhiên mà hẳn ông đã cảm thấy trước sự hiện diện và giọng điệu kết tội của mẹ.

“Câu chuyện về Hiểu Khánh mang lại bài học gì cho con gái chúng ta ư?” mẹ hỏi. “Mẫu Đơn sinh ra trong một trong những gia tộc danh giá nhất Hàng Châu. Cái cô kia thì là một con ngựa gầy, bị mua đi bán lại như một thứ tài sản. Một đằng trong trắng. Một đằng là thứ...” “Tôi biết rõ về nghề nghiệp của Hiểu Khánh,” cha ngắt lời.

“Bà không cần phải nhắc. Nhưng khi tôi nói với con gái về nàng ấy, tôi nghĩ nhiều hơn đến những bài học có thể được lĩnh hội từ vở kịch gây hứng thú cho cho nó. Chắc là bà chẳng thấy hại gì trong việc đó cả.” “Không có hại ư? Ông có đang ám chỉ rằng số phận con gái chúng ta sẽ giống như cái cô Đỗ Lệ Nương đó không đấy?” Tôi lén nhìn tên gia nhân đứng bên cửa.

Phải mất bao lâu trước khi gã kể lại chuyện này, một cách hí hửng, có lẽ thế, cho một kẻ tôi tớ khác rồi nó lan khắp trang viên? “Đúng, Mẫu Đơn có thể học theo nàng ấy,” cha trả lời bình thản. “Lệ Nương ngay thẳng, trái tim nàng tốt lành và trong trắng, nàng biết nhìn xa trông rộng, ý chí nàng vững vàng và chính trực.” “Ôi chao!” mẹ đáp.

“Cô gái đó cứng đầu trong tình yêu! Bao nhiêu cô gái cần phải chết vì câu chuyện này trước khi ông thấy được hiểm họa?” Các em họ tôi và tôi đã thì thào về những con người bất hạnh này vào lúc khuya khoắt khi nghĩ rằng không ai nghe thấy cả. Chúng tôi nói về Vũ Nương, người đã trở nên say mê vở kịch ở tuổi mười ba và chết ở tuổi mười bảy với cuốn kịch bản bên mình.

Rất đau buồn khi nghe tin này, đại tác gia Thang Hiền Tổ đã làm thơ ca tụng nàng. Nhưng chẳng bao lâu sau, có thêm rất nhiều rất nhiều các cô gái đọc câu chuyện ấy, trở nên tương tư như Lệ Nương, gầy mòn đi rồi chết với hy vọng rằng tình yêu đích thực sẽ tìm thấy họ và đem họ trở lại với cuộc sống.

“Con gái chúng ta là chim phượng hoàng,” cha nói. “Tôi sẽ nhìn nó lấy rồng chứ không phải lấy quạ.” Câu trả lời này không làm mẹ hài lòng. Khi vui bà có thể biến những tinh thể băng đá thành hoa. Khi buồn hoặc giận dữ, như lúc này, bà có thể biến những đám mây đen thành đám côn trùng cắn đốt.

“Một đứa con gái học hành quá kỹ lưỡng là một đứa con gái chết,” mẹ tôi tuyên bố. “Tài năng không phải là điều mà chúng ta nên cầu chúc cho Mẫu Đơn. Ông cho là mọi sự đọc này sẽ chấm dứt ở đâu, trong hạnh phúc hôn nhân hay trong thất vọng, tàn phá và cái chết?” “Tôi đã bảo với bà rồi, Mẫu Đơn sẽ không chết vì chữ nghĩa đâu.” Mẹ và cha dường như quên mất tôi đang ở trong phòng và tôi không nhúc nhích vì sợ họ chú ý đến mình.

Mới hôm qua tôi đã nghe họ tranh cãi về đề tài này. Tôi hiếm khi thấy cha mẹ mình ở cùng nhau. Nếu có thì đó là vào dịp hội hè hay cúng lễ ở từ đường, nơi mọi lời nói và hành động đã được định liệu trước. Giờ tôi tự hỏi có phải lúc nào họ cũng thế này không. “Làm sao mà nó học được cách làm người vợ, người mẹ tốt nếu vẫn tiếp tục đến đây?” mẹ gặng hỏi.

“Sao lại không?” cha hỏi mà không để tâm đến giọng mình. Trước nỗi ngạc nhiên lớn của tôi và sự phẫn nộ của mẹ, ông dẫn lời Đỗ thái thú nói về con gái mình một cách phóng túng. “Một nàng tiểu thư cần hiểu biết về văn chương để đến khi xuất giá không bị kém cỏi trong những cuộc chuyện trò với phu quân.

Và phận sự của Mẫu Đơn là trở thành người bảo vệ sự đức hạnh, đúng không? Bà nên vui vì nó ít quan tâm đến váy áo đẹp, trâm cài tóc mới hay trang điểm. Khi nó đáng yêu, chúng ta cần phải nhớ rằng khuôn mặt nó không là thứ khác với bản thân nó. Vẻ đẹp của nó là phản ảnh của đức hạnh và tài năng bên trong của nó.

Một ngày kia nó sẽ an ủi và làm khuây khỏa chồng mình bằng cách đọc cho anh ta nghe, nhưng rốt cuộc thì chúng ta đang rèn luyện con gái trở thành một người mẹ tốt, không hơn không kém. Phận sự của nó là dạy con gái nó làm thơ và hoàn thiện nữ công gia chánh cho chúng. Trên tất cả, nó sẽ giúp cháu trai chúng ta học hành cho đến khi thằng bé đủ tuổi để rời khu nhà dành cho đám phụ nữ.

Khi cháu ta học hành đỗ đạt, con gái ta sẽ có ngày vinh hiển. Chỉ khi đó nó mới tỏa sáng. Chỉ khi đó nó mới được ghi nhận.” Mẹ không thể phản đối điểm này; bà đã mặc nhận. “Chỉ trong chừng mực việc đọc không khiến nó vượt qua ranh giới nào cả. Ông hẳn không muốn nó trở nên ngỗ ngược.

Và nếu phải kể chuyện cho con gái thì chẳng lẽ ông không thể kể về các vị thần tiên được ư?” Khi cha không đồng tình, mẹ lướt mắt sang tôi. Bà nói với cha tôi, “Ông còn giữ nó ở đây bao lâu nữa?” “Chỉ một lát thôi.” Lặng lẽ như khi đến, mẹ tôi biến mất. Cha đã thắng trong cuộc tranh luận này, tôi nghĩ thế.

Ít ra là ông không có vẻ bị xáo trộn nhiều khi ông viết chú giải vào một cuốn sổ kê rồi đặt bút lông xuống, đứng dậy tới bên cửa sổ nhìn ra ngoài Cô Đảo. Một gia nhân bước vào, cúi lạy cha tôi và trao cho ông một lá thư phong kín bằng dấu đỏ. Cha tôi chạm vào bức thư một cách thận trọng cứ như ông đã biết được trong đó viết gì.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.