Passage D"Enfer

Chương 16: 16: Rốt Cuộc Cũng Đến




Nguồn: Tàng Thư Các

Tương truyền Thương Tụng luyện chế ra một bộ pháp bảo, tổng cộng tám món, Thương Tụng phá trời và Ly Ca vá trời đều dựa vào những bảo vật này. Nước Vũ sụp đổ, thần khí lưu lạc bên ngoài, tám bảo vật cũng không ngừng lưu chuyển giữa các nước chư hầu. Sau khi những nước nhỏ không ngừng bị thâu tóm, cuối cùng thiên hạ hình thành cục diện bát cường cát cứ, tám bảo vật cũng được tám nước nắm giữ, được các quốc gia coi là trấn quốc thần khí. Còn “Thương Kính” này chính là trấn quốc thần khí trong tay nước Tần. Tương truyền “Thương Kính” chính là pháp bảo quan trọng dùng để phá trời và vá trời, cũng đứng đầu trong bát bảo, bởi vậy đã hấp dẫn các tu sĩ tranh đoạt khiến nước Tần bị diệt. Vào thời khắc vương triều nước Tần sụp đổ, “Thương Kính” biến mất, thế lực khắp nơi tìm kiếm đều không thấy tung tích của nó đâu.

Mấu chốt của vấn đề là, tương truyền là lúc vương hậu Ly Ca nước Vũ vá trời không hoàn toàn vá hết, vẫn còn rò rỉ. Vì vậy, có người cho rằng lực lượng tu sĩ thiên hạ gia tăng có liên quan rất lớn đến chuyện này. Tu sĩ đông hơn khó tránh khỏi việc tranh lợi với dân. Có người cho rằng vì tu sĩ nhúng tay tục sự khiến thiên hạ chiến loạn không ngừng, thế là có người muốn tập hợp đủ tám pháp bảo để đắp hết lỗ thủng của trời kia, chặt đứt nguồn linh khí, kể từ đó dĩ nhiên là đắc tội với tu sĩ thiên hạ, Thương Kiến Bá Ninh Vương Đại tư mã nước Yến chính là một đại diện của phái này.

Chẳng ngờ Thượng Thanh tông lại có đệ tử giao thiệp với Ninh vương Thương Kiến Bá này, ví dụ như Đông Quách Hạo Nhiên. Gần đây ngoại giới đột nhiên có tin đồn “Thương Kính” lại xuất hiện. Vào lúc này Đường Mục và Đông Quách Hạo Nhiên lại dẫn đệ tử ra ngoài không biết làm gì, lại còn náo loạn ra thế này, điều này không khỏi khiến người ta hoài nghi hành tung của hai người có liên quan đến “Thương Kính”.

Đứng sau lưng một nước có bao nhiêu môn phái tu hành? “Thương Kính” lại là món đồ có thể dẫn đến họa diệt quốc, thử hỏi nếu Thượng Thanh tông dính vào thứ này, có thể không khiến người ta lo lắng sao? Thượng Thanh tông đã không phải là Thượng Thanh tông thời kỳ hưng thịnh trước kia, nó sớm đã suy thoái, không chịu được mưa to gió lớn.

Đường Mục chậm rãi nhắm mắt: “Các ngươi nghĩ nhiều rồi. Chẳng qua chỉ bị kẻ không rõ thân phận đánh lén thôi.”

Cho dù mấy người này đã nhìn ra, Đường Mục cũng không muốn nói ra chân tướng. Lão đã như thế nào rồi, bất cứ lúc nào cũng có thể ngã xuống, không ai có thể ép buộc được lão.



Bình minh hôm sau, cánh cửa miếu két một tiếng mở ra một khe nhỏ, một con mắt từ trong khe cửa nhìn ra ngoài vài lần. Khe cửa dần dần mở ra, Đạo gia đưa đầu ra ngoài nhìn xung quanh. Cánh cửa lại mở ra, đạo gia dò xét đưa chân sang bên người, điểm mũi chân rồi nhẹ nhàng đặt chân xuống, không dám phát ra tiếng động, tiếp tục quan sát động tĩnh bên ngoài. Hắn ra ngoài vòng quanh miếu nhỏ một vòng, dỏng tai lắng nghe, trợn tròn mắt nhìn, cẩn thận quan sát xung quanh. Dường như đang mù rét đậm, bên ngoài lạnh ngắt, cỏ cây khô héo.

Hắn ném vài viên đá ra khắp nơi dò đường, thấy không có phản ứng gì. Sau khi Đạo gia phát hiện sườn núi của ngôi miếu thật sự không có nguy hiểm gì thì mới dám buông lỏng người duỗi thẳng cơ thể, vì duy trì cảnh giác nên vẫn duy trì tư thế như mèo. Hắn lấy từ trong ngực ra một cái gương đồng, mặt gương đã được mài sáng đến mức có thể soi mình được. Hắn khẽ thở dài rồi rọi vào hai bên trái phải của gương mặt mình.

Hắn nhét tấm gương trở lại trong ngực, nhìn con suối nhỏ dưới chân núi rồi chạy xuống núi như một làn khói. Đến bên dòng suối, hắn nhảy lên một hòn đá trong khe nước, nhìn bóng mình phản chiếu trong nước suối lại thở dài một tiếng.

Trước đó mượn ánh sáng bên ngoài ngôi miếu chiếu qua tấm gương, kết hợp với tình huống bản thân trước đó, hắn gần như hiểu ra vì sao lão đầu kia gọi hắn là tiểu huynh đệ. Gọi tiểu huynh đệ thật sự không sai tí nào, đúng là tiểu huynh đệ. Hắn phát hiện mình đã biến thành một thiếu niên nhỏ rồi.

Chậm rãi ngồi xổm trên tảng đá, nhìn dòng suối thanh tịnh, xót cho thân mình một lát thì bụng kêu “ục, ục”. Đói rồi. Mặc kệ thiếu niên này và mình có quan hệ gì thì cảm giác đói bụng này vẫn là do mình chịu đựng. Hắn đứng dậy nhìn xung quanh, phải nghĩ cách tìm đồ ăn đã.

Trong lúc vô tình, hắn nhìn thấy ở một nơi cách núi hình như có dấu hiệu khói bếp lượn lờ. Hắn nhảy qua dòng suối, tìm tới một con đường vắng hình như thông sang đầu bên kia. Suốt con đường hắn luôn duy trì cảnh giác, lần mò sang đó.

Hắn vượt qua đỉnh núi nấp sau một cây đại thụ quan sát thì nhìn thấy một thôn trang. Thôn này trông khá lộn xộn, hình như từng bị lửa thiêu, không ít phụ nữ trẻ em khóc sướt mướt, các thôn dân đang dọn dẹp thôn.

Đạo gia nhìn cách ăn mặc của mình, đôi giày vải bố bẩn thỉu rách lỗ chỗ lộ ra ngón chân cái đang vểnh lên, trông vô cùng thê thảm, có điều lại tương xứng với cách ăn mặc của thôn dân ở đây, cũng giúp hắn có dũng khí lộ diện. Hắn mang theo chút chột dạ đi về phía thôn kia.

Lúc hắn vừa tiến vào thôn thì thấy một phụ nhân đầu tóc rối bù chạy tới, khóc lóc kêu gào ôm lấy hắn.

“Đạo Ca nhi, con còn sống sao, ta cứ tưởng con bị đám binh phỉ đáng chết ngàn đao kia giết rồi...”

Một canh giờ sau đạo gia hiểu ra, hôm qua thôn này bị loạn binh cướp sạch, tử thương một vài người. Hắn xuất hiện ở miếu hoang kia chắc cũng vì tránh né loạn binh.

Khói bếp đã tắt, những nam nhân trong thôn ăn chưa lửng dạ đã bắt đầu lên núi tìm đồ ăn. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là đào ít rễ cây hoặc săn chút dã thú để cung cấp thực phẩm cho thôn dân sống qua mùa đông này. Còn lương thực trong thôn đều bị binh phỉ cướp sạch, chút đồ ăn thức uống vừa rồi là do nhà ai đó giấu đi không bị binh phỉ phát hiện, tuy nhiên những thứ này không đủ dắt răng cho cả thôn. Một chút thức ăn này chỉ tạm thời cung cấp cho những nam nhân phải làm việc tốn sức, người già trẻ em phải chịu đói tiếp tục thu dọn cho cả thôn bừa bộn, chờ những nam nhân này vào núi tìm đồ ăn về.

Trong số nam nhân đi tìm đồ ăn, đạo gia cũng là một thành viên trong đó, tiểu thiếu niên cũng được coi như nam nhân rồi. Bây giờ không gọi Đạo gia nữa, tên của hắn ở trong thôn là Ngưu Hữu Đạo, không biết có phải là do tạo hóa trêu ngươi hay không, cái tên này rất hợp với cách xưng hô “Đạo gia”.

Ngưu Hữu Đạo thì Ngưu Hữu Đạo, Đạo gia không quan tâm lắm, hắn cũng không biết vì sao mình mơ mơ hồ hồ lại biến thành Ngưu Hữu Đạo. Với những chuyện lạ thế này, mặc dù hắn ngạc nhiên nhưng cũng không khó tiếp nhận. Loại người xuất thân “khảo cổ” như hắn, những chuyện sau khi chết của người chết đã gặp nhiều, chuyện cổ quái kỳ lạ không hiếm thấy. Với mấy chuyện gửi hồn phách vào cơ thể thế này, trong những truyền thuyết cổ cũng gặp không ít, người khác coi là mê tín, hắn thì vẫn luôn tin là có. Với thái độ này, sau khi xác định tình hình bản thân, tâm thái hắn vẫn ổn, vẫn có thể thản nhiên tiếp nhận. Tóm lại bản thân mình ở đây cũng không phải là không rõ ràng, ít nhất đã có một thân phận hợp lý, bản thân Đạo gia cũng quyết định rồi, cứ gọi là Ngưu Hữu Đạo đi.

Chuyện đi xung quanh tìm kiếm thức ăn giao cho các thiếu niên, hành trình mạo hiểm đi tương đối xa tìm kiếm thì giao cho những người trưởng thành kia. Giả vờ là đi tìm đồ ăn, Ngưu Hữu Đạo bỏ đi một mình, không tìm đồ ăn mà trở về miếu hoang kia.

Trong miếu có một mảnh vải rách bị hắn lôi xuống, bọc lấy thi thể lão đầu, cõng xuống núi, đến bờ sông lão đầu nói. Hắn vào rừng trúc dùng đao bổ củi chặt ngã vài cây trúc, chặt đi cành lá, chặt từng đoạn dài ngắn rồi tìm mấy loại dây leo khô ngâm nước, bện lại thành một cái bè trúc tương đối vững chắc, rộng rãi ổn định. Với kinh nghiệm sống của hắn, bện bè tre là chuyện rất đơn giản, chẳng mấy phí sức.

Mấy ống trúc đệm ở tầng dưới cùng làm trục lăn, sau khi bè tre được bện xong thì được đẩy ầm vào trong nước. Hắn đặt thi thể lão đầu lên trên, còn vơ một đống củi chất lên trên, tìm một tảng đá to bằng phẳng trên bờ sông đặt lên bè tre.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.