Nuôi Dưỡng Tình Nhân Bí Mật

Quyển 1 - Chương 4: Trộm cướp cũng có đạo




Thời gian quay ngược trở lại ngày Noel hôm đó. Đó là sinh nhật của Tố Diệp. Kim đồng hồ đảo ngược và dừng lại tại thời điểm Tố Diệp bước ra khỏi phòng quan sát. Sau đó, thời gian lại từ từ đi tiếp những bước bình thường…

Cả người cô như đang du lãng trên những đám mây. Cảm giác đau đớn đã bị câu nói “Không yêu” đó của Niên Bách Ngạn đánh tan nát. Một cơ thể đã không còn thấy đau đớn nghiễm nhiên trở thành một cái xác không hồn. Cô tê dại đi xuyên qua đám người, lết từng bước tới trước khung cửa sổ sát sàn tận cuối hành lang.

Qua lớp kính thủy tinh, dường như cô có thể ngửi thấy mùi tro bụi bay đầy trời ngoài kia, làm sặc hô hấp của cô, dính vào trong khí quản, khiến cô có một khoảnh khắc cảm thấy ngạt thở. Ngoài cửa sổ, mọi thứ đều biến thành màu xám, ùn ùn kéo tới quét qua đôi mắt cô.

Là ai nói, kỳ thực tình yêu ngọt ngào và xinh đẹp như một chiếc kẹo bông gòn? Nếu để cô nhận xét, thì tình yêu chính là một chiếc kẹo bông, nhưng lại là một chiếc kẹo bông đã được bọc bên ngoài một lớp giấy đường tuyệt đẹp.

Cô như một đứa trẻ không có kiến thức, không chống đỡ nổi trước vẻ mê hoặc của lớp giấy gói ấy, dè dặt cầm lấy nó. Rồi có người nói với cô rằng: Chiếc kẹo này là của cô đấy! Thế nên cô không còn do dự nữa, không còn thận trọng nữa, một loại kẹo chưa bao giờ được thưởng thức cuối cùng đã được há to miệng nhấm nháp.

Hương vị ngọt ngào ấy đã trở thành một điều trọn đời cô không thể nào quên. Nó ngọt tới nỗi khiến cô chỉ muốn hy sinh tất cả mọi điều để có được nó. Nhưng ăn tới tận cuối cùng, lại chẳng ai nói cho cô biết, thực ra chiếc kẹo ấy rất đắng.

Như bông hoa sen vậy, dịu dàng, ngon miệng, nhưng lại có một tâm sen tuy non nớt như lá xanh, tuy say đắm lòng người nhưng đắng ngắt.

Hương vị chất đầy trong khoang miệng đã xua tan tất cả ngọt ngào cô đã từng thưởng thức.

Thì ra những thứ càng đẹp lại càng nguy hiểm.

Cô nhớ về mẹ, nhớ lại người bố giờ phút này đây đang nằm trên giường bệnh gắng nói từng câu. Khi Niên Bách Ngạn từ phòng bệnh đi ra, trên gương mặt bình thản của anh, cô ngửi thấy mùi của cái chết.

Không sai chút nào. Anh hướng về mọi người, dùng một giọng nói điềm đạm trầm thấp như mọi khi để thông báo rằng Diệp Hạc Phong đã từ trần.

Cô nghe thấy Nguyễn Tuyết Mạn khóc ré lên thê thảm. Tiếng khóc rất chói tai, cùng với tiếng nức nở áy náy nhỏ xíu của Diệp Ngọc, giống như một chương nhạc với sự kết hợp thất bại của đàn violin và violincen, lấp đầy đôi tai cô.

Khoảnh khắc ấy, nước mắt của cô như ngưng kết lại, tuyến lệ đông cứng rất lâu, không ép vào được cũng không chảy ra được, chỉ có thể ép cho khóe mắt cô đỏ rồi lại đỏ.

Cô mong muốn biết bao được dựa vào lòng Niên Bách Ngạn, thoải mái khóc một trận. Vào lúc này, người duy nhất có thể bù đắp cho những tâm trạng phức tạp này của cô chỉ còn anh mà thôi. Nhưng hơi thở của anh vừa tới gần, cô lại lập tức nhớ tới biểu cảm khi anh nói chuyện trong phòng bệnh.

Anh không hề biết rằng, trong cuộc đời cô đơn của cô chỉ tồn tại một tờ giấy, trắng xóa, trống trải, không có nội dung. Cô đã từng thử vẽ ra hình dáng Tưởng Bân để làm phong phú cho trang giấy này. Nhưng cuối cùng nó vẫn bị cô cầm tẩy lên, nhẹ nhàng xóa đi. Sau đó được gặp anh. Từ đó về sau, anh đã nguệch ngoạc từng nét lên trang giấy ấy những hình ảnh thuộc về thế giới của hai người.

Trong cuộc đời cô chỉ có anh, nhưng trong cuộc đời anh lại chưa từng thực sự có sự tồn tại của cô.

Thế là, một lần nữa cô cầm tẩy lên xóa sạch…

Nhân lúc Niên Bách Ngạn và Diệp Uyên trao đổi với nhau, cô đã gọi một cuộc điện thoại cho một người bạn. Cô nói: Mấy hôm nữa mình luôn làm lễ cầu siêu cho bố mẹ, phiền cậu giúp mình liên lạc với trụ trì của nhà chùa.

Trước khi ra nước ngoài, cũng tức là mười năm về trước, cô đã giấu cậu mợ tìm người bậy nắp ngôi mộ lên, lấy đi tro cốt của mẹ, tự tay thờ cúng nó trong ngôi chùa này. Mẹ cô cả đời theo Phật, đơn độc một đời, Tố Diệp không muốn tới khi mẹ mất cũng vẫn phải ở một mình nơi núi rừng gió lạnh mưa tuôn ấy.

Trong ngôi chùa này, bà có thể lắng nghe tiếng Phật. Tố Diệp luôn tin rằng linh hồn bà vẫn tồn tại nơi đây.

Chuyện này Tố Diệp không thể bàn bạc với cậu mợ, chỉ có thể làm một cách thầm lặng. Vì trong mắt cậu mợ, hành động của cô không còn nghi ngờ chính là việc đào mộ đại nghịch bất đạo. Cô không muốn làm cậu đau lòng, lại không đành lòng nhìn mẹ không thể nhắm mắt, thế nên chỉ còn cách giấu kín cho tới giờ.

Lợi ích lớn nhất khi thờ cúng trong chùa chính là tiện cho cô thăm viếng.

Thế nên, sau khi về nước, định cư tại Bắc Kinh, ngôi chùa này cũng trở thành nơi cô thường xuyên lui tới. Cô không am hiểu sâu sắc Phật pháp như mẹ, nên mỗi lần tới đây chỉ có thể lấy danh nghĩa của mẹ đặt chút giọt dầu. Ngôi chùa rất gần trung tâm thành phố, giao thông lại thuận tiện, không hoang vu, khuất nẻo như ngôi mộ chôn mẹ khi trước.

Trước khi đám tang Diệp Hạc Phong được tổ chức, Tố Diệp đã dành thời gian tới chùa. Cô không theo đạo Phật, nhưng khi đối diện với tượng Phật cao lớn, uy nghiêm, cũng cảm thấy thành kính trong lòng. Cô đã thành tâm dập đầu bái lạy và cảm tạ.

Bái lạy những bình yên dưới đài hoa sen ấy đã ban cho, cũng cảm tạ tấm lòng từ bi của vị thần linh đó, để cho mẹ cô được ở lại trong chùa lâu như vậy.

Cô lấy tro cốt của mẹ đi, yên lặng chờ đợi tới ngày cử hành tang lễ cho Diệp Hạc Phong.

Ngày này cuối cùng cũng tới.

Cho dù Diệp Hạc Phong không dặn dò trước lúc mất, Tố Diệp cũng đã quyết định sẽ hợp táng cho ông và mẹ. Mẹ cô đã chờ đợi quá lâu rồi. Lúc mang tro cốt của mẹ ra khỏi chùa, cô đã nói với mẹ rằng: Bao nhiêu năm nay con không làm lễ siêu độ cho mẹ, vì con muốn đợi cùng làm cho bố. Con biết mẹ vẫn luôn đợi ông, lúc sống không thể nắm tay nhau, nếu chết đi rồi vẫn không được gặp nhau thì dẫu con có làm siêu độ cho mẹ, mẹ cũng sẽ không đi. Mẹ đã chờ đợi hai mươi năm trời, chắc cũng không ngại đợi thêm mấy ngày.

Thế là, Tố Diệp đã tới nhà họ Diệp, mượn sức mạnh của Niên Bách Ngạn.

Cuối cùng, khi cô cầm được tro cốt của Diệp Hạc Phong, cô bỗng cảm thấy bi thương. Vì chiếc bình tro này, mẹ cô đã chờ đợi trên con đường luân hồi tròn hai mươi năm!

Cô không vội tới nghĩa trang theo lời dặn dò của Niên Bách Ngạn.

Đó vốn chỉ là một ngôi mộ rỗng, không cần thiết phải tới đó, mà trong lòng cô sớm đã có một dự tính khác. Đương nhiên, cô không thể nói trước với cậu mợ. Đây là kế hoạch cô đã tính toán tỉ mỉ mười năm trời, không thể nói với bất kỳ ai.

Tố Diệp lập tức đi thẳng ra sân bay, đáp chuyến bay gần nhất, bay thẳng tới Hàng Châu. Để tiện mang theo, cô đã đổ chung tro cốt của bố mẹ vào nhau, đặt trong chiếc lọ sứ dễ cầm.

Dọc đường thuận buồm xuôi gió.

Cho tới khi cô đặt chân lên mặt sàn sáng bóng của sân bay Tiêu Sơn, trái tim cuối cùng cũng biết đau.

Hàng Châu! Đó là thành phố dẫu đã đi hết Bắc Nam của Tổ quốc, du lịch khắp các nơi trên thế giới, cô vẫn chưa từng tới. Không phải cô không muốn, mà là không dám!

Khi cô còn rất nhỏ, rất nhỏ, đã yêu thích câu nói “Gió xuân không hiểu mưa Giang Nam, cười nhìn ngõ mưa tìm lữ khách”*. Trong ấn tượng của cô, Giang Nam mưa bụi mịt mù, tháng ba khói hoa là thắng cảnh chốn nhân gian. Rồi sau này, cô học được từ mẹ từng câu thơ viết về Giang Nam.

*Câu thơ gốc: “Xuân phong bất giải Giang Nam vũ, tiếu khán vũ hạng tầm khách thường”, nằm trong một bài thơ cổ tên “Tri Giang Nam” (Hiểu Giang Nam). Hai câu thơ trên do mình tạm dịch.

Cô thường ngồi dưới cây hòe trước cửa nhà cậu đọc thuộc lòng “Giang Nam khả thái liên, liên diệp hà điền điền”*, cũng thường hay khoe trước mặt các bạn khác một câu “Chính thị Giang Nam hảo phong cảnh, lạc hoa thời tiết hựu phùng quân”**, rồi cố tình làm ra vẻ hiểu biết thơ tình họa ý trong câu “Túy vũ xuân phong thùy khả cộng, tần vân dĩ hữu uyên bình mộng”***, cuối cùng là thương cảm cho tình yêu “Giang Nam tương tư dẫn, đa thán bất thành âm”****.

*Nằm trong bài thơ “Giang Nam” chưa rõ tác giả, tạm dịch: Giang Nam được hái sen, lá nổi mọc đua chen.

**Nằm trong bài thơ “Giang Nam phùng”(Tương phùng tại Giang Nam) của Lý Quý Niên thời Thịnh Đường, tạm dịch: Đương khi phong cảnh Giang Nam đẹp Giữa lúc hoa rơi lại gặp người.

***Nằm trong bài thơ “Điệp luyến hoa” của Án Kỷ Đạo thời Bắc Tống, tạm dịch: Ai cùng ta say múa với gió xuân, mây kia đã có mộng uyên ương.

****Nắm trong bài “Dương hoa khúc”(Khúc ca về hoa liễu) của nhà thơ Thang Huệ Hưu, thời Nam Bắc triều, tạm dịch: Giang Nam tương tư khúc Than thở không thành lời.

Từ nhỏ cô đã biết mẹ không phải người phương Bắc. Mẹ và cậu cùng lớn lên tại một trấn nhỏ ở phía Nam. Chỉ có điều sau này cậu đã sớm cắm rễ tại Bắc Kinh. Vùng sông nước hiền hòa này mang cho mẹ một nét thùy mị. Bà đẹp như một viên ngọc rực sáng.

Tố Diệp tưởng rằng quê hương của mẹ ở Hàng Châu, thế nên mới học bà đọc mấy câu thơ mềm mại đó. Nhưng sau này mẹ nói với Tố Diệp, cả đời này bà chưa từng tới Hàng Châu.

Tố Diệp không hiểu. Tại sao một người chưa từng tới Hàng Châu lại si mê vùng đất này đến vậy?

Mãi về sau, cô mới biết được lý do.

Từ cổ chí kim, rất nhiều thi nhân đã ban cho Giang Nam một linh hồn tình thơ họa ý. Dù là niềm vui hay nỗi buồn đều không thể tách rời Giang Nam sông nước. Nhất là những bài thơ tình buồn triền miên đã trở thành nỗi niềm, tình cảm để bao thiếu nữ dù thời xưa hay thời nay chìm đắm.

Mẹ cô cũng không ngoại lệ. Bà cũng là một người tin vào tình yêu, cũng giống như sau này bà một lòng tin vào tín ngưỡng của mình vậy. Trong lòng mẹ, tình yêu cũng chính là một loại tín ngưỡng có thể duy trì hỷ nộ ái ố cả cuộc đời.

Khi bà yêu bố, yêu Diệp Hạc Phong trong gia đình quyền quý, tình yêu rực rỡ đã khiến mẹ như con thiêu thân lao vào lửa. Bà chỉ muốn dâng trọn cuộc đời cho người đàn ông ấy.

Thành phố mà Diệp Hạc Phong thích nhất không phải là những vùng quê thanh bình ở nước ngoài, cũng không phải những vùng công nghiệp phương Bắc. Ông chỉ yêu Hàng Châu, vì nó có một lịch sử lâu đời, vì nó cách xa Bắc Kinh.

Ông nói với mẹ: Hàng Châu là thành phố thích hợp nhất để định cư.

Mẹ chưa bao giờ được tới đây, tuy rằng Hàng Châu cách trấn nhỏ mà bà sống không xa lắm. Bà bắt đầu một lòng hướng về thành phố ấy, cảm nhận Giang Nam là nơi hiền hòa, dài lâu nhất.

Mà bố cũng đã hứa với mẹ, họ nhất định sẽ tới Hàng Châu định cư, sống trọn đời ở đây…

Mẹ vẫn luôn vững tin rằng ngày ấy sẽ tới.

Sau khi bà đưa cô tới Bắc Kinh, bà vẫn luôn nhớ đến Hàng Châu, nhưng chưa một lần đặt chân tới, vì trong lòng mẹ, ở thành phố ấy là niềm tin của tình yêu. Không có người mình yêu bên cạnh, niềm tin ấy cũng sẽ thanh đổi.

Vì thế sau này, mẹ vẫn luôn chờ đợi, chờ đợi tới ngày ông thực hiện lời hứa của mình. Đợi cả một đời cho tới khi nhắm mắt.

Hàng Châu, từ ngày mẹ qua đời đã trở thành nỗi đau trong lòng Tố Diệp. Từ nhỏ cô đã say mê cảnh sắc Giang Nam, nhưng lại sản sinh một cảm giác khó chịu không thể nói rõ ràng với nơi này.

Cô cũng chưa từng tới đây, vì thành phố này cũng đã trở thành một niềm tin trong lòng cô.

Niềm tin ấy chính là khi cô bước chân tới đây, nhất định phải là ngày bố mẹ đoàn tụ.

Ngày này… cuối cùng cũng tới.

Chính vào lúc này đây khi cô ngồi trên thuyền gỗ, nghe tiếng mái chèo khua nước mạn thuyền, rồi từ từ đổ tro cốt của cả bố lẫn mẹ xuống dòng nước Tây Hồ.

Trước lúc đó, Tố Diệp đã tới chùa Thiên Trúc, nơi khởi nguồn của Phật bà Quan thế âm Bồ Tát, cũng là nơi người Hàng Châu tôn sùng nhất.

Nó nằm ẩn mình trong núi rừng. So với phương Bắc, thiền tự ở đây tráng lệ hơn, hệt như cổ nhân khi xưa đã miêu tả: Muôn trúc với tới mây trời, trong bóng cây xanh biếc, giữa khe núi tĩnh lặng, chỉ nghe được tiếng suối chảy.

Đây cũng là lý do cô nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, chọn cầu siêu cho bố mẹ ở đây.

Đây là nơi bố mẹ luôn muốn định cư, vậy có Phật tổ che chở có gì không tốt?

Thời gian siêu độ không dài. Cô thành tâm quỳ giữa Phật đường bái lạy, trên đầu là Phật tổ vàng rực, chói lọi. Sáu, bảy vị tăng nhân quây thành một hình vuông xung quanh, không ngừng đọc kinh.

Còn cô, vừa dập đầu vừa đốt vàng mã, khói hương, mong cho cha mẹ sau khi đoàn tụ được lên cõi cực lạc…

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.