Không có uy vọng, trong mắt người khác sẽ là đớn hèn, sẽ bị người ta
leo lên đầu lên cổ, đó mới là tổn thất lớn nhất của Đường gia, cho nên
đám Điền Cơ và một số đối thủ đồng hành mới dám trắng trợn tới tận nơi
gây chuyện, dù không phải chuyện lớn, nhưng thu nhập tức thì giảm đi quá nửa.
Dù sao ai mua đồ cũng chẳng muốn tới những chỗ thường
xuyên có chuyện, mà món đồ đó lại chẳng phải là mỗi mình Đường gia mới
có.
Cho tới tận khi phương bắc xảy ra nạn châu chấu, trong đầu y mới lóe lên một ý tưởng, có thiên tai là có nạn dân, trong mắt triều
đình, nạn dân là gánh nặng, nhưng trong mắt y, đây lại là nguồn lao động giá rẻ.
Nếu bình thường khai hoang, đào kênh do chính quyền
làm, một công trình quy mô lớn như thế, trừ phải có đủ tiền ra, còn phải có đủ nhân thủ, nếu triều đình không phê duyệt, không thể trưng dụng
bách tính khai hoang, có tiền cũng chẳng kiếm được đủ nhân lực, dù sao
phương nam trù phú, bách tính đều an cư lạc nghiệp rồi, ai mà muốn vì
vài đồng tiền, mà đi làm chuyện khổ cực đó.
Nhưng hiện giờ thì khác, có thiên tai có nạn dân bụng đói, tới lúc đó chỉ cần cho bọn họ ngày ba bữa cơm là đủ rồi.
Vụ làm ăn này tính ra khá là lời.
Ngoài ra Lưu châu không phải là vùng cực nam, nơi này nối liền với dải
đất trung tâm và phương nam, cho lưu lượng nạn dân đổ về đây sẽ rất lớn, nếu có thể mở lán bố thí cháo thật sớm, ắt lấy được thiện danh, khi đó
toàn thành đều là nạn dân ăn cơm của Đường gia, Điền Cơ và Vương Mông
dám mưu đồ với Đường gia nữa sao?
Nếu chúng dám đụng chạm vào,
Đường gia chỉ cần ngầm truyền tin có kẻ muốn điều tra lương thực của
Đường gia, không thể bố thí cháo nữa, đám nạn dân đói bụng đó việc gì
cũng dám làm.
Chuyện này quan trọng nhất là ở Trương Gia.
Dù sao khai hoang đào kênh đào không phải là một chuyện đơn giản, thành công hay không liên quan tới chuẩn bị có chu đáo không, nếu không dù có vượt được qua ải của đám Điền Cơ, tương lai Đường gia cũng lụi bại vì
nó.
Trương Gia thấy Đường Kính Chi vui mừng thì khẽ lắc đầu,
trước đó ông ta đã từng nghe nói tới một số chuyện của Đường Kính Chi,
nói Đường Kính Chi là kỳ tài thương nghiệp, nhưng hiện ra xem ra lời đồn không đúng rồi, ông ta không nhìn ra Đường phủ có bất kỳ khả năng nào
để hoàn thành việc này.
- Không biết Trương đại nhân có thể cho tại hạ xem bản đồ kênh đào kia được không?
Đường Kính Chi không để ý tới thái độ thiếu tin tưởng của Trương Gia,
dù sao chuyện này quá lớn, không phải dựa vào khua môi múa mép là có thể khiến người ta phục.
Nay mũ ô sa cũng chẳng còn, Trương Gia
chẳng tiếc đống bản đồ không khác gì mớ giấy lộn, gật đầu vào thư phòng
lấy bản đồ ra trải trên bàn.
Cố áp kích động xuống, Đường Kính
Chi trải bản đồ ra xem, sau đó căn cứ vào ký ức cũ, đối chiếu thật tỉ mỉ thực tế và bàn đồ, càng xem lòng càng mừng rỡ.
Trương Gia quả
nhiên có bản lĩnh thực sự, mặc dù trong bản đồ có những chi tiết nhỏ
không được hoàn thiện lắm, cần phải tu sửa, nhưng về đại thể không có
chỗ nào sai, gấp giấy lại, Đường Kính Chi trầm tư một lúc rồi lên tiếng:
- Trương đại nhân, tại hạ biết ngài không tin Đường gia có khả năng
khai phát vùng đất hoang lớn như vậy, nhưng nếu như, tại hạ nói nếu như
có một ngày điều kiện đầy đủ, ngài có sẵn lòng giúp đỡ ta không?
Trương Gia nghe xong vẫn lắc đầu, không tin Đường gia có thể làm được
một chuyện kinh thiên động địa như thế, có điều thấy Đường Kính Chi thái độ chân thành, liền đáp:
- Đường công tử, quả thực không muốn dấu,
Trương mỗ cũng muốn hoàn thành chuyện này, gì chưa nói, riêng thăm dò
đất đai, suy nghĩ phương án làm kênh, vẽ bản đồ đã phí ba năm của Trương mỗ và thuộc hạ, càng chưa nói tới tạo phúc cho bách tính là tâm nguyện
lớn nhất của Trương mỗ. Nếu một ngày nào đó điều kiện chín muồi, bất kể
là giúp Đường công tử hay triều đình, Trương mỗ sẽ tận tâm tận lực cho
tới khi công trình hoàn thành.
- Tốt, có câu này của Trương đại nhân là tốt rồi.
Đường Kính Chi nghe thế đứng dậy vái Trương gia thật sâu:
- Trương đại nhân lòng chưa bách tính, không tham phú quý, tại hạ khâm
phục vô cùng, nếu như có một ngày mảnh đất hoang đó khai phát xong, tại
hạ hứa ba năm không thu tô của điền hộ.
Trương Gia vẫn không tin Đường Kính Chi có thể hoàn thành việc này, vẫn đứng dậy trả lễ:
- Nếu như có một ngày như thế, Trương mỗ xin thay cho bọn họ tạ ơn Đường công tử.
Hai người nhìn nhau cười, ngồi trở lại.
Nếu đã thương lượng ổn thỏa với Trương gia, vậy tiếp theo là phải tìm cách có được văn thư của triều đình.
Ở vương triều Minh Hà, muốn khai hoang phải mua lấy mảnh đất đó trước,
có điền khế mới có thể tự khai phát, còn muốn đào kênh dẫn nước thì phải được công bộ phê chuẩn, chỉ có như thế sau này đất đai được khai phát,
quan viên hộ bộ mới đo đạc, cho vào hồ sơ, được nộp thuế theo quy định
quốc gia, đó là đất mới khai khẩn năm đầu tiên không cần nộp thuế.
Trước khi rời Trương gia, Đường Kính Chi vốn muốn để lại chút bạc,
nhưng Trương Gia nói không công không hưởng lộc, nhất quyết không chịu
nhận, Đường Kính Chi biết ông ta ngay thẳng không tham tiền đành thôi,
chỉ dặn chuyện này phải giữ bí mật tuyệt đối.
Thị Mặc đứng bên
rót trà hầu hạ nên nghe hai người bọn họ đối thoại từ đầu tới cuối,
trong lòng đầy nghi vấn, sao Nhị gia lại đột nhiên muốn khai hoang?
Đây là công trình cực lớn.
- Thị Mặc, hiện chủ sự truân điền của Lạc Thành tên là gì, ngươi có biết không?
Trên đường về Đường Kính Chi hỏi:
Thị Mặc căn bản không nghĩ nhiều, đáp:
- Nhị gia quên rồi à, Lưu Bưu vốn là quan viên của Lạc Thành, về sau vì phạm tội mất chức, mới bỏ tiền hối lộ bên trên, được điều tới công bộ
để truân điền.
- Lưu Bưu?
Đường Kính Chi suy nghĩ một lúc liền nhớ ra, tức thì cười lớn, thì ra là Lưu Bưu, xem ra cả ông trời cũng giúp ta rồi.
Biết chủ sự truân điền là Lưu Bưu rồi, Đường Kính Chi tự tin hẳn, không cần vội vàng lập tức đi làm việc này nữa, cùng Thị Mặc về Đường phủ,
đây là đại sự ảnh hưởng tới tương lai của Đường gia, cần phải thương
lượng trước với lão thái quân mới có thể hành động.
Đường Kính Chi định tối nay trao đổi với lão thái quân về việc này.
~~~~~~~~~~~~``o0o~~~~~~~~~~~~~
Thời đó trong các tòa thành thường thiết lập một ít mục trường, nông
trại, để đề phòng trường hợp khẩn cấp như bị địch vây thành có thể tự
cung tự cấp, Đường phủ rộng lớn tráng lệ chính vì không đặt ở khu vực
phồn hoa náo nhiệt giữa thành mà ở gần những nông trại đó.
Tòa
phủ đệ hoành tráng này cơ bản có thể chia làm ba phần, đi qua đại môn
chỉ thấy sân rộng, rất ít phòng ốc, nơi này chủ yếu dành cho hộ vệ,
khách khứa không quan trọng, phòng làm việc một số quản sự lo việc kinh
doanh ngoài phủ, đi sâu vào nữa vẫn thuộc ngoại viện là viện tử riêng
biệt vườn rộng có ao nước giả sơn cuối vườn đó là đại sảnh đường, phòng
tiếp khách, thư phòng đây là nơi Đường Kính Chi làm việc, có cửa nối
liền với hậu viện còn gọi là nhị môn trong câu “đại môn bất xuất, nhị
môn bất mại”.
Qua cảnh cổng tròn đó một dãy hành làng dài quanh co, bên là ao sen lớn bên rừng trúc xanh mướt, sẽ thấy bức tường trắng
mới là nơi ở của nữ quyến Đường gia, còn gọi là nội viện thực cấm chỉ
nam nhân không mang họ Đường ra vào. Ngoài bức tường đó ở phía bắc là
nhà bếp, nhà kho, cùng nơi ở của hạ nhân.
Khách quý vào Đường
phủ sẽ được đi qua đại môn, mời lên kiệu đón tới đại sảnh đường, nếu
không đủ đi bộ mỏi chân, các hào môn thế gia đều làm thế, khách càng đi
lâu càng thể hiện được nhà mình bề thế ra sao, còn người trong phủ thực
tế không dùng đại môn, đi cửa phụ cửa sau nhanh hơn nhiều.