Nơi Này Em Vẫn Đợi

Chương 43: Bùng nổ




SỰ TẰN TIỆN. Sự giản dị. Đó là kim chỉ nam mới của tôi. Một cuộc sống mới, mộc mạc, như người tu hành trong đó tôi chẳng tiêu một đồng nào hết. Không tiêu một đồng nào. Ý tôi là, thử nghĩ xem, hàng ngày tất cả chúng ta hoang phí bao nhiêu tiền? Không nghi ngờ gì, tôi đang mắc nợ chút ít. Và đấy không phải lỗi của tôi, thật đấy. Tôi đơn thuần chỉ bị cuốn đi bởi lối sống thực dụng phương Tây, thứ mà bạn phải có sức voi mới có thể kháng cự lại. Chút ít thì đó là những gì mà cuốn sách mới của tôi bảo.

Thế này, hôm qua, khi đi cùng mẹ đến cửa hàng Waterstone để mua sách giải trí, tôi đã lẻn tới quầy sách tự giúp mình và mua được quyển sách hay nhất mà tôi từng đọc. Thành thật mà nói, nó sẽ thay đổi cuộc đời tôi. Bây giờ, tôi đang mang nó, trong túi xách của tôi. Tựa sách là Kiểm soát đồng tiền của bạn của David E.Barton, nó thực sự tuyệt vời. Nó nói rằng tất cả chúng ta đều có thể quẳng tiền qua cửa sổ mà chẳng hề để ý, và đa số chúng ta có thể dễ dàng cắt giảm chi tiêu xuống còn một nửa chỉ trong vòng một tuần.

Chỉ trong một tuần!

Bạn chỉ phải làm những việc như tự làm sandwich thay vì đến nhà hàng và đi xe đạp thay vì dùng tàu điện ngầm. Khi bạn bắt đầu để ý đến nó, bạn có thể tiết kiệm ở bất cứ chỗ nào. Như David E.Barton nói, có rất nhiều niềm vui miễn phí mà chúng ta bỏ qua vì quá bận tiêu tiền, như là đi công viên, viện bảo tàng hay niềm vui nho nhỏ của một cuộc thăm thú miền quê chẳng hạn.

Thử nghĩ xem, tại sao chúng ta không cho những thông tin này vào tờ Successful Saving? Nó chẳng hữu ích hơn biết về một đơn vị tín phiếu mới có thể tạo ra lợi nhuận hay không sao? Ý tôi là, với kế hoạch này bạn có thể kiếm ra tiền ngay lập tức!

Tất cả đều rất dễ dàng, trôi chảy. Và điều thú vị hơn cả là, bạn phải bắt đầu từ việc đi mua sắm! Quyển sách nói rằng bạn nên bắt đầu bằng cách kê ra từng món hàng trong một ngày chi tiêu bình thường và lập một biểu đồ. Nó nhấn mạnh rằng bạn phải luôn thành thật và không được đột ngột cắt giảm hay thay đổi thói quen mua sắm của mình, thật may mắn cho tôi, thứ Sáu là sinh nhật của Suze và tôi phải mua quà cho cô ấy.

Thế là vào sáng thứ hai, tôi ghé qua tiệm Lucio trên đường đi làm để mua một cốc cappuccino cỡ bự và một cái bánh sôcôla, như tôi vẫn thường dùng. Phải thú thật là tôi cảm thấy hơi buồn rầu khi trả tiền, bởi đây là cốc cappuccino cuối cùng và cái bánh sôcôla cuối cùng của tôi. Sự tằn tiện mới sẽ bắt đầu vào ngày mai – và cappuccino bị cấm. David E.Barton nói rằng nếu bạn có thói quen uống cà phê thì hãy làm ở nhà và mang cà phê đến cơ quan trong một cái bình còn nếu thích ăn đồ ăn nhẹ bạn nên mua bánh giá rẻ ở siêu thị. “Những cửa hàng bán cà phê đang lừa tiền bạn cho những thứ chẳng hơn gì nước sôi và polystyrene,” David nói vậy và tôi cho rằng ông ta đúng. Nhưng tôi vẫn nhớ những cốc cappuccino buổi sáng của mình. Dù vậy, tôi đã hứa với mình sẽ tuân thủ những quy tắc trong cuốn sách – và tôi sẽ làm thế.

Ra khỏi tiệm cà phê, nắm chặt cốc cappuccino cuối cùng, tôi nhận ra rằng mình không có cái bình nào để đựng cà phê. Không sao, tôi sẽ mua một cái. Có mấy cái bình mạ crôm bóng loáng ở tiệm Habitat. Giờ đây những chiếc bình đã trở nên sành điệu hơn. Tôi nghĩ cả hãng Alessi có thể cũng đã sản xuất một loại. Chẳng tuyệt sao? Uống cà phê từ một cái bình Alessi. Rõ ràng là ngầu hơn cappuccino đóng hộp rồi.

Thế là tôi vừa đi vừa phởn phơ. Khi qua tiệm Smiths, tôi ghé vào mua mấy quyển tạp chí để tiếp tục công việc của mình – và tôi còn mua một cuốn sổ màu bạc xinh xắn và một cây bút để ghi lại tất cả những gì mình đã tiêu. Tôi chắc chắn sẽ cương quyết về chuyện này vì theo như David E.Barton nói thì chính việc ghi lại các khoản chi tiêu sẽ có tác dụng cắt giảm. Thế là khi đến chỗ làm, tôi bắt đầu liệt kê.

Cappuccino ₤1,50

Bánh ₤1,00

Sổ ₤3,99

Bút ₤1,20

Tạp chí ₤6,40

Tổng cộng cho đến giờ là... £14,09.

Chúa ơi. Thế là quá nhiều, trong khi bây giờ mới là 9h40 phút sáng.

Nhưng mà sổ và bút thì không tính, đúng không? Chúng chỉ như là những thứ cần thiết khi đi học thôi. Ý tôi là, làm thế quái nào có thể ghi lại những khoản chi tiêu mà không có sổ và bút chứ? Thế là tôi trừ 2 khoản đó đi và bây giờ tổng chi tiêu là...£8,40. Đỡ hơn nhiều đấy.

Dù sao đi nữa tôi cũng đã đến toà soạn. Có lẽ cả ngày tôi sẽ không tiêu một cắc nào nữa.

Thế mà trớ trêu thay, không tiêu gì quả là nhiệm vụ bất khả thi. Đầu tiên là anh chàng phòng kế toán qua chào và lại một món quà chia tay nữa phải tặng. Rồi tôi phải ra ngoài ăn trưa. Tôi rất kiềm chế với cái bánh sandwich của mình – tôi chọn nhân trứng và cải xoong, thứ rẻ nhất ở tiệm Boots trong khi tôi chẳng thích chúng tẹo nào.

David E.Barton nói rằng khi bạn thực sự nỗ lực, nhất là trong giai đoạn đầu, thì bạn nên tự thưởng cho mình - thế là tôi lấy một ít dầu tắm dừa của hãng Natural như một sự khen thưởng nhỏ. Rồi tôi nhận ra là có điểm thưởng kép cho loại kem dưỡng ẩm tôi dùng.

Tôi mê điểm thưởng. Chúng chẳng phải là một phát minh tuyệt vời sao? Nếu bạn tiêu tiền đến một mức nào đó, bạn sẽ nhận được những phần thưởng đáng giá, như là một ngày làm đẹp ở khách sạn chẳng hạn. Giáng sinh năm ngoái tôi khá khôn lỏi – tôi tích luỹ điễm thưởng đến khi gom đủ để mua quà giáng sinh cho bà tôi. Thật ra chuyện là thế này, tôi đã tích luỹ được 1.653 điểm – và tôi cần 1.800 điểm để mua cho bà một bộ lô quấn tóc. Thế là tôi mua cho mình một lọ nước hoa Samsara to tổ chảng, và nó cho tôi thêm 150 điểm thưởng nữa – và rồi tôi có bộ lô quấn tóc hoàn toàn miễn phí! Chỉ có điều, tôi chẳng thích nước hoa Samsara cho lắm – nhưng tôi chẳng hề nhận ra điều đó cho đến khi về nhà. Thôi, bỏ đi.

Cách khôn ngoan để sử dụng điểm thưởng - để có những món hời đặc biệt – đó là hãy nắm lấy cơ hội và tận dụng chúng, bởi vì nó sẽ không đến với bạn lần nữa đâu. Thế là tôi tóm lấy ba lọ kem giữ ẩm và mua chúng. Điểm thưởng kép! Tiền cả mà.

Xong xuôi, giờ tôi phải đi mua quà sinh nhật cho Suze. Thực ra tôi đã mua cho cô ấy một bộ tinh dầu thơm rồi – nhưng mà hôm nọ tôi đã nhìn thấy chiếc áo len lông thỏ màu hồng tuyệt đẹp của Benetton, tôi biết cô ấy sẽ rất thích. Tôi hoàn toàn có thể giữ bộ tinh dầu thơm lại hoặc tặng cho ai đó vào dịp giáng sinh mà.

Và tôi vào tiệm Benetton và nhặt lấy chiếc áo len màu hồng. Tôi đang chuẩn bị trả tiền thì... tôi chợt để ý thấy họ cũng có loại màu xám nữa. một chiếc áo len hoàn hảo, mềm mại, màu xám lông chim bồ câu, với những chiếc khuy nhỏ trông như ngọc trai.

Ôi lạy Chúa. Bạn biết không, vấn đề là tôi đã mong ước có một chiếc áo len lông thỏ màu xám xinh xắn từ lâu lắm rồi. Thật đấy. Bạn có thể hỏi Suze, mẹ tôi, tất cả mọi người. Và một điều nữa là, tôi vẫn chưa thực sự bắt đầu chế độ tằn tiện của mình mà, đúng không nào? Tôi mới chỉ đang cố kiểm soát mình thôi.

David E.Barton nói rằng tôi phải cư xử tự nhiên hết mức có thể. Nên thực sự, tôi phải làm theo hứng thú tự nhiên là mua cái áo đó. Sẽ là sai nếu không mua. Điều đó sẽ phá hỏng tất cả.

Cái áo chỉ có 45 bảng. Tôi đã trả bằng VISA.

Mà suy cho cùng thì – 45 bảng là cái gì trong danh sách tiêu xài khổng lồ của tôi? Ý tôi là, nó chẳng là cái quái gì hết, đúng không?

Thế là tôi mua. Cái áo len nhỏ nhắn hoàn hảo nhất thế gian. Mọi người sẽ gọi tôi là Cô Gái Mặc Áo Len Xám. Tôi sẽ được sống trong nó. Thật sự, đó là một khoản đầu tư.

Sau bữa trưa, tôi phải đến thăm Image Store để chọn ảnh bìa cho kỳ báo tiếp theo. Đây thực sự là công việc yêu thích nhất của tôi – tôi chẳng hiểu sao Philip luôn đẩy nó cho người khác. Việc này đơn giản chỉ là bạn sẽ phải đến và ngồi uống cà phê cả buổi chiều, ngắm nhìn hàng hàng những tấm phim ảnh.

Bởi vì, dĩ nhiên là chúng tôi không có quỹ để thiết kế trang bìa của riêng mình. Chúa ơi, không. Khi tôi lần đầu bắt tay vào nghề báo, tôi đã nghĩ là mình sẽ đi săn ảnh và gặp những cô người mẫu xinh đẹp, và tận hưởng những thời khắc rực rỡ thật sự. Thế nhưng thực tế là tờ báo của tôi thậm chí còn chẳng có lấy một phóng viên ảnh. Tất cả những ấn phẩm của chúng tôi đều sử dụng các thư viện ảnh như Image Store, và các bức ảnh thường cứ lặp đi lặp lại. Năm ngoái, có một bức ảnh con hổ đang gầm mà thậm chí đã xuất hiện trên trang bìa của ít ra là ba bản báo cáo tài chính cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, độc giả thì không mảy may quan tâm đến điều đó. Họ chắc chắn không mua tạp chí chỉ để xem Kate Moss.

Điều tốt lành là tổng biên tập của Elly cũng không thích chọn ảnh trang bìa – và họ cũng sử dụng Image Store. Thế là chúng tôi luôn sắp xếp để có thể đi cùng với nhau và tán hươu tán vượn về những bức ảnh. Còn tuyệt vời hơn nữa là Image Store ở tận Cổng Notting Hill, và bạn đương nhiên có thể nhẩn nha đi đi về về. Thường thì, tôi còn chẳng thèm nghĩ đến việc trở lại văn phòng. Quả thật đây là một cách tuyệt vời để tận hưởng một buổi chiều trong tuần.

Tôi đến đó trước Elly, tới nói khẽ với cô gái ở quầy tiếp tân, “Becky Bloomwood từ tờ Successful Saving”, ước gì tôi có thể nói “Becky Bloomwood từ Vogue” hay “Becky Bloomwood từ Wall Street Journal”. Rồi tôi đặt mình lên một cái ghế mềm bọc da đen, giở lướt qua một cuốn catalo những bức ảnh về các gia đình hào nhoáng hạnh phúc, cho đến khi một trong số những anh chàng sành điệu làm việc ở đó dẫn tôi đến cái bàn được thắp sáng dành riêng cho tôi.

“Tôi là Paul” anh ta nói. “Tôi sẽ trợ giúp cô hôm nay. Cô đã dự kiến tìm gì chưa?”

“À...” tôi nói, và lấy cuốn sổ của mình ra. Chúng tôi đã có một buổi họp về trang bìa ngày hôm qua và cuối cùng đã quyết định chủ đề là “Quản lý tiền bạc: Đạt được Cân bằng Hợp lý”. Và trước khi bạn gục đầu xuống vì chán nản, cho tôi nói thêm tháng trước bìa tít là “Tài khoản tiết kiệm: Hãy thử kiểm tra”.

Tại sao không thay bằng chúng ta hãy thử một lần kiểm tra kem nhuộm da nhỉ? Thế đấy.

“Tôi đang tìm những bức ảnh về cái cân,” tôi nói, cúi đọc bản danh sách của mình. “Hoặc dây thăng bằng, xe đạp một bánh...”

“Những bức ảnh về sự thăng bằng” Paul nói. “Không thành vấn đề. Cô có dùng cà phê không?”

“Có, cám ơn anh” tôi hớn hở và ngả lưng ra ghế. Bạn hiểu ý tôi chứ? Ở đây thật quá tuyệt vời. Và tôi được trả tiền để ngồi trên cái ghế này, mà chẳng phải làm gì cả.

Một lát sau, Elly xuất hiện cùng với Paul, và tôi ngỡ ngàng khi nhìn cô ấy. Cô ấy trông thực sự sang trọng, trong một bộ đầm màu tím hoa cà, và đi giày cao gót.

“Những bức ảnh về vận động viên bơi lội, thuyền, và Châu u” Paul nói với cô.

“Chính xác” Elly nói, quăng mình vào cái ghế bên cạnh tôi.

“Để tớ đoán nhé”, tôi nói. “Cái gì đó về tiền tệ đang trôi nổi”

“Đúng vậy”, Elly nói “Chính xác là ‘Châu u: Chìm hay Nổi?’ “ Cô ấy nói với giọng kịch điệu bộ khiến tôi và Paul cùng cười khúc khích. Khi Paul đã đi ra, tôi bắt đầu nhìn Elly từ đầu đến chân.

“Sao trông cậu ngon lành vậy?”

“Tớ lúc nào trông chả lịch sự” cô ấy lảng tránh “Cậu biết mà”. Paul đã trở lại với một cái xe đẩy chất đầy những tấm kính ảnh và cô ấy chúi đầu vào chúng. “Những cái này là của cậu hay của tớ?”

Cô ấy đang đánh trống lảng. Có chuyện gì vậy?

“Có phải cậu vừa đi phỏng vấn về không?” tôi hỏi khi nảy bật ý ra như một thiên tài. Cô ấy nhìn tôi, đỏ mặt, rồi kéo một tấm kính ảnh ra khỏi chiếc xe đẩy.

“Những màn xiếc” cô ấy nói “Diễn viên tung hứng. Đấy là những thứ cậu cần à?”

“Elly! Cậu vừa đi phỏng vấn phải không? Nói cho tớ đi!”

Một khoảng im lặng. Elly nhìn chằm chằm vào tấm kính ảnh, rồi ngẩng lên.

“Ừ” cô ấy trả lời, mím môi lại “Nhưng mà...”

“Thật tuyệt” tôi reo lên khiến mấy cô gái đỏm dáng ở góc phòng ngước lên. “Cho tờ nào?” tôi nói nhỏ hơn “Không phải tờ Cosmo chứ?”

Paul cắt ngang chúng tôi. Anh ta bước vào với một tách cà phê và đặt nó trước mặt Elly.

“Các vận động viên bơi lội đã đến” anh ta nói, nhoẻn miệng cười rồi đi ra.

“Cho tờ nào thế?” tôi nhắc lại. Elly thi tuyển quá nhiều nơi, tôi không thể nào nhớ hết.

“Cho Wetherby” cô ấy nói, mặt đỏ bừng.

“Quỹ đầu tư Wetherby?” Cô ấy khẽ gật đầu khiến tôi nhíu mày ngỡ ngàng. Tại sao cô ấy lại thi tuyển vào quỹ đầu tư Wetherby? “Họ có một tạp chí nội bộ à?”

“Tớ không thi tuyển làm phóng viên ở đó” cô ấy thấp giọng trả lời “Tớ thi tuyển làm người quản lý quỹ”

“Cái gì?” tôi nói, hoàn toàn sửng sốt.

Tôi biết bạn bè thì phải ủng hộ những quyết định trong cuộc sống của nhau. Nhưng mà tôi xin lỗi. Một người quản lý quỹ á?

“Tớ chắc chẳng thể nhận được công việc đó đâu” cô nói, ngoảnh đi chỗ khác. “Cũng chẳng phải chuyện gì to tát”

“Nhưng mà...”

Tôi không nói nên lời. Làm sao Elly có thể nghĩ đến việc trở thành một nhà quản lý quỹ được chứ? Các nhà quản lý quỹ không phải người bình thường. Họ là những kẻ mà chúng tôi vẫn chế giễu trong các chuyến tác nghiệp báo chí.

“Đấy chỉ là một ý tưởng thôi” cô bao biện. “Có lẽ tớ muốn cho Carol thấy tớ có thể làm một việc khác. Cậu hiểu chứ?”

“Vậy nó như là một... công cụ để mặc cả hả?” tôi đánh bạo.

“Ừ” cô ấy đáp, khẽ nhún vai. “Đúng đấy. một công cụ mặc cả”

Nhưng mà cô ấy nói có vẻ không thuyết phục cho lắm – và cô ấy cũng không hăng hái tán gẫu suốt cả buổi chiều như mọi khi. Có chuyện gì với cô ấy thế nhỉ? Tôi vẫn tiếp tục nghĩ ngợi về chuyện đó trên đường từ Image Store về nhà. Tôi đi xuống Đại lộ Kensington, qua đường, và lưỡng lự trước hiệu Marks and Spencer.

Ga tàu điện ngầm ở bên phải. Các cửa hiệu thì ở bên trái.

Tôi phải lờ các cửa hiệu đi. Tôi phải thực hành tiết kiệm, về thẳng nhà, vẽ biểu đồ chi tiêu. Nếu cần giải trí. Tôi có thể xem vài chương trình TV miễn phí thú vị và tự nấu một ít súp vừa rẻ vừa bổ dưỡng.

Tuy nhiên, chả có gì vui trong buổi tối hôm nay, ít ra là cho đến chương trình EastEnders. Và tôi không muốn ăn súp. Tôi thực sự cảm thấy cần có một cái gì đó để làm tôi vui lên. Hơn nữa - đầu óc tôi quay cuồng – tôi sẽ từ bỏ tất cả chuyện này vào sáng mai đúng không? Thế này giống như bắt đầu mùa chay vậy. Đây là ngày mua bánh kếp của tôi. Tôi phải tranh thủ trước khi tuần ăn chay bắt đầu.

Trong cơn phấn khích. Tôi phóng ra Trung tâm Barkers. Mình sẽ không phát cuồng đâu, tôi tự hứa với mình. Chỉ là một món đồ nhỏ để mình mạnh thêm thôi mà. Tôi đã mua cái áo len – nên sẽ thôi quần áo... tôi cũng đã mua mấy đôi giày mới xinh xắn ngày hôm trước – nên cũng thôi... mặc dù có vài đôi prada rất đẹp ở hiệu Hoobs... Hừm, tôi không biết nữa.

Tôi đến khu mĩ phẩm của Barkers và đột nhiên tôi nghĩ ra. Đồ trang điểm! Đó đúng là thứ tôi cần. Một cây chải mi mới, và có thể một thỏi son môi mới nữa. Thật phấn khởi tôi bắt đầu lượn lờ quanh căn phòng sáng trưng, ấm áp, xịt nước hoa, và thoa son lên mu bàn tay mình. Tôi muốn một thỏi son màu thật nhạt, tôi quyết định. Kiểu như màu be/hồng, và một cây bút kẻ môi đi kèm với nó...

Ở quầy Clarins, sự chú ý của tôi đổ dồn vào một tấm biển khuyến mãi lớn.

MUA HAI SẢN PHẨM DƯỠNG DA ĐỂ NHẬN MỘT TÚI

TRANG ĐIỂM MIỄN PHÍ, BAO GỒM CÁC LỌ NHỎ SỮA

RỬA MẶT, NƯỚC HOA HỒNG, KEM DƯỠNG ẨM, SON MÔI

MÙA THU RỰC RỠ, CHẢI MI SIÊU ĐẬM VÀ MẪU THỬ

NƯỚC HOA EAU DYNAMISANTE. NHANH CHN LÊN SỐ LƯỢNG CÓ HẠN.

Tuyệt cú mèo! Bạn có biết son môi của Clarins thường đắt thế nào không? Còn bây giờ, hoàn toàn miễn phí! Hăm hở, tôi bới tung đống sản phẩm dưỡng da lên để chọn mua 2 thứ. Kem thoa cổ thì sao nhỉ? Tôi chưa bao giờ dùng loại này. Còn lọ dưỡng ẩm tái tạo này nữa. Và rồi tôi được một thỏi son miễn phí! Quả là một món hời.

“Xin chào” tôi nói với cô bán hàng trong bộ đồng phục màu trắng. “Tôi muốn lấy kem thoa cổ và dưỡng ẩm tái tạo. Và một túi trang điểm” tôi thêm vào, bỗng dưng tê liệt khi nghĩ rằng mình có thể đã đến quá muộn và hàng khuyến mại đã hết.

Nhưng chúng chưa hết! Ơn Chúa. Khi thẻ VISA của tôi đang làm việc thì cô bán hàng đưa cho tôi cái túi trang điểm màu đỏ bóng lộn (phải thừa nhận là nó nhỏ hơn tôi mong đợi), tôi hăm hở mở nó ra. Và đây, chắc chắn rồi, thỏi son miễn phí của tôi!

Nó có màu nâu đỏ. Thật sự thì, hơi lạ. Tuy nhiên nếu đánh cùng với những loại tôi đang có và thêm một chút son bóng thì sẽ rất tuyệt.

Khi về đến nhà, tôi mệt lử. Tôi mở cửa căn hộ và thấy Suze nhảy bổ ra như một con cún con.

“Cậu có gì thế?” cô ấy hét lên.

“Không được nhìn!” tôi gào lại “Cậu không được phép nhìn! Đây là quà của cậu”

“Quà của tớ!” Suze cực kì khoái sinh nhật. Ờ, thực ra thì, tôi cũng thế.

Tôi chạy vào phòng ngủ và giấu túi đồ Benetton vào tủ quần áo. Rồi lôi tất cả mọi thứ tôi đã mua ra và chộp lấy cuốn sổ màu bạc xinh xắn để liệt kê mọi khoản chi tiêu của mình. David E.Barton khuyên rằng việc này nên làm ngay lập tức, trước khi các chi tiết có thể bị quên.

“Cậu uống gì không?” giọng của Suze lảnh lót ngoài cửa.

“Có, cho tớ với!” tôi đáp, tiếp tục viết và một lát sau cô ấy đem vào một cốc rượu.

“Một phút nữa là đến EastEnders” cô ấy nói.

“Cám ơn cậu” tôi lơ đãng đáp, tiếp tục viết. Tôi đang tuân thủ luật lệ của cuốn sách một cách chính xác, lấy tất cả mọi hoá đơn ra và chép lại, và tôi cảm thấy khá hài lòng với bản thân mình. Điều đó cho thấy, đúng như David E.Barton nói, chỉ cần một chút chuyên tâm, mọi người đều có thể kiểm soát chi tiêu của mình.

Nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ tôi đã mua hơi nhiều sữa dưỡng ẩm hôm nay, phải không nhỉ? Thực sự mà nói, khi ở quầy Clarins, mua lọ dưỡng ẩm tái tạo, tôi đã quên mất mấy lọ tôi đã mua ở hiệu Boots. Thôi, không sao. Lúc nào mà bạn chẳng cần sữa dưỡng ẩm. Đấy là nhu yếu phẩm, như là bánh mì hay là sữa, mà David E.Barton thì nói rằng bạn không nên tằn tiện nhu yếu phẩm. Trừ điều đó ra thì tôi nghĩ mình đã thực hiện không đến nỗi nào. Tất nhiên, tôi chưa cộng tất cả lại, nhưng mà...

Được rồi, đây là danh sách cuối cùng và hoàn chỉnh của tôi:

Cappuccino ₤1,50

Bánh xốp ₤1,00

Sổ ₤3,99

Bút ₤1,20

Tạp chí ₤6,40

Quà chia tay ₤4,00

Sandwich trứng, cải xoong 99 xu

Dầu tắm dừa ₤2,55

Kem dưỡng ẩm ở Boots ₤20,97

Hai cái áo len ₤90,00

Bữa tối chuẩn 35 xu

Kem thoa cổ Clarins ₤14,50

Dưỡng ẩm Clarins ₤32,00

Túi trang điểm Miễn phí!

Dầu chuối ₤2,00

Bánh cà rốt ₤1,20

Và tất cả tổng cộng là...£177,96.

Tôi nhìn chằm chằm vào con số này, hoàn toàn sốc.

Không, xin lỗi, không thể thế này được. Nó không thể chính xác. Tôi không thể nào tiêu hết hơn £170 trong một ngày được.

Ý tôi là, thậm chí không phải là ngày cuối tuần. Tôi còn ở toà soạn. Tôi không thể có đủ thời gian để tiêu từng ấy tiền. Có sự nhầm lẫn nào chăng. Có thể tôi đã cộng nhầm. Hay là có thể tôi viết cái gì đấy hai lần.

Tôi đưa mắt soi lại cái danh sách cẩn thận hơn và bất chợt khựng lại trong chiến thắng. “Hai cái áo len” tôi đã biết mà! Tôi chỉ mua...

Ồ phải. Tôi đã mua hai cái, đúng chứ? Khỉ gió. Nản quá đi mất. Thôi tôi đi xem EastEnders đây.

OCTAGON ► Tài năng... phong cách... tầm nhìn

PHÒNG DỊCH VỤ TÀI CHÍNH

TẦNG 8 TOWEL HOUSE

ĐƯỜNG LONDON WINCHESTER S0 44 3DR

Gửi chô Rebecca Bloomwood Số thẻ thanh toán 7854 4567

Căn hộ số 2

Số 4 đường Burney

London SW6 8FD

Ngày 5 tháng 3 năm 2000

Cô Bloomwood thân mến,

Cám ơn cô về tấm séc £43,00 vừa đến hôm nay.

Thật tiếc, tấm séc chưa được ký. Chỉ là một chút sơ suất về phía cô. Vì thế tôi gửi lại cô tấm séc, và mong cô ký nó rồi chuyển lại cho chúng tôi.

Chắc là cô biết, việc thanh toán này đã chậm 8 ngày.

Tôi rất mong nhận lại tấm séc đã được ký của cô.

Trân trọng.

John Hunter

Quản lý Tài Khoản Khách Hàng

. NGÂN HÀNG ENDWICH.

CHI NHÁNH FULHAM

Số 3 đường Fulham

London SW6 9JH

Gửi chô Rebecca Bloomwood

Căn hộ số 2

Số 4 đường Burney

London SW6 8FD

Ngày 5 tháng 3 năm 2000

Cô Bloomwood thân mến,

Cám ơn cô về tin nhắn trả lời tự động của cô vào Chủ Nhật ngày 4 tháng 3.

Tôi rất tiếc khi nghe tin con chó của cô đã chết.

Tuy nhiên, tôi buộc phải đề nghị cô gặp tôi hoặc trợ lý của tôi, Erica Parnell, trong vòng vài ngày tới, để thảo luận tình hình của cô.

Trân trọng,

Derek Smeath

Giám đốc

. ENDWICH - BỞI CHÚNG TÔI QUAN TÂM.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.