Nơi Cuối Con Đường

Chương 11: Bản hợp đồng




Lúc cảm thấy chân mình bị Trần Kình nâng lên cô đã phát hiện có gì đó bất thường, quay đầu lại nhìn, quả thật hắn muốn hút máu độc cho mình, cô hét thất thanh: “Anh điên à?”

Trần Kình như không nghe thấy, hút một hơi rồi nhổ ra, lại hút tiếp, Lâm Uyển nói gì cũng vô ích. Cô liều mạng giãy giụa, hắn giữ chặt chân cô quát: “Còn cử động độc tố sẽ khuếch tán, muốn chết phải không?”

Lâm Uyển bị hắn mắng lập tức thôi làm loạn, để mặc hắn cúi đầu hút hết lần này đến lần khác. Chỗ bị thương vốn chẳng có cảm giác, bây giờ hình như lại có một luồng run rẩy chạy qua dây thần kinh truyền đến đại não, cảm giác ẩm ướt tê tê khiến cô như muốn nhảy lên vì không thể thích ứng. Cô vội quay đầu không nhìn cảnh này, cũng ép mình không được nghĩ nhiều, hai tay bất giác nắm chặt vạt áo, nắm mạnh đến mức móng tay như sắp cào rách lớp vải.

Trần Kình hút liên tiếp mười mấy lần, đến khi máu hắn nhỏ ra từ màu đỏ thẫm ban đầu biến thành đỏ tươi mới chịu dừng. Lâm Uyển nghe thấy tiếng “xong rồi” của Trần Kình liền quay đầu lại, thấy hắn lấy một miếng băng cá nhân từ trong túi xé ra rồi nhẹ nhàng dán vào vết thương của cô. Cô khó hiểu sao hắn lại mang theo người thứ này.

Trần Kình cảm nhận được ánh nhìn chăm chú của cô, vừa giúp cô kéo ống quần vừa giải thích: “Tránh dính bụi nhiễm trùng.”

Lúc hắn ngẩng đầu, ánh mắt Lâm Uyển bị thu hút bởi một vệt máu trên khóe miệng hắn, ma xui quỷ khiến thế nào cô liền giơ ngón trỏ lau đi. Trần Kình ngẩn người, đang định mở miệng lại bị Lâm Uyển cướp lời: “Độc tố của con rắn này rất mạnh?”

“Ừm, có khả năng là rắn hổ mang hoặc rắn lục.” Trần Kình nói xong, lo lắng Lâm Uyển sợ hãi liền trêu đùa: “Miền Bắc thường không nhiều rắn độc, chỗ em đúng là ‘địa linh nhân kiệt’.”

Lâm Uyển ngơ ngác hỏi: “Anh đã nhổ sạch đi chưa?”

Trần Kình cười cười đáp: “Đương nhiên, tôi có khát nữa cũng không uống thứ ấy.”

Chút cảm xúc kì lạ vừa trỗi dậy trong Lâm Uyển bị câu nói đùa của hắn làm tan biến trong nháy mắt. Lúc này cô mới ý thức được hành động này của mình rất đường đột, vội vàng giấu tay sau người.

Trần Kình không chú ý đến động tác nhỏ của cô, chống tay xuống đất đứng dậy phủi quần, còn chưa đứng thẳng đã khom người nói với Lâm Uyển: “Lên đây.”

Lâm Uyển kinh hãi vì hành động ân cần của hắn, hay nói đúng hơn, cô vẫn chưa hoàn hồn sau trận “kinh hãi” ban nãy, từ chối theo bản năng: “Tôi tự đi được.”

Trần Kình phải ngồi xổm nên không hề dễ chịu, thấy Lâm Uyển xa lạ với mình lại càng bực tức, giọng điệu cứng nhắc giục cô: “Vận động mạnh sẽ làm độc tố khuếch tán càng nhanh, không biết à? Đừng phí lời, có phải muốn tôi bế em đi không?”

Lâm Uyển đi đến như rùa bò, còn chưa kịp leo lên hắn đã chắp tay ra sau kéo cô, đỡ cô lên lưng rồi đứng dậy. Lâm Uyển theo bản năng vắt tay qua cổ hắn, ngực cô áp vào lưng hắn, lúc này mới phát hiện lưng hắn rất rộng, cho người ta một cảm giác yên tâm. Cô lập tức thấy khinh bỉ vô cùng suy nghĩ này của mình, nhưng ý nghĩ lại vẫn cố chấp dừng lại trên lưng hắn. Cô nhớ đến cảnh tượng nhìn thấy đêm hôm đó, tuy thiếu tình yêu thương của cha mẹ từ nhỏ nhưng trong kí ức cô chưa bị đánh bao giờ. Lúc nỏ dại từng coi việc được đánh mắng như một phần của tình thân, lúc nghe thấy bạn học than phiền mình bị đánh, cô thậm chí còn có chút ngưỡng mộ. Đến tận ngày hôm đó cô mới biết thì ra còn có cách đánh kinh khủng như vậy, cô đoán là rất đau, đến người ngoài nhìn vào còn thấy bứt rứt. Nhưng xưa nay Trần Kình chưa từng thể hiện chút khó chịu trước mặt cô, không thể không nói hắn là người đàn ông rất có khí phách.

Cô nhớ đến một chuyện nhỏ lần trước, hôm đó cô đang ở chỗ làm giúp người khác chuyển bàn, tay quệt phải tường bị rách da. Lúc Trần Kình đón cô tan làm tinh mắt nhìn ra, lập tức sang hiệu thuốc bên đường huy động nhân lực mua một đống thuốc khử trùng và bông băng. Cô nói hắn chuyện bé xé ra to, hắn lại trách cô không biết chăm sóc bản thân, toàn lo chuyện bao đồng, bị thương cũng đáng đời.

Cô thầm đoán, có phải vì chuyện này nên hắn mới cất băng cá nhân trong túi không, lập tức lại cảm thấy mình suy nghĩ quá nhiều. Nhưng sống chung trong thời gian dài như vậy, cô sớm đã nhận thấy Trần Kình thật ra là người rất chu đáo. Nghĩ đến đó, Lâm Uyển không nhịn nổi tự cười nhạo bản thân, mình lại đang tìm ưu điểm cho người đàn ông này ư?

Trần Kình đi nhanh nhưng bước chân rất vững chắc. Hắn im lặng một lúc lại không chịu nổi, trách mắng cô: “Em không thể gọi điện tìm người giúp à? Nếu tôi không đến thì em định ở đó chờ chết chắc?”

Lâm Uyển giải thích: “Quên mang di động rồi.”

Trần Kình “hừ” một tiếng nói: “Tôi hét gọi em nhiều như thế mà em chẳng nghe thấy?”

“Tôi nghe thấy rồi, tôi còn tưởng là ảo giác.”

Bước chân Trần Kình chợt ngừng lại, bực bội nói: “Biết mình như thế còn chạy lung tung.”

“Tôi nhớ bà tôi.”

“Vậy nói với tôi một tiếng chứ, tôi đưa em đi là được.”

“Không muốn phiền anh.”

Trần Kình cười: “Em tưởng mình ít phiền phức lắm sao?” Rồi lại đổi giọng điệu nửa đùa nửa thật: “Lẽ nào em không nhìn ra tôi vui lòng được em làm phiền?”

Lâm Uyển không tiếp lời, bàng hoàng nhìn giọt mồ hôi lấp lánh sau tai hắn. Cô ép mình dịch chuyển tầm mắt, cuối cùng hạ xuống ven cống cạnh đường, ở đó tích trữ một lớp lá rụng từ năm ngoái đang trong quá trình mục nát, đã không còn nhìn được nguyên dạng, hỗn tạp thành từng mảng đen sì, sớm đã chẳng còn ranh giới.

Cô chỉ vào bên đó khẽ nói: “Trần Kình, chúng ta giống thứ kia.”

Trần Kình liếc nhìn, không nói gì thêm.

Xuống núi rồi lên taxi, Trần Kình sờ trán Lâm Uyển, may còn chưa sốt, hắn bèn bảo tài xế tới bệnh viện “top 3” gần nhất. Đường đi quả là thuận lợi, không phải nán lại, chưa đến một tiếng đã tới Đại học Y trực thuộc bệnh viện. Bác sĩ trong phòng cấp cứu kiểm tra tình trạng vết thương của Lâm Uyển, bảo rằng xử lý khá kịp thời, độc tố chưa lan rộng, rồi kê cho cô một lọ huyết thanh kháng độc rắn.

Bác sĩ ngẩng đầu thấy Trần Kình hình như rùng mình, hỏi: “Anh không sao chứ? Cũng bị rắn độc cắn?”

Lâm Uyển quay đầu nhìn, lúc này mới phát hiện môi Trần Kình tím tái, sắc mặt cũng rất kì lạ, trên đường đi ban nãy cô không chú ý, vội nói với bác sĩ: “Anh ấy hút độc cho tôi.”

Bác sĩ sững người, vừa kiểm tra cho Trần Kình vừa mắng: “Niêm mạc khoang miệng bị rách còn dám hút độc cho người ta? Đây là anh dũng hay là ngu ngốc hả? Rắn mùa xuân độc tính rất mạnh…”

Lâm Uyển ở bên nghe thấy không nói nên lời, ánh mắt phức tạp nhìn người đàn ông bên cạnh. Trần Kình đáp như thể không hề gì: “Tôi quên mất.”

Bác sĩ chẳng kì vọng gì hơn, thở dài nói: “Cảm thấy như thế nào?”

“Trong miệng hơi tê, bụng hơi đau.”

“Còn gì không?”

“Ngực hơi khó chịu”

Bác sĩ cầm bút kê đơn thuốc xoèn xoẹt, miệng vẫn trách mắng: “Hôm nay hai người đúng là may mắn, nếu gặp phải con rắn mang độc tính mạnh hơn một chút thì chẳng được thế này đâu. Anh đấy, bị choáng nhẹ, nhưng nhất định có nguy hiểm đến tính mạng.”

Y tá sát trùng da cho họ, sau đó tiêm huyết thanh đồng thời tiêm một mũi kháng độc tố uốn ván, cuối cùng bảo họ ở trong phòng truyền dịch để theo dõi nửa tiếng. Tình trạng của Trần Kình đặc biệt, còn kê mấy hộp thuốc uống. Bây giờ hắn chẳng còn nhanh nhẹn khỏe mạnh như vừa nãy, dựa vào ghế nhắm hờ mắt trông hơi rầu rĩ.

Lâm Uyển lấy cho hắn cốc nước nóng, dùng hai chiếc cốc giấy rót qua rót lại rồi đặt vào tay hắn. Trần Kình cười yếu ớt nói cám ơn.

Lâm Uyển nhìn dáng vẻ đáng thương của hắn có chút không đành lòng. Cô giúp hắn lấy thuốc viên ra, đợi hắn uống xong cô không yên tâm hỏi: “Có cần tìm bác sĩ chẩn đoán chính xác lần nữa? Không phải anh quen nhiều người sao? Đừng chậm trễ.”

Trần Kình cứ như chẳng nghe hiểu Lâm Uyển nói gì, ngước mắt nhìn cô chăm chú một lúc lâu, thản nhiên nói: “Tôi không muốn gây chú ý.”

Lâm Uyển “xì” một tiếng.

Trần Kình kéo bàn tay cô đặt vào lòng bàn tay mình, tay còn lại phủ lên, từ tốn nói: “Uyển Uyển, tôi không sao, tôi đã liệu trước rồi, còn nữa, cám ơn em đã lo cho tôi.”

Lâm Uyển dựa vào ghế, lẩm bẩm: “Không phải tôi quan tâm anh, tôi sợ anh chết ở đây ô uế vùng đất của chúng tôi.”

Trần Kình cười nói: “Em yên tâm, tôi sẽ không chết ở đây, dù gì cũng phải quay về thành phố B mới chết, được chưa?”

Lâm Uyển nghe thấy, hơi thở như ngừng lại, môi động đậy nhưng không lên tiếng, cổ họng như nghẹn ứ.

Trần Kình thấy cảm xúc cô thay đổi vội nói: “Trêu em đó, em chưa từng nghe câu ‘kẻ xấu sống ngàn năm’ à, thế nên chắc chắn tôi sẽ sống cực lâu.”

Lâm Uyển thở phào nhẹ nhõm, cổ họng như được khai thông nhưng vẫn có chút xót xa, cô nói mập mờ: “Ba ba ngàn năm, rùa tám vạn năm, anh chắc chắn sẽ trường thọ.”

Trần Kình bật cười, cũng không phản bác mà siết chặt bàn tay cô, mỉm cười khép mắt lại, hưởng thụ phút giây bình yên hiếm có này.

Trong phòng truyền dịch lác đác gần mười người ngồi, chiếc ti vi phía trước đang phát nhỏ tiếng tin tức bản địa. Lâm Uyển rảnh rỗi xem một lát, cúi đầu nhìn đồng hồ đeo tay đã bốn mươi phút rồi, quay đầu mới phát hiện Trần Kình không biết dựa vào đó nhắm mắt từ bao giờ.

Phản ứng đầu tiên của cô là “toi rồi”, có phải xảy ra việc gì không? Hôn mê? Nhưng nhìn lại thì không giống lắm, sắc mặt Trần Kình khá hơn ban nãy. Lâm Uyển hơi tiến lại gần, nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ, cô cười mình căng thẳng thái quá, chẳng qua hắn đang ngủ mà thôi.

Đầu Trần Kình lệch sang một bên, miệng hơi mở ra, tướng ngủ này trông thật ngốc nghếch nhưng không hề khó coi. Lâm Uyển liếc nhìn mấy lần rồi vội quay mặt đi, xem ti vi một lúc lại không kìm nổi đành ngắm hắn, phát hiện cằm hắn hơi xanh vì râu tơ mới nhú.

Lâm Uyển có chút ngạc nhiên, quen hắn lâu như thế mà cô vẫn chưa từng thấy bộ dạng râu ria xồm xoàm của hắn. Thật ra tên này luôn chú ý hình tượng cá nhân, đời sống sinh hoạt khá gọn gàng, chỉ là có lúc thích vứt quần áo lung tung, nhưng đồ thay ra đều bỏ gọn gàng vào giỏ đựng quần áo bẩn, lại còn phải phân loại từng thứ. Đồ của hắn cũng đều có chỗ của chúng, thậm chí hắn có thể nói ra chính xác vị trí cụ thể. Có một dạo cô còn nghi ngờ tên này bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế…

Cô véo đùi mình một cái tự nhủ, Lâm Uyển, mày điên rồi.

Lâm Uyển cũng không biết mình ngủ mất từ khi nào, chỉ biết mình được y tá gọi dậy, vừa mở mắt đã thấy phòng truyền dịch chật kín người, cô ta cười ha ha nói: “Hai người nếu không sao rồi thì về nhà nghỉ ngơi đi.”

Lâm Uyển xấu hổ nhìn đồng hồ, thì ra đã ngủ hơn một tiếng, điên thật rồi! Lại nhìn Trần Kình cũng lim dim mơ ngủ, mắt hơi đỏ, vẻ mặt ngốc ngốc nhưng vẫn hỏi cô một câu: “Đỡ chưa?”

Cô gật đầu thuận miệng hỏi: “Anh thì sao?”

Hắn ừ một tiếng, lại hỏi: “Đói chưa?”

Lâm Uyển lại gật đầu, Trần Kình cười nói: “Mau tìm chỗ nào ăn vài miếng, bụng tôi lép kẹp rồi.”

Đã quá bữa trưa một chút, hai người ăn cơm tại tiệm ăn nhỏ gần bệnh viện. Lúc thanh toán, Trần Kình rút ví theo thói quen, Lâm Uyển thản nhiên nói: “Để tôi.”

Hắn cười cười: “Được, bữa này nên để em mời.”

Ra ngoài, Lâm Uyển hỏi hắn: “Bao giờ anh về?”

Trần Kình ngẩn người, nói bằng giọng hơi lưu manh: “Không được như vậy chứ, dù sao cũng đã cứu em một mạng, một bữa cơm đã đòi đuổi tôi đi rồi?”

“Không phải anh bận à?”

“Em thì sao?”

“Tôi còn phải làm chút việc, mai mới về.”

“Thế tôi cũng mai mới về.”

Đi đến bên đường cái, Lâm Uyển vẫy taxi, lên xe nói với bác tài: “Đến Hyatt.”

Trần Kình cau mày : “Đến đó làm gì?”

Lâm Uyển liếc nhìn hắn, hỏi lại: “Thế anh muốn ở đâu?”

“Chết tiệt! Đương nhiền là về nhà cùng em rồi.” Trần Kình hơi lớn giọng làm cho bác tài phía trước cứ ngước mắt nhìn phía sau qua tấm gương.

Lâm Uyển bỗng thấy mất thể diện, nhỏ tiếng tức giận: “Nhà tôi nhỏ, không chứa nổi anh.”

Trần Kình sáp đến bên tai cô, cười hi ha nói: “Xem em nói kìa, tôi lớn đến đâu em còn không biết sao?”

Lâm Uyển nóng bừng mặt, khẽ mắng: “Câm miệng!”

Hôm nay Trần Kình thấy được không ít vẻ mặt hay ho của Lâm Uyển nên có chút đắc ý, thấy cô tức giận liền vội vàng đổi giọng đáng thương hết sức: “Em xem tôi ở đây chẳng quen người quen chốn, em vứt tôi ở chỗ lạnh lẽo như vậy ngộ nhỡ nửa đêm độc tính tái phát thì biết làm sao?”

Hắn nói rồi còn rung rung túi nilon đựng thuốc trong lòng khiến bác tài lại nhìn lén. Trước tình hình cấp bách, Lâm Uyển véo cánh tay hắn, mất kiên nhẫn đáp: “Được rồi, được rồi, đừng nói nữa.”

Trần Kình liền im bặt, Lâm Uyển rầu rĩ nghĩ bụng, tên này đúng là có bệnh, lúc mệt mỏi còn đỡ, hơi có tí sinh lực là lại đáng ghét như thế, ba câu không rời bản tính.

Còn chưa đến cửa nhà Lâm Uyển đã bảo bác tài dừng xe trước, Trần Kình khó hiểu, kết quả thấy cô đi vào một cửa tiệm mặt tiền hẹp ở bên đường. Hắn chậm rãi tiến vào xem thử, cô đang chọn đồ ngủ trước giá để hàng, kiểu của nam. Lâm Uyển thấy hắn vào, lấy bừa một bộ, tiện thể lấy luôn mấy thứ đồ dùng hằng ngày rồi ra quầy thanh toán, sau đó chẳng chút thiện cảm quăng chiếc túi vào lòng hắn nói: “Cầm lấy.”

Trần Kình nhận lấy đồ, cười khoái trá theo ra ngoài, nói với Lâm Uyển: “Thật ra em không cần phí tiền mua đồ ngủ, tôi không để bụng.”

Lâm Uyển chẳng thèm quay đầu nói: “Tôi sợ ô uế mắt bà tôi.”

Trần Kình kinh ngạc, một lúc sau lại không nhịn nổi lột chiếc túi ra, lẩm bẩm: “Bộ đồ ngủ này không phải cotton, mặc không thoải mái…”

Lâm Uyển bỗng dừng bước, quay người cướp lại: “Đưa tôi.”

Trần Kình giấu đồ ra sau lưng, cười tít mắt nói: “Không việc gì, dù sao khả năng thích ứng của tôi cũng khá tốt.”

Lâm Uyển nghiến răng xoay người bước đi, vừa đi vừa hối hận, đều trách mình nhất thời mềm lòng giữ cái thứ tai họa này.

Trần Kình thì khác, lòng hắn sủi bong bóng vì vui sướng. Đến cửa nhà Lâm Uyển, nhìn thấy cô lấy chìa khóa trong túi mở cửa, thấy móc khóa hình Shin – cậu bé bút chì, bong bóng kia mừng rỡ tới mức vỡ tung hết thảy.

Vào nhà, Trần Kình sờ tay vịn sofa trong phòng khách, chẳng biết nói gì đành thuận miệng: “Cũng khá sạch sẽ.”

“Tối qua dọn.” Lâm Uyển nói rồi dẫn hắn tới một căn phòng nhỏ, chỉ vào giường nói: “Đêm nay anh ngủ ở đây đi.”

“Phòng em?”

“Ừ, anh nghỉ chút đi.”

Lâm Uyển dứt lời liền ra ngoài, Trần Kình vội hỏi: “Em thì sao?”

Lâm Uyển khó chịu quay đầu lại hỏi: “Anh là trẻ ba tuổi à? Không thể rời một bước ư?”

“Tôi là trẻ nhỏ ba mươi tuổi.” Trần Kình thản nhiên đáp.

Lâm Uyển lại thấy khó chịu, giọng nói mang chút ý mỉa mai: “Trần Kình, trước kia tôi chỉ biết anh là tên khốn, bây giờ mới biết thì ra anh còn là tên ngốc.”

Trần Kình nhìn cô, nghiêm túc nói: “Thật ra tôi luôn như vậy.”

Bầu không khí bỗng chốc trở nên lắng đọng, Lâm Uyển hơi sợ hãi trước ánh nhìn tha thiết của hắn, vội nói: “Anh ngủ một lát đi, tôi phải thu dọn đồ đạc, cần yên tĩnh.”

“Được, nhưng tôi phải đi tắm trước.”

“Đợi chút, tôi đi đun nước.”

Lâm Uyển ra ngoài, Trần Kình nhìn ngắm căn phòng màu hồng, thở phào nhẹ nhõm, đi đến bên giường ngồi xuống. Lúc này hắn mới nhận ra mình thật sự đã mệt, người vừa chạm xuống giường đã không muốn nhấc lên, suốt mấy tiếng vừa bận rộn vừa lo lắng lại buồn bã, căng thẳng từ đầu óc đến trái tim rồi lan ra cả tứ chi, quả là có chút không thể chịu nổi. Hắn tưởng rằng ở trong phòng của Lâm Uyển sẽ xúc động vô cùng, trong lòng dậy sóng, còn tưởng nằm trên giường của cô, đắp chăn của cô sẽ có chút suy nghĩ tươi đẹp gì đó, kết quả tắm xong vừa nằm đã ngủ luôn, đến nằm mơ cũng chẳng có. Khi tỉnh giấc trời đã tối, giờ mới phát hiện chăn hơi ẩm, hắn sụt sịt mũi vì không quen, nhưng ở trên chiếc giường nhỏ chật hẹp và hơi cứng thế này, từ đáy lòng lại nảy sinh cảm giác thỏa mãn ngọt ngào.

Hắn bần thần một lúc mới xuống giường, nhờ ánh trăng ngoài cửa sổ mới sờ thấy công tắc điện trên tường, ấn một cái nhưng không có gì xảy ra. Sang phòng ngủ khác, nhìn thấy Lâm Uyển đang ngồi đầu giường bê một quyển album xem rất chăm chú, trên sàn là hai chiếc va li để mở, bên trong các thứ đồ linh tinh được sắp xếp gọn gàng.

“Đèn phòng em hỏng rồi.” Trần Kình đi tới ngồi xuống cạnh Lâm Uyển, nhìn tấm ảnh trong tay cô: “Đây là bà ngoại em?”

Lâm Uyển đáp “ừ”, Trần Kình cúi đầu xem cùng cô, toàn là ảnh đen trắng từ hồi xưa, đã nhiều năm nên hơi ố vàng. Hắn bình luận một bức ảnh chụp đơn giản: “Rất có phong cách.”

Lâm Uyển hiểu ý liền cười nói: “Phải, bà còn rất kiên cường, ông ngoại tôi mất sớm, một mình bà nuôi con cũng không chịu tái giá, nhưng sau này…”

Lâm Uyển không thể nói tiếp, Trần Kình thấy cô xúc động vội nắm chặt vai cô, hơi siết lại nói: “Chuyện đã qua không cần nghĩ nữa.”

“Không, tôi muốn nói.” Sự ngang bướng của Lâm Uyển trỗi dậy, khịt mũi nói: “Nhiều năm vậy rồi, trước giờ tôi chưa từng chủ động nhắc đến với người khác về người đàn bà đó.” Cô cười mỉa mai: “Nói như thế đúng là đại bất kính, tôi nên gọi bà ấy là mẹ, nhưng…” Cô nghẹn ngào một lúc: “Tôi không quen.”

Trần Kình nghe thấy, lòng xót xa. Hắn ôm cô vào lòng, tì cằm lên đỉnh đầu cô, dịu dàng gọi: “Uyển Uyển…” hi vọng có thể an ủi cô phần nào. Nếu cô đã muốn nói hắn sẽ không ngăn cản, có những cảm xúc giống như bệnh ung thư, buộc phải chịu đau cắt bỏ nó mới có thể lành bệnh.

“Bà ta quả là không có lương tâm, mỗi khi có người nói tôi giống bà ta tôi đều rất tức giận, nói cho anh một bí mật…” Lâm Uyển hít sâu rồi nói: “Anh có nhìn thấy cây hoa anh đào trong sân không?”

“Ừ.”

“Dưới đó chôn một chiếc hộp sắt, là hộp đựng bánh quy do cha tôi gửi đến, tôi đổ hết bánh chỉ giữ lại chiếc hộp, bên trong đựng một chồng giấy.” Nói đến đây, cô ngẩng đầu nhìn Trần Kình nói: “Anh biết đó là gì không?”

Trần Kình nhìn lệ hoa trong mắt cô, đau lòng vô cùng, gượng gạo phối hợp theo: “Là gì?”

Lâm Uyển cười nói: “Là thư, viết cho họ.”

Trái tim Trần Kình như bị ai gõ thật mạnh, cố sức chịu đau, đưa tay vuốt ve tóc Lâm Uyển, dịu dàng nói: “Rất nhớ họ?”

“Không phải.” Ánh mắt Lâm Uyển trở nên thờ ơ, giọng lạnh lùng: “Giáo viên ngữ văn hồi tiểu học luôn nhàm chán như vậy, động một cái là bắt chúng tôi viết thư cho người thân, chỉ là đối phó bài tập mà thôi.” Cô thở dài tiếp tục: “Nếu nói còn có tình cảm gì với họ, cũng chỉ có thể là oán hận.”

“Uyển Uyển…” Trần Kình chợt phát hiện mình đã đọc nhiều sách như thế nhưng lục lọi mãi trong đầu cũng không tìm ra lời thích hợp để an ủi người bên cạnh.

“Mấy năm đầu bà ấy còn hay gửi tiền và đồ về, chocolate, búp bê tây, còn cả váy rất đẹp. Tôi tặng chocolate và búp bê cho bạn học, lấy kéo cắt nát váy rồi vứt đi, vì những thứ đó đều không phải thứ tôi cần… Nực cười nhất là ngay đến địa chỉ bà ấy cũng không dám để lại, lẽ nào sợ tôi đi tìm?”

Lâm Uyển cười nhạt: “Tôi sẽ không làm thế, không cần tôi thì tôi cũng không cần.” Dứt lời, nước mắt cô rơi lã chã, Trần Kình đành im lặng lấy tay áo ngủ của mình lau nước mắt cho cô. Hắn than phiền: “Quả là không phải cotton, chẳng hút nước tí nào.”

Lâm Uyển “hừ” một tiếng, bực mình nói: “Cho không lại còn kén cá chọn canh, không cần thì cởi ra trả tôi.”

Trần Kình ra vẻ kinh ngạc: “Em bắt tôi cởi thật?”

Lâm Uyển đẩy hắn ra mắng: “Không đứng đắn.”

Trần Kình cười ha ha ôm cô lần nữa, nghiêm túc nói: “Uyển Uyển, bây giờ tôi rất muốn tìm ra mẹ em…”

“Làm gì?”

“Để bà ấy thấy em bây giờ, con gái tốt như vậy lại không quý trọng, cho bà ấy hối hận đến chết.”

“…”

Trần Kình động viên Lâm Uyển xong lại tự động tiếp tục lật album, cuối cùng đã nhìn thấy “Lâm Uyển nhỏ”. Tấm đầu tiên là ảnh chụp chung, chắc chụp tại sân nhà này, bà cụ ngồi trên ghế mây, một cô bé trắng ngần khoảng tám chín tuổi đứng cạnh, gương mặt mũm mĩm tươi cười trông thật đáng yêu.

Tấm thứ hai là ảnh đơn, thay đổi khá lớn, chắc là mười một, mười hai tuổi, đang trong giai đoạn dậy thì, cao và gầy, cằm nhọn, đã có hình dáng của hiện tại. Đặc biệt thu hút nhất là đôi mắt trong veo ấy, dường như xuyên qua tấm ảnh nhìn thẳng vào lòng hắn làm hắn thấy ngứa ngáy, lại thêm cơ thể mềm mại bên cạnh và hương thơm thoang thoảng, Trần Kình thấy mình sắp có phản ứng rồi.

Hắn vội ho một tiếng để che giấu, lật phía sau nhưng không còn, hắn bất mãn làm ầm lên: “Sao chỉ có hai tấm?”

Lâm Uyển lấy lại tập ảnh, ngồi thẳng người nói: “Hồi đó tôi không thích chụp ảnh.”

Trần Kình cười: “Tôi và em đúng là khác nhau, hồi nhỏ tôi rất thích chụp ảnh, vừa thấy ống kính đã thích thú, nhất định phải chụp hết cuộn phim mới thôi.”

Lâm Uyển khinh thường: “Yêu bản thân quá mức.”

Lời vừa nói ra Trần Kình liền lách mình đi khỏi, cô tưởng hắn không vui, nghĩ lại thấy làm sao có thể chứ, tên này mặt dày như tường thành, không đơn giản đã kích được hắn.

Quả nhiên chưa đầy một giây đã quay lại, vươn tay ra trước mặt cô, vui vẻ nói: “Cho em xem ảnh của tôi.”

“Không có hứng.” Lâm Uyển hờ hững, nhét tập ảnh vào vali dưới đất rồi xếp một ít đồ khác vào, kéo khóa đóng lại cẩn thận.

“Chết tiệt! Quá tổn thương tự trọng.” Trần Kình chửi một câu nửa đùa nửa thật, sáp lại gần dính chặt cô không buông, mặt dày nói: “Không được, tôi vừa xem của em, em cũng phải xem của tôi, vậy mới công bằng.”

Lâm Uyển bất lực liếc qua một cái, kết quả liếc nhìn rồi lại không kìm nổi lòng liếc thêm lần nữa, ngạc nhiên nói: “Đây là anh sao?”

Trần Kình cười hì hì: “Không phải tôi, tôi cất nó làm gì? Tôi có hâm đâu?”

Lâm Uyển nhếch miệng cười: “Chưa chắc.”

“Thế nào? Cho tôi nhận xét?” Trần Kình huých vai Lâm Uyển, vẻ mặt mong chờ.

“Rất ăn ảnh.”

“‘Ăn ảnh’ là cái quái gì? Đây gọi là ‘trung thành với bản chính’.”

Lâm Uyển im lặng đẩy hắn ra nói: “Không rảnh nói chuyện vô vị với anh, tôi phải thu dọn đồ đạc.”

Trần Kình nhìn cửa tủ mở và mặt đất la liệt đồ, nghi ngờ hỏi: “Sao trông giống chuyển nhà vậy?”

“Đúng là phải chuyển nhà.” Lâm Uyển thở dài, vừa thu dọn vừa giải thích: “Căn nhà này sắp phải dỡ bỏ, lần này tôi về làm thủ tục.”

“Vậy mấy thứ này em định chuyển đi đâu.”

“Trước tiên gửi nhờ nhà chị tiểu Phương bên cạnh…”

“Là bà bầu đó à?”

Lâm Uyển lườm hắn: “Anh hỏi nhiều thế làm gì?”

Trần Kình thờ ơ bĩu môi nói: “Không phải tôi quan tâm em sao.”

Lâm Uyển “hừ” một tiếng, tiếp tục dọn đồ. Trần Kình ngồi xuống gảy gảy mấy cái thì bị cô kéo ra, hắn hơi tủi thân nói: “Lát nữa tôi giúp em dọn, mình đi ăn trước nhé?”

Lâm Uyển chẳng thèm ngẩng đầu nói: “Sao anh lại đói rồi? Chẳng phải vừa ăn xong ư?”

Trần Kình trợn mắt: “Đó là bữa trưa, đàn ông như tôi tiêu hao năng lượng nhiều như thế, ăn thêm mấy miếng cơm thì làm sao?” Nói mãi rồi lại bắt đầu huyên thuyên: “Tôi bảo, hình như tôi chưa từng để em đói nhé, sao tới chỗ em ngay bữa cơm cũng không chịu cho tôi.”

Lâm Uyển ném đồ xuống giường hét lên: “Được rồi! Được rồi! Vậy thì đi ăn.”

Trần Kình đạt được mục đích liền cười khoái trá quay người về phòng thay quần áo. Lâm Uyển nhìn bóng hắn rời khỏi, lúc này mới phát hiện đồ ngủ mình mua bị nhỏ, ống quần dài đến lưng chừng, nhìn tổng thể trông thật ngốc nghếch, so với vẻ thường ngày đi giày tây, âu phục chỉnh tề của hắn rõ ràng là hai người khác hẳn, cô phải cố nhịn lắm mới không cười thành tiếng.

Lâm Uyển miễn cường tìm một nhà hàng cũng khá đẹp ở gần đó để đối phó với cái bụng đói của Trần Kình, về nhà lại thu dọn tiếp, thứ cần đóng gói thì đóng gói, thứ cần vứt đi thì vứt đi. Xong xuôi đã hơn mười một giờ, cô tắm qua loa rồi bắt đầu dọn giường đệm của bà ngoại.

Trần Kình ở bên nói: “Uyển Uyển, về phòng em ngủ đi!”

Lâm Uyển cảnh giác ngẩng đầu nhìn hắn, hắn lại sờ chiếc chăn nói: “Cái này ẩm đến vắt được ra nước vẫn ngủ được à?”

“Giường tôi là giường đơn.”

“Vậy tôi ngủ phòng này.”

Trần Kình nhận lời không hề do dự, Lâm Uyển giật nảy, bỗng thấy bực bội rồi dần dần lại thấy xót xa. Cô khẽ than thở quăng chiếc gối trong tay lên giường, nhìn ga giường kẻ caro màu xanh lam đậm nói: “Trần Kình, anh không cần phải như vậy.”

Trần Kình ngẩn người, nghiêm túc nói: “Uyển Uyển, em nghĩ nhiều rồi, em là phụ nữ, tôi là đàn ông, dù gì cũng không thể để em ngủ ở nơi thế này.”

Lâm Uyển cuối cùng đã ngủ tại phòng mình, trước khi về phòng Trần Kình còn kiểm tra chân cô lần nữa, tuy vẫn chưa bớt sưng hẳn nhưng đã không còn trở ngại, cô cũng buột miệng nhắc hắn đừng quên uống thuốc. Ngày hôm nay xảy ra quá nhiều chuyện, cô cũng mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần, nằm lên giường mắt vừa nhắm đã ngủ. Lúc tỉnh dậy trời đã sáng bảnh mắt, xuống giường sang phòng bên xem thử thấy giường trống không, chăn cũng đã gấp gọn như miếng đậu phụ.

Đang ngơ ngác thì cửa mở, Trần Kình xách hai túi đi vào, mỉm cười: “Tỉnh rồi à? Tưởng em ngủ thêm chút nữa.”

Hắn thản nhiên tới phòng bếp cứ như đây là nhà mình, tìm bát đựng quẩy và sữa đậu rồi bê đến bàn. Lâm Uyển đứng cạnh cửa im lặng nhìn tất cả, một cảm giác lạ lẫm nhưng dường như rất quen thuộc bỗng trỗi dậy, giống như từng cục bông bao quanh cô, lại giống từ đám mây nâng cô lên, ấm áp, tươi đẹp, nhưng không đủ chân thực.

Ăn bữa sáng xong vẫn còn sớm, Lâm Uyển ngắm đồ đạc bày biện trong phòng bỗng thấy hơi chua xót, nơi mình đã sống mười mấy năm sắp không còn tồn tại, quả thật khó lòng tiếp nhận. Trần Kình nhận ra sự lưu luyến trong mắt cô, nghĩ một lát rồi nói: “Tôi có cách có thể giữ lại nó.”

Hai mắt Lâm Uyển lóe sáng nhìn hắn, kết quả hắn lấy di động trong túi ra lắc lắc, cô buồn bực thở dài. Trần Kình cầm di động chụp mấy tấm ảnh góc nào đó trong phòng, lẩm bẩm một mình: “Tôi chẳng có bản lĩnh lớn dám ngăn cản việc dỡ bỏ, nói thật lòng ngôi nhà cũ này nên phá sập từ mấy năm trước rồi, thành phố này của bọn em tốc độ kiến thiết vẫn còn hơi chậm.”

Lâm Uyển thất thần nói: “Nơi đây có hồi ức của tôi.”

“Phải rồi.” Trần Kình cũng thấy xúc động nói: “Vậy nên tôi cảm thấy cách của tôi không tồi, họ xây thứ của họ, em giữ thứ của em, không phải rất tốt sao?”

Ngoại truyện Trần Kình 2

Hồi nhỏ, cha Trần Kình có vài năm đều làm việc tại thành phố nào đó ở miền Nam, trong nhà chỉ có mẹ và bảo mẫu. Lúc đó Trần Túy còn đang quấn tã, từ nhỏ sức khỏe đã kém, suốt ngày ốm đau, ngày nào cũng bế đi viện, may mà có các cậu luôn chăm sóc, nếu không mẹ hắn đã không chống đỡ nổi.

Năm hắn bảy tuổi, vào kì nghỉ đông mẹ đưa Trần Túy đến nhà cậu, đưa Trần Kình đến thành phố nào đó thăm cha. Khi đó Trần Thận Hành vừa xử lí một vụ tham nhũng lớn, quan chức tham nhũng cầm đầu bị xử tử hình, tài sản cũng bị tịch thu. Đứa con trai sống trong nhung lụa của ông ta từ thiên đường rơi xuống địa ngục, căm thù Trần Thận Hành đến tận xương tủy, tuyên bố phải trả thù, mãi không tìm thấy cơ hội đã nảy sinh ý định trút lên đứa con nhỏ của ông.

Chiều hôm đó Trần Kình đi chợ cùng mẹ. Mẹ hắn dồn hết tâm trí vào việc chọn cá tươi trong bể kính lớn, hắn thì tò mò trèo bên này ngắm bên nọ. Bỗng một bàn tay sáp đến trước mặt, hắn ngửi thấy một mùi kì lạ, sau đó liền mất đi tri giác.

Lúc tỉnh lại Trần Kình phát hiện mình đang bị một gã trẻ tuổi cắp nách đi trên một con đường nhỏ mấp mô, không xa phía trước là một hồ chứa hiện lên ánh nước lấp lóa.

Hắn lập tức kêu gào vùng vẫy rồi bị gã đàn ông tức giận, ra sức giáng xuống một cái bạt tai. Mắt hắn nổ đom đóm, miệng tanh lòm, ngay sau đó bị quăng xuống đất, cú ngã khiến xương cốt hắn suýt rời ra.

Gã đàn ông vẻ mặt dữ tợn, vừa đá vừa đạp, miệng chửi mắng. Trần Kình lăn lộn né đòn, miệng gào thét: “Đồ khốn! Mẹ kiếp nhà ngươi dám đánh ta, ta bảo ông ngoại cầm súng bắn chết ngươi!”

“Thằng nhãi ranh khẩu khí khá đấy, đúng là con trai của cha mày, xem mày già mồm được bao lâu?”

Một lúc sau Trần Kình bị đá đến mức máu mũi giàn giụa, gương mặt nhỏ sưng lên như quả bí đao, miệng còn nôn ra một ngụm máu. Gã đàn ông điên cuồng trút giận một hồi vẫn chưa thỏa mãn lại lôi hắn tới hồ nước, đứng trên bờ, không hề do dự vứt hắn xuống.

Lúc mới đến Trần Kình đã được người lớn nhắc nhở không được đến đây chơi vì chỗ này từng có người chết đuối. Tuy hắn ngang bướng nhưng cũng sẽ không đùa cợt với tính mạng nhỏ bé của mình.

Vậy mà lúc này hắn lại bầm dập mặt mũi, đang đạp nước loạn xạ trong cái hồ này. Gã đàn ông đáng ghê tởm kia đứng đó đắc ý thưởng thức một lúc rồi quay người đi.

Trần Kình biết bơi chó, nhưng hắn bị hạ thuốc mê, còn vừa bị đánh đập, tay chân đều không còn sức lực, quẫy đạp mấy cái đã bắt đầu uống từng ngụm nước lớn. Tai, mũi, miệng chỉ cần là chỗ hở ra, tất cả đều bị nước tràn vào. Hắn như một miếng bọt biển hút nước không ngừng, càng hút càng nặng.

Hắn hét to kêu cứu nhưng hét vỡ cổ họng cũng chẳng có một ai. Nước không ngừng dội vào miệng, hắn uống nhiều đến nỗi sắp căng nổ dạ dày. Hai bên sườn cũng đau muốn chết. Hắn gọi mẹ nhưng mẹ hắn còn đang ở đó chọn cá, mà bà chạy chậm như thế, bình thường còn chẳng đuổi kịp hắn, đợi bà tìm đến nới chắc hắn đã chìm xuống đáy hồ rồi.

Mùa rét đậm nước lạnh như băng, Trần Kình rét buốt răng va vào nhau lập cập, tay chân đông cứng, khớp xương đau nhức, cả người bắt đầu có dấu hiệu biến thành que kem, có lẽ còn chưa chết chìm đã bị chết cóng.

Hắn hận, hận tên khốn đáng ghét kia, bắt nạt trẻ con thì bản lĩnh gì chứ? Hắn còn hận sự yếu đuối của chính mình, bình thường chơi trong sân lớn hắn là vua của lũ trẻ, ai cũng phải nghe hắn, đứa nào không phục cũng bị hắn đánh cho phục, cuối cùng tất cả đều trở thành quân của hắn. Người lớn cũng sợ hắn, thấy hắn đều khom lưng cúi đầu, còn luôn tặng hắn những thứ hay ho. Hắn cảm thấy ngoài việc vóc dáng họ cao hơn hắn một chút ra cũng chẳng có gì ghê gớm.

Ông ngoại còn bảo đợi hắn lớn rồi sẽ cho hắn một khẩu súng, đến lúc đó hắn sẽ càng uy phong, chỉ huy thiên binh vạn mã, chinh chiến khắp thiên hạ. Nhật Bản nhỏ bé với liên quân tám nước gì kia, hắn sẽ đánh cho tất cả bọn chúng sợ chết khiếp, dứt khoát phải trục xuất khỏi địa cầu.

Nhưng sao bây giờ hắn yếu thế này, một gã đàn ông gầy đét đã có thể khiến hắn thành ra như vậy. Thứ nước chết tiệt này muốn cướp đi sinh mạng nhỏ của hắn. Vừa nghĩ đến mình sắp chết, hắn bắt đầu sợ hãi, nước mắt bất giác trào ra. Cha nói, nam nhi không được dễ dàng rơi lệ, nhưng mẹ nó chứ, bây giờ cái mạng sắp mất rồi còn nam nhi nữ nhi cái gì. Hắn bắt đầu hối hận, vừa rồi sao mình không xin gã đàn ông đó tha mạng, có phải như vậy gã ta sẽ thương xót hắn là đứa bé con mà bỏ qua cho hắn? Cậu nói, hảo hán không sợ thiệt trước mắt, hắn sai rồi.

Trong mơ hồ dường như hắn nghe thấy có người gọi tên mình, nhưng giờ không thấy gì hết vì đầu hắn đã ngập trong nước rồi, chỉ có hai cánh tay vẫn không cam chịu quờ quạng bên trên. Hắn nhớ mẹ hắn, tuy mẹ hay lải nhải nhưng bà thương hắn nhất, cho dù hắn gây ra tai họa lớn thế nào bà đều không chạm đến một ngón tay của hắn mà chỉ biết rơi lệ, cứ rơi lệ hắn sẽ mềm lòng, thề sẽ không làm bà đau lòng nữa.

Hắn nhớ em trai, nó mới hai tuổi, đáng yêu như vậy, hắn còn muốn đợi em lớn thêm một chút nữa rồi đưa nó đi chơi khắp nơi. Hắn còn nhớ cha, tuy cha toàn không ở nhà, cứ về là đánh hắn, hắn thường thầm trách ông nhưng bây giờ hắn rất nhớ cha, hắn muốn nói sau này con sẽ không hư, con phải làm đứa bé ngoan, lớn rồi sẽ hiếu thuận với cha mẹ. Hắn nhớ ông ngoại, ông ngày ngày trông mong cháu ngoại lớn, lớn rồi sẽ tiếp nối công việc của ông, nhưng hắn chưa kịp lớn đã sắp chết rồi. Hắn còn nhớ cậu cả, cậu hai, cậu hai nói sau này nếu không có con trai sẽ để hắn phụng dưỡng mình.

Hắn không thể chết! Hắn còn có nhiều nhiệm vụ như thế, đại anh hùng trong sách vở chẳng ai chết sớm, ít nhất phải sống đến hai mươi tuổi, làm sao hắn lại chết sớm như thế được. Hắn vẫn chưa chơi đủ, Phương Chính còn nợ hắn một con robot biến hình chưa trả, lẽ nào phải đợi lúc viếng mộ thiêu cho hắn sao? Hắn nhớ những đứa bạn, Phương Chính, Hướng Dương, Lý Vĩ, còn có rất nhiều rất nhiều, nhưng bây giờ đầu hắn như bã đậu, không nhớ rõ tên từng người.



Cuối cùng Trần Kình đã được cứu. Người cứu hắn chính là bà mẹ chạy không nhanh ấy. Mẹ hắn chọn cá xong quay đầu lại không thấy con trai, nhìn quanh cũng không thấy bóng dáng đâu liền hoảng sợ, hỏi thăm người khác được biết có người đàn ông ôm đứa bé trai vừa ra khỏi. Bà lập tức đuổi theo, vừa đi vừa hỏi mới biết người đó đã đi về phía hồ chứa nước.

Bà thật ngốc nghếch, không biết báo cảnh sát hay tìm người giúp đỡ, một mình chạy theo, tay còn xách con cá. Lúc sắp đến nơi, ngửa mặt nhìn thấy một người đàn ông cao gầy, người đó thấy bà liền quay đầu chạy, bà run rẩy nhìn mặt nước trắng lóa phía xa, hình như có một đốm đen đang vùng vẫy.

Trần Kình mê man trong bệnh viện suốt một tuần, gãy một chiếc xương sườn, trên người nhiều nơi thâm tím, còn rụng mất một chiếc răng sữa sắp phải thay. Chụp CT không thấy tổn thương đại não, bác sĩ kiểm tra nhiều lần đưa ra kết luận đây là tạm thời mất ý thức do sợ hãi và tuyệt vọng cực độ.

Hung thủ vừa nãy đã bị bắt, nhưng trong giai đoạn khởi tố phát hiện gã mắc bệnh tâm thần có tính tức thời, lúc hành hung đúng vào giai đoạn phát bệnh, theo quy định pháp luật thì không cần chịu trách nhiệm hình sự, chỉ bị xử điều trị cưỡng chế. Một tháng sau, gã thắt cổ tự vẫn bằng rèm cửa xé rách tại bệnh viện tâm thần, tử vong.

Báo địa phương đăng tin sự việc ngược đãi trẻ em này, vấn đề bệnh nhân tâm thần phạm tội liệu có nên xử phạt đã dẫn đến hàng loạt tranh cãi. Suy xét Trần Kình sẽ chịu ảnh hưởng xấu, hai nhà Trần – Viên ra mặt ép sự việc này xuống. Đương nhiên cũng có người phỏng đoán hung thủ kia do họ sắp đặt xóa sổ nhưng không có bằng chứng, hơn nữa một kẻ điên táng tận lương tâm chẳng đáng để người ta mất công điều tra.

Sự việc này có lẽ đã kết thúc nhưng để lại rất nhiều tai họa, có thể nói nó đã thay đổi vận mệnh của vài người.

Nửa năm sau cha Trần Kình hết nhiệm kì, chuyển về thành phố B làm việc trong ngành kinh tế thương mại, từ đó cách giải quyết công việc của ông cũng thay đổi nhiều. Mẹ hắn vì rơi xuống nước giữa trời đông rét buốt bị mắc bệnh phong thấp, mỗi khi trời âm u lại đau đến phát khóc.

Song, người chịu ảnh hưởng lớn nhất vẫn là Trần Kình. Sau khi hắn tỉnh, suốt một tháng không chịu mở miệng nói chuyện, cả ngày đờ đẫn nhìn trần nhà. Việc này làm cả nhà sợ hãi, hằng ngày mời bác sĩ làm các loại kiểm tra, suýt thì mời thầy cúng đến nhảy múa trừ tà.

Mẹ hắn sợ đến mức ngày ngày nắm tay con trai mà lau nước mắt, nước mắt của người mẹ luôn khiến con trai xúc động nhất, cuối cùng Trần Kình đã lên tiếng, câu đầu tiên hắn nói là: “Mẹ, con muốn lớn thật nhanh.”

Thật ra mấy ngày nay hắn rất tỉnh táo, hắn nghĩ mãi một vấn đề, ngày nghĩ, đêm nghĩ, nghĩ đến đau đầu, đó là làm thế nào để trở nên mạnh mẽ.

Gặp phải chuyện như vậy, đối với một đứa trẻ bảy tuổi như hắn quả thực là một tai họa, là đại nạn. Tuy sau đó đã ngất xỉu, tiếp đến lại mê man suốt một tuần nhưng cảnh tượng dưới nước hắn luôn nhớ như in, sự hoảng loạn, cảm giác ngập ngụa, lạnh buốt thấu xương, tuyệt vọng bất lực, sợ hãi tột độ cứ luôn giày vò hắn.

Thì ra khi thật sự rơi vào nguy hiểm, không ai giúp được mình, súng của ông ngoại cũng không thể, quyền lực của các cậu cũng không. Đạo đức lương tri, tấm lòng trắc ẩn của con người tất cả đều vô tích sự.

Chỉ có dựa vào chính mình, vào trí tuệ và sức mạnh của bản thân.

Hắn thề, nhất định phải khiến mình trở nên mạnh mẽ, kinh nghiệm bị người ta chà đạp nhục nhã kia, kiếp này, kiếp sau cũng không bao giờ một lần nữa lặp lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.