Nhâm Thiếu Hoài! Anh Chạy Đâu Cho Thoát

Chương 3: Lam Tình




Edit: Yển

Nơi dân tộc Ly Y tụ cư, có rất nhiều ngôi nhà do đủ các nguyên nhân mà để trống, Nam Sơn cho Chử Hoàn tùy tiện chọn, chỉ có một điều là không thể chọn mé bên kia sông chỗ gần khu rừng rậm.

Nam Sơn không giải thích nguyên nhân, Chử Hoàn cũng chẳng hỏi, kể từ khi qua sông, anh vẫn có cảm giác kính sợ vô cớ với nơi này.

Lúc có phán đoán thì tin vào phán đoán, lúc không có phán đoán rõ ràng thì tin vào trực giác – vì thế Chử Hoàn quyết đoán nghe theo giác quan thứ sáu của mình.

Vả lại, các cô gái này đều chăm chỉ như vậy, không chừng trời còn chưa sáng đã ra sông giặt giũ rồi. Một đoàn lão trung thanh phụ nữ vạm vỡ nói nói cười cười cãi nhau ầm ĩ, không chừng còn có uy lực hơn các cụ bà nhảy trên quảng trường(1), nhiều khi đẩy cửa sổ ra còn dễ dàng nhìn thấy một số cảnh bị hạn chế…

Phải biết rằng cảnh bị hạn chế trong thế giới chân thật không hề đẹp lắm, đa số đều khiến người ta hận không thể moi mắt chó ra.

Cho dù Nam Sơn không nói, anh cũng sẽ không chọn vùng ven sông.

Chử Hoàn cưỡi ngựa đi một vòng, tốc chiến tốc thắng giải quyết vấn đề chỗ ở – anh vừa ý một ngôi nhà cũ tách biệt khỏi quần thể.

Nghe nói căn nhà đó trước kia là của một ông cụ, ông này thọ dai như gì, vợ con chết hết, cháu cũng chết nốt mà vẫn sống nhăn, cuối cùng chắt trai chết non, thấy mình đoạn tử tuyệt tôn, mới bịn rịn cáo biệt nhân gian, từ đây không còn ai thừa kế. Dần dà, nhà của ông cụ liền thuộc về tộc, trước mắt qua tộc trưởng quyết định, cho Chử Hoàn.

Nơi đây đâu đâu cũng là biệt thự rộng rãi thoáng mát, Chử Hoàn nhìn quanh một vòng không khỏi hơi xót xa. Anh vì nước vì dân làm công việc liều mạng từng ấy năm, mà cuối cùng cũng chỉ phân cho một căn nhà trọ bé tí như ổ mèo, thua cả ký túc xá của giáo viên nông thôn.

Nhưng sau khi vào nhà, Chử Hoàn hoàn toàn không cảm thấy nơi này xa hoa lãng phí chút nào. Quả không hổ là nhà ma bỏ hoang nhiều năm, bên trong thật sự tả tơi xơ mướp, sạch trơn tới mức dơi cũng lười treo mình trên cửa sổ. Bảo đảm mấy căn biệt thự nhà lầu tầm thường tuyệt đối không bì được –  nhìn bên ngoài là nhà hai tầng, vào trong mới phát hiện chỉ có một tầng, hơn nữa vẫn là một buồng không phòng khách… Sợ rằng đời này anh chẳng thoát nổi tiêu chuẩn cư trú một buồng không phòng khách rồi.

Chậc, đúng là mạng quỷ nghèo mà.

Ngẩng đầu lên, Chử Hoàn có thể xuyên thấu qua cửa sổ trên mái nhà nhìn thấy vạn dặm trời quang không gợn mây, đại thụ mấy trăm năm… và một đám con nít quỷ tròn quay trên cây.

Ánh mắt Chử Hoàn phút chốc tụ lại – nhất định phải cao đến sáu bảy mét ấy nhỉ?

Đứa trẻ ngồi chồm hổm trên cây vừa bắt gặp ánh mắt Chử Hoàn thì lập tức í ới réo bạn, phong khẩn xả hô, đứa đầu lĩnh nhảy xuống trước tiên, quả đúng là gió mát lướt qua, tấm lót mông tung bay, thân thủ rất cao cường. (Điểm tử trát thủ, phong khẩn xả hô là ám hiệu từ thời cổ đại mà bọn thổ phỉ cường đạo thường dùng, nghĩa là đối thủ quá lợi hại, đánh không lại, chạy mau)

Thằng bé chụp lấy một cành cây phía dưới, thoắt cái đã chạy mất tăm, mấy đứa còn lại cũng bám theo sát nút, xếp thành đội, tiến hành hoạt động nhảy từ trên cao xuống, tốp năm tốp ba tất cả đều an toàn hạ đất.

Chử Hoàn: “…”

Khỉ ở vùng này trông giống người thật.

Trên việc sinh hoạt thường ngày, Chử Hoàn tương đối dễ tính, chỗ gián sống được anh đều có thể sống được, ngược lại là Nam Sơn sợ anh thiệt thòi, nhanh chóng tụ tập một nhóm người tới dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa. Hơn chục ông anh cao to cởi trần đứng xếp hàng thành một bức tường người sống, nhất trí toét miệng nhe răng cười với Chử Hoàn, hợp thành một đội biệt động Hàm Cá Mập.

Bản thân Chử Hoàn thì bị động trải nghiệm cuộc sống thiếu gia “mười ngón tay không dính nước mùa xuân”, vô công rồi nghề đứng ngoài không chen tay vào nổi, Tiểu Phương lao tới như sóng thần, lôi anh đến khoảng đất bằng phẳng trước cửa nhà tộc trưởng, nhận nghi thức hoan nghênh.

Nghi thức hoan nghênh của các nơi trên toàn thế giới đại để có chỗ tương tự, yếu tố chính cũng là bốn nội dung chủ yếu gồm “ca hát, nhảy múa, uống rượu và ăn thịt”.

Tập tục của dân tộc Ly Y là đàn ông nhảy múa, đàn bà ca hát, điệu múa ấy cực kỳ sôi động, trong mắt Chử Hoàn thì các điệu múa trên thế giới chia làm hai loại, một loại là “xoay tròn”, một loại là “nhảy nhót”, và điệu múa của dân tộc Ly Y thuộc về “nhảy nhót”.

Cảm giác khi mấy chục người đàn ông cao to thô kệch cùng nhau nhảy nhót ở bên cạnh, chính là mặt đất dường như cũng đang run rẩy, đánh ra nhịp trống thiên nhiên nào đó, hiệu quả thị giác gần như là chấn động vậy.

Đàn bà hát gì thì Chử Hoàn không biết, chắc đại ý không ngoài “hoan nghênh hoan nghênh nhiệt liệt hoan nghênh” nọ kia, anh chỉ cảm thấy âm thanh ấy lảnh lót khác thường, lực xuyên thấu rất mạnh, những tích tụ quẩn quanh lồng ngực nhất thời như được vỗ về, không biết là ai rót rượu vào cái bát vỡ của anh, rượu lần này mất đi mùi thuốc và mùi tanh, mạnh và cay xè, xộc thẳng lên đầu.

Chìm xuống hồ thu, trời cao đất rộng.(2)

Ở nơi ầm ĩ như thế, vốn Chử Hoàn tránh còn sợ không kịp, song giờ này khắc này, tuy chung quanh ồn ào náo động không ngừng, nhưng chỉ cần Nam Sơn không mở miệng luyện tập tiếng Trung với anh, thì anh chẳng hiểu một câu nào hết, và do không cách nào trao đổi, nên anh tìm được cảm giác gần như “tìm yên tĩnh trong náo nhiệt”, tiếng người và tiếng chim không có gì khác biệt, trong thế giới của anh vẫn chỉ có một người mà thôi.

Nhắm rượu với non xanh nước biếc, thế mà Chử Hoàn lại có chút dương dương tự đắc.

Nam Sơn im lặng bầu bạn bên cạnh, có cậu ở đây, người khác không dám càn rỡ quá, rất tự nhiên mà cách vị trí họ ngồi một khoảng đất trống nhỏ, chỉ có Tiểu Phương đi theo tộc trưởng lâu ngày, không hề kiêng dè, cầm bát tô chạy tới, trong ánh mắt hâm mộ của mọi người túm tay Chử Hoàn muốn cụng bát.

Chử Hoàn: “Nào, Tiểu Phương, cạn ly.”

Dứt lời, anh lập tức nói là làm, giơ bát rượu lên uống ừng ực.

Tiểu Phương cũng không chịu yếu thế, một ngụm uống cạn theo, hình như sảng khoái quá liền phá lên cười ha hả, chìa một bàn tay còn dấu răng ra cho Chử Hoàn.

Vừa thấy động tác của hắn, Chử Hoàn lập tức tâm linh tương thông, ăn ý dùng nắm đấm đập mạnh vào nhau, bị đối phương ra sức nắm chặt tay mà lắc lắc.

Tiểu Phương đấm ngực kêu to: “A lan ô…”

Chử Hoàn quay sang Nam Sơn, Nam Sơn giải thích: “Bạn tốt.”

Nói xong, Nam Sơn nghĩ một chút, lại không nhịn được hỏi: “Anh gọi anh ta là gì?”

Chử Hoàn: “Tiểu Phương.”

Nam Sơn: “Ý nghĩa là gì?”

Chử Hoàn ngắt một đóa hoa trên cỏ, đưa đến dưới mũi Nam Sơn: “Hoa, hương hoa.”

Nam Sơn ngơ ngác nhìn đóa hoa nhỏ mềm mại kia, lần đầu tiên có biểu cảm như khoa học viễn tưởng vậy.

Tiểu Phương đại khái còn tưởng là Chử Hoàn đang khen mình, bá vai anh vừa kêu vừa nhảy nhót.

Tộc trưởng trẻ tuổi lại mỉm cười, bình tĩnh đánh giá vị khách mình mời về – Người ấy có mái tóc ngắn rất gọn gàng, trên mũi là cặp kính còn sáng hơn cả thủy tinh, thoạt nhìn vừa trắng trẻo vừa thư sinh.

Từ đầu đến chân đều không giống với họ.

Anh thậm chí cũng không giống với những người “bên kia sông” ít ỏi mà Nam Sơn từng tiếp xúc, bất kể là nheo mắt nhìn về nơi không biết tên, hay uể oải nhếch môi cười, đều có cái vẻ mà người “bên kia sông” cũng chẳng có.

Nam Sơn không biết phải hình dung thế nào, tóm lại là vừa gặp người này thì cậu liền cảm thấy những người khác trên thế giới đều đơn giản đến mức liếc qua là hiểu, như bỗng nhiên không còn cấp bậc vậy.

“Chử Hoàn,” Nam Sơn lặng lẽ đọc thầm tên anh một cách không thuần thục, “Anh ấy chịu đến nơi không ai thèm đến, thì nhất định là một người rất tốt.”

Chử Hoàn không biết mình bất giác đã được dán nhãn người tốt, cuộc sống giáo viên nông thôn thoải mái đã bắt đầu.

Lớp học ở ngay trên khoảng đất trống họ ca hát nhảy múa. Đàn ông trong tộc không biết tìm được ở đâu một tảng đá trắng cực to kê lên đó, lại tìm một hòn than dài đen sì, lúc cần có thể viết chữ trên tảng đá, Tiểu Phương ngồi xổm cạnh đó như đã được huấn luyện rất chuyên nghiệp, chỉ cần viết kín đá, khỏi cần ai dặn dò, hắn sẽ tự xông lên lau sạch.

Đáng tiếc tay này lau bảng đen nghiêm túc nhưng nghe giảng bài lại lơ tơ mơ, có khi Chử Hoàn còn chưa dứt lời, một nửa vẫn đang nằm trong họng, đã bị hắn xông lên lau sạch, mỗi lần đến lúc này, Chử Hoàn cũng chỉ đành dừng lại, mỉm cười chùi kính, trong lòng rất muốn tẩn hắn một trận, khổ nỗi xây dựng hình tượng nhã nhặn cả nửa ngày rồi, không tiện ra tay – Thế nhưng luôn có người làm thay, cậu trai trẻ trông như thị vệ bên cạnh Nam Sơn hết sức lành nghề trong việc đánh Tiểu Phương.

Cậu thanh niên ấy tên “Cái Gì Cái Gì Nhiều”, nghe Nam Sơn phiên dịch thì nghĩa là “Vách Núi Lập Lòe Phát Sáng”. Dân tộc Ly Y đặt tên hết sức kỳ lạ, dù thế nào Chử Hoàn cũng không tưởng tượng được vách núi thì làm sao lập lòe phát sáng cho nổi. Anh từng bị ngã một lần, bóng ma tâm lý về nó vẫn còn hằn sâu, bèn đơn giản hóa tên người ta thành “Đại Sơn”.

Đại Sơn là một thiếu niên chưa đến hai mươi tuổi, nhưng vóc người đã cao to, bình thường không hay nói cười, vụng về ngồi ở đó, chăm chỉ học tập hơn bất cứ ai, cho nên cậu ta đặc biệt ghét cay ghét đắng cái loại gậy chọc cứt như Tiểu Phương, Tiểu Phương vừa xóa, cậu ta liền lượm giày ném luôn.

Sau đó, Đại Sơn đã tạo thành phản xạ có điều kiện, vừa thấy Chử Hoàn chùi kính, liền tìm cái ném Tiểu Phương.

Bởi vì trừ Nam Sơn biết mấy chữ, nói được vài câu, thì những người khác hoàn toàn không thể nói chuyện với Chử Hoàn, nên lúc đi học cần tộc trưởng ở bên cạnh, phiên dịch những từ Chử Hoàn dạy thành ngôn ngữ của dân tộc Ly Y. Có đôi khi ngay cả tộc trưởng cũng không phiên dịch được, thầy trò nhất định phải dừng lại trầy trật trao đổi.

Học sinh của Chử Hoàn bao gồm già trẻ lớn bé toàn thôn, mà tộc trưởng không thể làm trợ giảng từ sáng đến tối, người lớn cũng đâu thể chơi không cả ngày, vậy nên thời gian dạy học mỗi ngày chỉ có chưa đầy một tiếng lúc chập tối, công việc hết sức thoải mái.

Chử Hoàn vốn chuẩn bị từ hoan nghênh mở đầu là “các hài tử”, kết quả là hôm ấy đến, mới thấy trẻ con thật lại không phải là chủ yếu, lời ra đến miệng liền nhanh trí sửa thành: “Các hài nhi…”

Nam Sơn cố gắng dạy những người khác gọi “lão sư”, nhưng chữ “lão” phát âm phải uốn lưỡi, không dễ lắm cho kẻ mới học, mọi người đua nhau nói mà không được, Chử Hoàn liền xua tay: “Gọi lão sư gì chứ, cứ gọi ‘đại vương đại vương’ là được rồi.”

Hai từ này đơn giản, vừa học đã biết, tiếng gọi “đại vương” lập tức vang lên liên tục, cả dân tộc Ly Y đã trở thành một Hoa Quả sơn.

Chử Hoàn sắc mặt nghiêm túc mà thản nhiên, hoàn toàn kế thừa tinh túy trong trò “đùa thôi” đầy trang nghiêm của tiên sinh Chử Ái Quốc, điềm nhiên dạy đếm, thế nên bao nhiêu năm sau, người dân tộc Ly Y đơn thuần thiện lương đều cho rằng “đại vương đại vương” có nghĩa là “lão sư”.

Một tháng trôi qua nhanh chóng, chỉ có mỗi ngày lúc lên lớp là Chử Hoàn chịu xuất hiện đúng giờ, còn thời gian khác trong ngày đều là thần long kiến thủ bất kiến vĩ.

Ngoại trừ ngủ, Chử Hoàn rất ít khi về nhà, bởi vì cứ ngẩng đầu là lại phát hiện có mấy đứa khỉ con cởi truồng ngồi trên chạc đại thụ rình mò dòm ngó.

Ngày nào anh cũng dậy từ khi trời còn chưa sáng, đi quanh núi quanh sông rèn luyện cơ thể – Chử Hoàn không cảm thấy mình là loại người tự oán tự khổ đó, anh cho rằng vấn đề của mình rất có thể có nguyên nhân sinh lý, vì thế cứng rắn quy định giờ làm việc, nghỉ ngơi và huấn luyện. Mới đầu trong thân thể giống như có cái gì đang ngăn cản anh thúc ép mình, lúc tình huống tệ, đầu anh sẽ đau như búa bổ, chỉ hận không thể lấy dao đâm mình, những lúc thế này, anh cũng chỉ có thể dựa vào cái nhẫn ông Chử Ái Quốc cho, hết lần này đến lần khác nhắc nhở mình rằng đã hứa với ông già rồi.

Chờ cơn đau dịu đi, anh sẽ đến chỗ Nam Sơn ngồi một lúc, nghe cậu thổi sáo hoặc là tán gẫu dăm ba câu, Chử Hoàn cảm thấy mình có thể lấy được rất nhiều sức sống quý giá từ đó.

Do chướng ngại ngôn ngữ, trong dân tộc Ly Y trừ tộc trưởng Nam Sơn ra thì không ai có thể nói chuyện với Chử Hoàn, điều này gián tiếp làm cho hình tượng của tộc trưởng có vẻ càng thêm chói sáng.

Lúc không tìm thấy Chử Hoàn, đứa lớn sẽ dắt đứa nhỏ, mỗi ngày không biết chán mà chơi đúng một trò – tìm “đại vương đại vương”.

Việc này quả thật đã thành một cuộc thám hiểm thú vị, tuy rằng có tìm được Chử Hoàn thì chúng cũng ngại chẳng dám đến trước mặt anh nói chuyện, nhưng lỡ đâu tìm được một lần thật, thì chúng có thể quay về khoác lác với đám bạn rất lâu.

Tiếc thay, trừ khi Chử Hoàn tự mình xuất hiện, bọn nhóc không một lần nào có thể thành công tìm được anh.

Có điều, dù Chử Hoàn không nghe ngóng cũng chẳng tò mò, theo thời gian trôi qua, đủ các chỗ không tầm thường của dân tộc Ly Y, vẫn không tránh được đập vào mắt.

  1. Khiêu vũ quảng trường là điệu nhảy của Trung Quốc, do quần chúng nhân dân sáng tạo, có tác dụng thư giãn và cường thân kiện thể, bởi vì dân tộc bất đồng, khu vực bất đồng, quần thể bất đồng cho nên điệu nhảy mỗi nơi không giống nhau. Những người tham gia nhảy đa số là trung lão niên, và trong đây phụ nữ chiếm đa số.
  1. Hạ trầm thu thủy, thiên cao địa quýnh.
Câu này trích trong Vũ khúc ca từ – Bạch trữ ca của Liễu Tông Nguyên. Đầy đủ phải là “Hạ trầm thu thủy kích thái thanh, thiên cao địa quýnh ngưng nhật tinh”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.