Người Con Gái Mang Tên Tuyết

Chương 28: Những ngày tháng thường nhật




Hoàng Minh lại nói :

- Dường như Mai Hương còn có nhiều điều muốn nói, đáng tiếc là mụ không thể nói hết lời.

Từ Văn trong lòng đau đớn, đưa mắt nhìn thi thể của Mai Hương, ngắt lời :

- Nếu tiểu đệ phát giác ra sớm một chút, thì mụ đâu đến nỗi bị đối phương hạ sát.

Hoàng Minh lại hỏi :

- Hiền đệ có nhìn thấy mặt hung thủ không?

Từ Văn đáp :

- Tiểu đệ nhìn thấy rồi.

Hoàng Minh hỏi :

- Ai vậy?

Từ Văn đáp :

- Một người tự xưng là “Khách qua đường”.

Hoàng Minh hỏi :

- “Khách qua đường” ư?

Từ Văn đáp :

- Chính hắn! Hắn không phải là người xa lạ đối với tiểu đệ.

Hoàng Minh lại hỏi :

- Hiền đệ nhất định đi Nam Triệu ư?

Từ Văn đáp :

- Phải rồi!

Chàng nói xong, liền giơ tay đưa vòng ngọc ra.

Hoàng Minh rất lấy làm khó nghĩ, ngập ngừng hỏi :

- Hiền đệ! Tiểu huynh nghe gia sư nói thì Tưởng Minh Châu cô nương có ý tặng hiền đệ cái đó để làm vật đính hôn. Thế mà hiền đệ cố ý hoàn lại, phải chăng hiền đệ có ý...

Từ Văn ngắt lời :

- Huỳnh huynh đừng hiểu lầm. Tiểu đệ chỉ vì nghĩ mình còn mang mối thâm cừu, chưa biết sống chết lúc nào, nên không muốn để vật này lọt vào tay kẻ khác mà thôi.

Hoàng Minh nói :

- Nhưng vật này lại do tiểu huynh thoái hồi, thì e rằng có điều không tiện.

Từ Văn nói :

- Đây là tiểu đệ ủy thác cho Huỳnh huynh.

Hoàng Minh không làm sao được, liền đón lấy vòng tay ngọc rồi hỏi :

- Hiền đệ để tiểu huynh tạm giữ cho, được không?

Từ Văn kiên quyết đáp :

- Tiểu đệ nghĩ rằng Huỳnh huynh đưa trả đi là hơn.

Hoàng Minh nói :

- Được rồi! Vậy tiểu huynh sẽ làm theo lời hiền đệ.

Từ Văn nói :

- Vậy tiểu đệ xin trân trọng ký thác ở nơi Huỳnh huynh.

Hoàng Minh nói :

- Câu chuyện nhỏ mọn này có chi mà hiền đệ phải bận tâm.

Đoạn hai người từ biệt. Hoàng Minh lên đường đi ngay.

Từ Văn đưa mục quang nhìn lại thi thể Mai Hương, nước mắt chảy quanh, chàng nói bằng một giọng rất bi thiết :

- Mai Hương! Ta thề quyết vì mụ mà rửa hờn, bầm thây kẻ thù muôn đoạn. Thôi mụ hãy nhắm mắt mà yên giấc ngủ ngàn thu.

Chàng nói xong, băng mình chạy xuống lầu. Chàng lên đường ngay đêm nhằm về phía Nam Triệu mà tiến.

Cừu hận trong huyết quản chàng sôi lên sùng sục. Nỗi oán độc khác nào lò lửa đỏ nung nấu can trường. Chàng hận mình chẳng thể tìm thấy kẻ thù ngay lập tức để ăn tươi nuốt sống cho hả giận.

Biệt thự ở Nam Triệu là một trong ba biệt thự của Từ Anh Phong. Thuở nhỏ Từ Văn đã theo mẫu thân tới đó mấy lần. Nhưng từ ngày lớn tuổi chàng chỉ đến có một lần, không ngờ tổ quạ để bìm bịp chiếm, mà lại là nơi mẫu thân chàng bị kẻ thù bí mật bắt đem giữ tại đó.

Từ Văn quên cả đói khác, quên cả mệt nhọc, cứ đeo sao đội nguyệt lao thật nhanh về phía trước.

Trong đầu óc chàng ngoài mối hận cừu không còn lại chút gì khác. Hình bóng Mai Hương, một mụ tỳ nữ rất đáng thương, lại lảng vảng trước mặt chàng. Hồi chàng còn thơ ấu, mụ tận tâm trông nom cho chàng. Khi ấy mụ đã ngoài ba chục tuổi mà không chịu đi lấy chồng, đủ tỏ mụ cố ý giữ phận tôi đòi cho đến hết đời. Mụ thị phụng chủ mẫu hết dạ trung thành. Ai có ngờ đâu mụ đi đến kết quả là bị thảm tử.

Mụ nói là vâng lời mẫu thân cảnh cáo chàng, nhưng cảnh cáo chuyện gì? Phải chăng mẫu thân chàng đã có tin tức gì về hành động của cừu gia? Hay là...

Nếu mụ chỉ sống thêm giây lát, thì vụ bí mật về “Khách qua đường” có thể phanh phui ra được.

May mà mụ đã tiết lộ ra chỗ giam cầm, không thì chẳng hiểu mẫu thân phải chịu khổ cho đến bao giờ.

Chàng đi mỗi lúc một gần đến Nam Triệu, Trong dạ lại càng băn khoăn.

Từ Văn nghĩ tới “Khách qua đường” đã giả mạo làm người che mặt mặc áo cẩm bào mấy lần định hạ sát chàng. Lại một lần chàng suýt chết về hai hán tử lạ mặt. Cả hai đều không sợ “độc thủ”, và công lực họ rất cao thâm. Hai người này là thủ hạ của kẻ khác. Vậy nhân vật sai khiến được họ tất không phải tầm thường. Chàng tự hỏi :

- Công lực mình hiện nay liệu có đủ để cứu thoát mẫu thân khỏi bàn tay bọn ma đầu không?

Từ Văn nghĩ vậy trong lòng cũng hơi chán nản. Nhưng mẫu tử tình thâm thì dù có phải dấn thân vào nơi núi kiếm rừng đao chàng cũng không thể lùi bước.

Diệu Thủ tiên sinh đã dặn đi dặn lại chàng bất luận hành động việc gì cũng nên nói cho Tưởng Úy Dân biết. Nhưng Tưởng Úy Dân là một tay cự phú, ăn sung mặc sướng ở phủ Khai Phong, đâu có thể đem những chuyện cừu hận giết chóc trên chốn giang hồ trút cho lão được.

Chàng lại liên tưởng tới Tưởng Úy Dân, và theo lời Diệu Thủ tiên sinh đã tìm được phương pháp giải trừ “Vô Ảnh Tồi Tâm Thủ”. Lão dụng công như vậy là để chàng có thể kết duyên cùng cô gái quý báu của lão. Dù chỗ dụng tình của lão chỉ vì tình riêng, nhưng thật cũng đáng cảm kích. Hiện nay chàng còn mang mối huyết cừu thì đâu có rảnh mà nghĩ đến mối tình nhi nữ.

Vả lại “cánh tay độc” của chàng cũng là một lợi khí, mà hiện giờ chưa nên giải trừ...

Ngoài cửa Tây thành Nam Triệu có một khu rừng rất xinh xắn. Trong rừng này có một biệt thự của Thất Tinh bảo chủ Từ Anh Phong.

Sáng sớm hôm ấy một chàng thư sinh mặt đen, mình mặc áo đen lảng vảng ở ngoài cổng biệt thự. Chàng thư sinh này ôm mối oán độc trong lòng và chính là Địa Ngục thư sinh Từ Văn. Cổng biệt thự vẫn đóng chặt.

Đây là một biệt thự của nhà chàng, mà bây giờ chàng như kẻ khách lạ qua đường, không dám đường hoàng gõ cửa.

Cánh cổng lớn sơn son đã bị mưa gió làm cho phai lạt, dường như lâu nay không có người sờ đến. Những khóm hoa cao hơn bờ tường, trên ngọn vẫn còn loáng thoáng những màu đỏ tía.

Từ Văn ngần ngừ hồi lâu rồi quyết tâm tiến lại giật cái vòng đồng.

Sau một lúc, phía trong cổng có tiếng bước chân sột soạt. Tiếp theo là thanh âm ồm ồm của một lão già hỏi vọng ra :

- Ai đó?

Thanh âm này Từ Văn dường như đã quen tai. Chàng không khỏi xúc động vì đó đúng là thanh âm của lão già Nhị Hồ Tử.

Chàng tự hỏi :

- Mẫu thân mình chưa bị bắt đi ư? Sao vẫn còn lão già này ở đây gác cổng?

Chàng chưa kịp trả lời thì lão già lại hỏi :

- Ai ở ngoài đó?

Đúng là khẩu âm Nhị Hồ Tử.

Từ Văn không hiểu mình nên kinh hãi hay là nên vui mừng, chàng vội đáp :

- Nhị Hồ Tử đấy ư? Ta đây mà.

Lão già lại hỏi :

- Ngươi là ai?

Từ Văn đáp :

- Văn nhị công tử.

Lão già la lên một tiếng :

- Trời ơi!

Lão ra chiều kinh ngạc.

Cánh cổng mở hé ra, và một lão già mặt mũi khô khan xuất hiện. Giữa đám râu ria xồm xàm lộ ra đôi mắt như chim ưng. Lão đầy vẻ kinh hãi.

Từ Văn hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Lão phải nghe ra thanh âm của ta mới phải chứ?

Lão già tay vịn cánh cổng nhìn Từ Văn một lúc rồi cất giọng run run hỏi :

- Ngươi không giống...

Từ Văn khích động ngắt lời :

- Nhị Hồ Tử! Ta đã cải trang dung mạo. Rồi ta sẽ nói đầu cho lão nghe.

Nhị Hồ Tử tia mắt sắc bén, thanh âm đầy vẻ kinh dị hỏi :

- Công tử... đúng là Nhị công tử ư?

Từ Văn đáp :

- Phải rồi!

Nhị Hồ Tử hỏi :

- Công tử... không chết ư?

Từ Văn ngạc nhiên hỏi lại :

- Làm sao mà chết? Câu đó ở đâu ra?

Nhị Hồ Tử há miệng líu lưỡi hồi lâu mới lên tiếng :

- Không không! Lão nô tưởng Nhị công tử bị mắc tay độc thủ của kẻ thù rồi.

Từ Văn nước mắt chảy quanh, nghiến răng đáp :

- Đúng thế! Ta đã mấy lần bị độc thủ của kẻ thù, nhưng ta không chết.

Nhị Hồ Tử la lên :

- Trời ơi! Tạ ơn trời phật!

Từ Văn hỏi :

- Mẫu thân ta đâu?

Nhị Hồ Tử hỏi lại :

- Công tử hỏi Nhị phu nhân ư?

Từ Văn nói :

- Lão này lẩm cẩm rồi! Chẳng phải Nhị phu nhân thì còn ai nữa?

Nhị Hồ Tử thở dài đáp :

- Nhị công tử! Nhị phu nhân không hiểu lạc lỏng nơi đâu? Còn sống hay chết cũng không biết nữa.

Từ Văn gầm lên :

- Lão bảo sao?

Nhị Hồ Tử sợ hãi lùi lại hai bước, không trả lời được nữa.

Từ Văn luống cuống không biết làm thế nào. Lời Mai Hương quyết nhiên không phải là giả dối. Mụ nói rõ mẫu thân chàng ở biệt thự ngoài cửa Tây thành Nam Triệu.

Bây giờ Nhị Hồ Tử lại bảo không hiểu lạc lỏng nơi đâu. Thế là nghĩa làm sao? Dĩ nhiên Nhị Hồ Tử cũng không nói dối.

Chàng nghĩ không ra chuyện ngoắt ngoéo này.

Chàng lại hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Trong nhà còn ai nữa không?

Nhị Hồ Tử đáp :

- Không còn! Chỉ có mình lão nô coi giữ ở đây mà thôi.

Từ Văn hỏi :

- Trước nay có xảy ra chuyện gì không?

Nhị Hồ Tử đáp :

- Không có chuyện gì cả. Sao công tử lại hỏi câu này?

Từ Văn lại càng nghi hoặc. Mai Hương là mụ tỳ nữ đi liền với mẫu thân, mụ bị giết về tay “Khách qua đường” chính mắt chàng trông thấy sau lưng hung thủ. Lúc mụ sắp chết có lý đâu còn không nói thật. Chuyện này là nghĩa làm sao?

Chàng liền lớn tiếng hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Lời lão nói có đúng sự thực không?

Nhị Hồ Tử nóng nảy đáp :

- Nhị công tử! Lão nô không hiểu lời công tử muốn nói sao?

- Lão có nhớ Mai Hương không?

- Mai Hương ư? Dĩ nhiên lão nô nhớ lắm! Mụ làm sao?

- Ta gặp mụ rồi.

- Nhị công tử đã gặp mụ? Bây giờ mụ ở đâu?

Từ Văn thở dài đáp :

- Mụ chết rồi!

Nhị Hồ Tử hỏi :

- Mụ làm sao mà chết?

Từ Văn không trả lời câu hỏi của lão. Chàng nói ngay :

- Lúc lâm tử mụ có nói là Nhị phu nhân ở trong biệt thự này.

Nhị Hồ Tử lùi lại hai bước, run lên nói :

- Lão nô hoàn toàn mê muội. Nhị phu nhân cùng mụ đồng thời mất tích.

Từ Văn bước chân vào qua cổng, rồi đóng cổng lại, nói :

- Chúng ta vào nhà nói chuyện.

Nhị Hồ Tử cất giọng không được tự nhiên, nói :

- Xin Nhị công tử hãy vào trong hiên ngồi một chút để lão nô làm món gì ăn. Hỡi ôi! Trời còn thương người lành...

Lão nói xong, đi về phía nhà ngang.

Từ Văn nhìn kỹ sân trước vườn sau thấy cỏ dại mọc đầy. Cành khô lá rụng chất đống. Thật là một cảnh thê lương khác trước nhiều.

Từ Văn chau mày, trong lòng xiết nỗi bi ai! Chàng xuyên qua đình viện tiến vào vườn hoa hiên. Cảnh trần thiết trong hiên vẫn như cũ, nhưng bụi bậm khắp nơi, góc nhà màng nhện chi chít.

Đứng trước cảnh tượng đau lòng này, bất giác Từ Văn đứng thộn mặt ra.

Cuộc biến thiên của đời người thật không biết đâu mà lường, một cơ nghiệp to lớn đồ sộ nay đã biến thành một cảnh nhà hoang thê thảm.

Nhà tan người chết, Từ Văn tưởng chừng trái tim chìm hẳn xuống.

Hồi lâu, Nhị Hồ Tử lại xuất hiện. Lão vội vàng lau bụi trên ghế và miệng không ngớt thở ngắn than dài.

Từ Văn ngồi trơ như tượng gỗ, nỗi thê lương không bút nào tả xiết.

Nhị Hồ Tử dọn dẹp sơ qua hoa hiên, rồi bày rượu cùng thức ăn ra. Lão nói :

- Nhị công tử dùng cơm, rượu đi!

Từ Văn ngửng đầu lên thấy trong khoảng khắc mà lão sắp được tám món ăn nên chàng không khỏi lấy làm lạ, hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Lão ở đây cũng không thiếu thốn chứ?

Nhị Hồ Tử sửng sốt hỏi :

- Công tử hỏi thế lả nghĩa làm sao?

Từ Văn đáp :

- Ta chắc lão cũng để ý đến chuyện hưởng thụ. Nếu không thế thì sao trong lúc bất ngờ này mà cũng làm được nhiều món ăn đến thế.

Nhị Hồ Tử cười ha hả đáp :

- Về điểm này lão nô cũng khá.

Lão liền rót rượu ra.

Từ Văn vẩy tay bảo lão :

- Lão cũng ngồi đây uống một chung với ta.

Nhị Hồ Tử đáp :

- Lão nô không dám.

Từ Văn nói :

- Nhị Hồ Tử! Đã đến lúc này mà lão còn câu nệ lễ nghi ư? Cứ lại đây.

Nhị Hồ Tử nói :

- Vậy lão nô xin kính bồi công tử một chung.

Từ Văn nâng chung rượu lên, bất giác nước mắt tuôn xuống như mưa. Chàng ngửa mặt lên uống một hơi cạn chung, rồi nghẹn ngào hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Bảo chủ có đến đây bao giờ không?

Nhị Hồ Tử run bần bật hồi lâu mới đáp :

- Lâu nay chủ nhân không thấy đến.

Từ Văn lau nước mắt, nói :

- Lão có biết gia phụ đã...

Nhị Hồ Tử sửng sốt hỏi :

- Chủ nhân làm sao?

Từ Văn đáp :

- Lão gia bị hại trên đường đi Khai Phong rồi.

- Trời ơi!

Nhị Hồ Tử vẻ mặt thê thảm, đưa tay lên lau cặp mắt ráo hoảnh không một giọt lệ.

Lão lại mọp ngay xuống trước án, dập đầu “binh binh” mấy cái, rồi ra chiều xúc động đứng lên, hỏi :

- Ai là hung thủ?

Từ Văn nghiến răng đáp :

- Nghe đồn là Thống Thiền hòa thượng.

- Thống Thiền hòa thượng là ai?

- Chưa rõ lai lịch! Hiện giờ lão ở trong Vệ Đạo hội.

- Vệ Đạo hội là hội gì?

Từ Văn thở dài đáp :

- Nhị Hồ Tử! Lão không qua lại giang hồ thì đừng hỏi nữa. Ngày Thất Tinh bảo xảy ra vụ đổ máu, lão có trông thấy không?

- Lão nô chỉ ở biệt thự này, không có về Thất Tinh bảo.

- Nhưng lão có nghe nói hung thủ là ai không?

- Cái đó... lão nô không biết gì hết.

- Lão cũng không nghe gia gia ta nói gì ư?

- Trước nay chủ nhân không nói chuyện đại sự với lão nô bao giờ cả.

Từ Văn không hỏi gì nữa.

Nhị Hồ Tử nói :

- Mời Nhị công tử uống rượu đi.

Từ Văn đáp :

- Ta không uống được nữa.

- Nhị công tử! Việc đã đến thế này, công tử nên bớt nỗi bi ai, thuận theo biến cố để mưu đồ cuộc báo thù.

Lão nói rồi lại rót rượu đầy vào chung của Từ Văn.

Từ Văn ngồi ngây ra, uống hết chung rượu rồi đột nhiên nghiêm sắc mặt nói :

- Nhị Hồ Tử! Việc này thật là kỳ quái!

Nhị Hồ Tử hỏi lại :

- Việc chi kỳ quái?

Từ Văn đáp :

- Mai Hương trước khi tắt hơi có nói là Nhị phu nhân bị kẻ thù bắt đem về nhốt ở biệt thự này.

Nhị Hồ Tử đứng dậy kinh hãi la lên :

- Câu ấy ở đâu mà ra?

Giữa lúc ấy Từ Văn cảm thấy đầu nhức mắt hoa. Chàng đưa tay ra vịn lấy bàn.

Nhị Hồ Tử run lên hỏi :

- Nhị công tử! Công tử làm sao thế?

Từ Văn đáp :

- Chắc mấy bữa nay ta chạy suốt ngày đêm nên mệt quá mà sinh ra như vậy.

Nhị Hồ Tử bật lên tràng cười ha hả. Mặt mũi lão biến thành hung dữ. Tiếng cười lạnh lẽo ghê hồn.

Từ Văn biết là nguy rồi. Chàng gắng gượng đứng lên nhưng kiệt lực lại phải ngồi xuống. Chàng hỏi :

- Nhị Hồ Tử! Ngươi...

Nhị Hồ Tử đáp :

- Nhị công tử! Công tử nên nhận lấy số mạng, đừng oán trách lão nô. Đây là công tử tự tìm đến...

Từ Văn ruột gan tan nát, lớn tiếng quát :

- Lão chó má này! Ngươi... ngươi bảo sao?

Nhị Hồ Tử cất giọng the thé đáp :

- Lão nô đã bảo công tử nhận lấy số mạng.

Từ Văn trợn mắt, bi phẫn vô cùng. Chàng có ngờ đâu Nhị Hồ Tử lại ám toán chàng. Trước nay phụ thân chàng đã coi lão là một gia nhân tâm phúc. Ngờ đâu lão lại ám toán tiểu chủ nhân thì ai mà tin được.

Thật là kỳ quái! Thật đáng khiếp sợ! Sự việc chắc chắn không thể xảy ra mà xảy ra mới thật là kỳ.

Nhận lấy số mạng ư? Chẳng lẽ bị chết về tay tên lão bộc ám toán mà cũng là số mạng được chăng?

Từ Văn lại cố gắng đứng dậy nhưng đầu chàng nhức quá, không phát huy được nội lực đành phải ngồi xuống ghế.

Đột nhiên chàng phát giác ra điều gì, tự hỏi :

- Chẳng lẽ mình lại trúng phải chất kịch độc “Diêm Vương lệnh” ư?

Chàng nhìn kỹ lại cặn rượu thì đúng là có chất độc mà phân lạng rất nặng. Nếu là người khác thì không phát giác ra được, nhưng Từ Văn chuyên về Độc đạo, mà chính trong người chàng cũng có chất độc, nên không qua được mắt chàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.