Ngốc Tướng

Chương 16: 16: Quỷ Tiên Không Muốn Làm Người Không Phải Diễn Viên Tốt




Đêm hôm đó tôi trằn trọc mãi mới ngủ được, Những hình ảnh và câu chuyện tôi được nghe, được chứng kiến hôm nay khiến tôi không sao yên được. Mảnh đời đó, những câu chuyện đó, nếu là thật thì quả rất đau xót. Tôi không ngờ rằng trên cõi đời này lại có nhiều mảnh đời bị lãng quên đến thế. Thế nhưng lương tâm tôi vẫn bị cắn rứt. Hôm nay, tôi đã nghe lời và thương lượng với một con quỷ. Tôi không biết liệu mình có sai hay không. Một vị thầy pháp, tôi có duyên gặp rất lâu rồi đã từng nói với tôi thế này: "Thương lượng và nhân nhượng quỷ dữ là cướp đi cơ hội sống của con người." Chính vì thế nên tôi luôn giữ thái độ cứng rắn trước những mưu mô xảo trá của chúng nhằm qua mắt con người. Và tôi chưa bao giờ sai.

Thế nhưng hôm nay tôi đã động lòng, tôi đã không diệt trừ con quỷ đó luôn. Liệu tôi có phải trả giá?

Những suy nghĩ miên man làm tôi không ngủ được. Tôi đành dậy từ rất sớm, lục đục chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ ngày hôm nay.

Ăn vội bữa sáng, tôi cùng 2 chú, mẹ hai đứa trẻ và bà nội chúng quay lại khoảnh ruộng ngày hôm qua. Giờ đang là ban sáng nên vong ma quỷ sẽ không hiện hữu được. Tôi lập một bàn thờ nhỏ ở đó, cúng lễ đầy đủ, xin phép thần linh xung quanh cho động thổ dò tìm.

Khấn xong, đợi tới giờ đẹp, tôi bắt đầu buổi lễ tìm mộ.

Tôi lấy trong túi ra một chiếc đĩa cổ với 5 hòn đá nhỏ. 5 hòn đá này tôi đều lấy từ trên những ngôi mộ thiêng, mộ kết về. Đá rất linh với tử khí. Đối với tôi, 5 hòn đá này chẳng khác nào kim la bàn cả.

Tôi lại gần hướng con bé chỉ hôm qua. Nó chỉ đúng về phía mỏm đá mà 2 đứa hay ngồi đó nói chuyện. Tôi xem xét vùng đất xung quanh. Đây là đất ruộng, vẫn canh tác lâu năm, lấy nước từ con sông đó để tưới tiêu, không có gì bất thường cả. Thế nhưng tôi vẫn phải thử.

Tôi úp 5 hòn đá vào giữa 2 chiếc đĩa cổ, vừa úp vừa xóc lên và nhẩm chú. Tôi đứng ngay cạnh mỏm đá đó để nhẩm chú.

Tôi dừng lại và khẽ khàng mở chiếc đĩa ra xem.

5 hòn đá đang tạo thành một hình vòng xoáy. Điều này cho thấy, có tử khí ngay nơi tôi đứng. Nói cách khác, rất có thể âm phần con bé nằm ngay ở đây. Điều này cũng phải thôi vì thông thường, ma quỷ thường vất vưởng ở nơi chúng nằm. Tôi cần phải cải mộ cho nó, đưa nó về bên cạnh mẹ.

Trong thời gian chuẩn bị làm lễ quật mộ vào tối nay, tôi và bà Mỹ phải đi tìm lại mộ của mẹ cô bé. Vì không còn đồ đạc cá nhân hay bất kì thứ gì liên quan đến người này lúc còn sống nên việc tìm mộ hay gọi hồn đối với tôi là khó khăn. Giờ để gọi con quỷ nhi kia cũng không thể. Giờ chỉ còn có thể trông cậy vào bà Mỹ và trí nhớ của bà.

Bà dẫn tôi tới gặp người trưởng làng cũ, có lẽ là người nhớ rõ nhất mọi việc từng xảy ra trong ngôi làng này nhiều năm về trước.

Người đàn ông già cả mắt mờ mời chúng tôi cốc nước chè. Bà Mỹ cố gắng gợi lại câu chuyện của nhiều năm về trước. Lúc ấy ông trưởng làng vẫn là một thanh niên trẻ mẫn cán hoạt động trong ủy ban xã, được bổ nhiệm làm trưởng làng từ khi hơn 30 tuổi. Giờ ông đã gần 90.

Ông ta chỉ nhớ mang máng về gia đình của cô bé Chi và số phận của mẹ cô bé sau đó. Ngôi nhà họ từng ở bên trái Tây của ngôi làng, gần trạm y tế xã cũ. Từ ngày đứa con gái lớn bỏ đi mất dạng, người mẹ gần như phát điên, ngày nào cũng ngồi ngoài cửa chờ con. Thế rồi bà ta đổ bệnh mắt, hàng xóm láng giềng xung quanh cũng từng cố gắng giúp đỡ, an ủi, động viên. Thế nhưng sự việc dần đi vào quên lãng. Người chồng của gia đình đó lại cực ghét quảng giao, luôn kín cổng cao tường, không giao thiệp với người ngoài. Hàng xóm láng giềng đến thăm nom hỏi han ông ta đều tìm cách đuổi khéo đi. Vì thế nên những người xung quanh cũng thôi, không quan tâm đến chuyện nhà họ nữa. Lí do duy nhất mà ông trưởng làng cũ đã may mắn biết được là do một ngày trời đông ngày đó, ông có việc đi ra bến tàu của tỉnh làm chút công chuyện. Trong thoáng chốc, khi con tàu chở khách sắp chạy, ánh mắt của ông dừng lại ở một bóng người trông khá quen thuộc: một người đàn ông cao lớn bế theo một đứa bé trai tầm 4,5 tuổi, xách theo hành lí bước lên tàu vào những phút chót. Ông nhận ra đó chính là người bố của gia đình đó, đang bế theo đứa con thứ 2 rời khỏi đây. Ông còn thắc mắc người vợ bệnh tật của ông ta đang ở đâu...Hóa ra bà ấy bị bỏ lại nơi này. Ông chồng đã bán quách căn nhà cho một người khác rồi đá vợ ra khỏi nhà, mang theo đồ đạc và đứa con đi biệt mất. Người phụ nữ khốn khổ ấy đành phải ăn xin lê lết, nhiều người cũng giúp đỡ, cũng khuyên bà nên tìm những cơ sở từ thiện để ở, có người cưu mang, có cái ăn cái mặc, có việc làm. Thế nhưng bà nhất mực từ chối, bà kiên quyết ở đấy để đợi đứa con gái trở về. Ngày ngày bà vẫn cố gom ít rau, dăm ba quả ớt chanh mang ra chợ bán dù đôi mắt không còn nhìn rõ nữa. Lâu dần người ta cũng không thể quan tâm người phụ nữ ấy mãi. Ông trưởng làng chỉ còn biết rằng, bà đã xin nương nhờ được một người phụ nữ nghèo khổ ở làng bên, nương tựa lẫn nhau. Còn bà mất khi nào, chôn cất ở đâu, người làng này không còn rõ nữa.

Tôi bất giác thở dài. Vậy là manh mối có thể sẽ đứt đoạn từ đây. Thế nhưng thời gian không còn nhiều. Tôi phải hoàn thành ý nguyện của con quỷ nhi này thì nó mới có thể buông tha cho chị của cậu bé.

Bà Mỹ lại dẫn đường tôi sang làng bên. Làng bên cách ngôi làng này phải hơn 1 cây số. Chúng tôi phải bắt xe ôm sang đó.

Vừa đến nơi, chúng tôi lập tức đi hỏi han. Vào cả nhà trưởng làng và vài ngôi nhà khác, vẫn không ai biết tung tích của 1 người phụ nữ nghèo khổ mù lòa từng tá túc ở ngôi làng này. Thật là khó khăn. Tôi và bà Mỹ đứng trong 1 con ngách nhỏ của ngôi làng, bên ngoài một ngôi nhà có dàn hoa phủ đầy. Tôi và bà đang đứng trầm ngâm suy nghĩ tìm cách giải quyết thì chợt một con bướm đậu lên vai tôi. 1 con bướm rất to và đẹp.

Tôi dùng tay phẩy nó đi.

Thế nhưng nó vẫn không đi, vẫn bay lượn chập chờn phía trước mắt tôi. Dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn khi một chú chó hoang chạy qua và con bướm đậu lên mình của con chó, chiếc đuôi của nó đang ve vẩy mà con bướm lại không hề bay đi. Quả là một sự lạ.

Thấy thế tôi bèn đi theo con chó ấy, xem nó dẫn tôi đến đâu. Dù gì cũng có điềm lạ.

Tôi và bà Mỹ - 2 người lớn, lầm lũi chạy theo 1 chú chó hoang khỏe khoắn đang đi ở phía trước. Nghĩ thật buồn cười thế nhưng tôi vẫn tin vào linh cảm của mình.

Quanh co một hồi, trời sắp tối thì con chó chạy tót vào một căn nhà ở cuối một cái ngõ. Ở trong nhà hắt ra thứ ánh sáng vàng vọt của ánh đèn. Tôi và bà Mỹ chạy lại gần. Trong sân nhà vang lên tiếng nói của một người phụ nữ.

"Mít..Mít...đồ ăn này.." cùng tiếng gõ xoong lanh canh.

Cánh cổng đang mở hé, chú chó vừa nãy đã chạy vào trong. Con bướm từ nãy vẫn đang bay dập dờn ở trên cánh cổng nhà.

Tôi mạnh dạn gõ cổng xin bước vào.

"Ai thế? Vào đi!"

Tôi và bà Mỹ cùng bước vào. Trong sân ngổn ngang sắt vụn, ve chai. Căn nhà phía trong cũng nhỏ xíu và xập xệ. Có vẻ như chủ nhà làm nghề thu gom ve chai.

Người phụ nữ vừa cất tiếng mời chúng tôi mới chỉ tầm 40, 50 tuổi. Con chó hoang vừa nãy đang quẩn quanh chân người phụ nữ ấy.

"Chào bà..chào anh! Mọi người đến bán đồ à?"

"Không...Tôi muốn hỏi thăm về một người phụ nữ bị mù, chồng con ruồng rẫy nên sang bên này lánh nạn. Cũng lâu rồi...không biết là...?"

"Ý anh tìm bác Mai à? Bác Mai mất lâu rồi."

"Chị biết à?" Tôi vội hỏi, mừng rỡ.

"Bác Mai là bạn mẹ tôi. Năm đó bác sang bên này, được mẹ tôi cho gia nhập vào xóm người nghèo bên này, cưu mang lẫn nhau. Năm đó tôi còn bé tí ấy hà! Bác ấy khổ lắm, một đứa con thì bỏ đi, chồng thì ruồng rẫy. Mẹ tôi nói mãi bác mới chịu sang đây ở, vẫn muốn ở bên làng kia để chờ con gái về! Nhưng bên đó thì làm gì còn nhà đâu..." Người phụ nữ trung niên mau mắn nói.

"Vậy giờ chị có biết mộ bác Mai đó ở đâu không?"

"Tôi biết chứ...Năm đó bác ấy bệnh mất sớm vì không có tiền thuốc thang gì cả, lại đau khổ suy nghĩ quá độ. Mẹ tôi thương lắm, chôn ở bãi đất hoang sau làng ấy, năm nào cũng hương khói. Nhưng từ khi mẹ tôi già yếu mất mấy năm trước, bà có dặn tôi là năm nào giỗ bà cũng phải nhớ qua mộ bác Mai thắp hương dọn dẹp. Bác không người thân thích nên con phải làm thay mẹ..." Mắt người phụ nữ nhìn xa xăm.

Tôi thở phào lại cảm nhận mình quá may mắn.

"Bác ấy thiêng lắm đấy. Năm nào ngày giỗ cũng hóa bướm về đậu trong nhà tôi. Tôi sao mà quên được...". Người phụ nữ lúi húi dọn dẹp sân nhà, xoa đầu con chó. "Ơ thế anh với bà đây là sao? Dâu rể họ hàng gì của bác Mai à?" Người phụ nữ hỏi chúng tôi.

"Vâng..con gái của bác nhờ tôi tìm mộ bác về..."

"Sao cô ấy không đến?"

"Cô ấy không đến được...Làm ơn nhờ chị dẫn tôi ra mộ thắp hương cho bác..."

Tôi thầm nghĩ, có lẽ người mẹ này cũng đang rất nóng lòng muốn đoàn tụ với con gái nên đã hiện về chỉ dẫn cho chúng tôi.

Người phụ nữ vào trong nhà dặn chồng con làm gì đó rồi tất bật chạy ra, định dẫn chúng tôi đi luôn. Con chó lúc nãy chạy theo quấn chân chúng tôi. Tôi xoa đầu nó: "Cảm ơn mày nhé!" rồi vui vẻ hỏi người phụ nữ: "Chó nhà chị à?"

"Không, chó hoang ấy, nhưng mà nó ngoan lắm. Nhà tôi nghèo làm gì có điều kiện nuôi chó. Con Mít này thỉnh thoảng qua nhà tôi chơi nên tôi cho nó ăn thôi. Chó đến nhà thì sang mà, hì hì..."

Trời xâm xẩm tối, chúng tôi mới ra tới khu đất sau làng.

Người phụ nữ dẫn chúng tôi đi tít sâu vào trong, bước qua vài khu mộ nữa mới tới. Ngôi mộ của mẹ Chi nằm sâu bên trong, không có bia gì cả, chỉ có một cọc gỗ đánh dấu, ghi tên tuổi, năm mất. Ngôi mộ đắp cao, xanh cỏ, đồ cúng chẳng có gì, chỉ có độc bát hương với vài chân hương. Tôi nhìn mà xót xa quá đỗi. Quá cám cảnh cho thân phận người phụ nữ lấy chồng tha hương lại bị ruồng bỏ ở đây, ngôi mộ không có mấy ai hương khói.

Tôi và bà Mỹ lập tức giở túi đồ lễ đã chuẩn bị sẵn ra, bày biện đàng hoàng trên mộ phần người đàn bà xấu số. Tôi lầm rầm khấn vái hơn 15 phút, mong bà yên nghỉ, phù hộ độ trì cho tôi có thể cúng siêu độ cho con gái bà, đưa con bé về đây an táng suôn sẻ, cho mẹ con trùng phùng. Trong thời gian đó, con bướm chỉ đường cho chúng tôi vẫn bay lượn rập rờn xung quanh.

Xong xuôi, tôi cảm ơn người phụ nữ trung niên, cảm ơn vì chị đã hương khói cho bà Mai suốt mấy năm trời, dù của cải chẳng có là bao.

Tôi lập tức trở về làng để làm lễ động thổ, tìm xác cô bé con.

Tối hôm ấy, trong ánh lửa bập bùng của đống lửa được nhóm lên gần đó, tôi lập một đàn lễ và lầm rấm khấn vái, mong thần linh phù hộ nhanh chóng tìm được mộ phần của con bé.

Sau đó, hai chú cùng vài người thợ đẩy bật hòn đá kia lên và bắt đầu đào xuống, đào lan ra cả xung quanh. Từng lớp đất được xới tung lên nhưng mãi chưa thấy hài cốt nào cả. Tôi hơi sốt ruột. Đào càng sâu xuống thì nước sông từ đâu dềnh lên càng nhiều. Thế này cần phải có máy hút nước hỗ trợ mới mong xong nhanh được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.