Ngốc Tướng

Chương 14: 14: Bàn Về N Cách Đối Phó Paparazzi




(Chuyển về điểm nhìn của Bảo)

Đôi mắt tôi như bị hút hồn vào khuôn miệng xinh xắn của Chi. Chẳng hiểu sao mấy ngày nay, không gặp được Chi, không nghe cô bé kể chuyện là người tôi cứ bứt rứt không sao yên được. Người lớn cứ ngăn cản tôi không cho tôi đi gặp cô bé. Thật may là hôm nay tôi được ngồi đây nghe rồi.

Cô bé bắt đầu cất giọng kể.

"Câu chuyện cuối cùng kể về một cô bé. Cô bé ở cùng với mẹ trong một ngôi nhà nhỏ. Mẹ của cô bé bán hoa quả rong ngoài chợ. Cô bé từng có bố. Ông là một nông dân đi cày thuê cuốc mướn cho những gia đình có mẫu ruộng, đồng lương chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng bữa rau bữa cháo, gia đình đầm ấm bên nhau, kể cả những ngày đông giá rét, gió khẽ rít qua khe liếp mỏng. Cô bé rất quý bố của mình, mỗi lần đi làm ruộng về ông hay đan cỏ thành các hình thù con vật cho cô bé chơi, vào mùa cốm, ông lại ngắt vài cọc lúa non, đem về cho cô bé ăn. Lúa non ngọt và thơm lắm.

Nhà nghèo thế nhưng bố mẹ cô bé vẫn xin cho cô học lớp vỡ lòng của làng tổ chức ngày ấy, một tuần học vài ba buổi tối để cho con gái biết được mặt chữ, không thua bạn kém bè, không mù chữ như bố mẹ. Cô bé thích học lắm, sau mỗi giờ học toàn đi mót than về để tập viết trên nền sân nhà, trên con đường làng.

Ấy vậy mà ngày vui ngắn chẳng tày gang, đi làm lao lực bao nhiêu năm cũng đến lúc bố của cô bé đổ bệnh. Ông nằm liệt giường, không làm được gì. Mẹ cô bé trút hết tiền của dành dụm bao nhiêu năm để chạy chữa cho chồng. Bố cô bé can ngăn, bảo vợ rằng sống chết có số, phải để dành tiền cho con bé sau này, không nên chạy chữa cho ông làm gì nữa cả. Người vợ không nỡ làm thế, bèn đi vay mượn khắp nơi, tìm thầy giỏi về. Thế nhưng ông ngày một yếu đi. Cô bé thì thương bố lắm. suốt ngày quanh quẩn ở nhà chăm sóc cho bố. Cô bé bảo:

"Bố khỏe lại đi, còn gấp lá cho con chứ bố!"

Không muốn bố phải lo nghĩ, trước mặt bố, cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ, vui vẻ. Thế nhưng hễ ngọn đèn vừa tắt đi, cô bé lại trốn ra sau nhà, khóc thầm một mình.

Rồi cuối cùng tiền cũng cạn và người thì vẫn mất. Bố cô bé ra đi trong một đêm đông lạnh cắt da cắt thịt. Trong đám tang bố, cô bé khóc lịm cả người đi.

Sau khi lo liệu hậu sự xong, căn nhà của hai mẹ con càng lạnh lẽo và xơ xác. Mẹ cô bé còn phải gánh trên vai món nợ lớn từ đợt ốm của chồng. Không những thế, vào một năm khi ông còn sống, vụ mùa thất thu lớn, không được như mọi năm. Gia đình nhà chủ đất đổ vấy tội cho ông làm ăn không chăm chỉ cẩn thận, bắt ông phải đền bù số lượng bị thâm hụt. Khoản nợ đó còn chưa trả đủ. Cả gia đình hai mẹ con điêu đứng. Cô bé phải nghỉ học lớp học yêu thích để đi bán hàng rong phụ mẹ. Những nỗi đau hằn lên gương mặt cô bé.

Thấy thương con gái quá khổ, được hai năm, mẹ cô bé nghĩ tới chuyện đi bước nữa. Có một ông lái buôn từ tỉnh khác đến thấy mến mộ vẻ đon đả mặn mà của cô bán hoa quả bèn ngỏ ý kết thân. Mẹ cô bé cũng suy nghĩ lắm, sợ con bé không thích và lòng bà vẫn còn người chồng cũ. Thế nhưng nghề lái buôn làm ăn khấm khá, món nợ của bà sẽ được trả. Điều quan trọng hơn hết thảy là con bé sẽ được đi học tiếp. Đã không ít lần bà bắt gặp ánh mắt thất thần của con bé khi đi qua sân đình nơi lớp học vỡ lòng vẫn đang diễn ra. Thấy con muốn được đi học với các bạn mà nhà lại không có tiền, thân làm mẹ, bà không thể không xót xa mà suy nghĩ.

Đắn đo rất lâu, bà mới đồng ý với người lái buôn về chung một nhà, mong ông ta yêu thương con bé như con đẻ, cho nó đi học hành tử tế đàng hoàng. Họ chỉ tổ chức một đám cưới nhỏ. Bà rứt ruột bán đi căn nhà cũ từng ở rồi dắt con bé theo chồng mới lên thuyền buôn rời khỏi nơi chốn cũ. Bà đi nhưng chết cả nửa tâm hồn.

Dĩ nhiên, cô bé không dễ dàng tiếp nhận mọi thứ mới mẻ như vậy. Cô bé xa lánh người cha dượng dù bề ngoài vẫn lễ phép. Việc có một người thay thế đi vị trí của người bố mình hết mực yêu quí khiến cô bé vô cùng hụt hẫng. Mẹ cô bé thì luôn mong mỏi người cha mới sẽ giúp con gái mình bớt thiếu thốn tình cảm.

Thế nhưng mọi sự không theo ý bà mong muốn. Năm sau đó, gia đình đón thêm một thành viên mới- một cậu con trai. Cô bé có thêm em thì lại rất vui vẻ, suốt ngày quấn quit với em. Người cha dượng có vẻ không thích cô con riêng của vợ động vào con mình nên luôn đuổi cô bé ra xa khỏi đứa em trai. Tuy nhiên ông ta cũng cố gắng làm theo lời thúc giục của vợ: cho con bé đi học. Về với nhau được vài năm, người cha dượng bắt đầu lộ ra những tính xấu. Ông ta rượu chè be bét suốt ngày, hay đi biền biệt, lại thích trăng gió với gái làng chơi. Lúc này người mẹ vỡ lẽ ra thì cũng muộn. Không những thế, mỗi khi rượu chè về ông ta còn hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Cô bé chứng kiến mẹ như thế thì buồn bã không biết nên làm gì. Tuy nhiên cô bé còn quá nhỏ tuổi để nhận thức được hoàn toàn sự việc.

Cũng như bao cô bé ở độ tuổi đó, cô bé rất mơ mộng, điệu đà, bay bổng. Cô bé rất thích trăng và cũng rất thích ngắm trăng. Vầng trăng ngày Rằm có một vẻ đẹp hoàn mĩ mà cô bé không sao với tới. Nó tròn trịa và viên mãn như những gì cô bé không bao giờ có được. Vào những ngày trăng Rằm, cô bé lại ngồi ngắm trăng và nhớ về bố của mình. Ông từng bảo những người tốt sau khi chết đi sẽ được lên trời, lên cung trăng sinh sống. Cô bé ao ước được chạm vào ông trăng một lần.

Năm ấy, gần đến Trung thu, cả làng náo nức cả lên. Ai cũng sắm sửa những cây đèn ông sao đủ sắc màu, nhập từ trên thành phố về. Những ngày như thế cô bé lại nhớ tới bố mình đến cồn cào. Những khi còn bố, ông đều đi xin được ở đâu về cho cô một chiếc đèn ông sao nho nhỏ hoặc năm nào không có, ông luôn dành mấy buổi tối để làm cho cô một chiếc đèn để đi rước với các bạn trong xóm. Cây đèn ông sao bố làm tuy không đẹp tuyệt vời nhưng lại là món quà quý giá nhất trong lòng cô con gái nhỏ mỗi dịp Trung thu.

Năm ấy cô bé không có gì cả. Người bố dượng mang trống lúc lắc về cho đứa con trai chơi, tuyệt nhiên không mua gì cho cô con gái riêng của vợ. Trong nhà có đầy đủ mâm ngũ quả, bánh trung thu nhưng cô bé không buồn đụng tới. Bọn trẻ con trong làng năm ấy kháo nhau một bí mật: "Nếu vào ngày rằm trung thu, bắc thang trèo lên mái nhà thì có thể chạm vào được mặt trăng...Nếu may mắn sẽ có ông tiên xuống đón lên cung trăng chơi..."

Cô bé nghe được thông tin đó như vớ được vàng. Chiều hôm Rằm đó, khi vừa về nhà, cô bé lại nghe tiếng ầm ĩ phát ra từ trong nhà của mình. Khi chạy vào trong nhà, cô bé lại phải chứng kiến cảnh tượng thường thấy: người cha dượng của mình say lướt khướt và đang đánh mẹ mình tới tấp. Cô bé chạy vào che chắn cho mẹ thì "Bốp", một cú tát trời giáng bay ngay tới mặt cô bé khiến cô ngã bật xuống đất.

"Cút ra kia! Thứ con hoang!" Lão ta hét lên.

"Con ơi!!" Mẹ cô bé gọi nhưng tai cô bé đã ù cả đi không nghe thấy gì. Nước mắt cô bé tuôn ra giàn giụa, lồng ngực nấc lên từng cơn.

Cô bé trốn ra sau vườn nhà ngồi khóc trong cay đắng. Những lúc như thế này cô bé nhớ tới bố mình vô cùng. Giờ đây gia cảnh đã khấm khá đủ đầy hơn nhưng cả cô lẫn mẹ đều không cảm thấy hạnh phúc. Cô nhớ nụ cười hiền từ của bố mình. Cô bé đã quá chán ngán khung cảnh này. Mẹ cô luôn yêu thương cô bé nhưng bà vẫn phải chăm lo cho đứa con bé nhỏ của mình. Nhiều lúc cô bé cảm thấy mình bị bỏ rơi không ai quan tâm cả.

Ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn lên trên bầu trời, cô bé nhận ra chỉ có mỗi ông trăng tròn vành vạnh đang chăm chú nhìn mình.

"Bố à...có phải bố đang ở trên ấy không?" Cô bé khẽ lẩm bẩm.

Thế rồi những lời đồn đại cô bé nghe mấy hôm nay bắt đầu văng vẳng trong đầu.

"Vào ngày rằm Trung thu...nếu bắc thang trèo lên mái nhà sẽ được lên cung trăng chơi...."

Cô bé muốn được gặp bố, cô bé muốn chạy trốn khỏi thực tại này.

Ở ngoài con đường làng vang lên những tiếng trống rộn ràng của đoàn múa lân đang đi diễu khắp xóm. Trẻ con đang chơi rước đèn. Mặc cho những tiếng động ngoài kia, cô bé dùng đôi bàn tay bé nhỏ cố gắng hết sức khiêng chiếc thang gỗ dựng trong góc sân để bắc lên trên mái nhà, trèo lên trên đó. Hôm nay ông trăng rất to, rất đẹp. Cô bé cảm tưởng như chỉ cần leo lên cao chút thôi là có thể chạm vào ông trăng rồi.

Một bước

Hai bước

Cô bé dẫm chân lên chiếc thang gỗ kêu cót két. Tay cô bé vươn cao về phía trước để có thể chạm ngay vào ông trăng.

Thế nhưng khi đang leo thang dở thì ông bố dượng bước ra. Tay ông ta vẫn cầm chai rượu đang uống dở. Nhìn thấy con bé đang chênh vênh trên thang trèo lên mái nhà, ông ta hằn học bực tức

"Mày làm cái gì thế? Định phá nhà tao à? Đi xuống mau!!!"

Rồi chưa kịp để con bé kịp phản ứng, hắn ta đã chạy lại rung chiếc thang để con bé mau leo xuống. Tuy nhiên hắn ta đang là một người say và hắn ta không thể kiểm soát được hành động của mình. Lực tác động quá mạnh khiến chiếc thang bật ngửa ra sau. Cô bé leo trên cao tuột tay và ngã xuống đất, đập mạnh xuống nền gạch mấp mô phía dưới. Cổ cô bé là thứ tiếp xúc với nền gạch đầu tiên và nó đã gẫy gập. Máu không chảy ra. Cô bé nằm im lìm như đang ngủ.

Tên bợm rượu lại gần đá đá vào người con bé; "Dậy đi! Mày tính ăn vạ à?"

Phải một lúc sau, hắn ta mới nhận ra sự việc nghiêm trọng. Mẹ con bé vẫn đang nằm bệt ở trong nhà sau trận đòn, mụ ta không thể làm gì được. Hắn ta hơi run rẩy nhưng vẫn mừng thầm. Hắn ta ngứa mắt con bé từ lâu lắm rồi. Có thêm nó càng tốn tiền ăn học. Giờ chuyện này xảy ra coi như hắn ta diệt trừ được cái gai trong mắt. Hắn vơ vội cái bao tải trong nhà kho rồi bế con bé nhồi vào đấy, vác lên vai.

Lúc này ở con đường phía ngoài vắng lặng. Người dân đều đang tập trung ngoài đình để phá cỗ, không ai để ý đến hắn. Hắn ta mang con bé đi và chôn xuống để phi tang. Xong xuôi, hắn về nhà nghỉ ngơi như không có chuyện gì xảy ra.

Mãi đến khuya, người mẹ mới định thần lại sau nhiều giờ khóc lóc. Bà chờ mãi con bé về nhưng không thấy. Bà đi tìm con bé ngoài đường làng, ngoài sân đình nơi chỉ còn rác rưởi và tàn dư của bữa cỗ cũng không thấy gì. Con bé đã mất tích không một chút dấu vết.

Bà mẹ khóc lóc van nài nhờ người dân tìm kiếm đứa trẻ giúp nhưng không một ai nhìn thấy con bé cả. Người chồng khoát tay: "Nó bỏ đi rồi! Thứ mất dạy..." Và rồi cố gắng dập tắt mọi nỗ lực tìm con của người mẹ khốn khổ..."

Chi ngừng một lúc rồi quay sang nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ.

"Nhưng mà cậu biết sao không?"

"Không...." Tôi khẽ lắc đầu.

"Lúc bị chôn...cô bé vẫn chưa chết. Cô bé bị chôn sống trong đau đớn và tuyệt vọng!" Mắt Chi long lên với những vằn đỏ, nước mắt tuôn xuống giàn giụa.

Lần đầu tiên tôi thấy Chi khóc. Những câu chuyện trước cũng rất cảm động thế nhưng cô bé lại không hề khóc.

"Cậu sao thế? Vậy kết thúc ra sao...?"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.