Nghe Nói Ông Xã Thích Em

Chương 37: Hai Trăm Triệu




Tôi không biết phải nói tiếp thế nào, trong lòng bộn bề lo sợ. Với tính cách của chàng, lần đầu tiên nghe thấy chuyện này, chắc chắn sẽ vô cùng khó xử và xấu hổ, chỉ e chàng sẽ lập tức bỏ trốn.

Cô ấy bắt tréo chân, chống hai tay lên giường, đung đưa, thủng thẳng:

- Vì ta muốn giúp cô. Với tính cách của cậu ta, cộng thêm thân phận nhà sư không cho phép cậu ta phá giới thì cô em có chờ đến mạt kiếp cũng không cải tạo được khúc gỗ ấy đâu. Ta làm thế là muốn tác thành cho hai người. Sau khi vượt qua chướng ngại này, cậu ta mới có thể thương yêu cô hết lòng được.

Tôi tròn mắt, không biết phải nói sao, đầu óc quay cuồng, rối bời. Khabi tủm tỉm cười, bước lại gần tôi:

- Nhưng mà, ta cũng đã đặt ra cho cậu ta một vài trở ngại. Chắc chắn rồi. Không lẽ để cậu ta có được cô dễ dàng vậy ư?

Tôi cứ ngây người đứng bên cửa sổ, mưa vẫn đang rơi, những hạt nước trong veo như ngọc lan trên trên lá biếc, từng giọt tí tách rơi. Tôi nghẹn ngào hỏi:

- Cô đã làm gì nữa thế?

Cô ấy cười rung rinh:

- Ta bảo cậu ấy rằng, nếu muốn cứu cô, phải đánh đổi mười năm tuổi thọ của mình để ngăn chặn luồng khí độc đang trỗi ngược trở lại trừng phạt cô.

Đầu tôi đau buốt đến nỗi tôi chỉ muốn tìm một khe hở nào đó và ấn nó vào:

- Vì sao cô lại nói vậy?

Khabi thôi cười, vẻ mặt nghiêm túc:

- Để kiểm chứng tình cảm của cậu ấy dành cho cô. Làm gì có người đàn ông nào bằng lòng đánh đổi mười năm tuổi thọ của mình chỉ để lấy một đêm ân ái? Nếu cậu ấy chỉ thèm khát cô, chắc chắn sẽ không nhận lời.

Tôi giật thót tim, quay lại nhìn Khabi:

- Vậy, chàng... chàng bảo sao?

- Không nói gì cả, chỉ ngồi bất động ngắm cô đường chìm trong giấc ngủ mê mệt.

Khabi xòe hai bàn tay, ra điều cô ấy cũng không biết gì hơn:

- Sao ta có thể ở lại trong tình huống ấy chứ? Sau khi nói xong, ta đã về cung, để cậu ấy ở lại với cô.

Tôi dõi mắt nhìn làn mưa loang loáng lướt qua khung cửa, ra sức kêu gọi trí nhớ. Nhưng dù đã cố gắng ghép những mảnh vụn, cũng không sao ghép nổi một khung cảnh hoàn chỉnh. Rốt cuộc... rốt cuộc... chàng có...

Do dự hồi lâu tôi mới ấp úng hỏi:

- Hôm nay, khi cô quay lại đây, có thấy...

Khabi nhún vai:

- Lúc ta đến thì không thấy ai cả. Cô vẫn nằm yên trên giường, quần áo vẫn gọn gàng, không hề suy suyển.

Tôi cúi xuống nhìn lại mình. Vẫn là bộ xiêm y mặc trong lễ hội Sitatapatra, không hề có chút cảm giác nào khác lạ. Nhưng nghĩ kỹ lại thì hình như có điều gì khang khác. Hay biết đâu, chỉ tại tôi suy nghĩ nhiều quá đó thôi!

Khabi lại tủm tỉm cười đầy ẩn ý:

- Thể chất của loài hồ ly không giống với người thường nên chúng ta sẽ không đau đớn, khổ sở như những phụ nữ khác trong lần đầu tiên ấy. Bởi vậy, nếu cô không có bất cứ ấn tượng nào thì đành phải đi hỏi cậu ấy vậy.

Tôi giật mình. Làm sao tôi có thể mở miệng hỏi chàng chuyện này kia chứ! Và làm sao chàng có thể trả lời thành thật về chuyện này kia chứ!

- Cô đừng quên rằng vẫn còn một khả năng nữa! – Khabi chưa bao giờ thôi khuyên khích tôi, cô ấy khẽ vỗ vào vai tôi. – Khả năng đó là, cậu ấy không làm gì cả, bỏ cô ở lại đây và ra về.

Tôi sững sờ! Đột nhiên trong lòng vô cùng trống trải. Nếu chàng bỏ rơi tôi, liệu tôi có nên oán trách chàng? Thân phận đặc biệt của chàng, cộng với lời đe dọa của Khabi hoàn toàn khiến chàng có đủ lý do để bỏ mặc tôi. Nhưng nếu chàng thật sự làm vậy, lẽ nào những nỗ lực của tôi trong suốt bao năm qua sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa?

Lo lắng cho cô con dâu vừa mới sinh, lo lắng cậu con trai sẽ hóa điên vì sự mất tích của tôi, sau khi kể rõ ngọn ngành, Khabi liền trở về hoàng cung. Một mình tôi giữa căn phòng trống trải, yên ắng, lặng nhìn cơn mưa rả rích ngoài cửa sổ, trong lòng ngổn ngang trăm mối. Ban ngày, chắc chắn chàng đang bận bịu chuẩn bị cho chuyến trở về Sakya sắp tới, dù có về phủ Quốc sư tôi cũng không tìm được chàng. Thế nên, mãi khi màn đêm buông xuống, tôi mới hóa phép trở lại hình dạng hồ ly, thất thiểu trở về phủ Quốc sư.

Phủ Quốc sư đèn đuốc sáng trưng, tất cả mọi người đều đang hối hả thu dọn đồ đạc. Xe ngựa của Kháp Na đỗ ở giữa sân, lúc này tôi mới sực nhớ, cậu ấy đã đến Trung Đô!

Rất nhiều người có mặt trong phòng Bát Tư Ba, chàng đang căn dặn Rinchen và đại đệ tử Drakpa Odzer. Chàng muốn hai người đó ở lại Trung Đô, đảm trách các công việc về Phật pháp trong hoàng cung và coi sóc việc xây chùa.

Kháp Na ngồi trên giường, tựa lưng vào gối, chân trái thu lại, một tay đặt lên đầu gối. Dáng vẻ thảnh thơi, vô tư lự của cậu ấy như thể muốn nói với mọi người rằng, cậu ấy không hề bận tâm đến mấy việc đó. Ánh nến rực rỡ chiếu rọi gương mặt gầy guộc của cậu ấy. Cậu ấy có vẻ mệt mỏi, chốc chốc lại nghiêng đầu ho khan. Ánh mắt dừng lại giữa không trung, vẻ mặt thâm trầm, lặng lẽ, không hiểu đang suy nghĩ chuyện gì.

Tôi nhảy lên giường, thấy tôi, Kháp Na vui mừng hớn hở, cậu ấy chìa tay ra định ôm tôi nhưng đột nhiên sắc mặt biến đổi, cậu ấy nghiêng đầu ho dữ dội. Vì có nhiều người ở đó nên tôi không dám lên tiếng, chỉ lo lắng, nhảy vào lòng cậu ấy. Bát Tư Ba quay ra, thấy tôi, sắc mặt chàng thay đổi một cách kỳ lạ. Lúc này tôi mới nhìn rõ gương mặt mệt mỏi của chàng, những sợi râu lún phún dưới cằm, ánh mắt sâu hun hút, phức tạp, khó đoán.

Dường như có điều gì khiến chàng mất tự nhiên nên chỉ một lát sau, chàng quay đi hướng khác. Kháp Na cũng rất lạ lùng, thường ngày cậu ấy rất thích được ôm tôi vào lòng nhưng lúc này, hình như cậu ấy không muốn chạm vào tôi nữa.

Tối hôm đó, căn phòng của Bát Tư Ba, người ra người vào nườm nượp. Kháp Na không về phủ Bạch Lan Vương mà nghỉ lại trong phòng anh trai. Mãi đến tận nửa đêm về sáng, khi chỉ còn lại ba người, tôi mới cất tiếng gọi:

- Kháp Na...

Kháp Na xoay lưng về phía tôi:

- Tiểu Lam, ta rất mệt.

Tôi quay sang Bát Tư Ba:

- Lâu Cát...

Giọng chàng nhè nhẹ cất lên:

- Ngủ thôi!

Tôi đành giữ lại trong lòng những điều muốn nói, lặng lẽ trở về chái nhà kế bên.

Đêm đó, tôi cứ trằn trọc suy nghĩ, không sao yên giấc. Tôi nghe thấy rõ tiếng trở mình liên hồi của hai anh em họ ở phòng bên cạnh, mãi cho đến khi trời sáng.

Trên điện Đại Minh, Hốt Tất Liệt ân cần hỏi han công việc chuẩn bị trở về Sakya của Bát Tư Ba, Nhà vua không giấu nổi sự lo lắng:

- Khi còn tại vị, Mông Kha Hãn chia đất Tạng thành những mảnh nhỏ, ban cho mấy người anh em của ta làm đất phong. Các giáo phái Phật giáo tại vùng đất phong đều nhận được chiếu thư và lệnh chỉ của Mông Kha Hãn, và một số giáo phái có quan hệ hết sức mật thiết với những người anh em của ta. Mông Kha Hãn đã chết nhưng nếu muốn các giáo phái nhất nhất nghe theo mệnh lệnh của quốc sư, e là không dễ. Rất có thể họ sẽ dùng chiếu thư của Mông Kha Hãn để gây khó dễ cho quốc sư.

Bát Tư Ba trầm tư suy ngẫm một lát rồi cúi đầu cung kính, thưa rằng:

- Xin Đại hãn hãy thảo một chiếu thư, ghi rõ: Đại hãn giao phó cho thần xử lý toàn bộ việc chính sự của đất Tạng, yêu cầu tăng nhân của các giáo phái phải tuân thủ pháp chỉ của thần. Như vậy, thần có thể danh chính ngôn thuận thống lĩnh toàn thể tăng chúng.

Hốt Tất Liệt gật đầu tán thưởng:

- Ý của quốc sư rất hợp ý ta. Ngoài việc ban chiếu thư, ta còn muốn lập ra Tổng chế viện để quản lý toàn bộ sự vụ liên quan đến Phật giáo và công việc chính sự của khu vực Tufan, và quốc sư sẽ là người đứng đầu cơ quan này. Như vậy, không một tăng nhân hay giáo phái nào dám chống đối quốc sư nữa!

Ẩn thân trên thanh xà ngang, tôi giật mình sửng sốt. Từ xưa đến nay, trở thành quốc sư của bậc đế vương là chức vị cao nhất mà một nhà sư có thể có được. Số tăng nhân được giao nhiệm vụ quản lý các công việc hành chính, chính sự lại càng ít ỏi. Thế nên Bát Tư Ba đã vô cùng xúc động, chàng khẩn thiết thưa rằng:

- Được Đại hãn trọng dụng như vậy, Bát Tư Ba xin thề sẽ cúc cung tận tụy, xả thân báo đáp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.