Ngày Tháng Sống Cùng Sủng Phi

Chương 27: Thế Hệ Phi Thường




Hai con cua cô mua với giá rẻ vào tối thứ Bảy đã không còn nhiều gạch, sáng thứ hai Hoài Chân bèn lấy làm nước súp bánh bao. Sáng ngày đầu tiên làm bài kiểm tra khảo sát ở trường Hiệp Hòa, bảy giờ ba mươi phút, khi Hoài Chân ăn xong bánh bao đi ra đầu phố Clay thì Vân Hà mới rời giường, vừa thấy cô liền lớn tiếng chúc: “Ăn bánh bao, em phải thi đậu lớp 9 thì mới được về gặp chị nhé!”

Cùng kiểm tra với cô còn có bốn mươi đứa trẻ mười một mười hai tuổi, còn có cả một người năm xưa về nước đi học, sau đó về lại Mỹ xếp lớp. Tổng cộng có mười hai đề thi, cấp độ khó sẽ tăng dần theo thứ tự.

Bốn đề trước chủ yếu thi về quan hệ phức tạp trong gia tộc Trung Quốc, điền vài từ vựng quen thuộc, ví dụ như “Anh trai của cha là: (bác)? Em trai của cha là: (chú)? Con của chú bác là (anh em họ nội)? Con của bác gái, cậu, dì là (anh em họ ngoại)?”;

Bốn đề tiếp theo là viết chính tả những đoạn văn ngắn về truyền thống đạo đức tốt Trung Hoa, ví dụ như “nếu bạn đối xử tốt với người ta thì người ta sẽ đối xử tốt lại với bạn. Nếu bạn không đối tốt với người ta thì người ta cũng không tốt với bạn”, vân vân;

Bốn đề cuối cùng có liên quan đến lòng yêu nước, hai đề trước viết ngắn gọn về “nước vì dân mà lập, nước vì dân mà còn”, và câu cuối cùng là viết một bài văn với đề bài “tầm quan trọng của đất nước”.

Tất cả các đề bài đều được viết bằng chữ Trung Quốc, suốt một tuần qua Hoài Chân không ngừng luyện tập viết chữ phồn thể, cuối cùng cũng đã có tác dụng. Đồng thời cũng không khỏi cám ơn thời gian thi ở trường Hiệp Hòa là vào sáng sớm, nếu không đến buổi chiều thì có khi quên luôn một nửa mớ chữ cô cô nhét vào đầu tối qua mất.

Bắt đầu từ lúc lên cấp ba, phần lớn những bài kiểm tra yêu cầu học thuộc thì phải đến đêm trước khi học cô mới chịu “nước đến chân mới nhảy”, nhưng hiệu quả lại khá nổi bật, những bài thi lớn nhỏ chưa bao giờ thấp hơn 85 điểm, dù nội dung có nhiều hoặc ít hay là ngôn ngữ gì. Cô nhớ cuối học kỳ một trong năm đầu tiên mới đến Đức, vô tình chọn một lớp không ra gì, suốt một học kỳ đều mời trợ giảng tới chơi với bạn học, trước khi thi cuối kỳ thì ném cho mỗi người một xấp đề cương, tổng cộng có bảy trăm đề được in bằng cỡ chữ 10 chi chít trên giấy A4, cuối cùng in xong cũng gần năm trăm trang. Hoài Chân mất một ngày để lọc ra các từ khóa, mất bảy tiếng buổi đêm ghi nhớ trọng điểm, lúc vừa nộp bài thì lập tức quên sạch, cuối cùng được 1.7 (khoảng 9 điểm). Nếu nói cô có có gì xuất sắc mà số lượng không nhiều, thì có lẽ cũng chỉ có được trí nhớ tuyệt vời này.

Hoài Chân làm bài xong, kiểm tra lại một lượt, nếu như từ câu một đến câu tám đúng trên 90%, bốn câu còn lại không quá be bét thì dù vào học cấp ba cũng không có vấn đề lớn. Khi cô làm bài kiểm tra, cô cũng có thoáng suy nghĩ: Là một học sinh chuyển trường có chút thông minh, dù sau này không theo kịp các bạn cùng lớp luôn cặm cụi miệt mài học bài, thì chí ít cũng không cần phải đến trường cùng đám trẻ mười hai mười ba tuổi.

Ra khỏi trường Hiệp Hòa, Hoài Chân thở phào một hơi. Về chương trình học ở trường công lập Viễn Đông chiều nay thì cô không lo lắng lắm: so với việc dùng chữ phồn thể viết về Xích Bích phú, thì cô muốn dịch bài thơ Ly Tao* bằng tiếng Anh hơn.

(*Ly tao là tác phẩm tiêu biểu của Khuất Nguyên, là bài thơ lãng mạn-trữ tình-tự thuật đầu tiên và lớn nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc. Ly tao nổi tiếng đến mức người Trung Quốc về sau coi đó là đại biểu của thơ ca.)

Trường công lập Viễn Đông do giáo hội Cơ đốc thành lập ở phố người Hoa, cũng như cái tên, trường cũng cách ly học sinh vùng Viễn Đông với học sinh da trắng. Là người da vàng thế hệ hai ở San Francisco, con em thương nhân Nhật Bản cũng bị cô lập ở đây; cả người Trung Quốc lẫn hậu duệ người Nhật đều là chủng tộc cô lập đưa ra yêu sách với chính quyền tiểu bang California.

Nhưng vì Nhật Bản là đồng minh chống Nga của Mỹ, nên thủ tướng Ito Hirobumi và tổng thống Roosevelt không muốn quan hệ giữa Mỹ – Nhật trở nên căng thẳng, thế là ông cũng tham gia vào vấn đề di dân Nhật Bản, sau khi ký kết “Hiệp Ước của Người Quân Tử” giữa Mỹ và Nhật, thì học sinh Nhật Bản có thể vào trường trung học cơ sở công lập trắng của California, trong khi học sinh Trung Quốc và học sinh Hàn Quốc, Mông Cổ và Philippines chỉ có thể tiếp tục học ở trường Viễn Đông.

Có nhiều học sinh trong bài kiểm tra đầu vào này hơn ở trường Hiệp Hòa. Mười hai mười ba học sinh da vàng, từ 12 đến 16 tuổi, nội dung bài thi đều là tiếng Anh. Bài viết bao gồm bốn bài, bao gồm nghe, đọc và viết tiếng Anh, viết văn cũng như lịch sử địa lý, thời gian thi là ba tiếng đồng hồ.

Hoài Chân làm xong bài thi trong vòng hai tiếng, lại từ bài kiểm tra ở dây mà suy ra chế độ phân cấp ở trường trung học Viễn Đông. Từ điểm số trong hai bài thi sáng và chiều, cô nhẩm tính, vào trường Hiệp Hòa hẳn là cấp ba (trên tổng sáu cấp), còn trường công lập Viễn Đông chắc ít nhất có thể ở cấp ba (cao nhất là cấp bốn).

Nửa tiếng sau, giám thị da trắng Maria thấy cô mãi không động bút thì lấy bài làm của cô đi, nói cho cô biết một tuần sau sẽ có kết quả chấm điểm gửi về nhà. Hoài Chân bước ra phòng thi, chúng học sinh ở trường công lập cũng vừa tan tiết, một đám người đang xúm lại bảng thông báo ở sân thể thao xem thông báo mới nhất được dán lên. Hoài Chân đứng bên ngoài đợi một lúc, sau khi mọi người tản đi thì bị một đám người từ phía sau chen lên trước, lúc này mới thấy rõ thông báo màu vàng xám được viết bằng tiếng Anh:

“Mời học sinh khóa trên tại trường trung học công lập Viễn Đông đăng ký tham gia làm nhân viên hướng dẫn tại cuộc thi “Miss Chinatown” tổ chức vào ngày 22 tháng 2, tổng cộng mười người, ưu tiên phụ nữ, trợ cấp mỗi ngày là 12 đô la Mỹ. Liên hệ số điện thoại, 412-1039-293.”

—— Chính quyền tiểu bang California, “Hội phụ nữ phương Tây” và Bệnh viện Trung Hoa.

Hoài Chân vừa đọc thông báo xong thì lại bị các học sinh đẩy ra ngoài.

Trong tiếng cười đùa, Hoài Chân cùng học sinh tan học ra khỏi phố Clay. Cách đó không xa, mấy cảnh sát liên bang cao lớn mặc cảnh phục màu xanh đậm cầm một cuốn sổ trong tay, đang hỏi ủy ban giáo dục nhà trường điều gì đấy.

“Bọn họ đang điều tra dân số,” Một học sinh người Hoa dùng tiếng Anh nói với bạn học người Mông Cổ của mình, “Hôm nay họ có đến nhà mình, nghe nói bọn họ biết hội trưởng hội quán Nhân Hòa không có mặt nên nhân cơ hội điều tra dân số ở phố người Hoa.”

Ra khỏi phố Clay, mỗi học sinh đều đi về phố nhà mình, các thiếu niên ồn ào đến phố Grant Ave dần thưa đi.

Đi trên đường gặp ít nhất cũng không dưới mười cảnh sát liên bang, ai cũng cầm sổ gõ cửa từng nhà hỏi. Nếu như nhà không có ai thì sẽ dán giấy lên cửa, mời chủ nhà ngày hôm sau đến đồn cảnh sát liên bang.

Ở tiệm tạp hóa đối diện cửa hàng giặt giũ cũng có sáu bảy cảnh sát, đối với đối tượng trọng điểm này thì dĩ nhiên phải có sự chăm sóc đặc biệt, Hoài Chân cũng không bất ngờ chút nào.

Đi đến cửa nhà, cô vẫn không nhịn được dừng bước, nhìn thêm mấy lần.

Không có Ceasar.

Anh rất quen với bọn họ, đều là nghị sĩ đảng Cộng hòa đến California, nhưng không biết rốt cuộc anh phụ trách làm gì.

Cũng không biết anh mặc đồng phục của cảnh sát liên bang thì sẽ ra sao… Có vẻ là rất ngớ ngẩn.

Vừa đi vừa nhìn như thế, chân trước còn chưa vào cửa tiệm giặt giũ A Phúc thì đã nghe thấy Thiên Tước đẩy xe rỗng ở sau trêu cô: “Nhìn ai mà chăm chú thế hả? Không sợ ngã sao.”

Hoài Chân quay đầu lại, không để ý đến lời trêu ghẹo của anh ta, chỉ hỏi, “Hôm nay có ai đến cửa điều tra không?”

Thiên Tước đẩy xe vào cửa tiệm, nói, “Không có, chỉ đến ghi lại tuổi tác nghề nghiệp của hộ gia đình thôi.”

Hoài Chân gật đầu rồi đặt cặp sách xuống, ra bên ngoài nhìn hai lần: những người giúp việc nữ đang mở cửa ra, mời cảnh sát đi vào.

“Nhớ cậu tình nhân nhỏ của em hả?” Thiên Tước đến gần hỏi, “Hôm nay cậu ta không cố ý nhờ người đến cửa chuyển lời nữa…”

Hoài Chân ngẫm nghĩ, như vận lần sau tiệm tạp hóa có thêm người thì chắc cảnh sát liên bang có thể phát hiện đầu tiên. Dù không có cách giải quyết ngay từ đầu, thì chí ít cũng coi như có bằng chứng xử phạt buôn người.

Đang mải mê suy nghĩ thì cô nghe thấy Thiên Tước nói thêm một câu: “Có điều hình như cậu ta có tự mình đến, lúc đến chỉ có một mình anh, hỏi anh gì đó anh cũng chịu, đành chỉ vào tiệm thuốc đối diện, nói em sau khi tan lớp hẳn sẽ đến đó, thế là cậu ta đi ngay… Có phải là người tóc vàng mắt xanh kia không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.