Ngã Rẽ Tác Ái

Chương 54: Thư của Diệp Vẫn Thần




Bùi Hành Nghiễm hành quân vội vã, đã đi liên tục ba canh giờ, y nhìn thấy đám binh lính đều có vẻ mỏi mệt liền hạ lệnh:

- Nghỉ ngơi tại chỗ nửa canh giờ!

Y vừa ra lệnh, bọn lính đều xuống ngựa, kẻ thì dẫn ngựa đến bờ sông uống nước, kẻ thì thả ngựa đi ăn cỏ, còn đám lính thì trải da dê xuống đất, sau đó ngồi xếp bằng uống nước và ăn cơm trưa. Vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa, bên bờ sông lập tức trở nên náo nhiệt.

Bùi Hành Nghiễm ngồi trên một tảng đá lớn, y lấy bản đồ trải rộng ra. Y vừa nhận được khoái tin (tin cấp tốc) từ Sở Vương Điện hạ, quân Đường suất binh ba mươi ngàn, chủ tướng là Lý Thần Thông, phó tướng là Sài Thiệu. Bùi Hành Nghiễm cũng biết chút ít về sự phân bố thế lực quân đội của triều Đường. Nếu như quân đội của Lý Thế Dân đến quận Hội Ninh, rất có thể là sẽ từ quận Lũng Tây tiến lên phía bắc.

Nhưng bây giờ là Lý Thần Thông và Sài Thiệu dẫn quân tới, vậy thì chắc chắn bọn chúng chỉ có thể theo đường từ quận Bình Lương mà đến. Lũng Tây ở bên kia là thế lực của Lý Thế Dân, không có quân đội của Lý Thần Thông. Quân đội mà Lý Thần Thông dẫn theo, chỉ có thể là đội quân mà triều Đường bố trí ở Quan Nội.

Quân ở Quan Nội cũng không phải là chủ lực của quân Đường. Chủ lực của quân Đường là một triệu đại quân trong tay Lý Thế Dân, trong đó có ba mươi ngàn Huyền Giáp kỵ binh vô cùng sắc bén. Quân ở Quan Nội chủ yếu là để phòng ngự, vốn là đám nghĩa quân tạo phản ở Quan Trung, sức chiến đấu kém quân chủ lực một bậc.

Bùi Hành Nghiễm trời sinh tính cách kiêu ngạo, y rất tự tin có thể một trận quét sạch quân Đường, vấn đề hiện giờ là quân Đường đang ở chỗ nào? Từ quận Bình Lương vào quận Hội Ninh có tất cả bốn con đường, quân Đường sẽ đi theo con đường nào?

Trước đó không lâu, đại chiến Trung Nguyên khiến cho thiên hạ phải khiếp sợ nhưng Bùi Hành Nghiễm lại không có cơ hội tham gia, chuyện này vẫn khiến y rầu rĩ không vui. Hơn nữa, trong đại chiến Trung Nguyên, biểu hiện của La Sĩ Tín quá chói sáng, đánh bất phân thắng bại với mãnh tướng đệ nhất thiên hạ Lý Huyền Bá. Hiện tại, trong quân Tùy đang đều nhắc đến sự dũng mãnh của La Sĩ Tín, khiến cho Bùi Hành Nghiễm có chút cảm giác chua chát.

Hiện tại Bùi Hành Nghiễm rất mong lần này có thể gặp được Lý Huyền Bá, y cũng rất mong có thể giao chiến với Lý Huyền Bá một lần, cảm nhận sự dũng mãnh của mãnh tướng đệ nhất thiên hạ. Vậy mà người tới lại là Lý Thần Thông, điều này có nghĩa là Lý Huyền Bá sẽ không xuất hiện.

Lúc này, một gã kỵ binh thám báo hăng hái chạy tới, từ xa đã hô lên:

- Bùi Tướng quân đang ở đâu?

Bùi Hành Nghiễm đứng lên:

- Ta ở đây!

Kỵ binh thám báo xoay người xuống ngựa, bước nhanh về phía Bùi Hành Nghiễm rồi quỳ xuống:

- Khởi bẩm Bùi Tướng quân, đã phát hiện tung tích quân Đường.

Bùi Hành Nghiễm mừng rỡ, vội hỏi:

- Quân Đường hiện đang ở nơi nào?

- Khởi bẩm Tướng quân, ba mươi ngàn quân Đường đã tiến vào quận Hội Ninh, nhưng bọn chúng lại chia làm hai đạo, một đạo đã xuôi nam, đạo còn lại đóng quân tại chỗ.

Bùi Hành Nghiễm cau mày lại:

- Đây là chiến lược gì? Không ngờ chúng lại xuôi nam rồi, định phòng thủ mà không đánh sao?

Y lại hỏi:

- Đạo quân Đường đóng quân tại chỗ có bao nhiêu người, bố trí ra làm sao?

- Hồi bẩm Tướng quân, bọn họ đóng cách thành Vân Thiên khoảng trăm dặm, ước chừng mười ngàn người.

Thành Vân Thiên nằm trên đỉnh Vân Thiên tại một nhánh núi Lục Bàn ở giữa quận Hội Ninh và quận Bình Lương, nương theo quan đạo, từ trên cao nhìn xuống, địa hình hiểm yếu, là một tòa thành kiên cố được xây dựng, tu sửa thời Bắc Ngụy. Ban đầu là dùng để phòng vệ đội kị binh của người Hồ đến từ thảo nguyên, từng hoang phế vào thời nhà Tùy. Sau khi kiến lập nhà Đường, vì để phòng vệ hành động xâm lấn về phía đông của Tây Tần Tiết Cử, tòa thành Vân Thiên lại được sửa mới, dùng để đóng quân.

Thành Vân Thiên đích thật là một tòa thành quân sự, chu vi khoảng bảy dặm, có thể đóng được hơn ngàn quân. Lúc này, trong, ngoài thành đóng mười ngàn quân của Sài Thiệu, trong đó, năm ngàn quân đóng trong thành, năm ngàn quân còn lại đóng dưới sườn núi bên trái. Các binh sĩ đang bận rộn đắp lũy ngăn dòng suối, một lượng lớn lương thực được vận chuyển vào trong thành.

Trên bức tường vây quanh thành, Sài Thiệu khoanh tay quan sát binh lính bận rộn khiêng đá, chặt cây, ánh mắt y trầm ngâm, thể hiện tâm sự trùng trùng. Sau một hồi đắn đo, Sài Thiệu cuối cùng không có cùng với Lý Thần Thông đánh xuống phía nam, mà ở lại Trung Bắc bộ, quận Hội Ninh. Tuy y được bổ nhiệm làm phó tướng, nhưng trên thực tế, y và quân đội của y hoàn toàn độc lập, có thể tự mình hành động.

Sài Thiệu lại không tán thành chiến thuật kéo dài của Lý Thần Thông, y không phải là một viên đại tướng, mà là là một quan viên có thứ bậc cao, cực kì có tiếng nói ở Đại Đường. Bất luận là ở triều đình hay ở trong hoàng tộc, thậm chí là trong quân đội, địa vị của y đều rất cao.

Trên một phương diện nào đó, địa vị của y thậm chí còn cao hơn Lý Thần Thông. Lý Thần Thông là Hữu dực vệ đại tướng quân, Sài Thiệ lại là Tả dực thiệu đại tướng quân, chỉ là bởi vì trong Quan Nội đạo là phạm vi thế lực của Lý Thần Thông, Lý Uyên mới để Lý Thần Thông làm chủ tướng.

Mặc dù mối quan hệ cá nhân của Sài Thiệu và Lý Thần Thông rất tốt, nhưng chuyện liên quan đến quốc gia đại sự, y không chịu làm trái nguyên tắc. Trước lúc lên đường, thánh thượng đã giao phó rất rõ ràng, đoạt lấy huyện Lương Xuyên và vùng mỏ lân cận, đuổi thế lực của nhà Tùy ra khỏi quận Hội Ninh.

Sài Thiệu hiểu rõ lo lắng Lý Uyên. Tài nguyên khoáng sản tại quận Hội Ninh có thể giúp nhà Tùy trở nên giàu có, lớn mạnh. Đồng thời, quận Hội Ninh lại là hành lang nối liền tuyến đường từ thành đến Hà Tây. Một khi quận Hội Ninh bị quân Tùy chiếm lĩnh, quân Tùy có thể đánh về phía tây, tiến nhập vào hành lang Hà Tây, đánh về phía đông, có thể cuốn sạch lấy năm quận phía nam. Quận Hội Ninh có giá trị chiến lược to lớn vô cùng đối với nhà Đường.

Chỉ là bởi vì đã kí kết hiệp nghị đình chiến Tùy - Đường, chịu sự bó buộc của hiệp nghị, quân Đường mới giảm lượng quân trú đóng tại quận Hội Ninh, không ngờ quân Tùy lại phá bỏ hiệp nghị, xuất binh chiếm lĩnh quận Hội Ninh. Sài Thiệu hiểu rõ sự phẫn nộ và sự lo lắng đối với việc mất đi quận Hội Ninh trong lòng thánh thượng.

Chính vì điểm này, Sài Thiệu kiên quyết phản đối sách lược trốn tránh của Lý Thần Thông. Nếu chỉ là tỏ rõ thái độ, không có bất cứ hành động thực chất nào, như vậy, lần xuất binh này còn có ý nghĩa gí? Chỉ là Sài Thiệu không thuyết phục được Lý Thần Thông, bọn họ mới phải chia ra mỗi người một ngả.

Trong lòng Sài Thiệu hiểu rõ, chỉ dựa vào mười ngàn binh trong tay y thì không cách nào đoạt lại vùng mỏ, càng không cách gì đánh đuổi quân Tùy, y phải đợi viện binh. Y đã phái người gửi tin đến Trường An, xin triều đình trợ giúp.

Một bên, đại tướng tâm phúc của Sài Thiệu - Đoàn Đức Thao thấp giọng nói với Sài Thiệu:

- Lý Thần Thông không chịu tấn công quân Tùy, đại tướng quân lại nói rõ với thánh thượng, lần này không phải là đắc tội với Lý Thần Thông rồi sao? Dẫn đến sự bất mãn của thái tử.

Sài Thiệu cười lạnh một tiếng:

- Sài Thiệu ta là phò mã đương triều, tự lập môn hộ, còn sợ đắc tội với y ư? Nếu không nói rõ chuyện này, nếu trận chiến thất bại, trách nhiệm đó là của ai đây?

- Nhưng bên thái tử….

Không đợi y nói xong, Sài Thiệu khoát tay cắt ngang sự lo lắng của y, bình thản nói:

- Nếu thái tử bất mãn, ta cứ đi thường đến Tần vương phủ vài chuyến.

Liên quan đến Tần vương và thái tử, Đoàn Đức Thao không dám nhiều lời nữa. Nhưng trong lòng Đoàn Đức Thao có chút kì quái, y hiểu rõ Sài Thiệu. Sài Thiệu con người này, ngoài mặt là kiên quyết giữ vững nguyên tắc, nhưng trên thực tế, y là một kẻ khéo léo, tuyệt không dễ dàng đắc tội với người khác, càng không nói đến đắc tội với thái tử.

Nhưng Sài Thiệu lại tố cáo Lý Thần Thông tinh thần ứng chiến tiêu cực với thánh thượng. Điều này thực hơi khác thường, không phù hợp với phong cách làm việc của Sài Thiệu, làm cho Đoàn Đức Thao trăm nghĩ cũng không hiểu được.

Đúng vào lúc này, một tên kỵ binh từ xa xa chạy gấp đến. Tinh thần Sài Thiệu rung lên, y nhận ra tên kỵ binh này là y phái đi thám thính.

Một lát sau, kỵ binh men theo đường núi chạy lên, một đường chạy thẳng đến dưới thành, lớn tiếng nói:

- Khởi bẩm đại tướng quân, chúng tôi phát hiện hỵ binh của quân Tùy, khoảng mười ngàn người, đang tiến nhanh đến thành.

Sài Thiệu giật mình kinh hãi, liền vội vàng hỏi:

- Quân Tùy còn cách nơi này bao xa?

- Khoảng ba mươi dặm!

Sài Thiệu trong lòng nhanh chóng tính toán, ba mươi dặm đường không xa, đối với kỵ binh mà nói, nhiều nhất là nửa canh giờ đã có thể đến được đây. Y lại nhìn các binh sĩ quân Đường đang xây đắp thành lũy, ít nhất còn phải mất thời gian một ngày mới có thể xây xong lũy, không kịp rồi.

- Truyền lệnh của ta, ngừng xây thành lũy lại, chuẩn bị cung tên, phòng vệ nơi hiểm yếu!

Theo tiếng ra lệnh của Sài Thiệu, quân Đường bắt đầu nhanh chóng tập kết, từng đội quân Đường bố trí tại nơi hiểm yếu ở chân núi, giương cung, lắp tên, trận đại sẵn sàng nghênh đón quân địch.

Lúc này, từ đằng xa truyền lại âm thanh lào rào, mặt đất rung nhẹ, ngay sau đó bụi đất bay lên, một đại đội kỵ binh đang phóng nhanh về phía đỉnh Vân Thiên.

Sài Thiệu ngưng nhìn đội kỵ binh mịt mù cả đất trời đánh đến, đột nhiên lạnh lùng nói với quan công văn bên cạnh:

- Lập tức gửi thư cho quân Tùy, nói ta thống lĩnh một đội cô binh, huyết chiến với đội kỵ binh chủ lực của quân Tùy, binh lực tuy yếu, nhưng thà chết không lùi.

Bên cạnh, Đoàn Đức Thao khẽ giật mình, y đột nhiên có chút hiểu thâm ý của Sài Thiệu.

Bùi Hành Nghiễm thống lĩnh mười ngàn kỵ binh phóng đến, y xa xa nhìn, trông thấy thành Vân Thiên trên đỉnh núi, cách mặt đất khoảng hai trăm thước, thế núi hiểm trở, tòa thành xây dựng vô cùng cao lớn, kiên cố, dễ thủ khó công.

Bùi Hành Nghiễm nhíu chặt mày, muốn đánh tòa thành này, quả thật không dễ, vả lại quân Đường thủ ở trên núi, làm cho kỵ binh quân Tùy mất đi ưu thế.

Quân Đường là mười ngàn quân, mình cũng là mười ngàn quân, vả lại, quân Đường có lợi thế địa hình, nên ngược lại chiếm ưu thế hơn, trận này không dễ đánh.

- Tướng quân, không bằng vây thành, đánh quân tiếp viện!

Một viên lang tướng bên cạnh kiến nghị nói.

Bùi Hành Nghiễm trầm tư một lát, nhiệm vụ tổng quản giao cho y rất đơn giản, trấn giữ vùng mỏ, tiêu diệt quân địch đến xâm phạm. Từ tòa thành Vân Thiên này đến vùng mỏ huyện Lương Xuyên khoảng một trăm ba mươi dặm. Nếu như hành quân gấp, một ngày một đêm có thể đến vùng mỏ, cho nên nói tòa thành đang nằm trong phạm vi uy hiếp, phải nghĩ cách triệt hạ tòa thành này.

Nghĩ đến đây, y lập tức ra lệnh cho tên giáo úy của đội trinh sát:

- Ngươi mang một trăm huynh đệ trinh sát đi giám sát cánh quân phía nam của quân Đường, nếu bọn hắn có ý đồ tấn công về phía bắc, lập tức bẩm báo cho ta.

- Tuân lệnh!

Giáo úy ôm quyền hành lễ, dẫn một trăm lính trinh sát chạy nhanh về phía nam, dần dần không còn thấy bóng dáng.

Bùi Hành Nghiễm lại hạ lệnh:

- Đội quân đóng trại tại chỗ, tạm thời không tiến công.

Quân Tùy lập tức dựng mấy trăm doanh trướng dưới chân núi, bọn họ là mình không cưỡi ngựa đến, không có mang quá nhiều mâu kích, chỉ có thể bố trí tuần tra gần doanh trướng, phòng ngừa quân Đường ban đêm đánh úp vào trại.

…………

Màn đêm từ từ buông xuống, thành lũy của quân Đường cũng xây được tám phần, trên đỉnh núi ánh đuốc sáng rực. Màn đêm nuốt mất điạ hình núi đen mù mịt, doanh trướng ở giữa không trung, như một tòa cung điện lóe sáng rực rỡ trên trời.

Cách chân núi hơn hai dặm, đại doanh của quân Tùy cũng đèn đuốc sáng trưng như vậy, mấy ngàn bó đuốc cắm trên cọc gỗ ở khắp bốn phía trong đại doanh, làm cho dưới đất xuất hiện một vòng lửa vô cùng lớn, nhìn cũng vô cùng tráng lệ.

Sài Thiệu đứng trên tường thành quan sát vòng lửa dưới đất, ánh mắt tràn đầy suy tư, lúc này, đại tướng Khâu Hành Cung tiến lên thấp giọng nói:

- Đại tướng quân, ty chức có một kế, có thể phá tan quân Tùy!

- Ngươi nói, kế sách gì?

- Ty chức phát hiện, quân Tùy là đến tay không, bốn phía không có mâu kích, cứ như vậy mà hạ trại, quả thật rất dễ công phá, chỉ cần quân Tùy xuất hiện nội loạn, chúng ta có thể từ trên cao đánh xuống, đánh vào trường của địch phá trận.

Sài Thiệu cười khổ một tiếng:

- Ngươi nói thật đơn giản, làm sao mới có thể làm quân Tùy nội loạn, ta không nghĩ được cách.

Khâu Hành Cung cười:

- Ty chức là người của quận Phù Phong, nhưng đã sống ở quận Hội Ninh mười năm, có thể nói tiếng bản địa trôi chảy, ý của ty chức là…..

Khâu Hành Cung kề tai Sài Thiệu nói nhỏ vài câu, Sài Thiệu có chút do dự:

- Khâu tướng quân, như vậy quá mạo hiểm, mà ngươi được danh xưng thiên hạ đệ thập mãnh tướng, rất nhiều quân Tùy đều biết ngươi, ngươi rất dễ bị nhìn ra, như vậy không ổn.

Khâu Hành Cung lại nói:

- Vậy do tiểu giáo lộ diện, ty chức đích thân mang một ngàn kỵ binh mai phục bên ngoài, nếu quân Tùy có nội loạn, ty chức sẽ nhân lúc náo loạn đột kích vào doanh trại, nhất định có thể đem đầu của Bùi Hành Nghiễm về gặp đại tướng quân.

Khâu Hành Cung sốt ruột lập công, hơn nữa y không phải là người của Sài Thiệu. Sài Thiệu không cự tuyệt được thỉnh cầu, chỉ có thể đồng ý:

- Được, ta cho ngươi một ngàn kị binh và năm mươi chiếc xe lớn, nếu có gì ngoài ý muốn, lập tức trở về doanh trại, không được làm càn!

- Đại tướng quân yên tâm, ty chức tất có tin tốt truyền về.

………..

Khâu Hành Cung là con thứ của đại tướng Khâu Hòa thời Tùy mạt, võ nghệ siêu quần, sử dụng một cây thiết thương đến xuất quỷ nhập thần, có phần giống La Sĩ Tín, nhưng y so với La Sĩ Tín còn kém một bậc, đứng thứ mười trong bảng thiên hạ thập mãnh tướng.

Nhưng Khâu Hành Cung tuy rằng võ nghệ dũng mãnh, nhưng y cũng quỷ kế đa đoan, hành sự không theo cách chính thống. Cuối những năm Đại Nghiệp, y cũng ở Phù Phong triệu tập một cánh nghĩa quân, nhưng binh lực không nhiều, chỉ có hơn ngàn người.

Y liền nhìn trúng một cánh nghĩa quân hơn mười ngàn người khác, mạo hiểm giả làm người dân địa phương đưa lương thực cho cánh quân này, kết quả, lúc thủ lĩnh của nghĩa quân cảm tạ y, y động thủ giết vị thủ lĩnh này, đoạt đi cánh quân, hành sự rất can đảm.

Lần này, y cùng với Sài Thiệu xuất chinh đến quận Hội Ninh, mục tiêu lớn nhất của y là giết Bùi Hành Nghiễm, lấy thứ mười giết thứ năm, tất sẽ làm y dương danh thiên hạ. Nhưng trực tiếp đánh nhau, cơ hội thắng của y không lớn, y bèn dùng kế giết Bùi Hành Nghiễm.

Đêm càng sâu, màn đêm càng đen kịt, mấy đội tuần tra đang tuần tra gần đại doanh quân Tùy, phòng vệ không để lọt một giọt nước.

Lúc này, lính tuần tra hô to:

- Là người nào, đứng lại!

Mười mấy tên lính tuần tra chạy đến, giương cung lắp tên, nghênh trận, chỉ nhìn thấy một đội xe lớn đến trong bóng tối, khoảng bốn năm chục chiếc,người đàn ông đứng đầu hô to:

- Đừng bắn, chúng tôi là ngươi dân vùng này, đến để đưa lương thảo cho quân Tùy.

Lính tuần tra bốn phía càng ngày càng đông, đốt đuốc sáng rực, một gã giáo úy chạy đến, đánh giá đám thổ dân đưa lương thảo, đều là mã phu thông thường, khoảng mấy chục người đàn ông đánh xe ngựa, ăn mặc đủ kiểu khác nhau, giáo úy lại nhìn đến xe ngựa, trên xe phân nửa là lương thực, một nửa là cỏ khô.

- Các ngươi là người đến từ đâu?

Một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi bước lên, mang nặng âm địa phương nói:

- Chúng tôi là nông dân gần đây, vài tòa nông trang quanh đây, khi nghe nói quân Tùy đến, bèn gửi lương thảo đến, chỉ khẩn xin quân Tùy tác chiến đừng lan đến nông trang.

Giáo úy trầm ngâm một chút, gật đầu:

- Đa tạ hảo ý của các ngươi, chỉ là bây giờ đang chiến tranh, các ngươi không thể đến gần đại doanh, lương thảo thì dỡ xuống, tự ta sẽ chuyển yêu cầu của các ngươi đến chủ tướng, các ngươi nhanh rời đi đi.

Đám nông dân dỡ lương thảo xuống, cáo từ đi rồi. Không bao lâu Bùi Hành Nghiễm nghe tin, vội đến. Y xem xét tỉ mỉ đống lương thảo, cũng phải mấy trăm thạch lương thảo. Nhưng thức ăn nuôi gia súc không tệ, đều là thức ăn tốt, khoảng hơn một ngàn gánh.

Quân Tùy là tay không đến, ngựa dư đều dùng để vận chuyển lều trại, lương thảo bọn họ mang theo quả thật không nhiều, chỉ có thể duy trì khoảng ba đến bốn ngày, cho nên những lương thảo này đến thật đúng lúc.

Bùi Hành Nghiễm lập tức lệnh:

- Chuyển lương thảo vào đại quân.

Lúc này, một tên lang tướng nhắc nhở:

- Tướng quân, lương thảo này lai lịch không rõ, phòng ngừa có gian trá.

Bùi Hành Nghiễm gật đầu, quân trinh sát của y tuần tra xung quanh, cũng không phát hiện ở đâu có thôn trang, đám nông dân đưa lương thảo quả thật lai lịch bất minh.

Y lập tức lại hạ lệnh:

- Lệnh cho Lương Tào tra xét tỉ mỉ những lương thảo này.

Hơn một ngàn binh sĩ quân Tùy dắt ngựa đến, chuyển lương thảo vào đại doanh. Một sự xuất hiện ngoài ý muốn thức tỉnh Bùi Hành Nghiễm, y lại ra lệnh, binh sĩ nghỉ ngơi, không được phép tháo giáp, binh khí không được rời tay, chiến mã không được rời khỏi doanh trướng.

………….

Tại một nơi hiểm trở dưới chân núi, Sài Thiệu híp mắt nhìn đại doanh của quân Tùy dưới chân núi, y cũng rất trông đợi đại doanh của quân Tùy bị loạn, nếu như vậy, đúng theo ý nguyên của y.

Người thì luôn từ từ thành thục, tùy theo sự thay đổi của hoàn cảnh mà thay đổi tâm thái, thay đổi suy nghĩ. Sài Thiệu đơn thuần, nhiệt huyết năm đó, trong lúc xây cung Phần Dương, bị Dương Nguyên Khánh xoay vòng vòng, thậm chí suýt nữa táng mạng.

Nhưng Sài Thiệu đã hơn ba mươi tuổi lúc này, đã trở thành quan lớn của Đại Đường. Trong quan trường ngươi lừa ta gạt làm cho nội tâm y ngày càng thuần thục, bắt đầu có lòng dạ, có tâm cơ, biết dùng thủ đoạn mưu đoạt lợi ích cá nhân, đương nhiên, y càng biết lảng tránh nguy hiểm.

Đoàn Đức Thao bên cạnh lo lắng ưu phiền nói:

- Đại tướng quân, Khâu tướng quân làm như vậy quá nguy hiểm, quân Tùy không phải đồ ngốc. Cho dù Bùi Hành Nghiễm nhất thời không nghĩ đến, nhưng những đại tướng khác chưa chắc không nghĩ đến. Nếu như một khi phát giác có gian trá, Khâu tướng quân sẽ gặp nguy hiểm. Đại tướng quân nên khuyên ngăn y, hoặc phái người nhắc nhắc y.

- Y là người của Tần vương, ta sao có thể khuyên ngăn y?

Sài Thiệu không lạnh không nóng trả lời một câu, xoay người trở vào thành, xa xa nghe y truyền lệnh:

- Lệnh cho các đạo quân không được phép trở về trường ngủ, chỉ được phép nghỉ ngơi ngay tại chỗ!

Đoàn Đức Thao lại thở dài, y cảm thấy Sài Thiệu không quan tâm chút nào đến sự sống chết của Khâu Hành Cung, thậm chí còn có chút trông mong Khâu Hành Cung xảy ra chuyện.

……………

Giữa những đại trướng chằng chịt không dứt, Bùi Hành Nghiễm cước bộ gấp gáp, bước chân sải rộng, làm cho binh sĩ của y phải chạy bước nhỏ mới có thể theo kịp.

Y nhanh bước đến mười mấy lều trại lớn ở phía Bắc, đây là nơi chứa lương thảo và những thứ khác. Lính đứng gác dày đặc bốn phía, cảnh giới nghiêm ngặt.

Đi vào một lều trướng lớn, Thương Tào tham quân sự chịu phụ trách quản lí lương thảo, vội tiến đến hành lễ, Bùi Hành Nghiễm không có tâm trạng phí lời với ông ta, y lập tức nói:

- Ở đâu?

- Tướng quân mời đi theo tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.