Ngã Rẽ Tác Ái

Chương 53: Thiên kim hắc đạo




Trong số tất cả con rể, người được Lý Uyên tín nhiệm nhất chính là Sài Thiệu. Không chỉ vì Sài Thiệu là người đi theo y lâu nhất, còn rất trung thành và tận tâm với Lý Uyên. Hơn nữa, trong quá trình Lý Uyên khởi binh, Sài Thiệu và vợ của y là Bình Dương Chiêu Công chúa đã lập được rất nhiều công lao hiển hách.

Cho nên Sài Thiệu lần đầu tiên có thể một mình lĩnh quân, có được thế lực quân đội của mình. Y đảm nhiệm chức vụ Tả dực Vệ Đại tướng quân, dẫn hai mươi ngàn quân bảo vệ xung quanh kinh thành.

Trong số các phe phái ở triều Đường, Sài Thiệu là người theo Long phái, nguyện trung thành với Hoàng đế Lý Uyên. Trong cuộc chiến tranh giành giữa Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân, y đứng ở vị trí trung lập, cố gắng hết sức để không tham gia vào cuộc chiến giữa hai người.

Tuy nhiên, bởi vì vợ của Sài Thiệu là Bình Dương Chiêu Công chúa Lý Tú Ninh và Lý Thần Thông có quan hệ vô cùng tốt, mà Lý Thần Thông lại thuộc vây cánh của Lý Kiến Thành, chính vì người vợ này mà Sài Thiều ít nhiều cũng bị cho là người thuộc vây cánh của Thái tử.

Lần điều binh khiển tướng này chính là do Lý Thần Thông dẫn theo hai mươi ngàn quân Quan Nội, Sài Thiệu dẫn theo mười ngàn quân. Lý Uyên tránh né không dùng quân đội thuộc thế lực của Lý Thế Dân, điều này nói lên rằng Lý Uyên cũng chấp nhận quan hệ của Sài Thiệu và Thái tử.

Mặc dù nói như thế, Sài Thiệu vẫn duy trì mối quan hệ khá tốt với Lý Thế Dân. Ở lần xuất binh trước, y đến phủ Tần Vương mượn người, chính là mượn thủ hạ mãnh tướng Khâu Di Cung của Tần Vương làm Đại tướng Tiên phong cho mình.

Đây cũng là chỗ khôn khéo của Sài Thiệu. Để cho thê tử thông qua cây cầu là thúc phụ Lý Thần Thông kết nối tạo quan hệ với Thái tử Lý Kiến Thành, còn y lại cố ý duy trì kết giao với Tần Vương Lý Thế Dân.

Cứ như vậy, Kiến Thành hay Thế Dân thì y cũng không đắc tội. Sau đó, dù y đã có được thế lực của mình, cuối cùng bất kể là ai đăng cơ, y vẫn có thể duy trì được địa vị của mình.

Mà Lý Thần Thông lại là nhân vật trọng điểm được Lý Kiến Thành nôi kéo. Từ lúc Lý Uyên vẫn còn là đại thần triều Đường, Lý Kiến Thành đã có quan hệ vô cùng tốt với Lý Thần Thông.

Hơn nữa, Lý Thần Thông này là người hết sức chú trọng đến vấn đề quan hệ huyết thống gia tộc. Mũi tên của Lý Thế Dân bắn chết Lý Trí Vân, cũng làm cho trái tim của Lý Thần Thông cảm thấy giá lạnh. Chính từ lúc đó, y bắt đầu dùng toàn lực ủng hộ Thái tử Kiến Thành.

Trong số các đại thần nắm thực quyền quân đội ở triều Đường, Lý Thần Thông được xếp thứ tư, gần với Lý Hiếu Cung. Thế lực quân đội của y chủ yếu là ở các lộ quân đầu hàng loạn phỉ ở Quan Trung, là do y và Lý Tú Ninh thuyết phục đám loạn phỉ này đầu hàng Lý Uyên.

Cuối cùng, thế lực loạn phỉ này bị phân làm hai. Một phần trở thành thủ hạ của Lý Tú Ninh, sau này biến thành thế lực quân đội của Sài Thiệu. Phần còn lại là do Lý Thần Thông thống lĩnh, y tuyển chọn lấy ba mươi ngàn tinh binh, đóng ở Quan Nội.

Hơn nữa, cộng thêm ba mươi ngàn quân đóng ở Hà Tây, cứ như vậy, quân đội trong tay Lý Thần Thông liền có hơn sáu mươi ngàn người, phạm vi thế lực bao gồm hai khu vực lớn là Quan Nội và Hà Tây.

Lần này Lý Uyên bổ nhiệm Lý Thần Thông làm chủ tướng thu phục quận Hội Ninh bị quân Tùy chiếm đoạt, cũng chính vì quận Hội Ninh thuộc phạm vi cai quản của thế lực Lý Thần Thông, chính là bụng làm dạ chịu.

Trên đường lớn nối liền quận Bình Lương với quận Hội Ninh, ba mươi ngàn quân Đường xếp thành từng hàng, trùng trùng điệp điệp bước đi, cờ bay phấp phới, che trời phủ đất. Lý Thần Thông đầu đội kim khôi, mình mặc kim giáp, một cây đại sóc đặt ngang trên lưng ngựa, uy phong lẫm liệt.

Nhưng trong mắt y hiện lên chút lo âu. Y rất lo lắng lần xuất binh tới quận Hội Ninh này đánh không lại quân Tùy, cuối cùng toàn quân bị diệt. Kỳ thật trong lòng Lý Thần Thông cũng thuộc phái bình ổn. Y biết mình đánh giặc cũng không lành nghề, chỉ là vì rất được Thánh thượng tín nhiệm nên mới thống lĩnh trọng binh.

Nếu thực sự để y một mình đọ sức với quân Tùy, trong lòng y cũng không có chút nào chắc thắng, thậm chí nội tâm còn có chút trống rỗng. Chủ tướng của quân Tùy là mãnh tướng đứng thứ năm thiên hạ Bùi Hành Nghiễm, vô cùng dũng kiệt. Lại có Phong Châu tinh kỵ, y lấy cái gì để đối chiến với quân Tùy?

Nhưng việc đã đến nước này, y không đánh một trận không được. Quận Hội Ninh nằm trong phạm vi thế lực của y, nếu y không đánh thì không thể nắm được thế lực Quan Nội, còn có Lý Thế Dân thờ ơ lạnh nhạt ở phía sau.

Trong lòng Lý Thần Thông rất rối ren. Đại tướng tâm phúc Sử Vạn Bảo của y ở bên cạnh liền thấp giọng khuyên nhủ:

- Hiện tại đang ở đầu sóng ngọn gió, Vương gia không ngại mà tỏ chút thái độ, giữ mà không đánh. Quân Tùy ở phía bắc quận Hội Ninh đào mỏ thì chúng ta đóng quân ở phía nam quận Hội Ninh. Bảo vệ một thông đạo đi tới quận Võ Uy, như vậy là có thể cho triều đình và Thánh thượng một cái lý do. Qua một thời gian, chuyện này cũng lắng xuống thôi.

Sử Vạn Bảo vốn là đại hiệp Trường An. Những năm cuối Đại Nghiệp y giương cờ tạo phản, thủ hạ dưới trướng có bảy tám mươi ngàn nghĩa quân. Sau này bị Lý Thần Thông hợp nhất, nghênh đón quân Đường vào thành, được phong làm Nguyên quốc công, là nhân vật số ba dưới tay Lý Thần Thông, gần với đệ đệ Lý Thần Phù.

Sử Vạn Bảo khoảng bốn mươi tuổi, là người khôn khéo láu cá, cực hiểu đạo lý đối nhân xử thế. Y có thể đoán được một cách chính xác nội tâm đầy mâu thuẫn của Lý Thần Thông.

Lý Thần Thông trầm ngâm một lát. Lời của Sử Vạn Bảo thật đúng với nỗi lòng y, nhưng y lại nói:

- Nếu chỉ áp mà không đánh, ta lo lắng lý do này không đủ làm hài lòng Thánh thượng.

Sử Vạn Bảo cười híp mắt:

- Chẳng lẽ Vương gia còn không biết tâm của Thánh thượng? Trung Nguyên vừa mới bại, Thánh thượng còn lấy đâu ra tự tin đánh bại quân Tùy? Nếu quận Hội Ninh lại bại, Thánh thượng làm thế nào cho dân chúng Quan Lũng một cái lý do, chẳng lẽ Thánh thượng sẽ không xét đến điều này sao? Vương gia, thật ra Thánh thượng cũng rất mâu thuẫn.

Lý Thần Thông dần bị thuyết phục. Nếu đã như vậy, y còn phải thương lượng với Sài Thiệu một chút. Y lập tức sai thuộc hạ:

- Nhanh chóng mời Phò mã đến đây!

Một lát sau, Sài Thiệu cưỡi ngựa chạy như bay tới, từ xa đã cười nói:

- Hoàng thúc tìm tiểu chất có việc sao?

Sài Thiệu và thê tử đều gọi Lý Thần Thông là thúc phụ, Lý Thần Thông cũng thường đến phủ Sài Thiệu nói chuyện phiếm, quan hệ giữa hai người rất mật thiết.

Lý Thần Thông cười ha hả nói:

- Tìm hiền chất tới là muốn thương lượng một chút kế sách đối phó quân Tùy.

Y cầm roi ngựa chỉ đến một vùng đồi núi ở phía xa:

- Qua dãy núi đó là đến quận Hội Ninh rồi. Quân Tùy lấy kỵ binh làm chủ lực, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể đụng độ quân Tùy, nhất định phải phòng ngừa chu đáo. Có một số chuyện nhất định phải suy xét trước mới được.

Sài Thiệu hơi trầm ngâm một chút rồi hỏi:

- Không biết Hoàng thúc có kế sách gì?

Luận về kinh nghiệm tác chiến, Lý Thần thông đã tham gia cuộc chiến tiêu diệt Lý Quỹ, còn Sài Thiệu đã tham gia cuộc chiến với Tây Tần, kinh nghiệm hai bên đều không khác biệt lắm. Nhưng Lý Thần Thông là bề trên, lại là chủ tướng của lần tiến công quận Hội Ninh này, Sài Thiệu muốn nghe theo sắp xếp của y.

Trong đầu Lý Thần Thông đã lập sẵn kế hoạch, y không chút hoang mang nói:

- Binh pháp viết, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Nhưng chúng ta lại biết rất ít về quân Tùy, trận chiến lần này không có chút nắm chắc nào, cho nên ta tính toán lấy ổn định là chính, không cần liều lĩnh, càng không thể nóng lòng cầu thắng, phải chuẩn bị tác chiến trường kỳ.

Sài Thiệu là người rất khôn khéo, y vừa nghe Lý Thần Thông nói phải tác chiến trường kỳ, trong lòng đã hiểu rõ ràng vấn đề, là Lý Thần Thông không muốn tác chiến với quân Tùy.

Trên mặt y lộ ra vẻ khó khăn:

- Ý của Hoàng thúc cũng có đạo lý, nhưng Thánh thượng yêu cầu chúng ta trước tiên phải đoạt lại mỏ quặng. Nếu chúng ta chậm trễ, thời gian kéo dài, chỉ sợ khó có thể ăn nói với Thánh thượng.

Sắc mặt Lý Thần Thông lập tức trùng xuống, câu trả lời của Sài Thiệu khiến y cảm thấy khó chịu. Lúc này, y liền trở mặt không nhận nữa, lạnh lùng nói:

- Vậy thỉnh cầu Sài Tướng quân vất vả hơn một chút, dẫn bản bộ đi trước đoạt lại quặng mỏ. Ta chúc Sài Tướng quân mã đáo thành công.

Nói xong, y không để ý đến Sài Thiệu nữa, giục ngựa chạy về phía trước, lớn tiếng hô:

- Toàn quân giảm tốc độ, vững bước tiến lên!

Sài Thiệu nhìn bóng dáng Lý Thần Thông đi xa, y không khỏi cười khổ một tiếng, bóng dáng quân Tùy còn chưa thấy đâu, nội bộ quân Đường đã bắt đầu rối loạn, trận này phải đánh thế nào đây?



Bên bờ tây Tổ Lệ Xuyên thủy, một đội kỵ binh khoảng mười ngàn người đang gào thét chạy tới, đội kỵ binh che trời phủ đất chạy qua vùng làng quê, tiếng vó ngựa khiến cho cả vùng đất bị chấn động. Đại tướng dẫn đầu là Bùi Hành Nghiễm giơ cao trường sóc, mười ngàn kỵ binh nhanh chóng giảm tốc độ hành quân. Toàn bộ xếp thành hai đội ngũ thật dài.

Đội kỵ binh này là quân Phong Châu triều Tùy nhận lệnh xuôi nam, trợ giúp cho chiến dịch quận Hội Ninh. Lúc này, quân Tùy ở quận Hội Ninh đã có hai mươi ngàn quân, đều là kỵ binh, do Đại tướng Bùi Hành Nghiễm thống nhất chỉ huy. Bùi Hành Nghiễm chia quân làm hai đạo, một đạo do Phó tướng Hạ Thắng thống lĩnh, đóng giữ mỏ quặng và huyện Lương Xuyên, đạo còn lại do đích thân y suất lĩnh, tùy thời truy tìm tung tích quân Đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.